Bí Quyết Thành Công Của Obama

CHƯƠNG 6: RA NGOÀI XÃ HỘI



“Đây chính là cuộc đời, có muốn lên kế hoạch cũng không được và ghét bỏ cũng không xong. Mọi con đường đều dẫn đến Roma với điều kiện là phải làm hết mình”.

Mùa hè năm 1983, Obama tốt nghiệp Đại học Colombia với thành tích xuất sắc. Ông ra trường với đôi vai trĩu nặng các khoản vay đóng học phí nên rất muốn tìm một công việc có thu nhập tốt, nhưng mong ước này không thành hiện thực. Sau 4 năm sống tại New York, năm 1985, ông đã chuyển tới Chicago để làm các công việc liên quan tới tổ chức cộng đồng với đồng lương ít ỏi. Ông làm việc liên tục mấy năm cho đến khi rời Chicago đến học nghiên cứu sinh tại Đại học Harvard.

1. Bắt đầu từ việc “cắm rễ”

Khi chuẩn bị tốt nghiệp Đại học Colombia, Obama quyết định mình sẽ làm việc cho tổ chức cộng đồng.

Thời gian này, Obama có cảm giác giống hệt như hồi sắp tốt nghiệp trung học cách đó 4 năm. Ông đã hoàn thành một phần cuộc đời, nhưng bước tiếp theo sẽ phải đi như thế nào thì vẫn còn rất mơ hồ. Ngày tốt nghiệp trung học, Obama chỉ có một nhà thơ già để chỉ bảo, nhưng những lời chỉ bảo ấy càng làm cho ông rối thêm. Giờ ông có nhiều giáo sư để xin tư vấn, và những lời khuyên của họ cũng rất rõ ràng, sát với thực tế, nhưng hình như đó cũng không phải là những gì Obama muốn.

Điều này cũng bình thường vì đa phần các sinh viên tốt nghiệp đại học đều rơi vào tình trạng mơ hồ.

Tuy nhiên, vì mẹ không giục giã đăng ký học nghiên cứu sinh nên Obama thấy bớt đi rất nhiều áp lực.

Lúc đó Obama chưa có khái niệm rõ ràng, cũng không biết thực sự người làm công tác tổ chức cộng đồng sẽ phải làm những gì, càng chưa thấy ai có điều kiện vật chất tốt khi làm nghề này.

Obama đã tận mắt chứng kiến rất nhiều mặt trái của xã hội, ông quyết tâm phải thay đổi những thói hư tật xấu của xã hội, tổ chức cộng đồng người da đen phải bắt đầu làm từ gốc. Ông làm việc với bầu nhiệt huyết hừng hực dâng trào giống như bố mình.

Những người làm công tác tổ chức cộng đồng hầu hết là người nghèo. Họ cũng không phải là những người giỏi giang nên thu nhập rất eo hẹp. Hơn nữa, họ không phải là những người theo đuổi lý tưởng, hoài bão lớn lao, đa số họ chấp nhận làm công việc này vì không còn cách nào khác.

Với học lực như Obama thì chưa có ai xin vào làm công tác xã hội như thế cả. Có lẽ đó cũng là nguyên nhân khiến những lá đơn xin việc của ông không nhận được hồi âm.

Không còn cách nào khác, Obama đành phải tìm một công việc sống qua ngày. Tuy thành tích học tập xuất sắc, bản thân là người thông minh, lại tốt nghiệp từ trường đại học danh tiếng hàng đầu nước Mỹ, nhưng tất cả những điều đó hình như vẫn không được xã hội chấp nhận. Obama kiên trì gửi hồ sơ xin việc đi khắp nơi mong tìm được công việc có thu nhập khá, nhưng không nơi nào cần ông.

Vào thời điểm ấy, Obama luôn đóng mình trong bộ comple lịch lãm, tay mang cặp công văn đi khắp nơi để phỏng vấn. Vào thời gian đó, nền kinh tế của Nhật Bản và Đức phát triển như vũ bão; cũng vì ở gần phố Wall nên Obama đã thử thi vào mấy Công ty tài chính của Nhật và Đức, hy vọng tìm được công việc có thu nhập cao. Nhưng giấc mơ ấy chẳng bao giờ thành hiện thực, hơn nữa chuyên ngành ông học không hợp với lĩnh vực tiền tệ. Đến giờ Obama thấy mình thật may mắn vì hồi đó đã không thành công.

Sau này ông tìm được công việc chuyên trách đầu tiên tại Công ty Thương mại quốc tế – Business Internationl. Đây là một công ty có quy mô trung bình với 250 nhân viên. Công việc của công ty là xuất bản những tờ báo tin tức và những báo cáo nghiên cứu. Nói chung, đây là một công ty xuất bản chứ không phải công ty tư vấn thực thụ. Những nhân viên vào làm tại công ty đều là những người mới tốt nghiệp đại học, lương ở mức bình thường. Công việc hồi đó của Obama là viết báo cáo nghiên cứu cho Dự án phục vụ của hoạt động viện trợ tại nước ngoài – Financing Foreign Operations và viết bài cho Tờ báo tiền tệ thương mại quốc tế.

Những đồng nghiệp ngày ấy sau này nhận xét về Obama như sau: Obama là người thông minh, chín chắn, biết kiểm soát cá nhân rất tốt. Obama sống rất tự tin. Sự chín chắn trong suy nghĩ và hành động của Obama khiến ông trưởng thành hơn nhiều so với những người bạn cùng tuổi.

Làm việc hết sức cẩn thận chính là một thói quen tốt của Obama, hai năm sống ở New York đã khiến ông thay đổi rất nhiều. Do nỗ lực phấn đấu nên không lâu sau, Obama được cất nhắc lên vị trí cao hơn. Không những thế, công ty còn bố trí cho ông một nữ thư ký giúp việc và một văn phòng làm việc riêng. Nhưng chẳng bao lâu sau, Obama không còn hứng thú với công việc này. Vì thế, ông quyết định xin nghỉ việc.

Khoảng một năm sau, tức là cuối năm 1984, ông được nhận vào làm tại “Cục nghiên cứu các vấn đề cộng đồng”, là nhân viên của Phân viện Harlen, Học viện thành phố New York, chuyên phụ trách tổ chức và quản lý những sinh viên tình nguyện. Đây là tổ chức phi lợi nhuận, trách nhiệm chính là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và môi trường, cung cấp ý kiến về cải cách chính quyền để chính phủ tham khảo. Ông làm ở đó ba tháng.

Đó không phải là công việc quan trọng, lương cũng chưa được 10.000 đô la Mỹ/năm. Nhưng chính tại nơi này Obama đã rèn luyện cho mình khả năng cân bằng và tổ chức, nhất là cân bằng giữa các chủng tộc. Ngoài ra, Học viện thành phố phải đối mặt với nhiều sinh viên khác hẳn với sinh viên ở Đại học Colombia. Đây cũng là cơ sở để sau này ông nhận được nhiều sự ủng hộ và đồng thuận của người da đen ở bang Chicago.

Giữa những năm 80, hai nước Nhật Bản và Đức đã hoàn toàn hồi phục được tình trạng kinh tế sau những khủng hoảng của Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Tốc độ, trình độ của ngành công nghiệp sản xuất ở các nước này phát triển mạnh, khiến ngành công nghiệp sản xuất ở Mỹ phải có những điều chỉnh nhất định. Các xưởng sản xuất chuyển ra nước ngoài, các xưởng trong nước đóng cửa… làm cho tình hình kinh tế và chính trị của Mỹ bị suy thoái mạnh.

Chicago vốn là một trong những trung tâm công nghiệp quan trọng hàng đầu của nước Mỹ. Giao thông đường thủy thuận lợi là một nhân tố giúp Chicago có được những trang sử phát triển huy hoàng. Phía nam Chicago là phần giáp giữa bang Indian và bang Illisnois, nằm ở vị trí có nhiều xưởng chế tạo sắt thép; do nhu cầu về sắt thép trong chiến tranh thế giới lần hai nên thành phố phát triển rất nhanh. Nhưng vào những năm 50 và 60, vị trí hàng đầu trong ngành chế tạo sắt thép đã bị nước Nhật nắm giữ. Nền kinh tế Nhật Bản mạnh hẳn lên sau chiến tranh. Đến những năm 80, ngành công nghiệp sắt thép của Mỹ sa sút rất nhiều. Chính phủ Mỹ tìm mọi cách và áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ nhưng vẫn không xoay chuyển được tình hình. Đa số các công ty lớn phải tuyên bố phá sản. Những năm 90, nền kinh tế Mỹ đang trong đà suy thoái, hàng loạt các công ty gang thép lớn của nước Mỹ đứng bên bờ phá sản mặc dù đã được hưởng nhiều chế độ bảo hộ.

Khoảng hơn chục năm lại đây, cùng với sự lớn mạnh của nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ, nhu cầu về sắt thép đã giúp cho giá mặt hàng này được đẩy lên cao, nhờ vậy tránh cho nhiều công ty khỏi phá sản. Cũng từ thời điểm này, ngành công nghiệp sắt thép đã thu được rất nhiều lợi nhuận.

Những năm 80, nền kinh tế Mỹ bị suy thoái khiến nhiều công ty sản xuất sắt thép phải đóng cửa. Tình trạng đó đã giáng một đòn chí mạng vào ngành công nghiệp của miền nam Chicago. Tỷ lệ người thất nghiệp tăng cao, đa phần những công nhân làm việc tại các công ty sản xuất sắt thép lại là người da đen nên việc này đã để lại những hậu quả khó lường, khiến xã hội rối ren. Khi ấy, vị quản lý tổ chức cộng đồng ở miền Nam Chicago tên là Marty Kaufman đã quyết định tuyển một người da đen vào làm việc. Nhiệm vụ chính của người này là giúp những công nhân thất nghiệp ở khu phố nghèo cũng như gia đình của họ thoát khỏi những ngày khó khăn. Marty là người da trắng Do Thái, ngoài 30 tuổi, nên không được người da đen tin tưởng, chính vì vậy ông cần một người da đen hỗ trợ mình.

Miền Nam Chicago là nơi người da đen sinh sống đông nhất trên nước Mỹ. Khi Marty nhận được đơn xin việc của Obama, ông cũng không rõ liệu Obama có làm được hay không. Vì cái tên Obama khiến ông không thể biết được đó có phải là người da màu hay không. Ông muốn tìm một người da màu gốc Phi.

“Cái tên Obama nghe giống tên người Nhật Bản em nhỉ?”. Ông đã phải hỏi vợ mình, một người Mỹ gốc Nhật như thế.

“Cũng có vẻ giống”. Vợ ông nói với giọng khẳng định.

“Nhưng anh muốn tìm một người da đen…”. Ông đã phải lẩm nhẩm câu nói ấy.

“Anh gọi điện cho người ta nghe giọng xem sao. Nhưng nhớ đừng có hỏi thẳng, nếu không rắc rối to”. Vợ ông dặn dò.

“Xem ra chỉ còn mỗi cách là anh phải đến New York thôi”. Ông đã đi gặp chàng thanh niên Obama ở Mahatun, New York.

Đây là một trường hợp ngoại lệ, bình thường, công việc với đồng lương ít ỏi như vậy thì chẳng ai mất công đi xa phỏng vấn người xin việc. Xem ra ông Marty thực sự không tìm thấy người mình muốn. Tiền lương thấp, người giỏi không ai muốn làm, người muốn làm thì lại không đủ khả năng.

Obama thực sự là một người đặc biệt, vì vậy sự lựa chọn của ông cũng khác hẳn với những người bình thường khác.

Vừa nhìn thấy Obama, ông Marty liền thở phào nhẹ nhõm, đúng là một “anh chàng da đen thực sự”.

“Obama, cậu nói cho tôi biết, tại sao cậu lại muốn làm nghề này?”

“Tôi muốn làm việc cho tổ chức cộng đồng từ lâu rồi”. Obama nói.

“Cậu có oán hận với ai hay với chuyện gì à?”

“Không có. Tại sao ông lại hỏi thế?” Obama hỏi vặn lại.

“Theo kinh nghiệm của tôi, chỉ có những người có oán hận điều gì đó, muốn chiến đấu với bản thân mình thì mới theo nghề này”. Ông Marty nói.

“Tôi chính là người như vậy đấy”. Ông Marty nói thêm một câu.

“Tôi thực sự không có gì oán hận”. Obama khẳng định lại với giọng chắc nịch.

Ông Marty hơi thất vọng trước câu trả lời của Obama, nhưng sau đó thì rất vui. Vì Obama thực sự muốn theo nghề này, và trong lòng chất chứa lý tưởng dù con đường đi còn rất mơ hồ.

Là người da đen, lại vừa tốt nghiệp Đại học Colombia mà bằng lòng làm việc với mức lương 13.000 đô la Mỹ/năm, cộng thêm khoảng 2000 đô la Mỹ tiền công tác phí thì thực sự Obama là con người quá đạt tiêu chuẩn. Ông Marty rất mừng, tạm ứng ngay 2000 đô la Mỹ tiền công tác phí để Obama mua một chiếc xe hơi cũ. Khi ấy, chỉ cần khoảng vài trăm đô la là có thể mua được một chiếc xe hơi cũ khá ổn.

Mùa hè năm 1985, sau hai năm làm việc tại New York, Obama đã lái chiếc xe hơi Honda cũ vừa mua được đến Chicago. Đây là chiếc xe hơi đầu tiên ông mua được bằng chính tiền lao động của mình. Dù đó chỉ là một chiếc xe hơi cũ nhưng Obama vẫn rất vui.

Obama đến một thành phố hoàn toàn xa lạ để phát triển sự nghiệp. Trong trái tim của anh chàng 24 tuổi Obama lúc ấy chỉ nghĩ nhiều đến sự tồn tại, tìm được chỗ làm việc để sống là tốt rồi. Thu nhập của ông không cao, khoản nợ khi học đại học vẫn còn treo lơ lửng trên đầu nên phải làm việc để tồn tại. Ông cũng muốn tìm công việc có thu nhập cao, nhưng có quá nhiều nguyên nhân nên dù cố gắng ông cũng vẫn thất bại. Khi ấy Obama đang ở trong tình trạng tìm kiếm, hoang mang.

Vừa đặt chân đến Chicago, Obama liền đi cắt tóc tại một tiệm cắt tóc của người da đen ở khu miền Nam Chicago. Đến đó ông đã trực tiếp cảm nhận được sự đối xử nhiệt tình của người da đen dành cho mình và niềm tự hào, vui mừng của họ giành cho vị Thị trưởng da đen vừa trúng cử.

Đi đến đâu cũng thấy báo chí đăng tin vị Thị trưởng da đen này trúng cử, mặc dù cuộc bầu cử đã kết thúc từ lâu. Người da đen vô cùng hứng khởi nói về vị Thị trưởng này như nói về Thượng đế của họ vậy.

Họ coi Obama, một anh chàng da màu như người bạn tri âm của mình. Họ trò chuyện, tâm sự với ông vô tư, thoải mái. Điều ấy đã làm cho Obama thấy lòng ấm áp hơn bao giờ hết.

“Nếu mình là ông Marty thì có cảm nhận được những điều ấy không?”. Obama tự hỏi và cũng tự trả lời luôn: “Chắc chắn là không rồi”.

Ai nói là vẻ bề ngoài không quan trọng nhỉ? Nhiều khi vẻ bề ngoài còn quan trọng hơn cả nội tâm bên trong ấy chứ.

“Ba phần là do tướng mạo bố mẹ sinh ra, còn lại bảy phần là do cách bạn trang điểm, ăn mặc”. Điều này đã nói lên tầm quan trọng của vẻ bề ngoài.

Chuyện này khiến Obama nhớ lại câu chuyện xảy ra ở Hawaii cách đây đã lâu. Một lần, khi tan học, trên đường trở về khu chung cư của ông bà ngoại, Obama vô tình đi cùng một bà lão da trắng vào trong thang máy. Bà lão bước vào thang máy trước, Obama cũng vội vã theo sau. Đó là chuyện hết sức bình thường.

Không ngờ, chẳng để cho thang máy kịp đóng cửa, bà lão kêu lên: “Sao cậu cứ theo tôi thế? Sao cậu lại theo dõi tôi? Cậu định làm gì?”

Bà lão lớn tiếng mắng mỏ Obama. Obama bực và cũng rất lúng túng. Cảm giác này đã theo Obama đến tận ngày ấy.

Khu chung cư có ít người da đen, nhưng cũng không hoàn toàn chỉ có người da trắng sinh sống mà còn có một số người châu Á, nhưng họ chỉ đề phòng người da đen. Với họ, hình như người da đen sinh ra đã là kẻ trộm, xấu xa. Không biết từ đâu mà họ có cái ấn tượng ấy, và chẳng biết bao giờ điều này mới mất đi.

Còn ở khu phố miền Nam Chicago này lại có rất nhiều người da đen sinh sống, đến đây Obama cảm thấy như mình đã được về nhà. Lần đầu tiên ông cảm nhận được sự đồng cảm, thấu hiểu, chia sẻ, tin tưởng của người khác dành cho mình, dù ông chỉ là người lạ với họ. Nguyên nhân chính vì họ là những người da đen. Điều này Obama chưa bao giờ nghĩ tới và ông thấy vui mừng cho sự lựa chọn đúng đắn của mình.

Obama luôn nói rằng, ngay từ khi tốt nghiệp đại học ông đã muốn được làm công tác xã hội, phục vụ cho những đồng bào da màu của mình. Trước khi đi Chicago thì tất cả những điều ấy còn rất mơ hồ trong ông.

Nếu ông Marty không gọi điện cho Obama, thì có thể cả đời này Obama không có duyên được gặp gỡ với những người da đen ở miền Nam Chicago, thậm chí là chẳng có liên hệ gì với mảnh đất Chicago. Khi ấy Obama gần như đã bỏ mặc kế hoạch làm nhân viên cho tổ chức cộng đồng, ông không để tâm tới lá thư xin việc mình đã gửi tới Chicago.

Vì quá nhiều thư xin việc được gửi đi mà không có hồi âm nên Obama cũng quen với việc này, vì vậy ông không có nhiều hy vọng. Lúc ấy ông đang tìm kiếm những cơ hội lập nghiệp khác, chuẩn bị viết những lá thư xin việc khác.

Đây chính là cuộc đời, có muốn lên kế hoạch cũng không được và có ghét bỏ cũng không xong. Mọi con đường đều dẫn đến Roma với điều kiện là phải làm hết mình.

2. Tìm cơ hội ở Chicago

Đến Chicago phát triển sự nghiệp, giành được sự ủng hộ chính trị của những người dân da đen là một thách thức to lớn đối với Obama. Tuy bề ngoài họ chấp nhận ông là người da đen, nhưng trong quan hệ thì không đơn giản, dễ dàng như vậy.

Một là, ông không phải là người da đen gốc Mỹ. Như vậy có nghĩa là “chưa đủ đen”. Ông chỉ là con lai của người cha da đen châu Phi và người mẹ da trắng Mỹ. Nói cách khác, ông chỉ là người da đen châu Phi di dân mà thôi.

Hai là, ông chưa từng có liên hệ gì với khu của người da đen này. Ông là người mới đến, một người xa lạ, không có gốc rễ ở đó.

Khoảng 13, 14 năm trước Obama cũng đã từng đến vùng này, nhưng vì thời gian đã lâu nên những gì ông biết về mảnh đất này trong thời điểm hiện tại chỉ là trên ti vi, báo chí. Thêm vào đó, thành phố New York cũng có nhiều người da đen, Obama có nhiều điều kiện phát triển sự nghiệp của mình nên chẳng nghĩ đến việc rời xa thành phố này để đến nơi khác tìm hiểu.

Hơn nữa, với tình hình lúc đó, Obama không thể suy nghĩ quá nhiều.

Nhiều người có tâm lí sùng bái mù quáng, họ cho rằng khi một người thành công thì điều đó có nghĩa là họ xuất sắc hơn mọi người, luôn biết nghĩ đến mọi việc trước người khác. Vì thế họ thường lên kế hoạch trước cho cuộc đời mình. Nhưng trong trường hợp Obama thì không giống như vậy.

Cuộc đời con người giống như một ván cờ, phải đối mặt với quá nhiều đối thủ mạnh. Chẳng ai có khả năng lên kế hoạch sẵn cho cuộc đời mình, khiến cho đối thủ cạnh tranh phải phục tùng suy nghĩ của mình, còn mình thì tiến thẳng tới thành công. Cho dù gặp may mắn và có khả năng làm được điều này thì người như vậy cũng không có nhiều trong cuộc sống đời thường.

Nếu bạn biết nắm lấy và tận dụng triệt để cơ hội, làm hết sức mình thì chắc chắn bạn sẽ thấy được tia hy vọng thành công ở cuối đường hầm. Obama là người như vậy. Ông thông minh, cuộc sống gặp nhiều may mắn và có lòng dũng cảm tiến đến thành công. Với những nhân tố ấy, Obama đã nhìn thấy tia hy vọng thành công. Cần nhớ, thời điểm ấy Obama mới chỉ là một nhân vật hết sức bình thường, tìm được một việc làm, kiếm chút tiền sống qua ngày.

Xã hội của người da đen ở Mỹ có tính bài trừ rất mạnh, người ngoài không thể hy vọng đánh bật được họ và miền Nam Chicago cũng không phải là ngoại lệ.

Điểm mạnh của Obama chính là biết xác định vị trí bản thân mình một cách chính xác, và rất giỏi tận dụng cơ hội.

Tuy Obama sinh ra và lớn lên ở khu của người da trắng nhưng ông là người có màu da đen. Trong bối cảnh nước Mỹ vẫn còn tồn tại sự phân biệt chủng tộc thì Obama không dễ dàng gì bước vào xã hội của người da trắng, được người da trắng chấp nhận. Ngay một công việc lương cao ông cũng không thể tìm thấy. Muốn phát triển sự nghiệp, hay chỉ đơn giản là muốn được sống trong hoàn cảnh tốt hơn thì cần phải biến mình thành người da đen theo kiểu Mỹ, hòa nhập vào xã hội người da đen thuộc về mình. Sau khi đến Chicago, Obama đã làm như vậy.

Ở nước Mỹ, có nhiều nhà lãnh đạo chính trị xuất thân từ các gia đình giàu có, thế lực. Thế hệ đi trước tạo điều kiện thuận lợi cho thế hệ sau tham gia vào con đường chính trị. Những người này chỉ cần tốt nghiệp từ một trường đại học nổi tiếng, sau đó họ sẽ được đào tạo thành chính trị gia. Kenedy và Bush con là ví dụ điển hình cho kiểu gia đình chính trị “cha truyền con nối”.

Còn một kiểu nhà chính trị nữa được xã hội chấp nhận và ủng hộ. Nước Mỹ là nước có nền chính trị theo bầu cử, mỗi người một phiếu, chỉ cần có được đủ số phiếu ủng hộ thì dù là nhân vật bé nhỏ như Bill Cliton, trải qua nhiều năm cố gắng cũng có khả năng giành được quyền lực cao nhất. Đây chính là làm chính trị từ cơ sở, và đó là sự lựa chọn duy nhất của Obama. Obama hoàn toàn khác biệt với những nhà chính trị xuất thân từ những gia đình danh giá.

Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình bình dân, và mặc dù không thuộc dòng dõi các gia đình thế phiệt danh giá nhưng Obama được rất nhiều người coi là một trong những nhân vật năng động nhất trong nền chính trị nước Mỹ. Kỹ năng diễn thuyết, phong cách và khả năng giao tiếp của ông được so sánh với Abraham Lincoln và John F. Kennedy. Trong bài phát biểu của mình, ông nói rằng, câu chuyện thành công của ông có yếu tố làm việc vất vả, một nền giáo dục rất tốt và sự may mắn. Đó còn là câu chuyện về rất nhiều di sản mà từ khi ông hiểu ra và chấp nhận thì luôn cảm thấy tự hào vì được kế thừa.

Marty là người huấn luyện “thực tế” thứ hai cho Obama sau cha dượng Lolo. Cha dượng Lolo đã cho Obama tư tưởng, còn ông Marty đã nói cho Obama biết phương pháp thực hiện.

Marty nói cho Obama biết: “Công việc của chúng ta là làm cho người da đen và người da trắng cùng chung sống tại khu vực này hiểu nhau, từ đó tìm ra cách tốt nhất giúp cho ngành sản xuất của Chicago thoát khỏi khó khăn. Đối tượng chính là giáo hội. Với những người làm công ăn lương nghèo khó thì chỉ có tổ chức như giáo hội mới khiến họ hình thành được sức mạnh thực sự”.

“Sức mạnh của công đoàn phải lớn hơn thế chứ?”. Obama hỏi.

“Bình thường thì đúng, công đoàn là một chỗ dựa khá ổn. Nhưng với tình hình hiện nay, công đoàn không duy trì được hoạt động của mình nên không còn khả năng để thực hiện sự công bằng cho công nhân. Chính vì thế giáo hội trở thành chỗ dựa duy nhất, là nơi mọi người đến nhiều nhất”.

“Liệu họ có hợp tác không?”

“Chắc là không, họ luôn thiếu tinh thần hợp tác. Tất nhiên là trừ phi cậu có biện pháp gì hay, giúp họ giải quyết được vấn đề, ví dụ, giúp họ thanh toán khoản phí lò sưởi của mùa đông”.

Obama hiểu rằng cần phải tìm ra biện pháp đem đến lợi ích thực tế cho họ.

Ông Marty cũng nhắc nhở Obama: “Chicago là một thành phố mà người da trắng và người da đen có khoảng cách rất xa. Gần đây người da đen đang vui mừng vì vị tân Thị trưởng là người da đen, nhưng người da trắng vùng này lại rất ghét ông ấy”.

Nói xong, Marty hỏi Obama ngay: “Nếu cậu muốn làm điều gì đó thực sự thì tại sao cậu lại không liên hệ với Văn phòng Thị trưởng Chicago nhỉ? Cậu có thể làm một chức vụ bình thường ở đó cũng được”.

“Tôi đã thử liên hệ rồi”.

“Nếu cậu muốn theo nghiệp chính trị thì cần phải tìm một Văn phòng bầu cử và bắt đầu từ đó”. Ông Marty chỉ bảo.

Thực ra, chuyện về người Thị trưởng da đen này ai cũng biết, không riêng gì Obama. Obama đã gửi đơn xin việc nhưng không nhận được câu trả lời. Obama đã làm rất nhiều nhưng rốt cuộc đều không có kết quả, vì thế mà ông quyết định đến Chicago.

Dưới sự dẫn dắt của Marty, Obama đã đi đến rất nhiều nhà thờ với mong muốn tổ chức được mọi người để giải quyết khó khăn. Nhưng công việc tiến triển rất chậm, hiệu quả chưa rõ ràng.

Tuy vậy, Obama vẫn hết sức nhiệt tình. Ba năm trôi qua thật nhanh, Obama đã làm được rất nhiều việc ở những nơi rất khó thành công. Ông đã tìm được “ngôi nhà tâm linh” và đặt nền móng vững chắc cho sự thành công rực rỡ sau này của mình.

Ông hòa nhập vào xã hội người da đen; bước đầu tiên để trở thành người da đen Chicago là phải theo đạo, có chung tín ngưỡng với họ: “Vì tín ngưỡng chung mà chúng ta đã đến bên nhau”. Đây quả là một câu nói hết sức cảm động.

Lúc ấy Obama vẫn chưa phải là tín đồ Cơ đốc giáo, ông chính thức trở thành tín đồ Cơ đốc giáo sau khi tốt nghiệp Đại học Harvard và quay lại Chicago.

Obama có được thành công ở Chicago là nhờ vào hai người. Một người là sếp của Obama – ông Marty, còn người kia là linh mục Jeremaiah Wright. Nếu nói cha dượng Lolo là người dạy bảo Obama những triết lý nhân sinh “sơ cấp” khi ông còn nhỏ thì linh mục Jeremaiah Wright lại là người truyền thụ cho ông những triết lý nhân sinh “trung cấp”.

3. Nguồn cội ở khu người da đen

Quãng thời gian sống ở Chicago giúp Obama trưởng thành rất nhiều. Ông nhận ra rằng, muốn thay đổi số phận của mình, tiền đồ của mình thì chỉ có một cách duy nhất là phải học, nếu không, mãi mãi sẽ chỉ làm những việc nhỏ bé, và cả cuộc đời sẽ trôi qua tẻ nhạt. Tại đây Obama có thêm rất nhiều bạn, trong đó có nhiều người, nhiều việc đáng để ông học hỏi. Bạn bè đều nói, nếu Obama cứ tiếp tục thế này thì quả là lãng phí. Nếu muốn có thành công thì ông phải hướng về phía trước. Với tài nói, tài viết của mình thì việc chọn học ngành luật và làm luật sư là sự lựa chọn tốt nhất cho Obama. Vì thế, ông quyết định thử sức, thi vào một trong những trường đại học danh tiếng hàng đầu nước Mỹ là Đại học Harvard.

Ông đã dành nhiều thời gian chuẩn bị tài liệu đăng ký và thi cử. Ngoài giờ làm việc, Obama dành toàn bộ thời gian còn lại cho việc học hành. Ông mua rất nhiều sách tham khảo. Ngoài thời gian ở nhà thì Obama đều lên thư viện. Hồi ấy, lương rất thấp, điều kiện sống lại kém nên vào thư viện học là một lựa chọn tốt. Thuận lợi là nước Mỹ có hệ thống thư viện công hoàn hảo, nhiều sách và không thu phí, yên tĩnh, mát mẻ. Bất cứ ai muốn học đều có điều kiện và cơ hội.

Obama là người thông minh, điểm thi của ông luôn vượt quá yêu cầu. Hơn nữa, vì có quá trình làm việc tại khu người da đen nghèo nên Obama khác hẳn với những thí sinh khác. Những thí sinh cạnh tranh được với Obama về bề dày kinh nghiệm quả thực là không có. Các thí sinh chủ yếu đều vừa tốt nghiệp từ những trường đại học nổi tiếng, cũng có người có vài năm kinh nghiệm, nhưng họ đều có công việc tốt, lương lại khá.

Đại học Harvard luôn nhấn mạnh việc đa nguyên hóa, với những thí sinh thi đạt tiêu chuẩn lại có thêm bề dày kinh nghiệm đặc biệt thì cơ hội trúng tuyển càng cao. Trường luôn mong tuyển được những nhân tài đặc biệt. Và Obama chính là nhân tài như thế, là vị lãnh đạo của tương lai. Obama đã thực hiện được mơ ước của mình, được đào tạo sau đại học tại Đại học Harvard. Tháng 2 năm 1988, Obama nhận được Giấy báo nhập học của Đại học Harvard. Ông đi Harvard vào năm 28 tuổi.

Obama lặng lẽ đăng ký thi vào Đại học Harvard, rất ít người biết chuyện này. Ông không muốn mọi người nghĩ rằng mình muốn rời xa nơi khốn khó này. Thật bất ngờ, sau khi trúng tuyển, Obama thông báo với mọi người thì tất cả đều đồng tình với lựa chọn của ông. Bởi vì, nếu anh là một giọt nước thì anh cần phải lựa chọn, rơi xuống sông đổ ra biển, hay ở lại sa mạc khô cằn và rồi nhanh chóng mất đi. Khi ở Indonesia, cha dượng Lolo cũng đã nói với bà Ann – mẹ Obama: “Em là người nước ngoài, lúc nào em cũng có thể rời khỏi nơi đây nếu em muốn. Em có thể ra đi bỏ lại những phiền muộn phía sau”. Obama không phải là người nước ngoài, nhưng với những gì đã học được thì ông quyết định ra đi.

Hòa nhập với người da trắng – đó là con đường tiến tới thành công của cuộc đời. Rất nhiều người da trắng gốc Phi, gốc Á đã làm như vậy. Có nhiều người đã thành công. Cuộc đời là những sự lựa chọn, ai cũng có quyền lựa chọn cho mình.

Việc này khiến Obama nhớ lại chuyện tình của mình sau khi tốt nghiệp Đại học Colombia. Khi ấy ông và cô gái da trắng yêu nhau được khoảng một năm, rất hạnh phúc. Gia đình cô gái sống ở khu người giàu ở ngoại ô New York. Họ đối xử với Obama rất thân thiện, nhưng ông luôn cảm thấy có điều gì rất khó hòa nhập, cảm thấy không an toàn trong bầu không khí văn hóa của người da trắng. Obama biết, nếu hai người tiếp tục yêu nhau, rồi kết hôn, ông sẽ phải “trắng hóa” mình để hòa nhập với họ, sống cuộc sống của người da trắng. Tuy chuyện này không có gì xấu, nhưng ông sẽ đánh mất bản thân mình. Obama muốn có “gốc” và ông biết mình không thể tìm được điều này trong xã hội của người da trắng.

“Tôi sẽ trở lại Chicago, trở lại khu này, trở về nhà mình. Tôi không bao giờ quên những người anh em da đen. Gốc của tôi là đây”. Obama xúc động nói với các đồng nghiệp.

Obama cũng biết nói điều đó vào lúc này mọi người sẽ cho là những lời khoác lác. Nhưng ông đang nói rất thật, ông sẽ dùng hành động và thời gian để chứng minh.

Thời gian Obama làm việc ở Chicago và học ở Harvard thì mẹ ông vẫn làm việc ở Indonesia.

Mùa hè năm nhận được thông báo nhập học của Đại học Harvard, Obama đã một mình về thăm quê hương Kenya. Ông gặp nhiều họ hàng thân thiết, nhân dịp này cũng tìm hiểu được rất nhiều chuyện. Tại đây, ông có những hiểu biết về cha mình ở góc nhìn mới, đồng thời học hỏi được nhiều điều.

Bà Ann, mẹ Obama luôn nay đây mai đó nên rất ít có thời gian bên ông. Điều này vô hình trung đã làm cho tâm hồn Obama bị tổn thương khá nhiều. Ông luôn có cảm giác không nguồn cội, không có nơi gửi gắm tâm hồn. Obama lựa chọn Chicago là gốc rễ của mình và lấy một người phụ nữ gốc ở đây – điều đó chứng tỏ mong muốn tìm thấy nguồn cội và được sống yên bình luôn cháy bỏng trong ông. Đây là điều Obama còn thiếu trong những năm thanh thiếu niên.

Năm 1991, Obama tốt nghiệp xuất sắc với học vị Tiến sĩ Luật, trở về Chicago, làm việc tại Văn phòng Luật sư Sidley and Austin năm 1989 và Văn phòng Luật sư Hopkin and Sutter năm 1990.

Như đã nói ở trên, nhờ nổi tiếng từ sự kiện “là người da đen đầu tiên đắc cử chủ nhiệm của Harvard Law Review”, Obama nhận được các hợp đồng viết sách về quan hệ chủng tộc. Muốn tuyển dụng Obama vào Ban giáo sư, trường Luật của Đại học Chicago đã dành cho ông một học bổng và một văn phòng. Không thể hoàn tất cuốn sách trong vòng một năm như dự định vì muốn thêm vào những hồi ức cá nhân, Obama và vợ đến Bali để tập trung cho công việc. Đến giữa năm 1995, cuốn sách được xuất bản dưới tựa đề “Giấc mơ từ người cha” – Dreams from My Father.

Từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1992, Obama điều hành Đề án Bầu phiếu tại Illinois, với sự cộng tác của 10 đến 700 tình nguyện viên, nhắm vào mục tiêu vận động được 150.000 đến 400.000 cử tri người Mỹ gốc Phi trong tiểu bang đăng ký đi bầu. Đề án này khiến Crain’s Chicago Business ghi tên Obama vào danh sách “Bốn mươi nhân vật U40 có thế lực nhất” năm 1993.

Sau đó, Obama dành 12 năm để dạy luật Hiến pháp tại trường Luật của Đại học Chicago, bốn năm đầu (1992-1996) là giảng viên, tám năm sau (1996-2004) là giảng viên chính. Năm 1993, Obama gia nhập Văn phòng Luật sư Davis, Miner, Barnhill & Galland, làm việc trong chuyên ngành luật Dân sự và phát triển kinh tế cộng đồng, cho đến năm 2004.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.