Sức Mạnh Của Sự Khác Biệt

Khác biệt 8



ĐỘC ĐOÁN VÀ ĐAM MÊ TẠO RA SỰ TUYỆT HẢO
Ai cũng nói dân chủ mới kích thích sự sáng tạo và giải phóng động lực. Ở Apple, Steve có những biện pháp chuyên chính cao độ nhưng chính nhờ đó mà những sản phẩm hoàn thiện bậc nhất nối tiếp nhau ra đời.

TÁI DUYÊN CÙNG APPLE APPLE NĂM 1996

Để tìm hiểu Steve Jobs đã trở lại công ty do anh thành lập như thế nào, hãy điểm qua tình hình tại Apple giai đoạn giữa những năm 1990. Như chúng tôi đã nói từ trước, Apple có lợi nhuận ổn định từ năm 1986 đến 1995, chủ yếu nhờ vào thế độc quyền với giao diện đồ họa người dùng và cuộc cách mạng in màn hình. Bất cứ ai muốn một chiếc máy tính thân thiện với người dùng đều tìm mua Macintosh với giá xấp xỉ 2.000 đôla, một nửa số tiền đó là lợi nhuận thuần thuộc về Cupertino.

Nhưng, bước vào năm 1992, Apple cảm thấy bị đe dọa bởi một siêu thế lực máy tính mới nổi trong ngành máy tính: Microsoft. Trước nay, Microsoft vốn chủ yếu được biết đến là nhà cung cấp MS-DOS cho máy tính IBM và các máy tính khác, chiếm khoảng chừng 80% thị trường máy tính cá nhân – 20% còn lại thuộc về Apple. Nhưng công ty có trụ sở ở Redmond này cũng còn là một hãng phát triển ứng dụng, và thực tế cũng đã từng tham gia dự án Macintosh với Steve Jobs đầu những năm 1980 cung cấp những phần mềm cho Mac, như Multiplan.

Khi Bill Gates phát hiện đồ họa giao diện người dùng của Macintosh năm 1982, ông cũng hiểu rằng đây là con đường của tương lai, tương lai sẽ đe dọa hoạt động kinh doanh DOS của họ. Vì thế, ông cũng bắt tay vào phát triển một giao diện đồ họa người dùng của Microsoft có thể bổ sung thêm vào hệ điều hành mới: Windows.

Trong suốt nhiều năm, Windows tệ đến mức không ai trong ngành này thèm nhìn nhận nó một cách nghiêm túc. Nhưng Apple bắt đầu cảm thấy bị đe dọa khi nó trở nên tốt hơn và giống Mac hơn, đặc biệt sau khi Windows 3.0 ra đời năm 1990. Mới đó, năm 1988, Apple còn kiện Microsoft ăn cắp giao diện “look and feel” (ý chỉ GUI) của hệ điều hành Mac. Vụ việc kết thúc tại Tòa án Tối cao năm 1994, Apple thua kiện (một trong những lý do chính là bản thân Apple cũng đánh cắp GUI từ Xerox khoảng 15 năm trước đó).

Năm sau, năm 1995, Microsoft tung ra Windows 95, lần ra mắt GUI thành công nhất trong lịch sử máy tính cá nhân. Gần như mọi người dùng máy tính cá nhân đều nâng cấp và sử dụng GUI một cách phổ biến, trong khi Apple mất thế độc quyền. Doanh số Macintosh bắt đầu giảm mạnh, không chỉ bởi sức chi phối của bộ đôi Wintel, mà còn bởi nước đi sai lầm khi cấp phép cho các hãng sản xuất máy tính “họ hàng” với Mac được sử dụng Mac OS – họ sản xuất các máy tính rẻ hơn vẫn sử dụng được hệ điều hành của Apple. Công ty mất dần thị phần và việc liên tiếp thay thế các CEO cũng không giúp được gì. Sau khi John Sculley rời đi năm 1993, Michael Spindler lên thay được hai năm, và sau đó đến lượt Gil Amelio từ tháng 2/1996. Công ty lao dốc, liên tục không kịp cho ra sản phẩm mới theo đúng kế hoạch và tụt lùi về phát triển phần mềm.

KHÔNG ĐỤC NƯỚC BÉO CÒ

Những cuộc đàm phán đầu tiên về việc đưa Steve Jobs quay trở lại Apple bắt đầu năm 1995, trước cả khi Gil Amelio được bổ nhiệm giữ chức CEO. Tháng 12 năm đó, ông bạn Larry Ellison của Steve, nhà sáng lập và CEO của Oracle và một trong những người giàu nhất thế giới, đã nói về thương vụ tiếp quản Apple đầy táo bạo trên truyền thông và trang web cá nhân. Mọi dàn xếp đã ổn thỏa để Oracle và các nhà đầu tư khác mua lại công ty với giá khoảng 3 tỷ đôla và cắt đặt Steve làm giám đốc mới.

Steve sau đó giải thích, ông là người đã quyết định chống lại vụ mua bán vào phút chót.

Tôi quyết định mình không thể là hạng người đục nước béo cò như vậy được. Nếu họ (Apple) đề nghị tôi trở lại, đó lại là chuyện khác.

– Steve Jobs nói về vụ tiếp quản, trích tạp chí Time tháng 12/1996

BƯỚC MỘT CHÂN TRỞ LẠI APPLE

Phải một năm sau, sự trở lại Apple của Steve mới rục rịch diễn ra. Tháng 11/1996, công ty tìm kiếm một hệ điều hành mới cho máy tính Mac trong tương lai. Mac OS dần trở thành thứ công nghệ cũ kỹ, chậm chạp, và không phù hợp với máy tính hiện đại.

Apple cũng từng dành thời gian tiến hành một dự án nội bộ có tên Copland, tuy nhiên liên tục bị trì hoãn và nhanh chóng nhận thất bại bởi chất lượng quá thấp. Vì thế, CEO Gil Amelio bắt đầu tìm kiếm mua một hệ điều hành hiện đại, và ít lâu sau đi đến thống nhất mua BeOS của Jean-Louis Gassée. Gassée nguyên là giám đốc của Apple Pháp, người được đề cử thay thế Steve Jobs làm trưởng bộ phận Macintosh năm 1985. Sau đó ông rời Apple và mở công ty riêng, Be Inc., chủ sở hữu một phần mềm có mọi thứ Apple cần, trong đó có khả năng chạy mượt trên các sản phẩm của Apple.

Tuy nhiên, một số nhân viên của NeXT đã gọi điện cho Apple và tiết lộ với họ về hệ điều hành của công ty, chính NeXTSTEP hiện đại, từ lâu luôn được coi là một trong những nền tảng phần mềm tốt nhất trên trái đất. Sau này Steve Jobs mới biết điều đó và thấy rất bất ngờ. Nhưng tháng 12/1996, anh xuất hiện tại Apple lần đầu tiên sau 11 năm và không chỉ thuyết phục ban giám đốc sử dụng công nghệ ấy mà còn nên mua lại công ty này của mình. Apple đồng ý trả hơn 400 triệu đôla cho NeXT, trong khi Be chỉ chào giá 200 đôla.

Gia nhập Apple đáp ứng đầy đủ những lý do tinh thần khi bắt đầu thành lập NeXT.

Steve Jobs nói, hình dung ra viễn cảnh NeXTSTEP được sử dụng phổ biến, một giấc mơ ông đã nỗ lực suốt 10 năm để hiện thực hóa. Theo thỏa thuận, Steve nhận 1,5 triệu cổ phiếu của Apple và không được phép bán trong vòng một năm, và được chỉ định làm “cố vấn không chính thức” cho CEO Gil Amelio…

CUỘC ĐẢO CHÍNH Ở CUNG ĐIỆN

Steve cũng đồng ý lên sân khấu triển lãm Macworld tháng 1/1997. Buổi triển lãm đã cho thấy sự quản lý của công ty đã trở nên yếu kém đến thế nào dưới thời Amelio. Vị CEO này cứ mãi miết dạo chơi, không nhận ra mình đã lạc lối từ khi nào. Và sau đó, ông thả xuống quả bom: Apple đã có một trong những quý làm ăn tồi tệ nhất vào quý tư năm 1996, với doanh thu sụt giảm 30% so với năm 1995.

Quý 1 năm 1997, tình hình cũng không hề sáng sủa hơn, công ty tiếp tục thua lỗ 700 triệu đôla, đưa tổng mức thua lỗ dưới thời Amelio lên tới trên một tỷ đôla. Steve đã bán số cổ phiếu của mình ngay khi ông được phép làm như vậy, và công ty càng rơi sâu hơn xuống vực thẳm.

Vâng, tôi đã bán số cổ phần đó. Tôi thực sự phải từ bỏ hy vọng rằng ban lãnh đạo Apple sẽ làm điều gì đó. Tôi không nghĩ cổ phiếu sẽ gượng dậy được.

Phỏng vấn của tờ Time

Thế là quá đủ. Tháng 7, Hội đồng quản trị, đứng đầu là đồng minh của Steve Ed Woolard Jr., đã sa thải Amelio sau 500 ngày làm việc, và mời Steve Jobs trở về làm chủ tịch và CEO mới của công ty. Anh từ chối, và chỉ chấp thuận trở thành một thành viên đơn thuần của ban giám đốc và một CEO tạm thời, với trách nhiệm giúp công ty trở lại đúng hướng trước khi trả lại vị trí cho người khác. Ông cảm thấy không ổn khi đảm đương chức vụ CEO ở cả hai công ty đại chúng cùng một lúc – Pixar và Apple. Sau khi lên nắm quyền, ông tiến hành cải tổ Hội đồng quản trị và bố trí những nhân vật thân hữu vào: dĩ nhiên, Ed Woolard, chủ tịch DuPont, cũng như Gareth Chang, chủ tịch Hughes International, sẽ vẫn ở lại. Các thành viên mới đều là những người ủng hộ Steve, đầu tiên là ông bạn Larry Ellison, CEO của Oracle; Jerry York, cựu CEO của Chrysler và IBM, cùng với Bill Campbell, CEO của hãng phát triển phần mềm Intuit.

VỊ CEO TẠM QUYỀN

THỎA THUẬN LỊCH SỬ – MACWORLD BOSTON 1997

Một trong những quyết định đầu tiên của Steve đưa ra là ký thỏa thuận với nhà lãnh đạo thị trường Microsoft. Đây là vấn đề nóng đối với nhiều khách hàng của Apple, bởi Microsoft có chút gì đó giống như một kẻ thù cá nhân, hiện thân của quỷ trong ngành công nghiệp máy tính. Tuy nhiên, Steve Jobs đã đến gặp và đề nghị người quen cũ Bill Gates giải quyết một số tranh chấp giữa hai công ty. Và thỏa thuận đạt được bao gồm chấm dứt toàn bộ các vụ kiện về bằng sáng chế, cam kết tiếp tục phát hành các phiên bản Microsoft Office dành cho Mac trong vòng năm năm để đổi lại việc Internet Explorer được dùng làm trình duyệt mặc định trên Mac, và một khoản đầu tư 150 triệu đôla vào Apple của Microsoft, dưới dạng cố phiếu không có quyền biểu quyết.

Khi Steve Jobs công bố thỏa thuận này vào tháng 8, tại Macworld Boston 1997, người hâm mộ Apple trong khán phòng đã đón tuyến bố đó với đầy lời lẽ chỉ trích. Họ không khỏi giật mình khi gương mặt của Bill Gates xuất hiện trên chiếc màn hình khổng lồ trong căn phòng, làm họ tò mò nhớ lại đoạn quảng cáo năm 1984 chống lại IBM. Đã thế, chính Steve cũng từng gọi Microsoft là “IBM của những năm 1990”.

Cũng trong bài diễn văn đó, Steve Jobs đã hé lộ một chiến lược tiếp thị mới của Apple. Ông sẽ tận dụng sức mạnh của nhãn hiệu Apple, chỉ tập trung vào văn hóa nổi loạn và sức sáng tạo đầy chất nghệ sĩ của công ty. Đây là mầm mống của chiến dịch Nghĩ khác. Steve trở lại gặp Lee Clow tại TBWA Chiat/Day, một công ty quảng cáo phụ trách mảng quảng cáo ban đầu của Macintosh (đặc biệt là đoạn quảng cáo 1984), để giúp ông khôi phục lại hình ảnh của công ty trong công chúng. Kết quả là một quảng cáo rất “Jobs”: những bức ảnh đen trắng khổng lồ, giống như những bức treo ở nhà anh, vẽ chân dung những con người vĩ đại đã trở thành biểu tượng, được ca tụng vì đã làm thay đổi thế giới.

Các quảng cáo này nhắm tới những khách hàng không quan tâm tới việc máy tính làm gì, mà chỉ cần biết họ có thể làm gì với chiếc máy tính. Ý tưởng chủ đạo ở đây là người dùng máy tính Apple là những con người khác biệt, và chúng tôi sản xuất máy tính để dành cho những con người sáng tạo dám tin rằng một cá nhân có thể làm thay đổi thế giới.

Allen Olivo, giám đốc cấp cao của Apple, phụ trách truyền thông tiếp thị toàn cầu, nói trên tờ New York Times.

Không bất ngờ khi hãng quảng cáo này gợi ý đưa Steve Jobs làm một trong những người xuất hiện trong hình quảng cáo, dù anh từ chối.

HỞ MÔI LÀ ĐẮM THUYỀN

Steve bắt đầu làm việc như điên trong nửa cuối năm 1997 đó để đưa Apple trở lại.

Anh đi khảo sát mọi nhóm sản phẩm trong công ty, mời từng nhóm trưởng vào phòng họp của Apple. Mọi người đều phải thuyết phục anh rằng sản phẩm của họ cần thiết cho chiến lược của công ty. Không có chỗ cho tình cảm: nếu một sản phẩm không làm ra lợi nhuận, sản phẩm ấy sẽ bị đào thải, dù chiến lược có ảnh hưởng như thế nào tới các kỹ sư đang làm mảng đó. Anh thu thập rất nhiều thông tin về tất cả các khía cạnh kinh doanh trước khi hành động.

Nói cho công bằng với người tiền nhiệm, Gil Amelio cũng đã bắt đầu sắp xếp lại công ty với việc cắt giảm số dự án từ xuống còn khoảng 50. Steve hoàn tất nốt công việc đó bằng cách giảm xuống còn 10 dự án:

Những gì tôi thấy khi tôi trở lại đây là một nghìn lẻ một thứ sản phẩm. […] Điều này quả thật vô lý. Và tôi bắt đầu hỏi mọi người, tại sao tôi nên giới thiệu một máy tính phiên bản 3400 thay vì phiên bản 4400? Khi nào khách hàng nên sử dụng phiên bản 6500 chứ không phải là phiên bản 7300? Và sau ba tuần, tôi vẫn không thể tìm ra câu trả lời. Nếu như chính tôi, một người làm việc ngay tại Apple, với đầy đủ những thông tin do các chuyên gia ở đây cung cấp, còn không hiểu nên chọn loại nào, thì làm sao khách hàng còn biết đường nào đây?

Steve Jobs tại WWDC 1998

Steve đã đưa về một số giám đốc của NeXT, những người vẫn trung thành với anh hồi ở Apple khi trước. Đáng chú ý nhất, anh đã cắt đặt Avie Tevanian làm trưởng nhóm phần mềm, Jon Rubinstein làm trưởng nhóm phần cứng, Mitch Mandich phụ trách bán hàng, và Phil Schiller làm marketing toàn cầu. Cá nhân anh trông coi phần sản xuất cho tới khi Tim Cook rời khỏi Compaq tháng 3/1998, được cử về làm giám đốc sản xuất. Anh cũng để lại dấu ấn trong cuộc sống hằng ngày tại khuôn viên làm việc của Apple, ban hành những quy định mới như cấm hút thuốc hay mang vật nuôi đến nơi làm việc. Một trong những thay đổi được đánh giá cao nhất của anh là quán cà phê mới mà Steve nhờ nhà hàng Ý nổi tiếng ở Palo Alto, Il Fornaio, điều hành. Tới giờ đây vẫn được coi là một trong những quán cà phê tuyệt nhất ở Thung lũng.

Một vài trong số những quyết định đầu tiên của Steve bao gồm xóa bỏ hoạt động kinh doanh máy Mac nhái vốn đang gây thiệt hại sâu sắc đến doanh số phần cứng của Apple, trong khi lại không làm gia tăng thị phần Mac OS; và khai trương cửa hàng trực tuyến của Apple. Khi đó, Apple là một trong những người đầu tiên có cửa hàng trực tuyến và sớm trở thành kiểu mẫu cho một số công ty công nghệ khác. Steve còn mang đến văn hóa giữ bí mật mà ông đã xây dựng ở NeXT. Apple khi đó chẳng khác nào cái chợ buôn; mọi sản phẩm chưa ra mắt đã xuất hiện tin đồn từ trước đó nhiều tháng trên các trang báo chuyên ngành… và điều này đã chấm dứt dưới thời Steve Jobs. Anh treo một bức tranh tường từ thời chiến tranh thế giới thứ hai trong văn phòng làm việc, ở dưới có câu: Loose Lips Might Sink Ships (Hở môi là đắm thuyền). Chính sách mới này nêu rõ: bất cứ ai để rò rỉ thông tin về các sản phẩm sắp ra mắt cho báo giới hay các nhà phân tích sẽ tức là đã tự đẩy mình ra khỏi công ty, một cách rất nhanh.

Với chiến lược sản phẩm mới, mọi thứ cũng khá đơn giản. Về phần mềm, tất cả các nhà phát triển đã bắt đầu sao chép NeXTSTEP sang nền tảng Mac, tất cả do Avie Tevanian của NeXT đứng đầu chỉ đạo. Việc này dự kiến kết thúc trong khoảng bốn năm, với việc ra mắt hệ điều hành Mac OS X. Về phần cứng, Steve quyết định bắt đầu lại từ đầu và toàn bộ chiến lược sẽ dựa trên một ma trận đơn giản. Apple từ bỏ hơn 20 dòng sản phẩm và tập trung phát triển bốn sản phẩm mạnh: máy bàn cho người dùng thông thường, máy xách tay cho người dùng thông thường, máy bàn cho người dùng chuyên nghiệp và máy xách tay cho người dùng chuyên nghiệp.

NHỮNG SẢN PHẨM TRÊN CẢ TUYỆT VỜI

Các dòng sản phẩm đầu tiên được Steve Jobs cải tạo là những sản phẩm người dùng chuyên nghiệp, Power Mac and PowerBook, công bố tháng 11/1997, chỉ 11 tháng sau khi ông trở lại. Đó là những chiếc Mac đầu tiên chạy hệ xử lý Power PC G3 mới, của Motorola. Các máy này chạy tương đối nhanh, được thiết kế cho người dùng sáng tạo chuyên nghiệp, nổi trội hơn các đối thủ sử dụng dòng chip Pentium ở nhiều khía cạnh.

Những chiếc máy tính Mac dòng pro mới này bán khá chạy, chứng tỏ với Steve rằng anh đã đúng về nền tảng khách hàng của Apple. Anh biết nhiều người dùng Mac đã ngần ngại mua một chiếc máy tính Apple mới trong những năm 19951996, không phải vì họ muốn chuyển sang sử dụng Windows, mà bởi họ lo một ngày Apple sẽ biến mất. Đó là cảm giác khá phổ biến trong cộng đồng Apple khi mà Cupertino liên tục cho ra những sản phẩm kém chất lượng và thua lỗ triền miên. Khi Steve Jobs trở lại và thổi vào công ty một niềm tin ở tương lai, doanh thu bắt đầu tăng trở lại. Tại Macworld 1998, ngày 8/1, ông tuyên bố trên sân khấu, Apple đã lại có lãi. Lần đầu tiên kể từ năm 1996, công ty đạt lợi nhuận 45 triệu đôla trong quý cuối cùng của năm 1997.

Nhưng thành công lớn nhất của Apple vẫn chưa đến. Khi Steve trở lại Apple, một nhóm đang phát triển loại máy có tên NC, viết tắt của “network computer”, tức máy tính mạng. Ở thời điểm đó, người ta thường nghĩ rằng máy tính cá nhân đang trải qua những ngày cuối cùng trước khi được thay thế hoàn toàn bởi cái gọi là “thiết bị mạng”, những thiết bị đầu cuối cơ bản sẽ lấy nội dung của mình từ Internet. Steve vẫn giữ kín dự án trong nội bộ nhưng cũng đã cho ra đời một máy tính bàn phổ thông mới, chiếc iMac (chữ i ở đây để chỉ Internet).

Về kiểu dáng của máy, anh nhờ đến một trong các nhà thiết kế nội thất của Apple, một người Anh có giọng nói êm tên là Jonathan Ive. Ive gia nhập công ty từ trước khi Steve trở lại, nhưng chính vị CEO tạm quyền đã đưa ông lên làm trưởng nhóm thiết kế công nghiệp.

Steve công bố chiếc iMac ngày 6/5/1998, tại khán phòng Flint Center ở Cupertino, cũng căn phòng nơi anh công bố chiếc Macintosh 14 năm về trước.

Lựa chọn này mang rất nhiều hàm ý, giống như những chữ đầu tiên xuất hiện trên màn hình máy tính: “hello (again)” (xin chào trở lại), gợi nhớ tới chữ “hello” nguyên bản của Macintosh. Steve Jobs đã đưa Apple trở lại vị trí sáng nhất trong bức tranh máy tính để bàn, một thị trường mà chính công ty mở ra năm xưa.

Apple đã có một lựa chọn táo bạo khi phát triển iMac. Đó là dòng máy tính chính thống đầu tiên cho phép kết nối USB, một công nghệ phát triển bởi Intel vốn gần như không tồn tại trong không gian PC. Apple từ bỏ toàn bộ cổng giao tiếp USB cũ, và đến hôm nay, iMac được công nhận là một trong những chiếc máy đã góp phần phổ biến chuẩn giao tiếp giờ đã có mặt ở khắp nơi này. iMac còn là chiếc máy tính cá nhân đầu tiên không chứa ổ đĩa mềm. Steve không thích đĩa mềm, như chúng ta đã thấy trong chương về NeXT. Ông chỉ cho ổ CD-ROM vào iMac, và người dùng nào cần dùng đĩa mềm thì hãy tự đi mua một ổ đĩa Zip rời!

Quyết định này tỏ ra đúng đắn, bởi đĩa mềm đã biến mất chỉ chừng sau đó hai năm.

Nhưng có lẽ, tính năng nổi bật nhất của iMac là thiết kế hoàn toàn khác biệt, do Jonathan Ive và nhóm của ông phát triển. Máy có màu đục xanh da trời/xanh lá cây, bo tròn trong một thế giới đầy những chiếc máy màu be nhàm chán. iMac gây ảnh hưởng tới cả thế hệ các nhà thiết kế, và điểm nổi bật của nó có thể cảm nhận được ở một loạt các sản phẩm khác nhau khi đó, có vỏ nhựa nhiều màu, nửa trong suốt.

Sự hào hứng đặc biệt dành cho iMac không chỉ giúp nâng cao doanh số, mà còn củng cố lòng tin vào tương lai của công ty. Một dấu hiệu tích cực khác là thêm rất nhiều nhà phát triển phần mềm đã tuyên bố sẽ quay trở lại nền tảng Mac sau khi iMac ra đời. Điều này rất quan trọng, như nhiều nhà phê bình đã chỉ ra, lượng phần mềm sẵn có trên Mac OS quá khiêm tốn so với đối thủ Windows.

iMac đã trở thành một trong những thành công lớn nhất của Apple, bán được hơn hai triệu chiếc chỉ trong vòng hai năm đầu. Nhưng dĩ nhiên Steve Jobs không chịu dừng lại ở đây.

Chỉ bảy tháng sau đó, tháng 1/1999, ông công bố thông tin mới về sản phẩm tại Macworld San Francisco. Đầu tiên là bộ case Power Mac G3 hoàn toàn mới, không chỉ nhanh hơn, mà còn có thiết kế độc đáo và bắt mắt hơn, lấy cảm hứng từ chiếc iMac nguyên bản. Và thứ hai là iMac sẽ có một số màu sắc khác, do đó có tên mã nội bộ là “lifesavers” (người cứu sự sống)… đây lại là đột phá mới trong thiết kế máy tính ở thời điểm đó.

Tuy nhiên, phải mất thêm sáu tháng nữa Apple mới hoàn thành ma trận sản phẩm của mình, tới tháng 7/1999, Steve công bố chiếc iBook tại Macworld New York. Chiếc máy xách tay phổ thông này của công ty được giới thiệu với dòng chữ: “iMac to go”, bởi thiết kế của nó đã gợi nên rõ ràng về chiếc máy bàn đối tác của nó. Lại một sự tinh tế nữa đối với nhiều nhà quan sát trong ngành.

Cũng trong buổi trưng bày này, Apple còn giới thiệu sản phẩm Wi-Fi đầu tiên, hệ thống trạm gốc AirPort. Kết nối không dây là điển hình trong cải tiến của Apple. Đang và luôn muốn duy trì quý hồ tinh bất quý hồ đa, nên công ty chỉ thường phát triển hai hay ba công nghệ mới cùng một lúc, không hơn, để đảm bảo tập trung và bố trí được các nhóm hạng A cho mọi dự án. Bằng cách làm như vậy, Apple có thể đi đầu trong một số công nghệ cao thông minh khó đâu sánh kịp: AirPort rõ ràng đã mở ra một tiêu chuẩn cho WiFi tương lai.

Sau hai năm làm CEO tạm quyền, Steve đã giúp thay đổi hoàn toàn Apple. Anh khôi phục lại hình ảnh của công ty trong công chúng, thực hiện một chiến lược mới tập trung và thành công, thu hút các nhà phát triển phần mềm, và cho ra thị trường những sản phẩm có tính sáng tạo và cảm hứng cao. Những dòng sản phẩm khó nhận biết đã biến thành một ma trận những sản phẩm máy tính đột phá đơn giản mà mạnh mẽ:


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.