Sức Mạnh Của Sự Khác Biệt

PHẦN 2 SỨC MẠNH CỦA SỰ KHÁC BIỆT NHỮNG GƯƠNG MẶT KHÁC BIỆT CỦA STEVE JOBS – 1.



KHÁC BIỆT TRONG CÔNG VIỆC

Steve Jobs từng bị báo chí chỉ trích về tính cách khó ưa của mình. Khi nói đến Jobs, giáo sư Robert Sutton môn khoa học quản lý trường Stanford kiêm tác giả của cuốn sách nổi tiếng “The No Asshole Rule” – Robert Sutton kể lại “ngay khi biết tôi chuẩn bị viết một cuốn sách về những kẻ khùng, nhiều người đã lập tức tìm đến và kể cho tôi nghe về Steve. Những người ở thung lũng Silicon sợ Steve đến mức khó tin. Anh ta khiến họ thấy tồi tệ, thậm chí còn khiến họ bật khóc”.

Steve có tiếng xấu này kể từ những năm đầu ở Apple. Năm 1981, người sáng lập dự án Macintosh – Jef Raskin – đã gửi một bản “cáo trạng” về Steve lên chủ tịch Apple – ông Mike Scott – phàn nàn rằng vị chủ tịch đang nhòm ngó đến dự án con cưng của mình. Bản này có đoạn viết như sau:

Jobs thường xuyên bỏ các cuộc hẹn

Anh ta hành động thiếu suy nghĩ và có những đánh giá không tốt

Anh ta không tạo được dấu ấn khi đáng ra phải có

Anh ta thường chỉ trích người khác

Anh ta thường đưa ra các quyết định vô lý và không đâu vào đâu bằng việc tỏ vẻ bề trên

Anh ta luôn ngắt lời người khác và không chịu lắng nghe

Anh ta không hề giữ lời hay thực hiện đúng cam kết

Anh ta tự ý quyết định không thông qua cấp trên

Luôn đưa ra các dự đoán quá lạc quan

Jobs thiếu trách nhiệm và thiếu thận trọng

Steve còn nổi giận vô cớ với nhân viên và sa thải họ vì những lý do không đâu chẳng hạn như: (các ví dụ này rất có thể đã bị thổi phồng) Steve đã sa thải nhân viên ngay trong thang máy tại Apple hay sa thải thư ký chỉ vì người này đã đưa Steve không đúng nhãn hiệu nước khoáng.

Tính tình khó ưa của Steve đã khiến ông làm hỏng rất nhiều mối quan hệ quan trọng trong công việc. Ông đã sa thải Raskin sau khi ông biết về bản cáo trạng kia. Steve đã sa thải nhà đồng sáng lập hãng Pixar – ông Alvy Ray Smith – sau cuộc cãi vã giữa hai người khi Alvy chế giễu công ty NeXT của Steve còn Steve thì chế giễu giọng vùng Tây Nam của Alvy. Lạ lùng hơn, Steve đã làm hỏng hợp đồng mang tính sống còn đến tương lai của NeXT với IBM chỉ vì ông đã tuyên bố sẽ không ký bất kỳ văn bản nào dài hơn 10 trang giấy.

CHẾ ĐỘ “SIÊU BẢO MẬT” Ở APPLE

Các nhân viên của Apple đều “biết tiếng” ông chủ của mình và họ thể hiện điều đó ra mặt. Một cựu nhân viên của Apple kể rằng “không ai chào ông ấy. Những nhân viên cấp thấp rất sợ ông ấy. Tôi nhớ một lần khi ông ấy đi trong khuôn viên công ty và nhóm nhân viên đang đi theo chiều ngược lại thậm chí còn rẽ làm đôi để ông ấy bước qua”. Mọi nhân viên đều hết sức thận trọng với những việc họ làm. Họ cảnh giác cao để không mắc phải những lỗi không thể tha thứ: “‘nếu bạn hỏi đồng nghiệp, tôi có thể gửi email hay lưu hồ sơ bản báo cáo này?’ Mọi người có thể sẽ trả lời ‘chỉ vào ngày làm việc cuối cùng ở Apple, bạn mới có thể làm bất kỳ điều gì mình muốn’’’. Họ thận trọng khi nói chuyện với bạn bè của Steve. Không ai trong số bạn bè bao gồm cả nhóm nhân viên quản lý của Apple được đến gần một trong số những đồ vật yêu thích nổi tiếng của Steve đó là chiếc bảng trắng trong phòng làm việc của ông ấy.

Tuy nhiên, điều khiến nhân viên của Apple cảm thấy sợ nhất chính là chính sách bảo mật hà khắc của công ty với hàng loạt quy định do Steve soạn ra. Ông thực hiện đúng chính sách im lặng tuyệt đối như khi ở NeXT đến mức mà trước khi được tuyển, nhân viên của Apple thậm chí còn không được tận mắt nhìn thấy chiếc máy họ sắp làm việc cùng. Chính sách này được coi như “bước nhảy vọt về sự trung thành”. Trước khi Steve quay lại Apple, công ty này vốn rất cởi mở với báo chí về các dự án phát triển sản phẩm sắp tới. Tuy nhiên, mọi chuyện kết thúc khi Steve nắm quyền. Ông treo một tờ áp phích lớn trên bàn có khẩu hiệu “Hở môi là đắm thuyền” và ra chỉ thị đến mọi nhân viên rằng nếu họ để lộ thông tin cho báo chí, họ sẽ nhanh chóng bị đuổi việc.

Apple hoàn toàn ủng hộ chính sách bảo mật này của Steve. Khi vẫn còn là một chuyên viên cao cấp tại Apple, Jon Rubinstein từng nói đùa rằng: “Chúng ta hoạt động kín như một tổ chức khủng bố. Khắp nơi, mọi người tìm mọi cách để có thông tin về chúng ta.” Chính sách này được Apple ủng hộ bởi bí mật là một phần không thể thiếu trong chiến lược marketing của Apple. Với việc thị trường sẽ bắt đầu bàn tán về một sản phẩm trước khi nó thực sự ra đời hàng tháng trời, Apple đã tận dụng ngày càng hiệu quả cơ hội quảng bá miễn phí sản phẩm này bởi sản phẩm của họ được truyền đi trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng.

Để tránh nhân viên biết quá nhiều thì không có gì là thái quá. Các kỹ sư phần mềm làm việc với cả khối thiết bị lớn còn các kỹ sư phần cứng thì không bao giờ nhìn thấy phần mềm sẽ thực sự chạy trên thiết bị mình tạo ra. Bạn có tin được không khi chưa đến chục nhân viên đã thực sự thấy iPhone trước khi Steve trình diễn thiết bị này tại Macworld năm 2007. Nếu so với số lượng nhân viên khổng lồ đã tham gia vào dự án thì quy trình bảo mật của Apple quả đáng kinh ngạc. Qua một bài báo gần đây của tờ Times, mọi người biết được rằng “các nhân viên đều hết sức cẩn trọng với mọi thông tin của công ty bởi bất kỳ thông tin nào bị rò rỉ, người ta đều có cách để truy cứu về tận nguồn của nó. Các nhân viên tham gia vào các dự án nhạy cảm đều phải trải qua rất nhiều vòng kiểm soát an ninh nghiêm ngặt. Khi ngồi vào bàn làm việc, họ đều bị camera kiểm soát. Họ phải phủ một tấm vải màu đen lên các thiết bị và đèn đỏ sẽ báo nếu họ quên làm như vậy”. Ngoài ra, mọi người đồn rằng, tại trụ sở công ty, Steve thi thoảng kiểm tra ngẫu nhiên điện thoại iPhone của bất kỳ ai và sẽ sa thải người này ngay nếu anh ấy/ cô ấy quên đặt mật mã.

Nhân viên Apple than phiền các biện pháp này gây quá nhiều phiền toái và giảm năng suất. Người ta đã tranh cãi nhiều xung quanh vụ việc một nhà thầu phụ của Apple tại Trung Quốc đã để mất mẫu điện thoại iPhone và cuối cùng anh này đã phải tự vẫn do không thể tránh khỏi vụ kiện của Apple. Nhưng hầu hết nhân viên của Apple đều có thể nhận thấy lợi ích của việc giữ mọi kế hoạch của công ty bí mật đến phút cuối cùng. Không ai phàn nàn về sức hút công ty tạo ra với giới truyền thông. Ngay cả Woz – người trước kia đã không ngần ngại chỉ trích bạn mình – đã nhận xét “tôi mừng là Apple có thể giữ kín mọi thông tin về sản phẩm. Chính điều này đã luôn khơi gợi trong mọi người niềm đam mê, phấn khích – hồi hộp đón chờ sản phẩm mới ra đời, một sản phẩm mới đích thực”.

NGƯỜI HÙNG – GÃ KHÙNG

Tất nhiên, Apple sẽ không có được vị thế như ngày nay nếu Steve Jobs là
một người xấu toàn diện. Ông ấy là một con người phức tạp. Như mọi người vẫn thường nhìn thấy ông trước công chúng, chỉ cần ông ấy muốn thì mọi người sẽ thấy Steve lịch lãm đến nhường nào. Những người đồng nghiệp của Steve tại Apple chứng kiến điều đó mọi ngày. Nét đối lập này vẫn được đúc rút thành cụm từ “người hùng/ gã khùng trong một” (cụm từ này có từ thời NeXT; nó mô tả một người phút trước bị coi như kẻ vô dụng vì làm những việc vô bổ, nhưng anh ta đã nỗ lực hết mình để cải thiện nó để rồi được coi là thiên tài.) Tính cách khác biệt này có tác dụng thử tính kiên trì của nhân viên. Những ai có thể vượt qua thử thách này thì vẫn làm việc cho Jobs và một số người đã vươn lên vị trí lãnh đạo cấp cao.

Điều này bắt nguồn từ chính tính cách của Steve. Tổng giám đốc Apple – ông Gil Amelio kể rằng “ ông ấy là vậy – phút trước, khi ông ấy thỏa mãn thì không tiếc lời tán tụng nhưng ngay sau đó lại giận dữ, say sầm mặt mày, không chịu nghe ai giải thích hoặc trao đổi. Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều trạng thái tình cảm ở Steve và thậm chí không nhận ra nổi người mình đang nói chuyện”. Hơn thế, mọi người còn ngỡ ngàng về việc Steve rất hay đổi ý. “Với một sự việc cụ thể, ông ấy dễ dàng thay đổi ý kiến và hoàn toàn quên trước đó mình nghĩ gì về nó. Chẳng hạn, lúc trước ông ấy nói ‘tôi thích màu trắng, màu trắng là tuyệt nhất. Nhưng ba tháng sau, ông lại nói ‘tôi thích màu đen. Màu đen là tuyệt nhất’. Ông ấy quên sạch sai lầm của mình”. Đây là phần không ý thức của con người Steve.

Nhưng không phải việc gì Steve làm cũng vô tình. Một số hoàn toàn là do cố ý; cựu giám đốc NeXT nói rằng “Steve có thể khiến người khác phát khóc. Nhưng điều đó không có nghĩa là ông ấy vô tâm. Ông ấy đôi khi chỉ để tâm đến mục tiêu duy nhất là đạt được chất lượng và sự vượt trội. Ông ấy được trời phú cho khả năng khơi dậy những phần tinh túy nhất từ con người”. Thậm chí, Steve từng thú nhận rằng “nhiệm vụ của tôi là không được nuông chiều nhân viên. Tôi cố gắng phát huy những tố chất tốt vốn có ở nhân viên, sau đó thúc giục họ nỗ lực và hoàn thiện họ hơn nữa”.

Ngoài việc rập khuôn công thức “người hùng/ gã khùng trong một”, Steve đôi khi còn chọn phương pháp bêu xấu nhân viên trước đám đông. Sau khi một nhóm thất bại hoặc chậm trễ hay đơn giản chỉ không đạt được tiêu chuẩn Steve đề ra, ông không ngần ngại gọi tên, chỉ mặt một số người hay thậm chí là sa thải họ trước mặt đồng nghiệp. Nhiều nhân viên của Apple đã từng phải hứng chịu điều này và họ đều ý thức được rằng đây hoàn toàn là cử chỉ nằm trong sự tính toán của ông chủ. Ví dụ gần nhất có thể kể đến là trường hợp xảy đến với một số người trong nhóm thưc hiện MobileMe sau khi buổi giới thiệu sản phẩm đã gặp phải một số trục trặc.

Tóm lại, việc Steve “bêu” tên ai trước đám đông cũng chỉ là một cách ông động viên nhân viên. Dù các trường quản lý có dạy điều gì đi nữa thì trên thực tế, phương pháp của Steve đã phát huy hiệu quả. Khi được hỏi về tính tình của bạn mình, ông Steve Wozniak nhận xét: “khi nhìn nhận Steve là một cá nhân, nếu so sánh tính khí thất thường (khi thì đúng mực khi lại không kiêng nể người khác dù cho họ đã làm việc rất chăm chỉ, tạo ra thành tích đáng nể nhưng vẫn bị Steve nói là ‘đó chỉ là những thứ vớ vẩn’) thì hẳn rằng, những điều tuyệt vời Steve mang đến cho thế giới lớn lao hơn rất nhiều”. Một cựu nhân viên của Apple, từng bị Steve sa thải vào năm 1985 ông Jean-Louis Gassée nhận xét như sau: “Dân chủ không thể tạo ra những sản phẩm xuất chúng. Điều bạn cần là một bạo chúa đủ bản lĩnh”.

Ngoài ra, ở Steve, ta cũng tìm thấy sự cuốn hút khó cưỡng. Ông ấy có khả năng thuyết phục tuyệt vời, đặc biệt trong việc tuyển dụng người tài thì không ai giỏi hơn Steve. Chẳng hạn: khi muốn tuyển ai, Steve luôn có cách tiếp cận khiến ít ai có thể cưỡng lại nổi. Steve đã tuyển cựu nhân viên NeXT – ông Andy Hertzfeld – như sau: “tôi nghe nói cậu là nhà thiết kế mà nhiều người săn đón nhất hành tinh này”. Có lúc, lời mời của Steve đôi chút khiêu khích như khi ông tuyển Bob Belleville cho Xerox năm 1982 “tôi được nghe nhiều về thành tích của cậu nhưng những gì cậu đã đạt được đến giờ chưa thực sự đáng kể. Vì thế, hãy về đầu quân cho tôi”.

Các nhà báo cũng trải qua trạng thái yêu ghét lẫn lộn với con người Steve và ghi chép lại ở nhiều tài liệu. Trên tờ Wall Street, biên tập viên Rich Karlgaard của tờ Forbes – người từng theo đuổi dự án viết về sự thất bại của NeXT trong suốt những năm tháng nó tồn tại – đã viết “khi nói chuyện qua điện thoại, ông ấy đã từng bực dọc và đe dọa tôi rằng ‘sẽ giám sát lại tôi’ hay ‘đừng một mình lao vào nơi nguy hiểm’”. Thế nhưng, Rich cũng tự nhận rằng: “người Mỹ yêu quý Steve Jobs. Tôi cũng vậy dù đáng ra tôi không nên thế”. Đây là cảm nhận chung của tất cả những người đã tiếp xúc với Steve. Cho dù Steve đối đầu với báo chí để từ đó lại thu hút sự quan tâm cực độ của họ với một sản phẩm nào đó và thậm chí còn cho họ là sâu bọ nhưng giới báo chí lại luôn thỏa mãn mỗi khi phỏng vấn ông.

KHOẢNH KHẮC DỄ CHỊU CỦA KẺ KHÓ CHỊU

Năm 1997, khi Steve quay lại Apple, người ta dễ dàng nhận thấy Steve từ một nhà quản lý khó ưa đã trở nên kiên nhẫn và hợp lý hơn trong mọi việc. Chẳng hạn, nhân viên Pixar Pamela Kerwin đã kể như sau trong một bài báo xuất bản cùng năm: “Nếu trước kia, ông ấy không ngần ngại ngắt lời bạn khi bạn chưa kịp nói dứt câu thì nay, Steve đã hoàn toàn khác. Ông ấy lắng nghe nhiều hơn, thoải mái hơn và chín chắn hơn”. Trong bài trả lời phỏng vấn năm 1998, bản thân Steve cũng nhận ra thay đổi này ở mình: “không giống vài năm trước, giờ đây, mỗi khi sa thải một số nhân viên làm việc tại Apple, tôi đắn đo nhiều hơn. Tôi thấy khó quyết định hơn trước rất nhiều. Dù biết rằng, công việc buộc tôi phải quyết định nhưng mỗi khi phải làm điều đó, tôi nghĩ nhiều hơn những điều xảy ra sau đó với những người này. Tôi nghĩ đến tình cảnh khi họ trở về nhà, buồn bã nói với vợ con họ rằng họ vừa bị sa thải. Và biết đâu đấy, khoảng 20 năm sau, một trong số các con trai của tôi cũng phải lâm vào cảnh này. Trước kia, tôi không nghĩ ngợi nhiều đến thế”. Tác giả Mona Simpson đã kịp ghi lại sự thay đổi bản thân này của Steve trong cuốn sách A Regular Guy: “Về cơ bản, cuộc sống gia đình cùng thất bại của NeXT đã thay đổi cách nghĩ của anh ấy đôi chút”.

Tuy nhiên, mọi người không dám chắc sự thay đổi này tồn tại bao lâu. Hầu hết nhân viên Apple nhận xét rằng kể từ khi Apple lớn mạnh, Steve lại trở nên thái quá.

Trong bài tiểu sử tựa đề “The Second Coming of Steve Jobs”, Alan Deutschman lập luận rằng con người tốt đẹp hơn của Steve đã trở về như cũ. Lập luận này hoàn toàn có căn cứ vì dường như, Steve lặp lại quá trình biến đổi tính cách giống như khi ở NeXT; các cựu nhân viên thuật lại rằng tình hình sau đó không khá hơn ở Apple hay thậm chí còn tồi tệ hơn. Để có nhận xét chính xác nhất, có lẽ, chúng ta hãy nghe người bạn lâu năm của Steve – ông John Warnock – nhận xét: “tôi nghĩ rằng con người Steve dễ chịu nhất là khi ở NeXT và anh ấy không bao giờ dễ chịu như thế nữa”.

NGÀY THƯỜNG CỦA STEVE

Steve đã từng kể cho các nhà báo về một ngày làm việc thông thường (mô tả được ghi lại từ những năm 1990 nên có thể khác với thực tế bây giờ). Ông ấy nói rằng mọi tài liệu ông đều lưu trên máy chủ và ông không mang bất kỳ thứ gì theo mình. Cho dù ở đâu, ông đều có thể truy cập nhanh chóng vào mọi tài liệu chính vì vậy, nhà cũng là văn phòng làm việc của ông. “Khi không phải họp, tôi tập trung xử lý mọi công việc trên email. Vì thế, tôi làm việc một chút trước khi lũ trẻ thức dậy. Sau đó, tôi ăn sáng cùng cả nhà và giúp lũ trẻ làm xong bài tập rồi tiễn chúng đến trường. Nếu may mắn, tôi có thể ở nhà và giải quyết xong nhiều việc trong một tiếng nhưng tôi thường xuyên phải tới công ty.

Tôi đến công ty vào khoảng 9 giờ sau khi đã làm việc khoảng một hoặc hai tiếng ở nhà”. Ông cũng hay gọi cho ai đó vào lúc đã muộn nếu ông chợt nảy ra một sáng kiến và muốn chia sẻ nó. Vì thế, chúng ta có thể kết luận rằng, Steve gần như làm việc cả ngày. Bên cạnh đó, ông hết sức chú trọng thời gian dành cho gia đình. Khi Maria Shriver mời ông đến tham dự buổi lễ vinh danh tại Đại Lộ Danh Vọng ở California, Steve đã từ chối vì buổi lễ diễn ra vào buổi tối thời điểm ông muốn ở bên gia đình (nhưng cuối cùng, Steve vẫn tham dự). Như vậy, gia đình là yếu tố chi phối mạnh nhất đến thời gian ông dành cho công việc – giống như nhiều doanh nhân khác.

CÔNG VIỆC CỦA STEVE

“Từ thời trẻ, tôi đã trải qua nhiều công việc – lập tài liệu, kinh doanh, phân phối, lau sàn nhà. Tôi tự kê dọn máy tính. Tôi tự tạo dựng công việc kinh doanh máy tính. Khi ngành công nghiệp này mở rộng, tôi vẫn tiếp tục dấn thân hơn nữa”. Những điều này cho thấy Steve tham gia vào rất nhiều mảng tại Apple và điều này rất khác so với những công việc thông thường của một CEO.

TẦM NHÌN XUẤT CHÚNG CỦA STEVE

Là nhà lãnh đạo của Apple, Steve là người định ra đường lối phát triển của công ty. Nhiệm vụ này đòi hỏi Steve phải bám sát xu hướng của ngành và theo đuổi hướng đi riêng của mình.

Với nhiệm vụ đầu tiên, ông chỉ cần thường xuyên cập nhật các tin tức về ngành hay đơn giản là kiểm tra email của mình. “Tôi cần cập nhật một lượng thông tin tương đối nhưng đôi khi chỉ cần kiểm tra tất cả các thông tin có được từ các trang dịch vụ tin tức trên mạng. Tôi đã đăng ký nhận tin từ nhiều trang dịch vụ và nhận được 300 email mỗi ngày, rất nhiều trong số đó được gửi từ những người tôi không hề biết. Tôi không bỏ sót những lời bình luận quanh mình. Tất cả khách hàng gửi thư cho tôi và phàn nàn hoặc thắc mắc về mọi chuyện; tôi hứng thú với việc đó. Nó giống như một chiếc nhiệt kế để theo dõi tình trạng một vấn đề nào đó. Chỉ cần một động tĩnh nhỏ ở đây, tôi cũng có thể nhận được phản hồi từ Kansas về nó. Tôi giữ liên lạc thường xuyên với mọi nguồn tin và điều đó có ích cho công việc của tôi”.

Với nhiệm vụ thứ hai về hướng đi riêng, Steve chắc chắn là một thiên tài; điều này đặc biệt hơn khi Steve không qua bất kỳ trường lớp đào tạo chính khóa nào về quản lý hay kỹ thuật. Nhiều kỹ sư từng cộng tác với Steve không khỏi ngỡ ngàng khi Steve chỉ dựa vào bản năng cũng có thể đưa ra những quyết định then chốt về kỹ thuật. Trong phần lớn các trường hợp, quyết định của ông là đúng. Woz nói như sau: “Steve xuất sắc trên cả ba phương diện: marketing, điều hành và công nghệ. Anh ấy hiểu công nghệ nào tốt và công nghệ nào mọi người ưa chuộng. Đây là một điều phi thường bởi anh ấy chưa bao giờ làm về lĩnh vực thiết kế hay lập trình nên dù không thể thiết kế ra máy tính nhưng anh ấy có khả năng hiểu tường tận về chúng, đủ để đánh giá một công nghệ là xấu hay tốt”. Thậm chí, Bill Gates cũng nói rằng ông ấy ghen tỵ với Steve hơn cả: “Tôi thán phục khả năng của Steve. Tôi nhìn nhận theo trực giác với cả con người và sản phẩm. Khi chúng tôi tham gia buổi giới thiệu sản phẩm Mac và nhận được nhiều câu hỏi vì sao lại lựa chọn công nghệ như vậy và đã tiến hành mọi thứ ra sao; tôi coi đó như những câu hỏi đơn thuần về công nghệ đúng như cách tôi nhìn nhận về vấn đề. Nhưng tôi nhận thấy Steve lại quyết định dựa trên việc coi nó là các vấn đề liên quan đến con người và sản phẩm mà tôi rất khó lý giải. Anh ấy làm mọi việc theo một cách hoàn toàn khác như thể có phép màu vậy”. Chính khả năng đặc biệt này là yếu tố quyết định để đưa Steve lên là người tiên phong trong lĩnh vực công nghệ. Khả năng đó ở ông như thể bẩm sinh vậy.

NGƯỜI DÙNG KHÓ TÍNH

Steve hay làm việc với lĩnh vực thực hành và mảng công việc mà ông yêu thích nhất là phát triển sản phẩm: “tôi có bên mình đội ngũ lãnh đạo cừ khôi và tôi hoàn toàn yên tâm ủy thác các công việc liên quan đến quản lý thuần túy cho họ trong một nửa thời gian và dành khoảng thời gian còn lại để phát triển những sản phẩm mới. Tôi đầu tư thời gian cho những ý tưởng mới còn đội ngũ lãnh đạo hỗ trợ tôi thực hiện những việc còn lại. Chúng tôi đều rất thỏa mãn với điều này”.

Trên thực tế, phát triển sản phẩm mới chính là mảng kinh doanh chính và tôn chỉ hoạt động của Apple bởi công ty này tuyên bố mình là một công ty tạo ra sản phẩm; sản phẩm xuyên suốt hoạt động của công ty. Steve là trung tâm của toàn chu trình đó – đóng vai trò là người phản bác hoặc thúc đẩy các ý tưởng cũng như tham gia trực tiếp vào quá trình thực hiện. Đây chính là lý do vì sao, Steve xuất hiện với tư cách đồng sáng chế trong hàng trăm bằng sáng chế độc lập của Apple từ màn hình giao tiếp của thiết bị iPod đến hệ thống hỗ trợ lồng cầu thang sử dụng trong các cửa hàng bán lẻ của Apple. (Steve cũng rất yêu thích lĩnh vực kiến trúc).

Yếu tố quyết định thành công cho quá trình phát triển sản phẩm nằm ở bước thử nghiệm sản phẩm do Steve đảm nhiệm. “Ông ấy đóng vai trò là một người dùng sản phẩm, đưa ra phản biện sản phẩm cho nội bộ”. Apple không cần đến các cuộc thử nghiệm với người dùng bởi Steve sẽ đảm đương khâu này: ông ấy dùng thử sản phẩm và đưa ra nhiều góp ý cho nhóm kỹ sư. Nhờ “người dùng khắt khe” này, các sản phẩm của Apple đều dễ sử dụng vượt trội so với sản phẩm của đối thủ. Steve không bao giờ cho phép sản xuất một sản phẩm không đáp ứng trọn vẹn tiêu chuẩn (vốn được cho là vô cùng khắt khe) của mình.

“KẺ BAO SÂN” TÀI NĂNG

Trước kia, Steve chỉ chuyên tâm vào việc phát triển sản phẩm nhưng gần đây, ông đã quan tâm đến nhiều mảng khác hơn. Thành viên hội đồng quản trị – ông Ed Woolard – nói như sau về việc Steve trở về Apple: “anh ấy không phải chỉ là người đắm chìm vào việc phát triển sản phẩm và phó mặc phần còn lại cho cấp dưới. Trước kia, điều này có thể đúng nhưng anh ấy đã thay đổi khi quay lại công ty. Anh ấy tham gia sâu vào mọi công việc điều hành Apple”.

Steve đặc biệt dành nhiều thời gian cho mảng marketing – vốn là lĩnh vực chuyên môn của ông. Steve tham gia thực hiện nhiều đoạn và phim quảng cáo của Apple trong đó có những quảng cáo nổi tiếng nhất của Apple như “The 1984” hay “Think Different”.

Bên cạnh đó, Steve còn bao quát rất nhiều mảng kinh doanh khác của Apple (có lẽ chỉ trừ mảng tài chính). Chẳng hạn, Steve kể rằng ông ấy đã mất vài tháng điều hành hoạt động của Apple trước khi ông tìm ra Tim Cook là người thích hợp đảm đương vị trí này. Steve tự mình kiểm tra mọi thông tin hữu ích cho mình bao gồm cả những bài báo về Apple. Tuy nhiên, đôi khi, Steve cũng bỏ sót những sự kiện quan trọng nhất với hầu hết mọi CEO trong danh sách Fortune 500 chẳng hạn như các cuộc hội thảo dành cho các nhà phân tích của Wall Street.

VƯỢT KHỎI NHỮNG QUY TẮC QUẢN LÝ

Steve dành phần lớn thời gian làm việc với đội ngũ lãnh đạo cấp cao của Apple. Ngoài những người này và những nhân viên khác dưới quyền họ, Steve sống khá khép kín với toàn bộ những nhân viên còn lại trong công ty. Ông kể rằng: “Tôi không có dịp nói chuyện trực tiếp với 10.000 người. Trong công ty, tôi có lẽ chỉ làm việc chủ yếu với 50 người. Không, chắc cũng khoảng 100”.

Tuy nhiên, ông biết rất rõ về nhân viên của mình. Ông biết rất nhiều kỹ sư và thế mạnh của từng người. Mỗi khi cần thực hiện điều gì và biết chắc ai sẽ làm tốt, ông sẽ trực tiếp gọi điện cho người này. Khi giao việc, Steve không bận tâm đến cấp bậc của nhân viên. Trên thực tế, thứ bậc ở Apple rất đơn giản, bao gồm sáu bậc từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất. Một thói quen từ rất lâu Steve vẫn duy trì đó là bất chợt ghé vào bất kỳ phòng ban hay nhóm nào đó và hỏi xem họ đang làm đến đâu. Chính điều này đã luôn đặt mọi nhân viên Apple vào tư thế sẵn sàng, buộc họ phải làm việc thực sự dù cho ông chủ không ở bên cạnh. Một kỹ sư phần mềm bộc bạch rằng: “bạn có thể không nhìn thấy ông ấy nhưng bạn phải luôn coi ông ấy vẫn đang đứng bên cạnh và để ý xem việc bạn làm có làm ông ấy vừa lòng hay không”.

Theo lời kể từ những nhân viên của Steve, ông ấy coi họ là những người đặc biệt thông minh nên không hề băn khoăn khi giao việc cho họ. Những người này cũng đóng vai trò tham mưu quan trọng cho Steve đối với các mục tiêu của công ty: “nhiều khi, người dùng sẽ không biết mình muốn gì cho đến khi bạn đem nó đến cho họ. Đây chính là lý do nhiều nhân viên Apple có thu nhập rất cao vì họ chính là người có khả năng tạo ra những sản phẩm như thế”.

Steve luôn tuyển những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực chuyên môn của họ: “tôi nghiệm thấy, trong cuộc sống, nếu bạn có thể làm việc gì đó tốt gấp hai lần so với thông thường thôi thì đã được coi là xuất sắc. Thông thường, những người giỏi nhất chỉ có thể làm một việc tốt hơn 30% so với mức thông thường. Con số gấp hai lần vì thế đã được coi là hiếm. Nhưng bên cạnh đó, tôi cũng đã từng gặp những người như Woz: anh ấy làm mọi việc tốt hơn mức thông thường từ 25 đến 50 lần. Tôi tìm thấy những con người xuất sắc đến khó tin trong một số lĩnh vực nhất định và bởi vậy, tôi không thể thay thế bất kỳ một trong số những người này lấy 50 người khác chỉ hoàn thành công việc ở mức thông thường. Họ có thể làm những việc mà dù bao nhiêu người thông thường cũng không thể làm được”. Chọn và thu hút được nhân tài cũng là một phần quan trọng cho thành công trong sự nghiệp của Steve. Ông giữ họ bằng việc dành cho họ quyền mua cổ phần hậu hĩnh.

Cấu trúc công ty của Apple cũng hết sức kỳ quặc. Như đã đề cập, Apple phân ra rất ít cấp bậc. Cấu trúc này phản ánh niềm tin của Steve rằng một số nhóm nhỏ những người xuất sắc có thể làm tốt công việc hơn những người còn lại: “Các nhóm nhỏ và vừa những con người xuất sắc có thể làm được những điều phi thường và chi phối số đông những con người thông thường còn lại”.

Thế nhưng nét khác biệt rõ rệt nhất giữa Apple và các công ty công nghệ khác là cách phát triển sản phẩm. Trưởng bộ phận thiết kế – Jony Ive – nhận xét rất chính xác rằng: “Chúng tôi thâm nhập vào thị trường từ rất sớm. Steve, các kỹ sư phần mềm và phần cứng có sự gắn kết rất tự nhiên và nhất quán. Tôi nghĩ rằng đây chính là một trong số những điểm nổi trội ở Apple. Khi chúng tôi phát triển một ý tưởng thì chúng tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ chỉ dừng ở đó”.

Các nhân viên của Apple coi đó như quá trình “thụ phấn chéo” hay “kỹ thuật đồng thời”. Điều này có nghĩa là việc phát triển các sản phẩm mới không phải nối tiếp nhau, chuyển tiếp từ bộ phận này sang bộ phận khác mà diễn ra đồng thời và có sự phối hợp nhịp nhàng. Các sản phẩm được tạo ra đồng nhất giữa các bộ phận thiết kế, phần cứng, phần mềm thông qua vô số các vòng kiểm tra đa ngành về thiết kế. Vì thế, trước khi đưa ra sản phẩm, nội bộ Apple đã phải trải qua rất nhiều cuộc thảo luận, tranh cãi xung quanh nó. Steve khuyến khích mọi người và tạo niềm hứng khởi cho họ. Đây cũng là cách ông đạt đến sự hoàn hảo.

Minh họa thêm cho cách tiếp cận công việc toàn diện của Steve qua việc ông còn có thói quen tổ chức các cuộc họp giao ban mỗi buổi sáng thứ hai; ở đó, ông có cuộc họp với đội ngũ lãnh đạo cấp cao của mình và khi quyết định về một việc gì đó. Những cuộc họp này phản ánh đúng tuyên ngôn của công ty về cách họ làm việc (đơn giản và hiệu quả) và vấn đề họ giải quyết: “Chúng tôi không chỉ ngồi khoanh tay và nói việc làm sao để tăng giá cổ phiếu hay đối đầu với cạnh tranh. Chúng tôi chỉ luôn luôn bàn về sản phẩm của chính mình”.

DI SẢN STEVE ĐỂ LẠI APPLE

“Ông ấy không thực sự tạo ra bất kỳ cái gì nhưng ông ấy lại tạo ra mọi thứ”.

– Cựu CEO của Apple – ông John Sculley đã nói về những đóng góp của Steve Jobs với Macintosh

– Ông ấy là một phần không thể thiếu của công ty. Khi ông ấy quay trở lại, mọi thứ lại đi vào quỹ đạo – vượt trội trở lại về thiết kế, biết lắng nghe khách hàng và tạo ra những sản phẩm không thể tuyệt vời hơn.”

– Heidi Roizen – một đối tác lâu năm của Steve

– Mac là lời khẳng định của Steve về khả năng sáng tạo. Apple tựu chung lại là lời khẳng định của chính Steve.

– Larry Ellison – một người bạn thân nhất của Steve Jobs

Như ta có thể thấy, Apple dường như là chính con người Steve. Đây là một công ty mà sản phẩm của nó là công sức đóng góp của một số lượng nhân lực khổng lồ. Đây là một công ty đại chúng với mục tiêu lớn nhất là quyền lợi của các cổ đông. Nhưng về tinh thần, Apple sống động như chính con người Steve, là hiện thân của Steve.

Apple thừa hưởng rất nhiều đặc điểm của “người cha Steve”. Đó là:

TÍNH THẨM MỸ CAO

Cho dù phần mềm hay phần cứng, Steve luôn luôn đem đến sự vượt trội cho các sản phẩm, khởi đầu là vỏ bọc nhựa của Apple II. Khả năng thiết kế của ông thực sự tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của Apple với các công ty khác trong ngành.

Theo Steve: “hầu hết mọi người đều sai lầm khi cho rằng thiết kế là tạo ra vẻ bề ngoài cho sản phẩm. Mọi người nghĩ công việc này đơn thuần là đưa cho các nhà thiết kế một cái hộp và nói họ trang trí nó thật đẹp! Nhưng chúng tôi không nghĩ thiết kế đơn thuần là thế. Thiết kế không chỉ tạo ra vẻ bề ngoài mà còn phải đáp ứng được yêu cầu về cách sử dụng”. Quan điểm này được thể hiện rõ rệt trong phương pháp phát triển sản phẩm của Apple. Bên cạnh đó, Steve còn luôn khắt khe với phần bên trong của những thiết bị sản xuất ra. Steve luôn đặc biệt lưu ý nhóm thiết kế Mac thiết kế lại bảng mạch chính của máy tính vì ông không thấy nó đẹp. Đương nhiên, ông đã không thể thay đổi. Nhưng sau này, tại NeXT, nơi mà mọi ý kiến của ông đều không bị phản bác, ông đã tạo ra được một bảng mạch chủ hoạt động hiệu quả và có thiết kế ông cho là đẹp.

NeXT Cube là máy tính cuối cùng có tất cả các bộ phận trên cùng một bảng mạch và bức ảnh chụp bảng mạch này vẫn đã được in lên các tờ giới thiệu sản phẩm. Đến tận sau này, Steve vẫn tiếp tục khắt khe với thiết kế phần bên trong của thiết bị. Khi xem lại đoạn video trình diễn mới nhất của MacBook, bạn sẽ nhận ra Jony Ive nhắc đi nhắc lại rằng phần bên trong của những chiếc máy xách tay này cũng rất đẹp. Hơn thế, Steve còn say sưa với chính quy trình sản xuất tại các nhà máy: “Jobs quan sát các cánh tay rô bốt lắp ráp các con chip tối tân nhất cho máy tính. Sau 1 giây, ông xúc động, rơm rớm nước mắt và nói khẽ đầy tâm đắc ‘đẹp thật’”.

Chúng ta còn nhận ra đặc điểm này ở Steve qua việc ông nói không ngừng về sự pha trộn giữa nghệ thuật và công nghệ: “tôi không tin rằng chúng tách biệt. Leonardo da Vinci vừa là một nghệ sỹ vĩ đại và một nhà khoa học vĩ đại.
Michelangelo biết tường tận về kỹ thuật cắt đá ở mỏ. Bên cạnh đó, tôi biết rất nhiều nhà khoa học máy tính đồng thời là nhạc sỹ”. Ông cũng luôn nhấn mạnh rằng ông chưa bao giờ tách biệt một nhà khoa học máy tính vĩ đại và một nghệ sỹ lớn.

SỰ CHUYÊN NGHIỆP

Với mọi việc đã làm, Steve sẽ chỉ chấp nhận kết quả ở mức tốt nhất (thậm chí trong cả cuộc sống riêng của ông). Tiêu chuẩn về sự hoàn hảo này nhiều khi khiến nhân viên của ông bị áp lực nhưng như đã đề cập, điều này cũng thôi thúc họ phải hoàn thành công việc ở mức tốt nhất và giúp họ đạt được kết quả xuất sắc. Nếu một nhân viên nào đó không thể đáp ứng yêu cầu của Steve, ông sẽ không ngần ngại sa thải người này. Nhưng ông luôn duy trì được những mối quan hệ đáng giá với những nhân viên đặc biệt xuất sắc vì cùng một lý do: họ hiểu rằng yêu cầu của Steve cũng chỉ với mục đích đạt đến độ hoàn hảo.

Một ví dụ điển hình về tôn chỉ theo đuổi sự hoàn hảo này của Steve có thể được dẫn chứng qua số lượng các dự án của Apple đã phải làm lại hay thậm chí hủy bỏ ở phút chót. Chúng ta biết rằng ông đã hủy dự án Apple PDA và một loạt các dịch vụ Web ở phút cuối cùng. Các dự án nổi tiếng như iMac, hệ thống bán lẻ Apple, iPhone … cũng đều đã phải bắt đầu lại ít nhất một lần.

Nhờ tôn chỉ này, Apple không sản xuất những máy tính chất lượng thấp. Steve nhắc lại với một nhà báo ở cuộc họp báo năm 2007 rằng: “chúng tôi không thể sản xuất ra các sản phẩm tầm thường. Chúng tôi không cho phép mình làm điều đó”. Ông gạt mọi dự án sản xuất các sản phẩm hàng hóa mà chính ông cũng không thể dùng được.

TINH THẦN TRÁCH NHIỆM

Từ khi còn trẻ, Steve đã tự nhủ sứ mệnh của mình với cuộc sống là thay đổi thế giới, cụ thể hơn bằng việc đưa những chiếc máy tính đến với quảng đại quần chúng. Woz nhớ lại: “anh ấy thực sự muốn thúc đẩy sự phát triển của thế giới và không muốn Apple tiếp tục là một công ty như bao công ty khác trong ngành: sản xuất ra những sản phẩm cũ mòn và thỏa mãn với những gì đã có.

Niềm mong mỏi này của Steve đã có từ hồi chúng tôi cùng học phổ thông. Anh ấy ngưỡng mộ Newton và Shakespeare bởi rất ít người thực sự thay đổi vĩnh viễn cuộc sống cho tất cả thế giới. Và anh ấy cũng muốn mình được giống như họ”. Để dần đạt được điều đó, anh ấy đặt mục tiêu sản xuất ra những máy tính tốt nhất có thể. Và đây cũng trở thành điểm cốt lõi trong tôn chỉ hoạt động của Apple. Như đã đề cập, Apple là một công ty sản xuất sản phẩm: “Mục tiêu căn bản của chúng tôi là sản xuất ra những chiếc máy tính cá nhân tốt nhất thế giới chứ không phải trở thành một công ty lớn nhất hay giàu nhất thế giới”.

Ông kỳ vọng mọi nhân viên Apple đều sẽ phấn đấu vì mục tiêu này. Họ sẽ là những nguồn nhân lực có kỹ thuật cao, giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn bằng việc tạo ra các sản phẩm công nghệ cao vượt trội, dễ sử dụng và có sức cuốn hút. Steve không ngần ngại chia sẻ rằng: “Một số người đã bỏ cuộc. Thực ra, tôi đã sa thải một số người vì quá chán ngán họ. Nhưng đa số nhân viên đã chia sẻ quan điểm với tôi về việc này ‘ tôi đã hiểu’. Chúng tôi đã phấn đấu vì mục tiêu này suốt 7 năm nay và mọi người ở đây đều hiểu rõ mục tiêu này. Và nếu họ không thể thấm nhuần tư tưởng này, họ sẽ phải ra đi”.

Những gì Apple đạt được ngày nay chính là đang dần hiện thực hóa giấc mơ của Steve. Chẳng hạn, ông ấy đã nói mình ngưỡng mộ Sony đến nhường nào và từ những năm 1980, các công ty sản xuất điện tử gia dụng đã là tấm gương cho ông. Lúc đầu, ông chỉ muốn Apple trở thành một “Sony trong ngành sản xuất máy tính” và sự thực Apple đã đạt được mong muốn này. Nhưng bây giờ, Apple thậm chí còn phát triển hơn thế bởi Apple đã soán ngôi Sony trên chính mảng kinh doanh này! Kể từ khi iPod, tiếp đến là iPhone ra đời, Apple đã dẫn đầu thị trường điện tử gia dụng. Thành tích của Steve và mục tiêu của ông đặt ra cho công ty đều thật đáng khen. Steve đã đạt được ước mơ bất chấp mọi cản trở; John Sculley đã bình luận như sau sau khi ông buộc Steve phải rời khỏi Apple năm 1985: “Steve đã kỳ vọng Apple trở thành một công ty sản xuất hàng tiêu dùng tuyệt vời. Kế hoạch này quả là hoang đường. Hàng công nghệ cao không thể được thiết kế và bày bán đại trà như hàng tiêu dùng”.

SỰ NGẠO MẠN

Phẩm chất Steve không có chính là sự khiêm tốn. Như những nhân viên Apple nhận xét: “Steve luôn là người thông minh nhất – và ông ấy biết điều đó”.

Đây cũng trở thành một đặc điểm nữa của Apple. Điều này có thể hiểu là: Apple sản xuất những sản phẩm tốt nhất thế giới – và họ biết điều đó. Steve đương nhiên là người đầu tiên truyền đạt tinh thần này: “Ông ấy tự mãn nói về sự vượt trội của những sản phẩm Apple sản xuất, công khai chế giễu các sản phẩm của đối thủ là hạng xoàng, có hại và tệ nhất là thiếu thẩm mỹ”.

Sự ngạo mạn của Apple cũng được thể hiện qua các quảng cáo của hãng – với nội dung chắc chắn dựa trên quan điểm của Steve về công ty. Các ví dụ điển hình có thể kể đến là “Snail” (Con Sên – mô tả Pentium là một con sên vì nó quá chậm), “Move to Intel” (có đoạn – “các con chip của Intel – nhiều năm qua, chúng nằm trong máy tính, bên trong những chiếc hộp nhỏ xấu xí, cần mẫn làm những nhiệm vụ vụn vặt vô bổ, khi nào nó đáng ra đã có thể làm nhiều hơn thế… câu trả lời là từ hôm nay, chip Intel sẽ được giải phóng và hoạt động hiệu quả bên trong máy tính Mac”) hoặc toàn bộ chiến dịch “I’m a Mac – I’m a PC”.

Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng chính niềm kiêu hãnh này là yếu tố căn bản để thổi vào đội ngũ nhân viên và cả khách hàng của Apple niềm đam mê không ngừng nghỉ ngay từ khi Apple còn chưa đạt đến 10% thị phần máy tính cá nhân. Như nhà báo David Plotnikoff nhận xét: “Đơn giản, nếu không có sự tự tin tuyệt đối đến vậy, Apple chắc đã không thể tạo ra Mac”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.