Chó Dẫn Đường Phiêu Lưu Ký - Tập 1

22



Nào, bây giờ thì tôi đã nói được ba từ rồi nhé. “Gâu”, nghĩa là “Vâng”. “U-u” nghĩa là “Không”. Và bây giờ có thêm một từ nữa – “Cầu vồng”. Số lượng từ có được bổ sung hay không, chuyện ấy phụ thuộc vào Sashka. Rất có thể cậu ấy sẽ nghĩ ra thêm một điều gì đó nữa. Cũng cần nói thêm, tôi từng nghe qua đài phát thanh hay trên tivi gì đó, rằng còn có một thứ ngôn ngữ nữa, rất độc đáo, đó là ngôn ngữ biển, hay nói đúng hơn là bảng chữ cái của người đi biển. Cái đó rất hợp với tôi. Hẳn các bạn còn chưa quên rằng tổ tiên của tôi từng thường xuyên có mặt trên những chuyến hải hành của các chiến binh Viking kiêu dũng. Các bạn nhớ không? Sóng dội bờ, Gió lộng! Những cái tên nghe mê…
 
Tóm lại, hai từ của tôi, “gâu” và “u-u”, bây giờ có thể hoàn toàn sử dụng được cho mã tín hiệu Morse. Các bạn thấy ý tưởng này như thế nào? Chúng ta hãy thử xem sao. Nếu biết và thành thạo mã Morse, hẳn các bạn sẽ hiểu ngay tôi muốn nói gì trong câu sau đây: “Gâu, gâu, gâu, u-u, u-u, u-u, gâu, gâu, gâu!”. Các bạn hiểu chứ?
 
Xin đừng hiểu rằng đây là hai chữ “cầu vồng” được nối liền bởi những tiếng u-u ngớ ngẩn. Không phải đâu. Đó chỉ là “chấm-chấm-chấm, gạch-gạch-gạch, chấm-chấm- chấm”, có nghĩa là SOS trong ngôn ngữ tín hiệu Morse, giải nghĩa ra là “Hãy cứu vớt linh hồn chúng tôi!” – được hiểu là tín hiệu cầu cứu. Các bạn hãy nói đi, một khi tôi đã có “vũ khí” là tín hiệu Morse rồi thì liệu tôi có cần phải dùng đến từ số 5 (mang nghĩa “Cứu giúp tôi với”) trong kho từ vựng gồm 10 từ của mình nữa không?
 
Thật là một ý tưởng tuyệt vời! Thiết nghĩ, quý vị chuyên gia-huấn luyện viên dạy chó nên đưa nó vào hành trang tri thức của mình. Nhưng xin hãy thỏa thuận trước: bản quyền thuộc về tôi. Thời buổi này, mọi chuyện đều phải sòng phẳng, trung thực. Hãy nhìn vào tấm gương Braille đi. Phát minh của ông ra đời cách đây gần 200 năm, nhưng cho đến tận ngày nay, người ta vẫn phải gọi đó là “kiểu chữ nổi Braille”. Tôi sẽ không phản đối nếu các vị biến ý tưởng của tôi thành hiện thực với tên gọi “Bảng chữ cái Trison”. Và cũng xin các vị đừng băn khoăn khi tôi mượn phương pháp Morse. Hai âm thanh “gâu” và “u-u” của tôi là một cái gì đó khác. Ngay cả Braille cũng từng vay mượn ý tưởng chữ đục lỗ của viên thiếu tá pháo binh Charles Barbier để rồi chuyển thành kiểu chữ lồi dành cho người mù.
 
Tôi suy tưởng mông lung đến nỗi không lập tức nghe tiếng gọi.
 
– Trisha, bạn ngủ rồi à? Ngủ gì mà say thế! – Sashka đi lại gần tôi. – Tôi gọi hoài mà bạn chẳng nghe gì cả. Dậy đi thôi, dậy để chuẩn bị đi đến chơi nhà bạn của mẹ ở nhà nghỉ ngoại ô của họ.
 
Tôi thì có gì mà phải chuẩn bị? Khoác băng đai vào cú một là xong. Chỉ mọi người trong nhà mới phải chuẩn bị đủ thứ. Nào quần áo, giày mũ, ô dù… Mẹ đã chuẩn bị xong chưa? Ôi, cậu quá ngây thơ đấy, Sashka ạ. Chắc chắn chúng ta sẽ phải đợi mẹ sửa soạn mất hàng nửa tiếng đồng hồ là ít.
 
– Mẹ ơi! – Sashka kêu to. – Con với Trisha sẽ đợi mẹ ở ngoài sân nhé.
 
Thế có hơn không! Tôi chuẩn bị tư thế sẵn sàng, Sashka đeo băng đai cho tôi rồi chúng tôi ra khỏi nhà. Đi thang máy cùng chúng tôi xuống tầng trệt còn có hai người nữa – một người đàn ông to béo, mặt tròn và một người phụ nữ tóc sáng. Quý bà này xức nước hoa có mùi sực nức, khiến tôi phải hắt hơi liên tục. Tất nhiên tôi không cố tình hắt hơi, nhưng rõ ràng mùi nước hoa nọ cứ như cái mũi khoan chạy hết công suất, nhè vào lỗ mũi tôi mà khoan tới.
 
– Khỏe nào! – Sashka nói.(*)
 
(*) Đây là câu chúc khi thấy người khác hắt hơi, một phong tục của người Nga.
 
– Gâu! – Tôi trả lời.
 
Bạn sẽ làm gì đây. Hoặc cái số tôi luôn gặp chuyện bực mình, hoặc những chuyện như thế luôn xảy ra với mọi người, tôi cũng không biết nữa. Tóm lại, thang máy bị kẹt. Tôi từng bị kẹt thang máy một lần rồi. Lần ấy, tôi và cụ Ivan Savelievich phải ngồi trong thang máy suốt hai tiếng đồng hồ. Nhưng lần ấy thang dừng không phải do sự cố khách quan. Khoảng 5 phút sau khi thang máy dừng lại, chúng tôi nghe có tiếng lục đục rồi một lưỡi xà beng lách vào giữa hai cánh cửa. Sau một cú nạy, hai cánh cửa tách ra thành một khe hẹp chừng vài phân. Một con mắt xuất hiện ở khe cửa.
 
– Ông à, – một giọng thanh niên cất lên, – cháu là thợ sửa thang máy. Chờ chút xíu nhé. Nhưng không có thợ phụ e rằng hơi lâu đấy. Ông có điện thoại di động không? Cho cháu mượn gọi thằng thợ phụ. Máy cháu vừa mới hết pin.
 
– Đây, cầm lấy, – cụ Ivan Savelievich nói rồi đưa chiếc điện thoại qua khe cửa.
 
– Cảm ơn ông, – “vị cứu tinh” của chúng tôi nói rồi…biến mất vĩnh viễn.
 
Thế mới biết đám lưu manh có thể nghĩ ra đủ trò khốn nạn. Tôi sẽ không thuật lại những từ ngữ mà tôi nghe được từ miệng cụ Ivan Savelievich khi ở trong buồng thang máy bị đóng kín như xà lim và sau khi cụ hiểu ra là mình vừa bị lừa. Mà tôi cũng chẳng muốn ghi nhớ những từ ngữ ấy làm gì. Ông cụ tức giận đến mức không kiềm chế nổi, co chân đạp vào cửa thang máy mấy phát. Tôi co mình vào một góc, ngồi im. Cụ Ivan Savelievich la hét một lúc rồi ngồi xuống cạnh tôi, ôm hôn tôi và nói:
 
– Ôi, Trison, Trison, con thấy đấy, lũ súc sinh ấy đã bôi nhọ giống nòi loài người. Nào, con chó thân yêu của ta, nói thử xem, sau những chuyện như vậy liệu còn có thể tin vào con người nữa hay không?
 
Tôi biết nói gì đây? Tôi khẽ rên lên vài tiếng rồi lại im lặng. Cụ Ivan Savelievich lại đạp thêm mấy cú vào cánh cửa, gào lên vài tiếng, sau đó ngồi xuống cạnh tôi và bắt đầu… rên. Cuối cùng, không chịu được nữa, cụ bật khóc. Lúc sau, trấn tĩnh lại, cụ bảo tôi:
 
– Đừng nghĩ rằng ta khóc vì tiếc cái điện thoại. Không phải thế đâu, Trison ạ. Điện thoại mất thì thôi. Nhưng ta khóc là vì phải sống giữa cái đám thú hai chân ấy…
 
Lần này thì thang máy bị kẹt không phải do những tên “thợ sửa thang” đểu cáng mà chẳng qua vì bị cúp điện đột xuất. Nhưng chỉ một vài phút sau tôi lại như bị búa tạ phang vào đầu. Cái ông béo mặt tròn bỗng tuyên bố:
 
– Mọi chuyện chỉ tại con chó.
 
Các bạn nghe rõ rồi chứ? Thang máy bị kẹt là do tôi. Tôi nghĩ cái gã đàn ông này chắc là điên rồi hay sao ấy.
 
– Tại sao? – Quý bà đi cùng hỏi.
 
– Tại con chó cái này hắt xì hơi ầm ĩ.
 
– Xin lỗi, – Sashka nói, – chó đực đấy.
 
– Ừ thì đực. Đực cái gì chẳng thế. Vì nó mà bây giờ chúng ta sẽ phải bị giam dài dài…
 
Thật ghê tởm! Thật quá đáng! Tại chó. Còn người thì không có lỗi gì cả. Mọi sự cố trên đời này là do chó cả sao? Còn người thì hoàn toàn không có lỗi gì hết. Chưa từng có ai vu khống tôi một cách tệ hại đến như thế. Không phải tôi chưa từng bị vu khống. Bị vu khống đủ chuyện rồi. Nhưng cái vụ thang máy bị kẹt là do tôi thì quả thực… Tôi không biết gọi đó là gì nữa. Không khéo mai đây người ta sẽ lại đổ tội cho loài chó đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng nên. Tôi chẳng lạ gì những chuyện như vậy. Nghe một vài câu thành ngữ, tục ngữ của loài người, cảm thấy chẳng còn thiết sống. Lừa lọc, dối trá thì người ta gọi là “treo cổ chó”, chây lười, biếng nhác thì ví là “đi rượt chó”, giò chả, bánh kẹo chất lượng kém được gọi là “niềm vui của chó”, vân vân.
 
– Nhưng con chó thì liên quan gì ở đây? – Sashka tỏ ý phản đối. – Chẳng lẽ không có chó thì thang máy không bao giờ bị kẹt hay sao?
 
Nghe chưa, hiểu chưa lão mập? Đã thấy Sashka chưa? Còn bé, nhưng là bé hạt tiêu đấy. Hãy nhớ là còn có người biết bênh vực loài chó đấy nhé.
 
– Nếu nó không sủa thì thang máy đã chạy bình thường rồi, – gã mập vẫn không chịu thua.
 
– Xin lỗi, ông nói hơi bị nhảm đấy. – Sashka cắn chặt răng, cố kiềm chế.
 
Chỉ muốn đớp gã thộn ấy một cú vào đầu gối cho bỏ cái thói nói xằng nói bậy, dám trêu vào Sashka à.
 
– Bình tĩnh nào, cậu bé, – quý bà sực nức nước hoa xen vào, – chú ấy chỉ nói đùa thôi mà.
 
Hừ, đùa với cợt cái kiểu gì lố bịch vậy? Nói lếu nói láo, nhục mạ người khác mà bà ấy lại bảo là đùa. Lạ thật.
 
– Tôi không có đùa gì ở đây cả, – gã mập gằn giọng. – Con chó hắt xì hơi to đến nỗi rung chuyển cả buồng thang máy. Vì thế thang mới dừng và bị kẹt.
 
Này ông kia! Liệu mà tưới nước hoa lên người của bồ mình vừa vừa thôi. Ngạt thở lắm rồi đấy. Không phải là buồng thang máy nữa, mà là quầy mỹ phẩm. Khiếp, hắc muốn chết. Kiểu này thì đến tử thi cũng còn phải hắt xì hơi ầm lên ấy chứ nói chi…
 
– Gâu! – Tôi cất tiếng sủa, nghĩ rằng làm như thế sẽ chấm dứt được vụ đôi co.
 
– Ngồi đó cho yên, đừng có mà ngoác mõm ra nữa, – gã mập sừng sộ. – Coi chừng không khéo lại ỉa bậy ra đó cho mà xem.
 
Sao thằng cha này ngu đến thế không biết. Mà cũng có thể hắn bị bệnh tâm thần thứ thiệt cũng nên. Nào, các bạn thử nghĩ xem, liệu một người bình thường có thể ăn nói càn rỡ như vậy không? Nhất là trước mặt phụ nữ…
 
Đến giờ tôi vẫn không sao hiểu nổi làm sao tôi không bị chết ngạt trong cái buồng thang máy khốn kiếp ấy. Nhưng lần ấy cũng còn khá may mắn: 20 phút sau, cửa thang máy mở ra và chúng tôi đi bộ xuống tầng trệt. Cái “mùi hương” khủng khiếp ấy đến nay vẫn còn ám ảnh tôi. Nếu có một cô gái nào xức loại nước hoa ấy đi ngang qua, tôi phải nín thở và cố gắng tránh ra xa để khỏi bị cái mùi kinh hoàng ấy nó tra tấn…
 
Xế chiều, chúng tôi ra đến nhà nghỉ ngoại ô. Ở đây tôi mới được hít thở thoải mái để xoa dịu “nỗi đau nước hoa” trong buồng thang máy. Ôi, không khí mới trong lành làm sao, tưởng có thể uống được.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.