Chó Dẫn Đường Phiêu Lưu Ký - Tập 1

19



Chúng tôi trở về nhà trên chuyến tàu điện tương đối vắng khách. Tôi rất thích khi các phương tiện giao thông công cộng không bị lèn cứng. Rộng rãi, dễ chịu, không sợ bị ai giẫm vào chân. Có lẽ các bạn cũng thích đi trên những chuyến xe, tàu thưa khách? Còn đối với chó dẫn đường chúng tôi, điều này rất quan trọng. Chúng tôi rất khó làm việc trong đám đông.
 
Mọi chuyện đều tốt đẹp. Xuống tàu điện, chúng tôi đi bộ về nhà. Hai người phụ nữ vừa đi vừa chuyện trò ríu rít ở đằng sau, tôi và Sashka đi đằng trước. Thực ra là tôi đi trước, Sashka đi ngay sau tôi. Cảm giác lâng lâng, dường như không gì có thể phá hỏng tâm trạng trong buổi tối đẹp trời này. Vậy mà rồi tâm trạng vẫn bị phá hỏng bởi một gã thanh niên thô lỗ. Số là bà ngoại Elizaveta Maximovna của chúng tôi bị vấp phải cái gờ nào đó trên rìa mép vỉa hè, ngã xuống, té lăn ra ngoài đường nhựa. Ngay tức khắc, tiếng phanh ôtô rít lên nghe đến rợn người. Kế ngay đó là tiếng kêu thất thanh của mẹ. Lông trên mình tôi dựng đứng cả lên. Tôi quay đầu lại và nhìn thấy cảnh tượng sau đây (xin các bạn yên tâm, không có chuyện gì đáng sợ cả, không ai chết chóc, bị thương gì): bà ngoại đang ngồi bệt trên mặt đường, dựa lưng vào hông chiếc xe du lịch. Từ trong xe một thanh niên to lớn, khoảng 20 – 22 tuổi nhảy ra, quát to:
 
– Đồ con bò, đi đứng kiểu gì thế? Đui rồi à?
 
Tức quá, tôi sủa vang. Làm sao có thể ăn nói như vậy được chứ? Dám gọi một bà già là “đồ con bò”! Thật không biết xấu hổ.
 
– Xin lỗi cháu, – bà ngoại thanh minh, – bà bị vấp ngã. Vì Chúa, hãy tha lỗi cho bà…
 
– Vấp ngã… – gã thô bỉ nọ vẫn chưa buông tha, – tự mình nhào vào dưới bánh xe để rồi người ta phải đi tù oan, có hiểu không, con mụ kia?
 
– Bình tĩnh đi, anh bạn trẻ, – bà ngoại nói, – già không cố ý, thật mà, chỉ vô tình vấp ngã.
 
– Mau tránh ra khỏi chiếc xe! – Gã nọ gào lên. – Làm gì mà cứ dựa vào hông xe mãi thế?
 
Mẹ Svetlana xốc nách đỡ bà dậy, dìu lên vỉa hè, và không kìm được giận, bèn nói:
 
– Này anh kia, vô lương tâm vừa vừa thôi. Nói chuyện với người đáng tuổi mẹ, tuổi bà mình như thế mà coi được à?
 
– Còn con mẹ này nữa, chưa kịp hỏi đến mày đấy, – gã thanh niên cục cằn nọ vừa nhìn ngó vừa lấy tay chùi chùi hông xe, chỗ bà ngoại dựa vào. – Phải biết nhìn đường chứ. Cứ vừa đi vừa ngoác mồm ra mà nói chuyện.
 
– Cậu có thôi ngay đi không? – Mẹ cao giọng. – Xe của cậu có bị làm sao đâu. Người ta chỉ bị vấp ngã thôi.
 
Bà ngoại bật khóc. Mẹ khuyên lơn, an ủi bà. Còn gã thanh niên mất dạy nọ vẫn chưa chịu đi cho. Hắn đi vòng quanh chiếc xe, nhìn ngó thân xe, gầm gừ trong họng, làu bàu điều gì đó. Tại sao phải sừng sộ lên như thế? Thực ra thì chẳng có gì ghê gớm cả. Nhưng tôi đoán ra rồi. Tại sao hắn cứ phải lăng xăng như thế? Chẳng qua do hoảng quá, hồn vía lên mây nên không dám ngồi ngay vào sau tay lái. Rõ ràng là hắn cần có thời gian để lấy lại hồn vía.
 
Suốt quãng đường còn lại, bà ngoại vẫn khóc thút thít. Mẹ tiếp tục vỗ về, an ủi bà. Tôi cứ suy nghĩ mãi, tại sao con người ta lại có thể cư xử thô lỗ với nhau đến thế? Ừ, thôi thì xảy ra chuyện đáng tiếc, nhưng không ai việc gì cả. Thế là ổn rồi. Lẽ ra, người lái xe phải xuống xe đỡ bà cụ dậy, thậm chí có thể còn xin lỗi, mặc dù mình hoàn toàn không có lỗi. Anh bạn à, anh cũng có mẹ, có bà, có thể còn có vợ nữa. Tại sao anh lại mắng mỏ một bà già tội nghiệp đang chết khiếp vì vừa thoát chết trong đường tơ kẽ tóc? Tôi thật không hiểu nổi.
 
Nói chung, tôi để ý thấy những người ngồi sau tay lái thường tỏ ra thô lỗ, cục cằn hơn những người đi bộ. Họ có thể lái xe băng băng qua vũng nước khiến cho nước văng ràn rạt lên người đi bộ trên vỉa hè. Có khi họ không chịu nhường đường cho người đi bộ đang băng ngang qua đường ngay vạch kẻ sọc dưa, hoặc đậu xe ngay trên vỉa hè choán hết lối đi. Đôi khi họ đậu xe ngay trước cửa sổ căn hộ tầng trệt, cứ thế rồ ga, xả khói, đặc biệt là vào mùa đông, khi cần phải làm nóng động cơ hoặc khi cần
 
mở máy nóng trong xe, mặc cho ai phải hít thở khói xả. Ông cụ Ivan Savelievich từng nói rất đúng rằng người lái xe phải biết trân trọng người đi bộ, vì chính người đi bộ đã chế tạo ra xe hơi. Nhưng đáng tiếc, không phải ai cũng hiểu điều đó…
 
Cuối cùng thì rồi chúng tôi cũng về đến nhà. Bà ngoại nằm vật xuống xa-lông sau khi uống vội mấy viên thuốc gì đó. Tôi và Sashka se sẽ ngồi xuống bên cạnh bà.
 
– Bà ngoại ơi, bà có sao không? – Sashka hỏi nhỏ.
 
– Không sao đâu, cháu, ổn cả thôi, đừng lo lắng, – bà ngoại trả lời, – chỉ hơi bị khó chịu trong tim tí thôi. Nhưng chắc rồi sẽ qua.
 
Sashka bóp bóp rồi vuốt vuốt cánh tay bà ngoại.
 
– Bà ơi, lần sau bà nhớ đi sát với chúng con nhé, – Sashka nói, – Trisha nhìn thấy mọi thứ chướng ngại, sẽ cảnh báo.
 
Ôi, Sashka thân mến, tôi tự hào đến mức lim dim đôi mắt, thật sung sướng khi được nghe những lời ấy của cậu. Đối với tôi, được nghe những lời như thế còn sướng bụng hơn cả khi được ăn những thức ăn dành cho chó thường được quảng cáo trên tivi là “vốn đã ngon nay càng ngon hơn”. Cảm ơn nhiều, anh bạn trẻ của tôi. Tôi có cần gì ở cậu nhiều hơn thế nữa đâu. Cậu có ý kiến như thế về công việc của tôi khiến tôi rất tự hào, vui sướng. Tôi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để giúp đỡ cậu trong cuộc sống.
 
Các bạn người thân mến! Dù không có những lời khen như vậy, chúng tôi vẫn trung thành và sẵn sàng hi sinh cuộc đời mình vì các bạn. Nhưng khi được các bạn người khen ngợi, chúng tôi cảm thấy vô cùng vui sướng. Vì thế, mỗi khi thấy chúng tôi làm đúng, làm tốt điều gì đó, xin hãy khen chúng tôi, đừng ngại. Giá mà các bạn biết được rằng chúng tôi vui sướng biết chừng nào khi nhận được những lời nhận xét tốt từ các bạn! Mà ngay cả các bạn cũng thế thôi, ai mà chẳng nở lòng nở dạ khi được khen. Chẳng phải vậy sao? Nếu các bạn nghĩ rằng chúng tôi không hiểu lời khen thì thay vì cho thức ăn khô, hãy cho chúng tôi một miếng thịt gà. Thôi thì dùng miếng thịt gà thay cho lời khen vậy. Nhưng xin đừng nghĩ rằng chúng tôi tham ăn hay phục vụ các bạn chỉ vì miếng thịt. Xin lấy danh dự của mình ra mà nói, riêng bản thân tôi, tôi không bao giờ nhận thức ăn từ tay người lạ, dù cho đó là cả một con gà. Đối với tôi, điều quan trọng không phải người ta cho tôi cái gì, mà là ai cho. Xin các bạn luôn nhớ cho, không thể nào mua chuộc được chúng tôi đâu.
 
– Ôi, cháu nói gì vậy, Sashka? – Bà ngoại mỉm cười.
 
– Cháu lại còn muốn Trisha giúp đỡ bà nữa sao? Bà không muốn Trisha phân tán tư tưởng trong khi đang dẫn đường cho cháu.
 
Bà ngoại à, đừng lo lắng quá thế, con có thể phục vụ Sashka và giúp cả bà nữa vẫn được mà. Hãy mạnh dạn tin tưởng con đi.
 
– Bà ơi, bây giờ bà sẽ ngủ chứ? – Sashka hỏi.
 
– Đúng rồi, cháu ạ, bà phải chợp mắt một chút để tĩnh trí lại.
 
– Vậy chúc bà ngủ ngon nhé, – Sashka cúi xuống hôn nhẹ lên trán bà ngoại rồi quay sang tôi, nói: – Đi nào, Trisha, đi cho bà nghỉ. Đi xuống bếp, tôi sẽ cho bạn ăn.
 
Đúng rồi, tôi cũng đang cảm thấy kiến bò bụng đây. Mẹ Svetlana thật tốt, không bao giờ tiếc tiền mua thức ăn cao cấp cho tôi. Thật may mắn cho tôi được đến với một gia đình tốt như thế này. Thật hạnh phúc khi được sống với những con người tốt bụng như vậy.
 
Cô bạn Lada của tôi thật không may mắn. Không những phải chịu đựng những “trận” tắm bằng xà phòng giặt, Lada còn bị chửi mắng, đánh, đá, chê trách là đồ lười và đồ ngu dốt. Thực ra, bạn ấy rất thông minh và hiền lành, tốt bụng. Lada ơi, bây giờ bạn đang ở phương nào, đang sống với ai? Giá chi được gặp lại bạn ấy. Tại sao không nhỉ? Rất có thể tôi và Lada một ngày nào đó sẽ gặp nhau. Tôi và anh bạn mèo Murzik, tưởng đã mãi mãi rời xa, vậy mà rồi cuối cùng vẫn gặp lại nhau đó thôi.
 
Xin tỏ lòng biết ơn vô hạn những người thân yêu nhất của tôi – cảm ơn cụ Ivan Savelievich kính mến, cảm ơn Sashka yêu quý. Trong nhà đã yên ắng cả rồi, mọi người đã ngủ, và tôi cũng đã đến lúc phải ngủ để lấy sức cho ngày mai. Tôi đã mộng tưởng đến một điều gì đó…

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.