Chó Dẫn Đường Phiêu Lưu Ký - Tập 1

18



Nếu không hứng thú lắm với lịch sử loài chó, các bạn có thể bỏ qua chương này.
 
Ông chủ nhà chuyện trò rất thân mật, gần gũi với cô mình (tức bà ngoại Elizaveta Maximovna của chúng tôi) và nói cười vui vẻ với mọi người suốt buổi tối. Thì ra ông ấy là nhà địa chất, thường xuyên tham gia các chuyến khảo sát, trong nhà không có thú nuôi (vì nếu có thì lấy ai chăm sóc chúng?). Như thế càng tốt, tôi sẽ được yên – phiền phức biết bao khi đến chơi làm khách mà trong nhà chủ léo nhéo những chú chó, chú mèo với đủ thứ tên nghe phát chán. Hoặc phải chơi với chúng, hoặc ngược lại, phải chịu đựng chúng, vì ở đó, chúng là “chủ nhân”. Còn ở đây chỉ có mình tôi, chẳng phải lo lắng, đối phó gì với ai. Thật tuyệt…
 
Sashka gọi người cậu họ của mình bằng tên chính thức là Valentin Igorevich, theo cách gọi kính trọng. Ông Valentin Igorevich khẳng định rằng hôm nay mẹ và bà ngoại rất có gu thẩm mỹ trong việc chọn trang phục dạ
 
tiệc. Ông ấy cũng rất khen tôi. Nếu nói cho chính xác hơn thì không phải ông ấy khen mình tôi, mà còn khen cả giống chó Labrador. Tôi đã nói với các bạn rồi chứ: tất cả những ai am hiểu về các giống chó đều nhất trí rằng để làm chó dẫn đường thì không có bất cứ giống chó nào có thể qua được giống Labrador.
 
Trong khi bạn bè và người thân của ông Valentin Igorevich ăn uống vui vẻ thì tôi dán mắt vào màn hình tivi. Xin nói rằng lúc đó đài truyền hình đang phát một chương trình hay đến mức tôi quên bẵng cả bữa tối ngon lành của mình. Hóa ra là từ rất lâu rồi, con người đã tranh cãi về nguồn gốc của loài chó. Có hai giả thuyết. Một số người cho rằng chó nhà có nguồn gốc từ chó sói, số khác thì cho là từ chó rừng. Tôi không thể nào chấp nhận được giả thuyết thứ hai. Nếu con người có nguồn gốc từ loài vượn thì bây giờ, với giả thuyết thứ hai, họ muốn hạ nhục loài chó chúng tôi chăng? Không, chuyện không thể như thế được. Tóm lại, quan điểm của tôi là thế này: những người theo giả thuyết thứ nhất là do Thượng đế tạo ra, còn những người theo giả thuyết thứ hai thì có nguồn gốc từ loài vượn. Như vậy đấy! Đừng vu khống điều nhục nhã cho chúng tôi. “Có nguồn gốc từ chó rừng” là thế nào!? Khiếp cho những người có thể nghĩ điều đê nhục đến như thế về loài chó. May mà không phải ai cũng nghĩ như thế về chúng tôi. Vẫn còn có ai đó để mà hi vọng.
 
Tóm lại, tôi may mắn được đưa đi dự tiệc tại nhà của nhà địa chất râu xồm. Buổi tối hôm ấy, qua tivi, tôi biết được bao nhiêu là điều mới lạ và thú vị, để bây giờ có thể chia sẻ cùng các bạn.
 
Con người đã bắt đầu thuần dưỡng tổ tiên của tôi (đương nhiên là chó sói) từ hơn mười nghìn năm trước. Không đầu óc nào (thậm chí là đầu óc chó) có thể tưởng tượng được là đã từ lâu đến thế! Còn bằng chứng sớm nhất về sự hợp tác giữa người và chó có niên đại 22 thiên niên kỷ trước công nguyên. Các nhà khoa học đã tìm thấy hóa thạch dấu chân của chó. Các nhà di truyền học đã tính ra rằng chó và chó sói bắt đầu chia tách gene từ 125.000 năm trước, nhưng tổ tiên của tôi trở thành bạn đồng hành của con người muộn hơn nhiều.
 
Những con chó đầu tiên được thuần dưỡng vừa làm nhiệm vụ canh giữ vừa là trợ thủ của con người trong săn bắn, hái lượm. Khi con người khôn ngoan dần lên, chó được chia thành nhiều nhóm chức năng. Ban đầu chỉ có hai nhóm là chó giữ nhà và chó săn. Về sau xuất hiện thêm chó cảnh. Người ta chẳng đòi hỏi gì ở chúng, chúng chẳng làm gì để phục vụ con người, ngoại trừ mỗi một việc là tồn tại để làm vui mắt chủ. Có lẽ những con chó như vậy cũng cần thiết, tôi không biết nữa. Nhưng các bạn hãy đồng ý với tôi rằng ở loài người cũng có loại người làm cảnh. Không biết tôi hiểu thế có đúng không? Có thể tôi bị nhầm lẫn, nhưng rõ ràng ở loài người có những người làm việc quần quật suốt ngày và cũng có những người suốt ngày chỉ nằm dài trên xa lông. Nhưng thôi, đó lại là một chủ đề khác mất rồi. Chương trình tivi hôm ấy nói rất ít về người.
 
Có một điều khiến tôi khá ngạc nhiên: hiện nay, lĩnh vực sử dụng các giống chó đã thay đổi hoàn toàn. Vấn đề được quan tâm nhiều nhất là sự sụt giảm mạnh số lượng chó săn. Nguyên nhân chính là do việc săn bắn trong môi trường tự nhiên bị hạn chế đến mức thấp nhất nên nhiều người chuyển qua nuôi chó cảnh (dĩ nhiên nghề chó săn chưa bị tuyệt diệt hẳn, khá nhiều chó săn “chuyển ngành” sang phục vụ trong các bộ phận đặc nhiệm của quân đội, cảnh sát, biên phòng). Xin lấy giống chó của tôi làm thí dụ: rất nhiều con chó cùng giống với tôi thay vì được sử dụng những khả năng độc đáo của mình để mang lại lợi ích cho con người thì lại phải suốt ngày ăn không ngồi rồi làm cảnh. Người ta quá cưng chiều những người anh em của tôi. Cứ đà này, chẳng bao lâu nữa, chó Labrador sẽ bị biến thành chó cảnh hết mất thôi. Thật đáng buồn cho giống chó oai hùng của tôi.
 
Các bạn biết không, nếu được tập luyện thường xuyên, loài chó rất khỏe nếu so với vóc dáng, kích thước của mình. Nhiều con chó có thể thồ hàng nặng trên lưng hoặc kéo xe trượt tuyết có trọng tải rất lớn. Vì vậy, đừng tưởng rằng ngựa là vô địch trong lĩnh vực này. Loài chó chúng tôi làm việc cũng cừ khôi lắm đấy. Các bạn đã nghe nói về chó kéo xe bao giờ chưa? Thế này nhé, 6 con chó khỏe có thể kéo một chiếc xe trượt tuyết chất 1 tấn hàng đi liên tục suốt mấy tiếng đồng hồ. Một con chó thuộc giống Foxhound có thể thực hiện việc đánh hơi, tìm dấu suốt 48 giờ liền không nghỉ (!). Người đi theo mệt lử, phải nằm lăn ra nghỉ, nhưng chó thì vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình như không có chuyện gì xảy ra.
 
Tôi sẽ không làm cho các bạn phải mệt mỏi vì những thông tin đơn điệu này nữa. Bây giờ tôi xin kể vắn tắt về chuyện thú vị nhất. Chẳng hạn, về bộ lông của chúng tôi. Có một con chó ở Mexico, trên mình nó gần như không có một sợi lông nào. Nhưng cũng có một số giống chó lông mọc dài đến hàng nửa mét! Người mà như thế, chắc phải nuôi thợ cạo riêng. Vâng, những con chó lông dài như thế phải được xén và chải lông thường xuyên. Tôi cứ hình dung, nếu một con chó như thế bỏ chủ hay lạc chủ và trở thành chó hoang thì sao. Thật khủng khiếp! Gặp phải một con chó như thế trong hẻm tối ban đêm, người cứng bóng vía nhất hẳn cũng phải chết giấc vì sợ hãi. Dĩ nhiên không ai có thể đoán biết được con thù kỳ dị ấy là thứ ma thứ quỷ gì.
 
Mỗi giống chó đều có một đặc tính riêng về lông. Có những giống chó lông rất thô, cứng như lông bàn chải. Một số giống chó thì lông mịn và mềm như tơ lụa. Đại đa số các giống chó đều có bộ lông mượt, nhưng cũng có một số giống, lông mọc thẳng góc với bề mặt lỗ chân lông, vì thế lông xù và cứng. Còn các giống chó phương Bắc thì luôn có bộ lông dài và rậm, nếu không chúng sẽ bị chết cóng trong khí hậu băng giá.
 
Tất cả các giống chó đều có một điểm chung là thay lông hàng năm, mà thời điểm thay lông thì lại phụ thuộc vào thời gian được chiếu sáng trong một ngày, nghĩa là tùy theo mùa. Nhiệt độ môi trường ảnh hưởng nhiều đến tốc độ và cường độ mọc lông. Nếu để cho chó ở ngoài trời thì mỗi khi mùa lạnh tới, lông sẽ mọc dày hơn. Cũng con chó ấy hoặc chó thuộc giống chó ấy, nếu sống trong môi trường luôn ấm áp thì lông sẽ không quá rậm. Tóm lại, chó là loài động vật cơ hội – xin hiểu theo nghĩa tốt của từ này.
 
Xin nói thêm đôi chút về màu lông. Phần lớn màu sắc lông chó được hình thành trên cơ sở sự pha trộn giữa hai màu chủ đạo là đen và vàng, đặc trưng của tổ tiên chúng tôi là chó sói. Tuy nhiên, hiện tượng đột biến gene và một số nguyên nhân khác đã dẫn đến sự đa dạng cực kỳ lớn không chỉ đối với loài chó mà còn đối với tất cả các loài gia súc. Ở loài chó cũng như các loài thú có vú khác, màu lông được xác định bởi các hạt sắc tố chứa trong lông. Nếu các hạt sắc tố đen có mật độ dày đặc, lông sẽ có màu đen; nếu thưa hơn, lông sẽ có màu mơ sậm. Nếu các hạt sắc tố đen phân bố rải rác và thiếu vắng sắc tố vàng, lông sẽ có màu xám. Khi hoàn toàn không có các hạt sắc tố đen, lông sẽ có màu vàng. Nếu không có bất cứ loại sắc tố nào, màu lông sẽ trắng như tuyết – trường hợp này rất hiếm, và thường đi kèm với hiện tượng mắt có màu hồng. Tôi chưa bao giờ được nhìn thấy tận mắt những con chó như vậy ngoài đời, chỉ mới được thấy trên tivi. Tuyệt đẹp, không thể nói gì hơn.
 
Loài chó chúng tôi còn có gì đáng để tự hào nữa? Đó là răng, tất nhiên rồi. Chúng tôi có đến hai lứa răng. Lứa đầu là những chiếc răng sữa nhỏ xíu, phát triển dần ở chó con cho đến thời kỳ dứt sữa, nghĩa là khi chúng tôi được khoảng 7 – 8 tuần tuổi. Sau tháng thứ ba, hai răng cửa giữa bị rụng, rồi dần dần sau đó lần lượt rụng hết tất cả các răng sữa còn lại. Nhưng giai đoạn sún trụi hoàn toàn kéo dài không lâu. Sau tháng thứ năm, chúng tôi đã có đầy đủ 40 chiếc răng trưởng thành. Vì vậy hãy cẩn thận, chớ nên chủ quan với chó con. Một chú chó con có thể đớp bạn một nhát nhớ đời đấy. Tôi xin báo trước để mà phòng xa.
 
Chó dùng những răng cửa khá nhỏ của mình (mỗi hàm 6 chiếc) để cắn giữ thức ăn, còn 4 răng nanh của mỗi hàm, kế tiếp răng cửa, dùng để băm thức ăn, đồng thời sử dụng trong chiến đấu. Những răng còn lại – răng tiền hàm và răng hàm – dùng để nhai xương và nghiến thịt. Tuy nhiên, dù có hàm răng đặc trưng của thú ăn thịt, chúng tôi vẫn không phải là thú ăn thịt đặc trưng – chúng tôi có thể ăn cả rau, củ, quả, cơm, cháo, bánh mì, thậm chí cả món rau trộn.
 
Chúng tôi tất nhiên không thể làm ca sĩ, nhưng cũng có thể phát ra được những âm thanh với các cao độ và cường độ khác nhau. Tiếng sủa bình thường thì ai cũng biết rồi. Khi lạc chủ, chúng tôi tru. Khi bị đau, chúng tôi rên. Nếu ai đó định lấy mất miếng ăn khi chúng tôi đang ăn, chúng tôi gừ. Những con chó dẫn đường như tôi không bao giờ gầm gừ với người được dẫn đường, vì chúng tôi được dạy như thế. Còn những con chó bình thường, nếu chúng đang ăn mà chủ của chúng đưa tay vào định lấy đĩa thức ăn đi thì rất có thể bị chúng đớp thẳng vào tay.
 
Dù sao thì chúng tôi thỉnh thoảng cũng cố gắng tập hát. Nhiều con chó có phản ứng rất nhạy đối với những nốt nhạc nào đó và bắt chước phát âm theo cao độ đó. Một số con chó, đặc biệt là chó kéo xe phương Bắc, thường rất thích “hát” đồng ca. Chúng cùng ngước mõm lên trời và tru đồng loạt. Sau khi nghe những tiếng tru oai hùng ấy, liệu các bạn có thể nói rằng loài chó chúng tôi không phải xuất thân từ chó sói? Tôi không rõ lắm, có thể loài chó rừng cũng biết tru, nhưng nếu quả có thế thì tôi cũng hình dung ra được rằng tiếng tru ấy nghe thô tục lắm.
 
Giọng của các giống chó săn mang một ý nghĩa đặc biệt. Một số giống chó săn Anh có thể phát ra những âm thanh giọng cổ tuyệt đẹp.
 
Tôi rất bực khi một số người khẳng định rằng loài chó chúng tôi không hề biết phân biệt màu sắc. Chúng tôi phân biệt đến đâu ấy chứ. Làm sao tôi có thể trở thành chó dẫn đường nếu tôi không phân biệt màu đèn tín hiệu giao thông? Tôi đồng ý là thị lực của chúng tôi thua kém mắt người, nhưng những người được chúng tôi dẫn đường thì tuyệt nhiên không nhìn thấy gì cả. Vậy liệu có cần đòi hỏi chó dẫn đường phải có đôi mắt tinh như mắt chim ưng hay mắt đại bàng không? Nói vậy thôi chứ mắt loài chó chúng tôi đây cũng có thể phân biệt được đến 40 sắc thái khác nhau của màu xám đấy.
 
Tôi nghĩ rằng các bạn sẽ hứng thú khi được biết về những đồng loại nổi tiếng của tôi. Một số nhân vật, một số câu chuyện tôi đã kể rồi, nhưng e rằng chưa đủ. Tôi không thể không nhắc tới con chó Nga nổi tiếng tên là Tref, thuộc giống doberman, từng giúp cảnh sát phá được 1.500 vụ trọng án. Như thế mà không phải là anh hùng sao?
 
Ở Edinburgh, Scotland, có một tượng đài tưởng niệm với dòng chữ “Con chó trung thành nhất thế giới”. Năm 1858, ông lão chăn cừu chủ của chú chó Bobby qua đời, suốt 14 năm sau đó Bobby sống bên mộ chủ, chờ đợi ông lão trở về. Tất cả người dân Scotland đều biết đến Bobby và đều mến thương, cảm phục vì lòng trung thành đến kỳ lạ đó. Sau khi trút hơi thở cuối cùng, Bobby được chôn ngay bên cạnh chủ.
 
Làm sao có thể quên được con chó Laika nổi tiếng của chúng ta. Laika chính là sinh vật đầu tiên bay vào vũ trụ và sau đó được dựng tượng đài tưởng niệm. Nếu có dịp đến thăm Matxcơva, mời các bạn ghé đến phố Petrovsko-Razumovskaya chiêm ngưỡng tượng đài ấy nhé.
 
Nước Nga còn có hai “nhà du hành vũ trụ bốn chân” nữa không kém phần nổi tiếng. Đó là hai con chó Belka và Strelka, từng bay vào vũ trụ trên con tàu Sputnik-5, tiền thân của tàu vũ trụ Phương Đông. Hai anh hùng vũ trụ này bay trong không gian bên ngoài trái đất từ ngày 19 đến ngày 20 tháng 8 năm 1960. Có thể ai đó sẽ cười khẩy khi tôi gọi hai đồng loại ấy của tôi là anh hùng, nhưng từ trước đến nay người ta vẫn phong danh hiệu Anh hùng cho những người đạt được chiến công tương tự.
 
Thật đáng buồn lòng khi người ta không bao giờ trao cho chó danh hiệu cao quý ấy. Hãy nhớ lại và suy nghĩ: trong thời gian Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, chú chó Dick thuộc giống chăn cừu đã phát hiện 11.000 quả mìn của quân Đức ở ngoài mặt trận và một quả bom lớn mà bọn phát xít Đức giấu dưới tầng hầm của cung điện Pavlovsky ở Leningrad. Tài năng và lòng quả cảm của Dick đã cứu mạng hàng nghìn binh sĩ Hồng quân. Chẳng lẽ đó không phải là chú chó anh hùng sao? Nhưng đã là chó thì không bao giờ được phong thánh, không bao giờ được phong anh hùng…
 
May sao vẫn còn có những người dựng tượng đài cho các đồng loại của tôi. Ngày 17–2–2007, ở sảnh trên mặt đất của ga tàu điện ngầm Mendeleevskaya thuộc hệ thống tàu điện ngầm Matxcơva người ta đã long trọng tổ chức lễ khánh thành tượng đài đầu tiên trên thế giới nhằm tôn vinh sự đối xử nhân đạo đối với những con vật vô gia cư. Nguyên mẫu của bức tượng là một con chó hoang có tên Malchik (Chú bé), vốn là con vật yêu quý của toàn bộ nhân viên hệ thống tàu điện ngầm và của hàng triệu hành khách đi tàu. Các bạn sẽ hỏi, chuyện gì đã xảy ra với Malchik? Thật hãi hùng khi phải trả lời: một gã vô lại nào đó đã bất ngờ giết chết Malchik trước mặt mọi người trong lối thông ga dưới mặt đất…
 
Nói chung, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Các bạn có thể có cuộc đời chó, và chúng tôi cũng có thể có cuộc đời người. Như người ta thường nói, ai có phước thì may, ai không có phần đành chịu…
 
Có tiếng ồn ào gì vậy? A, khách khứa chuẩn bị ra về. Đã đến lúc phải đứng dậy rồi, Sashka đang quờ quạng tìm tôi. Đi về nhà thôi. Tạm biệt các bạn. Hẹn gặp lại ở chương kế tiếp.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.