Sức Mạnh Của Sự Khác Biệt

Khác biệt 3



MÁY TÍNH SAU NÀY CHẲNG CAO SIÊU GÌ HƠN CHIẾC XE ĐẠP
Khác với những ông chủ công nghệ luôn coi sản phẩm của mình là một kết tinh trí tuệ siêu nhiên, Steve muốn biến sản phẩm của ông thành những thứ ơn giản và phổ biến mà những người kém cỏi nhất cũng có thể sử dụng cho cuộc sống của mình.

PHÁT TRIỂN THẦN TỐC

LÀM NÊN “CUỘC CÁCH MẠNG” MÁY TÍNH CÁ NHÂN
Xét trên nhiều khía cạnh, Apple II vừa là khởi đầu, vừa là biểu tượng cho cuộc cách mạng máy tính cá nhân đầu những năm 1980. Mặc dù có nhiều loại máy tính cá nhân cạnh tranh trên thị trường – như Commodore PET hay TRS- 80 của Radio Schack – nhưng Apple II đã thực sự rất nổi bật ngay từ ban đầu, và sớm trở thành biểu tượng của máy tính cá nhân trong suy nghĩ của công chúng. Nó xuất hiện trên khắp các phương tiện truyền thông, và doanh số bán ra liên tục tăng vọt qua các năm 1978, 1979 và 1980.

Người ta không chỉ nói về Apple II ở thiết kế bắt mắt, ở bộ bàn phím tích hợp, hay khả năng kết nối với bất kỳ màn hình TV nào để thể hiện đồ họa màu sắc hay chơi nhạc. Mà chính ngôn ngữ lập trình BASIC cài đặt sẵn cũng góp phần quyết định vào thành công của Apple II, bởi nó giúp cho việc viết các phần mềm tương thích trở nên rất dễ dàng. Bản thân Woz đã dùng BASIC để viết chương trình đầu tiên chạy trên chiếc máy, một trò chơi có tên Breakout.

Tám khe cắm mở rộng cũng giúp chiếc Apple II tạo nên sự khác biệt. Woz quyết định thực hiện như vậy bất chấp ý muốn của Steve Jobs, và đó đã chứng tỏ là một quyết định khôn ngoan, bởi các khe cắm ấy sẽ cho phép bổ sung tất cả những tính năng và phần mềm mới vào trong máy tính. Một trong những tính năng này là Disk II, một loại ổ đĩa mềm Apple bắt đầu gắn thêm vào từ đầu năm 1978. Nó giúp cho việc chia sẻ và cài đặt phần mềm mới đơn giản hơn rất nhiều – chẳng mấy chốc, hoạt động cung cấp phần mềm cho Apple II phát triển mạnh.

Nhưng có lẽ yếu tố quan trọng nhất đưa tới thành công của Apple II không phải xuất phát từ bản thân Apple, mà chính một phần mềm có tên VisiCalc – chương trình bảng tính đầu tiên được đưa ra thị trường. VisiCalc chỉ chạy trên Apple II, và bản thân nó đã là cả một cuộc cách mạng. Hàng triệu kế toán, doanh nghiệp nhỏ hay thậm chí các cá nhân muốn quản lý tài chính của mình tốt hơn, có thể làm những phép tính phức tạp chỉ trong vòng vài phút thay vì phải mất hàng tuần nhẩm tính theo cách thông thường. Họ đổ xô đến các cửa hàng máy tính để mua bộ máy tính Apple II, biến Apple trở thành một trong những công ty có lợi nhuận cao nhất thời kỳ này. Chỉ bốn năm sau khi khởi sự từ một garage ôtô, công ty đã đi rất đúng hướng, theo đúng tính toán của Mike Markkula, để lọt vào nhóm Fortune 500 doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ.

CHIÊM NGHIỆM 10 PHÚT – THAY ĐỔI THẾ GIỚI

Apple Computer phát triển với tốc độ nhanh không ngờ. Các con số đạt được khiến người ta mê mẩn: từ doanh số 2.500 chiếc Apple II bán ra năm 1977, đã tăng lên 8.000 chiếc năm 1978, và tới 35.000 chiếc năm 1979. Điều đáng nói là, trước đó chưa hề có một thị trường máy tính cá nhân nào! Công ty kiếm được 47 triệu đôla doanh thu trong năm tài chính 1979, đưa Steve Jobs trở thành nhà triệu phú trên giấy tờ (anh sở hữu bảy triệu đôla giá trị cổ phiếu). Ban giám đốc công ty, trong đó có các thành viên mới như Arthur Rock và Don Valentine, bắt đầu tính chuyện cổ phần hóa Apple.

Trong khi đó, các kỹ sư tại Cupertino đã bắt đầu bắt tay vào những công việc cho tương lai của Apple. Một vài dự án đã hoàn thành trong những năm đầu tiên này. Trước tiên, cuối năm 1978, chiếc Apple III xuất hiện, kế thừa trên di sản của Apple II. Woz không tham gia dự án và phê bình nó ngay từ đầu. Cũng có một dự án ít người biết đến nữa là Macintosh, do nhà khoa học máy tính Jef Raskin đứng đầu. Ông khởi sự huy động một đội nhỏ để thiết kế một chiếc máy “dễ sử dụng như một chiếc máy nướng bánh mì”, và được đặt theo tên một loại táo ông yêu thích.

Steve Jobs không tham gia vào bất kỳ dự án nào trong số này. Anh có một dự án của riêng mình trong đầu, dự án Lisa. Không phải vô cớ mà anh đặt cái tên như vậy cho dự án này. Thực tế, năm 1978, khi Steve đã chuyển sang yêu cô nhân viên PR của McKenna, bạn gái cũ của anh từ hồi học trung học Chris-Ann Brennan lại xuất hiện và nói rằng cô sắp sinh. Steve không nhận mình là cha của đứa bé, dù mọi người xung quanh đều biết sự thực là vậy. Cô bé được đặt tên là Lisa… người ta thấy nhiều sự lúng túng trong thái độ của Steve, đặc biệt bởi chính anh cũng đã từng phải chịu đựng cái cảm giác bị bỏ rơi ấy. Như một động thái chia sẻ với cô con gái, anh lại lấy tên cô bé để đặt tên cho mã của dự án.

Dự án Lisa bước sang ngã rẽ lớn cuối năm 1979, sau khi Steve tới thăm Xerox PARC.

XEROX PARC LÀ GÌ?

Trung tâm nghiên cứu Xerox Palo Alto, thường được gọi là Xerox PARC, được tập đoàn Xerox thành lập đầu những năm 1970. Có trụ sở tại East Coast, nhà sản xuất máy photo này nhận thấy ngành kinh doanh chủ chốt của mình đang bị đe dọa bởi một cuộc cánh mạng máy tính nổ ra, với khả năng rất lớn sẽ xuất hiện những văn phòng không giấy. Trong một động thái rất khôn ngoan, họ đã thành lập một trung tâm nghiên cứu ở Công viên Nghiên cứu Stanford, và thuê những nhà khoa học máy tính tài năng, nhiều trong số đó đến từ ngôi trường đại học hàng đầu này, để phát minh ra một văn phòng như thế của ngày mai.

Năm 1979, khi Steve Jobs tới tham quan PARC, các nhà nghiên cứu ở đây đã đi tiên phong trong một số công nghệ sẽ làm nên cuộc cách mạng máy tính rồi. Họ sử dụng các máy tính để làm việc cùng nhau thông qua mạng công nghệ Ethernet. Họ phát triển lập trình hướng đối tượng, một phương thức mới để viết phần mềm hiệu quả hơn. Họ cũng đang chế tạo chiếc máy in laze.

Nhưng trên hết, họ tạo ra chiếc máy tính đầu tiên trên thế giới sử dụng giao diện đồ họa người dùng (GUI), máy tính Alto. Xerox Alto có một thiết bị lạ lẫm được gọi là con chuột, có thể dùng để di chuyển con trỏ chạy xung quanh màn hình. Bạn có thể mở các thư mục và tập tin, sao chép và dán nội dung vào bên trong đó. Đó đơn giản là một bước đột phá.

Xerox PARC không hề giấu giếm công nghệ của mình với người ngoài. Giới công nghệ thông tin, tại Stanford nói riêng và Thung lũng nói chung, đều biết đến những tiến bộ của trung tâm. Mọi người đều cảm nhận rõ rệt công nghệ này sẽ có ảnh hưởng to lớn tới ngành công nghiệp máy tính – phải, mọi người trừ chính bản thân Xerox. Ban lãnh đạo bảo thủ ở East Coast chưa bao giờ hiểu được các nhà nghiên cứu của mình tại California đã đạt được bước tiến như thế nào. Họ đơn giản bỏ qua nó như bỏ qua một thứ vô ích.

Nhóm Lisa có cuộc họp nội bộ ngắn thảo luận về công nghệ của Xerox PARC, với sự tham gia của Jef Raskin, giám đốc dự án Macintosh. Steve đã thương lượng với Xerox để được tham quan toàn bộ cơ sở sản xuất của hãng. Anh đã không thể quên được cảm giác của mình khi đặt chân tới đây.

Chỉ trong vòng 10 phút tôi đã hiểu ra rằng một ngày nào đó tất cả máy tính sẽ hoạt động đơn giản như thế này.

Steve Jobs trong cuốn phim tài liệu Triumph of the Nerds

Một số nhà nghiên cứu và kỹ sư như Larry Tesler và Bruce Horn bị Apple lôi kéo khỏi PARC để phát triển một giao diện đồ họa người dùng cho Lisa. Thách thức lớn nhất lúc đó là phải làm sao để thiết kế cho ra một sản phẩm mang tính thực tiễn, chứ không phải là một mẫu máy lạ lùng không đâu, xây dựng tốn kém. Cuối cùng, một trong những lý do Xerox từ chối Alto là cái giá trên trời của nó: 20.000 đôla, tức là cao gấp năm lần chiếc Apple II.

VỤ IPO ĐÌNH ĐÁM NHẤT KỀ TỪ THỜI FORD

Năm 1980, Apple Computer bắt đầu phát hành cổ phiếu ra công chúng. Quyết định này có ít nhiều ý nghĩa lớn đối với Steve Jobs, cả về mặt công việc và cá nhân.

Lúc đầu, ban giám đốc lo ngại những tác động cộng đồng xấu có thể xảy ra xung quanh cách Steve đối xử với cô con gái Lisa. Họ nhấn mạnh anh phải dàn xếp ổn thỏa vụ việc với Chris-Ann trong năm, bởi đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) dự kiến diễn ra vào tháng 12/1980. Anh đành miễn cưỡng đồng ý hoàn trả lại cho quỹ phúc lợi quốc gia đúng bằng số tiền họ đã dành để hỗ trợ mẹ của con gái anh, 20.000 đôla.

Công ty cũng được tái cơ cấu mạnh mẽ ở bộ phận cấp cao. Chiếc Apple III ra đời mùa xuân năm 1980, nhưng nhanh chóng thảm bại trên thị trường. Máy gặp nhiều lỗi khiến hàng nghìn mẫu ban đầu bị gửi trả lại công ty, doanh thu của Apple vẫn phải nhờ vào việc bán Apple II. Dự án tiếp theo, Lisa, do đó càng mang tính quyết định tới tương lai của công ty. Kết quả, Apple Computer được tổ chức lại thành ba bộ phận mới: Phụ kiện; Hệ thống máy tính văn phòng làm việc (POS, bao gồm dự án Lisa), và Hệ thống máy tính cá nhân (gồm Apple II và Apple III). Steve tin chắc sẽ được lãnh đạo bộ phận Văn phòng, nhưng ban giám đốc lại lựa chọn một người cứng rắn hơn và kinh nghiệm hơn là John Couch. Thay vào đó, Steve được lựa chọn làm chủ tịch hội đồng quản trị.

Lựa chọn này chủ yếu mang tính chất của một kế hoạch quan hệ công chúng để chuẩn bị cho đợt IPO. Công ty bắt đầu quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là qua tờ Tạp chí Phố Wall, để phổ biến “truyền thuyết” về vị kỹ sư thiên tài Steve Wozniak, và nhà tiếp thị tài ba, có tầm nhìn xa trông rộng Steve Jobs, những người đã làm nên cuộc cách mạng từ chiếc máy ở garage ôtô nhà mình. Có trang quảng bá in hình ảnh Steve Jobs và chiếc Apple II, cùng câu nói thú vị của anh rằng máy tính cá nhân là một kiểu xe đạp mới – xe đạp của trí óc.

Tính cách của Steve cũng thay đổi nhiều trong giai đoạn này. Anh ngày càng được công nhận là một biểu tượng quốc gia, một biểu tượng cho làn sóng doanh nhân mới của đất nước. Anh bắt đầu nhận ra giấc mơ thay đổi thế giới của mình. Những ngày tháng hippie dường như đã qua lâu rồi: anh bỏ bộ râu và ria mép, không còn tới Trung tâm Thiền phái Los Altos nữa, và anh cũng thường ăn mặc sang trọng hơn.

Cuối cùng, ngày 12/12/1980, Apple chính thức cổ phần hóa. Mặc dù nước Mỹ đang trong đợt suy thoái, nhưng chiến dịch vẫn thành công ngoài mong đợi. Đây là đợt phát hành cổ phần ra công chúng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ kể từ sau vụ Ford Motor năm 1956.

Sau đợt IPO, số cổ phiếu của Steve Jobs có giá trị 217,5 triệu đôla, cao hơn 210 triệu đôla so với ngày hôm trước.

CUỘC BÙNG NỔ CỦA NHỮNG GÃ KHÔNG ĐÂU

Tuy nhiên, bản thân Steve thì vẫn vậy. Anh vẫn là một nhà quản lý quyết liệt, và nhiều kỹ sư không chịu làm việc với anh. Các giám đốc của Apple đều biết vấn đề này, và đây là một trong những lý do họ chỉ định John Couch điều hành dự án Lisa, thay vì Steve.

Đặc biệt, Steve có quan hệ rất căng thẳng với CEO của Apple Mike Scott. Còn nhớ, Scott được Mike Markkula mời về năm 1977 để điều hành công ty. Nhưng như bạn sẽ sớm thấy, Scott có lẽ cũng nóng tính chẳng kém Jobs, nếu không nói là còn hơn thế.

Thực tế, tại Cupertino đã xuất hiện một mối quan tâm chung về chất lượng của những người mới tại công ty. Tổ chức phát triển nhanh đến mức, nhiều người được tuyển vào thực sự không đủ trình độ đảm nhận công việc đang làm. Theo cách nói rất Steve Jobs, hiện tượng này có thể được gọi chung là “cuộc bùng nổ của những gã không âu”. Mike Scott, với biệt danh là Scotty, quyết định đã đến lúc phải hành động. Ngày 25/2/1981, một ngày đã đi vào lịch sử Apple là “Ngày thứ Tư đen tối”, khi ông sa thải một nửa nhóm làm việc của Apple II, mà không thèm báo cáo gì với Hội đồng quản trị – đây không phải là cách quản lý một công ty được giao dịch trên thị trường chứng khoán. Ban lãnh đạo đã triệu tập cuộc họp và quyết định Apple sẽ sa thải Scotty ngay lập tức. Mike Markkula tạm đảm nhận công việc của ông này để lại trong khi công ty bắt đầu tìm kiếm một CEO mới.

Sự ra đi của Scotty, một trong những đối thủ lớn nhất của Jobs, khiến anh được tự do hơn ở Apple. Điều này diễn ra không lâu sau khi vị chủ tịch trẻ tuổi của Hội đồng quản trị được phụ trách dự án nhỏ nhất trong bộ phận POS, dự án Macintosh của Jef Raskin. Nên nhớ, Jef là kỹ sư cũ của Apple, một con người rất thông minh và có giọng nói rất êm, nhưng chưa bao giờ đồng cảm lắm với Jobs. Ông thậm chí còn viết thư gởi cho Mike Scott để giải thích tại sao ông không thể nào làm việc được cùng với Steve. Nhưng ban lãnh đạo đành phải hy sinh ông thì Steve Jobs mới để dự án Lisa được yên, vì thế họ để ông ra đi, và chỉ định Steve lên làm trưởng nhóm mới của đội Mac.

Sở dĩ Lisa là sản phẩm chiến lược đến vậy đối với Apple bởi nó liên quan tới cục diện mới của thị trường máy tính cá nhân. Thực tế, tháng 8/1981, cả ngành máy tính rung chuyển mạnh mẽ bởi sự ra đời của máy tính cá nhân IBM. Big Blue vẫn luôn là người đi đầu trong ngành máy tính, và trong suốt mấy chục năm – sản phẩm duy nhất của họ chỉ có những máy chủ cỡ lớn. Chứng kiến sự thành công nhanh chóng của Apple Computer và thị trường mới này, IBM đã quyết định chuyển sang các khách hàng cá nhân. Máy tính IBM thua kém Apple II ở nhiều mặt, nhưng chỉ riêng cái việc nó là sản phẩm của IBM đã đủ quan trọng rồi. IBM PC giúp cho các doanh nghiệp Mỹ sẵn sàng bắt đầu sử dụng máy tính cá nhân, bởi mọi nhà quản lý hệ thống thông tin đều biết rằng “bạn sẽ chẳng thể bị sa thải vì mua máy tính IBM”. Vị trí lãnh đạo thị trường của Apple rõ ràng đang bị đe dọa, và sản phẩm khả thi duy nhất, Apple II, cũng đã 4 năm tuổi. Sau khi Apple III thất bại, Lisa có vẻ là cứu cánh duy nhất cho công ty trái cây này.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.