Chó Dẫn Đường Phiêu Lưu Ký - Tập 1

21



Cuối cùng thì chàng trai “thừa ruột” của tôi được xuất viện, trở về nhà. Nào, gỡ cái cặp kính quỷ ấy xuống đi, để cho tôi thoải mái liếm cậu. Ôi, cậu bé Sashka của tôi. Cậu sống trong bệnh viện thế nào?
 
– Yên nào, Trisha! – Bà ngoại la tôi. – Làm gì mà nhảy chồm chồm thế.
 
Làm sao tôi có thể không nhảy được, hở bà ngoại? Mấy ngày nay, tôi như muốn chết vì buồn và nhớ rồi đấy.
 
– Bà ngoại à, Trisha cẩn thận lắm, – Sashka bênh tôi rồi ôm lấy tôi, vuốt ve, hôn vào mũi.
 
– Coi chừng kẻo nó làm con đau đấy, – bà ngoại nói.
 
Nếu bà không phải là người bị đau tim thì tôi đã sủa bà rồi.
 
– Bà ngoại à, – Sashka trả lời, – từ ngày thứ hai sau khi mổ, con đã có thể đi lại trong buồng bệnh rồi mà.
 
– Thì sao? Bà chỉ lo nó làm con ngã thôi.
 
Không phải bà ngoại, mà là cái máy bóp méo thông tin, hay là cái máy gì đó mà tôi quên mất tên gọi chính
 
xác. Hễ mở miệng nói điều gì ra thì y như rằng là đụng chạm. “Làm đau, làm ngã”. Bà Elizaveta Maximovna không biết rằng những từ như thế rất làm phật lòng một con chó đàng hoàng như tôi, hay bà cố tình “hạ bệ” tôi? Suốt cả tuần tôi đã xử nhũn rồi, bà nói gì, tôi nghe nấy, còn muốn gì nữa. Ối, bà ơi là bà…
 
Nào, Sashka, nói đi, sức khỏe của cậu thế nào rồi? Cậu chịu đựng ca phẫu thuật như thế nào? Bao giờ thì chúng ta được đi dạo?
 
– Bạn buồn và nhớ lắm phải không? – Sashka hỏi rồi đưa tay ôm lấy bên hông phải của mình, chỗ vết mổ.
 
– Gâu, gâu!
 
– Vào phòng tôi đi, – Sashka nói, – tôi không ngồi lâu trên sàn được. Đi nào.
 
Phòng của Sashka rất sạch sẽ, tươm tất, mát mẻ. Mẹ đã dán kính cửa sổ bằng loại màng mỏng gì đó có tác dụng ngăn tia bức xạ nhiệt để ánh sáng Mặt trời không làm nóng căn phòng. Quả thực, con người đã sáng chế ra muôn vàn thứ tiện ích, và cái màng này đã giúp triệt tiêu được cái nóng gay gắt mùa hè.
 
– Nào, lên đây, – Sashka vỗ nhẹ lên mặt ghế xa lông mà cậu ấy đang ngồi. Tôi nhảy lên, cẩn thận nằm xuống, nhẹ nhàng gối đầu lên đùi cậu ấy. Từ người cậu toát ra cái mùi quen thuộc, thân thương. – Hôm nay chúng ta sẽ đi dạo…
 
Ôi, tôi thì có thể ngay bây giờ cũng được, nhưng liệu bà Elizaveta Maximovna sẽ ca bài ca nào đây, chưa biết được. Có thể bà ấy sẽ nói: Sashka à, đừng có vội, con chưa đi dạo được đâu, coi chừng bục vết mổ. Giống như khi Sashka còn nằm trong bệnh viện, bà ấy chỉ đưa tôi ra ngoài chừng mươi, mười lăm phút để giải quyết nhu cầu tự nhiên rồi đưa trở lại vào nhà. Bây giờ thì chuẩn bị mà chờ đón các chiêu quái của bà ấy.
 
Nhưng rất may cho chúng tôi là mẹ đã về đúng lúc và cho phép Sashka đi dạo. Nhưng mẹ cũng dặn dò đủ điều và dặn thật kỹ lưỡng, cứ như chúng tôi không phải đi chơi ở công viên gần nhà mà chuẩn bị đi thám hiểm Bắc cực không bằng. Nào không được đi tới chỗ nọ, nào không được làm việc kia, nào không được chơi trò này trò khác… vân vân và vân vân. Quả không dễ hưởng tự do. Dĩ nhiên là tôi dẫn Sashka đi một cách cẩn thận, chậm hơn mọi khi, thỉnh thoảng dừng lại cho cậu bé nghỉ ngơi – theo đúng bảng hướng dẫn của mẹ. Vụ này thậm chí khiến Sashka phát bực.
 
– Trisha, sao bạn cứ như con gấu giậm châm tại chỗ thế? Bạn không thể đi nhanh lên một chút được sao?
 
– U-u! – Tôi trả lời.
 
– Tại sao lại thế?
 
– Gâu! – Tôi nói.
 
– Bạn lo ngại cho tôi ư?
 
– Gâu-gâu!
 
– Ồ, tôi sắp lành hẳn rồi mà.
 
– U-u! – Tôi phản đối.
 
– Thôi, đừng làm khôn nữa. – Sashka cười.
 
Đúng lúc đó có một người phụ nữ dắt theo một cô bé chừng 5 tuổi đi ngang qua chỗ chúng tôi.
 
– Bà ơi, bà ơi, – cô bé reo lên, – xem kìa, anh ấy nói chuyện với con chó.
 
Nhìn thấy trước mặt mình là một cậu bé mù, người phụ nữ vội giật tay đứa cháu, nói gì đó nho nhỏ rồi vội kéo cô bé đi tránh ra xa. Nhưng dường như cô bé cảm thấy thích thú về cuộc trò chuyện của chúng tôi nên cứ ngoái lại nhìn theo cho đến khi chúng tôi khuất hẳn sau góc phố.
 
Tóm lại, đã từ lâu tôi nhận thấy rằng những người sáng mắt nhìn người mù phần nhiều không phải với thái độ cảm thông mà dường như có chút sợ sệt nào đó, cứ như trước mặt họ không phải con người mà là một sinh vật ngoài hành tinh. Đó là người lớn. Còn trẻ con thì ngược lại – chúng nhìn ngắm một cách tò mò như thể xem một màn ảo thuật phức tạp. Giá mà người mù nhìn thấy được cảnh ấy, chắc họ sẽ phải bật cười. Nhưng nếu họ nhìn thấy được thì làm gì có cái cảnh ngộ nghĩnh ấy nữa mà nhìn với chẳng thấy? Quả là ảo thuật, biến hóa.
 
Lúc ở trong công viên, một cô bé choai choai đi lại gần chúng tôi rồi ngồi xuống băng ghế mà Sashka đang ngồi. Cô bé đằng hắng một tiếng rồi nói:
 
– Chào bạn, Sashka. Tôi là Irina, học cùng lớp với bạn đây.
 
– Ôi, Irina Serebriakova có phải không? – Sashka mừng rỡ hỏi. – Chào Irina. Lâu nay bạn sống thế nào?
 
– Bình thường, – cô bé mỉm cười, – thế còn bạn thì thế nào?
 
– Cũng bình thường thôi, Irina ạ, – Sashka tươi tỉnh hẳn lên, thế còn bọn con trai lớp ta sao rồi? Kolia này, rồi Seriozha này…
 
– Chúng nó đi nghỉ hè tứ tán hết rồi. Kolia về làng với ông bà, Seriozha đi nghỉ mát ở biển với bố mẹ. Sắp về hết rồi đấy. Chúng tôi sẽ đến nhà thăm bạn. Còn con chó này là…? – Irina hất hàm về phía tôi.
 
– Là chó dẫn đường, – Sashka đáp, – được huấn luyện chuyên nghiệp đấy.
 
– Con chó đẹp quá, – cô bé nói, – có thể vuốt ve nó được không?
 
Cảm ơn nhiều, cô bạn nhỏ.
 
– Tất nhiên rồi, cứ vuốt ve thoải mái. Nó rất hiền và hiểu hết mọi chuyện đấy.
 
Mặc dù đã được Sashka trấn an, cô bé vẫn tỏ ra thận trọng khi vuốt ve tôi.
 
– Nó tên là gì vậy?
 
– Tên chính thức là Trison, – Sashka nói, – nhưng ở nhà tôi, ai cũng gọi nó là Trisha.
 
Ôi chao, Sashka, ai kéo lưỡi cậu ra vậy? Nói “Trison” là được rồi, việc gì phải đi sâu vào chi tiết nữa.
 
– Cái tên đẹp quá, – cô bé khen và nói thêm: – Mà đúng đấy, Trisha nghe thân thiết, âu yếm hơn nhiều. Các chú chó rất thích được nghe gọi bằng những cái tên âu yếm.
 
Lại xuất hiện thêm một nhà thông thái nữa! Tôi rất không thích khi người ta cứ quyết định mọi chuyện thay
 
cho chúng tôi, rằng cái gì chúng tôi thích, cái gì không thích. Làm sao mà cô biết được chuyện đó, hở cô bé Irrrrrrrina?
 
– Thế nào, bạn đã học được cách đọc chữ nổi rồi chứ?
 
– Học được rồi, thậm chí tôi còn có một cái máy vi tính có màn hình chữ nổi đấy.
 
– Có khó không? – Cô bé tò mò hỏi.
 
– Bạn biết không, Irina, ban đầu tôi cứ ngỡ là không cách nào tôi có thể làm quen được với bảng chữ cái Braille khó chịu ấy. Vậy mà rồi bây giờ thì tôi đã có thể nói với bạn rằng không có gì gọi là phức tạp cả.
 
– À này, thế còn cái vụ mổ mắt ấy mà, người ta sẽ tiến hành cho bạn chứ?
 
– Tôi không biết nữa, – Sashka thở dài nặng nề. – Người ta nói là có thể nghĩ ra điều gì đó để cứu vãn tình hình. Thay tròng đen nhân tạo chẳng hạn. Nhưng dù sao tôi cũng không tin chắc lắm. Đến tháng chín này mẹ tôi sẽ đưa tôi đi tham vấn chuyên gia nhãn khoa.
 
– Tại sao bạn lại không tin? – Cô bé tỏ ý phản đối. – Mẹ tôi có một người quen, cô ấy suốt 20 năm sống trong bóng tối…
 
– Rồi sao nữa? – Sashka vội ngắt lời. – Rồi sao, sao nữa? – Sashka lặp lại mấy lần và tôi nhận thấy môi dưới của cậu ấy run run.
 
Bình tĩnh nào, Sashka yêu quý, đừng khóc đấy. Cậu là đàn ông con trai mà.
 
– Thế rồi các bác sĩ đã trả lại thị lực cho cô ấy.
 
– Irina, bạn hãy nói thật đi, – Sashka cắn chặt răng để khỏi bật khóc, – bạn nói điều đó ra là để an ủi tôi hay đó là sự thật?
 
– Tôi thề mà. Tôi nói sự thật đấy, Sashka ạ. Tôi xin thề trước Chúa, – cô bé làm dấu thánh giá. – Cô ấy… tức là người phụ nữ ấy… ngày trước chỉ có hai hốc mắt đen ngòm mà bây giờ đã trở thành một người phụ nữ tóc vàng rất đẹp có đôi mắt xanh, nhìn rõ mọi vật… Tôi không nói dối bạn đâu.
 
Sashka của tôi cuối cùng cũng không nén lòng được. Từ đằng sau cặp kính đen, những giọt nước mắt rơi xuống. Cậu ấy quay mặt đi để cô bạn cùng lớp không nhìn thấy. Cô bé ngồi xích lại gần Sashka và vuốt bàn tay cậu ấy.
 
– Đấy, thấy không, Sashka? Mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp thôi mà.
 
– Thôi, được rồi mà, – Sashka khoát tay.
 
– Đừng thất vọng, Sashka.
 
Ai zà, cô bé này tới, nói bao nhiêu chuyện khiến Sashka của tôi buồn đến rơi nước mắt, bây giờ lại phải an ủi. Thế rồi mưa bắt đầu rơi lác đác. Cô bé Irina chào chúng tôi rồi chạy về nhà, trước khi đi còn dặn:
 
– Sashka, bạn cũng mau về đi kẻo bị ướt đấy.
 
Nhưng Sashka không rời băng ghế. Cậu ngồi yên lặng hồi lâu, tay vuốt ve tôi. Cậu ấy suy nghĩ về điều gì đó, không nói chuyện với tôi. Tôi cứ tưởng Sashka đã bình tâm trở lại, nhưng tôi bỗng lại thấy nước mắt lăn trên má cậu ấy.
 
Hôm nay cậu làm sao thế hở Sashka yêu quý của tôi? Tôi biết làm gì với cậu bây giờ đây? Tôi vươn mình dậy, liếm những giọt nước mắt trên mặt cậu ấy.
 
– Đừng, Trison, – Sashka nói, giọng hơi nghiêm.
 
Lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy tiếc là cậu ấy không gọi tôi bằng cái tên Trisha. Tôi nép sát vào chân Sashka và im lặng ngắm nhìn chàng trai bất hạnh, đáng thương của tôi. Mưa lúc to lúc nhỏ, có khi ngừng hẳn rồi lại bắt đầu, giống như nước mắt của Sashka. Nước mắt cũng như mưa, chẳng muốn ngưng tạnh hẳn. Bỗng trong đầu tôi xuất hiện một ý tưởng khá điên rồ. Sẽ ra sao nếu bây giờ ta tặng cho Sashka một món quà? Ước chi tặng được cho cậu ấy một chiếc cầu vồng. Nói dối đương nhiên là không tốt. Nhưng tôi biết làm sao để an ủi cậu ấy đây? Sashka dường như đã hoàn toàn rã rời vì buồn chán. Hay là không nên hành động như thế? Dù rằng… cậu ấy cũng chẳng có cách nào nhìn thấy. Nhưng nếu Sashka đoán được là tôi lừa cậu ấy? Rồi thì sao? Xấu hổ chết đi được.
 
Nhìn thấy nước mắt vẫn rơi trên má người bạn của mình, tôi quyết định phải liều. Có xảy ra chuyện gì cũng mặc. Một liều ba bảy cũng liều – người ta thường nói thế.
 
– Gâu! Gâu! Gâu! – Tôi sủa lên 3 tiếng, cố gắng sủa to bằng một giọng vui sướng.
 
– Sao cơ, Trisha? – Sashka hỏi.
 
– Gâu! Gâu! Gâu! – Tôi lặp lại, giọng dõng dạc. Sashka đứng phắt dậy, đánh rơi cây gậy của mình, ngước mặt lên trời và hỏi tôi khe khẽ:
 
– Cầu vồng ư? Trisha yêu quý ơi, cầu vồng xuất hiện trên trời có phải không? Bạn nhìn thấy nó chứ?
 
– Gâu! – Tôi khẳng định.
 
Sashka của tôi đứng lặng và thì thầm, thì thầm điều gì đó.
 
Các bạn có hình dung nổi không, có một chuyện xảy ra khiến tôi hoảng sợ vô cùng. Thật chẳng may cho tôi, có một ông già che dù đi ngang qua chỗ chúng tôi, ông ấy sống ở cổng cầu thang kế bên trong cùng chung cư, tôi không nhớ ông tên gì. Ông già dừng lại, nhìn chăm chú Sashka lúc bấy giờ đang ngửa mặt lên trời.
 
– Chào Sashka, cháu vẫn khỏe chứ? – Ông già vồn vã. Sashka giật mình, im lặng một chút rồi mới trả lời:
 
– Cháu chào ông ạ.
 
– Cháu có muốn về nhà không? Ướt hết bây giờ. Về không, ông che ô cho.
 
– Dạ thưa không ạ. Cảm ơn ông, – Sashka trả lời. – Cháu với Trisha đang xem cầu vồng. Ông có thấy cầu vồng không. Nó có đẹp không ông?
 
Tôi điếng hồn. Thôi, thế là hết. Chết đến nơi rồi nha con!
 
Ông già ngước mắt lên nhìn trời…
 
Ông ơi, ông yêu quý ơi, đừng nói hớ điều gì cả nhé. Con van ông. Con lạy ông thật mà, ông vô cùng quý mến của con…
 
Ông già nhìn vào mắt tôi. Tôi không biết ông ấy thấy gì trong đó, thấy sự run sợ của một con vật, hay thấy sự
 
khẩn cầu đáng thương, tội nghiệp, hay… hay đọc được ý nghĩ của tôi?
 
– Đẹp lắm, – ông già nói. – Cây cầu vồng rất đẹp. Ông chưa bao giờ nhìn thấy một cây cầu vồng nào đẹp như thế. Thôi, ông đi đây. Cho ông gửi lời thăm mẹ và bà ngoại nhé.
 
Sashka lại ngồi xuống băng ghế, gọi tôi lại gần. Tôi nép thật sát vào người cậu ấy. Sashka ôm tôi, vuốt ve lâu thật lâu, thì thầm những lời âu yếm.
 
Vừa về đến cửa, Sashka đã thông báo ngay với cả nhà:
 
– Mẹ ơi, bà ơi, hôm nay Trisha vừa tặng cho con một chiếc cầu vồng. Cầu vồng thật hẳn hoi.
 
Bà ngoại lại gần tôi, cúi xuống, lần đầu tiên trong đời, bà hôn tôi vào trán.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.