Chó Dẫn Đường Phiêu Lưu Ký - Tập 1

14



Xin các bạn hãy đừng lo lắng. Tôi nghĩ rằng chặng đường đau khổ của tôi đã kết thúc. Tôi đang ngồi dưới ban-công nhà mình. Nhưng tôi không sao hiểu nổi, những người thân yêu của tôi đang ngủ say hay sao mà không nghe tiếng sủa của tôi? Chẳng ai bước ra ban- công. Hay cả nhà đi vắng hết rồi? Không sao. Tôi đã chịu đựng và chờ đợi nhiều rồi, bây giờ có chờ thêm một chút cũng không sao.
 
Có một phụ nữ đi ngang qua. Tôi đã nhìn thấy bà ấy ở đâu đó rồi, trông quen lắm. A, nhớ ra rồi, bà ấy là hàng xóm, sống ở cổng cầu thang kế bên. Bà ấy dừng lại trước mặt tôi và ngạc nhiên hỏi:
 
– Ôi, con chó của thằng bé Sashka, có đúng không nào?
 
– U-u! – Tôi trả lời.
 
– U nghĩa là sao?
 
Bà cô ơi, nếu bà không hiểu được tiếng chó thì cứ đi làm công chuyện của bà đi. Lúc này tôi không rảnh để nói chuyện đâu.
 
– Mày đi tha phương ở cái xứ quỷ nào vậy? – Bà hàng xóm tiếp tục. – Ba người trong nhà lật tung cả Matxcơva này lên để tìm mày đấy. Công an còn tới nhà nữa. Thằng bé Sashka khóc hết nước mắt.
 
Các bạn nghe thấy rồi chứ? Bà ấy chuẩn bị lên lớp đạo đức tôi nữa đây. Tôi nói rồi, bà đi làm công chuyện của bà đi. Người gì mà lạ! “Mày tha phương xứ quỷ nào”, “Công an đến nhà”. Công an cũng đến với tôi nữa đấy, nhưng mà có được cái gì đâu.
 
– Mày không biết xấu hổ sao, đồ chó đực chạy rông?
 
– Bà ấy lắc lư cái đầu. – Chạy theo con chó cái nào đó chứ gì?
 
Ơ, cái bà này ăn nói lạ nhỉ? Bà có quyền gì mà vu cho tôi điều nhục nhã ấy? Chính bà mới không biết xấu hổ. Thế mà cũng gọi là hàng xóm láng giềng. Bộ người ta chưa nói cho bà biết là tôi bị bắt trộm sao? Chó cái nào ở đây? Lúc đó tôi đang thi hành công vụ. Bà cũng nên biết rằng vì phải kìm nén bản năng và phải chịu đựng áp lực tâm lý rất nặng nên chó dẫn đường bao giờ cũng chết sớm hơn những con chó làm nghề khác. Vậy mà bà nhiếc tôi là “đồ chạy rông theo chó cái”. Không biết gì thì đừng có mà thưa thốt nhé.
 
– Nào, đi, tao đưa mày lên căn hộ, – bà ấy chỉ tay về phía cổng cầu thang.
 
Vậy có phải hơn không? Đi thì đi.
 
Chúng tôi vào cổng cầu thang. Cái mùi chất thải của lũ mèo ngu ngốc chẳng lấy gì làm dễ chịu, nhưng dù sao, cổng cầu thang này cũng thân thương vô cùng đối với tôi.
 
Cần phải tìm những từ nào đó cho chính xác để diễn tả tâm trạng của tôi. Tóm lại, tim tôi như muốn vọt ra khỏi lồng ngực. Tôi cùng bà cô ưa giảng đạo đức đi thang máy lên tầng nhà tôi. Bà ấy bấm chuông cửa một hồi, nhưng cửa vẫn im ỉm đóng.
 
– Ngồi đây, – bà ấy nói với giọng ra lệnh. – Không được đi đâu cả. Mọi người sắp về rồi đấy. Bây giờ tao về nhà tìm số điện thoại của chị Svetlana Sergeevna để gọi cho chị ấy. Hiểu chưa?
 
Hứ, xuất hiện một huấn luyện viên dạy chó nghiệp dư! Tôi còn thiết đi đâu nữa, sau khi đi hết nửa vòng trái đất để trở về được nơi đây? Vậy mà bà còn ra lệnh “Ngồi đây!”. Bà này ngốc thật. Đi gọi điện đi. Không thấy hông tôi đã lép kẹp vì đói rồi sao? Hay bà còn muốn đứng đó giảng thêm nửa tiếng đồng hồ nữa về lối hành xử và về chuyện ai sai, ai đúng? Thật chẳng may mắn khi gặp phải bà “huấn luyện viên” dở hơi này.
 
Bà ấy đi về nhà mình ở cổng cầu thang bên kia. Khi tìm thấy số điện thoại của mẹ, chắc bà ấy sẽ linh hoạt hơn chăng, nói tía lia cho mà xem…
 
Tôi ngồi suốt một tiếng rưỡi đồng hồ trước cánh cửa im ỉm ấy. Bỗng tôi nghe… có tiếng thang máy dừng ngay tầng mình. Tim tôi như ngừng đập. Nào… Cửa thang máy rùng mình, kêu lên ken két và mở ra.
 
Nếu các bạn nghĩ rằng ai đó trong số những người thân của tôi bước ra từ thang máy thì tôi buộc phải làm cho các bạn thất vọng. Trên sảnh lại xuất hiện bà cô ưa giảng về đạo đức, lối sống.
 
– Sao, mọi người vẫn chưa về cơ à?
 
Sao tôi chán những câu hỏi kiểu này thế không biết. Bà cô yêu quý, phải biết tự suy luận lấy chứ. Nếu mọi người đã về thì mắc gì tôi phải ngồi trên cái sảnh vắng ngắt này?
 
– Chắc cũng sắp về đến rồi đấy. Tao đã gọi cho chị
 
Svetlana, nói là tao đã tìm thấy mày.
 
Ăn nói hết sức tùy tiện! Ai tìm thấy tôi? Bà ư? Bây giờ tôi mà sủa cho một tiếng thì bà sẽ phải chạy xuống tầng trệt còn nhanh hơn thang máy! Ăn với chả nói. Các bạn hãy nói đi, tại sao người ta thích nói dối đến thế? Đây là một thí dụ điển hình. Các bạn nghe rồi chứ? Bà ấy tìm thấy tôi. Tìm thấy ở đâu? Tìm thấy ở gần cổng cầu thang. Tại sao bà ấy lại phải tìm tôi, khi mà tôi đã tự tìm thấy nhà mình và ngồi đợi những người thân của mình ngay bên dưới ban-công?
 
Hoan hô!!! Gâu, gâu! Gâu, gâu, gâu! Cửa thang máy lại mở ra và… Đây rồi, những người thân yêu nhất của tôi đây rồi! Sashka thân yêu! Mẹ thân yêu! Bà ngoại thân yêu! Tôi nhảy lên, ôm lấy họ mà hôn (nghĩa là liếm ấy mà). Sashka ôm tôi chặt đến nỗi xương sườn tôi kêu lên răng rắc.
 
– Trisha yêu quý của tôi! Tôi mong chờ bạn biết bao nhiêu, biết bao nhiêu!!!
 
Sashka không kìm được nước mắt, ngồi bệt xuống sảnh, òa khóc. Mọi người xúm đến an ủi, vỗ về, còn tôi thì nép sát vào người cậu ấy, rên lên khe khẽ vì vui sướng.
 
– Nào, đi vào nhà đi, – mẹ Svetlana bảo với bà ngoại và bà hàng xóm, – hãy để hai đứa ngồi với nhau một lát.
 
– Hãy đưa cả chúng vào nhà đi chứ, – bà hàng xóm tỏ ra chẳng hiểu biết gì. – Tại sao lại để chúng ngồi ngoài này, ngay trên sàn?
 
– Đi, tôi nói rồi, – mẹ nói dứt khoát. – Để mặc cho chúng ngồi riêng với nhau một lát cho khuây nỗi nhớ.
 
Mọi người để cho tôi và Sashka ngồi lại với nhau ngoài sảnh. Sashka vẫn nước mắt giàn giụa, sụt sùi khóc, vuốt ve tôi, hôn tôi, còn tôi cũng liếm mặt cậu ấy mấy cái cho đỡ nhớ.
 
– Bạn làm sao thế, Trison?
 
Xem kìa, vậy mà tôi cứ tưởng Sashka và mọi người đã quên hẳn cái tên hoàng đế của tôi. Cảm ơn nhé, Sash… Không, tôi cũng sẽ gọi cậu theo tên chính thức: Cảm ơn nhé, Alexander! Tôi thật sung sướng khi thấy cậu vẫn không quên tên chính thức của tôi. Giờ thì cậu có gọi tôi là con bù nhìn cũng được, tôi sẽ không giận đâu. Thật đấy. Điều quan trọng nhất: cậu nhớ tên tôi. Đừng quên rằng tên của một con chó, đó là cuộc đời, số phận của nó. Ở con người cũng thế thôi. Cậu biết không, Sashka, mới đây tôi có nhìn thấy một tạp chí rất ngộ, có tên là “Chó”, nhưng lại nói về chuyện người. Tờ tạp chí ấy đã tạo cảm hứng cho tôi sáng tác mấy câu thơ sau đây trong khi ngồi trước cửa đợi mọi người về. Tất nhiên là rất đáng tiếc vì tôi không thể đọc cho cậu nghe, nhưng tôi sẽ viết ra đây cho bạn đọc thưởng thức. Thơ rằng:
 
Đôi lúc tôi nghĩ một khi là chó
 
Thì sẽ không bao giờ có thể biến thành người
 
Nhưng tôi vẫn luôn thầm tâm niệm: Chó cũng có khi có trái tim người
 
Cậu hiểu không, Sashka, tôi đã chu du khắp chốn và kết quả là gì? Kết quả là tôi bắt đầu sáng tác thơ. Còn cậu, lần sau đừng buộc tôi vào cọc, đừng bỏ tôi lại một mình ngoài đường nhé. Cậu cũng nhớ dặn mẹ và bà là đừng bao giờ mắc bẫy khiêu khích của bất cứ ai. Họ không cho vào siêu thị thì thôi, mặc họ, mình không thèm vào. Gặp trường hợp như vậy, hãy đưa tôi về nhà, tôi nằm nhà cũng được, cậu sẽ đi với người sáng mắt. Cậu hiểu chứ? Đừng bao giờ bỏ tôi một mình nơi xa lạ. Đồng ý chứ? Sashka thật giỏi. Cậu ấy đã học được cách đọc ý nghĩ của tôi.
 
– Ôi, Trisha yêu quý, – cậu ấy nói. – Bạn thân thiết nhất của tôi…
 
Hóa ra tôi chỉ được làm hoàng đế trong chốc lát. Thôi, cũng chẳng sao. Tôi đã hứa là không giận dù cậu ấy gọi tôi bằng bất cứ cái tên gì.
 
– … Tôi xin hứa sẽ không bao giờ bỏ bạn một mình. Không bao giờ…
 
Thì chính tôi muốn nói đến điều ấy đấy. Được rồi, Sashka ạ. Thật là tuyệt vời khi mọi chuyện đã kết thúc tốt đẹp. Ta vào nhà đi. Tôi đang rất đói.
 
Tôi đã nói: Sashka đọc được ý nghĩ của tôi.
 
– Ôi, sao chúng ta cứ ngồi ở đây mãi thế này hở Trisha? Chắc là bạn đói lắm rồi. vào nhà đi. Tôi sẽ cho bạn ăn. Tôi sẽ rót sữa cho bạn. Đi nào, bạn thân mến của tôi. Đi…
 
Tôi ăn cật lực. Chưa bao giờ tôi ăn ngon miệng đến như thế. Cũng những loại thức ăn quen thuộc thôi, nhưng hôm nay sao mà ngon thế! Hay là người ta đã cải tiến dây chuyền sản xuất để cho ra lò các loại thức ăn tử tế hơn dành cho chó? Bà ngoại Elizaveta Maximovna còn bổ sung cho tôi một cái đùi gà ngon tuyệt.
 
– Ăn đi con, – bà nói. – Ăn cho lại sức. Mới mấy hôm mà gầy rộc hẳn đi.
 
Các bạn không tin nổi đâu, bà ngoại còn chúc tôi ngon miệng nữa đấy. Trong khi tôi đang ăn, bà, mẹ và bà hàng xóm đứng nhìn tôi chăm chú, khiến tôi cảm thấy hơi… mất tự nhiên. Nhưng sau bữa ăn hoành tráng đó, tôi lại bị một phen thất vọng. Cũng chỉ tại con người ta thôi. Tôi xấu hổ đến mức toàn thân đỏ lên như tôm luộc, may mà có bộ lông che khuất nên không ai thấy điều đó. Tôi nói thật đấy, tôi đỏ nhừ từ chót tai đến từng ngón chân.
 
Các bạn nghe đây, bà hàng xóm nói:
 
– Tôi đang đi, bỗng nhìn thấy một con chó đang ngồi bên đường. Tôi nhận ra ngay đó là con chó của Sashka. Tôi đi đến gần nó, nhưng nó sủa tôi…
 
Tôi sủa bà một tiếng bây giờ chứ dám nói dối trơ trẽn đến thế à? Nhưng tôi chỉ sợ làm như thế thì mất mặt những người thân của tôi.
 
– …Tôi nghĩ, phải bắt nó, giữ lại, đưa vào trong cổng cầu thang, nếu không nhỡ nó lại chạy mất.
 
Chúa ơi, bà nói dối như thế mà không sợ bị rụng lưỡi à? Bạn đọc thân mến, các bạn đã chứng kiến mọi chuyện rồi đấy. Bà ấy nói dối đến thế để làm gì?
 
– …Tôi kéo nó vào cổng cầu thang, nó chống cự rất dữ, tôi chỉ sợ nó tợp cho một phát vào tay.
 
Tôi muốn tợp cho bà một phát lắm rồi đấy. May cho bà là tôi có thần kinh thép, biết kiềm chế.
 
– Ôi, chị nói gì thế, – dường như mẹ đã cảm nhận được rằng bà hàng xóm nói xạo quá đáng, – chó này không bao giờ cắn.
 
– … Vất vả một hồi, cuối cùng thì tôi cũng lôi được nó vào cổng cầu thang, sau đó đưa nó lên trước cửa căn hộ nhà chị.
 
Sao bà không xạo nốt là bà đã ẵm tôi trên tay leo lên tận lầu 5? Thật xấu hổ. Tôi thật lấy làm xấu hổ cho hạng người như thế. Nhưng mà thôi, quên đi. Mặc sức cho bà ấy nói dối nói trá. Quan trọng nhất là tôi đã về tới nhà và Sashka đang ngồi cạnh tôi.
 
Nếu các bạn cảm thấy thú vị, tôi xin kể về những gì xảy ra tiếp theo. Mỗi lần trong nhà cạn tiền, cụ Ivan Savelievich thường nói:
 
– Trison, đừng buồn chán. Chuyện này dường như chỉ là một vệt đen xuất hiện trong đời. Về sau, chúng ta có thể nhận thấy rằng nó không đen lắm, mà có khi trở thành trắng.
 
Vì vậy, có thể coi như đã không xảy ra chuyện gì tồi tệ. Vệt đen hay vệt trắng? Chúng ta sẽ bàn tiếp trong phần thứ hai của câu chuyện.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.