Bí Quyết Thành Công Của Obama

CHƯƠNG 11: ĐỐI ĐẦU TRONG NỘI BỘ ĐẢNG



“Nụ cười rạng rỡ của ông, sự lôi cuốn đáng kinh ngạc mà ông đã thể hiện cùng với tài diễn thuyết bẩm sinh của mình đã giúp ông giành được vô số phiếu bầu và quỹ quyên góp dành cho bầu cử”.

Lần này, sự cạnh tranh quyền được là người tranh cử Tổng thống diễn ra hết sức căng thẳng trong nội bộ Đảng Dân chủ, xảy ra không ít những bất ngờ trong lịch sử chính trị nước Mỹ, đáng để các nhà sử học và các nhà chính sách tranh cử nghiên cứu.

1. Ai là người dẫn đầu

Cuộc chiến đề cử trong Đảng để tranh chức Tổng thống năm 2008, trên thực tế đã được bắt đầu từ sau cuộc bầu cử trung kỳ năm 2006. Từ tháng 11 năm 2006 đến tháng 2 năm 2007, trong nội bộ Đảng Dân chủ có 8 người chính thức tuyên bố tham gia vào danh sách tranh cử trong Đảng, ngoài ra còn có một số người có tiềm năng tranh cử như John Kerry, nguyên phó Tổng thống Core…

Ban đầu, người có tiếng vang nhất là Hillary Clinton, thứ hai là John Edwards, tiếp đến là Barack Obama.

Hillary không chỉ là cựu đệ nhất phu nhân từng làm chủ Nhà Trắng trong 8 năm mà điều quan trọng hơn, bà cũng là một Thượng nghị sỹ khá ưu tú, đã thể hiện vai trò của mình một cách rất xuất sắc trong nhiệm kỳ của mình, xây dựng được không ít các mối quan hệ trong giới chính trị, có cơ sở cử tri khá tốt.

Edwards là ứng cử viên tranh chức Phó Tổng thống của Đảng Dân chủ năm 2004, được lựa chọn làm Phó Tổng thống, cùng với John Kerry bước trên con đường vào Nhà Trắng, đã cho thấy tầm quan trọng của ông trong nội bộ Đảng Dân chủ.

Obama là một người mới chỉ vào Thượng nghị viện được 3 năm, ban đầu còn không có mấy người quan tâm đến ông.

Ban đầu, vào tháng 11 năm 2008, sự đối đầu được bàn tới nhiều nhất trong Đảng Dân chủ là giữa Hillary Clinton và Rudy Giuliani, cựu Thị trưởng thành phố New York. Giuliani gặp phải sự kiện 11/9 trong nhiệm kỳ làm Thị trưởng New York, năng lực giải quyết khủng hoảng lúc bấy giờ đã khiến ông nhất thời trở thành ngôi sao chính trị rực sáng của nước Mỹ. Nhưng chính trị lại rất khó có thể phân tích một cách rõ ràng.

Ba tháng trước khi bước sang năm 2007, Hillary và Obama, mỗi người đã quyên góp được một khoản kinh phí tranh cử khoảng 20 triệu đô la Mỹ, Edwards đứng vị trí thứ 3, quyên góp được hơn 12 triệu đô la Mỹ. Xét từ góc độ tiền bạc để bỏ phiếu, quyết định trong Đảng Dân chủ sẽ là lựa chọn Hillary hoặc Obama.

Kinh phí có tác dụng quyết định đối với việc quảng cáo, tổ chức đội ngũ tranh cử và giành phiếu bầu. Đồng thời, khả năng quyên góp, ở một góc độ nào đó cũng cho thấy mức độ được ủng hộ ở trong nội bộ Đảng, đặc biệt là trong hoàn cảnh chế độ bầu cử của Mỹ quy định mức nhất định đối với tiền quyên góp của mỗi người.

Theo lệ, cuộc bầu cử sơ bộ trong nội bộ Đảng Dân chủ năm 2008 bắt đầu từ bang Iowa, thứ hai là bang New Hampshire, tiếp đến là bang Nevada và bang South Carolina. Theo quy định của Đảng Dân chủ, ngoài 4 bang này, các bang còn lại không được tiến hành bầu cử sơ bộ trong nội bộ Đảng dưới bất kỳ hình thức nào trước ngày 5 tháng 2. Nhưng bang Florida và bang Michigan vì muốn nâng cao ảnh hưởng của mình nên đã vi phạm nội quy, Đảng Dân chủ quyết định không công nhận tất cả các phiếu đại biểu và phiếu đại biểu cao cấp của hai bang này.

Kết quả bầu cử sơ bộ của bang Iowa ngoài dự kiến của mọi người, Obama đã chiến thắng với tỉ lệ phiếu bầu là 38%, trong khi Edwards chỉ giành được 30% và Hillary là 29%. Điều này có nghĩa là Hillary sẽ phải đối mặt với một đối thủ mạnh là Obama, cả ba người nhận được số phiếu đại biểu tuyên thệ lần lượt là Obama 16 phiếu, Hillary 15 phiếu, Edwards 14 phiếu.

Theo kết quả của 4 bang, Obama đạt được tất cả là 63 lá phiếu đại biểu tuyên thệ, Hillary đạt 48 phiếu, Edwards đạt 26 phiếu. Tuy chỉ có kết quả của 4 bang nhưng điều đó đã nói rõ được vấn đề. Cảm thấy khả năng tiếp tục tranh cử của mình không lớn, ngày 30 tháng Giêng, Edwards tuyên bố rút khỏi cuộc tranh cử, công khai ủng hộ Obama. Như vậy, những cử tri đã bầu cho Edwards trước đây đa số sẽ chuyển sang ủng hộ Obama, áp lực đối với Hillary lại càng lớn.

Quy tắc lựa chọn người tranh cử trong nội bộ Đảng Cộng hòa cũng tương tự như quy tắc trong tranh cử lựa chọn Tổng thống, khá đơn giản; tuy nhiên, cơ chế mà Đảng Dân chủ áp dụng lại nhiều vấn đề và phức tạp hơn rất nhiều.

Nói một cách đơn giản, người tranh cử của Đảng Dân chủ cũng được thông qua cơ chế đại biểu, chỉ có điều ở đây có hai loại đại biểu, loại thứ nhất là đại biểu tuyên thệ trực tiếp của cử tri, loại thứ hai là “đại biểu cao cấp” thuộc về các “nguyên lão” trong nội bộ Đảng.

Do cơ chế bầu cử để chọn ra đại biểu tranh cử của Đảng Dân chủ phức tạp hơn nên đã phát sinh ra rất nhiều những rắc rối không đáng có.

Lần này, thế giằng co chưa ngã ngũ giữa Obama và Hillary chính là do những vấn đề của cơ chế này gây ra. Nếu tiến hành ghi phiếu đơn giản thì có thể tổng số phiếu của Hillary sẽ cao hơn, nhưng nếu theo quy tắc hiện nay mà xác định phiếu đại biểu thì Obama lại là người dẫn đầu. Trong lịch sử rất hiếm khi có trường hợp ngang ngửa giữa hai đối thủ như thế này, đây cũng là điều mà người đưa ra những quy tắc trước đây đã không lường đến.

Đảng Dân chủ có hai loại đại biểu: “Đại biểu tuyên thệ” và “Đại biểu cao cấp”.

Xét về lịch sử, những vấn đề mà Đảng Dân chủ đại diện chủ yếu là lợi ích của người dân, điều này hoàn toàn khác với lợi ích “tinh anh” và “quý tộc” của Đảng Cộng hòa. Dân thường chiếm đa số, nhưng trình độ nhận thức văn hóa tương đối thấp cũng là một vấn đề lớn. Ban đầu, các “nguyên lão” trong Đảng không yên tâm với năng lực bầu trực tiếp của những người này, họ đã trao lại phần lớn quyền lợi của mình vào tay các “Đại biểu cao cấp”.

“Đại biểu cao cấp” là những đại biểu có đặc quyền cao. Ví dụ như lần bầu cử này, những người này bao gồm nguyên Tổng thống Clinton, Carter… cũng bao gồm cả những nguyên lão có liên quan trong nội bộ Đảng, nhưng chiếm số đông vẫn là nghị sỹ thuộc hai Viện của Đảng Dân chủ và các Thống đốc bang. Mỗi người trong số họ có một phiếu “đại biểu”, họ hoàn toàn có thể dựa vào ý của mình để lựa chọn ứng cử viên, về nguyên tắc mà nói thì không có bất kỳ sự ràng buộc nào.

Như cuộc bầu cử năm 2008, sau khi loại bỏ toàn bộ đại biểu của bang Michigan và Florida, Đảng Dân chủ có tất cả 4049 đại biểu, trong đó có 796 “Đại biểu cao cấp”, chiếm tỉ lệ 20%, họ là một nhóm “quý tộc chính trị”; 3253 đại biểu còn lại là “Đại biểu tuyên thệ” của các bang.

3252 đại biểu này được chia cho các bang dựa trên sự cân nhắc đối với hai phương diện:

(1) Tỉ lệ cử tri của bang này bầu cho ứng cử viên Đảng Dân chủ trong 3 lần bầu cử Tổng thống trước đây.

Cũng có nghĩa là, trong 3 lần bầu cử đó, những bang có tỉ lệ bầu cho ứng cử viên Đảng Dân chủ cao thì số phiếu đại biểu tuyên thệ có được sẽ cao hơn, ngược lại, sẽ thấp hơn. Xét về mặt lí luận thì hợp lí: bang nào thực sự có nhiều Đảng viên Đảng Dân chủ hơn thì số phiếu đại biểu phải nhiều hơn.

Nhưng vì người Mỹ có thể tùy ý tham gia một chính Đảng và trở thành Đảng viên chứ không phải giới thiệu và khảo sát như việc vào Đảng ở Trung Quốc nên không ai biết được một bang có bao nhiêu Đảng viên trung thành của Đảng Dân chủ. Hơn nữa, dân chúng khi bầu cử có thể lựa chọn bất cứ người nào mà họ thích, những thành viên của Đảng Dân chủ cũng có thể ủng hộ cho ứng cử viên của Đảng khác. Bởi vậy, cách xác định “Đảng viên trung thành” thông qua tình hình bầu chọn thực tế là đáng tin cậy hơn.

(2) Số lượng phiếu bầu của một bang có được ít hay nhiều chủ yếu là để khảo sát quy mô dân số của bang đó.

Những bang có dân số đông thì số lượng phiếu bầu cũng nhiều, từ đó số phiếu đại biểu có được cũng nhiều hơn, điều đó cũng là hợp lí. Bang California có 55 phiếu, bang Ohio chỉ có 20 phiếu, đương nhiên bang California phải được nhiều “phiếu đại biểu” hơn bang Ohio.

Khác với đại biểu cao cấp, những “Đại biểu tuyên thệ” chỉ là đại biểu cho số người, chỉ đại diện cho kết quả bầu cử tại khu vực bầu cử đó.

Nói một cách cụ thể, nếu một bang có 10 đại biểu tuyên thệ mà Obama giành được 60% phiếu bầu ở bang này, Hillary giành được 40%, còn trong số 10 đại biểu tuyên thệ, có 6 người ủng hộ Obama, 4 người ủng hộ Hillary. Cho đến Đại hội Đảng toàn quốc vào tháng 8, nếu hai người vẫn chưa phân thắng bại thì 10 đại biểu của bang này khi bỏ phiếu bắt buộc phải có 6 người bỏ phiếu cho Obama và 4 người bỏ phiếu cho Hillary.

2. Giành được sự ủng hộ của các “nguyên lão”

Đến cuối tháng 5 năm 2008, Obama còn thiếu hơn 40 phiếu, Hillary còn thiếu tới hơn 240 phiếu, nhưng vẫn còn không ít đại biểu cao cấp chưa đưa ra sự lựa chọn. Ngày 1 tháng 6 năm 2008, Ủy ban toàn quốc Đảng Dân chủ lại tiến hành một số điều chỉnh đối với tư cách của hai bang Michigan và Florida, phiếu đại biểu sẽ chỉ được tính một nửa, vì thế, tổng số phiếu bầu lại có sự thay đổi.

Đối thủ của Đảng Dân chủ là Đảng Cộng hòa được hưởng lợi từ sự đối đầu giữa hai đối thủ mạnh trong nội bộ Đảng Dân chủ, bởi cạnh tranh nội bộ sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền của và thời gian quý báu. Trong khi ấy, đối thủ của họ là ứng cử viên McCain thì đi khắp nơi để quảng cáo và vận động phiếu bầu. Điều này khiến cho các nguyên lão của Đảng Dân chủ không hài lòng, nhưng đây là một cơ cấu lựa chọn dân chủ, mỗi ứng cử viên đều có quyền như nhau là cạnh tranh kiên trì cho tới khi chiếm được hơn nửa tổng số phiếu bầu để trở thành người chiến thắng, những người khác không có quyền can thiệp.

Đến cuối tháng 5, theo kết quả của cuộc bầu cử sơ bộ, Hillary giành được nhiều phiếu bầu hơn, còn Obama lại giành được nhiều phiếu đại biểu hơn.

Đảng Dân chủ có rất nhiều nhân tài, nhưng đến tháng Giêng năm 2008 chỉ còn lại Obama và Hillary. Sự tỏa sáng của Obama là điều ngạc nhiên lớn của cuộc bầu chọn trong nội bộ Đảng Dân chủ năm 2008, sự thể hiện của Hillary cũng lần đầu tiên cho thấy tiềm năng của nữ giới.

Hillary ban đầu tỏ ra chiếm ưu thế, nhưng sau khi 4 bang tiến hành bầu cử sơ bộ, bà lại không có được ưu thế tuyệt đối, ngược lại đã để mất 15 phiếu vào tay Obama, số phiếu này chiếm 31% trong tổng số phiếu mà bà giành được, kết quả này khiến mọi người kinh ngạc. Có rất nhiều nguyên lão trong Đảng vốn quyết định ủng hộ bà đã chuyển sang ủng hộ Obama.

Sau khi đánh bại Hillary với tỉ số 2:1 vào ngày 26 tháng 1, Obama, người vẫn tự so sánh mình là “Kenedy thứ hai” đã có được sự ủng hộ tuyệt đối của gia tộc Kenedy, bao gồm con gái của cựu Tổng thống Kenedy, em trai của Kenedy đang giữ chức Thượng nghị sỹ. Con gái của Kenedy là Caroline thậm chí đã đăng một bài báo “Vị tổng thống giống người cha sinh thời” trên “Thời báo New York”, ủng hộ Obama hết lời. Bà cho rằng, cũng giống như những năm 60 của thế kỷ trước, sự bất lực của chính phủ Mỹ đã dẫn đến hàng loạt các vấn đề, đất nước cần một người lãnh đạo có sự tôn nghiêm và thành thực như Obama để mang đến hy vọng mới cho một thời đại mới của nước Mỹ.

Một nguyên lão trong gia tộc Kenedy, người rất có tiếng trong Đảng Dân chủ, Edward Kenedy thì tuyên bố: Obama với tư cách là nhà lãnh đạo mới trong thế kỷ mới của nước Mỹ sẽ đưa đất nước ra khỏi sự chia rẽ và tình trạng hỗn loạn hiện nay. Nền chính trị hiện nay đã làm tổn thương người dân Mỹ, cũng đã đến lúc người lãnh đạo của thời đại mới tiếp quản, người đó chính là Obama.

Cựu Tổng thống Carter cũng đứng ra ủng hộ Obama. Ông cho rằng Obama rất xứng đáng là nhà lãnh đạo nước Mỹ, có khả năng làm thay đổi các thế lực đối địch hiện nay, giải tỏa được sự bất tín nhiệm của người dân đối với chính phủ Mỹ.

Không chỉ có vậy, ứng cử viên tổng thống năm 2004 của Đảng Dân chủ là John Kerry trước vẫn ủng hộ Edwards nay cũng chuyển sang ủng hộ Obama.

Như vậy, Hillary vốn chiếm ưu thế tuyệt đối về mặt ủng hộ của các nguyên lão trong Đảng đã thất bại trong trận chiến này. Những người ủng hộ và là người có sức nặng đối với bà chủ yếu gồm chồng bà, cựu Tổng thống Bill Clinton và một số ít người khác.

Sự thắng lợi về danh tiếng và sự ủng hộ của các nguyên lão tuy không khiến cho Obama có được ưu thế chiến thắng Hillary trong “Super Tuesday” nhưng đã giúp ông có được ưu thế hơn 13 phiếu trong tỉ lệ 847 và 834 ở 23 khu vực bầu cử, đó đã là một chiến thắng rất lớn.

3. Tiền có thể làm rõ vấn đề

Vào ngày thứ hai của “Super Tuesday”, tức là ngày 6 tháng 2, Hillary tuyên bố, bà đã phải bỏ tiền túi cho Ủy ban tranh cử của mình vay 5 triệu đô la Mỹ. Thông tin này khiến tất cả mọi người đều vô cùng kinh ngạc. Mọi người bắt đầu nghi ngờ khả năng quyên quỹ của bà, đồng thời cũng nảy sinh không ít những nghi vấn đối với đội ngũ tranh cử của bà.

Ngược lại, đội quân của Obama đến tháng Giêng đã quyên được một khoản tiền kỷ lục là 32 triệu đô la Mỹ, với số người quyên góp lên tới 170 nghìn người.

Đối với một chính trị gia, đây là lúc cân nhắc để chủ động rút lui, nhưng Hillary tự tin vào kinh nghiệm chính trị hùng hậu của mình, vẫn muốn đối đầu với Obama. Sau đó, sự thay đổi người chịu trách nhiệm chính của đội ngũ tranh cử đã cho thấy năng lực tổ chức đội ngũ của bà có vấn đề. “Lâm trận đổi tướng” không phải là một chuyện hay.

Ngày 13 tháng 2 năm 2008, Kênh NBC đã gọi Obama là “Ngài dẫn đầu”. Trong thời gian 12 ngày, ông đã giành được 120 phiếu đại biểu tuyên thệ. Đến cuối tháng 2, ông đã giành được tổng cộng 1192 phiếu đại biểu tuyên thệ, còn Hillary chỉ giành được 1035 phiếu.

Mức tiền quyên góp được của Obama liên tục phá vỡ kỉ lục trong lịch sử nước Mỹ. Tháng 2 năm 2007 ông mới tuyên bố tranh cử, xây dựng mạng lưới, đồng thời triển khai các hoạt động quyên góp quỹ và các hoạt động liên quan đến tranh cử. Chỉ 4 tháng sau đó, tức là vào cuối tháng 6 năm 2007, đội ngũ tranh cử của Obama đã quyên góp được số tiền là 58 triệu đô la Mỹ, vượt qua số tiền quyên góp được của bất kỳ một ứng cử viên nào của Đảng Cộng hòa cũng như của Đảng Dân chủ lúc đó. Trong số đó, tổng số tiền được quyên góp từ những người có mức quyên góp dưới 200 đô la Mỹ đạt 16,4 triệu đô la Mỹ.

Sau khi lập kỷ lục với số tiền quyên góp được cao nhất trong lịch sử của Đảng Dân chủ là 36,8 triệu đô la Mỹ vào tháng Giêng năm 2008, đến tháng 2, ông lại phá kỷ lục với số tiền là 54 triệu đô la Mỹ. Số tiền quyên góp được trong hai tháng đầu năm đạt mức kỷ lục là hơn 90 triệu đô la Mỹ, gấp đôi số tiền 45 triệu đô la Mỹ mà đối thủ của ông là bà Hillary quyên góp được.

Đến tháng 3, sau khi những lời phát biểu “lộng ngôn” của Cha Wright khiến cho tỉ lệ ủng hộ Obama có phần giảm xuống, Obama đã có một bài phát biểu tựa là “Một liên kết hoàn hảo hơn” để đưa ra quan điểm của mình đối với vấn đề chủng tộc, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết, tin tưởng lẫn nhau giữa các chủng tộc, nhấn mạnh sứ mệnh đồng tâm hiệp lực toàn dân để xây dựng một Hợp chủng quốc hùng mạnh hơn, tốt đẹp hơn. Nỗ lực của Obama đã phát huy tác dụng. Ưu thế của ông ngày càng lớn; đến khi hoàn thành các cuộc bầu cử sơ bộ ở khắp các bang vào ngày 3 tháng 6, Obama đạt được hơn một nửa số phiếu bầu.

Sức mạnh nào đã giúp Obama cạnh tranh và vượt qua “hoàng hậu” Hillary? Phân tích các thành phần ủng hộ có thể làm rõ được một số vấn đề. Thống kê cho thấy, những cử tri bầu cho Obama đa số là những phần tử trí thức trẻ, tầng lớp trung lưu và một số đông người da đen.

Người da đen vốn là những người ủng hộ quan trọng của Bill Clinton, nay đa số đã bị Obama giành lại, hơn nữa, Obama còn giành được không ít sự ủng hộ của những người thuộc tầng lớp trí thức trung tuổi và những người vốn ủng hộ Đảng Cộng hòa. Nói một cách đơn giản, những người ủng hộ Obama đều là những người thuộc giới trẻ và có tiền, đó cũng là một trong những lí do tại sao Obama có thể quyên góp được quỹ một cách thuận lợi như vậy.

Còn Hillary thì khác, những người ủng hộ chính của Hillary đều là những người da trắng cao tuổi, phụ nữ trung, cao tuổi, cử tri người Mỹ Latin và một số người da trắng không khá giả lắm. Nói chung họ đều là những người nghèo, không giúp được bà nhiều về mặt tiền bạc.

Hillary cùng chồng là Bill Clinton, tham gia chính trị đã gần 30 năm, có ưu thế hơn Obama về nhiều lĩnh vực như sự từng trải, mối quan hệ, kinh nghiệm tham chính… Đây là điểm mạnh, đồng thời cũng là điểm yếu của bà.

Đảng Dân chủ khi lựa chọn ứng cử viên của mình còn phải cân nhắc đến việc liệu ứng cử viên mình chọn ra có thể đánh bại được đối thủ của Đảng Cộng hòa hay không? Đảng Cộng hòa lần này đã nhanh chóng đưa ra ứng cử viên McCain, 71 tuổi, có nhiều kinh nghiệm trong chính trường hơn. Hơn nữa, xét về ưu thế thì Hillary rõ ràng là kém ưu thế hơn Obama.

Ngày 1 tháng 6, tại cuộc bầu cử sơ bộ ở Puerto Rico, khi Hillary chiến thắng Obama với tỉ số 2:1, bà có bài diễn thuyết tại thủ phủ của Puerto Rico, nơi gần một nửa dân số Puerto Rico có mức thu nhập bình quân không đến 150 nghìn đô la Mỹ/năm và chủ yếu là người gốc Latin.

Cũng hôm đó, Obama có bài diễn thuyết ở ngoài trời trước một số đông dân chúng tại thủ phủ bang South Dakota. Những điều hai đối thủ đề cập đến không khác nhau bao nhiêu, chỉ có điều, Hillary nhấn mạnh đến phúc lợi xã hội, y tế… còn Obama thì lại nhấn mạnh đến những mặt rộng như sự thống nhất của quốc gia…

Trong bài diễn thuyết, Hillary tỏ ra rất lí tính, nhấn mạnh đến logic, nhưng với cương vị là nhà diễn thuyết, bà không phải là người có thể khiến mọi người cảm động.

Obama thì khác, bài diễn thuyết của ông có tính khích lệ khá cao. Với cùng nội dung nhưng thông qua khả năng diễn thuyết của Obama, sự cảm nhận đã hoàn toàn khác. Hai đối thủ đều nói một câu: “Cuộc bầu cử lần này không phải dành cho tôi, mà dành cho các bạn, liên quan đến cuộc bầu cử của các bạn”, nhưng khi Hillary nói thì tỏ ra uể oải, còn lời nói của Obama lại khích lệ nhiệt tình ở người nghe.

4. Tuổi trẻ không chỉ luôn là vốn quý

Quá trình công tác còn ít, không đủ kinh nghiệm, đó là những điểm yếu của Obama, nhưng cũng lại là ưu điểm của ông. Obama trẻ tuổi, giàu nhiệt huyết, nụ cười rạng rỡ cùng tài diễn thuyết bẩm sinh của ông là sức hấp dẫn vượt ra khỏi ranh giới chủng tộc và đảng phái khiến người ta kinh ngạc. Điều đó đã giúp Obama giành được vô số phiếu bầu và tiền quyên góp.

Có người đã từng so sánh và nói, so với Hillary, Obama thích hợp để diễn thuyết trước đông đảo quần chúng hơn, biết cách khơi gợi lòng nhiệt tình của quần chúng, còn sở trường của Hillary là tiếp xúc với những nhóm người nhỏ. Đặc điểm này đã chứng tỏ Hillary không phù hợp để đảm đương trọng trách Tổng thống nước Mỹ. Với tư cách là Tổng thống Mỹ thì làm một vận động viên xuất sắc quan trọng hơn làm một huấn luyện viên ưu tú.

Obama là người da đen nhưng lại không phải là một người Mỹ da đen thực thụ. Ông coi mình là “người bảo hộ” của người da đen nhưng lại trưởng thành trong nền văn hóa của người Mỹ da trắng, chịu sự giáo dục của người da trắng. Đặc điểm này khiến cho khả năng trúng cử Tổng thống Mỹ của ông tăng lên rất nhiều.

Cử tri Mỹ hiện nay đã quá nhàm chán với những gương mặt cũ mười mấy năm không thay đổi, chán ghét cuộc sống chiến tranh, cảm nhận được một cách sâu sắc hậu quả của sự suy thoái kinh tế, giá dầu leo thang, … do chiến tranh mang đến; người dân đang tìm kiếm một gương mặt mới, một chính trị gia “trong sạch” và có quá trình tham chính đơn giản. Obama đã sinh đúng thời.

Tuy tự xưng là “Kenedy thứ hai”, có thể mở ra một thời đại mới cho nước Mỹ, nhưng sự thiếu hụt kinh nghiệm trên chính trường cũng gây cho Obama không ít những rắc rối.

Khi mới bắt đầu, chính luận tranh cử của Obama chỉ tấn công vào các chính sách hiện nay của chính phủ Bush chứ không đưa ra được nhiều kiến nghị mang tính xây dựng; sách lược mà ông áp dụng là những sách lược các chính trị gia thường áp dụng, làm tăng tính nghiêm trọng, mức đen tối của vấn đề, đồng thời thuyết phục dân chúng hiểu rằng mình mới là tia sáng duy nhất. Nhưng càng vào sâu cuộc tranh cử, chỉ phương pháp đó thì chưa đủ.

Vì thế, Obama dựa trên đường lối ngoại giao truyền thống của Đảng Dân chủ, tuyên bố chấp nhận đối thoại với bất kỳ quốc gia nào, thông qua đối thoại để giải quyết vấn đề, cách làm này dường như rất có tác dụng đối với mâu thuẫn trong dân chúng. Tuy nhiên, đối thủ của Đảng Cộng hòa lại không chịu bỏ qua, đã tiến hành công kích mạnh mẽ.

Để thay đổi hình ảnh một chính trị gia mềm yếu của mình, Obama lại đưa ra một phương thức mới, về cơ bản vẫn là dựa trên đường lối cũ của Đảng Dân chủ: Mỹ đưa quân sang Trung Đông là do nhu cầu chống khủng bố, trùm khủng bố Bin Laden lại trốn ở Pakistan và Afghanistan, bởi vậy, nước Mỹ phải rút quân khỏi Iraq, chú trọng đối phó với Afghanistan. Hơn nữa, nếu cần thiết, có thể tiến thẳng vào Pakistan bắt Bin Laden mà không cần được cho phép. Câu nói này lại gặp phải sự phản đối kịch liệt.

Chủ quyền của một quốc gia không thể tùy tiện xâm phạm, hơn nữa Pakistan còn là một đồng minh quan trọng của nước Mỹ trong cuộc chiến tranh chống khủng bố ở Trung Đông, do đó, lời nói của Obama đã làm thái độ phản đối Mỹ trong nội bộ Pakistan dâng cao, chứng tỏ sự non nớt về ngoại giao của ông.

Việc đánh Iraq đã được cả hai Viện thông qua, số tiền nước Mỹ bỏ ra cho cuộc chiến Iraq đã trở nên quá lớn, hơn nữa, động cơ của cuộc chiến không chỉ đơn thuần là chống khủng bố, quan trọng hơn, đó là sự cân nhắc về chiến lược năng lượng lâu dài của nước Mỹ. Xét về động cơ thứ hai, giống như McCain nói, quân Mỹ có ở lại Iraq 100 năm thì cũng là lẽ đương nhiên, Iraq không giống với Việt Nam thời trước, không chỉ đơn thuần là mục đích chính trị.

Cũng có thể vì nguyên nhân đó, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa phần nhiều chỉ thể hiện sự hoài nghi chứ không bày tỏ sự phản đối một cách rõ ràng. Việc Obama phản đối cuộc chiến Iraq tuy có thể giành được một số lợi ích chính trị trong một thời gian ngắn, nhưng về lâu dài, dù ông có trúng cử, kế hoạch rút quân khỏi Iraq khó có thể thực hiện được, đến lúc đó, “lời nói không đi đôi với việc làm” sẽ không đem lại lợi ích gì cho ông. Những vị tổng thống có thành tích tốt đều rời Nhà Trắng sau khi kết thúc 2 nhiệm kỳ, trừ phi là vạn bất đắc dĩ thì đối với các ứng cử viên, trúng cử là rất quan trọng, nhưng liên nhiệm cũng quan trọng không kém.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.