Bí Quyết Thành Công Của Obama

CHƯƠNG 2: NGƯỜI CHA DA ĐEN KENYA



“Cuộc đời suy cho cùng chính là do mình lựa chọn, đường đi là dưới chân mình chứ không ai đi hộ mình cả”.

Trong hơn 100 năm qua, tạp chí Harvard Law Review có hơn 100 Chủ tịch. Những vị Chủ tịch này được rất nhiều người hâm mộ, nhưng chưa có ai được Nhà xuất bản nào đề nghị viết hồi ký về cuộc đời. Vị Chủ tịch tiền nhiệm trước Obama là một người Mỹ gốc Hoa. Ông đã giành được vị trí Chủ tịch tạp chí Harvard Law Review bằng ngôn ngữ nói và viết xuất sắc của mình, ông giành được vị trí ấy gian nan hơn nhiều so với Obama được sinh ra và lớn lên trên nước Mỹ. Thế nhưng không ai đặt ông viết hồi ký cuộc đời cả.

Obama làm xôn xao dư luận vì ông là người da đen.

Dư luận Mỹ luôn quan tâm sát sao đến từng bước tiến của người da đen trên trường chính trị. Dư luận cũng đặc biệt quan tâm đến việc người da đen cầm trịch nền chính trị nước Mỹ, vì đó là thắng lợi mới, niềm tự hào mới của người da đen. Các bên đều viết rất nhiều, xuất phát từ những động cơ hoàn toàn khác nhau, và cũng không biết khi nào mối quan hệ chủng tộc vô cùng nhạy cảm này mới được hòa dịu.

Obama không phải là người Mỹ da đen thực thụ, ông mang dòng máu của người da đen châu Phi và da trắng Mỹ. Nói nghiêm túc thì ông là người mang màu da đen, là thế hệ sau của người di dân. Cha ông đến từ vùng đất châu Phi, là lưu học sinh da đen châu Phi đầu tiên của Đại học Hawaii Mỹ, cũng là Tiến sĩ Kinh tế đầu tiên ở Đại học Harvard và đất nước Kenya nghèo đói, lạc hậu.

1. Obama cha

Cha ông tên là Barack Hussein Obama Sr., sinh tại một ngôi làng nghèo thuộc bộ lạc Lou ở miền Tây Kenya vào năm 1936. Cha ông là con của người vợ hai tên là Akuma (ông nội tên là Hussein Onyago Obama, sinh năm 1895, mất năm 1979) và được nuôi dạy bởi người vợ thứ ba tên là Sarah.

Bộ lạc Lou của ông là một bộ lạc thông minh nhất trong 40 bộ lạc lớn ở Kenya. Người của bộ lạc này thường tự giễu mình là bộ lạc “vừa thông minh lại vừa lười biếng”.

Châu Phi là cái nôi của nhân loại, cách đây hai triệu năm, vùng đất này đã xuất hiện dấu vết cuộc sống của tổ tiên loài người. Loài người bắt nguồn từ châu Phi, điều này đã được các nhà khoa học chứng minh rõ ràng. Khoảng hai ngàn năm trước công nguyên, tức là cách ngày nay khoảng hơn bốn ngàn năm, có một số người da đen di cư từ miền Bắc sang miền Nam châu Phi, họ đến sinh sống tại mảnh đất Kenya hiện nay. Kenya luôn chịu ách thống trị của thực dân: thế kỷ 16 là người Bồ Đào Nha, đến thế kỷ 19 là người Anh.

Người dân Kenya bản địa luôn thực hiện lãnh đạo quản lý theo kiểu bộ lạc. Họ có khoảng hơn 40 bộ lạc, trong đó bộ lạc Lou chiếm 13% dân số. Bộ lạc này định cư ở ven biển, sinh sống chủ yếu bằng đánh nghề bắt cá và chăn nuôi.

Trong thời kỳ bị thực dân Anh đô hộ, bộ lạc Lou được xem là bộ lạc Kenya bị người Anh đồng hóa sớm nhất. Họ sớm biết tính chất tiên tiến của nền văn minh nước Anh, ý thức được rằng, đấu tranh bằng vũ lực chỉ đem đến máu và mất mát cho người dân của bộ lạc. Vì vậy, tộc trưởng của bộ lạc đã chọn cách hòa mình và học hỏi nền văn minh của người Anh. Ngay từ Thế chiến thứ nhất, ông nội Obama cùng một số thổ dân Kenya được người Anh thuê làm việc, đã sang một số nước châu Âu và Ấn Độ… Họ được coi là những người biết đến thế giới bên ngoài nhiều nhất hồi đó. Khi họ hàng vẫn còn mặc xà cạp quấn quanh, sống theo nếp sinh hoạt cổ xưa, thì họ đã mặc comple, sống theo phong cách Anh, và nghiễm nhiên trở thành người đi đầu của nền văn minh hiện đại Kenya.

Năm 18 tuổi, Obama cha chính thức lấy người vợ đầu tiên là người da đen, tên là Kezia. Họ có với nhau hai cậu con trai. Năm 23 tuổi, Obama cha đi du học ở Mỹ. Năm 28 tuổi ông quay về Kenya và cùng vợ nuôi dạy hai cậu con này. Họ chưa từng ly dị. Khi Obama cha trở về Kenya thì Kezia đang sống chung với một người đàn ông khác, nhưng ông không quan tâm đến chuyện này. Hiện nay bà Kezia vẫn sống mạnh khỏe với hai người con ở Anh.

Theo truyền thống của Kenya, hồi nhỏ Obama cha thường đi chăn thả gia súc cho cha mẹ mình. Ông nội Obama là người đã được đi đây đi đó, biết nhiều thứ, có suy nghĩ khá hiện đại nên nhận thức được tính quan trọng của nền giáo dục. Ông luôn cố gắng để các con có cơ hội học hành.

Năm 1952, sự nghiệp giải phóng dân tộc ở Kenya chưa giành được thắng lợi, người dân vẫn bị giám sát bởi quân đội thêm bốn năm nữa. Đến tháng 12/1956, sự quản lý này kết thúc. Lúc đó Obama cha được coi là nhân tài của đất nước, được chính quyền đương thời gửi đi học tại Hawaii. Điều đó cho thấy, Obama cha là một nhân tài được chính quyền thực dân cố ý đào tạo để tiếp quản đất nước.

Đó là những năm tháng bạo loạn, thời thế đã tạo ra khá nhiều anh hùng dân tộc. Các phong trào chống thực dân, giành độc lập bùng nổ mạnh mẽ. Người Anh ý thức rằng, ngày kết thúc của chủ nghĩa thực dân trên đất nước Kenya sắp tới gần. Họ cho rằng chỉ cần giáo dục những người bản địa có được nền văn minh gần như họ thì trong tương lai mới giữ được sự ảnh hưởng tại vùng đất này.

Trong bối cảnh ấy, Obama cha đã giành được một suất học bổng du học. Khi đó, Mỹ trở thành một cường quốc mới nổi, bắt đầu nhúng tay vào các sự kiện trên thế giới, còn thực lực của nước Anh thì đang giảm sút. Mỹ đã tiến hành viện trợ không hoàn lại cho nhiều nước trước kia vốn là thuộc địa của Anh, kể cả việc cấp học bổng, hỗ trợ thanh niên Kenya đi học tại Mỹ. Đây là một phần quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ.

Năm 1959, Obama cha là người Kenya đầu tiên giành được học bổng của một trường đại học danh tiếng ở Mỹ. Ông là lưu học sinh da đen châu Phi đầu tiên của Đại học Hawaii. Năm 1960, Trung tâm Đông Tây được thành lập (East-West Center, EWC), Obama cha được chuyển đến học ở Trung tâm này. Obama cha là người thông minh, học hành chăm chỉ, có chí tiến thủ cao. Cũng vào năm này, mẹ Obama bắt đầu bước chân vào Đại học Hawaii. Họ quen nhau vào đầu tháng 9 năm 1960. Khi ấy mẹ ông, bà Stanly Ann Dunham chưa tròn 18 tuổi, còn Obama cha là sinh viên da đen duy nhất của Trung tâm Đông Tây.

Hai người nhanh chóng phải lòng nhau và đến trung tuần tháng 9 họ quyết định sống chung. Năm ấy, sự phân biệt chủng tộc, màu da ở Mỹ vẫn còn diễn ra gay gắt. Tháng 10 năm 1960, mẹ Obama mang thai ông, thời điểm đó nước Mỹ đang cấm nạo phá thai.

Ann có thai nên họ phải tổ chức đám cưới. Hiện nay chúng ta chưa biết rõ nội tình cuộc hôn nhân này là bất đắc dĩ hay xuất phát từ tình yêu. Trên thực tế, bà Ann yêu Obama cha say đắm, nhưng việc Obama cha không thật lòng với bà đã nói rõ được khá nhiều vấn đề. Ngày 2 tháng 2 năm 1960, họ kết hôn tại Hawaii, tuy nhiên đến lúc đó bà Ann vẫn chưa biết Obama cha là người đã có vợ. Ngày 4 tháng 8 năm 1961, Obama con ra đời, năm ấy bà Ann tròn 18 tuổi và Obama cha 25 tuổi.

Những ngày tháng chung sống sau đó cho thấy Obama cha không quan tâm nhiều đến cuộc hôn nhân này. Có lẽ đó là thói quen gia trưởng của đàn ông Kenya cũng như truyền thống bất bình đẳng trong đối xử với phụ nữ của đất nước này. Có thể thấy rằng, Obama cha là người đàn ông gia trưởng sống không có trách nhiệm với gia đình.

Obama cha học tại Trung tâm Đông Tây ba năm, có thể nói là đã giành được học vị Thạc sĩ.

2. Cuộc hôn nhân giữa hai màu da

Tháng 8 năm 1962, qua sinh nhật của Obama con không lâu, Obama cha năm ấy 26 tuổi đã rời Hawaii đến Boston vì giành được học bổng của Đại học Harvard. Nghe nói, hồi đó Obama cha giành được học bổng toàn phần của một trường đại học tại New York, tiền học bổng khá cao, đủ cho cả gia đình ba người họ sinh sống tại New York. Tuy nhiên, Obama cha đã chọn Đại học Harvard có chất lượng giáo dục tốt hơn, học bổng thấp hơn chỉ đủ cho sinh hoạt của mình ông.

Theo hồi ức của Obama con thì do học bổng của Obama cha không đủ nuôi ba người nên cha ông đã quyết định tới Boston một mình, để lại vợ trẻ con thơ ở lại Hawaii. Có thể sự việc không đơn giản như vậy. Chọn học ở Harvard để có được một nền đào tạo tốt hơn cũng là chuyện nên làm, nhưng để mặc người vợ trẻ và cậu con trai 1 tuổi ở nơi khác thì thật đáng trách.

Nhiều người cho rằng, Obama cha không thực thà, thiếu trách nhiệm. Obama cha không còn mặn mà gì với cuộc hôn nhân này. Obama cha ra đi thực tế đã đánh dấu sự kết thúc của cuộc hôn nhân lạ lùng này. Obama cha không bao giờ muốn ở lại Mỹ. Cuộc hôn nhân này làm cả hai bên bố mẹ họ thấy khó hiểu và đương nhiên là không đồng ý.

Kết hôn xong, Obama cha đã gửi thư cho người cha 66 tuổi của mình tại Kenya thông báo về tình hình của cô vợ mới. Cuộc hôn nhân của một thổ dân da đen với cô gái da trắng đã bị ông nội Obama phản đối kịch liệt. Ông gửi thư trả lời với những lời nói thô tục như: “Ta không muốn dòng máu của gia tộc Obama bị vấy bẩn bởi mụ đàn bà da trắng”.

Ông nội Obama từ nhỏ đã giúp việc cho một gia đình da trắng người Anh. Ông nội Obama học hỏi được nhiều điều có ích, nhưng luôn bực bội vì sự khinh miệt của người da trắng với người da đen. Trong thâm tâm, ông nội Obama ghét người da trắng, nhưng không có sức mạnh nên đành cam chịu. Đó là lý do tại sao ông phản đối cuộc hôn nhân giữa hai màu da này.

Người dân châu Phi thích sự mạnh mẽ, hào phóng và thực hiện chế độ đa thê. Tuy nhiên, trong lĩnh vực tình dục họ còn khá bảo thủ. Chuyện quan hệ trước hôn nhân sẽ bị trừng phạt, nhưng Obama cha lại vi phạm quy định của tổ tiên rất nhiều lần. Nếu ở Kenya thì quyền của người cha là tối thượng nhưng vì đang du học ở Mỹ nên Obama cha cũng không sợ cha mình.

Ông bà ngoại Obama sinh ra và lớn lên trong nền văn minh hiện đại. Tuy có ác cảm với cuộc hôn nhân này nhưng vì chuyện đã rồi nên họ đành chấp nhận. Không chỉ thế, ông ngoại Obama còn thường xuyên đi quán bar uống rượu với con rể. Bố vợ và con rể thường xuyên trò chuyện và chung sống khá hòa hợp. Đó là điều vô cùng đáng quý ở những năm nạn phân biệt, ly khai chủng tộc vẫn còn diễn ra mạnh mẽ. Thêm nữa, từ năm Obama 13 tuổi, ông bà ngoại đã gánh trách nhiệm nuôi cháu thay con gái đến lúc trưởng thành.

Ba năm học ở Harvard, Obama cha cũng có một vài mối tình nữa. Không lâu sau khi bà Ann chủ động đề nghị ly hôn, Obama cha yêu và lấy một người phụ nữ da trắng tên là Ruth Nieesand ở Boston làm vợ thứ ba. Hai người đến và chung sống với nhau khá thuận lợi, không thấy ông nội Obama phản đối cuộc hôn nhân này. Không những thế, bà Ruth còn đến Kenya cùng Obama cha, bà thật lòng muốn chung sống với Obama cha suốt đời. Chỉ có điều, vì ý chí của Obama cha sa sút nên kế hoạch này không thành.

Bà Ruth nói rằng, Obama cha là người rất khó chung sống. Họ sống với nhau 7 năm, bà Ruth là người vợ sống lâu nhất với Obama cha nhưng chưa bao giờ được chồng đối xử tử tế. Obama cha cứ uống rượu là đánh vợ.

Không phát triển được sự nghiệp vì thời đại, cuộc sống cũng không diễn ra như ý muốn, Obama cha nản chí và trở thành người nghiện rượu. Ông luôn trở về nhà trong tình trạng say xỉn. Lần nào cũng vậy, cứ uống rượu xong ông lại lái xe, chính điều ấy đã khiến ông bị tai nạn giao thông và mất đi đôi chân. Từ khi phải đi bằng chân giả, Obama cha càng sống buông thả hơn, uống rượu nhiều hơn, say nhiều hơn, cuối cùng qua đời vì tai nạn giao thông.

Bà Ruth là một phụ nữ da trắng, dạy tiểu học, có văn hóa, có tri thức và trọng danh dự. Bà đã cam chịu cùng Obama cha về sống và làm việc ở đất nước Kenya nghèo đói, như thế cũng được coi là nghĩa nặng tình sâu rồi. Vào những năm nạn phân biệt chủng tộc còn mạnh mẽ, người da đen bị coi là công dân loại hai, bà đã yêu và lấy Obama cha. Bị lừa dối, biết chồng đã có vợ ở Kenya nhưng bà vẫn hết lòng chăm sóc gia đình và sinh cho ông hai người con. Nhưng rốt cuộc, Ruth cũng không có được vị trí trong trái tim Obama cha, thậm chí không được đối xử tử tế. Obama cha chẳng giúp gì cho gia đình cả về kinh tế và tinh thần, ngược lại, ông còn gây thêm nhiều rắc rối.

Cuối cùng, không thể nhẫn nhịn hơn, bà Ruth quyết định ly hôn với người chồng nghiện rượu, nghèo túng và thiếu trách nhiệm. Sau này bà vẫn dạy học ở thủ đô Kenya và tái hôn với một người đàn ông Taniza giàu có. Lấy chồng có kinh tế nên bà đã cho con theo học tại các trường điểm nổi tiếng. Con bà đều lấy họ của mẹ, bà làm như vậy với mục đích chấm dứt mọi liên hệ với Obama cha.

3. Obama cha ra đi trong đau khổ

Tháng 6/1965, Obama cha quay về tổ quốc Kenya khi nước Cộng hòa Kenya thành lập được nửa năm. Khi ấy, Obama cha 28 tuổi vừa có bằng Tiến sĩ tại Đại học Harvard, là một nhân tài hiếm có trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường dân chủ Kenya. Sáu năm theo học tại Mỹ đã tôi luyện ông thành một học giả người Kenya giỏi giang nhất về lĩnh vực kinh tế thị trường phương Tây theo kiểu Mỹ. Đặc biệt, là một tiến sĩ kinh tế của Đại học Harvard, ông là một trong những thành phần trí thức giỏi giang của Kenya.

Sau khi về nước, là người của bộ lạc Lou nên Obama cha được Phó Tổng thống coi trọng. Thoạt đầu là nhậm chức tại Công ty dầu mỏ, sau đó chuyển sang Bộ Giao thông. Khi ấy, đất nước Kenya đang ở giai đoạn xây dựng nên tất cả các ngành nghề đều ở vạch xuất phát. Có quá nhiều ý kiến bất đồng đối với việc quy hoạch phát triển đất nước trong tương lai. Nếu cùng chung mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh thì mọi bất đồng đều được giải quyết thông qua thương lượng, nhưng vết tích lịch sử giữa các bộ lạc đã làm vấn đề này trở nên rất khó khăn.

Trước đây, các bộ lạc cùng chung vai cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, nay đất nước độc lập lại trở thành đối địch với nhau. Cục diện này đã biến cuộc đời Obama cha thành một bi kịch.

Độc lập đã không đem đến hạnh phúc cho người dân Kenya, ngược lại, các bộ lạc trước đoàn kết là thế, nay vì tranh đoạt lợi ích đã khiến nhân dân đổ máu và sống trong cảnh nghèo túng.

Tháng 12 năm 1971, tức là 6 năm sau khi quay về Kenya, Obama cha trở lại đất Mỹ. Ông đến ở với cậu con trai 10 tuổi, bà Ann và ông bà ngoại Obama một tháng. Obama cha muốn nhân cơ hội này tranh thủ giải tỏa cõi lòng và thử tìm cơ hội phát triển sự nghiệp ở Mỹ. Obama con khi ấy rất háo hức, lúc nào cũng mơ tưởng được gặp một người cha tuyệt vời, anh hùng…

Mười tuổi, cậu bé Obama vừa rời vòng tay mẹ ở Indonesia đến Hawaii sống với ông bà ngoại. Ở độ tuổi này rất cần sự chăm sóc, yêu thương của bố mẹ. Không có bố mẹ bên cạnh, lại không có bạn thân nên trong lòng Obama cũng thấy cô đơn, trống trải. Để giải tỏa khát khao tình cha con, Obama đã thêu dệt câu chuyện tuyệt đẹp về cha mình. Cậu khoe với các bạn học, cha mình là Hoàng tử của đất nước Kenya ở châu Phi, ông nội là tộc trưởng của một bộ lạc hùng mạnh, giống như tộc trưởng của bộ lạc Indian ở Mỹ.

Câu chuyện đẹp ấy đã khiến bao bạn học nhìn Obama với con mắt trầm trồ, khen ngợi. Trong sâu thẳm trái tim, Obama luôn thích mẫu hình người cha được chính mình thêu dệt, nhưng chuyến đi Mỹ của Obama cha đã khiến cả hai bên đều cảm thấy không thoải mái.

Do tâm trạng không tốt nên thái độ của Obama cha với con rất tệ. Ông dạy dỗ con nghiêm khắc, trong khi chưa bao giờ làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ của một người cha. Điều này trái hẳn với phương pháp giáo dục tôn trọng tự do của ông bà ngoại Obama. Tính cố chấp nóng nảy đã gây hại cho Obama cha ở cả Kenya và Mỹ. Đoàn tụ chưa được bao lâu, Obama cha đã phải ra đi sớm hơn dự định.

Obama cha không tìm được cơ hội cho mình ở Mỹ, ý định nối lại quan hệ với bà Ann cũng tan thành mây khói. Trong trí nhớ của Obama, đây là lần gặp gỡ duy nhất với cha, nhưng là một cuộc gặp gỡ “chán ngắt”. Bà Ann cũng thấy buồn cho người chồng cũ và một lần nữa bà lại khóc vì ông.

Obama cha quay về Kenya với tâm trạng tồi tệ vì hy vọng cuối cùng đã bị dập tắt. Nghèo đói, nhụt chí, và rồi tai nạn giao thông làm mất đôi chân đã cướp đi công việc của ông. Tiếp đó, Obama cha lấy người vợ thứ tư là một thổ dân da đen người Kenya. Không lâu sau, Obama cha qua đời vì tai nạn giao thông trong sự nghèo khổ, ở tuổi 46. Obama có bốn người vợ, có tất cả 8 người con, gồm 7 con trai và 1 con gái. Ngoài 1 người con qua đời vì tai nạn giao thông thì 7 người con hiện nay của ông đều đã trưởng thành: một người ở lại Kenya, một người đi Trung Quốc, những người còn lại đều định cư ở Anh và Mỹ.

Ân oán lịch sử của các bộ tộc ở đất nước Kenya đã làm Obama cha mất đi cơ hội thể hiện tài năng của mình. Nhưng nói cho cùng thì cuộc đời là do chính mình lựa chọn, Obama cha đã có những bước đi sai lầm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.