Chó Dẫn Đường Phiêu Lưu Ký - Tập 1

25



Ngày thứ ba sau cuộc chiến tàn khốc ở ngoại ô, tôi hoàn toàn bình phục. Buổi sáng thức dậy, không còn thấy đau, không còn thấy rát, tâm trạng cực kỳ phấn chấn. Ngóc đầu dậy nhìn: anh bạn nhỏ của tôi còn ngủ say ngủ sưa, từ trong chăn thòi ra cái gót chân thô ráp. Bỗng dưng muốn “quậy” chút chơi. Tôi liếm nhẹ vào cái gót chân ấy và theo dõi. Cái gót thụt vào trong chăn ngay tức khắc. Sashka cựa mình, nhưng rõ ràng hãy còn ngái ngủ nên không hiểu chuyện gì xảy ra.
 
– Trisha! – Cuối cùng, cậu ấy cũng lên tiếng.
 
– Gâu! – Tôi trả lời.
 
– Lên đây nằm với tôi nào! – Sashka mời gọi.
 
Chẳng đợi mời tới hai lần, tôi nhảy phắt lên giường và nằm ép sát vào người cậu ấy.
 
– Bạn cảm thấy trong mình thế nào, Trisha? Chân có còn đau không? – Sashka dịu dàng hỏi.
 
– U-u. – Tôi trả lời.
 
– Thế còn bên dưới tai?
 
– U-u.
 
– Không còn đau ở bất cứ chỗ nào chứ?
 
– Gâu!
 
– Tuyệt! Thật tuyệt, Trisha à. Tôi thật sự mừng cho bạn. Ờ, mà bạn có dối để an ủi tôi không đấy?
 
– U-u!
 
– Nghe này, – bỗng nhiên Sashka như nhớ ra điều gì.
 
– Vậy hôm nay chúng ta đi ra ngoài hồ chơi nhé.
 
– Gâu-gâu!
 
– Bạn có muốn bơi lội không?
 
– Gâu-gâu!!! – Tôi khẳng định. Còn phải hỏi nữa!
 
– Vậy thì chuẩn bị đi, – Sashka ngồi bật dậy. – Bây giờ quan trọng nhất là đừng bị mẹ ngăn cấm. Nhưng tôi nghĩ rằng mẹ sẽ không phản đối…
 
Ôi, anh bạn của tôi thật ngốc. “Chuẩn bị đi” là thế nào? Tôi luôn sẵn sàng mà. Chính cậu mới phải lo mà chuẩn bị đi.
 
Tôi đưa Sashka đến phòng của mẹ và nằm xuống ngay bậc cửa.
 
– Mẹ ơi, mẹ đã thức hay còn đang ngủ? – Sashka hỏi.
 
– Mẹ thức rồi con ạ, chỉ nằm rốn chút thôi. Con dậy lâu chưa?
 
– Con cũng mới vừa dậy mẹ ạ. Mẹ ơi, hôm nay con muốn đi cùng Trisha ra hồ chơi, được không mẹ?
 
– Ra hồ chứa nước ấy à? – Mẹ ngạc nhiên.
 
– Vâng, thì… – Sashka lúng túng. – Thì có gì đâu hở mẹ? Chúng con sẽ rất thận trọng mà…
 
– Không được. Mẹ không thể để các con đi với nhau mà không có ai kèm. Con đừng giận…
 
– Thì mọi người cùng đi, có được không? – Sashka đề nghị.
 
– Con định đi lúc nào? – Mẹ hỏi.
 
– Ngay bây giờ cũng được, – Sashka trả lời dứt khoát.
 
– Không được rồi, con yêu, ngay bây giờ thì không được. Bây giờ con phải đi làm vệ sinh cá nhân đi, rửa mặt, đánh răng, chải tóc… Ăn sáng xong, chúng ta sẽ đi ra hồ.
 
– Ôi, cảm ơn mẹ! – Sashka nói rồi ôm choàng lấy mẹ.
 
Có nghĩa là mọi chuyện đều ổn. Dĩ nhiên trước tiên cần ăn sáng. Ai zà, rồi chúng ta sẽ bơi thỏa thích. Rồi mọi người sẽ thấy tôi là một thủy thủ lão luyện. Ôi, ước chi được phóng đi ngay! Sashka, cậu thật tuyệt!
 
Hai giờ sau, tôi đã có thể chiêm ngưỡng mặt hồ phẳng lặng như gương. Các bạn đã bao giờ nhìn thấy hồ chứa nước Bisserovo chưa? Hồ nước nổi tiếng ấy nằm gần trường chúng tôi đấy. Chúng tôi tìm được một chỗ khá thoải mái, cách xa đám đông những người nghỉ mát đang cắm trại ven hồ, đề phòng nhỡ có ai đó va phải Sashka. Một ngày tuyệt đẹp, nắng vàng tươi, rất hợp cho việc tắm hồ. Trong khi mẹ tháo bộ đồ nghề dẫn đường ra khỏi mình tôi, tôi cứ rên lên ư ử vì sốt ruột.
 
– Việc gì phải khóc vậy, anh bạn? – Sashka mỉm cười.
 
– Nào, bây giờ thì tha hồ mà bơi, mà tắm nhé.
 
Tôi hôn chú bé của tôi một cái rồi lao xuống “biển”. Các bạn có thể không hình dung được đó là niềm vui sướng lớn lao đến thế nào – bơi, lặn, ngụp, đắm mình trong nước mát. Vòi sen và bồn tắm ư – thua xa! Một số người thắc mắc: chó mà có thể tắm trong sông hồ ư? Với cái nghĩa là việc ấy liệu có hại gì cho chó hay không. Tôi xin trả lời ngay: không, ngàn lần không. Hại gì cơ chứ? Rõ ràng rồi, tắm sông, tắm hồ chứ nào phải tắm trong đầm lầy hôi thối? Hễ ở đâu người tắm được là loài chó chúng tôi tắm được, chẳng có hại gì tất. Xin các bạn hiểu cho rằng loài chó chúng tôi chịu nóng kém xa so với loài người. Mùa hè đến chúng tôi không thể tháo bộ da lông của mình treo vào trong tủ, ướp băng phiến (long não) như con người thường làm với cái áo lông của mình. Vì vậy, những thắc mắc như thế là thừa. Những ngày nóng nực, có người còn nhảy bừa xuống các hồ bé xíu quanh đài phun nước trong công viên để ngâm mình giải nhiệt nữa là. Vậy đủ biết chúng tôi cần tắm đến thế nào khi trời nóng.
 
Tất nhiên là tắm ở các hồ chứa nước không phải là không có những mối nguy nhất định. Thậm chí, các bạn có thể nhìn thấy bọn trẻ con bơi lội tung tăng, nói cười vui nhộn vậy đấy, nhưng nhìn kỹ mà xem, mấy khi có cha mẹ chúng bơi bên cạnh? Không hiếm khi bọn trẻ bơi lội vô tư cả ở những nơi có cắm biển đề “Khu vực cấm bơi lội”. Nếu là người lớn, đương nhiên các bạn có thời từng là trẻ nhỏ. Xin hãy nói thật đi, lúc nhỏ, các bạn có nghĩ đến hậu quả (rất dễ xảy ra) của việc tắm ở khu vực cấm hay không? Tất nhiên là không. Vậy đấy. Và giờ đây trẻ nhỏ cũng thế, chẳng lo sợ gì cả. Chỉ muốn tạt nước vào mặt chúng để cảnh cáo!
 
Cũng cần nói cho công bằng, không phải tất cả các hồ nước trong nội thành đều bị ô nhiễm, nhưng dù sao cũng không nên tắm trong các hồ nước nội ô, vì kiểu gì đi nữa, nước ở đó cũng không thể sạch tuyệt đối, mà tắm nước bẩn thì chẳng có gì hay ho cả. Còn các hồ nước ngoại thành thì lại là chuyện khác. Nước ở đây thật tuyệt, vì không bị tù hãm. Các bạn có muốn nghe một lời khuyên không? Nếu con chó của bạn khoái được vẫy vùng trong nước mà bạn lại không có thì giờ để đưa nó đi ra ngoại ô, vậy thì bạn có thể đưa nó đến hồ bơi chuyên biệt dành cho chó. Tôi nói nghiêm túc đấy. Hồi tôi sống với cụ Ivan Savelievich, bên nhà hàng xóm có một con chó cái giống Đức tên là Arfa. Mỗi một tuần nó đều được đưa đi tắm hồ bơi một lần. Cô nàng này chảnh chọe, kiêu căng thấy ghét. Một lần đi dạo, tôi với nó gặp nhau ngoài công viên, nó hỏi:
 
– Này, Trison, cậu đã đi hồ bơi bao giờ chưa?
 
– Chưa, – tôi trả lời.
 
– Không được, không được, – Arfa nói. – Cậu nhất thiết phải đi. Rất có lợi cho sức khỏe.
 
– Tớ biết, – tôi thở dài. – Nhưng ông cụ nhà tớ chỉ có đồng lương hưu còm cõi, phải sống tằn tiện lắm mới đủ qua ngày. Vì thế Arfa-Marfa tể tướng ạ, làm sao có thể đi tắm ở hồ bơi với lại đi xén lông ở mỹ viện dành cho chó được.
 
– Ôi, cậu thật chẳng may mắn khi gặp phải ông chủ nghèo, – con chó hàng xóm làm bộ thương hại tôi.
 
– Cậy dốt vừa thôi, – tôi nổi cáu. – Cậu tưởng chủ cậu càng giàu thì đời cậu càng sướng hay sao?
 
– Tất nhiên rồi, – Arfa nói tỉnh bơ. – Sống với người nghèo thì được cái gì cơ chứ? Chẳng có thức ăn cho đàng hoàng tử tế, chẳng được vui chơi giải trí. Vậy mà gọi là sung sướng ư?
 
– Cậu quả là ngu lâu. Không phải cứ được ăn ngon và được vui chơi mới là sung sướng, hạnh phúc, – tôi gầm lên.
 
– Vậy theo cậu, như thế nào mới là sung sướng, hạnh phúc? – Nó cũng rít lên nghe rất chảnh.
 
– Niềm hạnh phúc của loài chó chúng ta là làm cho con người cảm thấy hạnh phúc. Cậu có hiểu không?
 
– U-u, – nó lắc đầu, – tớ không hiểu. Chủ của tớ cảm thấy rất vui sướng, hạnh phúc khi có tớ trong nhà. Cậu không biết đâu, chủ của tớ rất vui mừng khi tớ…
 
– Đấy, vấn đề là ở chỗ đó, – tôi ngắt lời. – Vấn đề ở chỗ ông ấy là chủ của cậu.
 
– Cậu cũng có chủ của mình vậy, – Arfa ngạc nhiên.
 
– Tớ không có chủ. Tớ chỉ có một-người-bạn! – Nói rồi tôi ngoảnh mặt đi, để cho con chó ngu ngốc được nuông chiều quá đáng ấy biết rằng cuộc đàm đạo đã kết thúc.
 
– Lạ thật đấy, – con chó ngốc lắc lư cái đầu. – Quá lạ… Tất nhiên cụ Ivan Savelievich chẳng hiểu gì cả.
 
– Trison, sao con lại gầm gừ với một con chó nhỏ? – Cụ già hỏi, rồi nói thêm: – Đi nào, đi nào, hãy tránh cho xa tội lỗi.
 
Ôi, cụ Ivan Savelievich quý mến, chuyện này chẳng liên quan gì đến cụ đâu. Chúng con nói chuyện riêng theo kiểu của mình, kiểu chó ấy mà.
 
Lặn ngụp một hồi đã đời rồi, tôi vọt lên bờ, và để làm nóng cơ thể, tôi phóng vút đi như một mũi tên, chạy một quãng xa rồi quay trở lại. Bụng bảo dạ, nếu mọi người chưa chuẩn bị ra về thì tôi sẽ bơi thêm vài vòng nữa.
 
Bỗng nhiên… Ơ, cái gì thế này? Chết rồi, chắc là tai nạn. Tôi nhìn thấy một cô bé con vừa ngoi lên khỏi mặt nước, mở miệng muốn kêu lên điều gì đó nhưng không kịp, cánh tay quơ quơ trong không khí rồi cả người cô bé lại chìm xuống dưới mặt nước. Tôi hiểu ra ngay cô bé này đang bị đuối nước. Phải cứu ngay! Tôi lao xuống nước và nhanh chóng bơi đến chỗ cô bé. Nhưng nảy sinh một vấn đề nan giải: cô bé chỉ mặc độc chiếc quần bơi. Nếu cắn vào quần bơi mà kéo thì cô bé ngạt nước chết mất. Nhanh như chớp, tôi quyết định cắn lấy tóc mà kéo. Tôi cắn chặt tóc, đưa đầu cô bé lên khỏi mặt nước, cố bơi thật nhanh vào bờ. Cô bé nấc lên một tiếng rồi lả đi, toàn thân mềm oặt. Tôi kéo cô bé lên bờ cát lài lài rồi sủa váng lên. Một người đàn ông trung niên chạy lại, mắng tôi ầm ĩ:
 
– Đồ súc sinh! Mày làm gì thế? Mày cắn chết con bé rồi hử?
 
Biết làm gì được với những người hồ đồ như vậy? Nào, sao ông cứ đứng đực ra như vậy? Làm hô hấp nhân tạo cho cô bé đi chứ! Nếu, không, cô bé chết mất. Thật may cho tôi, một người phụ nữ béo mập ì ạch chạy tới, vừa thở hổn hển vừa hốt hoảng kêu lên:
 
– Con bé chết đuối, con chó này đã kéo nó lên bờ đấy, tôi trông thấy từ xa mà. Con bé còn sống chứ?
 
– Ơ, vậy mà tôi cứ tưởng… tưởng là con chó này… cắn…
 
– Sao ông còn đứng ngây như phỗng thế? Làm gì để cứu con bé đi chứ!!! – Người phụ nữ nói như van vỉ.
 
Người đàn ông như sực tỉnh, vội quỳ xuống, làm hô hấp nhân tạo cho cô bé. Nước cứ gọi là vọt ra thành vòi từ miệng cô bé. Rồi cô bé ho lên một tiếng, mở mắt ra.
 
– Ôi, sáng danh Thiên Chúa! – Người phụ nữ xúc động thốt lên, giọng run rẩy. – Con bé sống rồi!!!
 
Tôi nhìn thấy từ xa, một người phụ nữ vừa sấp ngửa chạy về phía chúng tôi vừa khua tay loạn xạ.
 
– Chúa ơi! Rada của mẹ, con gái bé bỏng của mẹ, chuyện gì đã xảy ra thế này? – Bà ấy đổ gục xuống bên cạnh đứa con gái của mình. – Con ơi, con gái ơi, sao con lại thế này?
 
Nhưng có lẽ chưa kịp hoàn hồn nên cô bé không thể mở miệng nói được lời nào. Sứ mệnh của tôi coi như đã hoàn thành. Tôi đi tìm Sashka.
 
– Thế nào, Trisha? Tắm đã chứ? – Sashka vuốt ve tôi.
 
– Gâu! – Tôi trả lời.
 
– Nước hồ tuyệt chứ?
 
– Gâu!
 
– Tôi cũng muốn tắm lắm, nhưng hiện giờ thì vẫn chưa được, vết mổ chưa lành hẳn…
 
Tôi nằm xuống bên cạnh Sashka và suy ngẫm. Người mẹ ấy ở đâu khi con mình đang tắm dưới hồ? Sao bà ấy không bơi cạnh con mình? Ôi, mọi người ơi là mọi người, sao mọi người vô tình đến thế? Mọi người kính mến, hãy tin đi, nếu chó mẹ cho con mình xuống nước, chắc chắn nó sẽ bơi bên cạnh và không bao giờ rời mắt khỏi chó con. Còn ở người thì sao?
 
– Con chó này của chị phải không? – Tôi nghe một giọng phụ nữ ngay trên đầu mình.
 
– Vâng, đúng vậy? – Mẹ trả lời. – Nó gây ra chuyện gì sao?
 
– Ồ không, ngược lại, – người phụ nữ nói, – nó không gây điều gì tệ hại cả. Tôi muốn nói lời cảm ơn chị. Con chó này…
 
– Nó tên là Trison đấy, – Sashka nhắc.
 
– À, vâng, vâng, – người phụ nữ gật đầu, – con chó Trison của chị đã cứu đứa con gái nhỏ của tôi. Cảm ơn chị, cảm ơn chị rất nhiều…
 
– Ồ, không có gì, – mẹ lúng túng trả lời. – Nhưng sao lại cảm ơn tôi? Có cảm ơn thì cảm ơn Trison ấy chứ.
 
– Vâng, xin cảm ơn chị và cảm ơn cả con chó của chị,
 
– người phụ nữ nhỏ nhẹ. – Gia đình chị sống ở đâu?
 
– Chúng tôi chỉ làm khách ở đây thôi, ở nhà nghỉ ngoại ô của bạn tôi, gần đây, – mẹ trả lời.
 
– Chị có thể cho xin địa chỉ được không?
 
– Ôi, để làm gì? – Mẹ ngạc nhiên.
 
– Tôi muốn có một món quà tặng con chó của chị. Ồ! Một món quà cơ đấy nhé! Tôi chưa bao giờ được ai tặng quà cả.
 
– Ôi, thôi đi chị à, – mẹ lúng túng, – bày vẽ quà cáp làm gì?
 
Ơ, sao lại “bày vẽ quà cáp làm gì?” là thế nào? Sao mẹ có thể nói thế được? Có phải mẹ cứu cô bé đâu, mà con đấy chứ. Sao mẹ lại quyết định thay con? Biết đâu người ta sẽ tặng món quà gì đó quý giá mà lại có giá trị phục vụ con người, lúc đó con sẽ tặng lại Sashka và cậu ấy sẽ được hưởng. Mẹ cứ để yên cho người ta xử sự đi!
 
– Trison! – Sashka reo lên vui sướng. – Thì ra bạn là một anh hùng.
 
– Gâu-gâu! – Tôi trả lời, không giấu vẻ tự hào. Thậm chí tôi còn muốn nói: vậy chứ cậu nghĩ sao về tôi?
 
– Bạn thật giỏi đấy! – Sashka vuốt đầu tôi rồi quay sang hỏi người phụ nữ nọ: – Cô bé tên gì vậy cô?
 
– Nó tên là Rada, – người phụ nữ trả lời. – Rada, hay
 
Raduzhka, nghĩa là “cầu vồng nhỏ”.
 
– Ôi, cái tên thật đẹp, – Sashka thốt lên. – Đẹp như cầu vồng…
 
Ái chà, Sashka, Sashka, cậu thật là… Hình như giờ đây cậu chỉ thấy quanh mình toàn là cầu vồng thôi.
 
Người phụ nữ nọ vẫn khăng khăng xin bằng được địa chỉ rồi mới chào tạm biệt.
 
Tối hôm đó tôi nằm trên thảm lắng nghe mọi người trò chuyện. Câu chuyện rôm rả của mọi người chỉ xoay quanh chủ đề về tôi và chiến công của tôi ngày hôm nay.
 
Dù sao, làm được một việc tốt cũng thật vui sướng trong lòng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.