Bí Quyết Thành Công Của Obama

CHƯƠNG 9: HY VỌNG TÁO BẠO



“Khi ai đó làm hết sức mình theo đuổi mục tiêu người khác đang theo đuổi hoặc đã đạt được thì có thể người ấy sẽ đánh mất phương hướng cuộc đời mình. Mỗi người cần phải tìm cho mình giá trị cuộc đời riêng”.

Đối với Obama thì năm 2004 là năm ông thu hoạch được rất nhiều thành công. Điều quan trọng nhất là Obama đã được chọn làm người phát biểu tại Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ vào tháng 7 ở Boston, Massachusetts khi mới chỉ là một Thượng nghị sỹ bang. Mọi người lại một lần nữa phá lệ vì Obama, cũng vì thế mà ông trở thành một chính trị gia nổi tiếng của nước Mỹ, là một chính trị gia da màu độc nhất vô nhị.

1. Ông muốn làm cho người nghe phải mê đắm

Lần phát biểu này có ý nghĩa quan trọng đối với Đảng Dân chủ, bốn người phát biểu thì ba trong số đó đều là những người nổi tiếng, có vị thế. Một là nguyên Tổng thống Mỹ, Bill Clinton; hai người còn lại, một là ứng cử viên cho vị trí Tổng thống và một là ứng cử viên cho vị trí Phó Tổng thống Mỹ. Quả thực lần phát biểu này là cơ hội hiếm có để Obama nâng cao và thể hiện mình. Tất nhiên ông rất coi trọng cơ hội ấy.

Obama chỉ có vài tuần chuẩn bị cho bài phát biểu này. Trước đó, John Kenny cũng đã trò chuyện với ông, mong rằng qua bài phát biểu này Obama sẽ gửi gắm đến các cử tri những nội dung liên quan tới cải cách và vị tha. Phải nói gì đó thật mới mẻ để mọi cử tri thấy rằng Đảng Dân chủ sẽ thông qua những cải cách để Chính phủ phục vụ dân tốt hơn, các nhà chính trị quan tâm hơn tới lợi ích thiết thân của người dân.

Đang lúc bận rộn cho cuộc tranh cử nhưng Obama vẫn dành hai ngày để suy nghĩ về bài phát biểu của mình. Trợ thủ tranh cử của ông đã tạm thời trở thành trợ lý nghiên cứu, giúp ông chuẩn bị tài liệu.

Obama đã nghĩ được mình cần viết gì, ông cần phải kể cho mọi người nghe một câu chuyện, kể cho họ biết cuộc đời hết sức đặc biệt của mình. Bài dự thảo viết xong ông gửi David Axelrod để lấy ý kiến. Hai vợ chồng David Axelrod đã nghiên cứu rất kỹ bài viết này. David Axelrod là một “tay viết” rất cừ. Ông khen hết lời bài viết của Obama. David Axelrod đã nói, bài viết quá hay và rất ít nhà chính trị có khả năng viết tốt như vậy. Sau đó Obama fax bản thảo cho Ủy ban trù bị trưng cầu ý kiến của họ. Ủy ban trù bị đã họp tham gia ý kiến.

Trong quá trình dự thảo bài phát biểu, Obama luôn nghĩ về những gì đã trải qua, nhất là quãng thời gian ba năm làm công tác tổ chức cộng đồng tại Chicago.

Ông nghĩ tới Linh mục Jeremiah Wright, người dẫn lối cho tâm hồn ông; chính vị linh mục này đã đánh thức giấc mơ ngủ sâu trong tâm hồn Obama. Trong những năm tháng hoang mang, Linh mục Wright đã giúp Obama nhìn thấy được tia hy vọng của lý tưởng đời mình.

Obama còn nhớ, khi nhận được thông báo nhập học của Đại học Harvard, ông đã đi nghe Linh mục phát biểu về cái gọi là “hy vọng táo bạo” tại nhà thờ.

Đúng vậy, chỉ có người dũng cảm mới dám ôm ấp hy vọng, chỉ có không sợ hãi thì mới có hy vọng… Những lời nói mới hay làm sao, những lý lẽ mới rõ ràng, mạch lạc làm sao.

Obama đặt tên cho bài phát biểu của mình là “Hy vọng táo bạo”.

Hôm đó, ngày 27/7/2004, bà Michelle đã cùng ông đi tới Boston. Bà vui vì chồng nhận được cơ hội hiếm có, nhưng cũng căng thẳng và lo lắng thay cho chồng.

Đứng trước hàng nghìn đại biểu Đảng Dân chủ của cả nước và rất nhiều phóng viên, lòng Obama cũng nóng như ánh nắng mặt trời bên ngoài. Nhưng ông biết kiềm chế, khuôn mặt nở nụ cười “theo kiểu Obama”, ông bình tĩnh nói về cuộc đời “không bình thường” của mình.

Đầu tiên, ông kể về mẹ mình và người cha là lưu học sinh đến từ Kenya. Tiếp đến, Obama nói về bối cảnh gia đình, về việc mang dòng máu lai hai chủng tộc da đen và da trắng của mình. Ông cũng kể đến nỗi cô đơn, hoang mang trong lòng khi còn niên thiếu. Sau đó ông kể môi trường giáo dục tốt nhất mà ông có được để từng bước đi đến ngày hôm nay, được vinh dự đứng trên bục phát biểu, được kể câu chuyện về cuộc đời mình cho nhiều khán giả vĩ đại.

Một lần nữa phải khẳng định rằng, Obama là người có biệt tài về ngôn ngữ. Ông biết nói thế nào, với giọng điệu ra sao để đi sâu vào lòng người, khiến họ cảm động khôn nguôi: “Tôi có được như ngày hôm nay là một kỳ tích; kỳ tích này chỉ được tạo ra bởi người được sinh ra trên mảnh đất Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới, điều này khó có thể xảy ra được”.

Bài phát biểu chuyển sang chủ đề chính trị hiện tại: “Ngày nay còn hàng nghìn, hàng vạn trẻ em Mỹ vẫn ôm ấp mơ ước giống tôi hồi bé, nhưng chúng đã bị cướp mất cơ hội. Chúng ta cần phải đoàn kết nhau lại, đồng lòng nhất trí, cùng nhau gây dựng một Chính phủ tốt đẹp hơn, một hệ thống y tế tốt, chăm sóc tốt hơn những người lính đã về hưu.

Nếu khu vực miền Nam Chicago vẫn có trẻ em da đen không biết đọc biết viết sẽ làm tôi lo lắng vô cùng dù đó không phải là con tôi. Chúng ta cần cùng nhau cố gắng, không nên phân biệt Đảng nào với Đảng nào, càng không được phân biệt chủng tộc, hãy cùng nhau đoàn kết một lòng dưới lá quốc kỳ, phấn đấu cho một Hợp chủng quốc Hoa Kỳ phồn vinh và thịnh vượng”.

Sau khi thuật lại những trải nghiệm của ông ngoại mình như là một cựu chiến binh trong Chiến tranh Thế giới lần hai và là người đang được hưởng trợ cấp từ các chương trình FHA và Đạo luật G.I. của thời kỳ New Deal, Obama nói tiếp: “Không một người dân nào mong đợi chính phủ giải quyết mọi khó khăn của họ. Nhưng từ sâu thẳm đáy lòng, họ cần có một sự thay đổi dựa theo những ưu tiên hợp lý để có thể bảo đảm rằng mọi đứa trẻ tại Mỹ đều có sự khởi đầu tốt cho cuộc đời chúng và cánh cửa cơ hội luôn rộng mở cho mọi người. Họ biết rằng chúng ta có thể làm tốt hơn. Và họ muốn chúng ta phải làm thế”.

Khi bàn về cách tiến hành cuộc chiến Iraq của chính phủ Bush, Obama nói:

“Khi chúng ta gửi những người trẻ tuổi vào chỗ hiểm nghèo, chúng ta bị buộc vào một nghĩa vụ thiêng liêng, ấy là không được ngụy tạo những con số, cũng không được che giấu sự thật về lý do sai phái họ đi, nhưng phải chăm sóc gia đình họ khi họ vắng mặt, hỗ trợ những người lính khi họ trở về, và đừng bao giờ tham chiến khi không đủ lực để chiến thắng, gìn giữ hòa bình, và giành được sự tôn trọng của thế giới”.

Obama mạnh mẽ đả kích tư tưởng bè phái trong các cuộc bầu cử và thúc giục người dân Mỹ tìm kiếm sự hợp nhất trong đa dạng, ông nói: “Không có một nước Mỹ cấp tiến, cũng không có một nước Mỹ bảo thủ; chỉ có một Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”.

Lúc đó có khoảng 9 triệu khán giả đang theo dõi ông phát biểu trên ti vi. Bài phát biểu thành công rực rỡ, tầm ảnh hưởng vượt quá sự tưởng tượng của Obama. Buổi phát biểu hôm đó đã không đưa được Kenny lên địa vị làm chủ Nhà Trắng, nhưng lại giúp Obama nổi tiếng khắp nơi.

Bài phát biểu được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã giúp xây dựng hình ảnh của Obama như một chính khách tầm cỡ quốc gia, và là điều kiện thuận lợi cho chiến dịch tranh cử vào Thượng viện của ông.

Rất nhiều người Mỹ cảm động trước câu chuyện về cuộc đời của Obama. Cũng có rất nhiều người tò mò muốn hiểu thêm về ông, trong chốc lát Obama trở thành người nổi tiếng.

Cuốn hồi ký “Giấc mơ về người cha” xuất bản năm 1995 phát hành đã được 10 năm, bày bán trên thị trường rất ít, nhưng sau buổi phát biểu này thì lập tức trở thành sách bán chạy nhất, nhà xuất bản phải cho công nhân tăng ca, làm thêm giờ, in bổ sung đáp ứng nhu cầu độc giả. Dịp này Obama cũng thu được khoảng vài triệu đô la Mỹ tiền quyền tác giả.

Trở lại bang Illinois, Obama tiếp tục cuộc đua vào vị trí Thượng nghị sỹ liên bang. Ngày nào ông cũng đến từng con phố vận động cử tri bỏ phiếu bầu. Tuy nhiên, tình hình bây giờ khác xưa. Trước kia chỉ khoảng 100 người có mặt thì nay ít nhất cũng có đến 500 người nghe ông phát biểu. Họ chen chúc nhau chỉ để nghe Obama nói.

Khi ấy Craig, anh trai của Michelle cũng đi vận động phiếu bầu cho Obama. Craig kể lại cảm nhận của mình hồi đó: “Tôi cảm thấy như là mình đang đi cùng ngôi sao bóng rổ Michael Jordan, chứ không phải là đang đi cùng một nhà chính trị đang vận động tranh cử”.

Có một cô ý tá, tuổi còn rất trẻ, vừa hết ca trực 12 tiếng, dù rất mệt mỏi nhưng cũng tìm đến nơi ông chuẩn bị vận động tranh cử. Cô đến đấy với mục đích là muốn nhìn thấy Obama bằng xương bằng thịt. Khi Obama đi ngang qua, may mắn tóm được tay áo ông, chút nữa cô đã ngất vì vui mừng.

Đã có người sùng bái ông, coi ông là thần tượng và số đó ngày càng nhiều.

Vấn đề Obama đau đầu nhất trước kia là huy động kinh phí tranh cử thì nay đã được giải quyết. Tiền huy động được ngày càng nhiều, càng nhanh.

2. Đắc cử Thượng nghị sỹ liên bang

Vị thế của Obama được củng cố bởi hình ảnh của cố Thị trưởng Chicago Harold Washington và sự ủng hộ của con gái cố Thượng Nghị sỹ Paul. Trong kỳ bầu cử sơ bộ, Obama nhận được 52% phiếu bầu, nhiều hơn 29% so với đối thủ kế cận. Đối thủ của Obama trong kỳ tổng tuyển cử, ứng viên Đảng Cộng hòa Jack Ryan rút lui khỏi cuộc đua vào tháng 6 năm 2004 vì một scandal.

Tháng 8 năm 2004, khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng trước ngày bầu cử, Alan Keyes chấp nhận sự đề cử của Đảng Cộng hòa để thay thế Jack Ryan. Là cư dân lâu năm ở Maryland, Keyes trở thành cư dân Illinois khi nhận sự đề cử.

Keyes sinh tháng 8/1950 tại New York, đã từng là quân nhân. Năm 1972 theo học tiến sỹ tại Đại học Harvard. Xuất thân là quân nhân nên Keyes là một nhà chính trị khá. Ông đã từng làm Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc; Trợ lý Quốc vụ khanh; nhiều lần chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa để giành quyền tranh cử Tổng thống, tuy nhiên đến giờ vẫn chưa có thành công lớn hơn. Ông Keyes đến Ấn Độ và kết hôn với một phụ nữ Ấn Độ, con gái ông Keyes là người đồng tính, còn bản thân ông Keyes là một người rất bảo thủ, luôn coi trọng giá trị gia đình truyền thống. Quá trình công tác và tư tưởng của ông Keyes đã khiến ông gặp nhiều rắc rối trong khi tranh cử.

Ông Keyes là một chính khách “qua đường” đạt tiêu chuẩn, ông đến bang Illinois chỉ để tham gia tranh cử. Mấy tháng trước cuộc bầu cử chính thức, Keyes mới thuê được căn hộ ở bang Illinois để chứng tỏ mình là cư dân hợp pháp của bang. “Diễn đàn Chicago” hồi đó đã châm chọc: “Chúng tôi nghĩ rằng, khi ngài Keyes ra khỏi cầu thang máy bay thì sẽ nhìn thấy mặt nước rất lớn, đó chính là hồ Michigan”. Họ chế giễu ông Keyes quá thiếu hiểu biết về bang Illinois.

Để chuẩn bị cho cuộc đua vào vị trí Thượng nghị sỹ liên bang đại diện cho New York năm 2000, tháng 9/1999 bà Hillary đã bỏ một khoản tiền khá lớn mua căn hộ ở New York. Hồi đó ông Keyes đã lớn tiếng chế giễu cách làm này của bà Hillary. Khi bị hỏi về vấn đề này, ông Keyes nói: “Tôi tham gia tranh cử là được sự ủy quyền của Đảng Cộng hòa. Tôi sẽ cố gắng hết mình để hoàn thành sứ mệnh Thượng đế đã ban cho”.

Cách thời điểm bầu cử chính thức chưa đầy ba tháng, ứng cử viên thay thế của Đảng Cộng hòa, ông Keyes, là một cái tên hoàn toàn xa lạ với cử tri bang Illinois. Không nói đến việc bản thân ông Keyes có quá nhiều vấn đề rắc rối, đối thủ cạnh tranh lại là Obama, một con người không hề có vết gợn nào, mà chỉ cần xem qua hai cái tên đã có thể biết ngay được kết quả. Đây là cuộc đua lần đầu tiên giữa hai đối thủ da đen, ứng cử viên hai Đảng cho vị trí Thượng nghị sỹ liên bang hiếm hoi trong lịch sử bang Illinois.

Mọi người sẽ hỏi, ông Keyes là người bang Maryland thì sao có thể đại diện cho cư dân bang Illinois tranh cử Thượng nghị sỹ bang Illinois được? Thực tế, theo như những điều luật của liên bang, nếu ông Keyes chuyển đến bang Illinois sống thì ông lập tức trở thành cư dân bang Illinois và có đủ tư cách để tham gia tranh cử như những cư dân khác của bang.

Trong kỳ bầu cử tháng 11 năm 2004, Obama nhận được 70% phiếu bầu, trong khi Keyes chỉ có được 27%. Đây là sự cách biệt lớn nhất trong một kỳ bầu cử toàn bang trong lịch sử của Illinois.

Hai sự việc đã giúp cho Obama thành công: Một là bài phát biểu của ông tại Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ thành công vang dội; hai là đối thủ mạnh của Đảng Cộng hòa rút khỏi cuộc đua. Nếu không, chúng ta sẽ chẳng còn gì để viết thêm nữa, cũng không thể có Obama như ngày hôm nay.

Sau khi Ryan rút lui, kết quả điều tra dân ý cho thấy, Obama luôn dẫn trước ông Keyes. Lúc đó Obama cũng tập trung được hơn 10 triệu đô la kinh phí để đối phó với Đảng Cộng hòa, nhưng cuối cùng không phải dùng hết số tiền đó.

Vài tháng sau đó, Obama dành thời gian cho những nơi khác, đi ủng hộ cho những ứng cử viên khác của Đảng Dân chủ. Ông chuyển kinh phí góp được cho những ứng cử viên khác của Đảng Dân chủ và Ủy ban Tranh cử Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ. Ông đã chuẩn bị sẵn nước cờ sau cho mình.

Sau thất bại, ông Keyes từ chối không chúc mừng chiến thắng của Obama với lý do là Obama đã hơi quá mức khi nói đến các chủ đề liên quan tới đạo đức gia đình, sinh mạng… vượt qua ranh giới không nên vượt. Điều ấy đã hủy hoại nền tảng tinh thần, trụ cột mà nước Mỹ đang dựa vào. Những gì ông Keyes để cập đến chỉ là việc ông Obama đã bỏ phiếu phủ quyết đối với dự án luật chống phá thai.

“Với loại người này thì tôi chẳng thèm chúc mừng họ làm gì”. Đây là cách làm, lối suy nghĩ hẹp hòi. Là một nhà chính trị thì đây là cách làm hiếm hoi trong lịch sử nước Mỹ, nhất là khi hai người có cùng màu da với nhau. Theo lẽ thông thường, dù ai thắng ai thua, họ đều là người da đen thì nên vui mừng mới phải. Thời điểm đó trong Thượng viện vẫn chưa có người da đen nào làm Thượng nghị sỹ.

Thực tế cho thấy, Obama rõ ràng có nhiều ưu thế hơn, ông cũng không quan tâm lắm tới đối thủ của mình. Điều đó khiến ông Keyes cảm thấy nhục nhã, ông không thể chấp nhận điều đó. Có thể nói đây là trường hợp duy nhất trong lịch sử tranh cử Thượng nghị sỹ liên bang của Mỹ. Lẽ ra, ông Keyes phải nhận ra tương quan lực lượng của mình trước khi đến bang Illinois.

Ngày 4/1/2005, Obama tuyên thệ nhậm chức Thượng nghị sỹ liên bang. Dù chỉ là một cư dân mới của Washington, Obama đã kịp tuyển dụng một nhóm cố vấn vững chắc và có chuyên môn cao nhằm mở rộng các chủ đề vượt quá yêu cầu dành cho một tân nghị sỹ như ông. Ông thuê Pete Rouse, 60 tuổi, một chuyên gia nhiều kinh nghiệm về chính trị liên bang và là cựu Chánh Văn phòng của Lãnh tụ Đảng Dân chủ tại Thượng viện, cho vị trí chánh văn phòng của ông, và Karen Kornbluh, một kinh tế gia, từng là Phó Chánh Văn phòng cho Bộ trưởng Ngân khố Robert Rubin phụ trách về chính sách. Ông cũng tuyển dụng Samatha Power, một tác giả về nhân quyền và nạn diệt chủng, Anthony Lake và Susan Rice, từng phục vụ trong chính phủ Clinton trong cương vị cố vấn đối ngoại.

Trong lịch sử của Thượng viện Hoa Kỳ, Obama là Thượng nghị sỹ người Mỹ gốc Phi thứ năm, và là người thứ ba được bầu theo hình thức phổ thông đầu phiếu. Hiện ông là người da đen duy nhất làm việc ở Thượng viện. Dựa trên những phân tích bỏ phiếu ở Thượng viện trong thời gian 2005-2007, CQ Weekly, một tập san không đảng phái, xếp loại Obama là “Đảng viên Dân chủ trung kiên”, còn tờ National Journal gọi ông là Thượng nghị sỹ “có khuynh hướng cấp tiến nhất”. Nhưng Obama tỏ ý nghi ngờ về phương pháp khảo sát của những tờ báo trên, gọi đó là lề thói của “nền chính trị già nua” phân biệt các lập trường chính trị gia “bảo thủ” hoặc “cấp tiến” nhằm tạo ra các định kiến và ngăn cản nỗ lực giải quyết các vấn nạn của đất nước.

Kiên định với lập trường bảo vệ môi trường, Obama bỏ phiếu ủng hộ Đạo luật Chính sách Năng lượng năm 2005. Obama tích cực vận động ở Thượng viện cho kế hoạch cải tổ những quy định nhập cư và an ninh biên giới. Năm 2005, ông đồng bảo trợ Dự luật An ninh Mỹ Quốc và Nhập cư trong Trật tự đệ trình bởi Thượng Nghị sỹ John McCain – Đảng Cộng hòa. Về sau, ông thêm từ “chính án” vào Đạo luật Cải tổ Di dân Toàn diện, được Thượng viện thông qua vào tháng 5 năm 2006, nhưng không giành được đa số phiếu ở Viện Dân biểu. Tháng 9 năm 2006, Obama ủng hộ một dự luật liên quan – Đạo luật Hàng rào An ninh – cho phép xây dựng hàng rào và các thiết bị an ninh khác dọc theo biên giới Mỹ – Mexico, được Tổng thống Bush ký ban hành vào tháng 10 năm 2006, gọi đó là “một bước tiến quan trọng hướng về nỗ lực cải tổ chính sách di dân”.

Hợp tác với hai Thượng nghị sỹ Cộng hòa, Richard Lugar Indiana và Tom Coburn Oklahoma, Obama đệ trình thành công hai dự luật mang tên ông. Dự luật “Lugar-Obama” mở rộng khái niệm giảm thiểu vũ khí nguy hại đến các loại vũ khí quy ước như hỏa tiễn cầm tay và mìn cá nhân. Đạo luật Minh bạch Coburn-Obama cho phép thiết lập công cụ tìm kiếm www.USAspeding.gov, bắt đầu hoạt động từ tháng 12 năm 2007 dưới sự điều hành của Văn phòng Ngân sách và Quản trị. Sau khi cư dân bang Illinois than phiền về tình trạng ô nhiễm nước thải gây ra bởi một nhà máy hạt nhân trong vùng, Obama bảo trợ một đạo luật buộc chủ nhà máy tường trình với giới hữu trách tiểu bang và địa phương nguy cơ rò rỉ phóng xạ. Tháng 12 năm 2006, Tổng thống Bush ký ban hành Đạo luật xúc tiến Dân chủ, An ninh, Cứu tế tại Cộng hòa Dân chủ Congo, đánh dấu nỗ lực đầu tiên của chính quyền liên bang được khởi xướng bởi Obama.

3. Hy vọng táo bạo

Nhắc đến Obama ngày hôm nay chúng ta không thể không nhắc tới bài phát biểu của ông tại Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ năm 2004. Để bạn đọc hiểu vì sao Obama có được thành công như ngày hôm nay và tại sao bài phát biểu năm ấy lại hấp dẫn như vậy, chúng tôi sẽ dịch một phần bài phát biểu đó.

Trích nội dung bài phát biểu như sau:

“Trước hết, tôi xin thay mặt cho bang Illinois, quê hương của cố Tổng thống Lincoln, bày tỏ lòng cảm ơn chân thành nhất vì các vị đã dành cho tôi cơ hội quý giá này.

Hôm nay tôi vô cùng vinh dự được đứng ở đây. Thực lòng là nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ mình sẽ có cơ hội được đứng ở đây phát biểu.

Cha tôi là một lưu học sinh người nước ngoài, ông sinh ra và lớn lên tại một vùng núi hẻo lánh ở Kenya. Từ nhỏ ông đã phải đi chăn dê thuê, và học chữ trong một cái lều được làm bằng da. Cha của cha tôi, tức ông nội tôi là một đầu bếp, ông làm công cho một ông chủ người Anh.

Tuy vậy, ông nội tôi luôn có những ước vọng cao xa đối với cha tôi. Cũng chính vì chăm chỉ, cần mẫn học hành mà cha tôi đã may mắn giành được một suất học bổng, được đến nơi thần kỳ là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ học tập. Đây là mảnh đất thần thánh dành cho những người yêu tự do.

Đến nơi này, cha tôi đã gặp mẹ tôi, cô gái đến từ Kansas, bên kia của trái đất. Quay về quá khứ, ông ngoại tôi hồi đầu là công nhân nông trường, sau đó làm thợ khoan mỏ dầu. Sau trận đánh bom ở Trân Châu cảng, ông gia nhập quân đội và đi sang châu Âu. Từ châu Âu trở về ông thấy cảnh vợ mình vừa nuôi cô con gái nhỏ, vừa làm việc tại dây chuyền lắp ráp đạn. Sau chiến tranh, ông bà ngoại tôi tiếp tục theo học các lớp bổ túc. Họ vay tiền ngân hàng mua một ngôi nhà và ông bà tôi đã có nhà của riêng mình. Một thời gian sau ông bà tôi chuyển về miền Tây, đi đến Hawaii xa xăm tìm kiếm cơ hội.

Họ luôn đặt kỳ vọng vào cô con gái mình. Ông bà nội và ông bà ngoại tôi sống ở hai lục địa cách nhau rất xa, nhưng họ đều có những mơ ước giống nhau.

Bố mẹ tôi không chỉ được hưởng thứ tình yêu khó có thể xảy ra trong hiện thực, mà điều quan trọng hơn là bố mẹ tôi đã cùng có được niềm tin của đất nước mình. Bố mẹ đặt tên cho tôi là “Barrack” có nghĩa là “luôn được ban phước lành”. Vì họ luôn tin rằng trên đất nước Mỹ hào phóng này, một cái tên kỳ lạ sẽ không trở thành rào cản thành công trong tương lai. Dù không giàu có gì nhưng họ mơ ước đến ngày nào đó tôi sẽ được theo học tại ngôi trường tốt nhất trên mảnh đất này. Họ cũng biết cho dù con nhà nghèo thì cũng phải thực hiện lý tưởng của mình ở mảnh đất rộng lớn này. Nơi đây sẽ phát huy hết tiềm năng của mình.

Giờ họ đã qua đời rồi, nếu trên Thiên đàng họ có linh thiêng thì sẽ nhìn thấy tôi ngày hôm nay. Chắc chắn họ sẽ thấy tự hào về con trai họ.

Chúng ta được may mắn sinh ra và lớn lên tại mảnh đất đa sắc tộc này. Giờ tôi cũng giống như bố mẹ tôi ngày xưa, tôi cũng mong chờ vào hai cô con gái nhỏ của mình. Tôi biết rõ, câu chuyện của tôi chỉ là một phần trong hàng ngàn câu chuyện của nước Mỹ. Tôi hiểu rằng mình cần phải cảm ơn những thế hệ đi trước đã từng sống trên mảnh đất này. Họ đã nỗ lực hết đời này qua đời khác để biến mơ ước của tôi thành hiện thực.

Hôm nay tôi đứng ở đây bày tỏ cho mọi người biết điều vĩ đại của đất nước này. Điều đó không được quyết định bởi sức mạnh quân đội và những tòa cao ốc chọc trời, thậm chí cũng không phải là quy mô kinh tế to lớn. Tôi tự hào vì đất nước này. Niềm tự hào của chúng ta dựa trên một tiền đề rất cơ bản, được tóm tắt trong tuyên ngôn đã có từ hơn 200 năm trước: “Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng”.

Chính quan niệm nhất quán ấy đã đem đến cho chúng ta niềm tin đối với đất nước này, cũng vì thế đã tạo ra cho chúng ta hết bất ngờ này đến bất ngờ khác: con cái chúng ta có nhà để ở, có cơm ăn áo mặc đầy đủ, hơn thế nữa còn được đảm bảo an toàn cho tính mạng. Ngoài ra, chúng ta được nói những gì mình nghĩ, viết những gì mình trăn trở mà không phải lo lắng nửa đêm gà gáy sẽ có tiếng gõ cửa của những vị khách không mời mà đến nào đó. Chúng ta được gây dựng sự nghiệp theo cách suy nghĩ của mình mà chẳng cần phải lo lót, hối lộ ai. Chúng ta được tự do tham gia vào chuyện chính trị của đất nước mà không lo bị trừng phạt. Những lá phiếu của chúng ta có tiếng nói thực sự, chí ít thì cũng là như vậy.

Đêm nay tôi muốn nói cho các bạn biết, những người bạn trong Đảng kính mến, là, chúng ta còn quá nhiều việc để làm, xã hội còn có nhiều điểm không hoàn hảo. Công nhân ở Maytag bang Illinois đang dần mất đi công việc mà công đoàn công nhân phải làm, chỉ vì xí nghiệp nơi họ làm việc đã chuyển khỏi Mexico, và rồi họ đành phải cạnh tranh với chính con cái mình để tìm kiếm những cơ hội làm việc với đồng lương eo hẹp. Chúng ta cần phải làm điều gì đó cho họ!

Một người cha vừa bị mất việc làm khóc nói với tôi là ông đang lo lắng không biết sẽ kiếm đâu ra tiền để chi trả viện phí cho cậu con trai không có bảo hiểm y tế. Hàng tháng cậu bé cần có khoảng 4.500 đô la Mỹ để duy trì sự sống. Chúng ta hãy tự hỏi mình, chúng ta có nên làm điều gì đó cho người cha này hay không? Còn nữa, một cô gái vừa tốt nghiệp cấp ba, giống như hàng nghìn hàng vạn các cô gái khác, cô có kết quả học tập khá, muốn học tiếp lên đại học nhưng không có tiền đóng học nên đành thôi. Có phải chúng ta cũng cần giúp cô gái này?

Xin đừng hiểu nhầm tôi, bạn biết không, những người tôi gặp cho dù là trong thành phố hay ngoại ô, ở công viên hay trong nhà hàng thì họ đều không trông mong Chính phủ sẽ giải quyết tất cả những vấn đề của mình. Họ biết rõ họ cần phải cố gắng, chăm chỉ thì mới giải quyết được vấn đề của mình, và họ bằng lòng làm vậy, không lời oán thán. Nếu bạn có cơ hội thì bạn hãy đến với những người anh em công nhân ở gần Chicago, họ sẽ nói cho bạn biết mơ ước của mình là: không muốn những đồng tiền thuế mình nộp cho Chính phủ bị Lầu năm góc hay những cơ quan phúc lợi xã hội sử dụng lãng phí.

Bạn hãy đi thử thì biết, xin hãy đến những thành phố lớn mà xem, họ sẽ nói cho chúng ta biết là, chỉ dựa vào Chính phủ thôi thì không thể dạy con họ biết đọc biết viết được, mà điều này lại dựa vào chính sự cố gắng của mỗi ông bố bà mẹ. Nếu chúng ta không kỳ vọng nhiều hơn vào con cái, không cấm chúng xem ti vi thì chắc chắn là chúng sẽ học kém và không thể thành công. Tất cả chúng ta đều hiểu rõ điều này.

Chúng ta biết rõ là Chính phủ không thể làm tất cả, cũng không thể giải quyết mọi vấn đề của người dân. Nhưng chúng ta cảm nhận được rằng chỉ cần chúng ta biết điều chỉnh một chút những xu hướng chính sách của mình, cân nhắc mức độ quan trọng hay không thì chúng ta sẽ bảo đảm là từng đứa trẻ Mỹ sẽ có một cuộc sống tốt đẹp nhất, bảo đảm tất cả những cánh cửa sẽ mãi mãi mở trước chúng.

Các cử tri cũng biết rằng chúng ta có thể làm được tốt hơn, hơn nữa, họ muốn có được sự lựa chọn này. Trong cuộc tranh cử lần này chúng ta cần phải đem lại cho họ sự lựa chọn như vậy. Đảng Dân chủ của chúng ta đã chọn ra một nhà lãnh đạo, nhà quản lý đất nước tài ba nhất chính là John Kerry.

Trong thế giới đầy rẫy nguy hiểm này, đôi khi chiến tranh lại là sự lựa chọn không thể né tránh nổi, nhưng chiến tranh mãi mãi không nên trở thành sự lựa chọn hàng đầu của chúng ta.

Cách đây không lâu tôi gặp một chàng trai, cậu ấy vừa gia nhập lực lượng hải quân và đến tuần thứ hai thì được điều đến chiến trường Iraq. Tôi đã chăm chú lắng nghe lý do tại sao cậu ấy lại gia nhập quân đội và niềm tin cậu ấy dành cho những người lãnh đạo đất nước. Tôi chợt nghĩ, đấy là tấm lòng yêu nước nồng nàn của thế hệ trẻ mà đất nước chúng ta cần phải có.

Tuy nhiên, tôi đã hỏi chính mình: Chúng ta đã làm gì cho thế hệ trẻ? Những gì mà đất nước làm cho họ có bằng với những gì họ làm cho đất nước không?

Tôi nghĩ đến 9 vị quân nhân bỏ mạng nơi xứ người và con cái, bố mẹ cũng như bạn bè thân thiết của họ. Tôi nghĩ đến con cái họ đã phải chống chọi thế nào khi mất đi trụ cột kinh tế của gia đình, những người lính bị thương vì đất nước vẫn không được hưởng chế độ bảo hiểm y tế khi ra khỏi quân ngũ.

Tôi nghĩ rằng, khi chúng ta đưa hàng nghìn hàng vạn những chàng trai cô gái hừng hực tuổi xuân đến với chiến trường nóng bỏng thì chúng ta cần phải có trách nhiệm nói rõ cho họ biết sự thực là gì? Tại sao lại phải có chiến tranh? Chúng ta phải có nghĩa vụ chăm sóc người nhà của họ tại hậu phương. Khi họ đang chiến đấu tại tiền tuyến vì nước nhà, chúng ta cần phải quan tâm và ủng hộ họ hết mình. Khi họ trở về sau trận chiến, chúng ta phải bảo đảm cuộc sống cho họ. Nếu chúng ta không đủ sức đánh thắng thì chúng ta không nên sa lầy vào chiến tranh. Chúng ta cần dốc hết sức để bảo đảm đất nước hòa bình và mọi người dân trên thế giới phải kính trọng.

Giờ đây, tôi phải nói rõ hơn là, đúng thế, trên thế giới này, chúng ta sẽ có kẻ thù thực sự, chúng ta cần phải tìm ra những kẻ thù này và đánh thắng chúng.

Ở nước Mỹ chỉ có một bộ phận dân giàu là chưa đủ. Chúng ta là một gia đình lớn, nếu ở bên ngoài khu Nam thành phố Chicago vẫn còn những đứa trẻ mù chữ thì điều ấy sẽ làm cho tôi hết sức đau lòng, cho dù chúng không phải là con tôi. Nếu có người già cả nào không có tiền khám bệnh, suốt ngày khổ sở vì không tìm đâu ra tiền mua thuốc thì điều đó làm tôi cảm thấy mình quá nghèo túng, tuy họ không phải là bố mẹ hay ông bà tôi. Nếu có người Mỹ gốc Ả Rập nào đó không nhận được quyền lợi tư pháp mà Hiến pháp đã quy định thì điều đó có nghĩa là quyền tự do công dân của chính bản thân tôi đang bị xâm phạm.

Đó chính là tín ngưỡng cơ bản của tôi: tôi là người bảo vệ cho anh chị em tôi. Cũng chính tín ngưỡng này đã làm cho mỗi người chúng ta được tự do tìm kiếm lý tưởng của mình, đồng thời giúp chúng ta chung sống hòa bình trong gia đình lớn ấy.

Trong khi tôi nói những lời này thì cũng sẽ có người đang tìm cách chia rẽ chúng ta. Giờ đây tôi muốn nói với các bạn rằng không hề tồn tại một nước Mỹ với Đảng bảo thủ hay tự do, chỉ có một Hợp chủng quốc Hoa Kỳ mà thôi. Cũng không hề tồn tại một đất nước của người da trắng, da đen, hay gốc Á, mà chỉ có một Hợp chủng quốc Hoa Kỳ mà thôi.

Thực tế, đó chính là điểm khác biệt của cuộc bầu cử lần này. Vậy xin hỏi các bạn, các bạn muốn tham gia vào một nền chính trị bình thường hay muốn tham gia vào một nền chính trị có sự hy vọng táo bạo?

Không phải là tôi đang bàn luận về một sự lạc quan mù quáng. Có thể có người đang ước rằng, thất nghiệp sẽ được tự nhiên giải quyết nếu như chúng ta không nghĩ đến nó; nguy cơ bảo hiểm xã hội sẽ qua nếu như chúng ta quên nó đi. Không thể thế được. Đây không phải là thứ hy vọng mà tôi nói đến. Điều mà tôi nói đến còn quan trọng hơn cả lý tưởng rất nhiều.

Tôi đang nói về một điều quan trọng hơn. Đó là hy vọng của những người nô lệ ngồi quanh đống lửa hát vang những bài ca tự do; hy vọng của những người di dân vượt qua muôn dặm để đến những bờ biển xa; hy vọng của một sỹ quan hải quân trẻ dũng cảm tuần tra ở châu thổ sông Mekong; hy vọng của con trai một công nhân dệt đã dám chống lại cường quyền; hy vọng của một đứa trẻ gầy yếu có một tên gọi kỳ lạ, tin tưởng rằng Hoa Kỳ cũng chào đón nó. Hy vọng khi đang đối diện với khó khăn. Hy vọng khi đối diện với tình huống không chắc chắn. Hy vọng khi phải đối mặt với khó khăn gian khổ, hy vọng khi phải đối diện với những gì không xác định được. Đó chính là sự hy vọng táo bạo.

Đây chính là món quà tuyệt vời nhất Thượng đế dành cho chúng ta, chính là nền tảng của nước nhà. Đó là niềm tin vào cuộc sống tương lai tốt đẹp.

Tôi tin rằng chúng ta sẽ giảm được gánh nặng cho mọi người, đem đến cơ hội việc làm cho nhiều gia đình.

Tôi tin rằng chúng ta sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho những người thất nghiệp, nhà ở cho những người lang thang cơ nhỡ, cứu vớt những thanh niên trẻ thành thị bên bờ vực thẳm của tuyệt vọng và bạo lực.

Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ, chúng ta đang đứng ở ngã tư đường, chúng ta cần phải có sự lựa chọn đúng đắn, đó chính là đối diện với thách thức…”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.