Bí Quyết Thành Công Của Obama
CHƯƠNG 4: CHUYỆN TÌNH HAWAII CỦA MẸ
“Ngẫu nhiên đã thay đổi cả lịch sử, và cũng chính vô vàn những cái ngẫu nhiên ấy đã trở thành điều tất yếu của lịch sử”.
Từ nhỏ Obama đã không được bố yêu thương, quan tâm; tâm hồn non nớt của ông cũng không được mẹ dành trọn tình yêu mẫu tử. Ông luôn có cảm giác bị bố mẹ “bỏ rơi”. Mỗi khi mọi người đề cập đến mẹ, ông đều cảm thấy khó chịu và cố gắng né tránh. Chuyện này đã để lại một bóng đen bao trùm ký ức và tâm hồn Obama.
Bà Ann, mẹ Obama được sinh tại bang Kansas, nước Mỹ. Bà học trung học tại Seatle, sau đó học đại học tại Trung tâm Đông Tây thuộc Đại học Hawaii. Bà yêu ngay từ năm đầu tiên. Mùa hè đầu tiên của năm học thứ nhất, bà sinh Obama khi tròn 18 tuổi. Chính người con này 46 năm sau đã làm thay đổi cả lịch sử nước Mỹ.
1. Mối tình đầu ở Hawaii
Trường Đại học Chicago nổi tiếng bởi hệ thống đào tạo về xã hội học, chính trị học, kinh tế học, nhiều người mơ ước được theo học tại ngôi trường này. Vì thế, sau khi tốt nghiệp trung học vào mùa thu năm 1960, bà Ann đã viết đơn xin theo học tại Đại học Chicago. Bà được nhà trường đồng ý nhận vào học. Điều đó chứng tỏ bà là một học sinh xuất sắc.
Tuy nhiên, ông bà ngoại Obama không yên tâm về con gái. Ông ngoại lo ngại con gái có suy nghĩ quá hiện đại còn bà ngoại thì cho rằng con gái vẫn chưa lớn, chưa biết phân biệt đúng sai. Lúc ấy cô Ann chỉ có tấm lòng nhiệt tình, một bầu máu nóng muốn sống độc lập, nhưng điều ấy liệu duy trì được bao lâu?
Thời điểm đó, tình hình kinh tế ở Seatle bắt đầu xuống dốc, việc kinh doanh đồ gia dụng gặp nhiều khó khăn. Ông ngoại Obama đã đi nhờ vả và cuối cùng tìm được cơ hội tiếp tục kinh doanh ở Hawaii. Ông quyết định đưa cả nhà đến sống ở Hawaii. Bà ngoại Obama là một bà mẹ “vừa hiền vừa ngoan” đúng tiêu chuẩn thời bấy giờ, bà tôn trọng và làm theo ý kiến của chồng, còn cô con gái thì không muốn chút nào. Bà Ann thấy Chicago tốt hơn với sự nghiệp của mình nên không muốn bỏ qua dịp may này. Nhưng do nhiều áp lực từ nhiều phía như bị bố phản đối, kinh tế không cho phép… nên đành chiều theo ý bố mẹ, cùng đến Hawaii. Sau đó, bà vào học tại Trung tâm Đông Tây của Đại học Hawaii.
Đây là một quyết định thất sách của bố mẹ Ann, việc chọn học tại Trung tâm Đông Tây thay cho Đại học Chicago của bà Ann là một sai lầm. Từ góc độ của bà Ann, theo học tại Đại học Chicago sẽ đem đến cho bà cơ hội phát triển rất tốt, nhưng dù ngang bướng, bà vẫn làm theo lời bố mẹ. Quyết định này đã thay đổi cả cuộc đời bà, và cũng thay đổi cả tương lai nước Mỹ.
Ngẫu nhiên đã thay đổi cả lịch sử, và cũng chính vô vàn những ngẫu nhiên ấy đã trở thành điều tất yếu của lịch sử.
Thời trung học, Ann chưa biết yêu và cũng không muốn yêu ai, bà luôn nói rằng mình sẽ làm một người đàn bà thép sống độc thân suốt đời. Mặc khác, bà cũng không thích trẻ con. Hồi ấy không ai dám hẹn hò với bà, vì có hẹn thì bà cũng không đồng ý. Bà cũng khá xinh, là người biết suy nghĩ. Bà là một ứng viên sáng giá cho những chàng trai thông minh, giỏi giang. Không biết vì sao, ngay từ năm học đầu tiên bà đã phải lòng người đàn ông Kenya 24 tuổi tên là Obama. Hồi đó Obama cha là lưu học sinh da đen duy nhất và cũng là lưu học sinh duy nhất đến từ châu Phi ở Trung tâm Đông Tây.
Tháng 9/1960, Ann nhập học năm đầu tiên, đến tháng 10 bà có thai. Đó là những năm tháng việc kết hôn giữa hai màu da trắng và đen vẫn còn bị cấm ở một số bang, và nạo phá thai vẫn còn bị coi là bất hợp pháp. Tuy nhiên, với bà Ann, người đàn ông Kenya này không giống những người Mỹ da đen khác, hơn nữa, bà bắt buộc phải kết hôn vì “ván đã đóng thuyền”.
Thực tế cho thấy, bà Ann lúc đó thực sự yêu Obama cha. Obama cha chín chắn, biết ăn nói, luôn có những ý kiến sắc bén trong nhiều vấn đề, nhất là đối với những vấn đề quốc tế nóng hổi, vì thế bà không thể không rung động. Mặt khác, Obama cha là người đàn ông đã có gia đình, khá hiểu biết trong tình trường. Chuyện tình giữa Ann và Obama phảng phất bóng dáng chuyện tình của ông bà ngoại Obama.
Ngày 2/2/1961, hai người quyết định đăng ký kết hôn mà không thông báo hay hỏi ý kiến hai gia đình. Bà Ann cho rằng, bố mẹ mình trước đây cũng hành động như thế, nên chuyện này là hết sức bình thường, hơn nữa, giờ bà đã là sinh viên đại học, lớn hơn mẹ mình ngày xưa. Còn với Obama cha, giờ ông đã là một người đàn ông Kenya được Mỹ hóa nên không để ý tới tiếng nói của cha. Họ không làm đám cưới, cũng không tổ chức tiệc tùng mời bè bạn thân hữu. Họ chỉ đăng ký để hợp pháp hóa cuộc hôn nhân.
Khi yêu và lấy nhau, bà Ann không hề biết Obama cha đã có vợ hợp pháp ở Kenya. Người vợ này được ông nội Obama đổi 20 con cừu để lấy về cho con trai, người vợ ấy đang nuôi dạy hai cậu con trai của Obama cha. Trên thực tế, bà Ann là vợ lẽ, điều này không được pháp luật Mỹ công nhận. Phải đến vài năm sau bà mới biết sự thật phũ phàng này.
Họ lấy nhau khiến mọi người thấy ngỡ ngàng. Bố mẹ bà Ann không vui khi biết tin này, nhưng cũng không phản đối, vì họ biết rõ rằng có phản đối cũng vô ích, nên để mọi việc diễn ra theo tự nhiên.
Trước đó, cha bà Ann cũng chỉ có vài người bạn da đen, nay ông có thêm một người bạn da đen nữa để trò chuyện, đó là con rể mình. Mọi người thường xuyên thấy họ đi uống bia và trò chuyện cùng nhau.
2. Bà mẹ độc thân 19 tuổi
Sau vài tuần nhập học, bà Ann đã chuyển đến sống chung với Obama cha. Vài tháng sau bà có thai. Theo hồ sơ quản lý sinh viên của Trung tâm Đông Tây Đại học Hawaii, cuối năm 1961 bà Ann xin nghỉ học nửa năm. Đó là kỳ học đầu của năm học thứ hai. May mắn là nước Mỹ thực hiện chế độ giáo dục đại học theo tín chỉ nên việc này không ảnh hưởng nhiều đến chuyện học hành của bà. Nhưng 18 tuổi lấy chồng quả thực là còn quá trẻ, ngay cả tính theo tiêu chuẩn hồi bấy giờ.
Một cô gái 18 tuổi đến việc chăm sóc bản thân nhiều khi còn không biết phải làm thế nào, chưa nói đến chuyện xin nghỉ học để chăm con. Xét về kinh tế, khả năng… nuôi con là một thách thức rất lớn. Hơn nữa, Obama cha không phải là người cha tốt, ông chẳng hề chia sẻ việc nhà cùng vợ. Bà Ann đã nuôi con bằng chính khoản phụ cấp ít ỏi của chính phủ và sự giúp đỡ của bố mẹ đẻ. Khi ấy bà Ann chưa biết mình chỉ là vợ lẽ của Obama cha.
Obama cha nói rằng đó là truyền thống của Kenya và thực tế là ông đã ly dị với vợ trước rồi. Bộ lạc Luo ở Kenya là một bộ lạc lạc hậu, pháp luật của họ chính là những tập tục do những người đàn ông đặt ra. Khi rời Kenya đi học ở Mỹ, Obama đã là người đàn ông có vợ, không những thế ông còn có hai người con. Nghe nói, sau khi Obama cha đi Mỹ, vợ ông đã bỏ nhà đi với một người đàn ông khác. Như vậy cũng có nghĩa là hai người đã chia tay nhau, nhưng sáu năm sau khi ông quay lại nước Mỹ, tuy đã có một người vợ da trắng khác nhưng vẫn đón người vợ đầu tiên về sống chung và họ lại có thêm hai người con.
Với bà Ann, một người sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, để hiểu mối quan hệ phức tạp này là một việc vô cùng khó khăn. Bà cho rằng sẽ chẳng ai chấp nhận được một người chồng dối trá, không chung thủy, vô trách nhiệm.
Sau đó, hai người sống ly thân và quyết định chia tay nhau khi Obama con chưa đầy 1 tuổi.
Obam lớn lên trong vòng tay của ông bà ngoại. Họ có vai trò quan trọng trong cuộc đời ông. Chính ông bà ngoại đã tạo điều kiện để Obama được ăn học, có điều, cơ hội ấy không được Obama tận dụng triệt để.
Vài năm sau, năm 1967, bà Ann tái hôn. Bà lấy một lưu học sinh người Indonesia học tại Trung tâm Đông Tây của Đại học Hawaii. Sau đó bà đến sinh sống tại Indonesia cùng người chồng thứ hai. Ở đây, bà làm việc trong Đại sứ quán Mỹ tại Indonesia. Nghe nói, sau khi về Indonesia, bà Ann nhận thấy người chồng thứ hai của mình là một người gia trưởng chứ không phải người đàn ông ga lăng khi trước. Ông về nước, trở thành một người đàn ông Indonesia mẫu mực thực sự. Mấy năm sau bà quyết định ly hôn với người chồng thứ hai dù họ đã có với nhau một cô con gái, lúc ấy bà Ann 30 tuổi. Tuy nhiên, đó là cách suy nghĩ của những người phương Tây, còn trong sự nhìn nhận của người châu Á thì ông Lolo là một người đàn ông châu Á đạt tiêu chuẩn: ông biết chăm sóc gia đình, yêu thương vợ con, khác với những người đàn ông vô trách nhiệm.
Sau này Obama nhận ra chính cách suy nghĩ ấu trĩ của mẹ đã gây hại cho bà. Điều quan trọng là bà không hiểu được nền văn hóa của Indonesia nên đã có những quyết định vội vàng.
3. Ông bà ngoại Obama
Mẹ Obama, bà Stanley Ann Dunham, sinh ngày 27/11/1942 tại thị trấn Dorado của bang Kansas, miền Trung nước Mỹ.
Cha Ann, ông ngoại của Obama, là người sinh ra và lớn lên tại bang Kansas từ đầu thế kỷ trước. Ông ngoại Obama tên là Stanley Armour Dunham, sinh ngày 23/3/1918 tại một gia đình công nhân dầu mỏ ở bang Kansas. Mẹ qua đời từ khi Dunham còn bé, ông sống với bố nhưng không được chăm lo đầy đủ, từ nhỏ đã chủ yếu dựa vào bản thân mình.
Ngược hẳn với ông ngoại, bà ngoại Obama là Madelyn Lee Payne, sinh ngày 26/10/1922 trong một gia đình giàu có, gia giáo và nghiêm khắc. Tính cách ông bà ngoại trái ngược hẳn nhau, ông ngoại xuất thân từ gia đình công nhân bình thường, không được quản lí khắt khe, tính tình ngang bướng, nói năng thô lỗ, thích tán dóc, uống rượu, chơi bài… còn bà ngoại thì dịu dàng, ham học hỏi, thích đọc sách, có chí tiến thủ cao.
Cuối những năm 30 của thế kỷ trước, tình hình kinh tế nước Mỹ chưa phát triển mạnh. Tuy lúc ấy nước Mỹ cũng giàu có hơn một số nước khác, nhưng mức độ hiện đại hóa thì chưa cao. Nơi ông bà ngoại sinh sống, hoạt động kinh tế chủ yếu là khai thác dầu mỏ, các hoạt động vui chơi giải trí không nhiều.
Bà ngoại Obama là một người thông minh, thích suy nghĩ và cũng khá tò mò. Khi ấy bà còn là một cô học trò, thường bất chấp sự phản đối của bố mẹ để đến một thị trấn nhỏ gần đó xem ca nhạc.
Trong một buổi đi xem ca nhạc, tình cờ ông bà ngoại Obama quen nhau.
Ngày 4/5/1940, học kỳ cuối cùng của cấp III kết thúc, họ bí mật kết hôn dù chưa được sự đồng ý của bố mẹ. Lúc ấy ông ngoại Obama còn có một người anh trai, và bố còn sống, nhưng từ khi sống độc lập, ông rất ít liên hệ với họ.
Mất mẹ từ nhỏ, ông ngoại Obama lớn lên bên cạnh người cha không có văn hóa và trách nhiệm đối với gia đình nên tính cách hơi hoang dã. Năm 15 tuổi, khi đang học cấp II, ông ngoại Obama bị buộc thôi học vì đánh thầy Hiệu trưởng.
Ba năm sau, ông đến Chicago, California và học được khá nhiều thứ mới mẻ. Những điều này đã trở thành “vốn liếng” để ông theo đuổi các cô gái. Vốn tính tò mò, bà ngoại Obama “phải lòng” ông ngoại.
Sau khi bí mật lấy nhau, bà ngoại Obama vẫn sống với bố mẹ mình. Bề ngoài không có gì xảy ra, bà vẫn tốt nghiệp trung học với thành tích cao nhất lớp, nhưng kèm theo đó là những lần đi xem ca nhạc nhiều hơn và tính cách cũng ương ngạnh hơn. Con gái 18 tuổi tràn trề nhựa sống, không thể kiểm soát nổi trái tim mình. Sau này, bà Ann đã thừa hưởng tính cách đó của mẹ mình trong chuyện tình cảm với Obama cha.
Đầu tháng 6/1940, khi bà ngoại Obama nhận được tấm bằng tốt nghiệp phổ thông trung học thì bố mẹ bà mới biết con gái mình đã lấy chồng. Họ không thích chàng rể này, nhưng cũng không còn cách nào khác.
Thời điểm đó, Chiến tranh Thế giới lần thứ hai đang diễn ra rất ác liệt ở châu Âu, Đức Quốc xã đang huênh hoang về chiến thắng. Thoạt đầu, Mỹ chỉ đóng góp vật chất cho cuộc chiến tranh này chứ không trực tiếp tham chiến. Một thời gian ngắn sau, nền kinh tế Mỹ dần được khôi phục, người dân và các nhà chính trị Mỹ đều cho rằng “thêm một việc không bằng bớt một việc”, vì vậy họ chọn chính sách đối nội là sống ổn định, giữ vững nền kinh tế trong nước. Về đối ngoại, họ giữ thái độ trung lập, không tham gia vào chiến tranh ở châu Âu. Người Mỹ mong muốn cuộc chiến tranh này sẽ không lan đến nước mình. Hơn nữa, người Mỹ cho rằng, châu Âu và châu Mỹ có khoảng cách rất xa về vị trí địa lí, vấn đề chiến tranh lan rộng là không đáng lo ngại. Nhưng mọi chuyện không như họ dự đoán.
Tháng 9/1940, Đức, Ý, Nhật, ba nước tạo thành một trục mạnh của thế giới, bắt đầu cuộc xâm lược có tính bành trướng hơn. Chiến thắng ngay từ những ngày đầu làm cho phe phát xít có thêm nhiều dã tâm hơn.
Ngày 7/12/1941, Hải quân Nhật tấn công Trân Châu cảng khiến chính phủ Mỹ có cớ công khai tham gia chiến tranh chống lại phát xít, tuyên chiến với ba nước Đức, Ý, Nhật.
Cuối năm 1942, ông ngoại Obama nhập ngũ và được điều đến châu Âu. Khi ấy bà ngoại Obama đang có thai mẹ ông, đến tháng 11/1942 thì bà sinh Ann.
Ông ngoại Obama được điều ra tiền tuyến nhưng may mắn không phải tham gia trận đánh nào, vì thế tính mạng không bị nguy hiểm.
Chiến tranh đã tiếp thêm sức sống cho nền kinh tế Mỹ, chính chiến tranh đã tăng thêm rất nhiều cơ hội việc làm cho người dân. Nước Mỹ tham gia chiến tranh đồng nghĩa với việc hàng triệu phụ nữ có cơ hội ra khỏi nhà đi làm. Đây là bước quan trọng đầu tiên để phụ nữ giành quyền bình đẳng giới. Tháng 7/1944, khi chiến tranh Thế giới đang diễn ra ác liệt, có tới 19 triệu phụ nữ Mỹ có việc làm. Họ chủ yếu làm cho các đơn vị sản xuất liên quan đến trang bị của quân đội. Bà ngoại Obama cũng vậy, bà vào làm tại một xưởng sản xuất bom B – 29 của Boeing.
Từ khi chiến tranh bắt đầu năm 1941 đến khi kết thúc năm 1944, GDP của Mỹ từ 95 tỷ USD tăng vọt lên 150 tỷ. Chiến tranh Thế giới lần thứ hai đã biến Mỹ từ một nước giàu thành một siêu cường quốc trên thế giới. Nước Mỹ giàu lên nhờ chiến tranh.
Sau chiến tranh, nhu cầu sản xuất quân dụng giảm mạnh nên nhiều công nhân bị thất nghiệp, trong đó có bà ngoại Obama. Bà nghỉ việc tại xưởng sản xuất của Boeing, sau đó vào làm tại một nhà hàng ăn uống. Ông ngoại Obama sau khi chuyển ngành đã vào làm nhân viên kinh doanh cho một cửa hàng bán đồ gia dụng. Cá tính ông ngoại Obama rất phù hợp với công việc này. Hiện thực đã chứng minh ông là một nhân viên kinh doanh cừ.
Năm 1956, khi ấy bà Ann 14 tuổi, gia đình ông bà ngoại đến sống ở Mercer, Seatle, bang Washington. Đến đây, ông ngoại vào làm quản lý, chuyên phụ trách kinh doanh cho một siêu thị bán đồ gia dụng lớn, còn bà ngoại vào làm cho một ngân hàng. Ông bà ngoại vì bận rộn công việc nên xao nhãng chuyện chăm sóc con cái.
Bà Ann là một người thông minh, thích suy nghĩ, thích tranh luận về những vấn đề quốc tế, chính trị. Bà khác mẹ mình, luôn độc lập suy nghĩ.
Ông ngoại Obama là người không có trình độ văn hóa cao, ông không thích học hành, cũng chẳng thích đọc sách, ông ghét phải suy nghĩ về những vấn đề quốc gia đại sự. Bản thân ông chỉ quan tâm đến công việc và cuộc sống gia đình. Ông luôn cho rằng mình tiến bộ hơn cha mình rất nhiều. Tư tưởng hiện đại và những lời nói, hành động cấp tiến của cô con gái đã khiến hai bố con luôn ở trong tình trạng mâu thuẫn. Giữa họ không có tiếng nói chung mà chỉ có những cuộc tranh luận.
Bà ngoại là người phụ nữ có tính cách dễ chịu, có văn hóa tuy chưa theo học đại học chính quy. Mỗi khi chồng và con gái mâu thuẫn, bà luôn là người đứng ra hòa giải.
Ngày ấy bà Ann được bố mẹ tạo điều kiện ăn học khá tốt nhưng tâm hồn luôn cô đơn. Bà có suy nghĩ chín chắn hơn những bạn cùng tuổi. Ở trường, bà luôn thích trao đổi với bạn bè, thầy cô về những tư tưởng mới, chủ đề mới, nhưng gần như chẳng ai hiểu bà. Tuy giao tiếp rộng nhưng bà không có một người bạn tâm giao. Do thường xuyên mâu thuẫn với bố nên bà không cảm thấy thoải mái khi ở nhà.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.