Cách Làm Chủ Số Phận Bạn

Chương 20 – VƯỢT LÊN TRÊN CẢM XÚC



Khi bước ra khỏi xe, bạn lỡ va mạnh đầu gối vào cửa, bạn sẽ thật sự cảm nhận sự va đập đó. Đầu gối bạn rất đau. Bạn không thể chối bỏ hoặc che giấu điều đó. Bạn cảm nhận nó. Tuy nhiên, bạn vẫn biết còn nhiều thứ khác ngoài cái đầu gối đau. Thật vậy, chắc chắn bạn vẫn phải đi tới đi lui trong căn phòng và làm tiếp những việc đang làm, bất chấp cái đau nơi đầu gối. Và nếu bạn thật sự hứng thú với công việc dang làm thì nhận thức về cái đầu gối đau sẽ biến mất, và có thể bạn cũng không nghĩ đến nó nữa.

Đây là một cách hết sức lành mạnh để bạn bàn về cái đau thân thể. Bạn cảm nhận nó nhưng vẫn tiếp tục tiến lên. Dù vẫn quan tâm đến cái đau, nhưng bạn luôn nhận thức ngoài nó ra, bạn còn có nhiều điều khác nữa. Bạn thật sự đã vươn cao hơn cơn đau đó. Bạn phải nhớ thực hành điều này cả cuộc đời mình. Nó sẽ trở thành một thói quen của bạn. Và chính thói quen đó sẽ giúp bạn.

Giờ đây, để làm cho đời bạn tốt hơn lên, ta hãy xem có cách nào để đem thói quen đó ứng dụng vào cái đau tinh thần hay không. Nếu ngay từ bao giờ bạn bắt đầu thực hành cùng một cách như trên mỗi khi cảm thấy tức giận, sợ hãi, tội lỗi hay bực bội thì bạn sẽ thoát khỏi cái cảm giác cuộc đời bạn đang do người khác kiểm soát.

Nói cách khác, bằng thực hành như trên, bạn sẽ nhận thức được dù đang nóng giận, mình vẫn là gì đó cao hơn cơn nóng giận. Dù đang nhút nhát, bạn vẫn còn nhiều điều khác ngoài cái cảm giác e dè đó.

Ở giai đoạn đầu, có thể bạn sẽ gặp khá nhiều trở lực để làm như trên vì cả cái nền văn hóa của chúng ta đã tạo cho ta thói quen đồng hóa hoàn toàn với cảm giác của chính mình. Khi có một cảm giác chợt đến, tức thời chúng ta trở thành cái cảm giác đó. Chúng ta thì giận dữ. Đó là cái sự vật và con người của chúng ta. Nó đã hoàn toàn nuốt trọn chúng ta. Từng tế bào trong cơ thể chúng ta cũng nổi giận. Ngoài cơn giận mà ta đang cảm nhận, chúng ta không có gì khác. Mọi người quanh ta đều chấp nhận không có gì bất thường khi nói “tôi giận dữ.” Người ta chấp nhận cách thực hành để tự đồng hóa hoàn toàn với cơn giận. Cơn nóng giận là con người của chúng ta lúc này. Chúng ta chỉ là như thế.

Nhưng thực tế không hẳn phải như vậy. Bạn có thể tìm một lối ra khỏi cái thói quen chán ngấy đó nếu bạn nghĩ về cái đầu gối đau và quan sát cách bạn hành xử ra sao với cái gối đau đó. Khi bạn va gối vào xe và bị đau, bạn đã không tức thì đồng hóa mình với cái đầu gối. Bạn không đi vào nhà và thông báo “Tôi là một cái đầu gối đau.” Bạn không cho phép mỗi tế bào trong cơ thể bạn tiếp nhận cái danh xưng đó, như bạn đã làm với nỗi đau tâm hồn. Tại sao vậy?

Thói quen.

Bạn có thể vận dụng cùng một thói quen cân bằng, lành mạnh, hiệu quả và đầy uy lực cho cả cái đau thể xác lẫn nỗi đau tâm hồn. Bạn có thể bắt đầu ngay từ hôm nay. Nếu bạn thấy tức giận, hãy ghi nhận và đừng chối bỏ nó, nhưng đừng đồng hóa mình với nó. Đừng để nó chinh phục bạn. Đừng lẫn lộn nó với con người thật của bạn, bởi lẽ nó không phải là con người thật của bạn. Bạn có thể tự nói với chính mình “Tôi cảm thấy rất tức giận về việc này,” rồi bạn định vị nó lại và lồng nó vào cái bối cảnh thích hợp với nó nhất. Bạn hãy cô lập nó lại để xử lý, theo đúng cái cách mà bạn đã cô lập nỗi đau của đầu gối, và giữ nỗi đau đó lại bên trong đầu gối.

Chỉ là ảo tưởng nếu nghĩ cái cảm giác của chúng ta chính là chúng ta, và cảm giác đã nuốt trọn chúng ta. Ta có thể kiểm chứng điều này bằng cách trao cho một người đang tức giận một tờ vé số đã trúng 8 triệu USD. Liệu ông ta có thể nói “Bây giờ, tôi không thể nghĩ gì về tờ số trúng này vì tôi đang rất giận con người kia” không? Không đâu, ông ta sẽ lập tức quên cái người kia đi.

Khi ông ta thất vọng ngồi trên một chiếc ghế cỏ bên bờ hồ và con của ai đó rơi xuống nước, liệu ông ta có nói “Ước gì lúc này tôi không quá thất vọng để có đủ sức khỏe để nhảy xuống nước và cứu đứa bé lên!” Không? Khi công an và cán bộ y tế viết báo cáo về tai nạn ấy, liệu họ có thể ghi là co một nhân chứng không nhảy xuống nước để cứu đứa trẻ vì, rủi thay, tại thời điểm đó, nhân chứng quá thất vọng không?

Không, sự việc không xảy ra như thế. Bạn biết mà tôi cũng biết. Chúng ta hoàn toàn có sức mạnh để đẩy cảm giác sang một bên, khi gặp tình huống khẩn cấp hoặc có một trò gì đó có lợi cho ta hơn. Nhưng cái trò đó phải do chính chúng ta nghĩ ra. Chúng ta có thể tự cải tạo mình từ cảm giác sang hành động khi ta vào cuộc với trò chơi đó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.