Bí Quyết Thành Công Của Obama
CHƯƠNG 5: NHỮNG NĂM THÁNG ĐI HỌC
“Bạn cần phải biến mình trở thành người mạnh mẽ, vì đây là xã hội của cá lớn nuốt cá bé. Nếu bạn không thể mạnh mẽ hơn thì tốt nhất là phải chung sống hòa bình với kẻ mạnh”.
Mẹ Obama kết hôn hai lần. Lần đầu tiên với người đàn ông da đen đến từ Kenya năm bà 18 tuổi; lần thứ hai là người đàn ông gốc Á đến từ Indonesia năm bà 24 tuổi. Hai lần bà đều yêu rồi kết hôn tại Trung tâm Đông Tây của Đại học Hawaii, và cả hai cuộc hôn nhân đều không kéo dài được bao lâu. Mỗi lần kết hôn bà đều sinh được một người con và tự mình nuôi dạy con khôn lớn. Bà Ann là một người mẹ mạnh mẽ.
Cách đối nhân xử thế cũng như quan niệm nhân sinh của Obama đã sớm hình thành ngay khi ông còn nhỏ. Quan niệm này chịu ảnh hưởng từ người cha dượng Indonesia tên là Lolo Soetoro. Obama sống cùng với mẹ và cha dượng Lolo 6 năm liền ở Indonesia.
1. Thời gian sống ở Indonesia
Năm đại học thứ ba, bà Ann quen một lưu học sinh người Indonesia tên là Lolo Soetoro. Lúc này bà đã biết cân nhắc hơn nhiều. Bà vừa chính thức ly hôn với Obama cha. Bà yêu ông Lolo khoảng hai năm, thời gian đó cả hai người đang theo học tại Trung tâm Đông Tây của Đại học Hawaii.
Đầu năm 1962, sau khi nghỉ học một học kỳ để sinh con, bà Ann quyết định đi học trở lại. Với bà, sự nghiệp luôn được đặt lên hàng đầu, nhưng cậu con trai bé bỏng quả thực đã trở thành gánh nặng của bà. Bà không có thời gian làm việc, bài vở lại nhiều. Bà đã phải sử dụng những tấm phiếu ăn Chính phủ trợ giúp những gia đình nghèo để mua đồ ăn cho cả hai mẹ con. Ngoài ra, bà cũng được bố mẹ hỗ trợ một phần kinh tế. Bà không bao giờ yêu cầu Obama cha đang học tại Đại học Harvard gửi tiền nuôi con, và bản thân Obama cha cũng không bao giờ chủ động hỗ trợ về mặt kinh tế cho hai mẹ con.
Trong hoàn cảnh khó khăn ấy bà Ann vẫn trụ vững, bà đã hoàn thành sự nghiệp học tập và giành được học vị Tiến sĩ sau 6 năm. Có thể nói rằng, ở một mức độ nào đó, Obama cha đã hủy hoại sự nghiệp của bà Ann. Nếu bà được chuyên tâm học hành thì sẽ tốt nghiệp đại học với thành tích xuất sắc sau 4 năm, tiếp đó học cao học, tiến sĩ và trở thành vị học giả ưu tú.
Nhưng lịch sử thì không có giả thiết và “giá như”. Trong thời gian học tại Trung tâm Đông Tây, bà đã gặp được người đàn ông nhiệt tình, phóng khoáng tên là Lolo. Sau đó, bà Ann dẫn Lolo về giới thiệu với bố mẹ. Đúng là “nuôi con mới biết lòng cha mẹ”, vừa học vừa nuôi con nên bà Ann đã hiểu, làm bố mẹ vất vả như thế nào. Trong lòng bà vô cùng cảm ơn bố mẹ, chính nhờ có sự giúp đỡ của bố mẹ, bà mới thoát khỏi khó khăn. Từ đó, quan hệ giữa bà Ann và bố mẹ ngày càng tốt đẹp hơn.
Trong thời gian yêu bà Ann ở Trung tâm Đông Tây, Lolo là một người đàn ông ga lăng, tuy nhiên, vì theo đạo Hồi nên tính cách của ông khá bảo thủ. Ông thường xuyên cùng hai mẹ con bà Ann vui đùa, ông chơi cả đấu vật với Obama con. Lolo đã đem lại khoảng thời gian vui vẻ cho Obama con. Không chỉ có vậy, ông còn tranh thủ thời gian chơi cờ với ông ngoại Obama. Mọi cố gắng của Lolo cuối cùng cũng có kết quả. Năm 1967, khi ông ngỏ lời cầu hôn, bà Ann nhận lời ngay. Với bà Ann, đây là một quyết định vô cùng quan trọng.
Mùa hè năm 1967, bà tốt nghiệp đại học và họ kết hôn. Lolo quay về Indonesia trước, vài tháng sau đó, bà Ann đưa cậu con trai 6 tuổi đến Indonesia sinh sống cùng chồng. Từ đó, Obama sống tại đất nước có chế độ, ngôn ngữ, hoàn cảnh, tín ngưỡng, ẩm thực, nếp sống hoàn toàn khác với nước Mỹ. Đây là một thách thức không nhỏ với một cậu bé 6 tuổi.
Lolo là một người cha tuyệt vời, ít nhất thì trong cách nhìn nhận của Obama con là như vậy. Còn theo bà Ann, Lolo cũng là một người chồng xứng đáng. Lolo khác hẳn với Obam cha, ông là người nhẹ nhàng, biết kiểm soát tình cảm và biết thích ứng với hoàn cảnh rất nhanh.
Chính Lolo đã chỉ cho Obama biết cách đối nhân xử thế: “Con cần phải biến mình trở thành người mạnh mẽ, vì đây là xã hội của cá lớn nuốt cá bé. Nếu như con không thể mạnh mẽ hơn thì tốt nhất là chung sống hòa bình với kẻ mạnh”.
Đây thực tế là triết học nhân sinh rất thịnh hành trên thế giới. Ngay ở nước Mỹ cũng có quan niệm: “Nếu anh không đánh bại được đối phương, cách tốt nhất là anh nên tham gia vào trận địa của họ. Chỉ đến khi nào anh có đủ sức mạnh rồi thì hãy tìm cơ hội đánh lại”.
Những năm tháng sống bên cha dượng Lolo giúp Obama thấy dễ chịu và cảm nhận được những yêu thương của một người cha dành cho con.
Trong lần hẹn hò đầu tiên với Obam cha, bà Ann đã phải đợi đúng một tiếng đồng hồ và rồi ngủ quên ở ghế trong công viên. Obama cha không thấy áy náy về chuyện ấy chút nào, ông còn khoe với bạn bè rằng mình đã khiến người da trắng phải chờ đợi ra sao. Nhưng Lolo thì khác, ông không bao giờ làm chuyện như thế. Ông không bao giờ đối xử nhẫn tâm với phụ nữ, hơn nữa, bà Ann là người phụ nữ ông yêu say đắm.
Từ năm 4 tuổi đến 6 tuổi, Obama đã được tận hưởng tình yêu thương của người cha từ ông Lolo. Trong khi đó, người cha chính thức của Obama chưa hề làm trọn nghĩa vụ của mình đối với con cái.
Vào mùa hè năm 1967, Obama cùng mẹ đến một đất nước hoàn toàn xa lạ. Trước khi đi, bà Ann đã tính đến những tình huống tồi tệ nhất, nhưng khi máy bay hạ cánh xuống Jarkarta, mọi thứ bà nhìn thấy đều khác với tưởng tượng của mình, tuy nhiên bà không thất vọng nhiều lắm. Nơi bà ở vẫn là đường đất, không có nước máy, phụ nữ và đàn ông phải gánh nước sông để sinh hoạt. Con sông trở thành nhà tắm công cộng của mọi người. So với thành phố Hawaii xinh đẹp và phát triển thì đúng là “một trời một vực”. Nhưng bà Ann không để ý nhiều đến những điều đó, cậu con trai 6 tuổi của bà cũng cảm thấy không có gì quá khó khăn.
Obama là một người mạnh mẽ, biết thích ứng với hoàn cảnh rất nhanh. Hơn nữa, được sống bên cạnh mẹ và cha dượng yêu quý, cậu bé thấy rất yên tâm. Obama thực sự quý trọng cha dượng Lolo.
Bà Ann là người phụ nữ mạnh mẽ, sống có trách nhiệm. Bà quyết tâm cùng chồng gánh vác gia đình. Thoạt đầu bà làm việc tại Sứ quán Mỹ, dạy tiếng Anh cho người Indo theo một dự án viện trợ của Chính phủ Mỹ. Lúc ấy Obama vừa tròn 6 tuổi, bà đăng ký cho con đi học tiểu học. Thời gian trôi qua, nhận thấy nếu chỉ cho con đi học như vậy là không đủ nên ngày nào bà cũng dậy từ 4 giờ sáng, chuẩn bị bữa ăn và dạy con học 3 tiếng đồng hồ trước khi cậu bé đến lớp.
Ngày 15/8/1970, mẹ Obama sinh cô em gái Maya. Bà Ann bận hơn, thời gian dành cho Obama ngày càng ít đi.
Lolo là một người chồng tốt, ông được giáo dục bởi nền văn hóa phương Tây nhưng khi về Indonesia sinh sống, ông vẫn mong vợ coi trọng gia đình, còn chồng sẽ là người giải quyết chuyện bên ngoài. Suy nghĩ này cũng hợp lí, chỉ có điều hai bên phải có sự thống nhất. Trong vấn đề này, họ đã tranh cãi với nhau rất nhiều nhưng không đạt được tiếng nói chung, từ đó, khoảng cách giữa hai trái tim ngày càng lớn. Thêm nữa, ông Lolo lại là người dễ bằng lòng với cuộc sống và cũng thích uống rượu.
Lolo làm ở ban ngành của Chính phủ Indonesia nên có quan hệ với nhiều nhân vật quyền lực khác. Do nhu cầu giao tiếp nên ông thường xuyên uống rượu, thậm chí là uống say. Chuyện này ở các nước châu Á là hết sức bình thường nhưng vì liên hệ với hoàn cảnh của Obama cha tại Kenya, bà Ann vô cùng khó chịu. Nhiều người cho rằng đây là nguyên nhân chính khiến bà và ông Lolo chia tay nhau. Thực ra không hẳn như vậy, họ chia tay vì có nhiều điều không thể hòa hợp.
Obama là một cậu bé sớm thông minh, với dáng người cao to, nhìn cậu nổi bật hơn hẳn những học sinh người bản địa. Đây là một ưu điểm của Obama, trong thời gian sống ở Jarkarta, Indonesia, mọi người chỉ thỉnh thoảng trêu chọc Obama, chứ không “động chân động tay” với cậu bé. Những trải nghiệm này là tài sản quý báu dạy Obama kết bạn thế nào, biến cái bất lợi thành có lợi ra sao. Các đối thủ cạnh tranh của ông không may mắn có được ưu điểm này. Chính cha dượng đã dạy ông phải sống thế nào trong môi trường “cá lớn nuốt cá bé”.
Trong cuốn hồi ký “Những giấc mơ từ người cha”, Obama đã kể một câu chuyện rất thú vị. Năm lên 9 tuổi, ông đến chơi trong văn phòng làm việc của mẹ mình tại Đại sứ quán Mỹ ở Indonesia. Ông vô tình đọc được cuốn tạp chí “Sự sống” bằng tiếng Anh, viết về một thanh niên da đen ở Mỹ do bị người da trắng kỳ thị nên đã đổ lỗi cho màu da của mình. Người thanh niên ấy đã dùng chất hóa học để tẩy màu da đen của mình, lợi ích chẳng thấy đâu, cuối cùng lại bị bỏng nặng. Obama nói rằng, ông xót xa cho người thanh niên da đen này và cũng thấy xót xa cho chính bản thân mình.
Sau khi cuốn hồi ký được phát hành, có bạn đọc đã tìm hiểu về cuốn tạp chí này nhưng không kết quả. Obama đã đính chính là nhầm tên, đó có thể là tạp chí “Thời đại”… nhưng tra mãi cũng không thấy. Chuyện này có thật hay không, thật ra không quan trọng, chủ yếu câu chuyện phục vụ cho mục đích chính trị.
Nhưng qua chuyện này chúng ta thấy rằng, từ khi lên 9 tuổi Obama đã không bị kỳ thị nhiều vì màu da của mình. Thời gian sống ở Indonesia, mọi người luôn coi ông là cậu bé của gia đình người Mỹ giàu có nên ông không gặp khó khăn gì về màu da, và mới 9 tuổi, Obama cũng không thể nhận ra được sự kỳ thị này.
Trong xã hội Mỹ ngày đó, màu da rất được coi trọng, da trắng là màu da được xã hội chấp nhận. Tuy nhiên, màu da đen hay trắng không phải là mấu chốt để được chấp nhận hay không. Ngày nay có biết bao người da đen nắm vai trò chủ chốt, đồng thời nhiều người da trắng chỉ là những người dân bình thường. Điều quan trọng là phải biết biến “nhược điểm” thành ưu điểm của mình. Đó là cách tốt nhất để giành được sự đồng tình của mọi người, giành được sự ủng hộ của đối thủ cạnh tranh. Về điểm này không ai giỏi hơn Obama. Bề ngoài, ông luôn tỏ ra mình là người yếu, là người da đen lớn lên trong sự bao bọc của ông bà ngoại, thiếu tình yêu của cha mẹ và chịu sự miệt thị của mọi người trong thời gian dài, nhưng ông cũng cho mọi người biết rằng mình được giáo dục tốt, là người biết lắng nghe, và là cầu nối giữa các chủng tộc với nhau.
Obama đã tận dụng triệt để, có hiệu quả cao mọi nguồn lực của mình, kể cả tốt và xấu, có lợi hay bất lợi… Tất cả những điều ấy đã được ông biến thành tài sản quý giá. Đây chính là điểm khác biệt của ông với mọi người.
Thực tế thế giới đã chứng minh thiên tài không tự nhiên mà có. Chỉ là người này có tư chất thông minh hơn người kia một chút mà thôi, nhưng điều ấy không quyết định tất cả. Điều quyết định chính là người ta phát huy được hết ưu điểm, tư chất và tạo ra những điều đặc biệt. Obama đã làm được, và đó chính là điểm hết sức lợi hại của Obama.
Bà Ann, mẹ của Obama là người theo chủ nghĩa lý tưởng, về điểm này thì bà hoàn toàn khác với Obama cha. Bà dạy bảo Obama con bằng lý tưởng kiểu Mỹ. Bà luôn chân thành nói với con rằng: “Muốn trở thành người có giá trị thực sự, con hãy nhìn nhận cho đúng về giá trị của sự chân thành, công bằng, thẳng thắn và cần có đầu óc phán đoán độc lập”.
Theo bà, không được nói dối, lừa đảo chỉ vì quan hệ lợi ích; thành thật luôn quan trọng hơn tiền bạc rất nhiều. Bà Ann thấy khó hiểu trước những cử chỉ lịch sự, hàm súc của nền văn hóa châu Á, chính điều này đã tạo nên khoảng cách lớn giữa bà với ông Lolo. Dù mới chỉ 8-9 tuổi nhưng Obama cũng ý thức rằng cha dượng đã làm biết bao nhiêu chuyện chỉ với mục đích để vợ con sống đàng hoàng hơn, nhưng Lolo càng cố gắng bao nhiêu thì khoảng cách tâm hồn giữa ông và bà Ann càng sâu bấy nhiêu. Obama luôn đồng ý với những suy nghĩ, cách làm của cha dượng. Càng lớn, Obama con có cách sống, đối nhân xử thế càng giống với cha dượng. Điều ấy đã khiến bà Ann thấy lo ngại. Bà đã lấy sức mạnh của người mẹ để ảnh hưởng cậu nhưng đều không mấy hiệu quả. Obama con đã học được khá nhiều triết lý nhân sinh từ cha dượng, đó là những thứ bà Ann không muốn thấy ở con trai, tuy nhiên những điều này lại là nền tảng để Obama thành công. Chỉ với 4 năm sống ở Indonesia, nhưng đã quyết định rất nhiều vấn đề trong cuộc đời của Obama.
Punahou là một trường trung học tư thục nổi tiếng nên học phí khá đắt. Obama được theo học tại đây nhờ vào đồng lương của bà ngoại và học bổng của nhà trường. Ông bà ngoại Obama cũng vất vả, vừa phải giải quyết các vấn đề cuộc sống của mình lại vừa phải lo lắng đến cậu cháu ngoại Obama. Ở Mỹ hiếm có ông bà nào vừa đi làm vừa nuôi cháu như vậy.
Tha thứ và cống hiến thường không gặp nhau nên cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa Obama cha và bà Ann trôi qua không kết quả. Từ đó, trong lòng Obama cha chỉ còn sự tức giận khôn nguôi, ông cảm thấy thế giới này ruồng rẫy mình. Trước đó, ông nghĩ rằng mình sẽ tìm thấy lòng tự trọng, một chút giá trị nhân sinh ở Hawaii, nhưng rốt cuộc, hy vọng này của ông cũng tan thành mây khói.
Từ đó, Obama cha thực sự quên đi cậu con bé bỏng cũng như mọi việc liên quan đến cậu con trai ấy.
Mấy năm sau, vài người bạn học cũ tại Trung tâm Đông Tây đi thăm Kenya gặp Obama cha, nhưng ông không hỏi một câu về tình hình cậu con trai, cũng không hỏi thăm gì về người vợ tên là Ann ấy. Điều đó cho thấy, Obama cha chưa phải là người đàn ông tốt.
Tuy vậy, trong sâu thẳm trái tim Obama vẫn lưu giữ một tình cảm tốt đẹp về cha mình. Đến khi trưởng thành, ông đã viết một cuốn hồi ký đặt tên là “Những giấc mơ về người cha” nói về mơ ước của cha mình cũng như quá trình thực hiện mơ ước ấy. Thực sự cha Obama chỉ để lại cho ông gen di truyền trong cơ thể, còn lại chưa làm được gì cho ông.
Tết năm ấy, cha ông rời Mỹ quay về Kenya, sau đó mẹ ông đưa em gái Maya về Indonesia. Mọi thứ trở lại như cũ, Obama con lại quay về những ngày tháng cô đơn, nhàm chán thuở nào.
Nửa năm sau, mẹ ông thực hiện lời hứa khi còn ở Indonesia, đưa con gái Maya về Hawaii. Lần này chỉ có hai mẹ con đến Hawaii, không có cha dượng Lolo đi cùng. Khi ấy là khoảng tháng 6 hay tháng 7 năm 1972, bà Ann vội quay về Mỹ để kịp sinh nhật con trai.
Bà Ann là một bà mẹ biết giữ lời hứa, bà làm như vậy cũng là để nhấn mạnh tính quan trọng của sự chân thực đối với con cái.
Sau này Obama mới biết, khi ấy mẹ mình và cha dượng đã sống ly thân được một thời gian. Obama cảm thấy có lẽ lần trước mẹ quay về sống chung với cha Obama một thời gian chắc vì họ định nối lại quan hệ.
Sau đó cha dượng Lolo cũng đến Hawaii vài lần, nhưng họ không chung sống với nhau ngày nào. Lần cuối họ đi cùng nhau là khi bà Ann đưa Lolo đi khám bệnh.
Thời gian ấy tâm trạng của bà Ann không được tốt, nửa năm trước bà đã quyết định chia tay với Lolo, sau đó đến Hawaii với Obama cha vài hôm, nhưng kết quả không được như mong muốn. Obama cha thay đổi quá nhiều, không còn là người đàn ông mà bà quen biết năm nào. Tuy cách nói của ông vẫn rất hấp dẫn nhưng ý chí thì không còn như trước và cũng thiếu tự tin nhiều. Hơn nữa, ông bà ngoại Obama ra mặt lạnh nhạt, khó chịu với Obama cha.
Cô em gái Maya gần 4 tuổi, Obama gần 11 tuổi, hai đứa trẻ đều có thể đi xa nên mọi người trong nhà quyết định đi du lịch một chuyến, cũng là dịp để bà Ann giải tỏa nỗi lòng và giúp các con mở rộng tầm mắt.
Họ đến Seatle, sau đó đi California, Kansas, và nhất là ở lại Chicago 3 ngày. Trong ba ngày ấy tâm trạng bà Ann rất phức tạp mà chỉ riêng bà mới hiểu. Bà nhớ lại chuyện ngày xưa, nếu cha bà không ngăn cản, đồng ý để bà đến học tại đây thì mọi việc đã không diễn ra như lúc này.
Tuy nhiên, hối hận cũng không thể thay đổi được quá khứ. Bản thân Obama khi đó cũng không thể biết được là 14 năm sau ông lại viết lên những trang sử huy hoàng cho nước Mỹ tại chính nơi mẹ ông đã bỏ lỡ cơ hội.
Cuộc sống nhiều khi kỳ diệu như thế.
Lần này bà Ann chỉ ở lại Mỹ 3 năm để học tiếp nghiên cứu sinh chuyên ngành Xã hội học Indonesia tại Đại học Hawaii phân hiệu ở Manoa. Bà thuê một ngôi nhà nhỏ gần trường, đón con trai đến sống cùng. Obama cả ngày được chơi với em gái, nhưng cũng không được tự do như khi sống bên ông bà ngoại.
Không có người lớn nào giống như cha dượng Lolo để chỉ bảo, dẫn dắt Obama. Chuyện đó thật buồn. Obama chỉ nhận được duy nhất sự nghiêm khắc của mẹ, cũng như những đòi hỏi lý tưởng hóa nhiều lúc xa sự thực của mẹ mình.
Sau ba năm, bà Ann hoàn thành nghiên cứu sinh tại trường này. Trong thời gian sống ở đây bà chủ yếu dựa vào khoản học bổng ít ỏi, sự giúp đỡ của bố mẹ và một chút hỗ trợ của chính phủ để một mình nuôi hai con. Ba năm ấy là quãng thời gian rất khó khăn.
Học xong nghiên cứu sinh bà tiếp tục học tiến sĩ. Để hoàn thành luận văn tiến sĩ, bà phải đến Indonesia tìm tài liệu.
Thực tế thì ngoài một phần học bổng của bà Ann, toàn bộ chi tiêu cho Obama là do ông bà ngoại chu cấp. Tiền lương của bà Ann ở Indonesia chỉ đủ để bà nuôi bản thân, giờ có thêm cô con gái nên phải cố gắng tiết kiệm lắm mới đủ. Tuy khó khăn về kinh tế nhưng có thể nói, ba năm đó là quãng thời gian vui nhất của Obama, sau thời gian ông sống cùng cha dượng Lolo. Lúc ấy ông được sống bên mẹ mình, lại có thêm tình yêu thương của ông bà ngoại và cô em gái đáng yêu Maya.
Ba năm trôi qua thật nhanh, sau đó mẹ ông lại đưa em gái quay về Indonesia sinh sống và tiếp tục sự nghiệp của mình, thực hiện mơ ước bấy lâu. Bà Ann luôn quan tâm đến địa vị và quyền lợi của phụ nữ Indonesia, sự quan tâm ấy còn vượt xa cả chuyện quan tâm tới cậu con trai bé bỏng. Chuyện này đã để lại cho Obama một vết thương lòng không bao giờ lành, ngay cả khi ông đã trưởng thành. Bà Ann sống ở Indonesia vô cùng vất vả, nhưng bà đã hy sinh tất cả mọi thứ vì lý tưởng của mình.
Ba năm học ở Haiwaii bà Ann không hề yêu ai, cũng không tiếp tục quan hệ tình cảm với ông Lolo. Tám năm sau, tức là năm 1980, bà chính thức đưa đơn ly hôn với ông Lolo, lý do cũng giống như lần ly hôn đầu tiên. Sau đó bà vẫn thường xuyên liên lạc với ông Lolo, nhưng không bao giờ đòi hỏi ông phải đóng góp tiền bạc để nuôi con… Bà quyết định tự mình nuôi hai con lớn khôn, điều này cho thấy bà là một người phụ nữ mạnh mẽ.
Sau khi ly hôn, bà Ann đổi họ thành Sutoro chứ không lấy họ của cha mình như trước khi kết hôn. Bà làm như vậy để khẳng định mình là một người Indonesia thực sự, bà quyết định hòa nhập vào đất nước này. Bà đã bốn lần đổi họ: Lần đầu tiên đặt theo họ cha; lần thứ hai lấy theo họ Obama, lần thứ ba lấy theo họ của ông Lolo – Soetoro và lần thứ tư là một cái tên do bà tự đặt. Bà đã biến mình thành một người Indonesia thực sự. Nhiều năm sau, con trai bà cũng học cách này, biến mình thành một người Mỹ da đen thực sự.
Năm 13 – 14 tuổi, sau khi mẹ và em gái quay về Indonesia, Obama lại đến sống với ông bà ngoại. Không có bố mẹ ở bên, không có người dẫn dắt phải sống như thế nào, Obama chỉ có sự hướng dẫn của mẹ qua những lá thư, điều này khiến ông mơ hồ vô cùng.
Sau khi vào Trung học, Obama không gặp trở ngại trong học hành, vốn thông minh, ông chỉ cần cố gắng một chút là đã đạt thành tích tốt; vấn đề tài chính cũng không đáng lo ngại vì đã có sự giúp đỡ của ông bà ngoại. Nhưng vì thiếu sự dẫn dắt, cảm giác mơ hồ về cuộc sống càng mạnh hơn, trong thâm tâm, Obama lúc nào cũng chịu sự giày vò, giằng xé.
Mùa hè năm 1975, bà Ann định đưa Obama về Indonesia nhưng ông không đồng ý. Obama đã quen với Hawaii, thích cuộc sống tự do bên cạnh ông bà ngoại. Ông không muốn mình lại phải đến một ngôi trường mới, nơi không có lấy một người bạn.
Obama tham gia chơi bóng rổ. Đây là sở thích lớn nhất của ông và sở thích ấy vẫn được duy trì đến nay. Tuy vậy, nỗi cô đơn trong lòng ông vẫn chưa được giải tỏa.
Sống cùng ông bà ngoại, dù được chăm sóc, đối xử tốt đến đâu thì vẫn có sự cách biệt thế hệ. Bạn bè cùng màu da lại ít nên tâm hồn Obama lúc ấy thiếu nơi nương tựa.
Những năm học trung học, Obama rất hoạt bát, ông thích chơi bóng rổ, luôn tham gia các trận đấu bóng của trường. Mọi người thường xuyên nhìn thấy bóng ông tại sân bóng rổ và cả trong những buổi khiêu vũ. Hawaii là một trong những căn cứ hải quân quan trọng của Mỹ nên binh lính ở đây rất đông, trong đó có khá nhiều người da đen. Obama thường xuyên gặp gỡ họ để tận hưởng niềm vui được hòa mình với “đồng bào” có cùng màu da.
Có người nói rằng, khi ấy Obama cũng là một người đa tình. Ông đã khiến nhiều cô gái phải ngậm ngùi đau khổ. Đó là những năm thanh niên Mỹ sống phóng khoáng, họ coi đây là dịp để học hỏi thời thượng. Tuy nhiên, đến nay, những thông tin liên quan giữa Obama và phụ nữ cũng không có gì xấu, tốt hơn so với Tổng thống Kenedy – thần tượng trong lòng Obama rất nhiều. Cũng chính vì vậy mà các đối thủ cạnh tranh không thể tìm được điểm yếu để chỉ trích, tấn công ông.
2. Thời gian học trung học
Bốn năm sống tại Indonesia đã đặt nền móng cơ bản cho nhân sinh quan của Obama. Điều đó chủ yếu là do ảnh hưởng từ cha dượng Lolo. Những năm học trung học lại giúp Obama hình thành sơ bộ thế giới quan người da đen. Những điều này ông đúc kết được từ những người bạn da đen.
Nếu bạn muốn trở thành người có giá trị thì bạn cần phải có những giá trị quan cơ bản như thật thà, công bằng, thẳng thắn và cách phán đoán độc lập.
Từ mùa hè năm 1967 đến mùa hè năm 1971, Obama sống ở Indonesia. Bốn năm ấy là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong những năm tháng thơ ấu của ông. Năm 10 tuổi, Obama quay về sống ở Hawaii – nơi ông được sinh ra. Ở đó ông tiếp tục học hết phổ thông tại những trường tư thục nổi tiếng, có đời sống theo kiểu Mỹ thực thụ và bắt đầu nếm trải sự cô đơn, buồn chán trong cuộc sống.
Obama trở về từ Honolulu, sống cùng ông bà ngoại và theo học tại trường Punahou từ năm 1971 đến năm 1979. Ông quay về Mỹ học tiếp lớp 5 tại Trường tư thục Punahou nhờ mối quan hệ của ông ngoại. Không những thế, ông bà ngoại đã xin cho Obama một suất học bổng, những chi tiêu còn lại do ông bà ngoại lo liệu.
May mắn, bà ngoại Obama là một người thành đạt. Bà làm Phó Giám đốc một chi nhánh ngân hàng. Nghe nói khi ấy, bà ngoại Obama là người phụ nữ có được vị trí cao nhất trong ngân hàng ở Chi nhánh Hawaii. Khi mẹ ông rời Hawaii không lâu thì ông bà ngoại bán nhà và chuyển đến sống tại khu chung cư có hai phòng ngủ. Chính vì thế chi tiêu cũng giảm đi rất nhiều.
Nền giáo dục hiện đại đã thay đổi cuộc đời Obama, ông là một trong số những người Mỹ da đen được hấp thụ một nền giáo dục tốt. Điều này đã tạo một sân chơi rộng lớn cho cuộc đời sau này của ông.
Obama là một trong 3 hay 4 học sinh da đen trong hơn 1000 học sinh của trường Punahou. Sau khi quay về Mỹ năm 1971, Obama sống và lớn lên bên cạnh ông bà ngoại mình. Trong môi trường ấy, về cơ bản Obama không có cơ hội làm quen với nhiều người bạn da đen.
Bố quay về Kenya, mẹ sống với cha dượng và em gái Maya ở Indonesia, Obama thỉnh thoảng liên hệ với mẹ mình qua những lá thư. Trong thư ông chỉ viết về những trận bóng và những trò chơi của mình chứ không đề cập đến vấn đề tư tưởng. Tuy ông bà ngoại rất yêu thương Obama, giúp ông được học tại trường tư thục danh tiếng nhưng vật chất và điều kiện văn hóa không thể khỏa lấp nỗi trống vắng trong lòng Obama. Khi ấy ông cần một nơi để giãi bày tâm tư, dẫn dắt cuộc sống.
Ngày đầu tiên đặt chân đến Punahou, Obama đã cảm nhận được mình là người da đen, khác với mọi người. Những năm sống ở Hawaii, ngoài việc chơi với những đứa trẻ da đen thì ông không có sự lựa chọn nào khác. Tổng cộng Obama đã quen và chơi với 8 học sinh da đen.
Những năm 70, nước Mỹ thịnh hành nếp sống phóng khoáng, sử dụng ma túy, quan hệ tình dục bừa bãi. Tuy nhiên, một số việc xảy ra trong thời gian Obama học lớp 11 và 12 đã có tác dụng khá tốt đối với việc hình thành cá tính con người ông.
Từ những việc nhỏ nhất, chúng ta sẽ thấy cá tính của mỗi người được hình thành ra sao.
Năm học lớp 10, Obama có một cậu bạn thân là người da đen. Anh bạn này đã bị cảnh sát chặn lại khi đang lái xe trên đường. Hôm ấy người bạn này không mang theo giấy phép lái xe, còn cảnh sát cũng chỉ vì rảnh rỗi, tùy hứng yêu cầu kiểm tra, vô tình phát hiện thấy ma túy và cậu bạn này đã bị bắt ngay lập tức.
Qua chuyện này Obama nói rằng, ông thấm thía được tính quan trọng của vận may.
Ông cho rằng nếu ngày hôm ấy cảnh sát không chặn xe của cậu bạn kiểm tra thì đương nhiên sẽ không xảy ra chuyện tiếp theo; nếu như cậu bạn mang theo giấy phép lái xe thì có thể câu chuyện sẽ chỉ dừng lại ở đó.
Từ đó, Obama rất coi trọng vận may và cơ hội, bản thân ông quả thật là một người vô cùng may mắn, cơ hội luôn đến với ông. Đây có lẽ là điểm khác biệt giữa ông với mọi người.
Mẹ Obama hỏi ông về chuyện này thì ông luôn tìm cách giải thích cho mẹ biết được tính quan trọng của vận may của mỗi con người.
Mẹ ông hỏi: “Barack, bạn con bị bắt vì mang ma túy, đúng không?”
“Cậu ấy đen đủi mà mẹ”. Obama lại nói cho mẹ nghe về những lý giải của mình.
Cũng từ chuyện này, Obama đã học được một điều vô cùng quan trọng đối với cuộc sống sau này của mình: Chỉ cần tươi cười, lịch sự, đừng dại dột có những hành động nóng vội thì mọi người sẽ dễ dàng chấp nhận bạn. Không chỉ có vậy mà họ còn tin tưởng, tín nhiệm bạn, thậm chí tự hào vì bạn, một chàng trai da đen lịch sự, nhẹ nhàng.
Cũng chính từ lúc ấy, ông bắt đầu quen với đối nhân xử thế. Obama biết phải làm thế nào để che giấu mình, làm thế nào để giành lấy niềm tin và thiện cảm của người khác. Vô hình trung Obama đã huấn luyện mình thành một người mưu trí, một chính khách lão luyện từ khi mới 15 tuổi.
Sau khi tốt nghiệp Trung học, Obama đã đến Los Angeles học tại Đại học Occidental.
3. Thời gian học đại học
Lúc còn học trung học, Obama vẫn là một cậu nhóc ham chơi, thường xuyên đến doanh trại quân đội gần nhà dự vũ hội, chơi rất thân với mấy người lính da đen.
Thái độ học hành theo kiểu đối phó của Obama khiến mẹ và ông bà ngoại phiền lòng.
Sắp tốt nghiệp trung học, nhiều bạn học bận rộn với việc nộp đơn theo học tại các trường đại học, còn Obama thì chẳng thấy quan tâm gì đến chuyện này. Bà Ann lo lắng cho con trai.
Một hôm, bà gọi con trai vào nói chuyện về vấn đề này.
“Barack, con đã nghĩ kỹ sau này mình sẽ làm gì chưa?”. Bà Ann hỏi.
“Con nghĩ từ lâu rồi”.
“Con định theo học đại học ở trường nào?”. Mẹ ông lại hỏi.
“Con không định học đại học”.
“Sao thế?”. Mẹ ông ngạc nhiên hỏi.
“Cũng không vì sao. Con chỉ muốn tìm việc gì đó làm ở Hawaii, rồi tìm một trường cao đẳng vừa học vừa làm, học thêm vài chuyên ngành. Còn sau nữa thì con chưa biết”.
“Mẹ muốn hỏi con tại sao không học đại học?”. Bà Ann nói với giọng tức giận.
“Con thấy không học đại học có gì xấu đâu. Ông ngoại không phải là sống rất tốt mà chẳng cần học đại học đó sao. Học đại học thì có nghĩa lý gì chứ???”. Obama nói.
Ông ngoại giờ trở thành tấm gương cho Obama. Ông cả ngày không có việc gì, nhưng không học, cũng chẳng cần tiến bộ, ông chỉ cần tận hưởng cuộc sống. Obama cũng muốn có một cuộc sống nhàn nhã như ông ngoại mình.
Mẹ Obama tức giận lắm, bà ghét cậu con trai không hiểu sự đời, không có ý chí.
“Ông ngoại tốt nghiệp cấp II, trình độ học vấn thấp. Ông ngoại có được ngày hôm nay phần lớn là dựa vào bà ngoại”. Rõ ràng mẹ ông đã nổ súng cho cuộc chiến tranh lạnh giữa hai mẹ con.
“Con giờ đây được giáo dục tốt hơn ông ngoại ngày xưa nhiều. Ít ra con cũng là học sinh tốt nghiệp từ một trường cấp III tư thục danh tiếng, con cần phải biết trân trọng cơ hội quý giá này chứ. Con cần phải có ý chí vươn lên mới phải”. Bà nén giận trong lòng và cố gắng nói với con trai bằng giọng bình tĩnh.
“Con cần phải cố gắng, không được ôm cây đợi thỏ chờ đợi cơ hội đến. Con cần phải cố gắng tự giành lấy cơ hội, không những thế còn phải tạo ra cơ hội, đừng đợi cơ hội tìm đến mình”. Mẹ ông nhắc nhở. Bà Ann đã nghe quá nhiều về lý luận cơ hội của Obama, và ngay kinh nghiệm bản thân cũng nói cho bà biết, cố gắng quan trọng hơn cơ hội rất nhiều.
Có lẽ vì mẹ gây áp lực nhiều, cũng có thể là bị ảnh hưởng bởi các bạn học xung quanh nên Obama cũng viết đơn xin học gửi tới một số trường đại học. Thành tích học của Obama chủ yếu là “B”, rất ít “A”, thậm chí còn có vài điểm “C” nên ông chỉ là một học sinh bình thường, không có ưu điểm vượt trội, cũng chỉ có thể đăng ký học tại trường bình thường. Chúng tôi tin là hồi đó ông không được Đại học Hawaii nhận vào học. Tuy nhiên, ở Mỹ có nhiều trường đại học, yêu cầu lại không cao nên ông cũng nhận được giấy thông báo nhập học của một số trường. Điều ấy khiến bà Ann cảm thấy tốt lên rất nhiều.
Obama vào đại học theo yêu cầu của mẹ mình. Ông theo học hai năm đầu tại Đại học Occidental bang Los Angeles, hai năm cuối thì theo học bộ môn chính trị quốc tế chuyên ngành Quan hệ quốc tế tại Đại học Colombia và tốt nghiệp đại học với thành tích xuất sắc.
Khác màu da, nhiều trải nghiệm phức tạp nên Obama chín chắn hơn các bạn đồng trang lứa. Thầy cô, bạn bè đều nhận xét, ông trưởng thành sớm, có cá tính, thích độc lập. Ông đã đến California với cá tính và màu da của mình.
Mùa hè năm 1979, sau khi tốt nghiệp trung học, Obama vào học tại trường Occidental năm tròn 18 tuổi. Ông học ở đó hai năm, sau đó thì xin sang học chuyên ngành Quan hệ quốc tế tại Đại học Colombia danh tiếng.
Obama ngẫu nhiên làm quen được với một cô gái đến từ bang California và sau đó thì biết và xin vào học tại Đại học Occidental.
Trường Occidental được thành lập năm 1887, là một trường nhân văn lâu đời nhất bên bờ Tây nước Mỹ.
Lại một sự ngẫu nhiên khác đã giúp Obama biết được dự án hợp tác với trường Đại học Colombia. Sau đó ông đã may mắn được nhận vào học tại trường này.
Obama bước vào ngưỡng cửa đại học vào tháng 9 năm 1979. Ông học Quan hệ quốc tế và Chính trị học. Ngay từ khi bước chân vào đại học ông đã thích học chính trị., nguyên do cũng một phần vì môn này dễ học, dễ thi, ít phức tạp như mấy môn tự nhiên. Học kỳ đầu tiên ông chỉ chọn học hai môn là Chính trị nước Mỹ và Chính trị châu Âu đương đại.
Obama luôn có cảm giác mờ mịt khi học đại học. Cơ thể và tâm hồn Obama đang ở trong giai đoạn phát triển mạnh nhất, không được bố mẹ quan tâm chăm sóc nên tâm lí cũng nặng nề hơn những sinh viên khác. Cũng may là ông không bị gục ngã trước cám dỗ. Đây quả là một ý chí lạ thường.
Trong mắt mọi người, Obama là người chín chắn, luôn có chính kiến riêng. Nhưng thực tế thì ông luôn làm việc bằng trực giác cũng như vận may. Obama là người rất tin vào số phận và ông cũng là người được số phận ưu ái khá nhiều.
Trước khi đến New York, Obama đang là sinh viên đại học năm thứ hai. Khi ấy ông chưa hình dung được bến xe sau của cuộc đời mình là đâu. Tự ông không muốn và cũng không biết mình nên làm gì, thậm chí dự định sẽ về đâu sống sau khi tốt nghiệp Obama cũng chưa nghĩ đến.
Đêm đầu tiên ở New York, Obama mới cảm nhận được nỗi buồn của kẻ xa nhà, ông phải sử dụng chung một vòi hoa sen ở nhà tắm công cộng với những kẻ lang thang. Khi ấy Obama suy nghĩ rất nhiều, ông nhớ lại cha mình đã khuyên rằng hãy đến thăm Kenya, dù chỉ trong vài ngày cũng sẽ biết được quê hương nguồn cội của mình. Đó cũng là cơ hội để tìm hiểu xem đồng hương của mình sống ra sao và mình thuộc về chốn nào. Thực sự đến lúc ấy, bản thân thuộc về nơi nào, Obama vẫn chưa rõ. Mảnh đất Haiwaii đã trở thành giấc mơ của tuổi thơ ấu, ông không thể quay về được nữa.
Cho dù Obama cha đã khuyên bảo nhưng mảnh đất Kenya và châu Phi quá đỗi xa vời với Obama, nơi ấy không thể trở thành gia đình của ông được. Tất nhiên ông không phản đối quay về thăm nơi ấy. Ông cũng không thể hòa nhập được vào xã hội của người da trắng; tuy ông có những người bạn da trắng, nhưng đó cũng chỉ là những người bạn thể thao, chẳng thể trò chuyện tâm tình.
Obama nghĩ, cho dù Đại học Colombia không có nhiều sinh viên da đen như Đại học Occidental, nhưng ít ra cũng nằm ở trung tâm của thành phố NewYork. Đại học Colombia được thành lập năm 1754, là một trong mười trường Đại học tổng hợp hàng đầu của nước Mỹ và đây cũng là một trường Đại học tư thục. Ngôi trường này là cái nôi đào tạo ra rất nhiều nhân tài cho nước Mỹ. Tiền thân của trường Đại học này là Học viện quốc lập năm 1754-1776 và Học viện Colombia năm 1784-1896.
Vào học tại trường Đại học Colombia đã giúp cuộc đời Obama bước sang một trang mới, trực tiếp thay đổi cả cuộc đời ông. Ấn tượng đầu tiên của ông với ngôi trường này là sinh viên ở đây khác hẳn sinh viên của Đại học Occidental, họ luôn bận rộn, tự tin, không có một sinh viên nào nhàn rỗi. Trường cũng có một số sinh viên da đen, nhưng ông thấy không thể hòa nhập được với họ. Có thể do ông là người mới, cũng có thể là kiến thức của ông ít hơn họ. Obama kể rằng trong hai năm cuối đại học, thỉnh thoảng ông mới tham gia một số phong trào của sinh viên, nhất là phong trào của sinh viên da đen, còn phần lớn thời gian ông vùi đầu vào đọc sách trong thư viện và tự học trên lớp.
Obama đến từ Hawaii, sau đó thì chuyển sang bang California. Hai nơi này đều là những nơi ít người da đen sinh sống. Bang California có nhiều người nhập cư từ Mexico và châu Á. Còn thành phố New York thì hoàn toàn khác hẳn, chỉ có một số khu của người da đen, còn lại đa phần là người da trắng. Hồi ấy sinh viên da đen phải chịu khá nhiều áp lực: áp lực về màu da, áp lực về học tập.
Obama cũng cảm nhận được áp lực về chủng tộc và nỗi hoang mang về sự chấp nhận. Chính điều này đã thôi thúc ông sau khi tốt nghiệp đến Chicago làm việc. Chicago là nơi có nhiều người da đen sinh sống. Obama cần được mọi người chấp nhận nên ông đến nơi có nhiều người chấp nhận mình. Từ nhỏ đã không được bố mẹ yêu thương, sống chủ yếu cùng ông bà ngoại nên Obama có rất ít bạn người da đen, còn những người bạn da trắng thì lại ít chơi với ông. Hơn nữa Obama sinh ra và lớn lên trong thời đại vẫn còn tồn tại quan niệm phân biệt chủng tộc. Nỗi cô đơn nhức nhối sâu thẳm trong lòng ông chẳng ai có thể hiểu được. Đó cũng là nguyên nhân tại sao ông nghiện thuốc lá. Bây giờ một ngày ông hút hết ba đến bốn bao thuốc lá.
Sinh viên đại học Mỹ hai năm đầu được nhà trường bố trí ở ngay trong trường hoặc rất gần trường. Họ làm như vậy vì thanh niên nam nữ mới mười bảy mười tám tuổi được quản lý chặt thì sẽ tốt hơn. Chỉ khi học đến hai năm cuối thì sinh viên mới được ra ngoài thuê nhà trọ.
Hai năm học cuối đại học Obama phải tự thuê nhà ở. Ông kể lại, hôm đầu tiên đi học vì quên không mang theo chìa khóa nên tối về không vào được nhà, ông phải ngủ ngoài hành lang và sớm hôm sau thì ra ngoài vòi nước cứu hỏa tắm chung với một kẻ lang thang.
Sống trọ ở đây ông đã làm quen được với một chàng trai người Pakistan. Visa hết hạn và chàng trai này phải sống chui lủi, làm công cho một quán bar. Nhờ thế Obama biết được cuộc sống của những người dân “di cư bất hợp pháp”. Đó quả thực là một kinh nghiệm quý giá. Ông được người bạn ấy giúp đỡ khá nhiều và cũng nhận được rất nhiều lời khuyên răn từ anh bạn ấy. Thật sự Đại học Colombia đã trở thành điểm khởi đầu mới trong cuộc đời Obama. Một cơ hội giáo dục tốt hơn, cộng thêm sự trân trọng bản thân và chăm chỉ học hành đã rèn Obama trở thành một con người thông minh, tự tin và mạnh mẽ.
Obama thay đổi cuộc đời bắt đầu từ trường Đại học Colombia. Chính ở nơi này Obama đã hạ quyết tâm phải thay đổi bản thân, sống có mục đích. Nếu không có trường Đại học Colombia thì sẽ không có Obama ngày hôm nay.
Những năm sống ở Đại học Colombia, Obama thấy hoang mang, lo sợ trước cuộc sống. Cũng may là ông biết nắm chắc phương hướng, kiểm soát bản thân.
Hàng ngày Obama dành rất nhiều thời gian cho học hành, ông vô cùng trân trọng cơ hội và môi trường học tập quý giá mà ngôi trường này đã đem lại cho ông. Tại đây Obama có được sự hướng dẫn của một vị giáo sư giỏi hàng đầu, tuy nhiên giáo sư chỉ hướng dẫn và giúp đỡ khi sinh viên có đề nghị.
Ngoài ra, Obama còn có những người bạn học thông minh và cuộc sống cạnh tranh hơn. Để chiến thắng họ không dễ dàng như khi học ở Đại học Occidental. Obama là người có cá tính hiếu thắng từ nhỏ, khi đã quyết định làm gì thì ông sẽ quyết làm tới cùng. Tuy Obama được thừa hưởng gen di truyền là sự thông minh của cả bố và mẹ nhưng ông hiểu rằng đó chỉ là yếu tố có khả năng đem đến cho mình thành công, còn muốn thành công trong hiện thực thì phải nỗ lực phấn đấu, đòi hỏi nhiều mồ hôi và nước mắt. Với sự cố gắng không mệt mỏi, Obama đã đạt được thành công như mong muốn.
Thường thì sinh viên từ trường bình thường khi chuyển sang học tại trường tốt hơn, thời gian đầu sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với các sinh viên khác. Obama cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Hiểu rõ điều này nên Obama đã cố gắng rất nhiều, sáng nào cũng đi học rất sớm và về rất muộn, hết giờ học lại vào thư viện đọc thêm tài liệu. Ngoài giờ học, ngày nào Obama cũng kiên trì chạy bộ 3 dặm để tăng cường sức khỏe, giúp học tập tốt hơn.
Do điều kiện kinh tế hạn chế nên chỗ trọ của Obama không được tốt cho lắm. Đến bây giờ ông vẫn không thể quên được hình ảnh nhà tầng hầm, tiếng súng nổ và chuột chết khắp nơi. Ông hiểu rằng chỉ có một cách để khẳng định giá trị cái tôi của mình, đó là bằng tri thức, nghĩa là phải học thật giỏi, đọc nhiều sách. Chỉ có như vậy ông mới có được chỗ đứng ở mảnh đất phồn hoa này.
Khi ấy tình hình thế giới vô cùng phức tạp: thế giới đang xảy ra chiến tranh lạnh, cuộc chạy đua vũ trang giữa hai cường quốc Mỹ – Xô đang tiến đến đỉnh điểm. Năm 1979, hai nước Trung – Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao. Việc Iraq bắt giữ con tin sau 444 ngày (ngày 20 tháng 1 năm 1980) mới được giải quyết, quan hệ Mỹ và các quốc gia đạo Hồi rất căng thẳng. Trong bối cảnh ấy, những sự kiện chính trị nóng đã trở thành chủ đề thảo luận chính trong các trường đại học danh tiếng như Đại học Colombia. Ngôi trường này đào tạo ra những nhà lãnh đạo, những nhà quân sự tài ba của nước Mỹ và những giáo sư nổi tiếng như Nguyên cố vấn Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ, ông Zbigniew Brzezinski, sau này là Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc. Khi ông Zalmay Khalilzard tổ chức giảng bài thì những buổi thảo luận về các sự kiện chính trị quốc tế lại càng sôi nổi.
Obama được thừa hưởng khả năng diễn thuyết, hùng biện của cha và khả năng lắng nghe của mẹ. Kết hợp hai khả năng sẵn có, cộng thêm khả năng tư duy logic được tôi luyện tại trường Đại học Colombia, Obama đã trở thành một người giỏi giang, thành công như ngày nay.
Obama không hoạt bát lắm trong các hoạt động ngoại khóa, nhưng trên giảng đường thì ông rất tích cực. Giáo sư Baron, người đã từng giảng bài cho lớp Obama nói, Obama là 1 trong 4 sinh viên xuất sắc nhất lớp.
Obama đã tạo bước đột phá khi từ một sinh viên có kết quả học tập trung bình trở thành một sinh viên xuất sắc ở trường Đại học Colombia. Bằng chính hành động của mình, Obama đã chứng minh cho mọi người thấy, ông cũng là người tài giỏi, xuất sắc như cha mình.
Một bạn học của Obama, nay là Tổng Giám đốc một Công ty công nghệ thông tin nổi tiếng của Mỹ cho biết, Obama là một người rất thông minh, có kiến thức sâu rộng và phong phú về chính trị quốc tế và quan hệ quốc tế. Mỗi khi lớp tổ chức thảo luận thì Obama luôn hào hứng tham gia và thể hiện rất xuất sắc.
Có thể nói rằng, trong sâu thẳm trái tim Obama, người cha Kenya luôn là anh hùng được ông tôn thờ hết mực. Bắt đầu từ khó khăn, gian khổ rồi tìm đến nền giáo dục tốt nhất để hoàn thiện mình, cha ông đã từng bước vững chãi đi lên từ Đại học Hawaii cho tới Đại học Harvard để tiến tới thành công. Obama quyết tâm phải thành công bằng chính sự cố gắng, phấn đấu của mình. Tuy cha rời xa Obama khi ông chưa tròn một tuổi và đến khi Obama 10 tuổi, ông mới gặp lại cha, nhưng cha vẫn là tấm gương sáng để Obama noi theo.
Năm 1982, cha ông qua đời vì tai nạn giao thông, khi ấy Obama đang theo học Đại học Colombia. Obama có dự định về Kenya thăm cha, cũng là để thăm mảnh đất quê hương mình, nhưng vì cha đã mất nên ông đành trì hoãn kế hoạch vô thời hạn.
Những ký ức tốt đẹp về cha luôn được cất giữ trong lòng và phải đến nhiều năm sau mới bị phá tan khi sự thật mà Obama được biết khác hẳn những tưởng tượng của bản thân. Trong quá trình trưởng thành của Obama, mẹ ông hầu như không can thiệp gì nhiều. Hai năm theo học ở Đại học Colombia chính là hai năm quyết định bước ngoặt trong cuộc đời ông. Tuy nhiên, Obama rất ít khi nhắc lại những năm tháng này. Nguyên do cũng vì hồi đó kinh tế khá khó khăn, ông phải vay tiền ngân hàng để đóng học phí. Ông cũng đã từng đi bán kem để trang trải cho sinh hoạt. Những năm ấy đã để lại trong lòng ông những vết thương sâu thẳm, dai dẳng, không bao giờ quên. Hồi ấy, niềm đam mê duy nhất của Obama là học, mỗi khi đạt được những tiến bộ trong học tập, ông thấy vui sướng vô cùng.
Obama không muốn cho biết những ai mình đã quen và những gì mình đã trải qua hồi đó. Ông muốn để trang sách trong quãng đời này là trang sách trắng, mãi mãi chôn giấu nó trong sâu thẳm cõi lòng. Hai năm miệt mài ở Đại học Colombia thực sự đã giúp sự nghiệp học hành của ông tiến bộ không ngừng. Lần đầu tiên trong cuộc đời, Obama thấy được tầm quan trọng của việc học hành. Có lẽ cá tính quyết không gục ngã đã giúp ông nhận ra điều đó. Tuy thế, sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp thì Obama vẫn chưa nghĩ tới.
Các sinh viên ở những trường như Đại học Colombia muốn trở thành luật sư hoặc chính khách thì đều phải nghĩ tới việc sau khi tốt nghiệp sẽ tiếp tục theo học Tiến sĩ tại Học viện Luật. Chỉ như thế họ mới có được thuận lợi khi bước ra xã hội. Michelle – phu nhân của Obama cũng đã làm như thế. Riêng Obama không thấy chút nhiệt tình nào với chuyện này. Việc tiếp xúc gần gũi với những người da đen khiến Obama cảm thấy như đã tìm được gia đình của mình. Hồi học đại học, Obama đã được những người làm tổ chức cộng đồng khuyến khích, lại thêm mấy năm tận mắt chứng kiến cuộc sống khổ sở của người da đen nên ông có ý định đi làm tổ chức cộng đồng. Vì thế, trong lúc các bạn học bận rộn thi cử, tra cứu tài liệu, xin học tiếp nghiên cứu sinh thì ông lại gửi sơ yếu lý lịch đi nơi khác.
Obama nói đã từng gửi sơ yếu lý lịch của mình tới các tổ chức cộng đồng và các chính trị gia, cũng như các ban ngành chính phủ có liên quan tới người da đen mà ông được biết để tìm một công việc trong tổ chức cộng đồng. Ông làm vậy vì có người cho biết, những người da đen cần rất nhiều thanh niên phục vụ cộng đồng, người da đen cần phải tự động viên mình, tổ chức mình để chống lại nạn phân biệt chủng tộc, chỉ như vậy họ mới có được quyền lợi đáng được hưởng. Obama cho rằng đó là một công việc giàu tình người, rất cảm động và ông chờ đợi với bao hy vọng tràn trề.
Đáng tiếc là, có thể do Obama quá giỏi mà cộng đồng người da đen nhỏ bé không thể tiếp nhận được, hoặc cũng có thể vì chính cái tên mang dáng dấp đạo Hồi của Obama đã khiến không ai dám nhận ông vào làm. Vì thế ông phải tạm tìm một công việc sinh sống qua ngày.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.