Bí Quyết Thành Công Của Obama

CHƯƠNG 8: TRANH CỬ THƯỢNG NGHỊ SỸ LIÊN BANG



“Ông luôn nhìn thấy rõ ràng cơ hội chiến đấu thích hợp và biết trân trọng nó. Một khi đã quyết tâm chiến đấu thì ông sẽ làm hết sức mình. Chiến đấu với tinh thần kiên quyết như vậy, không thành công không được”.

Obama là người hết sức may mắn, ngay cả chuyện thất bại cũng là một việc rất tốt đối với ông. Nếu như ông đắc cử vị trí Hạ nghị sỹ liên bang thì có lẽ ông sẽ phải ở vị trí đó mất vài năm, trở thành một trong số vài trăm Hạ nghị sỹ rất đỗi bình thường khác. Điều này đương nhiên không thể làm ông hài lòng được.

1. Cơ hội đến càng lớn hơn

Chẳng bao lâu sau, cơ hội mới lại đến với ông, cơ hội lần này thực sự rất lớn. Obama quả là được ông trời ưu ái hết mực.

Nếu Obama đắc cử làm Hạ nghị sỹ liên bang thì có thể vài năm sau ông không thể tranh cử Thượng nghị sỹ liên bang. Ngày 27/7/2004, Obama được chọn phát biểu tại Đại hội Đảng Dân chủ. Ông đã có bài phát biểu đặc biệt thu hút. Khi ông kết thúc bài phát biểu, khán giả như lặng đi trước những gì mình vừa được nghe. Bài phát biểu đã gây chấn động cho nhiều đảng viên Đảng Dân chủ, mang lại niềm hy vọng tràn trề cho họ. Sau này, những người xem bài phát biểu của Obama trên truyền hình còn cho biết, rất nhiều người vừa lắng nghe, vừa nhảy múa sung sướng… Trước buổi tối hôm đó, thân thế và cuộc đời của vị Thượng nghị sỹ này còn chưa được mấy người biết tới. Nhưng sau đó, ông đã bước vào vũ đài chính trị nước Mỹ như một ngôi sao đang lên. Đó là Barack Obama, người Mỹ gốc Phi duy nhất trong Thượng viện Mỹ hiện tại và là Thượng nghị sỹ người Mỹ gốc Phi thứ 5 trong lịch sử nước Mỹ.

Cũng chính vì sự nổi tiếng này mà cuốn hồi ký “Giấc mơ từ người cha” ông viết cách đó mấy năm đã trở thành sách bán cực chạy, tiền nhuận bút lên đến vài triệu đô la. Lần phát biểu này là bước ngoặt mới thay đổi số phận của Obama.

Cơ hội chỉ được dành cho những người đã có đầu óc chuẩn bị sẵn sàng. Obama là một nhà đầu tư thiên tài trong thị trường tư bản chính trị; giống như nhà đầu tư thị trường tiền tệ thiên tài, ngài Warren Buffer, Obama biết nắm bắt, đánh giá tình hình chính trị rất nhanh.

Nắm bắt được thời cơ là việc hết sức quan trọng đối với bất kỳ sự đầu tư nào. Trên thị trường tiền tệ, cùng là một công ty khá nhưng có người kiếm được tiền, có người phá sản. Khoảng cách giữa những người này chính là ở điểm then chốt nắm bắt thời cơ.

Một chính trị gia dù tài giỏi đến mấy nhưng nếu sinh không hợp thời hoặc là không biết nắm bắt đúng cơ hội thì cũng không thể thành công.

Thành công có thể do may mắn, nhưng phần lớn được quyết định bởi việc bạn có nắm chắc cơ hội hay không.

Lần này, Obama đã để mắt tới vị trí Thượng nghị sỹ liên bang, mà bang Illinois chỉ có hai chỉ tiêu cho vị trí này. Đó là vị trí chính trị cao nhất ở bang.

Năm 1998 và năm 2002, Obama tái đắc cử vào Thượng viện bang Illinois nhiệm kỳ mới. Đến năm 2003, Obama đã tham gia cuộc đua quan trọng vào Thượng viện Mỹ. Ông đã vượt qua nhiều đối thủ đáng gờm để giành chiến thắng áp đảo trong cuộc chạy đua này và chính thức vào Thượng viện Mỹ tháng 10/2004.

Tháng 1 năm 2003, Obama trở thành Chủ tịch Ủy ban Y tế và Dân sinh Thượng viện Illinois khi các nghị viên Đảng Dân chủ giành được thế đa số sau mười năm chờ đợi. Trong chiến dịch tranh cử vào Thượng viện Hoa Kỳ năm 2004, đại diện cảnh sát tuyên dương Obama vì sự cộng tác tích cực trong việc ban hành luật cải cách án tử hình. Obama từ nhiệm vị trí Thượng viện bang Illinois sau khi đắc cử vào Thượng viện Hoa Kỳ tháng 10 năm 2004.

Đến giữa năm 2002, bắt đầu tính đến khả năng tranh cử vào Thượng viện Hoa Kỳ, Obama tuyển dụng nhà chiến lược David Axelrod và tuyên bố tranh cử vào tháng 1 năm 2003. Cuộc cạnh tranh bắt đầu, đối thủ cạnh tranh nặng ký là Thượng nghị sỹ đương nhiệm Peter Fitzgerald thuộc Đảng Cộng hòa. Ông Fitzgerald là một chính trị gia có thực lực chính trị hùng hậu, nhưng Obama thấy ông Fitzgerald làm việc không hiệu quả lắm và không có nhiều thành tích chính trị vang dội. Obama cho rằng, với vị trí chiến đấu cho Đảng Dân chủ, ông có cơ hội tốt để đánh bại đối thủ đương nhiệm này.

Bạn bè Obama khuyên ông nên cẩn thận hơn.

“Obama, anh nên thận trọng thì tốt hơn. Địa vị chính trị càng cao thì áp lực do đối thủ cạnh tranh đem đến càng lớn. Điều quan trọng là thời điểm này anh vẫn chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm chính trị”. Bạn bè đều khuyên ông như thế.

Obama biết rõ, quan hệ xã hội và tiền bạc là thứ cần phải có để có được sự ủng hộ của cử tri. Đó là điểm mấu chốt quyết định thắng thua trong cuộc đua này. Ông gần như tay trắng trong hai lĩnh vực ấy.

Nhưng Obama đam mê chính trị, đam mê trở thành một nhà chính trị. Ông tin mình sẽ tạo ra kỳ tích.

Mỗi khi có ai khuyên như thế, Obama lại phản đối bằng lý lẽ: “Mục đích làm chính trị của tôi là để thay đổi những ưu tiên trong vấn đề chính trị. Tôi muốn dành cho người dân bình thường những phúc lợi mà họ đáng được hưởng. Tôi tin là mình làm được điều đó. Nhưng nếu tôi cứ ở vị trí Thượng nghị sỹ bang Illinois thì dù có cho tôi thêm 10 năm nữa, những gì tôi làm được cũng rất hạn chế”.

“Tôi cần có một sân khấu biểu diễn lớn hơn, tôi sẽ trở thành một diễn viên chính trị xuất sắc”. Câu nói này ông nghĩ chứ không nói ra.

Đầu năm 2003, hai cô con gái của Obama lúc ấy một bé lên 4 và một bé lên 2. Việc ông trúng cử Thượng nghị sỹ liên bang hay Thượng nghị sỹ bang đều không có sự thay đổi lớn đối với gia đình ông. Nếu ông đắc cử thì sự khác nhau chính là việc ông rời văn phòng ở bang chuyển đến văn phòng ở thủ đô Mỹ, đi xa Chicago hơn. Vợ và hai cô con gái ông vẫn sống ở Chicago. Giờ đây vợ ông cũng đã thích ứng được với người chồng là một nhà chính trị. Thực tế, ông được vợ con ủng hộ rất nhiều.

Ông nói với các nhân viên và đồng nghiệp trong Đảng rằng đây là cơ hội đánh bại Đảng Cộng hòa, cần phải có lòng dũng cảm, kiên trì “đánh một trận sống còn”.

Đúng là số phận luôn mỉm cười với Obama. Trong mấy chục năm lịch sử lại đây của nước Mỹ, đa phần các vai trò trên vũ đài chính trị đều do người của Đảng Cộng hòa nắm giữ, rất ít khi dành cho người của Đảng Dân chủ một cơ hội.

Rất nhiều người của Đảng Dân chủ sinh ra không hợp thời, còn Obama thì ngược lại, tất cả đều thuận lợi với ông.

Trong thời điểm hiện nay, Đảng Cộng hòa đang mất dần thế mạnh tại các địa bàn chính trị, môi trường chính trị đang có lợi cho Đảng Dân chủ. Đảng Cộng hòa ngoài Peter Fitzgerald thì hiện tại không có đối thủ nào mạnh. Ngay bản thân Peter Fitzgerald cũng không có nhiều thành tích nổi, lại bị nhiều người lên án. Có điều, trong nội bộ Đảng Dân chủ có một số người có thể là đối thủ ngang hàng với Obama.

Đây là cơ hội hiếm có, là thời điểm thích hợp để tham gia. Obama nhìn thấy cơ hội này và biết trân trọng nó. Một khi đã quyết tâm hành động thì ông sẽ làm hết sức mình, chiến đấu với tinh thần kiên quyết.

Obama chính thức tuyên bố, ông quyết định ứng cử trong danh sách tranh cử Thượng nghị sỹ liên bang của Đảng Dân chủ. Obama đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đua gian khó này.

Thực ra ông đã chuẩn bị cho cuộc đua này cách đây vài tháng.

Một lần, trong buổi mít tinh tại quảng trường Chicago, Obama đã thẳng thắn nói về những vấn đề nguy hiểm mà nước Mỹ phải đối mặt sau này khi bị cuốn vào chiến tranh Iraq. Ông cho đó là một cuộc chiến sai lầm, một cuộc chiến tranh không nên xảy ra. Trong khi đó, Tổng thống Bush đã có những dự đoán quá lạc quan về tình hình trận chiến, các nhà chính trị Mỹ đã không hiểu được tinh thần chống đối và hy sinh quên mình của người Hồi giáo…

Từ đó, Obama trở thành lãnh đạo của phong trào chống chiến tranh ở địa phương. Tuy lúc đó ông mới chỉ nổi danh ở hạt 13 của Chicago, ở những nơi khác thuộc bang Illinois rất ít người biết đến ông, chưa nói đến phạm vi cả nước. Nhưng Đảng Dân chủ cần người như ông.

Cơ hội tốt hơn lại đến với Obama. Ngày 15/4/2003, sau khi Obama tuyên bố tham gia tranh cử Thượng nghị sỹ liên bang vài tháng, Thượng nghị sĩ đương nhiệm, Peter Fitzgerald thuộc Đảng Cộng hòa bất ngờ tuyên bố không tham gia tranh cử. Chuyện này thực sự là cơ hội đối với Obama.

Người đương nhiệm tham gia tranh cử sẽ chiếm khá nhiều ưu thế. Người đương nhiệm là người chiến thắng ở khóa trước, đã từng được nhiều người ủng hộ, thế và lực sẽ vượt qua đối thủ cạnh tranh mình. Về độ nổi tiếng thì Obama không thể sánh bằng với người đương nhiệm là Thượng nghị sỹ Peter Fitzgerald thuộc Đảng Cộng hòa. Muốn cân bằng thế của hai bên là chuyện không dễ gì thực hiện được.

Bầu cử rất quan trọng đối với chính trị gia, vì đa số cử tri chỉ thấy những cái tên khác nhau mà thôi. Chắc chắn cử tri sẽ bỏ phiếu cho cái tên quen thuộc, cái tên mình biết. Đối thủ bên ngoài rút lui thì Obama lại phải đối phó với đối thủ cạnh tranh ở trong nội bộ Đảng Dân chủ.

Việc hai Thượng nghị sỹ, Peter Fitzgerald thuộc Đảng Cộng hòa (đương nhiệm) và Carol Moseley thuộc Đảng Dân chủ (trước Peter Fitzgerald), quyết định không tham gia cuộc đua đã thu hút đến 15 ứng viên thuộc hai đảng.

Thoạt đầu trong nội bộ Đảng Dân chủ có bảy người được đề cử nhưng trong đó chỉ có hai người là đối thủ thực sự của Obama.

Người thứ nhất là Kiểm toán trưởng bang rất nổi tiếng tên là Dan Hynes. Hynes ít hơn Obama khoảng 7 tuổi, được lòng những người trong Đảng. Hynes sinh tháng 7/1968, không có những thành tích học tập xuất sắc như Obama, nhưng lại có bề dày chính trị hơn. Hynes không chỉ tạo cho mình một vốn chính trị tốt trong nội bộ Đảng Dân chủ bang Illinois mà còn là một nhà kinh doanh rất thành công. Ông có khả năng huy động được đủ kinh phí tranh cử, không có ứng cử viên nào có thể sánh được với ông trong mặt này.

Người thứ hai tên là Blair Hull, sinh tháng 9/1942. Ông là một nhà kinh doanh cổ phiếu giàu có, cách đây không lâu đã bán công ty của mình cho một Ngân hàng đầu tư lớn với giá 530 triệu đô la Mỹ. Ông có dư tiền để tham gia cuộc đua này.

Obama đã biết được tác dụng của tiền bạc đối với nhà chính trị ra sao, nhưng ông cũng hiểu tiền bạc không phải là nhân tố quyết định tuyệt đối. Đây là vũ đài chính trị, trò chơi chính vẫn là của chính trị chứ không phải là của tiền bạc. Vì thế đối thủ đáng gờm vẫn là Hynes, còn việc ông Hull tham gia tranh cử dường như là đang hỗ trợ Obama. Tuy vậy, phải nói tiền cũng là một vấn đề lớn đối với Obama.

Bầu cử thắng hay thua được quyết định bởi số phiếu bầu. Hull tham gia tranh cử sẽ giúp Obama làm giảm số phiếu tập trung vào Hynes và như vậy có nghĩa sẽ giảm đi số phiếu Hynes có được. Hull tranh cử sẽ có ích đối với Obama ở hai mặt sau:

Một là, cử tri da trắng sẽ phải phân phối số phiếu cho Hynes và Hull chứ không hoàn toàn tập trung bầu hết cho Hynes. Nghĩa là, Hull đã san sẻ số phiếu của cử tri da trắng dành cho Hynes. Hai người họ đều là người da trắng, một là nhà chính trị, một là nhà kinh doanh giàu có, nên chắc chắn cử tri da trắng sẽ có sự lựa chọn thích người nọ ghét người kia.

Hai là, Hull tranh cử sẽ giúp Obama có được nhiều kinh phí tranh cử một cách hợp pháp từ những cá nhân góp tiền. Vì thời điểm này vừa thông qua điều khoản bổ sung cải cách chế độ quyên góp tiền tranh cử của McCain – Feingold. Điều khoản này chủ yếu đề cập đến việc giảm bớt ảnh hưởng của tiền bạc đối với chính trị, nhấn mạnh quyền lợi chính trị của công dân là phổ thông đầu phiếu.

Thông thường luật pháp Mỹ quy định, mỗi ứng cử viên sẽ có được 2.000 đô la Mỹ từ mỗi người quyên góp. Số tiền này không nhiều nên cũng chỉ có ảnh hưởng ít tới các nhà chính trị. Nhưng nếu đối thủ cùng tranh cử là người giàu có, sử dụng tiền của mình để hỗ trợ tranh cử thì những ứng cử viên khác sẽ được nhận 12.000 đô la Mỹ từ mỗi người quyên góp. Như vậy số tiền lập tức tăng gấp 6 lần.

Điều này có lợi với Obama vì ông sẽ huy động được nhiều tiền quyên góp tranh cử hơn. Các bạn cũng biết là lần đầu tiên Obama tham gia tranh cử Hạ nghị sỹ liên bang, vì không đủ tiền phục vụ cho tranh cử nên đã thất bại. Có thể nói lần này Hull đã đem đến cho ông một cơ hội tốt.

2. Có đủ kinh phí vận động tranh cử rất quan trọng

Rút kinh nghiệm từ lần tham gia tranh cử Hạ nghị sỹ liên bang, lần này Obama chuẩn bị rất cẩn thận về kinh phí vận động tranh cử.

Trước kia Obama luôn thấy ngại khi phải nói tới vấn đề tiền bạc, thậm chí ông còn thấy xấu hổ vì điều đó. Nguyên nhân có lẽ là từ câu chuyện bà ngoại hay kể cho Obama nghe ngày ông còn nhỏ. Bà ngoại kể rằng, bà đã gặp rất nhiều ăn xin, đa phần họ đều là người da đen. Cũng chính từ đó, Obama quyết sẽ không bao giờ xin ai cái gì.

Lần này Obama không có sự lựa chọn nào khác, ông phải mạnh dạn đi “xin tiền”. Số tiền cần cho cuộc vận động tranh cử khá lớn, ít nhất cũng phải từ 10 đến 20 ngàn đô la Mỹ. Ông và những cộng sự của mình đã chủ động liên hệ với tất cả những mối quan hệ mà Obama có để quyên góp tiền. Gần thì là những ông chủ giàu có, những vị giáo sư… ở trong hạt của Obama, xa thì ông tìm đến những người bạn học cùng ở Harvard, và cả những bạn học của vợ, rồi tận dụng quan hệ của gia đình, anh trai vợ…

Trong quá trình huy động tiền quyên góp, phần lớn số tiền Obama có được là từ dân thường. Mức tiền góp là mấy chục đô la Obama cũng vui vẻ đón nhận. Ông đã tổ chức cho mình một nhóm nhận tiền quyên góp và đề ra nhiều biện pháp thiết thực có tính khả thi. Số tiền thu được cũng khá, hơn 6 triệu đô la Mỹ, đủ để ông lên truyền hình giới thiệu về quan niệm, suy nghĩ của mình với người dân trong bang. Tuy nhiên, lúc đó Hynes đã quyên góp được 12 triệu đô la Mỹ, gấp đôi số tiền của Obama. Thế nhưng thực lực kinh tế của Hynes không thể bì nổi với Hull. Chỉ cần ông Hull dùng 1/10 tài sản cá nhân của mình làm kinh phí tranh cử thì cũng đủ đánh gục Obama. Trước khi tiến hành bầu cử sơ bộ trong nội bộ Đảng khoảng một tháng, kết quả điều tra dân ý cho thấy, Hull dẫn vị trí đầu tiên, Hynes đứng thứ hai và Obama đứng cuối cùng. Với 6 triệu đô la, nếu chỉ dựa vào tiền thì Obama không thể thắng nổi trận chiến này, muốn chiến thắng, không còn cách nào khác là phải dựa vào tài trí.

Đây mới là cuộc bầu cử sơ bộ trong Đảng, các ứng cử viên cần có tổng cộng khoảng 46 triệu đô la Mỹ kinh phí tranh cử. Riêng ông Hull đã đóng góp 20 triệu đô la Mỹ, ông Hull chiếm vị trí hàng đầu trong chiến dịch quảng bá hình ảnh mình qua quảng cáo. Tuy nhiên, đến cuối tháng 2/2004, mọi việc lại thay đổi theo chiều hướng có lợi cho Obama. Một số đối thủ của Hull đã tạo ra một vụ scandal về việc ly hôn của vợ chồng ông, trong đó có đề cập đến việc ông đã ngược đãi vợ ra sao.

Đối thủ nặng ký dính vào scandal cũng là một cơ hội, nhưng tình hình vẫn chưa lạc quan hơn vì Obama vẫn đứng ở hàng thứ ba. Nếu lúc đó ông Hull rút lui thì người được lợi nhất lại là Hynes. Obama dự tính, có thể đa phần những người ủng hộ ông Hull sẽ quay sang ủng hộ cho Hynes, như vậy thì mình sẽ thất bại thảm hại.

Obama thấy nếu cứ sử dụng các chiến thuật cũ thì ông không thể thắng trong cuộc đua này. Cần phải có cách nào mới mẻ hơn. Ngoài quảng cáo trên tivi, tuyên truyền trên báo chí và mạng Internet thì cần phải có cách nào đó tăng cường tiếp cận với người dân để họ hiểu mình hơn, biết và nhớ cái tên là lạ của mình.

Cuối cùng Obama chọn cách thâm nhập vào cơ sở. Ròng rã hơn một tháng trời, Obama đã đến mọi nơi mọi chốn của bang Illinois. Cách này cũng đã được một số nhà chính trị áp dụng, và hiệu quả cũng rất tốt, chỉ có điều là mất công sức và thời gian. Ông gặp gỡ, nói chuyện với mọi người, kể cho họ nghe quan niệm chính trị của mình và đề nghị họ bỏ phiếu cho mình. Thực tế thì ông nói rất nhiều và chưa chắc người nghe đã hiểu hết, nhưng quan trọng là ông đã thể hiện được sự gần gũi của mình với người dân, để họ có ấn tượng thật tốt về mình.

Obama đã làm cho nhiều người biết đến mình hơn và cái tên là lạ của Obama khiến cho mọi người nhớ tới ông nhiều hơn. Ngoài ra ông còn khá nhiều hoạt động khác nhằm tranh thủ sự ủng hộ của những người lâu năm trong Đảng và của giới truyền thông. Sự cố gắng của Obama không phải là uổng công, ông không chỉ có được sự ủng hộ của nhiều Hạ nghị sỹ và Thượng nghị sỹ bang mà còn được nhiều công ty truyền thông nổi tiếng trong bang ủng hộ.

May mắn liên tiếp đến với Obama. Ông Hull không rút lui, quyết định tiếp tục tham gia cuộc đua này. Kết quả cuối cùng cho thấy, ông Hull mất một khoản tiền lớn mà chỉ có được 10,8% số phiếu, Hynes thì nhiều hơn, được 23,7%; tổng số phiếu của hai đối thủ này cộng lại kém xa số phiếu Obama có được. Số phiếu của Obama trong cuộc bầu cử sơ bộ là 53%.

Trong cuộc đối đầu với Đảng Cộng hòa sau đó, Obama đã huy động được 15 triệu đô la Mỹ. Mọi người ủng hộ Hynes đa phần vì ủng hộ Đảng Dân chủ. Nay Obama chiến thắng thì toàn bộ sự ủng hộ đối với Đảng Dân chủ tập trung hết vào Obama.

Obama đã sử dụng lá bài đoàn kết giữa người da trắng với người da đen, các dân tộc hòa hợp với nhau để đạt được điều tốt đẹp nhất. Sự cố gắng của Obama khiến ông có được rất nhiều lá phiếu của người da trắng, vượt qua dự kiến ban đầu của mọi người. Điều khiến mọi người khó tin là, ông đã thắng ở cả một số khu vực mà mọi người nói rằng không thể thắng được, chẳng hạn như khu vực miền Bắc Chicago, nơi chủ yếu là người da trắng sinh sống. Kết quả này không chỉ mới mẻ với người dân bang Illinois mà còn lôi cuốn sự chú ý của nhiều người dân nước Mỹ.

Tờ “New Yorker” và “Salon” đã đăng một bài dài về chiến thắng của Obama. Theo sau đó, hàng loạt tờ báo khác cũng lên tiếng. Tranh cử ở bang đã giúp Obama được tuyên truyền miễn phí trên cả nước bằng truyền thông đại chúng, thật là một công đôi việc.

3. Đảng Dân chủ quyết định ủng hộ Obama

Khi đó Obama phải đối mặt với đối thủ là ứng cử viên của Đảng Cộng hòa tên là Jack Ryan.

Jack Ryan sinh năm 1960, có quá trình học tập và kinh nghiệm rất tốt: từ bé được theo học tại những trường học danh tiếng của nước Mỹ và tốt nghiệp trường Đại học Dartmouth với thành tích xuất sắc; đã có học vị thạc sỹ quản lý thương mại và tiến sỹ luật ở Đại học Harvard.

Jack Ryan là người đàn ông tài hoa và giàu có. Năm 2000 đã có trong tay tài sản hàng trăm triệu đô la Mỹ. Hoàn toàn khác với ông Hull, Jack Ryan có thực lực và bề dày kinh nghiệm chính trị. Muốn chiến thắng được đối thủ này quả thực là phải dốc toàn lực.

Obama cũng không chắc chắn về chiến thắng lắm nhưng ông vốn là người “đã làm thì làm tới cùng”, làm thật tốt, hết sức mình. Ông không muốn để mất cơ hội hiếm có này.

Hồi đó, 8 ứng cử viên của Đảng Cộng hòa huy động được 60 triệu đô la Mỹ kinh phí bầu cử sơ bộ, và số phiếu bầu sơ bộ là: Jack Ryan được 35,5%; người đứng thứ hai được 23,5%; người đứng thứ ba được 20%. Ưu thế không nghiêng hẳn về ai, không giống trường hợp được ủng hộ tuyệt đối trong Đảng Dân chủ của Obama. Trong lần bầu cử sơ bộ này, hai Đảng đã huy động được nguồn kinh phí tranh cử nhiều nhất từ trước tới nay.

Mùa hè năm 2004, Đảng Dân chủ lên kế hoạch tham gia vào chiến dịch bầu cử Tổng thống với Đảng Cộng hòa. Năm 2000, Bush con đã chiến thắng Phó Tổng thống Algore, bốn năm sau, Đảng Dân chủ rất muốn giành lại vị trí này.

Đảng Dân chủ quyết định John Kenny sẽ là người đối chọi lại Bush con.

Cũng thời điểm này, Đảng Dân chủ đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng Dân chủ toàn quốc vào tháng 7 diễn ra tại Boston. Đại hội này diễn ra để thống nhất tư tưởng, đồng thời tạo thêm sức mạnh cho ứng cử viên Kenny của Đảng. Thông thường tại Đại hội sẽ có bài phát biểu chính, thể hiện sự đoàn kết và thực lực chính trị, cũng như khả năng quản lý đất nước của Đảng Dân chủ.

Bài phát biểu này không nhằm công kích trực tiếp vào Đảng Cộng hòa cũng như Bush con. Động cơ của bài phát biểu chủ yếu là muốn giành được sự ủng hộ của cử tri, vì lá phiếu bầu cử của họ là sự quyết định cuối cùng xem Đảng nào sẽ giành được chiến thắng. Ngoài ra, bài phát biểu này cũng phải súc tích, cô đọng, khiến cử tri xúc động và bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ, cổ vũ được khí thế của Đảng Dân chủ. Nguyên tắc là phải bảo đảm được độ trung thành của cử tri đối với Đảng Dân chủ, hai là kéo thêm được nhiều cử tri ủng hộ cho Đảng.

Các bài phát biểu từ tối thứ Hai đến tối thứ Năm, bài mở đầu sẽ là của nguyên Tổng thống Bill Clinton; Kenny, ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ sẽ phát biểu vào ngày thứ Năm; John Edwards, ứng cử viên Phó Tổng thống sẽ phát biểu vào ngày thứ Tư; còn người phát biểu tối ngày thứ Ba thì vẫn chưa được xác định.

Theo thông lệ, bài phát biểu vào ngày thứ Hai chủ yếu là nói về hy vọng và lý tưởng. Trước đó cũng đã có hàng loạt những bài phát biểu thành công theo cách này. Đảng Dân chủ quyết định sẽ đi theo truyền thống, họ muốn tìm một người đứng ra nói về những câu chuyện liên quan đến hy vọng như quá trình phấn đấu, lý tưởng và mơ ước của chính người phát biểu. Người phát biểu phải làm cho mọi người cảm thấy chỉ có Đảng Dân chủ mới là Đảng thích hợp nhất giúp thực hiện lý tưởng và mang mơ ước đến cho họ.

Ủy ban trù bị quyết định người phát biểu vào ngày thứ Ba phải là người trẻ tuổi, là một khuôn mặt mới, có bối cảnh lịch sử gia đình và tốt nhất không phải người da trắng.

Ủy ban trù bị bắt đầu tìm kiếm người lãnh đạo Đảng Dân chủ kế nhiệm. Thông thường người lãnh đạo này phải là Thống đốc bang thuộc Đảng Dân chủ hoặc là Thượng nghị sỹ liên bang của Đảng Dân chủ trong Thượng viện Mỹ.

Họ đã lập một danh sách có tên Thị trưởng các bang thuộc Đảng Dân chủ như Thị trưởng bang New Mexico, bang Florida, bang Idaho, bang Michigan – nữ Thị trưởng… Họ đều là những điển hình của thành công, nhưng xem kỹ thì họ không đáp ứng được tiêu chuẩn đã đề ra, không phải là đối tượng lý tưởng.

Có lẽ số phận của Obama may mắn thực sự. Khi đó ông vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ Đảng Dân chủ bang Illinois và tin này cũng được đăng tải khắp nơi. Obama lúc này chưa phải là Thượng nghị sỹ liên bang và theo truyền thống thì chưa đủ tư cách để làm lãnh đạo kế nhiệm của Đảng Dân chủ, nhưng cũng có hy vọng là lãnh đạo thế hệ thứ ba. Theo lệ thường, Obama chưa được lên phát biểu tại Đại hội Đảng Dân chủ toàn quốc.

Mary B. Cahill, Chánh Văn phòng tranh cử của Kenny đã đọc được tin Obama trúng cử sơ bộ ở bang Illinois. Bà rất để ý đến trường hợp của Obama và đề nghị mọi người xem xét trường hợp Obama.

Về vị trí địa lí thì Obama sống ở miền trung phía Tây bang Illinois, nơi có thành phố Chicago. Thành phố Chicago là thành phố công nghiệp quan trọng của cả nước Mỹ. Đây là sự bổ sung rất hay cho Kenny đến từ phía Bắc và Edward đến từ phía Nam.

Tuy nhiên, nếu chỉ xét về mặt vị trí địa lí thì bà Jennifer Granholm, Thị trưởng bang Michigan là hợp hơn cả. Vì tình hình bang Michigan cũng giống như bang Illiois, về vị trí địa lí thì chỉ cách nhau một cái hồ rộng. Hơn nữa, Obama mới chỉ là một Thượng nghị sỹ bang, kinh nghiệm chính trị còn ít. Mọi người cũng do dự và đều nóng lòng tìm người thích hợp hơn.

Bà Jennifer Granholm sinh tháng 2/1959 tại Vancuvo, Canada. Bà là một nhà chính trị giỏi. Năm 1977 tốt nghiệp trung học ở bang California, Granholm muốn trở thành diễn viên nổi tiếng ở Hollywood nhưng không thành công. Năm 1980 bà nhập quốc tịch Mỹ, cũng năm đó bà theo học đại học tại trường Đại học của bang. Bốn năm sau tốt nghiệp với thành tích xuất sắc và giành được học vị tiến sỹ về chính trị học và tiếng Pháp. Sau đó Granholm thi vào Đại học Harvard và ba năm sau giành được học vị Tiến sỹ Luật. Hồi đó bà Jennifer Granholm học trên phu nhân Obama một khóa. Tháng 1/2003 bà đảm nhận chức Thị trưởng thứ 47 của bang Michigan.

Tin này đã được David Axelrod, nhân viên phụ trách quảng cáo và truyền thông của Văn phòng tranh cử Obama biết được.

David Axelrod là người tài giỏi, ông sinh năm 1955 tại Mahata, New York. Tốt nghiệp đại học Chicago, từ nhỏ đã đam mê chính trị. Từng làm “chân chạy” cho cuộc đua vào Nhà trắng của Tổng thống Kenedy, là vị “quân sư” chính trị tài ba trong Đảng Dân chủ.

“Barrack, có người trong Đại hội Đảng toàn quốc đề nghị anh lên phát biểu đấy”. Ông đem chuyện này nói với Obama.

“Đó là chuyện không thể, đừng có lãng phí thời gian vì cái bóng không có thực này. Chúng ta còn nhiều việc phải làm lắm”. Obama chẳng lấy gì làm ngạc nhiên.

Obama biết mình chỉ là một Thượng nghị sỹ bang nhỏ bé, không có bề dày kinh nghiệm, trong lịch sử chưa có tiền lệ để một người như vậy đứng lên phát biểu ở Đại hội Đảng toàn quốc. Obama chẳng quan tâm nhiều đến chuyện này và không có hành động gì để giành được điều đó.

Người nghe thì vô tình còn người nói thì hữu ý.

David Axelrod rất quan tâm việc này. Không thử thì làm sao đã biết là không thể? David Axelrod quyết định thuyết phục xem sao.

Nếu giành được cơ hội phát biểu này thì họ sẽ giành được nhiều ủng hộ ở bầu cử bang. Điều đó cho thấy, trên thực tế, Đảng Dân chủ nhìn nhận Obama như một Thượng Nghị sỹ liên bang đã đắc cử. Đánh giá này của Đảng Dân chủ sẽ nâng điểm của Obama ở bang Illinois lên rất nhiều.

Chỉ có điều, David Axelrod không nghĩ tới là ảnh hưởng ấy trên thực tế còn vượt xa tưởng tượng của ông rất nhiều.

David Axelrod quyết định đi thuyết phục Đại hội. Ông gọi điện tới tất cả những người có thể quyết định được việc này. Ông chuyển hẳn việc của mình cho người khác làm, bản thân chuyên tâm lo việc phát biểu cho Obama. Obama lúc này vẫn có chút nghi ngờ về khả năng thành công, nhưng rất tin vào khả năng phán đoán và năng lực làm việc của David Axelrod.

David Axelrod đã nói với Ủy ban trù bị, dù Obama chỉ là một Thượng nghị sỹ bang, nhưng ông đã giành được rất nhiều số phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ. Obama sẽ làm mọi người phải ngạc nhiên, sẽ là một nhà chính trị lập được những kỳ tích mới. Và David Axelrod đã hết lòng khen ngợi khả năng hòa hợp chủng tộc, khả năng đoàn kết của Obama…

Quả thực, David Axelrod thuyết phục rất có hiệu quả.

Tuy vậy, Ủy ban trù bị vẫn do dự: chọn Obama hay là Granholm? Nhưng một lần nữa Obama lại gặp may mắn, thời thế giúp người, thời thế tạo anh hùng.

Quốc hội thời điểm ấy có 100 Thượng nghị sỹ liên bang, 51 Thượng nghị sỹ liên bang của Đảng Cộng hòa, còn lại 49 Thượng nghị sỹ liên bang của Đảng Dân chủ. Tương quan lực lượng thì Đảng Cộng hòa chiếm số đông hơn. Đương nhiên là Đảng Dân chủ cần có nhiều ghế hơn trong Thượng viện, sự chiến thắng của Obama rất quan trọng với Đảng Dân chủ. Còn bà Granholm đã là Thị trưởng bang, bài phát biểu này không giúp bà nhiều lắm. Đảng Dân chủ quyết định phá lệ một lần và chọn Obama, một Thượng nghị sỹ liên bang chưa đắc cử được coi như đương nhiệm. Một lần nữa may mắn lại đến với Obama.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.