Chó Dẫn Đường Phiêu Lưu Ký - Tập 1

Phần 2 cầu Vồng – 15



Nếu các bạn nghĩ rằng tất cả mọi người đều thương xót người mù thì các bạn đang bị lầm lẫn ghê gớm. Hẳn các bạn còn nhớ, tôi từng kể về chuyện nhiều người có thể đánh cắp của người mù huân huy chương, sách hiếm, tranh ảnh quý và những thứ mang lại niềm vui cho con người. Chuyện đó thật đáng trách, nhưng chưa ghê bằng việc có nhiều kẻ vô lại còn tìm cách moi tiền của người mù. Theo đúng nghĩa đen. Các bạn không tin chăng? Nhưng các bạn biết đấy, tôi nói dối để làm gì? Loài chó chúng tôi không biết nói dối, làm dối, cũng không biết nịnh nọt, bợ đỡ. Xin nhường lại cho loài người, chúng tôi không cần đến những thứ ấy. Chúng tôi, hễ vui mừng là vui mừng thật sự, đúng nghĩa, hễ giận là có thể cắn, còn để bảo vệ chủ hoặc những người bạn hai chân của mình thì dẫu có chết cũng thực hiện bằng được hành động ấy. Bảo vệ, vì chúng tôi có trách nhiệm phải bảo vệ. Chúng tôi thực hiện tất cả mọi việc với tất cả lòng trung thực của mình. Các bạn hãy tin và tin tưởng chúng tôi. Được chứ?
 
Suốt hai ngày sau khi tôi về nhà, tôi và Sashka không được đi dạo cùng nhau. Mỗi ngày, hai người phụ nữ trong nhà tắm cho tôi đến năm lần bằng đủ thứ dầu gội và nước diệt khuẩn, xịt lên cái đầu khốn khổ của tôi các loại dầu phun có mùi hắc chết đi được. Tôi anh dũng chịu đựng những màn “tra tấn” đó, vì hiểu rằng chẳng qua bà và mẹ quá quan tâm săn sóc, chỉ muốn làm những điều tốt cho tôi. Mà quả thực, biết đâu khi ở trong nhà kho, trong rừng và trong buồng giam tội phạm, hàng trăm thứ vi khuẩn, vi trùng và ký sinh trùng đã kịp bám vào mình tôi.
 
Không hiểu sao mọi người tin tưởng tuyệt đối rằng tắm cho chó bằng các loại chất tẩy rửa chứa hương liệu thì sẽ có mùi dễ chịu. Nhưng tôi xin được hỏi: dễ chịu đối với ai? Đối với người hay đối với chúng tôi? Riêng tôi, tôi không thể gọi những mùi ấy là dễ chịu, ngoại trừ một vài mùi. Nhưng không nên phản đối. Nguyên tắc hành nghề cũng không cho phép phản đối trong những trường hợp như thế. Vì thế, tôi cố gắng ngồi thật yên cho bà và mẹ muốn làm gì thì làm.
 
Nhưng cho phép tôi đưa ra một lời khuyên: đừng bao giờ tắm và xịt lông cho chó bằng những loại chế phẩm có chứa cồn, xà phòng, hóa chất và dược phẩm. Đối với chúng tôi, những thứ ấy cực kỳ khó chịu. Thậm chí không chịu nổi. Xin các bạn đừng quá dè sẻn khi phải mua những chế phẩm làm từ nguyên liệu thiên nhiên (hiện khá đắt tiền) để chăm sóc những “người bạn bốn chân” tuyệt đối trung thành của mình. Xin nói thêm, cô bạn đồng môn của tôi, cô chó bẹc-giê tên là Lada, ở dãy chuồng số 7 hồi ở trường, sở dĩ không tìm được tiếng nói chung với người được cô ấy dẫn đường chính là vì không chịu nổi những thứ chế phẩm chứa nhiều hóa chất mà người đó thường dùng để chăm sóc cô ấy. Chính Lada đã kể với tôi về chuyện đó. Các bạn nhớ chứ, tôi đã kể rằng cuối cùng cô ấy được trả về trường và sau đó được phân đi phục vụ người khác.
 
Để khỏi phải bận tậm đến những chất tẩy rửa có thành phần cơ bản là các chất thảo dược và có chứa tinh dầu thơm thiên nhiên, người phụ nữ được Lada dẫn đường thường tắm cho Lada bằng xà phòng bánh dùng để giặt áo quần. Bà ấy lùa Lada vào bồn tắm, xịt nước rồi ra sức chà xà phòng, nói là để trừ mùi hôi chó. Các bạn thử hình dung đi, Lada tội nghiệp phải cắn răng mà chịu đựng. Có thể hóa điên đi ấy chứ. Nhưng còn có một điều không công bằng nữa. Người phụ nữ ấy gội đầu bằng dầu gội cao cấp, khi ngâm mình trong bồn tắm thì chế thêm vào đó đủ thứ hương liệu, chất tạo bọt, v.v., vậy mà khi tắm cho con chó dẫn đường của mình thì chỉ xài rặt một thứ xà phòng giặt. Ai mà chịu nổi thứ xà phòng rẻ tiền ấy cơ chứ. Chịu hết nổi, Lada vẫy vùng kịch liệt. Chúng tôi có thể chịu đựng được mọi chuyện: đói, rét, sự đối xử cộc cằn, thô lỗ, nhưng xà phòng giặt thì… xin chào thua. Xin lỗi các bạn người thân mến. Để giúp các bạn hiểu được cảm giác của chúng tôi, xin hãy hình dung có ai đó gội đầu cho các bạn bằng dầu hôi. Khó chịu quá chừng, thậm chí không chịu nổi, đúng không? Chúng tôi cũng cảm thấy như thế khi bị tắm bằng xà phòng giặt hay bột giặt.
 
Có lẽ tôi hơi quá lời. Xin trình ra từ số 10 (“xin lỗi”). Tôi không cố ý. Tất nhiên là tôi rất may mắn được sống với những người rất tốt. Dường như đoán được tâm tư của tôi, mẹ Svetlana chỉ mua loại dầu gội nhãn hiệu “Dịu êm”, với hương chanh hoặc hương hoa hồng, để tắm cho tôi. Tôi xin nói ngay rằng những mùi hương này rất dễ chịu. Cần biết rằng, tôi thỉnh thoảng cũng ăn chanh đấy. Do cơ thể đòi hỏi. Ăn chanh chẳng dễ dàng gì, chua muốn chết, nhưng không hiểu sao thỉnh thoảng vẫn thấy thèm thứ gì đó chua chua. Chắc các bạn cũng vậy thôi.
 
Đến ngày thứ ba chúng tôi mới được đi dạo cùng nhau. Trước đó, mẹ Svetlana đã sắm lại cho tôi các thứ đồ nghề: băng đai và một sợi dây dẫn đường tự phát quang. Cũng cần biết rằng, gậy và dây dẫn đường tự phát quang là do một cô bé sáng chế ra. Một hôm, đi xe đạp trong đêm tối, cô bé đã tông phải một ông già mù. Cô bé rất hối hận về lỗi sai ấy của mình. Sau sự cố đó, cô trăn trở, suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng đã tìm ra một giải pháp: chế ra gậy và dây dẫn đường có tính tự phát quang, dành cho người mù sử dụng trong đêm tối. Với những vật dụng như vậy, người mù có thể được nhận ra từ xa dù trong đêm tối như bưng. Quả là một sáng chế tuyệt vời ra đời từ một sự cố đáng tiếc.
 
Tôi cùng Sashka đi theo tuyến đường quen thuộc, từ trên con dốc thoai thoải, theo từng bậc thang rất rộng và thấp, lần xuống công viên nằm bên dưới. Chúng tôi dạo một vòng trong công viên, đi ngang qua một hồ nước nhỏ rồi ngồi xuống băng ghế đá. Sashka ngồi yên lặng một lúc rồi chợt hỏi:
 
– Trisha, bạn đã thấy cầu vồng bao giờ chưa?
 
– Gâu! – Tôi trả lời. Trải 5 năm đời chó rồi, còn có gì mà tôi chưa thấy.
 
– Bạn có thích cầu vồng không?
 
– Gâu! – Tôi nói dối, vì không muốn làm Sashka buồn lòng. Quả thực, cầu vồng thì có gì để mà thích cơ chứ. Cầu vồng chỉ là cầu vồng mà thôi. Đó là một thứ vô dụng. Tóm lại tôi không hiểu nổi, nó cần thiết gì cho ai. Cầu vồng mang lại lợi ích gì?
 
– Một lần tôi nhìn thấy một chiếc cầu vồng thật lớn,
 
– Sashka nói tiếp, – trông như một cây cầu khổng lồ. Nó đẹp tuyệt, đẹp đến nỗi không thể rời mắt. Đến khi nó biến mất, tôi buồn và tiếc nuối vô kể. Tôi rất thích… thích… nghĩa là… rất thích ngắm cầu vồng.
 
Thế rồi Sashka chợt khóc. Tôi nhìn cậu ấy và thấy, từ đằng sau cặp kính đen, những giọt nước mắt rơi xuống, lăn dài trên má. Chàng trai của tôi ơi, bạn sao thế? Thì hãy mặc xác cái cầu vồng ấy. Rõ khéo dư nước mắt khóc đời phù du! Tôi xích lại gần hơn, rồi chồm lên liếm những giọt nước mắt trên má Sashka. Cậu ấy lập tức mỉm cười, nói:
 
– Xin lỗi nhé, Trisha. Tôi sẽ không khóc nữa đâu. Tôi không hiểu tại sao, mọi ký ức đều bình thường, riêng có cây cầu vồng, mỗi khi nhớ lại là nước mắt chỉ chực trào ra. Bạn có hiểu không?
 
– Gâu! – Tôi trả lời. Theo tôi, quả thực là tôi đã bắt đầu hiểu ra. Rõ ràng là cầu vồng gắn liền với những ký ức thân thương nồng ấm của cậu ấy trong quãng đời trước khi bị mất đi đôi mắt.
 
– Trisha à, chúng ta giao hẹn với nhau thế này nhé: hễ nhìn thấy cầu vồng xuất hiện trên trời, bạn sủa lên ba tiếng để báo cho tôi biết. Được chứ?
 
– Gâu! – Tôi hứa với Sashka.
 
– Nhớ nha, đừng có quên đấy. Thỏa thuận rồi đấy nhé.
 
– Gâu! – Tôi trả lời. Từ trước tới nay tôi có quên chuyện gì đâu?
 
Trong khi tôi đang an ủi Sashka thì có một đám thanh niên tuổi chừng 17 đi đến gần chỗ chúng tôi. Có 5 cậu và 1 cô. Tất cả đều ăn mặc rất quái đản, dị hợm (không hiểu được đó là thứ quần áo kiểu gì). Đứa nào cũng có một con quái vật nhe nanh múa vuốt trên ngực áo thun. Một thằng có hình xăm kỳ quái ngay trên cổ, thằng khác thì đeo đai cổ của chó. Đám thanh niên mới lớn này rất gây ác cảm cho tôi. Trông mặt, tôi bắt ngay được hình dong. Đứa nào đứa nấy mặt mày đều bặm trợn, bất lương. Đứa con gái lên tiếng đầu tiên (cầu cho nó bị thụt lưỡi đi):
 
– Trông kìa, có tức cười không các cậu ơi. – Nó cười khanh khách một cách giả tạo. – Thằng bé ngu ngốc này ngồi buôn chuyện với một con chó.
 
Để đề phòng chúng có thể gây sự, tôi sủa lên một tiếng tuy không to lắm nhưng tôi nghĩ đủ để chúng không dám tiến lại gần hơn. Cả bọn dừng lại, nhưng đứa con gái vẫn tiến tới một bước và nói với tôi:
 
– Còn mày nữa, đồ chó thiến, sủa cái gì mà sủa.
 
Nỡm kia, mày nói thế để làm gì? Tao có làm điều gì xấu với mày đâu nào. Tao thậm chí còn chưa sủa to hết cỡ đấy, chỉ mới cất tiếng khuyên nhủ chúng mày liệu mà tránh ra cho xa. Vậy mà mày dám nhục mạ tao, gọi tao bằng những từ tục tĩu.
 
– Vetta! – Một đứa con trai gọi to. – Mày sao thế, không thấy đó là thằng bé mù hay sao?
 
– Làm sao biết được nó có mù hay không. – Đứa con gái cười hô hố. – Biết đâu nó đóng giả người mù thì sao.
 
Nói nhảm gì thế hả con khốn? Này, bảo cho mà biết, xéo đi cho khuất mắt! Những con chó Puzik hay Tuzik dù rất ngu dốt nhưng hành xử còn lịch sự hơn mày nhiều.
 
Con nỡm tiến lại gần tôi thêm một bước nữa, rõ ràng muốn chứng tỏ cho bọn con trai thấy nó dũng cảm như thế nào.
 
– Này, thằng bé, – nó hỏi Sashka, – mày mù thật hay giả mù đấy?
 
Sashka im lặng. Tất nhiên rồi, chẳng việc gì phải trả lời con điên này cả.
 
– Nghe đây, nhóc, – một thằng con trai lên tiếng, – chắc mày không chỉ mù mà còn bị câm điếc nữa, đúng không?
 
– Không đúng, – Sashka trả lời, – tôi nghe các anh rất rõ.
 
– Thế thì phải trả lời khi người ta hỏi mày chứ! – Đứa con gái nhổ một bãi nước bọt bên cạnh tôi rồi móc từ trong túi ra một bao thuốc lá, châm lửa hút.
 
– Vậy thì mày mù hay không mù? – Một đứa con trai nữa hỏi gặng.
 
– Tôi bị mù. – Sashka trả lời.
 
– Mù hẳn chứ? – Đứa con gái hỏi rồi phà khói thuốc lá thẳng vào mặt Sashka, khiến cậu ấy phải nhăn mặt vì khó chịu.
 
– Đúng. – Sashka trả lời.
 
Xin các bạn thông cảm cho tôi. Không thể nén giận lâu hơn được nữa, tôi gầm lên khiến con điên phải thối lui một bước.
 
– Nào, Vetta, đi thôi, tại sao mày cứ phải lẵng nhẵng với cái thằng mù ấy, mày cần nó lắm sao? – Một thằng nào đó trong bọn cố gắng can thiệp.
 
– Khoan, chờ chút. – Vetta trả lời, giọng chanh chua.
 
– Tao muốn biết chính xác nó mù thật hay giả mù.
 
– Mày muốn biết chuyện ấy để làm gì? – Thằng kia hỏi.
 
– Tao muốn khám phá, ở đâu ra mà lắm người tàn tật thế này. Toàn bọn giả tàn tật, lợi dụng lòng thương hại của mọi người để ăn xin, thậm chí lừa đảo.
 
Tôi sủa ầm lên, sủa với tinh thần của các chiến binh Labrador quả cảm. Tôi muốn cảnh cáo: khôn hồn thì tránh ra, nếu không tôi ngoạm đứt đầu gối ráng chịu. Vậy mà đứa con gái trơ tráo vẫn cứ thản nhiên phà khói thuốc lá khét lẹt về phía chúng tôi.
 
– Ngồi xuống! – Nó quát tôi. Có lẽ nó nghĩ rằng tôi đã được dạy phải tuân theo mệnh lệnh của bất kỳ đứa con gái ngu dốt nào. – Hứ!
 
Ai zà, tao lại chẳng “Hứ” cho mày mấy cái bây giờ, chẳng qua tao không muốn làm to chuyện thôi. Rồi tôi sủa thẳng vào mặt cô ả:
 
– Gâu!
 
Tôi nhìn thấy cô nàng sợ xanh mặt, nhưng vẫn cố làm ra vẻ ta đây cứng cỏi.
 
– Này, thằng bé tật nguyền giả mạo kia, – con khốn nói với Sashka, – tại sao con chó của mày không đeo rọ mõm?
 
Mày không biết rằng chó không đeo rọ mõm thì không được ra đường hay sao?
 
Đồ khốn nạn, khốn kiếp. Nếu có cái rọ mõm ở đây, tao sẵn sàng đeo ngay vào cái mặt đầy phấn son nhoe nhoét của mày.
 
– Dựa vào đâu mà các người cho rằng tôi là kẻ tật nguyền giả mạo? – Thật đáng ngạc nhiên, Sashka trả lời vô cùng bình tĩnh và cứng cỏi.
 
– Bỏ kính ra xem nào! – Con khốn đòi hỏi.
 
Sashka gỡ cặp kính đen ra. Một thằng con trai trong bọn vừa nhìn thấy những vết sẹo kinh hoàng trên mặt Sashka liền ồ lên kinh khiếp và vội kéo tay con khùng, nói hấp tấp:
 
– Đi thôi, Vetta, đủ rồi.
 
Nhưng con bé dai như giẻ rách ấy giật tay ra và lại hỏi Sashka:
 
– Hồi trước mày sáng mắt chứ?
 
– Đúng. – Sashka gật đầu.
 
– Thế rồi chuyện gì đã xảy ra?
 
Tôi tạm im lặng, không vội can thiệp.
 
– Xảy ra tai nạn xe hơi. – Sashka buồn bã thở dài. – Bố tôi thiệt mạng, còn tôi thì… bị mù.
 
– Con chó của mày có học chứ? – Nó hỏi tiếp.
 
– Đúng, nó là chó dẫn đường. – Sashka khẳng định.
 
– Chó dẫn đường được dạy trong các trường đặc biệt, được huấn luyện theo chương trình đặc biệt.
 
– Thế nào, nó giúp đỡ mày chứ?
 
– Giúp. – Sashka trả lời và tôi nhận thấy cậu ấy đã chán ngấy cái con khùng này rồi.
 
– Con chó của mày thuộc giống gì thế?
 
– Thuộc giống Labrador. – Sashka trả lời.
 
– Nó tên gì?
 
Hừm, bày đặt làm quen! Theo đúng thể lệ làm người, trước hết mày hãy hỏi xem cậu ấy tên gì rồi hẵng hỏi đến tên của chó. Sashka yêu quý ơi, tôi van cậu, hãy đừng nói với nó rằng tên tôi là Trisha. Nhưng Sashka của tôi vô cùng khôn ngoan.
 
– Tên là Trison. – Sashka trả lời. Tôi nép sát hơn nữa vào cậu ấy, rên khe khẽ để tỏ lòng biết ơn. Sashka vuốt ve tôi rồi nói tiếp: – Đây là một con chó tốt. Chị có nuôi chó không?
 
– Ha ha! Chưa đủ hay sao mà còn bảo tôi nuôi chó hở trời! – Cô ả bật cười hô hố, vẫn giọng cười giả tạo. – Nuôi chó, nó ỉa bậy khắp nhà, gớm chết.
 
Các bạn hình dung đi, phải có thứ thần kinh siêu thép mới chịu đựng nổi cái giọng điệu vu khống bỉ ổi của con đần Vetta này. Sao mày cứ bám dai như đỉa thế? Đến bao giờ mày mới chịu xéo đi cho? Còn anh bạn Sashka của tôi nữa, cũng thật hay ho, bắt đầu bắt chuyện với nó. “Chị có nuôi chó không?”. Hẳn các đồng loại của tôi sẽ tha lỗi cho tôi, vì tôi muốn nói rằng cái con Vetta chết tiệt này chỉ ngang bằng bất cứ một con chó nào trên thế giới này. Ngoại trừ những con chó thuộc giống Labrador, tất nhiên rồi. Thậm chí Vetta chỉ xứng đáng làm đầy tớ cho những ông bà chủ biết sủa. Đúng lúc đó, mấy gã con trai bỏ đi. Nào, Vetta, mày có chịu đi theo mấy thằng bồ của mày không thì bảo, chúng đang đợi mày mòn mỏi ra rồi kìa.
 
– Thôi được rồi, tạm biệt nhé, – Vetta vẫy tay chào
 
Sashka, – có thể một lúc nào đó chúng ta sẽ lại gặp nhau.
 
Hô hô! Vẫy tay chào một cậu bé mù, lại còn nói “chúng ta sẽ lại gặp nhau”… Cái con bé Vetta này quả là điên nặng thật rồi. May sao, cuối cùng nó cũng bỏ đi. Giá mà các bạn biết rằng tôi lộn ruột, điên tiết đến thế nào khi nó còn đứng lải nhải trước mặt chúng tôi.
 
– Thế nào, Trisha, – Sashka nói, – bạn thấy đấy, người ta không tin chúng ta.
 
– Gâu-gâu.
 
– Nhưng bạn đừng buồn lòng, không phải ai cũng thế… Anh chàng này có kỳ quặc không. Tôi thì có gì mà
 
phải buồn lòng. Tôi chỉ lo lắng cho cậu mà cậu lại băn khoăn về tôi. Cậu lạ thật đấy, Sashka ạ.
 
– Bạn nhớ giao ước của chúng ta về cầu vồng chứ? – Sashka hỏi.
 
– Gâu! – Tôi trả lời và nghĩ rằng thôi rồi, anh bạn Sashka của tôi chắc chẳng bao giờ quên nổi chiếc cầu vồng của mình.
 
– Vậy thì tốt rồi. Chúng ta đi về nhé.
 
– U-u. – Tôi trả lời, như muốn nói rằng đã hai ngày nay phải ngồi nhà rồi, chỉ được ra ngoài mấy lần ngắn ngủi để giải quyết nhu cầu tự nhiên.
 
– Đi dạo bấy nhiêu đó chưa đã chứ gì?
 
– Gâu!
 
– Thôi, được rồi, được rồi. – Chàng trai đồng ý. – Nào, đi đạo thêm một vòng quanh bờ hồ…
 
Thật dễ thuyết phục Sashka. Một chàng trai hiền lành, tốt bụng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.