Bí Quyết Thành Công Của Obama

CHƯƠNG 10: MUỐN TRANH CỬ TỔNG THỐNG



“Một người có tài diễn thuyết, lại có sự ủng hộ mạnh mẽ về tài chính thì có thể thực hiện được giấc mơ trở thành Tổng thống”.

Đầu năm 2005 Obama giữ chức Thượng nghị sỹ Liên bang đại biểu cho bang Illinois, ông trở thành người da đen duy nhất trong số 100 Thượng nghị sỹ Liên bang đương nhiệm. Trước Obama cũng chỉ có 4 người da đen từng làm Thượng nghị sỹ, 3 trong số đó là người của Đảng Cộng hòa. Ngay từ đầu ông đã hạ quyết tâm, phải làm thật tốt trong nhiệm kỳ 6 năm của mình, lưu lại dấu ấn trong đời sống chính trị. Tuy nhiên, hoàn cảnh đã khiến dự định của ông bị đảo lộn.

1. Thời cơ không chờ đợi ai

Obama là Thượng nghị sỹ da đen duy nhất trong số các Thượng nghị sỹ đương nhiệm, cũng là Thượng nghị sỹ da đen thứ hai của Đảng Dân chủ trong lịch sử nước Mỹ, là người da đen thứ ba được giữ chức Thượng nghị sỹ theo thể thức phổ thông đầu phiếu.

Những Thượng nghị sỹ trước Obama đều là những người da đen Mỹ “chính hiệu”, là người da đen “thuần chất”.

Đối với một nhà chính trị, vị trí Thượng nghị sỹ Liên bang là một chức vị rất cao, tất cả chỉ có 100 người, mỗi bang được 2 ghế đại diện. Ngoài ra thêm 50 Thống đốc bang, có thể được xem như một trong số 150 vị quan chức cao cấp của Mỹ ngoại trừ Tổng thống, là những người có năng lực trong giới chính trị Mỹ, là đội ngũ trợ lực thân cận của Tổng thống.

Bài diễn văn tại Đại hội Đảng Dân chủ toàn quốc năm 2004 không những giúp Obama giành được chiếc ghế Thượng nghị sỹ Liên bang mà còn trong phút chốc biến ông thành một ngôi sao lớn rực sáng. Trên cơ sở bài diễn văn đó, ông đã viết quyển sách thứ hai của mình: “Hy vọng táo bạo”, quyển sách này chính thức được xuất bản năm 2006, sau đó ông đã đi khắp nơi trên đất nước để quảng bá cho cuốn sách mới, việc đó càng làm ông trở nên nổi tiếng.

Hai lần phá vỡ tiền lệ, lần đầu tiên tại Harvard, lần thứ hai tại Thượng nghị viện, hai lần tỏa sáng, Obama viết hai cuốn sách.

Mọi người nhiều lần hỏi ông có định tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2008 hay không?

Ban đầu, ông luôn trả lời rằng “không”.

Obama nói: “Tôi có rất nhiều việc quan trọng cần làm và muốn làm, nhưng luôn chỉ có thể làm từng việc một. Việc quan trọng đầu tiên với tôi bây giờ chính là làm tốt công việc của một Thượng nghị sỹ”.

Khi mới tới Washington, Obama chỉ đứng vị trí thứ 98 trong số 100 Thượng nghị sỹ. Ông nói đùa rằng mình chỉ “có tư cách gọt bút chì” cho các Thượng nghị sỹ khác, làm sao dám tranh đua.

“Hơn nữa, tôi còn chưa biết nhà vệ sinh ở Capitol Hill được đặt ở đâu” – ông đùa. Ý Obama muốn nói là, được giữ chức Thượng nghị sỹ đã là việc quá hài lòng rồi, ông có rất nhiều điều phải học hỏi, không thể vội vàng.

Trên thực tế, Obama không thể quên rằng, dù ở một bang mà Đảng Dân chủ có ưu thế mạnh như Illinois, nếu làm việc không cẩn thận thì có thể sau khi hết nhiệm kỳ sẽ bị bãi miễn. Việc duy trì được chức vụ đương nhiên là vô cùng quan trọng, đây là vị trí không thể đánh mất.

Nhưng vấn đề là, những người muốn dựa vào Obama để mở rộng quyền lực lại không muốn chờ đợi. Những người ủng hộ Obama đã làm một số nghiên cứu để chứng minh cho ông thấy tính tất yếu và tính khả thi của việc tranh cử Tổng thống.

Trong lịch sử nước Mỹ, chỉ có hai người tranh cử Tổng thống thành công dưới cương vị Thượng nghị sỹ, đó là Warren Harding và John F. Kenedy, hơn nữa họ đều tranh cử thành công trong nhiệm kỳ đầu tiên. Những người tranh cử trong nhiệm kỳ thứ hai đều thất bại. Điều này dường như ám chỉ với Obama rằng, năm 2008 là cơ hội duy nhất của ông, lịch sử nói với ông rằng, nếu bỏ qua cơ hội này thì sẽ không có cơ hội lần sau.

Hơn nữa, tình hình của Đảng Cộng hòa hiện nay không được thuận lợi, đây là thời khắc để giành quyền tốt nhất của Đảng Dân chủ. Hiện nay ứng cử viên mạnh nhất của Đảng Dân chủ là Hillary Clinton, nếu bà trúng cử thì đến năm 2012 bà sẽ lại tranh cử liên nhiệm, nếu thế, Obama sẽ phải đợi 8 năm nữa mới có cơ hội lần thứ hai, như vậy thì quá lâu.

Cơ hội và thời thế tạo dựng anh hùng, cơ hội trong chính trị lại càng quan trọng. Hơn nữa, thông thường, cơ hội đối với một người, cả đời chỉ có một lần. Làm Tổng thống không giống với việc đầu tư tiền tệ, bởi vì nếu đầu tư vào cổ phiếu thì sẽ có rất nhiều công ty tốt để lựa chọn, nhưng Tổng thống là chức vị duy nhất dành cho một người, chỉ có thể cạnh tranh, không có lựa chọn thứ hai.

Đối với những việc đó, người thông minh như Obama đương nhiên là hiểu rõ. Nhưng vì Hillary quá mạnh mẽ, ban đầu Obama không dám cạnh tranh, cho rằng có quá ít tính khả thi. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội hiếm có. Cơ hội không chờ đợi con người, cần phải biết tận dụng. Cơ hội chỉ dành cho những bộ óc có sự chuẩn bị.

Sau khi cân nhắc một cách kỹ lưỡng, Obama quyết định tham gia tranh cử. Ông bàn bạc với vợ, bà cũng cho rằng, nếu muốn tranh cử Tổng thống, khi hai con gái còn nhỏ, những ảnh hưởng của việc tranh cử đối với chúng sẽ ít hơn. Như vậy, Obama đã có được sự ủng hộ hoàn toàn từ phía gia đình.

Nắm bắt và xử lí tốt cơ hội là điểm then chốt để một người có thể trở thành vĩ nhân. Lịch sử không chờ đợi con người, chúng ta phải tạo ra lịch sử.

Sau khi đọc bài diễn văn tại Đại hội Đảng Dân chủ toàn quốc năm 2004, có không ít phóng viên và Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa hỏi Obama rằng, liệu ông có tranh cử Tổng thống năm 2008 hay không. Ban đầu, câu trả lời của ông là: “Trước tiên tôi muốn làm tốt nhiệm kỳ 6 năm của tôi đã rồi tính sau”.

Đến tháng 10 năm 2006, khi có người nhắc lại chuyện này, Obama nói: “Tôi quả có nghĩ đến chuyện đó”. Lần này khẩu khí của ông đã có chút thay đổi. Đến tháng 2 năm 2007, Obama chính thức tuyên bố tranh cử Tổng thống. Vậy điều gì đã khiến cho ông thay đổi ý định?

Trước đó, đã có không ít người phân tích cho Obama, chính trị là vấn đề về thời cơ. Obama là một ngôi sao đang lên, ông có thể và cũng nên nhân xu thế này mà tiến lên phía trước, còn nếu để cơ hội qua đi thì có ân hận cũng đã muộn.

Đôi lúc tôi cảm thấy, sự thịnh hành của một chính trị gia cũng có một số điểm tương tự như sự thịnh hành của thời trang. Mỗi một giai đoạn đều có những màu và những thiết kế nhất định, từ đó, những trang phục thịnh hành được thiết kế dựa trên những đặc điểm này sẽ dễ bán hơn, dễ kiếm tiền hơn. Chính trị gia cũng như vậy, khi đang có thế, mọi người đều đến hỗ trợ anh, bỏ phiếu cho anh, nhưng khi thời thế thay đổi, anh cũng chẳng còn hy vọng gì. Những ví dụ như thế không phải là hiếm trong lịch sử nước Mỹ.

Vào năm 2000, nếu Gore thắng Bush con, có thể đến năm 2004 cũng không có cơ hội cho Bush, Bush có thể mãi mãi không được làm Tổng thống Mỹ; nhưng lịch sử là như vậy, mang cơ hội đến cho Bush và dành cho Gore sự nuối tiếc vĩnh viễn.

Không chỉ vậy, chính trị gia khi gặp thời thì được công chúng tán dương, mọi người ủng hộ cho anh vì họ mong đợi ở anh một điều gì đó, cho rằng anh có thể giải quyết giúp họ một số vấn đề thực tế khó khăn. Nhưng những sự mong đợi này thường quá cao, không phải là những điều mà một chính trị gia thực sự có thể làm được. Sự xuất hiện của nhiều vấn đề lại là những quy luật đương nhiên trong phát triển xã hội, có tính chu kỳ. Sau khi công chúng phát hiện ra điều đó, họ lại biến sự mong đợi đối với chính trị gia thành sự trách cứ, cho rằng chính khách bất tài chứ không phải do sự thiếu thực tế của những mong chờ. Chính trị là như thế.

Sau khi cuốn sách “Hy vọng táo bạo” được xuất bản vào năm 2006, Obama đã thực hiện một chuyến đi quảng cáo cho cuốn sách trên khắp đất nước, nhưng thời điểm đó chính là lúc Hạ Nghị viện tuyển cử nên ông cũng dành phần lớn thời gian để giúp các Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ tranh cử. Obama không những giúp cho Đảng Dân chủ giành được nhiều ghế trong Hạ Nghị viện mà còn khiến ông có thêm rất nhiều bạn bè trong nội bộ Đảng.

Thực ra Obama đã làm công tác chuẩn bị cho năm 2008.

Trong thời gian này, Obama phát hiện ra, cử tri phần lớn đều chán ghét cuộc chiến Iraq, hơn nữa, cuộc chiến ngày càng trở thành gánh nặng cho nền kinh tế Mỹ. Chiến tranh Iraq được tiến hành sau khi có sự chấp thuận của hai Viện, rất nhiều chính trị gia tiếng nói có sức nặng bao gồm cả Hillary và McCain đều là những người ủng hộ cuộc chiến Iraq.

Bản thân Obama lại khác, khi cuộc chiến tranh bắt đầu ông đã đưa ra ý kiến phản đối, cho rằng cuộc chiến tranh này là một sai lầm lớn, sẽ gây ra những tổn thất không thể bù đắp được. Thực tế đã chứng minh rằng phán đoán này là đúng đắn. Đây là một ưu thế lớn của Obama, ông đã trở thành đại diện lớn nhất của phe phản chiến.

Tuyệt đại đa số cử tri, đặc biệt là những cử tri Đảng Dân chủ cũng cho rằng cuộc chiến Iraq là một sai lầm và mong muốn Mỹ rút quân khỏi Iraq.

Một điểm nữa là, Obama phát hiện cuốn “Hy vọng táo bạo” mà mình đã nêu trong bài diễn văn tại Đại hội Đảng Dân chủ Toàn quốc năm 2004 đã nhận được sự ủng hộ và chấp nhận của rất nhiều người, trong số đó có nhiều người của Đảng Cộng hòa và các nhân sỹ khác. Điều đó cho thấy Obama đã có được sự ủng hộ của khá nhiều cử tri. Việc cuốn sách vẫn tiếp tục bán chạy cũng đã nói rõ một vấn đề lớn. Bởi vậy, rất có thể ông có được sự ủng hộ của nhiều người da trắng.

Hơn nữa, lần này Bush con không tiếp tục tranh cử liên nhiệm, vì Hiến pháp không cho phép bất cứ ai được làm quá hai nhiệm kỳ, khiến chức vụ Tổng thống hoàn toàn bỏ ngỏ, đây là một ưu thế lớn đối với những ứng cử viên. Ưu thế của các ứng viên về điểm này khá cân bằng.

2. Cải cách là chủ đề tranh cử

Obama so với Kenedy có điểm tương đồng trong một số phương diện.

Năm 1960, khi Kenedy tranh cử, nước Mỹ đang phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Tình hình quốc tế đang phức tạp, ở vào giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh lạnh, nước Mỹ đang đứng trước thách thức lớn trong việc giữ thực lực và địa vị của mình, người dân kêu than rất nhiều về chính phủ do Đảng Cộng hòa chấp chính.

Khi Obama tranh cử, tình hình kinh tế của nước Mỹ cũng rất xấu, hơn nữa, những tổn thất về hình tượng quốc tế và thực lực quốc gia mà cuộc chiến Iraq gây ra cũng vô cùng lớn. Tuy chiến tranh lạnh đã kết thúc từ lâu nhưng tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, liên tục của Liên Xô cũ và các nước như Trung Quốc, Ấn Độ… cũng làm cho địa vị bá chủ của nước Mỹ bị lung lay.

Xét về tiểu sử, cả hai người đều còn khá trẻ, đều bị những chính khách đối địch chỉ trích là thiếu kinh nghiệm. Khả năng tài chính của gia tộc Kenedy vô cùng mạnh mẽ nhưng ông lại bị chỉ trích về huyết thống Ireland và tín ngưỡng Thiên Chúa giáo. Còn Obama, vì là người da đen nên ông nhận được sự ủng hộ hết mình của những người da đen, nhưng ông cũng bị chỉ trích về xuất xứ Islam khi còn nhỏ.

Khi Kenedy tranh cử Tổng thống, điều ông nhấn mạnh là: “Đừng hỏi Quốc gia có thể làm gì cho bạn, mà nên hỏi bạn có thể làm gì cho Quốc gia?”. Đó là vào năm 1960, nước Mỹ đang phải đối mặt với khủng hoảng, mọi người đều hy vọng đất nước được lớn mạnh.

Lần này, một loạt vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân, mọi người hy vọng có được một cuộc sống tốt hơn, nhưng dường như quốc gia lại chưa nhìn thấy một sự uy hiếp rõ ràng nào. Thế là, Obama lại đưa ra một khẩu hiệu ngược lại: “Chúng ta cần phải hỏi xem Quốc gia đã làm được gì cho chúng ta và nên làm gì cho chúng ta? Chính phủ của chúng ta chưa làm tốt công việc phục vụ nhân dân, chúng ta cần một sự thay đổi”.

Khẩu hiệu này cũng gần giống với khẩu hiệu từng xuất hiện tại Trung Quốc nhiều năm trước đây: “Tôi yêu Tổ quốc, Tổ quốc có yêu tôi không?”

Thời điểm Kenedy trúng cử, người dân Mỹ đều cảm nhận được nguy cơ một cách sâu sắc – cuộc đối đầu của phương Đông – phương Tây và nguy cơ thua cuộc. Bởi vậy, vào thời điểm đó, khích lệ nhân dân cống hiến cho Quốc gia là một chủ đề đúng đắn. Ông đã có một bài diễn thuyết có tựa đề là “Tiền tuyến mới” trong Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Dân chủ năm đó. Ông nói với nhân dân rằng, tính chất của cuộc chiến tranh đã thay đổi, tiền tuyến hiện nay đã hoàn toàn khác so với trước đây, liệu chúng ta đã chuẩn bị kỹ để có thể giành thắng lợi trong một cuộc chiến tranh mới?

Tình hình hiện nay hoàn toàn khác so với lúc đó, thời kỳ chiến tranh lạnh đã qua, xu thế đối đầu trong chính trị đã bị thay thế bởi xu thế kinh tế và chính trị mới, hợp tác trong cạnh tranh và cạnh tranh trong hợp tác. Nước Mỹ đang phải đối mặt với vô số các vấn đề về kinh tế và xã hội như cuộc chiến Iraq, giá dầu leo thang và ngành công nghiệp chế tạo chuyển dịch ra bên ngoài với một lượng lớn… mọi người đang rất cần chính phủ làm nhiều việc hơn nữa để phục vụ nhân dân. Lúc này đưa ra khẩu hiệu Quốc gia nên làm gì cho nhân dân lại có sức cổ động lòng người hơn.

Chúng ta nên chú ý rằng, các chính trị gia Mỹ có một đặc điểm là thường nhấn mạnh vào tính nghiêm trọng của vấn đề, khiến dân chúng cảm thấy sợ hãi, sau đó mới nói với họ rằng: tôi là người cứu thế giới, chỉ có tôi mới có thể cứu thoát dân chúng khỏi biển khổ. Cách làm này đã có hiệu quả trong nhiều trường hợp. Obama cũng đã làm như vậy.

Chính luận chủ yếu của Obama về cơ bản đều tập trung vào cuốn sách ông xuất bản năm 2006: “Hy vọng táo bạo”. Khi cuốn sách được xuất bản, tuần báo “Time” của Mỹ đã phát biểu một bài với chuyên đề: “Tổng thống tiếp theo?”, đồng thời chọn Obama là nhân vật trang bìa của tuần đó.

Điều này chứng tỏ các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu của Mỹ đã chấp nhận Obama là một ngôi sao chính trị đang lên, rất có tiền đồ. Đặc biệt, những phương tiện thông tin đại chúng thuộc phái tự do đã sớm nhận ra Obama, họ so sánh ông “như một Kenedy”, gọi ông là “một chính trị gia có tư tưởng và năng lực hiếm có trong mấy chục năm trở lại đây của Đảng Dân chủ”.

Có lúc, nguyên đệ nhất phu nhân Hillary Clinton vốn rất có ưu thế đã bị khí thế của Obama áp đảo. Đây là điều đáng tiếc cho Hillary và cho cả phụ nữ Mỹ. Không dễ dàng gì có được một cơ hội để nữ giới tấn công vào chiếc ghế Tổng thống. Đây chính là số phận, mỗi người chỉ có thể cố gắng hết sức để làm những điều tốt nhất.

Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.

Điều Obama nhấn mạnh lần này là chủ nghĩa bình dân “phục vụ nhân dân”, bởi vì, trước tiên, Obama xuất thân từ tầng lớp bình dân, sống ở khu vực khá nghèo khó ở phía Nam Chicago.

Thứ hai, khi tranh cử Thượng nghị sỹ ở bang Illinois, Obama lại càng thâm nhập sâu vào tầng lớp này, ông lái xe đến khắp các nơi trên bang Illinois, tìm hiểu tình hình dân chúng, mỗi khi đến một nơi, “tôi cố gắng không nói gì mà chỉ chăm chú lắng nghe nguyện vọng của họ cho dù đôi khi chỉ có hai người có thể bớt thời gian đến gặp tôi”. Ông thường nói như vậy mỗi khi nhớ lại.

Obama đã đến tất cả những nơi có thể đến, trò chuyện với mọi người, nội dung cuộc nói chuyện thường là đề cập đến một chương trình truyền hình giải trí nào đó, đôi khi đề cập đến một vấn đề chính trị nghiêm túc. Về chủ đề chính trị, bất luận người nói đề cập đến sự căm giận đối với chính phủ Bush hay sự phẫn nộ đối với Đảng Dân chủ, ông đều chăm chú lắng nghe ý kiến của họ.

Thông qua việc thâm nhập rộng rãi vào tầng lớp bình dân, Obama cảm nhận rằng, mỗi người dân Mỹ đều có một tinh thần Mỹ ẩn sâu trong tâm hồn, có những lí tưởng và niềm tin chung, những tinh thần, niềm tin và lí tưởng này không thay đổi theo sự biến đổi của nền kinh tế.

Người dân Mỹ mong muốn Quốc gia có thể trở thành một thể mạnh mẽ thống nhất, một thể liên hợp, giúp những người dân Mỹ không cùng màu da, tín ngưỡng, Đảng phái và giai cấp có thể cùng sinh sống trong một xã hội giàu có và tốt đẹp.

Những kỳ vọng của người dân đối với cuộc sống rất đơn giản và khiêm tốn. Họ chỉ mong muốn có một cuộc sống tốt hơn, có việc làm, có lương và không vì gặp phải một căn bệnh ngẫu nhiên nào đó khiến cả gia đình rơi vào hoàn cảnh khốn khó. Họ đều mong muốn con cái họ được giáo dục tốt, đồng thời không vì khó khăn kinh tế của gia đình mà bỏ đi cơ hội được học đại học. Nói đơn giản, họ cần một cảm giác an toàn về kinh tế, sinh mạng và một cuộc sống có chất lượng tốt, thế nhưng chính phủ Mỹ cũng không thể đáp ứng được cho họ.

Obama tuyên bố, hiện nay, nước Mỹ đang phân hóa thành hai cực trên phương diện quan niệm và niềm tin. Sự đối đầu về văn hóa trong một thời gian dài giữa các Đảng phái khác nhau khiến cho người dân không biết phải đi đường nào, họ đã không còn tín nhiệm bất kỳ bên nào. Giữa các chính trị gia và dân chúng ngày càng không tìm được tiếng nói chung.

Obama tuyên bố, ông hiểu được sự không tín nhiệm của dân chúng, “tuy nhiên, mọi người cũng nên nhận thấy rằng, cuộc vận động dân quyền từ khi thành lập đất nước cho đến tận những năm 60 của thế kỉ trước, trên thực tế vẫn tồn tại một truyền thống chính trị khác, đó là truyền thống cùng nhau tin tưởng, cùng nhau nỗ lực, nó chính là một kiểu sức mạnh khiến chúng ta gần lại bên nhau. Sức mạnh này luôn chiến thắng sức mạnh của sự phân hóa.

Chỉ cần có đủ người tin tưởng vào điểm này, đồng thời tích cực cùng nhau hành động, chúng ta có thể thoát ra khỏi bối cảnh chính trị rối loạn hiện nay. Việc đầu tiên chúng ta phải làm là thay đổi tác phong chính trị không trung thực hiện có, tạo ra một phong cách chính trị mới, trung thực và thẳng thắn, đồng thời dựa trên những lí tưởng, giá trị, hy vọng chung để tạo nên và hình thành một thói quen chính trị hoàn toàn mới. Chỉ như thế mới làm cho sự phân hóa đã hình thành hiện nay ở nước ta dần dần được nối lại, cả nước Mỹ mới có thể lại đoàn kết thành một thể thống nhất”.

Obama đang lặp lại giá trị quan của nước Mỹ mà mẹ ông đã giảng giải cho ông mấy chục năm trước tại Indonesia.

Obama là ứng cử viên sáng giá nhất để thực hiện sự thay đổi, hợp nhất này.

Đây chính là khẩu hiệu tranh cử của ông.

Kenedy đắc cử Tổng thống ở tuổi 43, là Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Mỹ. So với Kenedy, tuy Obama lớn hơn vài tuổi, nhưng trên thực tế lại thiếu rất nhiều vốn chính trị.

Kenedy xuất thân từ một gia đình có truyền thống chính trị, ban đầu ông không định tham gia chính trị, ông từng là một phóng viên giỏi, giành được giải thưởng Pulitzer. Vì người anh đã được chọn để kế tục sự nghiệp gia đình không may hy sinh trên chiến trường châu Âu trong Đại chiến Thế giới thứ hai nên Kenedy phải làm người thay thế.

Trước khi Kenedy giữ chức Tổng thống vào tháng Giêng năm 1961, ông đã làm Thượng nghị sỹ Liên bang được 8 năm (đại biểu của bang Massachusetts), trước đó ông đã giữ chức Hạ nghị sỹ Liên bang trong 7 năm. Hai mươi tuổi, Kenedy bắt đầu làm chính trị, khi 43 tuổi, ông đã là một chính trị gia lão luyện tại Washington.

Còn Obama, tuy đã 47 tuổi nhưng vẫn chỉ là một “đứa trẻ” trong giới chính trị. Tháng Giêng năm 1997, Obama mới chính thức là Thượng nghị sỹ bang Illinois, tháng Giêng năm 2005 mới chính thức giữ chức Thượng nghị sỹ Liên bang, ông tham gia chính trường không quá 10 năm, ông ở Liên bang mới hơn 3 năm, hơn nữa phần lớn thời gian đó Obama lại bận rộn với việc tranh cử Tổng thống. Quãng thời gian làm chính trị của ông quả là ngắn ngủi.

Tháng 2 năm 2007, Springfield, thủ phủ của bang Illinois nằm ở phía Bắc nước Mỹ lạnh giá lạ thường, nhưng giá rét không làm nguội lạnh lòng nhiệt tình của Obama. Ngày hôm đó, đứng tại nơi mà năm nào Lincoln đã từng diễn thuyết, ông tuyên bố tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2008.

Năm 1858, do những ý kiến khác nhau về vấn đề nô lệ da đen, nước Mỹ bị chia tách thành hai miền Nam Bắc, tạo ra nội chiến. Chính nhờ vào nhu cầu của thời đại, sự lãnh đạo kiên trì, anh minh và lòng can đảm, sự hiểu biết của Lincoln đã khiến nước Mỹ được thống nhất, đồng thời trở nên mạnh mẽ hơn, việc giải phóng nô lệ da đen cũng đã được hoàn thành vào những năm 60 của thế kỷ 19. 3,5 triệu người da đen cuối cùng đã được hoàn toàn giải phóng, thời đại nô lệ ở nước Mỹ đã trở thành lịch sử vĩnh viễn.

150 năm sau, Obama, một thế hệ người da đen mới không phải là nô lệ, ông cũng muốn giống như Lincoln xuất thân từ bang Illinois ngày nào, tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ vì sự đoàn kết của Quốc gia, vì hy vọng và lí tưởng của những chủng tộc khác nhau.

Tuy nhiên, năm 2008, 150 năm sau khi giải phóng nô lệ da đen, vấn đề cấp bách mà nước Mỹ phải đối mặt không còn là vấn đề màu da mà là những vấn đề về kinh tế và xã hội do hàng loạt những quyết định sai lầm của chính phủ gây ra.

Dựa trên thực tế đó, Obama đã đưa ra 3 cương lĩnh chính trị lớn trong chiến dịch tranh cử của ông:

Kết thúc chiến tranh Iraq, tăng cường tính độc lập về nguồn năng lượng của Mỹ và y tế cho toàn dân.

Obama muốn biến nước Mỹ thành một Quốc gia phúc lợi hóa hơn nữa.

3. Đội ngũ thực lực hùng hậu

Để bù đắp cho sự thiếu hụt về kinh nghiệm chính trường, Obama quyết định bắt đầu từ việc thành lập một đội ngũ tranh cử hùng hậu, kết quả sau này cho thấy, ông đã thực hiện vô cùng thành công.

Trợ lí phụ trách truyền thông của Obama từng thành công trong việc đưa Obama lên bục diễn thuyết ở Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Dân chủ. Đây là công lớn đầu tiên.

Việc tận dụng thành công mạng Internet đã khiến cho những lí luận của ông được truyền bá một cách có hiệu quả, từ đó giúp Obama giành được sự chấp thuận và ủng hộ của một lượng lớn các phần tử trí thức, đây lại là một công lao nữa.

Hơn nữa, việc tận dụng thành công mạng Internet đã giúp Obama chuẩn bị được một lượng lớn kinh phí trong thời gian ngắn sau khi tuyên bố tranh cử, từ đó đánh bại đối thủ trong Đảng là Hillary về mặt tài chính. Đây cũng là một bí quyết giành chiến thắng của ông.

Trên thực tế, ngay từ khi tranh cử thắng lợi chức Thượng nghị sỹ Liên bang, Obama đã bắt tay vào thiết lập một đội ngũ phụ tá hùng hậu. Đội ngũ phụ tá của ông lúc đó vượt xa nhu cầu của một Thượng nghị sỹ. Ngay từ đầu ông đã “mài sẵn gươm để chuẩn bị chiến đấu”. Sau khi Obama quyết định tranh cử Tổng thống, đội ngũ này lại được tăng cường hơn nữa. Sự thuận lợi trong việc huy động kinh phí cho tranh cử cũng khiến ông có điều kiện để làm được nhiều việc hơn, đồng thời, có nhiều người tài đến phục vụ dưới quyền của Obama, khiến đội ngũ phụ tá của ông ngày càng lớn mạnh.

Đội ngũ phụ tá của Obama đã tạo ra rất nhiều điều đáng để các nhà sử học nghiên cứu và các đối thủ cạnh tranh học hỏi. Chiến thắng trong cuộc tranh cử Tổng thống đương nhiên không phải là công lao của một người, đó là đóng góp của tất cả mọi người.

Cần phải giới thiệu một người trong đội ngũ đó, tên ông là Lư Bái Ninh.

Lư Bái Ninh sinh ra ở bang New Jersey, miền Đông nước Mỹ, sau theo cha mẹ chuyển đến bang Maryland và lớn lên ở đó. Ông năm nay 41 tuổi, thuộc thế hệ người Hoa thứ hai.

Cha mẹ của Lư Bái Ninh là những lưu học sinh Đài Loan sang du học từ những năm 60 của thế kỷ trước. Người cha là Lư Chính Dương làm kỹ sư điện cơ, người mẹ là Vương Đại Thành lại yêu thích văn hóa lịch sử, ông nội là Vương Nhiệm Viễn trước đây từng đi du học tại Nhật Bản, sau này làm chuyên gia pháp luật của Quốc Dân Đảng tại Đài Loan, từng giữ nhiều chức vụ cao trong giới tư pháp.

Do ảnh hưởng sở thích văn học lịch sử của người mẹ và ảnh hưởng từ ông ngoại, Lư Bái Ninh từ nhỏ đã rất hứng thú với sáng tác và chính trị, thích đọc các tác phẩm về những nhân vật chính trị, thích cùng cha xem chương trình thời sự buổi tối. Những thông tin ông nhận được qua sách báo và truyền hình, cộng với sự giáo dục của gia đình đã đặt nền tảng cho lí tưởng cho công việc tư pháp của ông.

Tháng 9 năm 1988, Lư Bái Ninh cùng Obama đồng thời vào học ngành Luật tại Đại học Harvard, trở thành một trong số 550 tiến sỹ luật. Lư Bái Ninh khi đó chỉ vùi đầu vào sách vở, còn Obama lại dành khá nhiều thời gian để bàn luật về lý tưởng và chủ nghĩa. Obama từ biên tập viên thứ 80 của “Bình luận Luật học Harvard” trở thành biên tập viên thứ nhất. Ba năm ở Harvard là một bước quan trọng để có được Obama ngày hôm nay.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Harvard, Lư Bái Ninh chọn làm việc tại Tòa án lưu động thứ ba, Tòa thượng thẩm liên bang với mức lương cao, đảm nhiệm chức vụ trợ lí pháp luật cho quan tòa. Obama thì quay về Chicago làm công việc liên quan tới pháp luật trong lĩnh vực dịch vụ xã hội với mức lương thấp. Sau đó, Lư Bái Ninh chuyển đến làm tại văn phòng luật sư mà Obama từng thực tập và là nơi vợ Obama, bà Michelle Obama làm việc. Lư Bái Ninh làm việc ở đó trong vòng bốn năm rưỡi.

Lư Bái Ninh làm quen với vợ mình là Catherine Thompson, cũng là luật sư ở văn phòng luật Siddeley Austen ở Chicago. Catherine rất thân thiết với Michelle và Obama. Thông qua sự giới thiệu của vợ, Lư Bái Ninh có cơ hội tạo được mối quan hệ cá nhân khá thân thiết với nhân vật nổi tiếng Harvard là Obama.

Năm 1997, khi Obama bắt đầu giữ chức Thượng nghị sỹ bang Illinois thì Lư Bái Ninh cũng bắt đầu có ý định tham gia chính trị, ông từ bỏ công việc luật sư có mức lương cao, bước chân vào giới chính trị, được đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng luật sư Đảng Dân chủ trong Ủy ban cải cách chính phủ Hạ viện Liên bang. Sau đó, ông chuyển qua làm Phó Tổng cố vấn pháp luật cho Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ Henry Waksman, chuyển sang Ủy ban cải cách chính phủ Thượng viện. Mức lương lúc đó chỉ được 150 nghìn đô la/năm, ít hơn một nửa so với mức lương khi ông làm luật sư.

Lư Bái Ninh rất được coi trọng trong nội bộ Đảng Dân chủ, ông cũng từng làm cố vấn cao cấp cho John Kerry, người từng tham gia tranh cử Tổng thống của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2004. Tiếc là Kerry đã thất bại, nếu không, Lư Bái Ninh đã có thể trở thành “Triệu Tiểu Lan thứ hai”. Bài diễn văn chủ đề mà Obama đọc tại Đại hội Đảng Dân chủ toàn quốc năm 2004 cũng khiến Lư Bái Ninh thấy được rõ hơn tiềm lực và hoài bão lớn lao của Obama.

Năm 2005, sau khi Obama giành được chức Thượng nghị sỹ Liên bang, Lư Bái Ninh chuyển sang làm Chủ nhiệm lập pháp tại văn phòng Thượng nghị sỹ Obama, lãnh đạo một đội tư pháp gồm hơn mười người, tư vấn và là “túi mưu” cho Obama về những vấn đề liên quan đến tư pháp.

Sau khi quyết định tranh cử Tổng thống vào năm 2006, Obama nhận được khoản tiền quyên góp phục vụ tranh cử hơn 300 nghìn đô la Mỹ từ văn phòng luật Siddeley Austen, nơi vợ Lư Bái Ninh làm việc trước đây, trong đó có hơn 50 nghìn đô la Mỹ do đích thân vợ Lư Bái Ninh thông qua các cuộc vận động ở Washington quyên góp được.

Đội ngũ trợ lí trong chiến dịch tranh cử Tổng thống đương nhiên được tổ chức dựa trên cơ sở những thành viên cốt cán của Obama trong Thượng viện, Lư Bái Ninh cũng vì thế trở thành một thành viên quan trọng trong số đó. Tuy nhiên, trọng điểm và tính chất của công việc lần này đã có sự thay đổi, chủ yếu vẫn là gây dựng quỹ giành cho tranh cử, lôi kéo phiếu bầu…

Nếu lần này Obama may mắn được chọn, Lư Bái Ninh cũng có hy vọng đạt được bước tiến cao hơn nữa trong sự nghiệp, viết nên trang sử mới cho người Hoa ở Mỹ trong lĩnh vực chính trị.

4. Những rắc rối do Cha Wright mang đến

Vấn đề tôn giáo tín ngưỡng có thể coi là điểm yếu của Obama trong quá trình tranh cử, ông luôn luôn gặp phải sự công kích của đối thủ. Nhà thờ Trinity United Church of Christ ở phía Nam Chicago, từng được Obama gọi là “ngôi nhà tâm hồn” của mình, đó là nơi ông thật lòng đón nhận Chúa Jesu, trở thành tín đồ Kitô giáo. Cha Wright Wright, người đứng đầu nhà thờ là người mà Obama vẫn luôn gọi là “người thầy tinh thần”.

Hai năm trước khi Obama đến Chicago, công việc của ông vẫn là hợp tác với giáo hội, nhưng ông vẫn không thực sự tin vào Jesu, cho đến tận khi ông gặp Cha Wright Wright. Chính Cha Wright Wright đã đem đến ánh sáng tâm hồn cho Obama, giúp ông thoát ra khỏi sự mê hoặc, cảm nhận giá trị của cuộc sống và tìm được mục tiêu phấn đấu cho bản thân.

Tính đến nay, Obama đã gắn bó với Trinity United Church of Christ được gần 20 năm. Không ngờ rằng, người thầy tinh thần đã mang lại cho Obama sự giúp đỡ lớn nhất cho tâm hồn năm đó lại trở thành người gây ra những rắc rối lớn nhất cho Obama trong thời gian tranh cử Tổng thống.

Rất nhiều lời bình luận của Cha Wright khiến cho các phương tiện thông tin đại chúng của Mỹ khó có thể dung thứ.

Cha Wright nói rằng, xã hội Mỹ do người da trắng làm chủ chưa bao giờ đối xử tốt với chủng tộc thiểu số người da đen. Chính phủ Mỹ, nhằm tiêu diệt người da màu, còn đặc chế ra virút HIV. Trên thực tế, nước Mỹ là tổ chức khủng bố lớn nhất trên thế giới.

Trong Đại chiến Thế giới thứ hai, số người chết do bom nguyên tử Mỹ ném xuống hai hòn đảo của Nhật Bản là Hiroshima và Nagasaki còn nhiều hơn rất nhiều so với số người chết trong vụ khủng bố 11/9. Khi người Mỹ tiến hành ném bom hủy diệt vào năm đó, liệu họ có nghĩ đến suy nghĩ của người dân Nhật Bản hay không? Nước Mỹ khoác lên mình chiếc áo hợp pháp, đồng thời liên kết với rất nhiều nước đồng minh hùng mạnh trên thế giới, lấy danh nghĩa Liên Hợp Quốc, áp dụng vũ lực đối với rất nhiều quốc gia nhỏ và yếu trên thế giới, lạm sát người vô tội.

Sự kiện 11/9 trên thực tế là hậu quả do chính những hành động của chính phủ Mỹ gây ra, là sự trừng phạt của Thượng đế đối với những hành động trắng trợn của Mỹ.

Trong lịch sử, chính phủ Mỹ đã làm quá nhiều điều độc ác, nhất là đối với người dân châu Phi và người dân Islam.

Bởi vậy, chúng ta không nên nói rằng “Thượng đế chúc phúc cho nước Mỹ” mà phải nói rằng “Thượng đế nguyền rủa nước Mỹ”.

Những lời nói của Cha Wright, hết lần này đến lần khác đều khiến cho người dân Mỹ vô cùng phẫn nộ. Điều này đồng nghĩa với việc đặt Obama lên đầu lưỡi kiếm hết lần này đến lần khác.

Cha Wright quả là đã mang đến cho Obama không ít sự hướng dẫn đúng đắn trong cuộc sống. Tuy nhiên, là một chính trị gia, sự tiếp cận tương đối thân mật với bất kỳ một ai cũng sẽ bị đối phương lợi dụng. Đó chính là sự khắc nghiệt của chính trị.

Cha Wright bị Ủy ban tranh cử của Obama gọi là một trong số 10 linh mục da đen có ảnh hưởng lớn nhất hiện nay của nước Mỹ. Sự ảnh hưởng về tinh thần của ông đối với Obama có thể vượt qua bất cứ người nào. Từ khi bắt đầu sự nghiệp, Obama đã tuyên bố, ông học được sự liên hiệp và đoàn kết từ nhà thờ Trinity United Church of Christ; chính nhờ những lời giảng giải của Cha Wright mà ông tin tưởng một cách sâu sắc rằng, trên thế giới ngoài sự chia rẽ còn có một sức mạnh khác, một sức mạnh không phân biệt chủng tộc và tôn giáo, cùng nhau đoàn kết tạo nên một hợp chủng quốc, một hy vọng táo bạo.

Đám cưới của Obama và Michelle được tổ chức tại nhà thờ Trinity United Church of Christ, do chính Cha Wright chủ trì. Lịch sử tôn giáo của Obama khá “không rõ ràng”; cho đến trước khi vào Đại học Harvard, Obama vẫn chưa phải là một tín đồ Kitô giáo thành kính. Trước khi vào Harvard, trong một lần trò chuyện, Cha Wright hỏi liệu Obama có phải là một tín đồ Kitô giáo, Obama nói không phải, ông có tín ngưỡng khác.

Tự do tín ngưỡng là điều mà nước Mỹ đề xướng, nước Mỹ liệu có thể chấp nhận Obama, có thể cho ông sự tự do mà Hiến pháp dành cho ông hay không?

Liệu có phải Cha Wright là người đích thân làm lễ rửa tội cho Obama, để ông trở thành một tín đồ Kitô giáo trung thực, hay Obama chưa từng làm lễ rửa tội, đó đều là những dấu hỏi.Tuy nhiên, có thể vì chịu ảnh hưởng của Cha Wright và những người bạn da đen mà Obama đã tiếp xúc ở nhà thờ Trinity United Church of Christ, do sự tiếp xúc trong vài năm với Giáo hội Kitô sau khi vào Harvard, cộng thêm ảnh hưởng từ vợ, Obama đã hoàn toàn giao mình cho Jesu Kitô.

Đây là thắng lợi của Kitô giáo.

Cha Wright là linh mục làm lễ rửa tội cho hai con gái của Obama.

Tất cả những điều đó cho thấy Obama cùng với Trinity United Church of Christ và Cha Wright có một mối quan hệ thân thiết không thể tách rời; mà sự công kích của Cha Wright đối với nước Mỹ ít nhất đã bắt đầu từ sau khi xảy ra sự kiện 11/9, hoặc từ sau khi xảy ra sự kiện 11/9 thì lời công kích này bị các phương tiện thông tin đại chúng chú ý đến.

Thời gian đầu, khi mọi người chất vấn Obama, ông chỉ nói rằng: “Cha Wright đối với tôi cũng giống như một người chú lớn tuổi, là một thành viên trong gia đình, ông đôi khi có thể nói những lời hồ đồ, những lời nói mà tôi không chấp nhận”.

Nói một cách khác, từ sâu thẳm trái tim, Obama vẫn rất cảm kích người dẫn đường cho linh hồn của mình, người mà mình coi là bậc bề trên, nhưng cách nhìn của từng người đối với mỗi sự việc cũng không giống nhau, điều đó là bình thường. Hơn nữa, con người đôi khi cũng có thể có sai lầm. Có điều, Cha Wright rất kiên trì và nghiêm túc trong lí luận và những lời giải thích của mình.

Thông thường, Obama với vị trí là người da đen, với những thành công đã đạt được thì rất có khả năng trở thành Tổng thống Mỹ. Cha Wright, người mà Obama coi là “thầy tinh thần” lẽ ra phải suy nghĩ cho Obama, giúp đỡ ông, hoặc ít nhất cũng nên im lặng trước những vấn đề chính trị có tính nhạy cảm để tránh cho Obama những ảnh hưởng xấu.

Càng về sau, giọng điệu của Cha Wright càng ngông cuồng, khiến cho Obama phải giữ khoảng cách lớn hơn với ông. Đầu tháng năm, Obama nói: “Ông không phải là Cha Wright mà tôi từng biết, càng không phải là Cha Wright mà tôi từng biết trước đây”. Câu nói ngụ ý rằng bản thân Obama đã nhìn lầm người, và Cha Wright là một linh mục có ít nhất hai nhân cách, nhân cách và tín ngưỡng ông bộc lộ hiện nay hoàn toàn khác so với những gì mà Obama cảm nhận được và từng biết trước đây. Obama từ trước đến giờ không nhìn ra được mặt nhân cách hiện nay của Cha Wright.

Đến cuối tháng 5 năm 2008, những lời phát biểu của Cha Wright đã mang lại những áp lực rất lớn cho Obama, buộc ông phải tuyên bố rút khỏi nhà thờ Trinity United Church of Christ, vạch ra ranh giới rõ ràng đối với Cha Wright. Obama và gia đình đã không còn nhà thờ của mình nữa. Có thể ông phải đợi đến khi cuộc tranh cử kết thúc mới có thể quyết định liệu có nên đến một nhà thờ ở Washington hay là tìm một nhà thờ khác ở Chicago.

Có một khả năng ít tính khả thi là, đây là “khổ nhục kế” của Obama và Cha Wright xuất phát từ sự cân nhắc về sách lược tranh cử.

Việc con người dùng tay để bỏ phiếu và dùng tiền để mua cổ phiếu, về lý dường như không khác gì nhau. Phố Walls không ưa sự bất ngờ, đặc biệt là những sự bất ngờ xấu; những nhà đầu tư thích những thứ có thể dự đoán được hơn. Chính trị cũng như vậy. Những “quả bom lạnh” bất ngờ phát nổ đã tiêu diệt biết bao nhiêu anh hùng. Bởi vậy, nhiệm vụ quan trọng của đội ngũ tranh cử ngoài việc soạn ra cương lĩnh chính trị, còn phải “gỡ bom”. Nếu có những quả bom không thể gỡ bỏ được thì phải tìm cơ hội thuận lợi để nó tự phát nổ. Nhà thờ Trinity United Church of Christ và Cha Wright là quả bom có tính sát thương rất lớn.

Tôn giáo là vấn đề khó khăn đầu tiên đối với Obama, xuất xứ Islam hồi nhỏ của ông vẫn chưa được làm rõ, giờ lại xuất hiện thêm một người thầy tinh thần cực đoan, thật khó khăn cho Obama. Ông có thể thuộc về nơi nào? Ai là người để ông tin tưởng một cách thực sự?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.