Cách Làm Chủ Số Phận Bạn

Chương 42 – PHẢI CHĂNG ĐÓ CHỈ LÀ NHỮNG TÊN NGU ĐẦN NHAM NHỞ?



Trong tác phẩm được phổ nhạc South Pacific ở Broadway, một trong những bài hát phổ biến nhất nói về một ‘người lạc quan ngớ ngẩn’ có tính cách ‘ấu trĩ và non nớt đến bất trị… kết dính như một tên nghiện vào một thứ có tên là hy vọng.”

Điều này muốn nói lên việc nền văn hóa chúng ta hiện nay không đánh giá cao về tính lạc quan. Chúng ta xem lạc quan là điều không thực tế. Khi nghĩ về người lạc quan, chúng ta thường liên tưởng đến những tên đần vui nhộn và những thằng khùng nhăn nhở.

Chúng ta nghĩ đến cô nàng tóc vàng bất tài lại đóng tất cả các vai, ngớ ngẩn và hạnh phúc. Chúng ta nghĩ về Barbie. Chúng ta nghĩ về một Pollyanna không muốn nhìn thấy sự thật. Chúng ta nghĩ về Ô. Roger và Richard Simmons. Chúng ta nghĩ về một người khiến gia đình lâm vào cảnh nợ nần vì cái tư tưởng vận may sắp đến.

Nhưng nghĩ thế là sai, vì lạc quan chẳng hề yếu đuối; trái lại, nó rất mạnh mẽ. Có thể dẫn chứng như sau.

Tiến sĩ Martin Seligman đã có hai mươi năm nghiên cứu chuyên sâu, kết luận rằng tính lạc quan là thực tế và hiệu quả. Thật ra, người lạc quan có tâm hồn cứng rắn hơn người bi quan nhiều, vì người lạc quan luôn chọn lựa các suy nghĩ sau khi xem xét nhiều phương án khác nhau, trong khi người bi quan rất khó mà xem xét hết. Thật vậy, người bi quan có đặc trưng nổi bật là tìm cách trốn chạy ngay trong giai đoạn đầu của qui trình suy nghĩ và tự chôn chặt mình trong tư tưởng thất bại nản lòng.

Trong cuốn The optimist child (Đứa trẻ lạc quan), Seligman đã nói lên kết quả nghiên cứu đã được chứng minh một cách khoa học trên hơn nửa triệu đề tài như sau: “Người bi quan làm việc kém hơn người lạc quan trên ba phương diện: một là, họ thường xuyên chán nản hơn; hai là, họ thành công kém hơn ở trường, trong công việc, và trên sân chơi – ít hơn người ta nghĩ khi xét về tài năng của họ; ba là, thể lực họ cũng kém hơn người chủ quan. Vì thế, việc nắm bắt một học thuyết bi quan về thế giới này có thể là một dấu hiệu của sự ngụy biện, nhưng điều này mới thật là tốn kém”.

Công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Segliman là một bác bỏ hết sức mạnh mẽ cái tư tưởng cũ là con người có thân phận cố định, được tạo nên từ tính di truyền và môi trường xung quanh. Tiến sĩ Jones Salk, người tìm ra vắc xin bệnh bại liệt, đã tâm sự với Seligman rằng ước gì ông có thể làm lại từ đầu. Tiến sĩ Salk nói “Nếu hôm nay tôi là một nhà khoa học trẻ, tôi vẫn sẽ cho thực hiện tiêm chủng. Nhưng thay vì tiêm chủng vào da thịt của lũ trẻ, tôi sẽ làm theo cách của ông. Đó là tiêm chủng cho chúng về mặt tâm lý.”

Hãy ngừng hỏi điều đó khiến bạn cảm giác ra sao

Chuyên gia trị bệnh tâm lý Alan Loy McGinnis cũng đã chỉ ra nguồn gốc của tính lạc quan do nơi tư tưởng, không do thân phận.

Trong cuốn The power of optimism (Sức mạnh của lạc quan), Mc Ginnis đã nói “Chính tư tưởng của chúng ta khiến ta gặp nhiều rắc rối. Những người trị bệnh tâm lý như chúng ta phải dừng ngay việc hỏi bệnh nhân ‘Nó khiến anh cảm giác ra sao?’ mà thay vào đó là câu hỏi ‘Anh đã suy nghĩ những gì để khiến anh có cảm giác như thế?’

Chúng ta hoàn toàn kiểm soát được tư tưởng của mình, dù đôi lúc có khó khăn. Các nạn nhân lại quá sâu sát với tư tưởng và tinh thần nên họ không có ý thức kiểm soát bất cứ điều gì. Nạn nhân cảm thấy từ bên trong là không kiểm soát được. Vì không thể kiểm soát nổi nên họ cảm nhận như các tình huống bên ngoài là nguyên nhân dẫn đến các cảm giác tiêu cực, sai lầm, giống như cảm nhận đã tồn tại nhiều năm liền rằng Trái đất lại bằng phẳng.

Chiếc đòn bẩy thật sự của người biết làm chủ là ở chỗ anh hay chị ta có những tư tưởng đáp lại lạc quan hay bi quan.

Archimedes từng nói “Hãy đưa cho tôi một chiếc đòn bẩy đủ dài để tôi dịch chuyển Trái đất này”, về ngôn từ thì ông ta rất đúng vì nếu bạn cho ông ấy một chiếc đòn bẩy đủ dài thì ông ta chỉ bằng một động tác của bàn tay đã có thể làm nghiêng toàn bộ quả Địa cầu bật ra khỏi trục quay của nó.

Ngôn ngữ mà ta dùng trong tâm hồn và trong lúc đàm thoại chính là chiếc đòn bẩy mà ta đang tìm kiếm.

Một ví dụ được nhiều người nhắc đến nhất liên quan sự khác biệt giữa lạc quan và bi quan là ‘cái ly nửa đầy hay nửa vơi’. Giả sử tôi đang sắp chết khát trong sa mạc thì bạn mang đến cho tôi một ly nước chỉ mới rót đầy phân nửa. Nếu là người lạc quan, tôi sẽ nói “Cám ơn vì đã cho tôi uống nước!”. Còn nếu là người bi quan, tôi sẽ nói “Lượng nước còn lại hiện ở đâu?” Ở đây, vế nào đúng không thành vấn đề, vì cả hai nhận định đều đúng như nhau. Vấn đề ở chỗ nhận định nào là hữu dụng hơn.

Khi nói cái ly rót nửa đầy, tất cả tế bào trong cơ thể đều lắng nghe. Các tế bào luôn luôn đáp ứng với tư tưởng và lời nói của tôi. Khi tôi nói từ ‘đầy’ thì chúng đáp ứng, tỏ vẻ hài lòng hơn và thầm biết ơn, tất cả diễn đạt dưới dạng sinh học.

Lạc quan thì hữu ích cho cuộc sống hơn. Lạc quan thì sống khỏe mạnh hơn, và nhờ đó mà đạt được năng lượng cao hơn.

Trả lời lại cho Prozac

 

Nếu tôi khiếu nại về nửa cái ly rỗng thì sinh khí trong tôi sẽ chùng xuống với lời tôi nói. Tôi thất vọng, và chính sự thất vọng làm năng lượng trong tôi rò rỉ đi một ít. Chu trình bất lợi đã bắt đầu và nó luôn bao gồm tâm hồn, thể xác và tinh thần.

Tiến sĩ Mc Ginnis kể ra nhiều công trình nghiên cứu để chứng minh người lạc quan học rất giỏi, có sức khỏe tốt, làm ra nhiều tiền hơn, hôn nhân bền vững và hạnh phúc hơn, thường xuyên gần gũi con cái và kể cả sống thọ hơn.

Về cơ bản, người lạc quan khác với kẻ bi quan ở chỗ: người lạc quan ý thức được sự lựa chọn. Có hai cách để nhìn sự việc: mặt sáng và mặt tối. Nếu ta thấy được cách chọn lựa, ta sẽ làm chủ được kết quả. Nếu ta không thấy được cách chọn lựa, ta sẽ là một nạn nhân bị rơi vào bẫy.

Ngay một điều ‘xấu’ như sự chán nản cũng hàm chứa một sự lựa chọn. Bác sĩ chữa bệnh tâm thần Peter Breggin, người đã dũng cảm viết cuốn Talking back to Prozac (Đáp lời Prozac) đã thấy một điểm sáng trong nỗi chán nản u ám nhất của bệnh nhân:” Thất vọng càng lớn càng phản ảnh được ngọn lửa đam mê cháy bên trong con người họ. Tôi xin giải thích như sau “Nỗi đau càng mãnh liệt càng biểu thị được cuộc sống mạnh mẽ như thế nào; hãy tưởng tượng bạn sẽ sống trọn vẹn như thế nào nếu biết cách sử dụng nó thật sáng tạo.”

Hãy bắt đầu từ ngày hôm nay nghiên cứu thói quen mô tả sự việc của bạn. Nếu bạn kịp nhận ra mình có một cái nhìn bi quan thì cũng đừng vội lên án chính mình hoặc chọn một thái độ ngớ ngẩn xem đó là một phần của thân phận cố định của mình. Chỉ cần bạn chú tâm hơn vào nó. Rồi thử kiểm nghiệm nó. Hãy tự hỏi mình câu này “Điều gì là tốt đối với tình huống này? Làm sao để tình huống này giúp tôi mạnh mẽ hơn lên?”

Nếu bạn nhìn các tình huống trong đời theo cách này thì bạn lại bắt đầu có được một sự phấn khích mới đối với tâm hồn mình. Và bạn sẽ bắt đầu hiểu ra mình có được tâm hồn là để sử dụng nó tạo ra con người mà bạn luôn mong ước trở thành.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.