Chó Dẫn Đường Phiêu Lưu Ký - Tập 1

13



Dừng lại! Cái cây này trông quen lắm. Thế đấy, thế đấy. Nào, hãy lại gần, ngửi thử xem sao. Chính xác.
 
Tôi từng “tè” vào gốc cây này. Nào, nhớ lại đi, Trison, nhớ lại đi! Cái gì thế này? Một kiốt bán báo. Tôi không nhớ cái ki-ốt này. Lạ thật. Lại còn cái gì nữa thế này? Thiệt tình! Không biết ai đã nghĩ ra cái trò này thế này. Thưa ngài giáo sư, rõ ràng là tôi đã nói đúng. Vâng, vâng, mời ngài nhìn đây. Ôi, ôi! Đến nước này thì thật là… Trên kệ của ki-ốt bán báo có một cuốn tạp chí với trang bìa màu vàng chóe. Tên của tạp chí này là gì, các bạn có tưởng tượng được không? Nếu biết cười, có lẽ tôi đã lăn ra bãi cỏ mà cười cho đến chết. Tên gọi của tạp chí là “Chó”. Vâng, vâng, tạp chí “Chó”, thật mà. Tất nhiên tôi cười không phải vì cái tên gọi ấy của tạp chí, mà vì ở trên măng-sét, ngay bên dưới tiêu đề “Chó” có in đậm dòng phụ đề “Tạp chí về những người sống ở Matxcơva”.
 
Giờ thì chắc các bạn đã hiểu? Ấn phẩm “Chó” là “tạp chí về người”. Có ai được nhìn thấy một tạp chí nào có tên gọi “Người” và được chua thêm dòng chữ phụ đề “tạp chí về chó” chưa nhỉ? Chuyện đó chắc còn buồn cười hơn nữa. Còn có chuyện gì mà con người không nghĩ ra để ăn theo đề tài về loài chó! Ây zà, giá mà được lật vài trang tạp chí này ra đọc, để biết xem các nhà báo viết như thế nào về các loại người – chó, chó – người. Tôi nghĩ rằng, nếu tạp chí này chỉ viết về người thì loài chó chúng tôi chỉ có được mỗi một cái vinh hạnh có mặt trong tên gọi của tạp chí mà thôi. Nếu thế thì thật đáng tiếc, ít nhất là cho loài chó.
 
– Cút khỏi nơi đây ngay, đồ súc sinh! – Có ai đó gào rất to trên lưng tôi.
 
Tôi vội lao vọt tới để tránh đòn đánh có thể giáng xuống ngay sau câu chửi. Ngoảnh đầu nhìn lại, tôi thấy một người đàn ông đang đứng trên đôi chân xiêu vẹo. Môi dưới bị giập, cổ áo bị xé rách phân nửa, quần rộng thùng thình, xộc xệch. Có lẽ là một gã thợ quét vôi hay thợ bánh mì gì đó, nhưng say khướt. Tôi mà là đồ súc sinh à?
 
– Làm gì mà trố mắt ra thế? – Gã hỏi tôi. – Muốn hốc hả? Ở đây không có gì cho mày tọng vào họng đâu. Cút đi không tao cho hòn đá vào đầu bây giờ.
 
Sủa hay không sủa? Không, tôi sẽ không sủa. Sủa lên, biết đâu lại bị ném hòn đá vào đầu thật chứ chẳng chơi. Giờ đây tôi chẳng thiết đôi co. Cần phải xác định phương hướng. Từ gốc cây này, tôi phải đi về hướng nào cho đúng? Gã say quay qua cô bán báo:
 
– Tôma, cho vay hai trăm rúp đi.
 
– Ông trả tôi nợ cũ đi cái đã rồi hẵng hỏi vay.
 
– Ôi, cô bạn yêu quý, làm ơn đi…
 
– Tôi nói rồi, không cho vay nữa. Đừng kèo nài. Ông hứa trả món nợ cũ 500 rúp vào lúc nào? Ba ngày trước. Tiền của tôi đâu?
 
– Chưa lãnh được tiền, Tôma, à. Chờ cho hai ngày nữa. Còn bây giờ thì cho tôi vay 100 rúp cũng được. Đã hai hôm nay tôi không có gì ăn, thề danh dự đấy.
 
– Ông lại thề bằng danh dự Đoàn viên Komsômol nữa chứ gì? Hai ngày chưa ăn gì! – Cô gái cười mỉa. – Đừng có mà nói chuyện tiếu lâm ở đây. Cầm được tiền là chạy đi mua rượu ngay, tôi còn lạ gì.
 
– Kh… kh…không… mua rượu đâu. Cho mượn 100 đi mà…
 
Tôi chán cái màn năn nỉ ỉ ôi này lắm rồi. Tôi tránh xa cái ki-ốt bán báo để đề phòng – chỉ vì cô Tôma không đưa tiền, gã khùng ấy rất có thể quay qua trút giận lên đầu tôi. Tóm lại, cần tránh xa hạng người như thế.
 
Tôi đã xác định được rằng đây là một gốc cây quen thuộc. Nhưng có đánh chết, tôi cũng không cách nào nhớ ra, tại sao và trong hoàn cảnh nào mà tôi đã tè vào đó. Nơi đây không phải tuyến đường quen thuộc của tôi. A-a-a! Tôi nhớ ra rồi! Tôi đã đến đây cùng Sashka và mẹ Svetlana. Chính xác! Chúng tôi đến đây bằng tàu điện. Sau khi chơi ở nhà người quen của mẹ ở gần đây, trước lúc lên tàu điện trở về nhà, mẹ và Sashka cho tôi dạo ở đây một lát để tôi giải quyết nhu cầu tự nhiên. Thế đấy. Rồi sao nữa? Suy nghĩ đi, Trison, nhớ lại đi.
 
Cần gì phải suy nghĩ nhiều nhỉ? Trước hết cần tìm cho ra bến tàu điện, sau đó cứ theo đường ray mà đi cho tới khi đến được bến mà chúng tôi đã xuống khỏi tàu điện để đi bộ về nhà. Chỉ có thế thôi. Nào, tiến lên!
 
Tôi nhanh chóng tìm ra bến tàu điện. Tôi nhớ, lúc đó chúng tôi không đi băng qua đường. Có nghĩa là giờ đây tôi cần rẽ phải, cứ theo đường ray mà đi. Tôi dốt quá. Giá mà hôm đó tôi nhẩm đếm số trạm dừng tàu điện từ nhà người quen của mẹ đến nhà mình thì có phải bây giờ đỡ rồi không? Nhưng không sao. Lần một hồi rồi sẽ ra thôi.
 
Tôi chạy nhông nhông. Cứ đến mỗi trạm dừng là đảo mắt nhìn quanh xem đây có phải là khu vực quen thuộc không. Thấy không phải thì đi tiếp. “Cố lên, chỉ còn chút xíu nữa thôi…” – tôi chợt nhớ đến lời một bài hát của cụ Ivan Savelievich. Thực ra, đó là bài hát về chiến tranh. Nhưng hoàn cảnh hiện tại của tôi thì có khác gì đang tham chiến. Hai lần bị bắt làm tù binh – một lần ở chỗ bọn cướp, một lần ở đồn cảnh sát. Mới đây, gã say còn dọa sẽ dội đại bác vào đầu tôi. Giờ đây, ở mỗi trạm dừng tàu điện tôi đều phải tiến hành công tác điều nghiên địa hình địa vật như một chiến sĩ quân báo. Vì thế câu hát tiếp theo rất hợp hoàn cảnh: “Trận cuối cùng là trận đánh gay go ác liệt nhất…”. Thế còn đây là cái gì? Cái gì thế này?
 
Ôi, lạy Chúa tôi, hẳn là lông trên mình tôi sẽ rụng ào ạt như lá mùa thu mất thôi. Lại stress nữa rồi. Các bạn có biết sao không: cái đường ray chết tiệt này bỗng… chia ra làm hai nhánh. Tôi đứng giữa hai nhánh đường, suy nghĩ, phân vân không biết chọn nhánh nào.
 
Suy nghĩ gì thì suy nghĩ, mi cũng không thể biến thành người được, mà cũng chẳng có ai để hỏi đường. Bỗng có tiếng chuông tàu điện vang lên ngay đằng sau. Tôi vội vọt ra khỏi đường ray. Tàu này rẽ sang nhánh bên trái. Tôi đợi thêm chuyến nữa. Tàu dừng, bà lái tàu nhảy xuống, dùng xà beng bẻ ghi đường ray, rồi chuyến tàu của bà ấy rẽ sang nhánh bên phải. Còn tôi thì sao đây? Đi theo nhánh trái hay nhánh phải? Phải hay trái? Thôi thì chọn bừa một nhánh vậy. Nếu nhánh đó không đúng thì tôi sẽ quay lại chỗ này và đi theo nhánh kia, chắc chắn sẽ đúng. Quan trọng nhất là phải quan sát kỹ, không được bỏ qua mất trạm dừng gần nhà mình. Không, tôi không thể bỏ qua được. Ở đó có rất nhiều gốc cây quen thuộc đối với tôi. Chắc chắn tôi không thể không nhận ra trạm tàu điện gần nhà mình.
 
Sau khi tôi đi qua hai trạm dừng tàu điện thì có một tốp chó “vô gia cư” vây lấy tôi. Để không làm phiền các bạn, tôi xin chuyển toàn bộ cuộc nói chuyện giữa tôi với chúng qua tiếng người.
 
Con chó to nhất, lông xù màu hung pha xám, bị sứt một tai, lên tiếng trước tiên. Tôi đoán ngay đó là con đầu đàn.
 
– Tên gì? – Nó hỏi.
 
– Trison. – Tôi trả lời.
 
– Ghê chưa. – Một con chó lai bẹc-giê kêu ré lên. – Nó có tên hẳn hoi nha!
 
– Có phải nòi Labrador không? – Con đầu đàn lại hỏi.
 
– Không nhận ra hay sao mà còn hỏi? – Tôi nghiến răng, gầm gừ.
 
– Mày làm gì ở đây? – Một con chó nhỏ con, trông rất giống con chó rừng trong phim hoạt hình Maugli, cất tiếng. Giọng nó cũng rất giống giọng chó rừng.
 
– Không được lộn xộn! – Con đầu đàn quát.
 
– Đâu có, đâu có. – Con “chó rừng” vội thanh minh.
 
– Em chỉ hỏi nó thôi mà.
 
– Hỏi không phải là việc của mày. – Con đầu đàn nghiêm giọng rồi quay sang tôi: – Đây là lãnh thổ của tụi tao. Mày mà xin ăn hoặc sục mõm vào mấy cái thùng rác thì liệu hồn, chúng tao xé xác ra đấy. Hiểu chưa?
 
– Tớ thèm vào sục mõm vào thùng rác. Nhà tớ ở gần đây. Tớ và người được tớ bảo bọc lạc nhau.
 
– Mày lạc chủ à? – Con đầu đàn lại hỏi.
 
– Không phải chủ, mà là người được tớ bảo bọc. – Tôi nhấn mạnh. – Tớ là chó dẫn đường cho một cậu bé mù.
 
– Gâu, gâu! – Con đầu đàn ngạc nhiên. – Vậy ra mày có học?
 
– Lại còn phải hỏi! – Tôi hãnh diện trả lời. – Không có học thì ai cho làm chó dẫn đường?
 
– Tại sao mày bị lạc? – Con đầu đàn hỏi, giọng đã bớt trịch thượng, kẻ cả.
 
– Người ta bắt trộm tớ. – Tôi trả lời.
 
– Bắt trộm nghĩa là sao? – Con đầu đàn ngạc nhiên.
 
– Mày nhìn lại mình đi, mày to như con voi như vậy mà ai dám bắt trộm?
 
– Vậy mới nói. – Tôi buồn rầu nhìn xuống. – Chúng cắt dây buộc rồi nhét tớ vào cốp sau xe hơi.
 
– Trước đó chắc chúng nện gậy vào đầu cho mày bất tỉnh.
 
– Không.
 
– Vậy lúc đó mày đeo rọ mõm?
 
– Ồ không! – Con chó này bắt đầu làm tôi phát ngán vì những câu hỏi linh tinh của nó.
 
– Vậy thì tao không hiểu nổi, – nó tỏ ra cáu kỉnh,
 
– làm sao chúng có thể nhét mày vào cốp xe. Thế mày không cắn chúng sao?
 
– Tớ không được phép cắn người. – Tôi thở dài.
 
– Kể cả khi người ta bắt trộm mày?
 
– Đúng thế. – Tôi trả lời.
 
– Không thể được! – Con đầu đàn gầm gừ. – Như thế là ngu ngốc. Này người anh em, tớ có nói sai thì bỏ qua cho nhé. Người mà hành động quá đáng, vượt qua ranh giới cho phép thì phải cắn. Lúc đó không có chuyện “được phép” với “không được phép” nữa rồi. Thế nếu có kẻ xâm hại đến người mà cậu dẫn đường thì sao?
 
– Đó lại là chuyện khác. – Tôi nói. – Trong trường hợp đó, sống chết gì tớ cũng xông vào cứu.
 
– Cậu khá thật đấy, Trison ạ. – Con đầu đàn lắc lắc cái đầu. – Thôi, chúng tớ không làm phiền cậu nữa. Chạy đi tìm cậu bé của mình đi.
 
– Cảm ơn. – Tôi gật đầu.
 
Bầy chó tản đi. Tôi chạy tiếp. Cái ông “vô gia cư” nọ (người bị nhốt cùng xà lim với tôi vì không mang theo giấy tờ tùy thân) nói đúng, rất nhiều chó hoang. Nhưng số người đi hoang cũng chẳng ít hơn tí nào.
 
Khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ sau, tôi đến ga cuối. Tôi hiểu ngay là sai đường rồi. Đành phải trở lại chỗ đường ray phân nhánh và đi theo nhánh kia. Lại mất thêm một tiếng rưỡi đồng hồ nữa. Trên đường, tôi gặp lại bầy chó ban nãy. Tôi không dừng lại mà vừa đi vừa giải thích rằng tôi đã chọn sai đường. Con đầu đàn gọi tôi:
 
– Trison, dừng lại đã! Đi lại đây! Chúng cần gì nữa đây, tôi nghĩ bụng.
 
– Cậu có khát không? Muốn uống nước không? – Con đầu đàn hỏi.
 
– Tớ khát lắm, rất muốn uống nước
 
– Thế thì đi lại đằng này. Ống nước máy bị vỡ, nước tràn nhiều lắm, tha hồ uống trong khi thợ sửa ống nước chưa tới…
 
Uống xong, tôi chạy tiếp và suy ngẫm trong đầu. Chó hoang là thế đấy ư? Tôi để ý thấy cả ở loài người lẫn ở loài chó, những kẻ nghèo đói thường tốt bụng, dễ mến, luôn sẵn sàng giúp đỡ đồng loại. Tại sao lại như vậy? Chẳng hạn, tại sao con chó đầu đàn nọ lại kêu tôi dừng chân, đưa tôi đến vũng nước cho tôi uống? Tôi là gì của nó? Bà con, bạn bè, quen biết? Chẳng phải. Vậy mà nó vẫn thể hiện lòng tốt của mình. Có lẽ tôi đã sai khi cố gắng chứng minh luận thuyết của mình cho giáo sư Preobrazhensky khả kính. Mà biết đâu cha mẹ của con chó hoang đầu đàn ấy cũng thuộc dòng dõi chó nòi? Có thể do thời thế chuyển vần nên giờ đây nó trở thành chó hoang. Mà xét đến hoàn cảnh hiện tại của tôi thì cũng thế thôi. Giờ đây tôi cũng là chó hoang như chúng, có thể trông sạch sẽ hơn một chút. Nhưng chuyện biến thành con chó hoang bẩn thỉu, ăn phàm thì đó chỉ là vấn đề của thời gian. Nếu cứ phải chạy theo đường ray tàu điện như thế này chừng đôi ba ngày, chắc chắn cái vẻ đẹp kiêu hãnh của tôi sẽ biến mất tăm mất dạng. Rồi người ta sẽ gọi tôi bằng những cái tên thô thiển, chẳng hạn Bobick. Tôi nói không đúng sao? Người ta đã gọi tôi là Rex rồi đấy thôi. Cái tên Umka không đến nỗi nào, nhưng chỉ có tính chất gia đình. Còn Rex đến Bobick, khoảng cách chỉ là… vài bến tàu điện.
 
Dừng lại nào, Rex! Ối ối, ngay cả tôi cũng bắt đầu gọi mình như thế rồi ư? Không, Trison chứ không phải Rex! Dừng lại nào, Trison! Cái gì ở đằng trước thế? Một tòa nhà trông quen quen. Thế đấy, thế đấy. Thế mới thấy, chỉ sau vài ngày làm chó hoang thôi, đầu óc đã mụ hết cả rồi. Quên ráo cả những tuyến đường từng quen thuộc. Tòa nhà gì đây nhỉ. Nhớ lại đi, nhớ lại đi… Nào, đi lại gần tí nữa. A! Phòng khám đa khoa của quận! Ô, ô! Gâu, gâu, gâu! Tôi đã từng đưa Sashka đến đây khám sức khỏe định kỳ. Nào, bây giờ thì tìm đi, Trison! Nào, đánh hơi! Nào, lần theo dấu!
 
Tôi đi vòng vòng quanh khu vực. A, đây rồi, một gốc cây quen thuộc. Thêm gốc cây quen thuộc nữa. Ở đây… ở đây nữa. Ấy, sao lại cứ đi vòng quanh thế này? Đứng lại! Ngồi xuống! Đã bảo ngồi xuống! Làm gì mà cứ nhảy tưng tưng như con chó Mops trong phòng khách vậy? Ngồi xuống, nói rồi. Thế. Ngồi cho yên. Bây giờ thì hãy quan sát thật kỹ: phòng khám, chiếc ghế băng trong công viên, cây cột đèn đường. Đằng kia có bãi cỏ, cây mọc lưa thưa. Mi đã từng dạo chơi nơi đây cùng Sashka và bà ngoại. Nhớ chứ? Thế… Đúng rồi. Con đường nhỏ kia dẫn đến siêu thị. Cái siêu thị đáng căm thù! Chiều tối nay, nếu tôi được dẫn đi dạo ở nơi đây, thế nào tôi cũng ị vài đống trước cửa siêu thị, để rồi sáng mai, cái gã bảo vệ hộ pháp nọ phải dọn mệt nghỉ.
 
Thế là xong. Chỉ còn có một quãng ngắn nữa thôi. Từ siêu thị đi qua mấy khoảng sân, sẽ nhìn thấy tòa nhà thứ hai bên tay trái. Gia đình tôi sống trong đó. Cổng cầu thang quen thuộc, thân yêu của tôi ở đó. Nhưng tôi không vào cổng cầu thang mà chạy đến bên dưới ban- công nhà mình mà rên, mà tru, mà sủa. Những người thân yêu chắc chắn sẽ nghe thấy và nhận ra tiếng sủa của tôi. Đi nào, Trison, đi lên nhà! Ôi, sao chân mi run thế? Đi không nổi nữa rồi sao? Vậy thì ngồi nghỉ chút đi. Nghỉ ngơi chút đỉnh đi, Trison. Mọi chuyện coi như đã xong. Mi coi như đã về đến nhà rồi. Hãy tĩnh tâm lại. Mi quên mất là nếu cứ hồi hộp thái quá thì lông sẽ rụng hết à? Bình tâm đi, mọi chuyện buồn đau, gian khổ đã lùi lại phía sau. Không ai có thể chia lìa mi với gia đình mi được nữa. Hãy coi như mi đang ở trong nhà mình rồi. Ôi, nếu biết nhổ nước bọt, tôi đã nhổ ba lần để xả xui, theo phong tục của người Nga.
 
Đi chứ?

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.