Chó Dẫn Đường Phiêu Lưu Ký - Tập 1

16



Tôi là một con chó không may mắn, hình như thế. Mới vừa trải qua một loạt tai họa, sóng yên biển lặng chưa được bao lâu thì đùng một cái, tôi lâm bệnh. Mà căn bệnh mới lạ lùng, quái ác làm sao – viêm phổi. Tôi không làm sao hiểu nổi. Tôi bị cảm hồi nào mà có thể dẫn đến viêm phổi? Ờ, để tôi đoán thử xem nào. Thế này nhé: dù đang mùa hè nhưng thời tiết ở Matxcơva có nhiều hôm se lạnh, mà mỗi lần tắm xong, tôi cứ nằm lăn ra sàn phòng khách. Cửa sổ dưới bếp mở toang, cửa ra ban công trong phòng ngủ của mẹ cũng không đóng. Có gió lùa. Một lúc nào đó, tôi cảm thấy thoáng rùng mình vì lạnh, nhưng vẫn cứ nằm lăn trên sàn trong bộ lông còn ướt. Thế là dính đòn viêm phổi. Thật là một con chó ngốc.
 
Tôi bị sốt cao, toàn thân run lẩy bẩy, chảy nước mắt sống. Ban đầu, tôi vẫn chủ quan muốn ra ngoài đi dạo cùng Sashka, nhưng vừa bước ra khỏi cửa thì ngã khuỵu xuống, không thể gượng đứng dậy được. Mắt hoa, chỉ thấy toàn đom đóm bay loạn xạ, tai ù, chỉ nghe thấy những tiếng động ảo hỗn độn. Chẳng hiểu tại sao lại thế.
 
Rồi tôi nghĩ, phải chăng tuổi già đã đến, đã đến lúc phải về với tổ tiên. Nhưng xét ra, tôi mới hơn 5 tuổi, còn có thể sống khỏe cả chục năm nữa rồi mới tính đến chuyện chầu trời. Tóm lại, bà và mẹ hoảng sợ cực độ, vội gọi cấp cứu thú y. Bác sĩ dùng ống nghe nghe tim phổi của tôi, nhìn rất kỹ bộ dạng của tôi, thậm chí còn ngửi lưỡi tôi (ông già thật ngộ, nhưng trông cũng có vẻ tốt bụng) rồi phán: viêm phổi. Ông bác sĩ yêu cầu chế độ nghỉ ngơi tại chỗ thật nghiêm ngặt rồi nhét vào mõm tôi thứ gì đó lợm kinh khủng, tôi nuốt vào mà suýt mắc nghẹn. Thà bị tắm bằng xà phòng giặt còn hơn là phải nuốt cái thứ quỷ đó. Nhưng thông tin kinh hoàng nhất là suốt một tuần liền tôi phải dùng thứ thuốc ác ôn này. Tôi cứ nghĩ đi nghĩ lại: chết quách lúc mới gục xuống trước cửa hay sống mà phải chịu đựng khóa điều trị ghê hồn như thế này, đằng nào tốt hơn?
 
Không có tôi dẫn đường, bà ngoại vẫn có thể thỉnh thoảng đưa Sashka ra ngoài dạo chơi, nhưng cậu ấy khăng khăng từ chối (có lẽ nỗi ám ảnh siêu thị vẫn còn đó), dành rất nhiều thời gian trong ngày ngồi bên cạnh tôi, vuốt ve, động viên tôi. Sashka à, dĩ nhiên là tôi rất thích thú, khoái chí khi được vuốt ve, nhưng cậu mà làm quá, không khéo lông trên đầu tôi rụng sạch mất đấy. Lúc đó thì cậu sẽ có một con chó dẫn đường đầu hói. Ha!
 
– Sao vậy, bé con? Bệnh nặng lắm hả? – Cậu buồn rầu thương cảm cho tôi.
 
Tôi mà là bé con đối với cậu ư, Sashka? Tôi đã là đàn ông trưởng thành, chín chắn chán rồi đấy. Nhưng cậu ấy vẫn nói tiếp, cứ như cố tình trêu tức tôi:
 
– Ôi, em bé đáng thương của tôi. Em có mệt lắm không? Chóng khỏe nhé, em bé yêu quý.
 
Thế rồi chẳng hiểu ra làm sao, bỗng dưng những giọt nước mắt của cậu ấy rơi xuống mũi tôi. Này, Sashka, hãy thôi ngay cái màn ướt át ấy đi. Có gì đâu, tôi chỉ ốm xoàng thôi mà. Tôi sẽ nuốt trôi hết những viên thuốc đáng ghét ấy rồi chúng ta sẽ lại được cùng nhau dạo chơi thỏa thích ngoài không gian rộng lớn. Đừng khóc nữa, Sashka, tôi xin cậu đấy. Trong những giây phút ấy, tôi cũng muốn tru lên như sói. Hãy bình tâm lại nào, Sashka. Mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi mà.
 
– Bạn biết không, Trisha, – Sashka nói, – bây giờ bạn đã trở thành anh em ruột thịt của tôi rồi đấy. Anh em đúng nghĩa, chẳng khác gì người. Tôi nói thật đấy. Tôi không coi bạn chỉ là một con chó đâu.
 
Ôi, Sashka, chắc là cậu nói quá lên đó thôi. Dĩ nhiên là tôi rất sướng bụng khi được nghe những lời như vậy, nhưng làm sao tôi có thể là anh em của cậu được? Nhìn tôi mà xem: đuôi này, bốn chân này, mình đầy lông chẳng khác gì con gấu, mặt cũng chẳng giống mặt người
 
– mõm dài thườn thượt. Tôi rất hiểu tấm lòng của cậu, nhưng làm sao tôi có thể trở thành người bà con của cậu được. Chính cậu từng nói, chó thì dẫu ở châu Phi cũng vẫn là chó. Dù sao, tôi cũng biết ơn cậu vì những lời cậu nói về tôi. Nào, cúi xuống một chút để tôi liếm mặt cậu thay vì những cái hôn. Tôi liếm, liếm, liếm đây này. Sashka cười xòa.
 
– Bạn hiểu hết mọi chuyện, Trisha à. Bạn thật thông minh. Thật may mắn cho tôi gặp được bạn. Tôi thật
 
không thể tưởng tượng được giờ đây tôi sẽ sống như thế nào nếu không có bạn bên mình. Bạn có nghĩ rằng đến một lúc nào đó, tôi sẽ lại được nhìn thấy cầu vồng?
 
– Gâu! Gâu! – Tôi trả lời.
 
Không hiểu sao Sashka không thể nào nguôi được nỗi nhớ cầu vồng. Cái cầu vồng ấy đã ăn sâu vào tâm trí cậu rồi. Tôi hiểu, hồi tưởng là chuyện bình thường, nhưng không nên nuối tiếc những gì đã qua đi, hãy nghĩ đến những gì còn lại. Tay chân lành lặn, đầu óc, tinh thần ổn định, có mẹ và bà, có cả tôi bên cạnh, còn cần gì hơn nữa nào? Mọi chuyện sẽ ổn cả thôi, Sashka thân mến ạ. Hãy mừng vui với cuộc đời. Còn cầu vồng ư? Ôi dào. Nó đâu có thiết gì đến chuyện cậu có thể nhìn thấy nó hay không. Nó cứ tự xuất hiện, hễ nó muốn. Nhưng dù sao, hễ nó xuất hiện, tôi sẽ lập tức sủa lên ba tiếng báo cho cậu biết. Đừng băn khoăn về chuyện đó.
 
Trong thời gian nằm dài điều trị căn bệnh viêm phổi, tôi suy nghĩ rất nhiều và các bạn có biết tôi đã đi đến một kết luận như thế nào không? Xin nói thêm, đôi khi một trận ốm cũng có ích, vì ít ra ta có thời gian để nằm suy ngẫm. Khi hoạt động thể lực, ta chẳng có thời gian để suy nghĩ sâu xa. Khi làm việc cũng thế. Còn khi bị ốm, xét về mặt nào đó thì cũng có lợi: ta nằm một chỗ, rên (quan trọng nhất là chớ quên rên cho bớt đau, bớt mệt mỏi), và suy nghĩ, suy nghĩ, suy nghĩ… Lúc này, ta có thể nghĩ đến bất cứ chuyện gì.
 
Tôi vẫn thường so sánh người với chó. Ý nghĩ ấy không bao giờ chịu để tôi yên. Người và chó đều là kết quả tiến hóa từ cùng một loại trùng amip (xin đừng nghĩ rằng tôi bịa ra chuyện đó; kênh truyền hình Discovery đã chiếu hẳn một chương trình khoa học về đề tài này). Nhưng sao hai kết quả tiến hóa lại khác xa nhau đến thế? Thật bất công. Tôi cầu xin Thượng đế ban cho tôi chỉ 10 từ của ngôn ngữ loài người thôi. Các bạn đã đọc phần thứ nhất của câu chuyện này rồi chứ? Nếu chưa, tôi xin nhắc ra đây, để các bạn khỏi phải mất công lật từng trang sách mà tìm kiếm. Dưới đây là vỏn vẹn 10 từ tiếng người mà tôi muốn học được cách phát âm:
 
1. Đi dạo
 
2. Dừng lại
 
3. Đi nào
 
4. Chán rồi
 
5. Cứu giúp tôi với
 
6. Thức ăn
 
7. Lạnh quá
 
8. Nóng quá
 
9. Buồn ngủ
 
10. Xin lỗi
 
Chỉ cần loài chó học được 10 từ này thì chó với người coi như bình đẳng. Lúc đó, thử nói với tôi điều gì đó để xem liệu tôi có thể thể hiện bằng ngôn ngữ (dĩ nhiên chỉ với 10 từ này) sự đồng tình hay phản đối được không. Nếu không tin, các bạn cứ tự thử với nhau đi. Rồi các bạn sẽ thấy rằng đối với các bạn, nhiều hơn 10 từ là không cần thiết.
 
Nhưng ác thay, trời không cho thế. Dù đã cố gắng hết mức, cuối cùng tôi cũng chỉ là con vật không biết nói tiếng người. Tôi từng bị nhục mạ bằng biết bao ngôn từ bẩn thỉu, nhưng không có cách nào trả lời bằng từ ngữ. Nếu tôi trả lời bằng tiếng “gâu” bình thường muôn thuở của giống loài mình, người ta lại nói: con chó này điên rồi hay sao ấy. Các người điên thì có. Chẳng qua do tôi không thể phát ra được âm thanh nào khác hơn, nên đành phải sủa, nếu bị chọc giận thái quá. Nhưng thôi, tôi xin cầu hòa. Biết làm sao được, cuộc đời chúng tôi nó thế – đời chó. Mà cuộc đời con người đôi lúc cũng chẳng khá gì hơn. Vì thế, tôi không ganh tị với các bạn. Đôi khi nghĩ rằng, ít nhất tôi có một cái cớ – tôi là kẻ phụ thuộc. Mà thực ra các bạn cũng thật đáng trách – khi muốn xin điều gì, các bạn không biết cách đứng trên hai chân sau như chúng tôi mà lại quỳ gối xuống. Ôi, ông cụ Ivan Savelievich của tôi nói thật đúng: nơi nào không có ta, ở đó cuộc sống bao giờ cũng sung sướng. Ấy là do ta cứ nghĩ như thế mà thôi. Ông cụ cũng rất thích câu thành ngữ “Đối với ta, đồng 5 xu trong tay người khác là cả một quan tiền”. Đúng vậy. Nhưng mỗi người đều có cuộc sống của mình, các vấn đề của mình, mỗi người đều có niềm vui và nỗi buồn riêng.
 
Sức khỏe của tôi dường như bắt đầu hồi phục. Vị bác sĩ già lại tới khám cho tôi, nghe tim phổi, sờ nắn, dùng cái búa con con gõ vào đầu gối tôi (đối với tôi, vụ này hơi bị lạ đấy), nói là kiểm tra hệ thần kinh của tôi. Nhưng tại sao lại phải kiểm tra hệ thần kinh? Tôi bị thần kinh à? Tôi nằm rất yên, tôi không sủa ai, chẳng gầm gừ dọa nạt ai. Vậy mà ông ấy lại tỏ ra không ưa hệ thần kinh của tôi. Tôi có cảm giác rằng ông ấy muốn moi thêm chút đỉnh tiền của mẹ Svetlana. Đúng rồi, đúng là moi rồi: tôi nhìn thấy, khi tiễn ông bác sĩ ra cửa, mẹ có nhét cái gì đó vào túi ông ấy. Quả là một tuyệt chiêu: lấy hệ thần kinh chó để thử thách hệ thần kinh con người. Bây giờ thì tôi đã hiểu, vấn đề không phải ở hệ thần kinh mà ở những tờ bạc giấy.
 
Nhìn người ta mà xem, vì những tờ giấy bạc ấy, họ có thể cắt cổ lẫn nhau theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Đi đâu cũng chỉ nghe người ta nói tiền, tiền và tiền… Dù sao, tôi cũng hiểu rằng không có tiền thì lấy gì mua thức ăn cho chó. Đương nhiên là thức ăn cho người cũng phải mua bằng tiền. Bà ngoại Elizaveta Maximovna thường nói rằng tiền chẳng khác gì nước. Chắc bà nói hơi quá. Thứ nước ấy là gì? Thử nếm thứ nước ấy xem có được không. Đó chỉ là một thứ giấy, nhưng không phải là loại giấy dùng để gói hàng, vì chẳng có mùi thịt gà, thịt lợn gì. Trong một bộ phim nào đó trên tivi tôi nghe người ta nói rằng giấy bạc không có mùi. Nói vậy không đúng tí nào. Tôi đây chẳng hạn, có thể dựa theo mùi để tìm thấy bất cứ tờ giấy bạc nào. Các bạn không tin ư?
 
Lần nọ, trên tàu điện, một hành khách nào đó đã rút mất ví tiền từ trong túi cụ Ivan Savelievich. Dĩ nhiên tôi rất xấu hổ vì đã không để mắt nên không phát hiện ra ngay tức thì hành vi trộm cắp nhơ bẩn ấy. Mà thực tình, tôi cũng không ngờ người ta có thể hành động tán tận lương tâm như vậy đối với người tàn tật. Làm sao tôi biết được rằng người ta có thể thò tay vào túi của nhau mà khoắng. Tôi đang nằm lim dim bên chân cụ Ivan Savelievich, bỗng nghe cụ kêu lên với người lái tàu:
 
– Xin đừng mở cửa, xin đừng mở cửa!
 
Ban đầu tôi chẳng hiểu gì cả. Tôi cứ nghĩ, ơ, sao ông cụ lại yêu cầu lạ lùng vậy, muốn ngồi luôn trên tàu sao?
 
Thế còn các hành khách khác thì sao? Chắc họ không muốn ngồi lì trên tàu như cụ đâu. Nhưng ông lão của tôi đã nhanh chóng giải thích:
 
– Ai đó đã ăn cắp cái ví của tôi. Xin đừng mở cửa toa. Bây giờ chúng ta sẽ tìm ra kẻ cắp. Nào, Trison, Trison, bắt đầu tìm đi!
 
A…a…a! Bây giờ thì tôi hiểu rồi. Tưởng gì. Đối với tôi, đó chỉ là chuyện nhỏ. Khó gì cơ chứ. Kìa, một anh chàng đứng đó, mặt trắng bệch ra, giả vờ lơ đễnh nhìn ra ngoài cửa sổ, làm ra vẻ vô can, nhưng chắc chắn cái ví đang nằm đâu đó bên trong áo khoác của y. Tôi lại gần, sủa lên một tiếng giận dữ. Tên trộm giật mình, suýt lăn đùng té ngửa ra sàn. Đồ vô lương tâm, nhè ông già mù mà móc túi. Mọi chuyện tiếp theo diễn ra như thế nào, thiết nghĩ không cần kể ra làm gì. Chỉ biết rằng tôi với ông cụ Ivan Savelievich về đến nhà yên ổn. Sau đó cụ dặn tôi mỗi khi đi trên tàu điện hay xe buýt thì đừng có ngủ gật mà phải theo dõi nhất cử nhất động của những kẻ khả nghi. Và thế là từ đó, không bao giờ xảy ra sự cố tương tự nào nữa với chúng tôi. Vì thế, tôi khuyên các bạn chớ có tin khi nghe người ta nói rằng tiền không có mùi. Không đúng đâu. Tiền bốc mùi đấy, dù có thể là theo nhiều cách khác nhau, nhưng vẫn bốc mùi.
 
Thật tuyệt: cuối cùng thì tôi cũng đã khỏi hẳn bệnh. Tôi không còn bị sốt nữa, không còn phải uống thuốc nữa và được phép đi ra ngoài dạo chơi. Dĩ nhiên là cũng không còn bị phang búa vào đầu gối nữa. Ngày mai, tôi cùng Sashka sẽ thực hiện một cuộc dạo chơi hoành tráng. Nói thật nhé, ngày mai chúng tôi sẽ đi khoảng 10 tuyến đường. Tôi sẽ dẫn Sashka đi cùng khắp mọi nơi, đến khi nào cậu ấy mỏi chân, đòi về mới thôi, mặc dù cậu ấy là một chàng trai rất bền sức. Nói gì thì nói, mạnh khỏe bao giờ cũng hơn là ốm đau. Tôi cũng chúc các bạn một sức khỏe thật tốt. Hẹn ngày mai gặp lại.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.