Chó Dẫn Đường Phiêu Lưu Ký - Tập 1

7



Dù sao thì chúng ta vẫn còn có niềm hi vọng. Làm sao tôi có thể không nhớ đến ông cụ Ivan Savelievich quý
 
mến của mình chứ? Cụ thường nói: hễ còn sống là còn hi vọng. Một khi niềm hi vọng còn đó thì hãy vững tâm tiến lên phía trước, hỡi hậu duệ của các chiến binh Viking kiêu hùng và của những bậc tiền bối xứ Basque vĩ đại! Điều đáng chú ý: nền của cái “siêu thị” này là nền đất (tôi tin rằng các bạn hiểu tại sao tôi gọi nhà tù của mình bằng cái tên ấy). Niềm hi vọng chính là ở chỗ đó. Nếu các bạn chưa biết, tôi xin giải thích: chó Labrador có thể đào một cái hố sâu cả mét chỉ sau một đêm. Dĩ nhiên, nếu nó không phải làm việc gì khác. Giờ đây, tôi có phải làm việc gì khác nữa đâu. Phải tìm cách vượt ngục thôi. Tôi chẳng dám nói điêu chứ nếu sáng mai lũ khốn ấy dám vác mặt tới đây, tôi sẽ lao vào chúng và chiến đấu một mất một còn – như một con báo rừng hoang thực thụ.
 
Nói gì thì nói, trước hết cần phải thực hiện các biện pháp an toàn. Xem nào, trong tay ta có gì. Đầy các loại giẻ rách. Tốt! Thậm chí tuyệt vời! Hễ có động, nghĩa là nếu cảm nhận được rằng quân thù sắp xuất hiện trước cổng thành, tôi sẽ dùng mớ giẻ này để che giấu miệng hang. Nào, gom toàn bộ số giẻ lại, cho vào một góc. Tốt rồi. Bây giờ thì… Ơ, cái gì thế này? Dầu nhớt à? Ngửi xem nào. Ôi, thật may mắn làm sao: nước! Bất chợt tôi nhớ lại câu thành ngữ yêu thích của cụ Ivan Savelievich: “Khi một cánh cửa đóng lại, ắt sẽ có một cánh cửa khác mở ra”. Hóa ra mái nhà kho bị dột, lại đúng chỗ cái chậu thau, thế là có cả nửa chậu nước đang nằm đó chờ tôi! Sống rồi! Nếu là người, chắc chắn lúc đó tôi sẽ khoái chí xoa tay hài lòng, sung sướng. Tuy nhiên, sau khi nếm thử cái thứ nước đùng đục màu nâu nhờ nhợ trông ghê ghê ấy, tôi suýt buồn nôn vì mùi tanh của sắt rỉ. Khiếp! Nhưng biết làm sao được? Không thể sống thiếu nước. Nước là nguồn sống, nguồn sinh lực. Đói ăn còn có thể chịu đựng được, chứ khát nước thì chỉ còn biết le lưỡi ra mà thở.
 
Tôi bỗng nhớ lại, cách đây không lâu, Sashka đã đọc cho tôi nghe mấy vần thơ:
 
Tôi ngồi ở đằng sau song sắt
 
Của ngục tù tối tăm ẩm thấp
 
Bài thơ này nói về một con chim nào đó, nhưng vụ tối tăm và ẩm thấp thì quả đúng phóc với tình trạng của tôi lúc này. Nào, còn chờ gì nữa? Bắt tay vào việc thôi chứ?
 
Giờ đầu tiên, tôi làm việc không ngơi chân. Không dừng, không nghỉ. Sau đó là 10 phút giải lao, tợp đúng 10 hớp nước (giờ đây nó ngon chẳng kém gì món cocktail thượng hạng), rồi lại tiếp tục đào. Mấy “chuyên gia về chó” khốn kiếp lặn đi đâu biệt tăm, suốt buổi tối không hề ló dạng. Điều đó cũng tốt cho chúng, vì nếu chúng mà tới thì thế nào rồi cũng phải đi cấp cứu. Răng tôi còn sắc chán. Chúng không đến, tôi vừa mừng vừa tiếc, tiếc vì không có dịp dạy cho chúng một bài học.
 
Trong khi đào, đào, đào, đào, bới, bới, bới, bới, tôi chợt nhớ tới cái gã bảo vệ siêu thị từng hứa với bà ngoại là sẽ trông chừng tôi: phải chi ngươi đừng có nguyên tắc cứng đờ với mấy cái quy định vớ vẩn ấy thì giờ này ta đã yên vị trên tấm thảm mềm êm ái, ngắm nhìn cậu bé yêu quý của mình đang thong thả lướt ngón tay trên màn hình chữ nổi. “Tôi trông chừng con chó của bà cho”. Hừ, thế mà cũng gọi là “trông chừng”! Cứ liệu hồn đấy. Rồi lương tâm sẽ cắn rứt ngươi vì trái tim sỏi đá của ngươi. Bảo vệ cơ đấy. Bảo vệ kiểu gì thế không biết. Cai ngục thì có…
 
Những người thân yêu của tôi giờ đây đang sống thế nào? Chắc là họ đang khóc đến cạn nước mắt, nhất là cậu bé Sashka yêu quý của tôi. Thương cậu bé quá chừng. Tôi với cậu ấy đã quen có nhau rồi. Vậy mà rồi xảy ra chuyện đau lòng như thế này… Đừng khóc nữa, Sashka yêu quý. Đừng quá tự dằn vặt mình như thế. Thế nào tôi cũng thoát khỏi cái ngục tối hãi hùng này.
 
Ôi, có lẽ phải nghỉ ngơi chút đỉnh. Tôi lùi ra xa một chút, ngắm nhìn cái “hố khảo cổ” của mình. Quả thực trông đã giống một đoạn địa đạo con con. Nhưng còn phải đào và đào nhiều nữa. Không được buông lơi, hỡi chiến binh Labrador! Mi phải làm sao để kịp thoát được cái ngục tù này trước khi trời sáng. Hãy uống một hớp nước để rồi còn đào, đào và đào.
 
Quá mải mê với công việc, tôi không để ý thấy một vì sao đã xuất hiện trên ô cửa sổ nhỏ xíu sát mái nhà. Rồi thêm một vì sao nữa. Bầu trời sáng trong, tiết trời ấm áp. Tôi rất thích khoảng thời gian ban đêm. Ban đêm, tất cả chó trên thế gian này, kể cả chó dẫn đường, đều nghỉ ngơi trong “chăn êm nệm ấm”, thưởng thức những giấc mơ. Các bạn ngạc nhiên lắm sao? Tôi xin nói một cách nghiêm túc với các bạn: loài chó chúng tôi cũng có những giấc mơ đấy. Thậm chí có cả những giấc mơ tuyệt vời! Chẳng là hồi ở với cụ Ivan Savelievich, tôi từng được xem rất nhiều bộ phim về đề tài chiến tranh. Sau mỗi lần xem phim, tôi lại nằm mơ. Tôi mơ thấy rằng bất chấp mưa bom bão đạn, tôi lao vun vút qua màn khói lửa dày đặc trên trận địa, chạy khắp nơi tìm kiếm các chiến sĩ của ta bị thương, kéo về tuyến sau. Có lần tôi còn mơ thấy mình cứu được một người trượt tuyết bị vùi sâu trong tuyết. Mọi người thưởng huân chương cho tôi, đãi tôi món gà rán, các phóng viên xúm đông xúm đỏ chụp hình. Một phóng viên còn dúi micro vào sát mõm tôi. Vụ này làm tôi hơi khó chịu, vì cái micro mới chán làm sao – vừa lạnh lẽo, vừa thô ráp, thỉnh thoảng còn phóng điện gây tê tê. Cáu lên, tôi sủa vang và… giật mình tỉnh giấc, vẫn còn nghe tiếng sủa của mình vang dội khắp căn hộ. Cụ Ivan Savelievich hoảng hồn, suýt chút nữa lăn từ trên giường rơi xuống đất.
 
– Trison, có chuyện gì thế? – Cụ thảng thốt hỏi. Tôi im lặng. Cụ gọi tôi lại gần rồi nói: – Hình như con nằm mơ thấy điều gì đó…
 
Ông cụ thật giỏi đoán. Tôi rên ư ử vài tiếng. Cụ lại nói:
 
– Đến đây với ông đi con, nào, leo lên nằm bên cạnh đi. Đừng hoảng sợ, con ạ, mộng mị là chuyện thường mà. Thỉnh thoảng già này cũng nằm mơ thấy lắm chuyện hãi hùng. Thỉnh thoảng khi nằm mơ cũng la hét.
 
Cụ Ivan Savelievich thường nằm mơ, thấy lại cuộc đời quân ngũ của mình. Sau đó, khi đi dạo, cụ thường kể lại cho tôi nghe. Cụ nói: “Con biết không, Trison, tối qua ông nằm mơ thấy mình tham gia tập trận trên chiếc xe tăng ngày ấy. Ông nhìn thấy người bạn cũ cùng trung đoàn. Anh ấy là tiểu đoàn trưởng. Mọi chuyện diễn ra sống động cứ như thật. Mọi người trong giấc mơ đều trẻ trung, hoạt bát, năng nổ y như cái ngày xa xưa ấy”. Theo lời kể của ông cụ về cuộc sống quân đội, tôi nhận thấy trường huấn luyện chó cũng chẳng khác là bao: cũng đủ thứ bài tập thao trường, rồi thì mệnh lệnh, huấn luyện tân binh, cựu binh, sát hạch, thi tốt nghiệp, thi nâng bậc…
 
Ối, đào mệt rồi, phải nghỉ chút đã. Nếu cứ đà này, không lơi chân, thì chỉ khoảng từ hai đến ba tiếng đồng hồ nữa ta sẽ thoát được ra ngoài. Nhưng quả thực là tôi đã thấm mệt. Nếu không có cái băng đai trên mình, có lẽ tôi làm việc đạt năng suất gấp mấy lần. Nhưng tôi không thể tự tháo nó ra được. Biết làm sao đây, đành ráng mà chịu thôi, dù vô cùng khó chịu. Mặc dù tôi là chó nòi, được huấn luyện đến nơi đến chốn, nhưng đã từ lâu lắm rồi tôi chưa từng phải đào hang đào hố gì. Hồi ở trường, hễ chúng tôi ngứa chân bươi đất thành cái hố nhỏ thôi là đã bị mắng té tát rồi. Mà loài chó chúng tôi thì thỉnh thoảng cứ phải bươi bới cho đỡ… nhớ. Hồi trước, mỗi lần đi câu cá với cụ Ivan Savelievich (hình như tôi từng hứa sẽ kể các bạn nghe về chuyện đi câu cá), tôi tha hồ vui chơi thỏa thích. Ở bờ sông ngoài đồng hay bờ suối trong rừng, tôi từng đào những cái hố trông thấy mà mê. Ông già vỗ vỗ vào lưng tôi, mắng yêu:
 
– Ngốc quá đi thôi, Trison ơi! Không có việc gì làm nữa hay sao mà cứ đào với bới thế? Để sức mà chạy nhảy trong rừng hay trên cánh đồng có phải hơn không.
 
Cụ làm như tôi không chạy nhảy ấy! Tôi chạy suốt ngày. Không chạy thì ít nhất cũng phải đi. Chỉ có chuyện đào hố thì đành “bó chân”, vì sống trong nội thành. Thử đào mà xem. Dân tình lại chẳng xúm đến mắng cho: “Mày làm gì thế? Phá nát bãi cỏ công viên rồi!”. Mà họ mắng như thế là phải. Trong công viên, đâu có phải muốn đào là đào. Nhỡ em bé nào đấy sa chân xuống đó thì sao. Chuyện này thì tôi thừa nhận mọi người có lý.
 
Lần nọ, tôi cùng cụ Ivan Savelievich đi câu cá. Cụ già giăng cái ghế xếp của mình ra, ngồi xuống, bắt giun đựng trong vỏ lon đồ hộp móc vào lưỡi câu. Cụ làm việc ấy thành thạo đến mức nếu không biết trước, hẳn tôi không thể nào tin được đó là một người mù. Cụ quăng lưỡi câu xuống nước rồi bảo tôi:
 
– Trison, theo dõi nhé, hễ thấy phao động đậy là sủa lên ngay cho ông biết nhé.
 
Hừm, tôi ngồi nhìn chăm chăm vào cái phao, năm phút, mười phút, mười lăm phút, mắt hoa hết cả lên. Chợt tôi thấy hình như cái phao động đậy, bèn đánh động ông cụ: “Gâu!”. Cụ già giật phắt cần câu, rồi kiểm tra lưỡi câu. Chẳng có gì cả. Ông cụ làu bàu, vẻ không hài lòng:
 
– Làm gì mà sủa to thế, cá nó sợ, chạy mất hết cả bây giờ.
 
Thế đấy! Mới ban nãy, cụ chẳng bảo “sủa lên ngay” là gì. Nếu chỉ cần sủa nhỏ tiếng thôi thì phải bảo tôi là “sủa lên khe khẽ” chứ. Thật chẳng biết cách diễn đạt ý nghĩ của mình thành lời nói. Thế mà cũng gọi là dân câu cá. Tôi hơi phật ý.
 
Nhưng chỉ nửa giờ sau, chúng tôi đã làm hòa với nhau. Một bữa ăn thịnh soạn với toàn món cá do cụ Ivan Savelievich câu được. Đối với tôi, bữa ăn đó chẳng khác gì một bữa tiệc trong cung vua phủ chúa! Ông cụ đãi tôi hẳn một con cá rô to gần bằng bàn tay người, béo ngậy. Suốt đời tôi không bao giờ quên được vị ngon của nó. Cắn vào một miếng, nó cứ như tự tan biến giữa hai hàm răng, giữa lưỡi và vòm họng. Quả là ngon không lời nào kể xiết. Ôi, hình như tôi quá sa đà vào chuyện đi câu và chuyện món ngon trên đời. Phải nhấp giọng bằng một ngụm nước thôi. Tợp nước vào, tôi thấy khỏe hẳn ra. Tôi lại lùi ra xa để chiêm ngưỡng cái đường hầm độc đáo của mình. Còn khoảng một tiếng đồng hồ nữa mới có thể hoàn tất để chui ra ngoài. Miễn sao sức lực đừng bỏ mình mà đi là được. Miễn sao đừng vì mệt quá mà nằm lăn ra rồi ngủ lịm… Hễ mà ngủ mê ngủ mệt, quên mất công việc cần làm, sáng mai lũ khốn ấy đến thì liệu mà phải chiến đấu một mất một còn với chúng.
 
Tôi đào, đào, đào, bới, bới, bới… Hoan hô!!! Hình như đã thấy ánh sáng cuối đường hầm. Chỉ còn một chút xíu nữa thôi. Nào, ráng lên, cố lên, Trison yêu quý! Ráng chút nữa thôi. Chao, nếu không có cái vòng băng đai vướng víu, tôi đã thoát được ra ngoài từ lâu rồi. Chỉ còn chút xíu nữa thôi là có thể chui lọt đầu ra ngoài. Đừng nóng vội, đừng hấp tấp, anh bạn thợ mỏ ạ. Nếu không, bị mắc kẹt như Winie Pooh kẹt trong hang thỏ thì khốn(*). Nào, Trison, cố lên. Xong! Hình như là đã xong! Miệng hang đã mở rộng. Nhưng hãy khoan. Phải nhấp một ngụm nước để lấy sức, vì chắc chắn sẽ phải chạy không biết bao nhiêu đường đất nữa. Tôi thụt lùi trở lại vào trong nhà kho, uống cạn chỗ nước mưa pha rỉ sắt tởm lợm ấy rồi chui qua hang ra ngoài. Ôi, đây rồi, Tự Do – hai tiếng ngọt ngào! Không khí mới trong lành, dễ chịu làm sao! Phía trước có một cái hàng rào. Vớ vẩn! Đối với tôi, cái hàng rào ấy chỉ là chuyện nhỏ. Tôi phóng qua cái một. Thế là thoát. Tôi nhìn thấy một cánh rừng trước mặt. Trước mắt, tôi hẵng tạm ẩn náu ở đó, nghỉ ngơi lấy sức rồi tính tiếp…
 
(*) Winie Pooh là chú gấu trong bộ phim hoạt hình rất được yêu thích của Nga.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.