Sức Mạnh Của Sự Khác Biệt

Khác biệt 12



KHÔNG BAO GIỜ DỪNG LẠI

Những người khác đạt được một vài thành công và dừng lại vì nghĩ rằng đã ghi tên mình vào lịch sử. Steve không bao giờ nghĩ thế. Thành công với ông có nghĩa là không bao giờ dừng lại, phải liên tục khát khao tạo ra những sản phẩm siêu hoàn thiện mới trên con đường đi tới sự vĩnh viễn.

2010: STEVE TRỞ LẠI LẦN NỮA

Sau gần một năm lánh mặt hoàn toàn khỏi giới truyền thông do các vấn đề về sức khỏe, Steve đã có màn trở lại ấn tượng vào năm 2010. Vị CEO quyền lực đã lôi cuốn sự chú ý của dư luận nhiều lần trong năm này với những thông báo làm thay đổi cuộc chơi của giới công nghệ.

ĐỈNH CAO MỚI: IPAD

Chắc chắn ấn tượng nhất là ngày 27/1/2010 khi Steve Jobs chính thức giới thiệu iPad, chiếc máy tính bảng rất được mong đợi của Apple. Tin đồn về một chiếc máy tính bảng của Apple còn xuất hiện trước cả những tin đồn về chiếc điện thoại của hãng này: phòng thí nghiệm của Apple tại Cupertino đã xây dựng một chiếc máy tính bảng nhiều năm trước khi họ bắt tay thực hiện iPhone.

Thực ra tôi bắt đầu với máy tính bảng trước. Nó xuất phát từ ý tưởng có thể bỏ đi bàn phím mà gõ lên một màn hình gương cảm ứng đa điểm. Rồi tôi hỏi những người đồng sự của mình rằng liệu chúng tôi có thể làm việc với một màn hình cảm ứng đa điểm, để tay lên và gõ trực tiếp vào đó được hay không. Khoảng 6 tháng sau, họ gọi tôi vào phòng và cho tôi thấy thiết bị mẫu của chiếc màn hình này. Nó thực sự khiến tôi phải kinh ngạc. Chuyện xảy ra vào đầu những năm 2000, và tôi đưa nó cho một đồng sự khác, người rất giỏi về thiết kế giao diện người dùng, xem. Một vài tuần sau anh ta gọi lại và cho tôi thấy cơ chế trượt cảm ứng và một vài đặc tính khác. Cũng vào khoảng thời gian ấy chúng tôi đang có ý tưởng làm ra một chiếc điện thoại, và khi thấy tính năng trượt cảm ứng thì tôi đã nghĩ, Chúa ơi, chúng tôi có thể tạo ra một chiếc điện thoại từ những thứ này. Và chúng tôi đặt dự án máy tính bảng qua một bên vì thấy rằng điện thoại là thứ quan trọng hơn. Rồi chúng tôi dành mấy năm tiếp theo để làm ra iPhone.

Steve Jobs phát biểu tại hội nghị D8, ngày 1/6/2010

Trong suốt năm 2009, trước cả khi Steve Jobs trở về sau thời gian vắng mặt để điều trị bệnh, cỗ máy tin đồn ở Apple lại bắt đầu quay với thông tin ngày càng chắc chắn về sự xuất hiện của một thiết bị đáng kinh ngạc, đó có thể là một chiếc máy tính bảng cầm tay kết hợp giữa một chiếc máy Mac và một chiếc iPhone. Tin đồn còn trở nên điên rồ hơn sau khi Steve Jobs giới thiệu thiết bị mẫu cho một số nhà phát hành lớn của Mỹ, và kết quả là họ không ngừng nói về nó. Nhà báo Walt Mossberg của Tạp chí Phố Wall, một trong những nhà phân tích công nghệ mà Steve Jobs mến mộ từng tiết lộ khá sớm rằng:

Cầm thứ này trên tay cho bạn trải nghiệm còn tuyệt hơn cả khi xem phim thông thường!

STEVE JOBS – SÁNG TẠO KHÔNG NGỪNG

Sau đó, vào ngày 27/1, Steve Jobs cuối cùng cũng quay lại đảm nhiệm chức vụ của mình và giới thiệu chiếc iPad cho toàn thế giới. Buổi thuyết trình chân phương và khá đơn điệu, khi mà Steve chỉ ngồi trên một chiếc ghế và biểu diễn thiết bị mới trong gần như suốt cả phần trình bày.

iPad đã khiến phần đông các nhà phân tích cảm thấy thất vọng ở thời điểm đó. Người ta cho rằng nó chỉ như một chiếc iPod cỡ lớn, không hơn. Steve bị chế nhạo vì đã gọi nó là một “thiết bị ma thuật” trong phần trình bày của mình cũng như trong cả các quảng cáo của Apple. Song một lần nữa thị trường lại chứng minh những người từng chỉ trích Steve đã sai lầm, và iPad hóa ra lại là một thành công bất ngờ. Tính đến tháng 9/2010, Apple đã tiêu thụ được 7,5 triệu chiếc iPad, tương đương gần 8% doanh thu của Apple trong năm tài khóa 2010 (doanh thu của iPod chiếm 13%).

Khi được hỏi về cảm nghĩ của mình về iPad tại hội nghị All Things D vào tháng 6/ 2008, Steve Jobs có những nhận xét táo bạo: Khi chúng ta là một quốc gia nông nghiệp, mọi chiếc xe đều là xe tải, vì đó là thứ bạn cần trên nông trại. Nhưng khi xe cộ bắt đầu được sử dụng tại các trung tâm đô thị, và người ta bắt đầu chuyển vào các trung tâm đô thị hay cận đô thị để sống, thì xe hơi trở nên phổ biến hơn, hộp số tự động và những cải tiến khác cũng khiến cho bạn không còn để ý đến xe tải nữa mà bắt đầu dành sự quan tâm đặc biệt đến xe hơi. Và giờ, có lẽ […] cứ 25 xe thì mới có một xe là xe tải mà trước đó tỷ lệ này phải là 100%. Máy tính cá nhân cũng sẽ giống như xe tải. Chúng vẫn ở quanh ta, vẫn có giá trị lớn, nhưng chỉ một phần trong số chúng ta sử dụng chúng. Sự chuyển đổi này sẽ khiến cho vài người thấy không thoải mái – những người trong thế giới máy tính, như các bạn và tôi. Không thoải mái, vì máy tính cá nhân đã theo chúng ta suốt cả chặng đường dài, nó thực sự rất tuyệt. Tôi muốn nói đến thời kỳ hậu máy tính, khi nó thực sự bắt đầu diễn ra, thì tôi nghĩ đối với rất nhiều người, máy tính sẽ không còn tiện dụng nữa […]… Giờ thì… tôi nghĩ chúng ta đang bước vào thời kỳ đó.

Steve Jobs phát biểu tại hội nghị D8, 1/6/2010

Những nhận xét này của Jobs rất đáng để ta phải suy ngẫm. Giả như Steve Jobs đúng, và hết thảy mọi người (trừ Steve Ballmer – CEO của Microsoft) đều nhất trí rằng ông đúng, thì Steve sẽ là trường hợp duy nhất trong lịch sử vừa sáng lập lại vừa đặt dấu chấm hết cho một ngành công nghiệp. Quả vậy, Apple là nhân tố then chốt thúc đẩy cuộc cách mạng máy tính cá nhân vào đầu những năm 1980, và Apple không còn là chính nó nếu thiếu Steve Jobs.

Nhưng Apple có lẽ cũng sẽ là công ty dẫn đầu xu hướng từ bỏ máy tính cá nhân, vì hẳn quá trình này không thể diễn ra nhanh đến vậy nếu không có cuộc cách mạng di động iOS. Liệu một người nào khác có thể có những tác động lớn đến vậy đối với ngành công nghiệp nhiều tỷ đô này, ngoại trừ Steve?

TƯƠNG LAI KẺ HỦY DIỆT APPLE

Năm 2010 chứng kiến vị thế thống trị của Apple trong ngành công nghiệp công nghệ cao ngày càng được củng cố. Apple lãnh đạo thị trường, hay nói cách khác, là kẻ thống trị trong cả bốn thị trường lớn và đang phát triển mạnh: máy nghe nhạc (với iPod), dịch vụ cung cấp nhạc số (với iTunes), điện thoại thông minh và ứng dụng di động (với iPhone, iPod Touch và App Store), và máy tính bảng (với iPad).

Vị thế độc tôn trong thời khắc quan trọng của cách mạng kỹ thuật số này khiến cho công ty Quả Táo trở thành chủ đề của nhiều ý tưởng thú vị, trong đó có hai xu hướng lại nổi lên khi nói đến tương lai của Apple.

Thứ nhất là tham gia vào thị trường TV. Như chính Steve Jobs từng tuyên bố tại hội nghị D8, Apple không có “cửa” thâm nhập thị trường này do những đặc tính về cấu trúc. Ông nói, tham gia thị trường TV là bài toán nan giải với Apple.

Vậy mà chỉ 3 tháng sau, ông đã giới thiệu một chiếc Apple TV internet cải tiến tại sự kiện Apple Media Event truyền thống diễn ra tháng 9 hằng năm. Chiếc TV mới này hoạt động dựa trên nền tảng iOS và gần như mọi người đều cho rẳng chẳng bao lâu nữa nó sẽ được tích hợp các ứng dụng iOS. Nói chung, khác với những gì Steve Jobs giải thích, nhiều khả năng Apple sẽ gắng sức để không những tham gia mà còn thay đổi triệt để thị trường điện tử tiêu dùng, trong đó TV nói riêng và các vật dụng phòng khách nói chung – theo một chiến lược đã được Apple vạch ra từ bốn năm về trước với chiếc máy nghe nhạc kỹ thuật số iPod.

Một đề tài gây nhiều tranh cãi khác là quan hệ giữa Apple với đối thủ lớn, Google. Mối quan hệ này gây nhiều tranh cãi vì từ nhiều năm nay, Google không những không phải là kẻ thù mà còn là đồng minh trong trận chiến chống lại “gã khổng lồ xứ Redmond” – Microsoft. CEO của Google Eric Schmidt thậm chí còn có chân trong Hội đồng quản trị của Apple trong tròn 3 năm, từ năm 2006 đến 2009. Nhưng cũng không có gì ngạc nhiên khi ông rời khỏi đây năm 2009: với việc bước vào thị trường điện thoại thông minh với hệ điều hành di động Android (cùng kho ứng dụng của mình), Google đã trở thành đối thủ trực tiếp của Apple. Sự xung đột về lợi ích là lý do chính cho sự ra đi của ông, khi mà sức chịu đựng của Steve Jobs với những gì ông cảm nhận là một sự phản bội đơn giản và dễ hiểu đã vơi dần.

Thị phần ngày càng tăng của Google trên thị trường điện thoại thông minh đã khiến nhiều nhà quan sát nghĩ rằng vở kịch từ những năm 1990 đang được diễn lại. Google trong vai diễn của Microsoft trước đây sẽ dồn ép chặt nhà cách tân công nghiệp, Apple và hệ thống đóng của nó bằng việc cấp phép sử dụng các phần mềm mở cho vô số công ty phần cứng khác. Người ta cho rằng Steve

Jobs đã không rút ra được gì từ những sai lầm trước đây và sẽ lại đi theo vết xe đổ do bản tính bướng bỉnh của mình. Tất nhiên còn quá sớm để đánh giá ý kiến này có đúng hay không, nhưng chắc hẳn cuộc chiến giữa Apple và Google sẽ còn rất thú vị trong những thập kỷ tới.

STEVE ĐÃ THAY ĐỔI?

Cuối cùng, cuộc tranh cãi từ lâu về tính cách của Steve đã một lần nữa được dấy lên trong năm 2010: Ông đã thay đổi rồi chăng? Dù một số thói quen của ông vẫn được giữ nguyên, như việc cố tình lôi kéo sự chú ý của dư luận hết lần này đến lần khác trước thời điểm tung ra các sản phẩm lớn, nhưng người ta bắt đầu nhận thấy có hai sự thay đổi nho nhỏ về cá tính mà ông để lộ trước công chúng.

Đầu tiên là thói quen giao tiếp với khách hàng bằng email. Ông từng làm việc theo cách này từ nhiều năm nay, và đã đọc vô số các thư từ của khách hàng, nhưng chưa bao giờ từ trước 2010 ông lại thường xuyên phúc đáp thư như vậy. Thường thì ông dùng chúng để trả lời công khai về các vấn đề nóng liên quan đến Apple, hoặc để tự tay phát tán tin đồn. Một vài người còn cho rằng ông thậm chí còn lý thuyết hóa cách làm này như một phương thức PR theo đường vòng, tránh báo chí truyền thống.

Sự thay đổi thứ hai thậm chí còn sâu sắc hơn, khi mà ông đã chịu tham gia vào các hoạt động từ thiện. Hình ảnh của Steve ở Thung lũng Silicon trong vấn đề đặc biệt này không được hay cho lắm, vì ông thường có tiếng là bủn xỉn. Tuy nhiên bên cạnh những món quà có giá trị lớn dành tặng các tổ chức từ thiện, ông đã hai lần trong năm 2010 công khai tuyên bố ủng hộ hoạt động hiến tặng nội tạng, và thậm chí còn đóng vai trò then chốt trong việc lập nên cơ sở đăng ký hiến tặng nội tạng đầu tiên của Mỹ vào tháng 10/2010. Đây rõ ràng là một hiệu ứng phụ đáng biểu dương của ca cấy ghép gan cứu sống ông một năm về trước.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.