Bí Quyết Thành Công Của Obama
CHƯƠNG 13: XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ LÝ TƯỞNG
“Chính trị đôi khi rất xấu xa, rất dễ làm người ta tủi thân. Có lí trí là rất quan trọng”.
Ngày 3 tháng 6 năm 2008, cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ giữa hai Đảng chính thức đi vào giai đoạn quyết định. Ngày hôm đó, nước Mỹ đón chào ứng cử viên Tổng thống người da đen đầu tiên trong lịch sử, giấc mơ Tổng thống của Obama chỉ còn một trận chiến then chốt cuối cùng.
1. Sự ủng hộ của bà Hillary rất quan trọng
Ngày hôm đó, Obama đến trung tâm diễn thuyết ở thành phố ST Paul bang Minnessota, đọc bài diễn thuyết đầu tiên trong giai đoạn quyết định của cuộc tranh cử. Đây là ngày đầu tiên sau khi Obama giành thắng lợi trong cuộc bầu cử sơ bộ. Ông đã có được quá bán số phiếu đại biểu trong nội bộ Đảng mặc dù Hillary vẫn chưa tuyên bố rút lui.
Địa điểm Obama chọn để diễn thuyết là Trung tâm năng lượng Xcel, cũng là nơi Đảng Cộng hòa sẽ tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc. Vào thời khắc lịch sử này, đối mặt với sự kiên trì của đối thủ trong Đảng là Hillary, mọi con mắt đang chăm chú theo dõi xem Obama sẽ cân bằng mối quan hệ này như thế nào.
Obama quả không hổ danh là một nhà diễn thuyết thiên tài và một nhà văn ưu tú. Các nhà bình luận đều đánh giá ông rất cao.
Trước tiên, Obama cảm ơn đội ngũ trợ giúp tranh cử của ông, đồng thời bày tỏ, cuộc tranh cử sơ bộ này trên thực tế là một việc tốt, cho thấy trong Đảng Dân chủ có rất nhiều nhân tài, có lợi cho việc nâng cao danh tiếng của Đảng. Tiếp đó, Obama nói đến vấn đề đoàn kết trong Đảng và việc liên kết với những người ủng hộ Hillary, cùng nhau đánh bại McCain, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, từ đó giúp Đảng Dân chủ giành được chiếc ngai vàng trong Nhà Trắng…
Obama cũng không quên tuyên bố chủ trương chính trị của mình. Chính sách đối với Iraq của ông hiện nay vẫn là trọng điểm công kích của McCain, hơn nữa McCain cũng có vẻ cười nhạo tuổi tác của Obama, cho rằng chủ trương cải cách quốc gia của ông sẽ đưa đất nước đi sai phương hướng….
Buổi diễn thuyết có khoảng 1,7 triệu người đứng đầy phía trong trung tâm và ngoài hành lang. Có rất nhiều người đứng đợi hơn 4 tiếng đồng hồ chỉ để chứng kiến thời khắc lịch sử này, bởi hôm đó là ngày cuối cùng Đảng Dân chủ phải quyết định ứng cử viên chính thức tham gia tranh cử Tổng thống. Dù ai giành chiến thắng, người da đen hay là phụ nữ thì đều là thời khắc lịch sử, đánh dấu một bước tiến lớn trong chính trường nước Mỹ.
Obama không nói gì đến những điều cá nhân, chỉ nhắc một chút về bà ngoại của mình, có ý nhắc nhở những cử tri da trắng đừng quên rằng bản thân ông đã được một người phụ nữ da trắng nuôi dưỡng và trưởng thành từ nền văn hóa da trắng. Obama cũng không bày tỏ sự vui mừng quá mức khi giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử sơ bộ trong nội bộ Đảng, có lẽ ông không muốn kích động tinh thần của Hillary và những người ủng hộ bà, vì dù Obama đã đủ số phiếu đại biểu nhưng Hillary vẫn chưa chính thức chấp nhận thua cuộc và rút lui.
Những gì Obama có thể làm là an ủi và khích lệ, đồng thời tấn công mạnh mẽ đối thủ của Đảng Cộng hòa. Những người ủng hộ Hillary vẫn còn chút ấm ức và Obama phải tìm cách loại bỏ sự tức giận trong lòng họ bằng nhiệt tình và lí trí của mình.
Tuy ngày quyết định đã đến và Obama chiếm đa số phiếu đại biểu nhưng Hillary lại không chính thức tuyên bố rút lui mà còn đang tranh thủ sự ủng hộ của đại biểu cao cấp. Mọi người đều đoán xem bước tiếp theo của Hillary sẽ là gì? CNN đã dùng phần lớn thời gian phát sóng để mời các khách mời đến giải bài toán của Hillary.
Hillary nắm trong tay gần 18 triệu phiếu bầu, bà gần như giành được thắng lợi ở tất cả các bang lớn, mà những bang này lại là địa bàn then chốt để giành chiếc ghế Tổng thống.
Xét về tình hình ủng hộ Đảng, trong 50 bang trên cả nước, có 36 bang mà trước khi bầu cử, mọi người đã biết ai sẽ giành được đa số phiếu ủng hộ trong 36 bang này.
Ví dụ như hai bang California và New York, gần như sẽ trở thành “kho phiếu” của Đảng Dân chủ. So với các bang ở phương Bắc, các bang ở phía Nam như Texas và North Carolina lại khá bảo thủ, là địa bàn của Đảng Cộng hòa, bình thường sẽ ủng hộ McCain.
40 bang còn lại là trọng điểm giằng co của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, ví dụ như Florida, Ohio, Pennsylvania và Michigan… mà ở tất cả các bang này, Hillary lại rất dễ dàng có được đa số ủng hộ của những người theo Đảng Dân chủ.
Đa số cử tri của các bang này là những người da trắng làm công ăn lương, họ không có thái độ rõ ràng trước những chính sách của cả hai Đảng, bởi vậy những nhân tố khác ngoài vấn đề chính sách sẽ có những ảnh hưởng rất lớn đến việc bỏ phiếu của họ, từ đó khiến cho kết quả bỏ phiếu trở nên rất khó dự đoán.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1992 và 1996, Bill Clinton giành được đa số ủng hộ của cử tri là công nhân da trắng ở các bang này và tình hình được tái diễn qua Hillary trong lần bầu cử này. Điều đó cho thấy, vốn liếng chính trị của hai người mang họ Clinton vẫn tồn tại và sự chấp nhận của cử tri đối với Obama vẫn còn hạn chế.
Mặt khác, có không ít người cho rằng Obama quá thông minh, quá giỏi ăn nói. Họ không thích một ứng cử viên như vậy. Tuy nhiên, ý kiến này có vẻ không thỏa đáng.
So với Obama, mọi người thích Hillary hơn, có không ít người gọi bà là ứng cử viên Tổng thống được mọi người yêu quý nhất. Vì thế, nếu không có sự ủng hộ của Hillary, có thể Obama sẽ mất đi rất nhiều phiếu ở những bang này và nhiều người trong số đó sẽ quay sang ủng hộ McCain, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa có lập trường bảo thủ, hình tượng ái quốc, dù nói một cách nghiêm túc, McCain cũng không phải là một người Đảng Cộng hòa theo ý nghĩa truyền thống.
2. Để xây dựng được sự tin tưởng lẫn nhau thì vẫn còn nhiều việc phải làm
Giành được sự tín nhiệm của những người ủng hộ Hillary là một bước quan trọng mang tính then chốt để Obama giành được thắng lợi. Obama đương nhiên hiểu rất rõ điều này, đó là lí do vì sao tại bữa tiệc chúc mừng truyền thống, Obama không tỏ ra vui mừng. Bởi vì, ông chưa nhận được lời chúc mừng chính thức từ Hillary. Không thể kích động những người ủng hộ Hillary, Obama phải dựa vào sự giúp đỡ của Hillary để tổng hợp sức mạnh của Đảng Dân chủ, đồng tâm nhất trí đối phó với McCain. Để làm được việc này là vô cùng khó khăn.
Có một điều rất thú vị được lặp lại, khi Obama chiến thắng trong cuộc cạnh tranh chiếc ghế Thượng nghị sỹ Liên bang, đối thủ Đảng Cộng hòa từ chối chúc mừng ông, lần này, giành thắng lợi trong cuộc bầu cử sơ bộ Đảng Dân chủ, lời chúc mừng của đối thủ cũng lại đến muộn, đây có phải là nét đặc biệt của Obama hay không? Ông giành chiến thắng rồi, nhưng đối thủ vẫn không phục, tại sao vậy?
Ở bang South Dakota, trong số những cử tri da trắng dưới trình độ đại học, tỉ lệ ủng hộ Hillary là 61%, vượt xa so với tỉ lệ 39% ủng hộ của Obama. Không chỉ có vậy, kết quả điều tra cho thấy, có tới hơn một nửa số người ủng hộ Hillary tuyên bố, họ không hài lòng với sự dẫn đầu của Obama, cho rằng không công bằng. Họ không thể hiểu hoặc không muốn hiểu tại sao một người giành được đa số phiếu phổ thông lại không có được đa số phiếu đại biểu. Điều đó chứng tỏ những cử tri này không hài lòng với cuộc bầu cử của Đảng Dân chủ. Hơn nữa, trong số gần 18 triệu người ủng hộ Hillary, gần một nửa số người cho rằng Obama không đủ thành thực, khó có thể tạo cho mọi người cảm giác tin tưởng.
Ví dụ, kết quả điều tra của bang Montana và bang South Dakota cho thấy, có gần 1/3 số người ủng hộ Hillary nói, sau khi Hillary rút lui, họ sẽ bỏ phiếu ủng hộ McCain hoặc ở nhà không tham gia bỏ phiếu.
Xét từ tình hình hiện nay, rất có khả năng Hillary sẽ khiến Obama không thể đắc cử Tổng thống.
Đến ngày 5 tháng 6 Hillary mới nói rằng bà sẽ tuyên bố chính thức rút lui, dốc toàn lực ủng hộ Obama. Trong những lần diễn thuyết ngày 4, 5 tháng 6, bà ủng hộ Obama rất nhiều. Bà nói sẽ dốc hết sức để giúp Obama tổng hợp sức mạnh của Đảng Dân chủ, tất cả vì mục đích đánh bại McCain vào tháng 11, đưa Đảng Dân chủ lần thứ hai bước vào Nhà Trắng.
Tối ngày 5 tháng 6, Obama đích thân đến nhà Hillary ở Washington DC, cùng bà thương lượng một số việc có liên quan. Sau này người ta phát hiện ra, địa điểm họp bàn của họ không phải là tại nhà của Hillary.
Obama nói chuyện rất có nghệ thuật. Ông hiểu rõ mình là người duy nhất đưa ra quyết định cuối cùng, nhưng ông không muốn kích động bất cứ ai, cũng không muốn vì cuộc tranh cử mà khiến bất kỳ ai không vui. Ông nói, Hillary cũng sẽ làm như vậy, ông muốn nói rằng suy nghĩ của hai người là giống nhau, giữa họ không thể có sự hiểu nhầm. Hòa khí sinh tài, phải thương lượng mới dễ làm việc, đương nhiên trước tiên phải có sự hiểu biết và thông cảm lẫn nhau.
Trên thực tế có hai vấn đề: Hillary có phải là ứng cử viên thích hợp nhất hay không? Bà có phải là lựa chọn tốt nhất cho chức Phó Tổng thống hay không? Quyết định đầu tiên phải là của Obama. Quyết định thứ hai do Hillary tự quyết định.
Nói về vấn đề thứ hai: làm Phó Tổng thống có tốt cho Hillary không? Phó Tổng thống là một chức vị “hữu danh vô thực”, Hillary lại là người muốn làm những việc thực và việc lớn; nếu trở thành Phó Tổng thống, có thể bà sẽ lãng phí 8 năm làm việc, vì thế, giành lấy một vị trí có thực quyền sẽ phù hợp với tâm huyết và tài năng của bà hơn.
Với vấn đề liệu bà có phải là người phù hợp hay không thì rất khó nói. Xét về năng lực, Hillary có nhiều ưu thế, có thể lấn át Tổng thống, đó không phải là việc hay; nhưng cũng có thể bà lại là người phối hợp rất tốt như khi còn ở Thượng viện. Hillary rất có năng lực, đồng thời khả năng tự kiểm soát của bà cũng rất cao.
Nếu lựa chọn Hillary thì điểm có lợi nhất là tập hợp được những người ủng hộ bà, giành được sự ủng hộ của 18 triệu người. Nhưng liệu có cách nào khác để đạt được mục đích an ủi Hillary, từ đó an ủi những người ủng hộ bà?
Không chỉ như vậy, có thể còn những ứng cử viên lí tưởng hơn giúp Obama đạt được mục đích đó. Hơn nữa, mọi người đang lựa chọn Tổng thống chứ không phải là Phó Tổng thống. Chỉ cần Hillary thực lòng ủng hộ, bà còn có nhiều việc để làm.
Hillary là một người rất lí trí, rất thông minh, có thể bà sẽ giúp Obama trúng cử một cách thuận lợi mà không yêu cầu chức Phó Tổng thống, để đổi lại sự ủng hộ hết mình của Obama và những người khác 8 năm sau. Đây ít ra là lựa chọn tốt thứ hai mà bà có thể nhìn thấy được.
Rất nhiều người dường như đang “lấy dạ tiểu nhân đo lòng quân tử”, coi Hillary là một kiểu người rất nhỏ nhen. Thật ra, Hillary được như ngày hôm nay, sự thành thực của bà trên chính trường không phải ai cũng có thể so sánh được. Dù trong giai đoạn đầu của cuộc bầu cử sơ bộ, để giành thắng lợi, Hillary đã sử dụng một số tuyên truyền công kích tiêu cực, nhưng nếu so với những gì Bush con làm với McCain trước đó thì bà nhân từ hơn rất nhiều.
Bà không phải là người đầu tiên “nhẫn tâm”, cũng không phải là người cuối cùng, bạn hãy tin như vậy. Bà là người rất lí trí, một khi xác định rõ phương hướng thì sẽ thực hiện theo cách mà mình cho là tốt nhất.
3. Lùi một bước để tiến hai bước còn quan trọng hơn
Cách này của Hillary thực sự rất cao minh, giúp những người ủng hộ có thời gian để bình tĩnh lại, nghĩ xem lợi ích của Đảng là gì? Làm thế nào là tốt nhất cho tất cả mọi người? Sự tức giận nhất thời có thể sẽ đem lại kết quả bất lợi. Nếu sau khi bình tĩnh lại, mọi người cùng nhau chấp nhận phương án được đưa ra thì có thể cả hai bên đều đạt được lợi ích. Nói chung, ý thức tập thể của người Mỹ vẫn rất cao, cách làm này là hợp lí. Có điều, vì Hillary vẫn giữ lại số phiếu giành được khiến mọi người khó hiểu.
Dù thế nào, sự ủng hộ của Hillary rất quan trọng đối với việc bước vào Nhà Trắng của Obama.
Một điều rất thú vị là, người có nhiều thời gian như McCain cũng chưa xác định được cánh tay trái của mình, ông ta còn đợi kết quả bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ, nếu Hillary thắng thì sẽ chọn một người nữ, còn nếu Obama thắng thì sẽ chọn một người da đen. Đến trung tuần tháng 7, vẫn chưa bên nào xác định được Phó Tổng thống của mình.
Obama trước đây chỉ chuyên tâm đến cuộc tranh cử trong nội bộ Đảng, không có thời gian và tâm trí để quan tâm đến việc lựa chọn cánh tay trái. Đương nhiên, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là quan tâm đến cảm giác của Hillary và những người ủng hộ bà. Nếu Obama có được sự ủng hộ toàn tâm toàn lực của Hillary và khiến bà tự nguyện xuất hiện nói về lí do không muốn làm cánh tay trái của ông thì đương nhiên là một tình huống rất lí tưởng. Nếu hai người tạo ra tình hình bế tắc thì cơ hội chiến thắng của Obama sẽ giảm đi rất nhiều.
Ngày 7 tháng 6 năm 2008, thứ bảy, Hillary lên kế hoạch đọc bài diễn thuyết tuyên bố rút lui khỏi cuộc bầu cử trong nội bộ Đảng ở Sảnh của Bảo tàng kiến trúc Quốc gia tại Washington DC. Ngày hôm đó, từ lúc bình minh đã có người đến bảo tàng xếp hàng để có thể vào nghe bài diễn thuyết. Buổi diễn thuyết có 6000 người tham dự. Đó là ngày đau buồn của Hillary, cũng là thời khắc khiến cho những người ủng hộ bà thương cảm. Ngày hôm đó, mẹ, chồng và con gái bà đều đến dự, rất nhiều người ủng hộ đã rơi lệ.
Hillary nói: “Bắt đầu từ ngày hôm nay, tôi chính thức chấm dứt việc tranh cử trong nội bộ Đảng. Tôi xin chúc mừng chiến thắng của Obama, tôi sẽ ủng hộ Obama hết mình, để ông có thể giành chiến thắng trong cuộc Tổng tuyển cử vào tháng 11, giúp Đảng Dân chủ giành được chiếc ghế trong Nhà Trắng. Dù khi bắt đầu, động cơ của chúng tôi không giống nhau, nhưng bây giờ chúng tôi đã bước chung một con đường. Chúng tôi có mục đích chung, xin những người ủng hộ tôi hãy đi theo tôi, cố gắng hết sức của chúng ta, giúp Obama chiến thắng trong lần tranh cử này, trở thành Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới”.
Bà nhấn mạnh: “Tôi là một người phụ nữ, tôi cũng giống như những phụ nữ Mỹ khác. Tôi hiểu xã hội này còn tồn tại rất nhiều trở ngại trong việc chấp nhận nữ giới, còn rất nhiều ý kiến phiến diện bắt rễ trong lòng mọi người, dù chúng ta thường xuyên bỏ qua nó. Nhưng chúng ta nên cùng nỗ lực, tạo ra một nước Mỹ bình đẳng hơn, tôn trọng lẫn nhau hơn, khiến cho tiềm năng của mỗi con người sống trên đất nước này được phát huy đầy đủ, dù họ là nam hay nữ. Tôi vô cùng cảm ơn sự ủng hộ của các bạn đối với tôi, tôi sẽ đem theo những lời chúc của các bạn, tiếp tục tiến lên phía trước, tiếp tục làm những việc mình nên làm”.
Hillary đã không làm dân chúng thất vọng, bà là một chính trị gia rộng lượng. Bà thực lòng ủng hộ Obama, điều này có tác dụng rất tích cực đối với việc tổng hợp sức mạnh trong nội bộ Đảng.
Theo kết quả điều tra dân ý sau đó, hơn 60% số người ủng hộ bày tỏ sẽ chuyển sang ủng hộ Obama và chỉ có khoảng 17% sẽ ủng hộ McCain, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, họ có thể là những người không chấp nhận người da đen nắm quyền. Những người khác thì lựa chọn từ bỏ quyền bỏ phiếu, đa số họ là những cử tri nữ, bầu cho Hillary chỉ vì bà là phụ nữ.
Trong suốt 28 phút diễn thuyết, Hillary đã nhắc đến tên Obama 14 lần, thể hiện thành ý ủng hộ Obama của mình. Obama theo dõi bài diễn văn của Hillary qua kênh truyền hình trực tiếp trên mạng Internet, bộc lộ sự vui mừng và cảm thấy vô cùng vinh hạnh đối với sự ủng hộ của Hillary. Ông nói: “Lần tham gia tranh cử này của Thượng nghị sỹ Hillary có ý nghĩa thời đại. Bà đã dũng cảm phá vỡ giới hạn đối với nữ giới trên vũ đài chính trị nước Mỹ, tôi xin bày tỏ sự thán phục đối với bà”.
Để giành được sự ủng hộ của những người ủng hộ Hillary, đội ngũ tranh cử của Obama còn đăng một tấm ảnh của Hillary trên trang web tranh cử của Obama, thúc giục những người ủng hộ Obama lên tiếng cảm ơn Hillary. Cùng lúc đó, Hillary tại trang web của mình cũng kêu gọi những người ủng hộ mình chuyển sang ủng hộ Obama, vì lợi ích chung của Đảng Dân chủ.
Có đến 40% số người ủng hộ Hillary lựa chọn không ủng hộ Obama. Nếu Obama và Hillary đều là nam giới da trắng thì có lẽ đã không xuất hiện tình huống này.
Xem ra, kết quả của cuộc đàm phán bí mật giữa Obama và Hillary vẫn khiến cho Hillary vui vẻ. Nội dung của cuộc đàm phán được giữ kín nhưng chắc chắn, Obama sẽ bồi thường cho Hillary số nợ hơn 20 triệu đô la tiền tranh cử, trong đó có 10 triệu là tiền riêng của Hillary.
Hillary là một người làm việc rất nghiêm túc, lần diễn thuyết này bà đến muộn 45 phút, cũng có chút gì thật ý nghĩa. Nhưng chắc giữa họ vẫn chưa đạt được thỏa thuận về chức Phó Tổng thống. Sau này, Obama ủy thác cho Caroline Kenedy, con gái của cựu Tổng thống John Kenedy phụ trách một nhóm 3 người lựa chọn ứng cử viên Phó Tổng thống.
Chiến thắng trong Đảng lần này của Obama có liên quan không ít đến sự ủng hộ toàn tâm toàn lực của gia tộc Kenedy, hơn nữa bản thân Obama đã tự xưng là “Kenedy thứ hai”. Tuy nhiên, việc ông lựa chọn con gái Kenedy đảm đương trọng trách này lại khiến cho mọi người ngạc nhiên và không ngừng phỏng đoán. Caroline đã từng học luật ở Đại học Harvard và Đại học Colombia, cũng là một phụ nữ có tài, nhưng ý thức tham gia chính trị của bà không mạnh mẽ và bà không có kinh nghiệm gì trong chính trường. Bà là người chỉ thích sáng tác và đã xuất bản không ít các tác phẩm liên quan đến pháp luật.
Chính trị gia làm bất cứ việc gì cũng đều có người chỉ dẫn, lần này cũng vậy. Có người nói rằng Obama đang tận dụng quyền thế và danh tiếng của gia tộc Kenedy. Lại có người nói, Caroline là người ngoại đạo trên chính trường, nếu dùng bà có thể sẽ hỏng việc, nhưng thật ra, bà còn có 3 người dưới quyền trợ giúp. Caroline không có tham vọng tham chính, cũng không có kinh nghiệm trên chính trường, như vậy, vai trò trung lập trong quyết định lựa chọn của bà càng được khẳng định.
Có người còn nói, năm đó, Bush con giao cho Cheney phụ trách lựa chọn Phó Tổng thống, cuối cùng lại chọn chính Cheney, liệu lần này lịch sử có lặp lại? Hay Obama chỉ mượn sức mạnh của gia tộc Kenedy để giành lấy nhiều hơn sự ủng hộ của những cử tri da trắng, thậm chí cả những người thuộc Đảng Cộng hòa không hài lòng với McCain. Caroline là một gương mặt chưa có tì vết, nhưng bà cũng không có kinh nghiệm gì; cả Obama và Caroline đều là hai người mới, liệu mọi chuyện có thuận lợi?
Hillary rất hứng thú với mảng lập pháp và chấp pháp. Không được làm Tổng thống, rất nhiều chính sách của bà sẽ không có cơ hội để được thực hiện, hoài bão chính trị của bà cũng không được thể hiện. Nếu có thể trở thành Chủ tịch Ủy ban trọng yếu Thượng nghị viện, bà cũng có thể bộc lộ tài năng của mình trên hệ thống lập pháp, nhưng nơi đó lại không phải là nơi mà Tổng thống có quyền can thiệp. Nếu để trao đổi mà giao cho bà một chức Bộ trưởng trong nội các thì đối với Hillary đang là Thượng nghị sỹ thật chẳng khác nào giáng chức của bà.
Bởi vậy, về logic mà nói, khả năng lớn nhất là Hillary sẽ quay về Thượng nghị viện tiếp tục phấn đấu, kết hợp với Tổng thống Obama, cùng thực hiện những lí tưởng chính trị chung. Hoặc khi Chánh án tòa án Liên bang về hưu hay khi có khuyết một chức vị nào đó thì có thể đề cử Hillary đảm nhiệm, để bà có thể chuyển từ bộ phận lập pháp sang bộ phận chấp pháp. Nếu vào bộ phận hành chính thì chỉ có một chức vụ là Phó Tổng thống, nhưng đó không phải là lựa chọn đúng.
4. Ứng cử viên Phó Tổng Thống
Đối với việc lựa chọn đồng sự của Obama, có không ít người lo lắng cho ông.
Phó Tổng thống thì làm những việc gì? Một Phó Tổng thống như thế nào mới là một lựa chọn đúng? Chỉ khi trả lời được câu hỏi đầu tiên thì mới có thể tìm ra câu trả lời cho câu hỏi thứ hai.
Xét về chức năng, Phó Tổng thống chỉ là hư danh, là người thay thế cho Tổng thống khi Tổng thống không thể thực hiện được chức vụ của mình. Nhưng điều quan trọng nhất là Phó Tổng thống phải là người có thể giúp được ứng cử viên Tổng thống trở thành Tổng thống thực sự.
Trong 50 bang của nước Mỹ, một số bang là căn cứ của Đảng Dân chủ, tất nhiên sẽ ủng hộ ứng cử viên của Đảng Dân chủ. Một số bang khác lại ủng hộ Đảng Cộng hòa, ứng cử viên Đảng Dân chủ không thể “giành giật” được. Quan trọng là tính không xác định của các bang khác khiến cho cuộc cạnh tranh trở nên khốc liệt. Nếu ứng cử viên Phó Tổng thống có thể giúp ứng cử viên Tổng thống giành được sự ủng hộ quan trọng của các bang còn lại, đồng thời có thể hợp tác thân thiện với Tổng thống sau khi đắc cử thì đó mới là ứng cử viên tốt nhất cho chức Phó Tổng thống.
Dựa trên cách hiểu đó, nhìn từ góc độ lí luận, một Phó Tổng thống tốt phải hội tụ được những yếu tố dưới đây:
1. Có thể tạo ra thế cân bằng về khu vực với ứng cử viên Tổng thống.
Obama đến từ Chicago, miền Bắc nước Mỹ, nếu lựa chọn một Thống đốc bang hoặc một Thượng nghị sỹ miền Nam hoặc miền Đông có thể sẽ là một sự kết hợp tuyệt vời.
2. Có chung ý kiến về vấn đề chống chiến tranh.
Hiện nay, an toàn của đất nước là điều mà dân chúng quan tâm sau vấn đề kinh tế trong nước, đồng thời cũng là trọng tâm công kích của McCain từ trước đến nay. Obama ngay từ đầu đã phản đối cuộc chiến Iraq, người được lựa chọn cũng phải cùng quan điểm với ông về vấn đề này. Đương nhiên, điều đó không có nghĩa là người đó cũng phải phản đối cuộc chiến ngay từ đầu như Obama, bởi ngay từ đầu, gần như tất cả các chính trị gia quan trọng đều ủng hộ phát động cuộc chiến tranh này. Nhưng ít ra người này cũng phải nói được một lí do về việc thay đổi chủ kiến sao cho hợp lí, nếu không, sẽ bị đối thủ công kích là người theo chủ nghĩa cơ hội.
3. Có sự tương hỗ về mặt đảng phái.
Obama là một điển hình của kiểu người theo phái tự do, nếu tìm được một người Đảng Dân chủ theo phái trung lập thì sẽ giúp ích không nhỏ trong việc giành được sự ủng hộ của các bang còn lại.
4. Có sự tương hỗ về mặt thời gian hoạt động chính trị.
Vấn đề Obama còn khá trẻ, kinh nghiệm ít vẫn luôn là trọng tâm công kích của đối thủ. Hơn nữa, trong lịch sử, Tổng thống đều được chọn từ các Thống đốc bang, bởi vậy, chọn một người có tuổi một chút, có quá trình hoạt động tương đương với McCain thì có thể loại bỏ được không ít sự công kích của đối phương.
Đương nhiên, không thể tìm được ứng cử viên có thể đáp ứng được hết những điều kiện trên. Nhưng làm thế nào để tìm được người thích hợp nhất trong số những ứng cử viên có triển vọng cũng là một sách lược rất cần đến nghệ thuật.
Những ứng cử viên cho chức Phó Tổng thống, ngoài Hillary còn có những vị sau:
Bill Richardson, Thống đốc bang New Mexico. Ưu thế của ông là thời gian tham chính và ông là người phương Nam.
Richardson hiện nay 60 tuổi, sinh ở California, là thành viên Quốc hội lâu năm, từng làm Bộ trưởng và đại sứ của Mỹ tại Liên Hợp Quốc, có rất nhiều kinh nghiệm trong phương diện nội chính và ngoại giao. Ông đến từ miền Tây, có dòng máu Latin, có thể thu hút được phiếu bầu của các bang miền Tây. Hơn nữa, ông cũng có ưu thế rõ ràng trong việc thu hút phiếu bầu của các cử tri gốc Latin, mà những người gốc Latin lại có không ít thế lực ở các bang miền Nam như Florida…
Richardson cũng là một trong những đối thủ tham gia tranh cử tại cuộc bầu cử sơ bộ trong Đảng. Nhưng nếu chọn Richardson, thì trước tiên phải an ủi Hillary, xác định được rằng bà sẽ vui vẻ từ bỏ chức vụ đó và ủng hộ lựa chọn này. Vì Richardson trước đây đã từng được Bill Clinton trọng dụng, thuộc đội ngũ của Hillary, hơn nữa cách làm việc của Obama từ trước đến nay vẫn là “dĩ hòa vi thượng”, tìm được một phương án mà mọi người đều nhất trí mới là thượng sách.
James Webb, Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ của bang Virginia cũng là một người có thể được cân nhắc.
Webb năm nay 62 tuổi, cũng có thời gian hoạt động chính trị gần giống của McCain, cha là một quân nhân, bản thân Webb học ở rất nhiều trường. Hơn nữa, ông cũng là một cựu binh trong chiến tranh Việt Nam, hiện nay có một cậu con trai đang ở chiến trường Iraq. Ông vẫn luôn đấu tranh cho lợi ích của những người lính sau khi giải ngũ. Đây cũng là điều mà Webb có thể đối kháng với McCain.
Webb từng làm Bộ trưởng Hải quân thời Regan, có kinh nghiệm tham gia chính trường. Sự tham gia của Webb có thể bổ sung cho Obama những khiếm khuyết về kinh nghiệm chấp chính trên phương diện an toàn quốc gia, đồng thời cũng sẽ giúp ích rất nhiều trong việc giành sự ủng hộ của bang Virginia, đây là một bang khá quan trọng đối với Obama.
Còn một người nữa, đó là Edward Rendell, Thống đốc bang Pennsylvania.
Rendell là người Do Thái, tổ tiên là người Nga di cư sang Mỹ, hiện nay 64 tuổi, là người ủng hộ quan trọng của Hillary. Số lượng người Do Thái ở Mỹ không nhiều, nhưng lại có rất nhiều quyền lực đặc biệt về giới tin tức truyền thông và tiền bạc, khiến cho tất cả các chính trị gia không dám coi thường. Nhìn từ mối quan hệ thân thiết giữa Mỹ và Israel mấy chục năm nay có thể thấy được điều đó.
Hơn nữa, Obama khi chưa có điều kiện tiên quyết đã trực tiếp đối thoại với kẻ địch, khiến người Do Thái lo lắng rằng ông có thể áp dụng biện pháp mạnh đối với các phần tử cực đoan Israel. Lựa chọn Rendell có 3 điểm lợi: an ủi được người Do Thái – người của mình lên chấp chính, họ có thể sẽ yên tâm hơn; an ủi được những người ủng hộ Hillary – vì ông sử dụng người của bà, ở một mức độ nào đó thì Rendell cũng là đại diện của Hillary.
Hơn nữa, bang Pennsylvania là một bang lớn, rất quan trọng, danh tiếng của Rendell ở Pennsylvania rất có tác dụng trong việc giúp Obama giành được sự ủng hộ của bang này. Nhưng có một điều bất lợi, đây cũng là một bang ở miền Đông và miền Bắc, nếu lựa chọn Rendell thì các bang ở miền Nam và miền Tây sẽ bị bỏ trống, hơn nữa, có thể sẽ phát sinh lực lượng phản Do Thái.
Còn một ứng cử viên nữa là Christopher Dodd, Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ bang Connecticut ở phía Đông Bắc Mỹ. Dodd năm nay 64 tuổi, người gốc Ireland. Ông từng làm Hạ nghị sỹ, cha ông cũng từng là một Thượng nghị sỹ, bản thân ông có rất nhiều kinh nghiệm về phương diện chính sách tiền tệ và ngoại giao. Điều này có thể giúp Obama giành được điểm trong lĩnh vực kinh nghiệm tham gia chính trị, đồng thời cũng giúp ích cho việc giành được sự ủng hộ của các cử tri Latin.
Nói tóm lại, Đảng Dân chủ cũng có rất nhiều người tài, chỉ xem Obama sẽ lựa chọn ra sao.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.