Sáng ra, tôi rơi vào… một cuộc chiến. Nói nghiêm túc đấy. Giờ đây, mỗi lần nghĩ lại chỉ chực té nhào và nằm bẹp xuống đất. Nhưng hãy từ từ, tôi sẽ kể tuần tự sự việc.
Cô Tonhia, bạn của mẹ Svetlana, từ sáng sớm đã đặt thuốc bả để diệt chuột hay gián gì đó – chúng có đầy ở các nhà nghỉ ngoại ô. Từ giờ, tôi căm thù lũ côn trùng và động vật gặm nhấm ấy tột độ. Mọi người, kể cả Sashka, chuẩn bị đi đến chơi nhà ai đó. Vẫn như mọi khi, Sashka luôn tỏ ra bướng bỉnh. Cậu ấy tuyên bố:
– Con sẽ không đi đâu cả nếu không có Trisha đi cùng.
– Con à, con yêu quý, không được đâu, – bà ngoại năn nỉ. – Chúng ta đi bằng xe hơi, chật hết rồi, không còn chỗ cho Trisha nữa. Chỉ còn có nước chở nó ở trên mui xe thôi.
Ha ha, bà già này khôi hài thật. Tôi hình dung ra ngay cảnh tượng chiếc xe lao vun vút trên quốc lộ với một con chó ngồi trên nóc. Nhìn thấy cảnh ấy, cánh tài xế (kể cả cùng chiều lẫn ngược chiều) chắc chắn sẽ phải
há hốc mồm kinh ngạc và rồi để lạc tay lái khiến xe đâm đầu xuống vệ đường. Ôi, bà ngoại ơi là bà ngoại!!!
– Thì cháu ôm nó trên lòng vậy, – Sashka trả lời.
– Đừng nói nhảm nữa, Sashka, – bà Elizaveta Maximovna nói. – Làm sao mà ôm cả một con bò như thế được. Vớ vẩn.
Đấy nhé, thêm một minh chứng hùng hồn cho sự vô ơn của con người. Khi người ta gọi bà ấy là “đồ con bò”, tôi đã bênh vực bà ấy (hẳn các bạn còn nhớ sự cố này). Ít nhất là tôi đã sủa và thầm trách móc gã lái xe thô lỗ nọ. Còn bây giờ thì chính tôi bị bà ấy gọi bằng cái tên dành cho loài động vật ăn cỏ nọ. May mà bà ấy gọi tôi là con bò, chứ nếu gọi là con dê thì còn nhục bằng mấy.
Tuy nhiên, chỉ nửa tiếng đồng hồ sau đó thôi, đối với tôi, việc bị gọi là con bò chỉ còn là chuyện vặt. Tóm lại, Sashka đã không thể bảo vệ được cái quyền có chó dẫn đường bên mình và thế là tôi bị nhốt vào bãi đất có rào lưới ở cuối sân. Người ta không cho tôi ở trong nhà hay tự do đi lại ngoài sân vì sợ tôi xơi phải bả chuột, bả gián gì đó thì khốn. Cô Tonhia chủ nhà đề xuất như vậy và không hiểu sao những người thân của tôi cũng lại dễ dàng chấp nhận cái ý tưởng kỳ quặc này. Làm gì có chuyện tôi có thể ăn bậy uống bạ những thứ thức ăn không phải dành cho mình? Thì cũng có một đôi lần, do bất đắc dĩ mà thôi, chẳng hạn uống nước mưa pha rỉ sắt trong cái nhà kho tù ngục hay nước từ vũng nước rửa xe. Lúc đó, tôi buộc phải uống để khỏi chết khát. Chứ còn mồi thuốc diệt gián thì xin lỗi nhé, còn lâu tôi mới đụng đến. Bộ tôi ngu lắm sao? Thôi được rồi, đành cam chịu vậy.
Chợt tôi nghe có tiếng gậy lộc cộc, rồi thấy Sashka đang lần mò đi đến gần cánh cửa rào bằng lưới sắt. Sashka thò tay qua lỗ lưới, nói:
– Bạn ở đây hở Trisha? – Sashka hỏi mà như chợt bật khóc.
– Gâu! – Tôi trả lời rồi đặt một bàn chân trước lên lòng bàn tay của cậu ấy. – Gâu!
– Tha lỗi cho tôi nhé, bạn yêu quý của tôi, – Sashka nói như người có lỗi. – Mọi người không muốn mang bạn theo trên xe hơi. Đừng giận nhé. Mẹ nói rằng chỉ khoảng hai đến ba tiếng đồng hồ nữa thôi là chúng tôi sẽ quay về. Đừng giận nhé…
– U-u-u… – Tôi trả lời. Tôi hiểu chứ, Sashka không có lỗi gì trong chuyện này cả. Tình thế của cậu ấy cũng giống y như tình thế của tôi vậy thôi. Người ta bảo sao phải nghe vậy. Người lớn chẳng bao giờ lưu tâm suy nghĩ đến những nguyện vọng của chúng tôi. Toàn bộ quyền lực trong tay họ. Nhiều người còn không hiểu được rằng giáo dục con người khác với dạy thú như thế nào, và ngược lại…
– Cảm ơn nhé, Trisha, – Sashka ngồi nhón trên mũi bàn chân và vuốt ve chân tôi.
Trên sân trồng nhiều cây to nên rất mát, không bị Mặt trời chiếu gắt. Tôi bươi một cái hố nho nhỏ trong một góc để làm “giường nệm” cho mình, đi vài vòng quanh cái “ổ” xinh xinh ấy rồi nằm xuống, thiếp đi.
Bỗng muốn hỏi một điều: các bạn có nhận thấy rằng loài chó chúng tôi thường đi vòng vòng quanh một chỗ trước khi nằm xuống không? Các bạn có biết tại sao không? “Thói quen” ấy đã ăn vào máu chúng tôi, ở cấp độ gene di truyền cơ đấy. Các loài thú hoang, như chó sói chẳng hạn, thường giẫm nát cỏ hoặc tuyết ở một chỗ, nhằm tạo ra một cái gì đó trông từa tựa như cái ổ. Rồi chúng nằm vào đó, khoanh tròn lại. Một cái ổ như thế mang lại ích lợi gì? Vấn đề ở chỗ, một chỗ nằm như thế giúp chó sói thư giãn tối đa và nghỉ ngơi thoải mái. Trong tư thế nằm khoanh tròn để giữ nhiệt, nếu nằm trên mặt phẳng, con vật sẽ phải vận động một số cơ bắp để giữ được tư thế đó. Còn ở trong một cái hố nhỏ hình lòng chảo thì rất dễ dàng giữ tư thế nằm như vậy mà không cần tốn thêm chút sức lực nào.
Đối với chúng tôi, các loài chó nhà, hành vi này không mang ý nghĩa rõ rệt lắm. Như các nhà động vật học thường nói, đó đơn giản chỉ là trí nhớ gene. Tuy nhiên, đối với những con chó thường xuyên phải sống ngoài trời, tập tính này có ý nghĩa quan trọng mang tính sống còn.
Nghe theo tiếng gọi của tổ tiên, tôi nằm vào cái ổ vô cùng tiện lợi của mình. Khi tôi ngủ, mắt tôi, cũng như ở người, thường là nhắm lại (thi thoảng cũng có mở he hé). Tuy nhiên, khi ngủ, thính giác và khứu giác của tôi vẫn “chạy” đều đều như một chiếc đồng hồ. Chỉ cần có một mùi lạ nào đó thoảng qua hoặc một tiếng động nhỏ không bình thường nào đó thôi là tôi tỉnh dậy ngay tức khắc. Khi tôi đang ngủ, cứ thử rón rén thật nhẹ nhàng đi đến gần tôi và cố gắng làm cho tôi không thể nhận ra điều đó xem nào. Không xong đâu. Tôi bảo đảm trăm phần trăm là thế nào tôi cũng biết. Nhưng xin chớ thử làm điều đó với những con chó lạ nhé. Cẩn thận kẻo hối không kịp đâu đấy.
Có chuyện gì thế này? Tôi nghe có tiếng nói khe khẽ ở trên đầu, liền mở mắt ra. Một chú bé đang ngồi trên cây bạch dương bên ngoài hàng rào, mắt mở to, mồm há hốc. Kẻ ngoại đạo nào thế này? Chú mày là ai vậy?
– Ê, chúng mày ơi, mau leo lên đây! – Vị khách không mời này kêu to. – Ở đây có con chó dái to vật đang nằm trơ mắt nhái trong sân vườn. Chúng mày sẽ khoái cho mà xem.
Thật là một đứa trẻ thiếu giáo dục. Hay nó là trẻ lang thang cơ nhỡ? Hừ, “con chó dái” với lại “nằm trơ mắt nhái”. Ăn với chẳng nói.
Chỉ phút sau, trên những cây bên cạnh xuất hiện thêm hai thằng bé nhem nhuốc như vậy nữa.
– Cũng ghê đấy! – Một trong hai thằng bé mới xuất hiện huýt sáo.
– Chó của ai vậy nhỉ? – Thằng bé còn lại hỏi. – Nhà cô Tonhia trước nay có nuôi chó bao giờ đâu.
– Gâu! – Tôi sủa lên một tiếng để cảnh báo lũ trẻ.
– Coi kìa, nó còn biết sủa nữa đấy!
Chúng mày buồn cười nhỉ. Chứ tao phải làm gì? Kêu “meo meo” chắc? Hay rống lên như bò? Hừ, bỗng dưng ở đâu ra lại xuất hiện những nhà động vật học trẻ tuổi.
Chưa hết. Bây giờ mới bắt đầu màn gay cấn, ác liệt. Một thằng nhóc mất dạy móc từ trong túi quần ra một cây ná cao su, nạp đạn đá dăm vào, nhắm vào tôi mà nã.
Trúng đạn, đau quá, tôi nhảy thót lên. Viên đạn quái ác trúng ngay bên dưới tai, đau thấu óc. Tôi rú lên vì đau và cố gắng sủa thật to. Chết mẹ rồi! Tôi thấy thằng nhóc thứ hai cũng móc vũ khí ra, nhắm vào tôi mà bắn. Viên đạn thứ hai trúng chân. Đau không chịu xiết. Tôi tru lên như chó sói.
Chúng mày làm gì thế?! Tôi đang ê ẩm vì viên đạn thứ hai thì lại bị thằng giặc thứ ba bắn trúng lưng.
– Đáng đời cái đồ chó dái! Ai bảo cứ sủa người ta! – Một trong ba kẻ tấn công kêu to. – Nào, các chiến hữu ơi, hãy cho nó biết thế nào là lễ độ!
Tôi hiểu ra ngay tình thế của mình: trong hoàn cảnh như thế này tôi không thể làm gì được bọn chúng, có sủa cũng vô ích. Vì thế, tôi bèn quay lưng về phía lũ nhóc, nằm bẹp xuống đất, dùng hai chân trước che mắt. Lúc này, quan trọng nhất là phải bảo vệ đôi mắt. Làm sao tôi có thể sống thiếu đôi mắt được? Làm sao tôi có thể dẫn đường cho Sashka, nếu mắt tôi bị hỏng? Vậy mà bọn nhóc nào có chịu buông tha cho đâu.
Hẳn các bạn còn nhớ, ở cuối phần một của câu chuyện, tôi có luận về chuyện vệt đen vệt trắng trong cuộc đời. Ấy đấy, lúc đó đời tôi đầy vệt trắng. Ối! Đau quá! Lại một viên đạn nữa trúng ngay mông!
Cuộc tấn công chỉ kết thúc khi phía đối phương hết đạn. Với tinh thần “đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ”, các “chiến binh giàn thun” tụt từ trên cây xuống đất và bỏ đi. Lúc đó tôi chỉ cầu mong mỗi một điều là bọn chúng đừng quay lại. Thật may cho tôi, quả là bọn nhóc đã… một đi không trở lại.
Nếu nói rằng tôi căm thù bọn nhóc này ghê gớm thì hoàn toàn không đúng. Chúng chẳng có lỗi gì trong chuyện này cả. Chúng cũng giống như những con chó đấu sĩ vậy thôi. Các bạn nhớ trường hợp con chó stafford trong công viên chứ? Chỉ có điều, với những con chó đấu sĩ, lỗi là ở người chủ, còn với những đứa trẻ vừa rồi, lỗi ở thầy cô, cha mẹ. Rồi đây, chúng sẽ lớn lên, sẽ trưởng thành như thế nào? Chúng sẽ trở thành những con người như thế nào? Khi lớn lên, chúng có bao giờ nhớ lại rằng chúng từng hành hạ một con chó vô tội?
Khắp mình tôi đau buốt, nhức nhối. Chân tôi bị chảy máu. Rồi sẽ lành thôi, lành thôi, tôi nghĩ. Quan trọng nhất là tôi đã bảo vệ được đôi mắt. Tôi đã không làm cho Sashka của tôi phải thất vọng. Khi trở về, nếu được biết tôi sống sót sau một cuộc chiến không cân sức, với đôi mắt còn lành lặn, hẳn cậu bé của tôi sẽ vô cùng vui sướng.
Sashka của tôi ơi, cậu đâu rồi, mau về đi. Không có cậu, tôi buồn lắm. Rất buồn…