Bí Quyết Thành Công Của Obama

CHƯƠNG 14: BIẾT MÌNH BIẾT NGƯỜI TRĂM TRẬN TRĂM THẮNG



“Mỗi người đều có một giới hạn chịu đựng nhất định, tôi lúc đó đã vượt qua cả giới hạn chịu đựng”.

Nói một cách nghiêm túc, McCain không phải là một thành viên Đảng Cộng hòa mang ý nghĩa truyền thống, ông gần như là một chính trị gia độc lập gần với Đảng Cộng hòa. Lần này, McCain có thể trở thành ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa, tuy rằng tư chất của ông rất tốt nhưng cũng cho thấy Đảng Cộng hòa không còn ai mạnh hơn.

1. Đảng viên đảng Cộng hòa phi truyền thống

Đúng vậy, McCain có rất nhiều ưu thế, ông từng là anh hùng trong chiến tranh Việt Nam. Ngoài ra, McCain còn đạt được rất nhiều thành tích trên chính trường, nhưng cũng chính những thành tích đó đã tác động đến nhiều lợi ích tập thể và lợi ích đảng phái. Trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa năm 2000, chính vì sự tấn công và tính toán đen tối của họ mà McCain mặc dù dẫn đầu nhưng đã bị thất bại.

McCain nổi tiếng khắp cả nước bắt đầu từ khi ông đọc bài diễn văn trong Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng hòa năm 1988. Lúc đó, ông mới là Thượng nghị sỹ Liên bang đại diện cho bang Arizona. Khi ấy ông 52 tuổi, trước đó đã làm Hạ nghị sỹ Liên bang được vài năm. Tình hình của ông năm đó cũng có phần giống với Obama vào năm 2004. Điều khác biệt là, một người thì làm Thượng nghị sỹ rồi mới đọc diễn văn ở Đại hội Đại biểu toàn quốc, còn một người thì đọc diễn văn rồi mới làm Thượng nghị sỹ Liên bang. Điểm giống nhau là họ đều nổi tiếng toàn quốc sau khi đọc diễn văn.

Thông thường, những gương mặt mới phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc đều được giới truyền thông coi như người lãnh đạo mới của Đảng. Lần phát biểu đó, giới truyền thông cũng dự đoán, liệu McCain có phải là người phù hợp để giữ chức Phó Tổng thống cho ứng cử viên Tổng thống lúc đó là Bush con hay không.

Tuy McCain không trở thành Phó Tổng thống nhưng được giao giữ chức Chủ tịch Ủy ban quân nhân giải ngũ của chính phủ Bush cha.

Ngay từ những năm 90, McCain đã có tiếng là người theo chủ nghĩa “độc lập”, ông bắt đầu khiêu chiến với tập đoàn lợi ích, khiêu chiến với các thế lực truyền thống và các nguyên lão trong Đảng Cộng hòa.

Từ năm 1991 đến năm 1993, McCain cùng với cựu binh chiến tranh Việt Nam John Kerry phát động và tổ chức cuộc điều tra về các binh lính Mỹ hy sinh trong thời gian chiến tranh Việt Nam, đồng thời thúc đẩy thành công bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Các thế lực chính trị của Mỹ từ trước đến nay vẫn chia thành hai phái là tự do và bảo thủ, trong mấy chục năm gần đây, Đảng Dân chủ đại diện cho “phái tự do”, nhấn mạnh đến lợi ích của “dân nghèo”, tăng cường phúc lợi xã hội, tăng thuế…

Đảng Cộng hòa đại diện cho thế lực của “phái bảo thủ”, nhấn mạnh đến lợi ích của người giàu và các nhà tư bản, cho rằng họ mới là nguồn động lực để đưa nền kinh tế Mỹ tiếp tục phát triển. Bởi vậy, việc giảm thuế và kiểm soát phúc lợi xã hội ở một mức độ phù hợp là vấn đề then chốt để khích lệ mọi người phấn đấu làm việc. Đương nhiên đây là nói một cách sơ lược, hơn nữa, thời đại cũng đang thay đổi, Kenedy giàu có là thế cũng là đại biểu của Đảng Dân chủ, còn một người nghèo như Lincoln lại là thành viên của Đảng Cộng hòa. Trước những năm 30 của thế kỷ 20, người da đen gần như đều đăng ký là thành viên của Đảng Cộng hòa, chỉ vì Lincoln.

McCain tham gia chính trị đã lâu, những phân tích của mọi người đối với ông cũng nhiều và khá sâu. “Niên giám chính trị nước Mỹ” đã chia các cuộc bầu cử vào Thượng viện thành 3 đề tài thảo luận lớn để đánh giá khuynh hướng chính trị của các Thượng nghị sỹ. Phân tích tình hình bỏ phiếu bình quân năm 2005-2006, về đề tài kinh tế, McCain là 59% thuộc phái bảo thủ, 41% thuộc phái tự do; về đề tài xã hội, thì tỉ lệ là 54% so với 38%, 8% còn lại thuộc phái trung lập; còn về vấn đề ngoại giao, tỉ lệ là bảo thủ 56%, tự do 43%.

Vì thế, có người gọi McCain là một chính trị gia khá bảo thủ, nhưng không phải là một chính trị gia thuộc phái bảo thủ, bởi vì những hành động theo thiên hướng tốt của ông lại khác biệt rất nhiều so với ý thức bảo thủ điển hình của nước Mỹ thời đó.

Phân tích dựa trên những ghi chép của tất cả các cuộc bầu cử từ khi McCain tham gia chính trị đến nay, liên minh bảo thủ của nước Mỹ coi tỉ lệ của McCain là bảo thủ 82% và tự do là 13%, ngoài ra thêm 5% độc lập trung gian. Vào năm 2000, những ghi chép tranh cử của ông cho thấy tính chất tự do là xấp xỉ 40%, đây là một giá trị cao. Đó cũng là năm McCain bị Bush con đánh bại, tỉ lệ “tự do” cao này còn kéo dài gần 4 năm.

Thời gian tham gia chính trị của Obama khá ngắn, ghi chép cho thấy ông là một Đảng viên Đảng Dân chủ rất trung thành. Theo ghi chép về ông trong 3 năm tại Thượng viện, tỉ lệ thuộc phái bảo thủ là 7,67% còn tỉ lệ thuộc lập trường phái tự do là 90%. Bản thân Obama cũng đưa ra sự phê bình đối với phân tích này, ông cho rằng, sự đối lập đảng phái phát sinh từ cách phân loại hành vi này không có lợi đối với việc giải quyết vấn đề và sự đoàn kết hợp tác giữa thành viên của hai Đảng.

Bắt đầu từ năm 1994, McCain cùng với Russ Feingold, Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ của bang Wisconsin khởi thảo dự luật nổi tiếng mang tên McCain – Feingold, bảo vệ quyền lợi bình đẳng theo cơ chế mỗi người một phiếu trong bầu cử của cử tri, nhằm giảm bớt ảnh hưởng của tiền bạc đối với chính trị, thúc đẩy cải cách trong việc gây quỹ tranh cử.

Ban đầu, dự luật này đã vấp phải sự phản đối của gần như tất cả mọi người, trong đó bao gồm cả những tập đoàn lợi ích có thế lực kinh tế hùng hậu. Bởi vì, nếu dự luật được thông qua sẽ làm yếu đi sức ảnh hưởng của đồng tiền trong tay họ. Gần như tất cả những nhân vật có thế lực trong Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ cũng phản đối dự luật này, vì họ cũng được hưởng lợi từ nền chính trị tiền bạc.

Dù nhận được sự ủng hộ của các phương tiện truyền thông đại chúng nhưng cuối cùng dự luật đã bị phủ quyết. Thực ra dự luật tấn công vào Đảng Cộng hòa nhiều hơn Đảng Dân chủ, bởi thế, McCain nổi tiếng với cái tên “là người đối lập trong Đảng Cộng hòa”.

Sau đó, McCain nhiều lần được các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền là ứng cử viên Phó Tổng thống, có thể người ta không dám dùng McCain vì tính chất đối lập của ông. McCain thì vẫn tiếp tục khai chiến với lợi ích chung của Đảng Cộng hòa.

Dự luật có sức ảnh hưởng mạnh nhất là tăng thuế thuốc lá. Ông cũng đồng thời đề nghị hạn chế sự tuyên truyền quảng cáo của các công ty thuốc lá đối với thanh thiếu niên. McCain đã thông qua việc tăng thuế thuốc lá để tạo thêm kinh phí hỗ trợ cho phần phát sinh trong quỹ bảo hiểm y tế do hút thuốc gây ra và tiến hành hỗ trợ các nghiên cứu về vấn đề sức khỏe và các dự án liên quan đến cai thuốc lá. Đề nghị này của ông đã nhận được sự ủng hộ của chính phủ Clinton lúc đó nhưng vấp phải sự phản đối của ngành thuốc lá và đa số các thành viên Đảng Cộng hòa, cuối cùng dự luật bị hủy bỏ. Khi đó, Mc- Cain tiến rất gần với Đảng Dân chủ.

Năm 1997, ông làm Chủ tịch Ủy ban thường vụ Thượng nghị viện.

Năm 1999, ông xuất bản cuốn “Tín ngưỡng của cha”, cuốn sách đã thu được thành công rất lớn, đồng thời đã được dựng thành phim. Danh tiếng “đấu sĩ” của ông càng trở nên nổi tiếng.

So sánh McCain với Obama, bạn có thể phát hiện ra rất nhiều điểm chung. Họ đều được các phương tiện thông tin đại chúng chú ý đến sau khi đọc bài diễn văn tại Đại hội Đảng toàn quốc; cuốn tự truyện đều lấy chủ đề về “cha” chứ không phải về bản thân như “sự phấn đấu của tôi”, “cuộc đời của tôi”…

Cuốn sách của McCain sau khi xuất bản đã bán rất chạy, còn sách của Obama thì phải đợi đến 9 năm sau, tức là sau khi ông đọc bài diễn văn tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Dân chủ.

Khi McCain xuất bản sách, ông là một người anh hùng điển hình kiểu Mỹ với danh tiếng “đấu sĩ” và sự dũng cảm trên chiến trường Việt Nam, cùng với tinh thần hy sinh bản thân. Còn Obama nổi tiếng nhờ vào tài ăn nói và những thành tích học tập xuất sắc, thêm vào đó là hoàn cảnh gia đình đặc biệt.

McCain khi đó đã là một chính trị gia khá xuất sắc, nhưng không một ai của Đảng Cộng hòa trong chính phủ dám dùng ông. Dù vậy, ông vẫn dũng cảm chiến đấu trong bộ máy lập pháp của mình.

Còn Obama thì trở thành ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ, hơn nữa ông gần như không có kẻ thù. Obama là một đảng viên rất trung thành, có thể giành được sự ủng hộ hoàn toàn của Đảng Dân chủ, còn McCain khó có được sự ủng hộ toàn tâm toàn ý của Đảng Cộng hòa.

Năm 2000 có thể nói là một năm thuận lợi của McCain, ông muốn nhân cơ hội này để giành lấy chiếc ghế Tổng thống. Trên thực tế, ngày 27 tháng 9 năm 1999, tại New Hampshire, McCain đã tuyên bố tranh cử, rằng ông chiến đấu vì lợi ích của nhân dân, chiến đấu vì thần tự do, giành lại quyền lợi của chính phủ từ tay của tập đoàn lợi ích về cho nhân dân.

Khi đó, đối thủ của ông là Bush con, Thống đốc bang Texas, được sự ủng hộ toàn phần của nội bộ Đảng Cộng hòa và rất nhiều sự ủng hộ về tài chính của các tập đoàn lợi ích. Còn McCain lại không quyên được bao nhiêu kinh phí.

McCain nhận thức được điểm yếu của mình về mặt kinh phí tranh cử, ông đã nghĩ đến việc sử dụng “chính trị bán lẻ” để đấu với chiêu “chính trị bán buôn” của Bush con. Ông dốc sức giành thắng lợi tại New Hampshire, ông đi trên chiếc xe bus tranh cử, đi đến khắp nơi có thể đến được ở New Hampshire, trả lời tất cả các câu hỏi mà cử tri và phóng viên đưa ra, hy vọng thông qua tiếp xúc trực tiếp, quảng cáo tuyên truyền miễn phí để đánh bại “tập đoàn quý tộc” được vũ trang bằng tiền bạc của Bush con.

Nỗ lực của ông được đền đáp, trong cuộc bầu cử sơ bộ ngày 1 tháng 2 năm 2000, ông đã chiến thắng Bush với tỉ lệ phiếu bầu 49% với 30%, coi như đã giành được thắng lợi tuyệt đối trong trận đầu tiên.

Trong cuộc bầu cử sơ bộ có tính chất quyết định tại bang South Carolina, McCain vốn định nhân đà thuận lợi giành tiếp thắng lợi ở đây. Nhưng thất bại của Bush con tại New Hampshire đã khiến cho nội bộ Đảng Cộng hòa lo ngại, cũng khiến cho những tập đoàn lợi ích có liên quan lo ngại, đứng ngồi không yên. Họ quyết định bắt tay nhau để phản công, họ không thể chấp nhận một đấu sĩ “không biết trời cao đất dày” trở thành Tổng thống nhiệm kỳ tới. Trận chiến này đã trở thành một trang bẩn thỉu nhất trong lịch sử tranh cử chính trị của Mỹ.

Sự thẳng thắn trước đây của McCain đã khiến cho nhiều tập đoàn lợi ích căm ghét ông, lần này họ đã tìm được cơ hội. Họ cố gắng tìm kiếm, thậm chí tạo ra những tin tức xấu xoay quanh McCain, đồng thời tiến hành quảng cáo tuyên truyền rộng rãi. Đội ngũ tranh cử của Bush con cũng phối hợp chặt chẽ, nói rằng McCain trong chiến tranh Việt Nam không phải anh hùng mà chỉ là một kẻ phản bội điển hình… Về phương diện tuyên truyền chính sách, họ cố gắng tiến gần với Mc- Cain, khiến cử tri cảm thấy về mặt chính sách, Bush và Mc- Cain không có gì khác biệt lắm, vậy tại sao lại chọn một kẻ tiểu nhân mà không phải một người quân tử? Hơn nữa, người quân tử này lại là con của cựu Tổng thống.

Những tập đoàn lợi ích còn thâm độc hơn, họ thông qua các thủ đoạn như truyền đơn, thư điện tử, fax… để phát tán thông tin. Thế là một em bé da đen người Bangladesh được McCain hảo tâm nuôi dưỡng lại trở thành con riêng của ông, chuyện vợ ông do bệnh nặng phải liên tục uống thuốc giảm đau đã trở thành chuyện vợ ông nghiện thuốc phiện, McCain cũng bỗng dưng biến thành một người đồng tính, đồng thời họ còn nói, cuộc chiến tranh Việt Nam đã để lại di chứng về tinh thần cho ông, khiến McCain bị bệnh thần kinh thứ phát. Nói tóm lại, chẳng có thủ đoạn nào là họ không áp dụng. Chính lần tranh cử này đã khiến vợ ông chán ghét chính trị, trong suốt quá trình tranh cử bà rất ít khi tham gia, bà muốn Mc- Cain rút lui, nhưng ông không phục.

Đội ngũ của Bush con đương nhiên phủ nhận sự liên hệ với những đòn công kích này. Kết quả là, trong cuộc bầu cử sơ bộ ở South Carolina, ngày 19 tháng 2, McCain đã thua Bush con với tỉ lệ phiếu bầu là 42% và 53%. Đây là thắng lợi của chính trị tiền bạc và tập đoàn lợi ích, điều này khiến McCain kiên trì quyết tâm cải cách tiền tệ tranh cử.

Từ đó, ưu thế hoàn toàn nghiêng về phía Bush con, cộng thêm thực lực tài chính hùng hậu của Bush nên đến ngày 9 tháng 3 năm 2000, McCain phải rút khỏi cuộc bầu cử. Hai tháng sau, ông xuất hiện ủng hộ cho Bush con, nhưng trong cuộc Tổng tuyển cử toàn quốc sau đó, ông rất ít khi xuất hiện để ủng hộ Bush con. Có thể thấy, McCain đã coi đại cục của Đảng làm trọng, nhưng sự bất mãn trong lòng thì chỉ mình ông biết. Chúng ta có thể thấy, McCain vẫn là một chính trị gia chính nghĩa và rất độ lượng, nhưng nếu ông muốn có ưu thế trong một môi trường chính phủ như nước Mỹ thì e là rất khó.

2. Trở về Thượng viện tiếp tục nổi tiếng

Sau khi thất bại trong cuộc tranh cử, McCain lại trở về Thượng viện, giữ chức Thượng nghị sỹ nhiệm kỳ thứ 3. Năm 2001, sau khi Bush con lên làm Tổng thống, McCain lại đưa ra một số dự luật quan trọng, dự luật cải cách McCain – Feingold một lần nữa lại bị bóp chết, nhưng lần này đã được đưa đến tận tay Bush con, cũng coi như đã tiến được một bước đáng kể. Để đáp lại, McCain đã bỏ phiếu phản đối dự luật giảm thuế của Bush con, trở thành một trong hai người Đảng Cộng hòa phản đối trong Thượng viện.

McCain còn làm rất nhiều việc trong phương diện cải cách bảo hiểm y tế – một mắt xích quan trọng trong bảo hiểm xã hội, cũng là một trong những dự luật quan trọng được xã hội chú ý, mang lại nhiều sự tranh luận. Ngoài ra, ông cũng có không ít tranh chấp với chính phủ Bush con về những dự luật, như sự nóng lên của khí hậu toàn cầu và quản lí vũ khí. Thời gian này, rất nhiều động thái chính trị của McCain càng hướng gần đến Đảng Dân chủ, cho đến sau khi xảy ra sự kiện 11/9.

Sau đó, Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa Jim Jeffords tuyên bố rời khỏi Đảng Cộng hòa để trở thành một người vô đảng phái độc lập, hành động này của ông này đã gặp phải sự công kích của Đảng Cộng hòa. Khi đó, McCain đã xuất hiện để biện hộ cho Jeffords, lời lẽ của McCain khiến mọi người nghĩ rằng ông cũng sẽ hành động như vậy.

Có thể vì một lí tưởng lớn hơn, McCain quyết định ở lại trong Đảng Cộng hòa, tiếp tục vai trò đối lập của mình. Với vai trò Thượng nghị sỹ ủng hộ sự vô đảng phái thì rất khó có được sự ủng hộ trong Đảng, McCain biết rất rõ điều đó nên ông đã kiên nhẫn chịu đựng. Lúc này, Đảng Cộng hòa trở thành phái thiểu số trong Thượng viện, chính sách của chính phủ Bush con cũng khó có thể triển khai được. Trước tình hình này, Bush con càng ý thức được ý nghĩa của McCain đối với chính phủ của ông, từ đó cũng hợp tác và thân thiện hơn đối với ông.

Tháng 3 năm 2002, tức là sau 8 năm, dự luật luật cải cách McCain – Feingold mới được Thượng viện thông qua, đồng thời được Bush con ký và trở thành luật mới. Đây là một thành tích lớn của McCain.

Điều khoản này đã giúp Obama quyên được nhiều kinh phí tranh cử hơn để cạnh tranh với ứng cử viên giàu có Đảng Cộng hòa trong cuộc tranh cử Thượng nghị sỹ Liên bang. Có thể nói, nếu không có McCain thì đã không có Obama ngày hôm nay. McCain không chỉ gián tiếp giúp đỡ Obama về phương diện quyên quỹ tranh cử mà phương pháp “chính trị bán lẻ” McCain ưa thích cũng đã được Obama phát huy một cách tối đa. Chính hai yếu tố này đã giúp cho Obama giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử sơ bộ lúc đó. Trên thực tế, McCain trở thành ân sư của Obama.

Thực ra, phương pháp “chính trị bán lẻ” được sử dụng khá phổ biến trong các cuộc cạnh tranh giữa các chính trị gia thời kỳ đầu nhưng vì hiện nay các phương tiện truyền thông phát triển đã khiến con người trở nên lười biếng hơn. Chính trị cũng từ “duy trì chất lượng tăng số lượng” trước đây chuyển thành “bán nhiều lãi ít” như hiện nay.

Dự luật McCain – Feingold còn gọi là dự luật cải cách tranh cử hai đảng, mãi tới năm 2001 mới được thông qua và chính thức trở thành đạo luật. Nước Mỹ tuy là một chính thể bầu cử dân chủ nhưng trong lịch sử, tiền bạc lại có sức ảnh hưởng rất lớn đối với chính trị và tranh cử. Là một chính trị gia, nếu không có sự hậu thuẫn của tiền bạc thì không thể làm nên đại sự, mỗi chính khách đều hiểu rất rõ điều đó. Họ đều ghét sự ảnh hưởng của tiền bạc đối với chính trị nhưng lại không thể xa rời sự ảnh hưởng này cũng như sự ủng hộ của những tập đoàn tài chính lớn, từ đó tồn tại một tiền lệ xấu.

Quy định về hạn chế sự ảnh hưởng của tiền bạc bắt đầu từ năm 1867 nhưng phải sau gần 100 năm mới lần đầu tiên kiểm soát thành công bằng pháp luật ở một mức độ nhất định. Năm 1971, nước Mỹ thực hiện dự luật chiến dịch tranh cử liên bang – dự luật yêu cầu tất cả các ứng cử viên phải công khai nguồn gốc kinh phí tranh cử và chi tiết các khoản thu chi. Trên thực tế, đây là dự luật về sự minh bạch trong việc thu chi kinh phí tranh cử, nhấn mạnh tính rõ ràng nhưng lại không có bất cứ một sự kiểm soát nào đối với nguồn gốc kinh phí tranh cử.

Năm 1974, Ủy ban tranh cử Liên bang được thành lập đồng thời thông qua một dự thảo sửa đổi, lần đầu tiên đưa vào khái niệm hạn chế đóng góp tiền. Dự luật quy định, bất cứ người nào cũng không được đóng góp quá 1000 đô la Mỹ cho mỗi ứng cử viên chính trị, mỗi một tổ chức chính trị không được đóng góp quá 5000 đô la Mỹ, đây là hạn chế đối với tiền tệ trực tiếp. Còn dự thảo McCain – Feingold một mặt điều chỉnh mức đóng góp tiền cho phù hợp, mặt khác, quan trọng hơn, dự luật còn quy định sự hạn chế đối với phi tiền tệ, không cho phép bất cứ ai tiến hành trợ giúp về tài chính một cách gián tiếp trong các cuộc tranh cử, ví dụ, cung cấp chuyên cơ, địa điểm miễn phí…

Do tình hình quyên góp tiền không được tốt, McCain thường mượn máy bay của công ty vợ để thực hiện các chuyến đi miễn phí phục vụ tranh cử, hiện nay việc đó là không được phép, ông phải chi trả chi phí sử dụng theo giá thị trường. Dự luật này đã được thông qua tại Thượng viện vào ngày 20 tháng 3 năm 2002 một cách miễn cưỡng với tỉ số phiếu bầu là 60:40. 60 phiếu là số phiếu ủng hộ tối thiểu cần phải có.

Tổng thống Bush con ngày 27 tháng 3 năm 2002 đã chấp thuận để dự luật này trở thành luật pháp. Mức đóng góp của cá nhân được tăng lên mức cao nhất là 2000 đô la Mỹ cộng thêm điều chỉnh lạm phát. Đến năm 2008, số tiền cá nhân đóng góp đã tăng lên mức 2300 đô la Mỹ. Hơn nữa, dự luật còn đưa ra rất nhiều nội dung nghiêm cấm việc quyên tiền của các công ty và các tổ chức công đoàn, đây là một đòn tấn công mạnh vào các tập đoàn lợi ích, do đó, ảnh hưởng của công đoàn đối với chính trị cũng giảm đi khá nhiều, từ đó xu thế chính trị của Mỹ cũng dần dần thay đổi.

Trong cuộc tranh cử năm 2008, Obama từ chối sự quyên góp của các công đoàn, công ty và các tập đoàn lợi ích khác, chỉ nhận tiền quyên góp của cá nhân. Còn McCain thì nói rằng, ông không phản đối sự quyên góp hợp pháp của bất kỳ một tổ chức nào, nhưng với điều kiện là đừng hy vọng gây ảnh hưởng đối với các quyết sách của ông.

Sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001 đã khiến sự quan tâm của McCain có thay đổi, ông tổ chức Ủy ban 11/9, cùng những Thượng nghị sỹ trong Thượng viện đưa ra dự thảo lập pháp liên quan đến vận tải hàng không. Ông ủng hộ Bush con đánh Afghanistan, kiên trì ủng hộ chính phủ Bush con trên lập trường vấn đề Iraq, là một phần tử cực kỳ hiếu chiến. Việc ủng hộ cuộc chiến Iraq có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của McCain trong cuộc tranh cử lần này.

Trước cuộc chiến tranh, McCain đi khắp nơi diễn thuyết động viên mọi người ủng hộ việc đánh Iraq của Bush con. Ông thậm chí còn dự đoán, nếu quân Mỹ vào Iraq thì sẽ được người dân Iraq coi như vị cứu tinh. Có thể đối với cuộc chiến tranh Việt Nam trước đây, McCain cũng có suy nghĩ như vậy. Nhưng kết quả hoàn toàn ngược lại so với những gì ông dự tính, người dân Iraq đã dùng bom cảm tử để đối phó với quân Mỹ.

Trong vấn đề Iraq, có không ít người trách móc Bush cha đã không nhân cơ hội lợi thế của chiến tranh vùng Vịnh để vào Iraq, đánh mất thời cơ gây chiến. Lần này một cơ hội mới được đưa đến, nếu bỏ lỡ thì có thể sẽ chẳng còn lần khác. Kết quả là, cuộc chiến được tiến hành vừa làm tăng sự đau khổ của người dân Iraq, vừa mang lại sự khó khăn cho nhân dân Mỹ. Khi đó mới biết quyết sách của Bush cha trước đây là quyết đoán và sáng suốt.

Tháng 5 năm 2003, McCain lại bỏ phiếu phủ quyết dự thảo giảm thuế của Bush con, lí do lần này là: giảm thuế trong thời kỳ chiến tranh là một hành động không sáng suốt. McCain không ý thức được rằng, khủng hoảng đã bắt đầu xuất hiện trong nền kinh tế Mỹ. Hai lần quyết định sai lầm đã khiến cho nền kinh tế Mỹ hiện nay rơi vào một hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Đương nhiên, chuyện này cũng không thể chỉ trách McCain, vì không mấy người có thể nhìn thấy được hậu quả và tính nghiêm trọng của hàng loạt vấn đề. Nhưng điều này cũng trở thành mục tiêu công kích của Obama.

Sau đó McCain lại tiếp tục ủng hộ tăng quân ở Iraq, tăng chi phí quân sự, thậm chí còn phát biểu, nếu cần thiết quân Mỹ có thể ở lại Iraq 100 năm.

Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2004, có thông tin cho rằng McCain sẽ trở thành phó của ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ John Kerry, cùng nhau tranh giành chiếc ghế trong Nhà Trắng. McCain đương nhiên phủ nhận tin đồn này. Khi đó, McCain vẫn thuộc Đảng Cộng hòa nên không thể xảy ra chuyện này. Vì thế, ông hoàn toàn ủng hộ việc Bush con liên nhiệm, cho rằng một loạt các chính sách của Bush sau sự kiện 11/9 đều rất quyết đoán và sáng suốt; điều này lại khiến ông mang biệt danh là “Bush con thứ hai”, trở thành mục tiêu “ngắm bắn” tiếp theo của Obama.

Điều tra dân ý tháng 8 năm 2004 cho thấy, McCain là chính trị gia được mọi người yêu mến nhất lúc bấy giờ với tỉ lệ là 55%. Tỉ lệ người không ưa ông chỉ là 19%, nếu lúc đó tranh cử Tổng thống, có thể ông đã giành chiến thắng.

Có thể thấy, Mỹ là một đất nước rất trọng tình đoàn kết dân tộc. Sự kiện 11/9 đã khơi dậy lòng yêu nước chưa từng có của nhân dân Mỹ, điều này có thể thấy được từ số tiền khổng lồ được quyên góp cho gia đình các nạn nhân. Nhiệt tình yêu nước này là một việc tốt nhưng nếu bị các chính trị gia lợi dụng phục vụ lợi ích của họ thì lại là một sai lầm to lớn, đem đến tổn thất cho đất nước. Cuộc chiến Iraq đã được phát động một cách cuồng nhiệt trong không khí chính trị đó, được sự ủng hộ của gần như tất cả các chính trị gia và sự nhất trí trên toàn quốc. Quyết định trong lúc nóng giận là một bi kịch. Sự cuồng nhiệt chính trị đưa đến hậu quả vô cùng lớn.

Ngày 3 tháng 10 năm 2005, McCain lại đưa ra dự thảo sửa đổi luật giam giữ. Dự luật được thông qua nhanh chóng và trở thành bộ luật. Sự quan tâm của ông đến những tù binh chiến tranh người Muslim có thể không đủ để bù đắp lại số phiếu bầu đã mất đi từ những cử tri theo đạo Islam, do quyết định ủng hộ việc xâm lược của ông.

McCain đã đến Iraq 8 lần, do trước đó quá lạc quan đối với sự tiến triển của quân Mỹ tại Iraq, ông tỏ ra rất không hài lòng, đã nhiều lần phê phán chỉ huy quân Mỹ tại Iraq và sự bất lực của chính phủ Mỹ. Ông cho rằng, phía quân đội còn lâu mới đạt được mục tiêu đề ra ban đầu, thậm chí còn không làm được điều trước đây họ nói với người dân Mỹ. Nói một cách khác, quân đội đã không nói sự thật với người dân, không đề cập đến sự khó khăn và tàn khốc của cuộc chiến tranh này, đã giấu đi sự thật.

Để đạt được mục đích giành thắng lợi toàn diện trong cuộc chiến Iraq, năm 2007, McCain lại hết lòng ủng hộ việc tấn công toàn diện Iraq theo kiểu “phẫu thuật ngoại khoa”. Cho đến lúc đó, McCain đã chìm quá sâu vào cuộc chiến Iraq, giống như chính phủ Bush con, đối với ông, chiến thắng trong cuộc chiến tranh này còn quan trọng hơn nhiều chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, ông đã nói như vậy. Xét từ cuộc chiến Iraq, McCain hoàn toàn có thể được coi là một “Bush con thứ hai”. Đây là một trong những hành động mà người dân không muốn nhìn thấy nhất từ chính phủ Bush con.

McCain hy vọng thông qua hành động quân sự lớn này, trong một thời gian ngắn có thể đem lại cho mọi người ấn tượng rằng cuộc chiến Iraq đã có sự cải thiện đáng kể. Như vậy sẽ làm giảm được sự oán ghét chiến tranh của người dân. Nhưng việc này không dễ dàng.

Xét từ góc độ đó, việc nhanh chóng giành được thắng lợi trong cuộc chiến Iraq cũng sẽ gián tiếp giúp McCain giành được thắng lợi trong cuộc tranh cử Tổng thống. Nếu không, ông sẽ phải trả giá về chính trị cho cuộc chiến tranh này.

Chính sự nhiệt tình thái quá của McCain trong cuộc chiến tranh Iraq đã khiến ông thất bại.

3. Chính trị gia xuất thân từ quân đội

John McCain sinh ngày 29 tháng 8 năm 1936 tại doanh trại Không Hải quân Mỹ tại Panama. Bố ông từng là một tướng Hải quân 4 sao, kế thừa truyền thống của ông nội Mc- Cain. Khi đó, kênh đào Panama vẫn thuộc quyền kiểm soát của quân đội Mỹ, sau này do sự phản kháng mạnh mẽ của người dân Panama, Mỹ phải trao lại quyền quản lí về cho Panama và rút quân về.

Câu chuyện sinh tại Panama của McCain từng một thời trở thành vấn đề gây tranh cãi rằng, liệu ông có đủ tư cách để tranh cử Tổng thống Mỹ hay không. Cuối cùng mọi người chấp nhận rằng, doanh trại quân đội ở dưới sự kiểm soát của Mỹ có thể được coi là trên lãnh thổ Mỹ, McCain được thừa nhận là người sinh ra trên đất Mỹ.

Do cha là quân nhân, thường xuyên phải di chuyển nên McCain đã từng học ở gần 20 ngôi trường. Truyền thống văn hóa của gia đình quân nhân đã khiến ông trở thành một người khá tự lập. Mọi người nói ông là một đứa trẻ ít nói và quy củ, điều này hoàn toàn ngược lại với Obama thời nhỏ.

McCain rất có chí tiến thủ, đặc điểm của ông là thích tranh giành, hiếu thắng.

Kế tục truyền thống gia đình, sau khi tốt nghiệp trung học, McCain vào học tại Học viện Hải quân ở bang Indiana, đây là nơi Hải quân Mỹ huấn luyện các lãnh tụ quân đội. Ở đó, ông đối xử với mọi người rất tốt, dễ kết bạn, nhưng đồng thời cũng hay bênh vực những người bị bắt nạt, về điểm này ông khá giống Obama, đều có tố chất lãnh đạo.

McCain có tính cố chấp, rất nhiệt tình với những việc mình yêu thích, còn với những việc bản thân không hứng thú thì lại chẳng quan tâm. Hơn nữa, rất khác khi còn nhỏ, ở trường, McCain không phải là người chấp hành kỷ luật tốt. Ông tốt nghiệp trường quân sự với thành tích học tập kém, đứng thứ 894/899 sinh viên.

Sau khi tốt nghiệp trường quân sự năm 1960, McCain trở thành lính phòng không của Hải quân, 3 lần máy bay gặp sự cố nhưng ông đều bình an vô sự.

Năm 1966, McCain theo Hải quân đi tham chiến tại Việt Nam, trở thành phi công lái máy bay ném bom, khi đó ông đã bước sang tuổi 30, là một “tân binh” khá lớn tuổi. Ngày 29 tháng 7 năm 1967, máy bay của McCain bốc cháy trên tàu, ông thoát ra khỏi khoang lái, đồng thời chủ động cứu một phi công khác thoát ra; chỉ sau khi họ thoát ra vài phút thì máy bay phát nổ, trận hỏa hoạn khiến 134 người chết và phá hủy hoàn toàn mẫu hạm, còn ông chỉ bị thương nhẹ. Một lần nữa McCain lại thoát nạn.

Ngày 26 tháng 10 năm 1967, khi ném bom sông Hồng, máy bay của McCain bị trúng đạn pháo, ông bị bắt trong tình trạng bị thương nặng, chân, tay, người bị gãy xương. Những tưởng không sống được nhưng McCain lại một lần nữa thoát chết. Ngày 14 tháng 3 năm 1973, ông được trao trả về nước.

Ngày 3 tháng 7 năm 1965, trước khi đi tham chiến tại Việt Nam, McCain lấy vợ là Carol Shoppe – người phụ nữ đã từng có một đời chồng và hai đứa con. Khi McCain từ Việt Nam trở về, ông được biết vợ mình bị thương nặng trong một tai nạn ô tô. Năm 1979, ông gặp người vợ hiện tại là Cindy Lou Hensley, bà là con gái duy nhất của người sáng lập công ty Hensley, khi đó là giáo viên ở thành phố Phoenix, bang Arizona. Tháng 4 năm 1980, ông li hôn với Carol và tháng 5 năm 1980, ông kết hôn với Cindy.

Ngày 1 tháng 4 năm 1981, ông giải ngũ, về sống tại bang Arizona. McCain nói, ông không thể phát triển được trong Hải quân vì những vết thương do cuộc chiến tranh Việt Nam đem lại. Năm 1982, ông tranh cử thành công chức Hạ nghị sỹ bang Arizona, từ đó bắt đầu con đường chính trị của mình.

McCain là Thượng nghị sỹ Liên bang đại diện cho bang Arizona, khi đó đã ở nhiệm kỳ thứ 4 (bắt đầu từ ngày 3 tháng 1 năm 1987, tính đến thời điểm tranh cử lần hai là 21 năm).

Tháng 2 năm 2007, tại lãnh địa của mình là bang Illinois, Obama đọc bài diễn văn tranh cử Tổng thống. Còn McCain, ngày 25 tháng 4 năm 2007, tại Portsmouth bang New Hampshire, ông tuyên bố tham gia ứng cử trong Đảng Cộng hòa.

McCain lựa chọn bang New Hampshire chứ không phải Arizona. Nguyên nhân có thể vì năm 2000, khi lần đầu đăng ký tranh cử trong Đảng, McCain đã giành được thắng lợi lớn ở New Hampshire. Đối với ông, đây là nơi có thể mang lại vận may, hơn nữa, McCain còn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Bush con.

Tuy nhiên, phải đợi đến ngày 25 tháng 4 McCain mới chính thức tuyên bố quyết định của mình, có thể do ông còn do dự. Vợ McCain không hào hứng với chuyện tranh cử của ông, nhưng đây là cơ hội cuối cùng để McCain giành lấy chiếc ghế trong Nhà Trắng.

Cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa bắt đầu từ tháng 3 năm 2006. Ngày 3 tháng 1 năm 2008, theo kết quả đầu tiên ở bang Iowa, McCain chỉ giành được 12% số phiếu, đứng vị trí thứ 3. Còn ở New Hampshire, với nỗ lực không ngừng nghỉ để tận dụng sự ủng hộ với tỉ lệ cao của các cử tri độc lập, số phiếu của McCain dẫn đầu bang này.

Về phương diện quyên góp tranh cử, giống như những ứng cử viên khác của Đảng Cộng hòa, ngay từ đầu, McCain không được thuận lợi. Có thể là do McCain bắt đầu muộn và vì ông đã ủng hộ dự luật cải cách dân di cư năm 2007 nên số tiền McCain quyên góp được trong nửa đầu năm này rất ít, so với số tiền 58 triệu mà Obama quyên góp được, quả là một trời một vực. Dự luật dân di cư mà McCain ủng hộ không được lòng các đảng viên Đảng Cộng hòa, bởi vậy sự ủng hộ trong Đảng đối với ông cũng rất hạn chế. Đến cuối tháng 7, do vấn đề kinh phí, ông thu hẹp quy mô đội ngũ tranh cử.

Từ lúc đó đã có thông tin rằng McCain sẽ rút lui, nhưng ông vẫn kiên trì cuộc chiến. Đến cuối tháng 7, giám đốc và cố vấn sách lược của McCain đều xin từ chức. Trong tình hình thiếu kinh phí và không có người, McCain vẫn kiên trì bám trụ.

Ông sử dụng phương pháp trước đây đã thu được thắng lợi ở New Hampshire, trên chiếc xe buýt “Straight Talk Express”, McCain đến từng thị trấn ở New Hampshire, đồng thời tận dụng các phương tiện thông tin miễn phí, các cơ hội phát biểu để tuyên truyền cho thành tích và chính sách của mình.

Đến cuối năm 2007, vẫn chưa có một ứng cử viên nào giành được ưu thế rõ rệt trong Đảng Cộng hòa. Cuối cùng, cố gắng không mệt mỏi của McCain đã giúp ông có được không ít sự ủng hộ của các phương tiện thông tin đại chúng thuộc phái bảo thủ. Sau khi chiến thắng ở bang New Hampshire, McCain chỉ thu thêm được 1 triệu đô la tiền quyên góp, trong khi đó tiền vay ngân hàng đã lên tới 3,5 triệu đô la Mỹ. Còn Hillary lúc đó đã thu được 6 triệu đô la một cách nhẹ nhàng.

Ngày 8 tháng Giêng năm 2008, McCain một lần nữa lại chiến thắng huy hoàng như ở New Hampshire năm 2000, ông đã đánh bại đối thủ, trở thành người dẫn đầu. Đảng Cộng hòa áp dụng nguyên tắc “người thắng ăn thông” trong cuộc bầu cử sơ bộ, bởi vậy, McCain đã giành được toàn bộ số phiếu bầu cử sơ bộ tại New Hampshire. Ở South Carolina và Florida, ông tiếp tục duy trì ưu thế, loại bỏ đối thủ là Thị trưởng thành phố New York. Sau ngày 5 tháng 2 của “Super Tuesday”, tất cả các đối thủ trong Đảng đã chủ động rút lui. McCain trở thành ứng cử viên duy nhất. Dù cuộc bầu cử sơ bộ vẫn chưa kết thúc nhưng McCain đã trở thành người dẫn đầu, ông chỉ còn đợi Đảng Cộng hòa chính thức chấp nhận vào tháng 9.

Nếu McCain giành được chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử toàn quốc vào tháng 11, đồng thời nhậm chức Tổng thống vào tháng Giêng năm 2009, ông sẽ lập được ít nhất là hai kỷ lục trong lịch sử nước Mỹ: Tổng thống đầu tiên được sinh ra ở ngoài lãnh thổ 50 bang nước Mỹ và là Tổng thống cao tuổi nhất khi nhậm chức.

4. Lựa chọn Phó Tổng thống

Trong khi Obama tìm kiếm khắp nơi một người lớn tuổi cho chức Phó Tổng thống thì McCain lại tìm một người trẻ để làm phó cho mình. Khả năng rất lớn là Tim Pawlenty, Thống đốc bang Minnesota, hiện đang rất được yêu mến.

Ngay từ ngày 22 tháng 6 đã có bài báo nói rằng Phó Tổng thống của McCain đã được lựa chọn, đó là Tim Pawlenty, Thống đốc bang Minnesota. Tuy nhiên, trên thực tế, chuyện này đến cuối tháng 7 vẫn chỉ là lời đồn đại. Có thể McCain đã đưa ra quyết định nhưng vẫn còn theo dõi những động thái từ phía Obama. McCain dường như luôn ở thế bị động trước đối thủ của mình.

Pawlenty sinh ngày 27 tháng 11 năm 1960 tại thành phố St Paul, bang Minnesota. Bố ông là một người lái xe tải, mẹ làm nội trợ, Pawlenty là út trong gia đình có 5 người con. Ông là người duy nhất trong gia đình học qua đại học.

Do không được học hành đầy đủ nên cuộc sống của các anh chị em Pawlenty không được tốt. Hai người anh của ông, một người là nhân viên bán hàng ở cửa hiệu tạp hóa, một người là công nhân ở nhà máy luyện dầu. Hai chị gái, một người là trợ giảng ở trường dành cho trẻ em khuyết tật, người còn lại làm thư ký cho một công ty. Họ đều thuộc vào tầng lớp bình dân có mức lương thấp.

Trong gia đình, Pawlenty là người khác biệt, từ nhỏ đã rất tự giác, thích đi học, thành tích học tập tốt và là niềm hy vọng của cả gia đình. Khi Pawlenty 16 tuổi, mẹ ông mất vì bệnh ung thư, nguyện vọng lớn nhất của bà trước khi qua đời là cậu con trai út được vào đại học.

Một người chị của ông nói: “Đây là lựa chọn cuối cùng và cũng là duy nhất của mẹ, mấy anh chị em tôi không ai có thể hoàn thành được nguyện vọng này của bà”.

Dự định ban đầu của Pawlenty là làm một bác sỹ nha khoa, vì ngành học này không mất nhiều thời gian, hơn nữa thu nhập lại tốt, “như vậy tôi có thể mua được chiếc xe tải mới mà tôi ưa thích” – ông nói đùa.

Nhưng khi học đại học, Pawlenty phát hiện ra mình rất có hứng thú với lịch sử và dịch vụ công cộng, ông quyết định đi theo trực giác của mình.

“Thế là tôi quyết định tìm kiếm sự phát triển trong ngành mới, đấy cũng là một nghề có thể mua được chiếc ô tô tải mới”. Sau này, Pawlenty từng nửa đùa nửa thật nói với phóng viên như vậy.

Pawlenty vào học luật tại Đại học Minnesota ở quê nhà. Ông học hành chăm chỉ và tin tưởng vào sự phấn đấu của cá nhân. Ông từng nhấn mạnh rằng: “Tôi vẫn luôn nghĩ như vậy, nếu cơ thể và trí tuệ của anh bình thường thì anh nên theo đuổi cơ hội để được bình đẳng trong cuộc sống”.

Năm 1983, Pawlenty tốt nghiệp chuyên ngành Chính trị học Đại học Minnesota. Sau đó, ông tiếp tục học luật tại trường này, 3 năm sau giành được học vị tiến sỹ luật. Sau khi tốt nghiệp, Pawlenty làm luật sư lao động và gia nhập Đảng Cộng hòa. Năm 1989, ông bắt đầu bước chân vào giới chính trị. Năm 1994, Pawlenty tranh cử thành công chức nghị sỹ bang Minnesota, bắt đầu bước vào một tầng lớp mới.

Năm 2002, Pawlenty quyết định tranh cử chức Thống đốc bang Minnesota, mặc dù vấp phải sự phản đối của các nguyên lão trong Đảng nhưng cuối cùng, dựa vào sự cố gắng của bản thân và niềm tin vào nguyên tắc “cơ hội bình đẳng” của nước Mỹ, ông đã giành được thắng lợi. Pawlenty chính thức trở thành Thống đốc bang Minnesota vào tháng Giêng năm 2003, đồng thời năm 2006 tranh cử liên nhiệm thành công.

Ý đồ tranh cử chức Thống đốc bang của Pawlenty ngay từ đầu đã vấp phải sự phản đối của các nguyên lão trong Đảng. Đảng Cộng hòa bày tỏ một cách rõ ràng rằng, họ thà ủng hộ Brian Sullivan chứ không ủng hộ Pawlenty. Vì thế, Pawlenty chuyển mục tiêu sang tranh cử chức Thượng nghị sỹ Liên bang. Tuy nhiên, Phó Tổng thống lúc đó là Cheney không tin tưởng ông, cho rằng năng lực của Pawlenty kém, không thể đánh bại được ứng cử viên Thượng nghị sỹ của Đảng Dân chủ.

Thất bại đó không làm Pawlenty nản lòng, sau khi phân tích ưu nhược điểm của mình, ông quyết định chỉ phát triển sự nghiệp của mình ở bang Minnesota, mục tiêu là chức Thống đốc bang.

Dù không được sự ủng hộ của các nguyên lão trong Đảng nhưng Pawlenty vẫn mạo hiểm, tranh cử chức Thống đốc bang. May mắn, vào năm 2003, dù không nắm ưu thế nhưng Pawlenty vẫn giành được đề cử trong Đảng.

Sau khi vượt qua được cửa ải khó khăn đầu tiên, Pawlenty lại phải đối mặt với hai đối thủ mạnh của Đảng Dân chủ và phái độc lập. Điều tra dân ý cho thấy, cục diện ở vào thế chân vạc. Để giành thắng lợi, Pawlenty chỉ còn cách tạo ra kỳ tích. Khi đó, bang Minnesota đang phải đối mặt với thiếu hụt tài chính khổng lồ, Pawlenty hứa rằng sau khi đắc cử sẽ không tăng thuế. Không chỉ có vậy, ông còn hứa ngăn cấm nạo thai, quản lí chặt chẽ súng đạn, cải thiện môi trường giáo dục… Đó là lời hứa mà mọi người cho rằng không thể thực hiện được nhưng Pawlenty với chính kiến độc đáo của mình đã đánh bại được hai đối thủ cạnh tranh, giành thắng lợi. Cũng chính vì những chính sách đó, Pawlenty được mệnh danh là Thống đốc bang bảo thủ nhất trong những năm 20 của thế kỷ 20. Chính sách của ông khi đó vấp phải sự phê phán và phản đối của một số nhân sĩ trong giới kinh tế.

Sau khi đắc cử, Pawlenty bắt tay vào thực hiện lời hứa của mình, thông qua một loạt các chính sách như cắt giảm chi tiêu của chính phủ, giảm lãi suất của công trái chính phủ bang,… ông đã cân bằng được tình hình tài chính mà không phải tăng thuế. Không chỉ có vậy, ông còn có những thành tích đáng kể trong các lĩnh vực cải thiện tình hình giao thông thành phố, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế…

Năm 2006, Pawlenty giành được đề cử của Đảng Cộng hòa một cách thuận lợi. Tuy có nhiều thành tích chính trị tốt nhưng ông chỉ chiến thắng đối thủ Đảng Dân chủ với 1% ưu thế nhỏ nhoi, liên nhiệm chức Thống đốc bang. Điều đó cho thấy, dân chúng không nhiều người ủng hộ những chính sách của ông, thành tích của ông được đánh đổi bằng sự hy sinh lợi ích của một bộ phận dân chúng.

Sau khi liên nhiệm, Pawlenty từng nhiều lần công khai tuyên bố “không có ý định tiến quân trên toàn nước Mỹ”, có thể lúc đó ông không có đủ sự tự tin. Ông muốn làm tốt chức vụ Thống đốc bang, trân trọng cơ hội mà mình có được.

Pawlenty sẽ “cứu” Đảng Cộng hòa, rất nhiều người đã nói như vậy, Đảng Cộng hòa cũng mong đợi như thế.

Đối mặt với Obama, đối thủ mạnh của Đảng Dân chủ, Mc- Cain gần như luôn ở vào thế phòng thủ. Các buổi diễn thuyết của McCain không có mấy người nghe, quỹ tranh cử ít người quyên góp, phóng viên cũng ít chú ý. Trong tất cả các cuộc biện luận chính thức, trọng điểm của McCain đều tập trung vào vấn đề an toàn quốc gia, vấn đề được quan tâm thứ hai của người dân Mỹ. Đối với vấn đề kinh tế cần phải giải quyết nhanh chóng thì ông gần như chẳng có chủ kiến gì. Ngoài ra, McCain cũng quá già rồi.

Pawlenty mới 47 tuổi, khá tương xứng với Obama về tuổi tác, quan trọng hơn là kinh nghiệm tham gia chính trị khi làm Thống đốc bang của ông là một ưu thế lớn so với Obama, thậm chí là ưu thế so với McCain. Pawlenty đã có 14 năm kinh nghiệm chính trị và hơn 5 năm làm Thống đốc bang, ông đồng thời còn là Chủ tịch Ủy ban liên hiệp Thống đốc bang nước Mỹ.

Tiểu sử gia đình thuộc tầng lớp bình dân của Pawlenty sẽ khiến Đảng Cộng hòa giành được không ít phiếu bầu của giai cấp này. Năm 2001, Pawlenty lấy tên của Sam Walton, người sáng lập ra Wal- Mart để đặt tên cho tổ chức của mình “Câu lạc bộ bảo thủ Sam”, hứa với tầng lớp làm công ăn lương sẽ thành lập một chính phủ nhỏ “xứng đáng để lựa chọn”.

Đội ngũ tranh cử của McCain cho rằng Thống đốc bang Minnesota, người được giới truyền thông mệnh danh là một “Obama” da trắng, trẻ tuổi lại được sự tín nhiệm của tầng lớp làm công ăn lương, nhiều kinh nghiệm quản lí, có thể thu hút được sự ủng hộ của nhiều cử tri độc lập. Không chỉ như vậy, đối với một số đảng viên Đảng Dân chủ, những người không chấp nhận xuất thân hoặc thời gian công tác của Obama có thể sẽ quay sang ủng hộ Đảng Cộng hòa, chỉ có điều họ cho rằng McCain quá nhiều tuổi. Vậy thì Pawlenty trẻ tuổi có thể sẽ khiến họ nảy sinh thiện cảm với Đảng Cộng hòa.

“Đảng Cộng hòa cần một dòng máu mới. Mấy chục năm trở lại đây, các phương diện như văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật và nhận thức văn hóa… của nước Mỹ đều có những thay đổi lớn, nhưng các quy tắc của Đảng chúng ta vẫn gần như không có gì thay đổi. Đã đến lúc cải cách, chúng ta phải để cho mỗi người ủng hộ Đảng Cộng hòa đều thấy rằng Đảng Cộng hòa phù hợp với một thời đại mới” – Pawlenty nói.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2004, Đảng Cộng hòa ở bang Minnesota đã thua đối thủ cạnh tranh là Đảng Dân chủ với tỉ lệ sít sao. Gần đây điều tra dân ý cho thấy, ở bang Minnesota, tỉ lệ ủng hộ Obama là 50%, McCain là 41%, Đảng Cộng hòa vẫn ở vào thế yếu. Ở một bang mà người của Đảng Cộng hòa làm Thống đốc như Minnesota, kết quả này khiến mọi người thấy không có tính khả quan.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống này, ngay từ đầu, Pawlenty đã là Chủ tịch liên hiệp các ban tranh cử của McCain. Pawlenty là tín đồ trung thành của chủ nghĩa bảo thủ Đảng Cộng hòa, nhưng thần tượng mà ông tôn thờ lại không phải là những vị Tổng thống làm thay đổi Đảng Cộng hòa.

“Tôi tôn thờ truyền thống thời đại Theodore Roosevelt và Abraham Lincoln, trên thực tế đó cũng là dòng chính chủ nghĩa bảo thủ” – Pawlenty nói.

Đồng thời, Pawlenty cũng thấy rằng việc gắn mình quá gần với phái bảo thủ trong Đảng Cộng hòa không phải là một việc tốt:

“Tôi tôn sùng Ronald Reagan, ông độc lập, không thích sự trói buộc, có phong cách làm việc mang lại hiệu suất cao, tôi tin tưởng rằng chúng tôi có điểm chung trong nhiều phương diện” – Pawlenty nói.

Pawlenty không tìm thấy một vị cựu Tổng thống trẻ tuổi nào của Đảng Dân chủ có năng lực để tôn thờ, ông cũng không thể tôn thờ Kennedy, đó là thần tượng của Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, ông sùng bái Reagan, liệu có phải Pawlenty muốn nói với McCain rằng, Reagan có thể là vị Tổng thống già nhất trong lịch sử nước Mỹ. Roosevelt cũng là một người của Đảng Dân chủ, Lincoln tuy là một người của Đảng Cộng hòa nhưng Đảng Cộng hòa khi đó không giống với Đảng Cộng hòa bây giờ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.