Sức Mạnh Của Sự Khác Biệt

PHẦN 3 STEVE JOBS TỰ BẠCH VỀ NHỮNG KHÁC BIỆT VỀ SỰ RA ĐỜI CỦA IPHONE



“Chúng tôi ai cũng có điện thoại di động. Nhưng ai cũng ghét chúng, vì thật khó chịu khi dùng chúng. Phần mềm tệ hại, phần cứng thì tồi tàn. Khi chúng tôi nói chuyện với bạn bè, hóa ra họ cũng đều không ưa điện thoại di động. Dường như mọi người đều thế. Và rồi chúng tôi nhận thấy thiết bị này thực ra có thể trở nên mạnh mẽ và thú vị hơn. Đó là một thị trường lớn. Một tỉ chiếc điện thoại được vận chuyển mỗi năm – con số này lớn gấp 10 lần số người chơi nhạc, và lớn gấp 4 lần số lượng máy tính được vận chuyển mỗi năm.

Tạo ra một chiếc điện thoại tuyệt vời mà ai cũng yêu thích – đây quả là một thách thức lớn. Chúng tôi đã có công nghệ trong tay. Chúng tôi đã có tiểu mô hình iPod. Chúng tôi đã có hệ điều hành tinh vi Mac. Chưa từng có người nào nghĩ tới chuyện đặt những hệ điều hành phức tạp như OS X vào một chiếc điện thoại, vì thế đó là một câu hỏi lớn. Chúng tôi đã có nhiều cuộc tranh cãi gay gắt trong nội bộ công ty về việc có thể thực hiện được điều đó hay không. Tôi là người phải ra quyết định, và tôi chỉ nói đơn giản thế này: ‘Chúng ta sẽ làm. Hãy thử nào’.

Những chuyên gia phần mềm giỏi nhất cũng nói rằng họ có thể làm được, vậy hãy cho họ cơ hội. Và họ đã làm được”.

VỀ MỐI LIÊN HỆ GIỮA APPLE VỚI NGƯỜI TIÊU DÙNG
“Chúng tôi chế tạo ra iTunes vì chúng tôi yêu âm nhạc.

Chúng tôi chế tạo ra thứ mà chúng tôi cho là máy hát tự động tốt nhất ở iTunes. Rồi sau đó chúng tôi lại muốn mình có thể mang theo ngôi nhà âm nhạc của mình tới bất kỳ đâu. Cả đội đã phải làm việc hết sức vất vả, bởi vì ai cũng đều muốn có một thiết bị như vậy. Anh có biết không, vài trăm khách hàng đầu tiên của sản phẩm này chính là chúng tôi đấy.

Chúng tôi thành công không phải nhờ sở thích số đông, không phải vì chúng tôi lừa mị người khác, và cũng không phải vì chúng tôi thuyết phục người khác để họ muốn có thứ mà họ không muốn. Chúng tôi xác định thứ mà mình cần. Tôi cho rằng chúng tôi đã có một đường lối suy nghĩ đúng đắn về việc liệu có nhiều người khác cùng thích sản phẩm đó hay không. Chúng tôi được trả công để làm điều đó.

Anh không thể chạy ra ngoài đường rồi hỏi mọi người sáng kiến tuyệt vời tiếp theo là gì. Henry Ford đã nói một câu rất hay rằng: ‘Nếu tôi hỏi khách hàng xem họ muốn gì, có lẽ họ sẽ nói rằng họ muốn có một con ngựa biết chạy nhanh hơn”’.

VỀ VIỆC LỰA CHỌN CHIẾN LƯỢC

“Chúng tôi không làm nghiên cứu thị trường. Chúng tôi không thuê tư vấn. Trong suốt 10 năm trời làm việc, tôi chỉ thuê duy nhất một nhà tư vấn để phân tích chiến lược bán lẻ của Gateway nhằm tránh vết xe đổ của công ty này (khi mở các cửa hàng bán lẻ của Apple). Nhưng bản thân chúng tôi chưa bao giờ thuê tư vấn. Chúng tôi chỉ muốn tạo ra những sản phẩm tuyệt vời.

Chúng tôi tạo ra iTunes Music Store vì cho rằng sẽ rất tuyệt khi có thể mua nhạc trực tuyến chứ không phải vì chúng tôi muốn tái định nghĩa nền công nghiệp âm nhạc. Điều đó cũng giống như việc viết lên một bức tường rằng rốt cuộc, chúng ta có thể phân phối nhạc bằng con đường điện tử. Điều đó thật rõ ràng, vì tại sao lại phải bỏ chi phí ra? Nền công nghiệp âm nhạc thu lời rất lớn. Vậy thì tại sao lại phải chịu những khoản chi phí đó trong khi có thể dễ dàng gửi các electron đi?”

VỀ ĐỘNG LỰC CỦA NHÂN VIÊN APPLE

“Chúng tôi không có cơ hội làm được nhiều việc đến thế, và mỗi người cũng phải thật sự xuất sắc. Bởi vì đây là cuộc sống của chúng tôi. Mà cuộc sống thì ngắn ngủi, anh biết đấy.

Vì vậy, đây là điều mà chúng tôi chọn làm trong cuộc sống của mình. Chúng tôi có thể ngồi trong một tu viện trên đất nước Nhật Bản xa xôi. Chúng tôi có thể lên tàu đi xa. Một số có thể chơi golf. Một số có thể điều hành các công ty khác. Và tất cả chúng tôi đều chọn làm việc này trong cuộc sống của mình. Vì thế, công việc đó phải thật sự tốt, phải xứng đáng.

Và chúng tôi cho rằng đúng là như vậy”.

VỀ LÝ DO NHIỀU NGƯỜI MUỐN LÀM VIỆC CHO APPLE
“Lý do là vì anh không thể làm việc mà anh có thể làm ở Apple tại một nơi khác. Phần lớn các công ty máy tính giờ đây đã không còn sử dụng bộ phận công nghệ, còn các công ty sản xuất đồ điện tử tiêu dùng thì không hiểu phần mềm. Tức là bạn không thể chế tạo ra những sản phẩm như sản phẩm của Apple tại bất kỳ nơi nào khác. Aplle là công ty duy nhất bao quát tất cả mọi thứ.

Không một công ty nào khác có thể tạo ra một chiếc MacBook Air, vì chúng tôi không chỉ kiểm soát phần cứng mà còn kiểm soát cả hệ điều hành. Chính mối liên hệ mật thiết giữa hệ điều hành và phần cứng cho phép chúng tôi làm được điều đó. Không hề có mối liên hệ nào như vậy giữa Windows và một chiếc notebook Dell cả.

Công ty chúng tôi là một công ty phục vụ người tiêu dùng, người có thể phán xét công việc của chúng tôi là tốt hay xấu.

Chúng tôi nghĩ về người đó. Và chúng tôi cho rằng công việc của mình là nhận trách nhiệm cho toàn bộ trải nghiệm của người sử dụng. Nếu trải nghiệm đó không đạt tiêu chuẩn, thì đó hoàn toàn là lỗi của chúng tôi. Chỉ đơn giản có vậy thôi”.

VỀ VIỆC APPLE CÓ THỂ TIẾP TỤC TỒN TẠI KHI VẮNG BÓNG ÔNG
“Apple có những con người thực sự có năng lực. Tôi đã tạo ra Tim [Cook] COO và giao cho anh ấy bộ phận Mac, và anh ấy đã thể hiện thật xuất sắc. Một số người nói: ‘Chúa ơi, nếu Jobs mà bị xe buýt cán, thì Apple sẽ nguy mất’. Chúng tôi không phải là một đảng, và chúng tôi có những cá nhân tuyệt vời. Hội đồng quản trị sẽ có nhiều ứng cử viên giỏi để lựa chọn vào vị trí CEO. Công việc của tôi là xây dựng một đội ngũ điều hành giỏi để ai cũng có thể trở thành người kế nhiệm mình – đó là việc mà tôi luôn cố gắng thực hiện”.

VỀ TÍNH KHẮT KHE NỔI TIẾNG CỦA ÔNG

“Nhiệm vụ của tôi không phải là dễ dãi với mọi người. Nhiệm vụ của tôi là khiến họ trở nên tốt hơn. Nhiệm vụ của tôi là sắp xếp, kết hợp các bộ phận khác nhau trong công ty lại, dọn đường, và tìm kiếm nguồn lực để thực hiện các dự án lớn. Và để có được những con người tuyệt vời như thế này, chúng tôi đã phải thúc đẩy họ, khiến họ trở nên xuất sắc hơn nữa, khiến họ có những cái nhìn táo bạo hơn nữa về các khả năng trong tương lai”.

VỀ TÂM ĐIỂM CỦA APPLE

“Apple là một công ty trị giá 30 tỉ đô la, thế nhưng chúng tôi mới chỉ có chưa đầy 30 sản phẩm chính. Tôi không rõ là trước đây đã có công ty nào làm được như thế chưa.

Nhưng chắc chắn rằng các công ty sản xuất hàng điện tử tiêu dùng trước kia đều có hàng nghìn sản phẩm. Chúng tôi có xu hướng tập trung hơn họ. Mọi người cho rằng tập trung có nghĩa là nói có với những gì mà bạn phải tập trung vào.

Nhưng hoàn toàn không phải thế. Tập trung có nghĩa là nói không với hàng trăm ý tưởng hay khác. Bạn phải lựa chọn thật cẩn thận.

Thực ra tôi tự hào về cả những gì chúng tôi chưa làm và đã làm. Một ví dụ rõ nét nhất là khi chúng tôi bị áp lực sản xuất chiếc PDA trong hàng năm trời, và rồi một ngày tôi chợt nhận ra rằng 90% những người sử dụng PDA chỉ lấy thông tin từ thiết bị đó khi họ đang di chuyển. Họ không đưa thông tin vào đó. Và chẳng bao lâu sau điện thoại di động sẽ thực hiện được tính năng đó, vì thế thị trường PDA sẽ thu hẹp lại, và rồi thị trường này cũng sẽ không còn ổn định nữa. Do đó, chúng tôi quyết định không đi sâu vào mảng này. Nếu làm thế, có lẽ chúng tôi sẽ không đủ nguồn lực để sản xuất iPod. Có lẽ chúng tôi sẽ không nhận ra được tiềm năng của sản phẩm này”.

VỀ PHONG CÁCH QUẢN LÝ CỦA ÔNG

“Apple có 25.000 nhân viên, trong đó khoảng 10.000 người làm việc tại các cửa hàng. Nhiệm vụ của tôi là làm việc với khoảng 100 người đứng đầu công ty. Nói như thế không có nghĩa là tất cả họ đều là các phó chủ tịch. Một số người trong đó là những cá nhân chủ chốt có nhiều đóng góp cho công ty. Khi một ý tưởng xuất hiện, một phần nhiệm vụ của tôi là truyền bá ý tưởng đó để xem mọi người nghĩ ra sao, khiến họ bàn bạc về ý tưởng đó, tranh luận với họ về nó, truyền đạt ý tưởng đó trong nhóm 100 người này, để từng người khai thác từng khía cạnh khác nhau của ý tưởng, và nói chung là khai thác nó”.

VỀ VIỆC TÌM KIẾM NHÂN TÀI

“Khi tôi tuyển dụng một quản lý cấp cao, thì năng lực là yêu cầu cần có. Đó phải là người thực sự tài giỏi. Nhưng vấn đề chính đối với tôi là: Liệu họ có yêu Apple không? Bởi vì nếu họ yêu Apple, mọi thứ còn lại sẽ tự khắc giải quyết được. Họ sẽ muốn làm những gì tốt nhất cho Apple, không phải những gì tốt nhất cho bản thân họ, cho Steve, hay cho bất cứ ai khác.

Việc tuyển dụng rất khó khăn, như thể mò kim đáy bể vậy.

Chúng tôi tự làm việc đó, và chúng tôi cũng đầu tư rất nhiều thời gian vào đó. Tính ra tôi đã tham gia tuyển dụng khoảng hơn 5.000 người. Vì thế tôi coi đây là một việc làm rất nghiêm túc. Bạn không thể hiểu rõ một người sau một buổi phỏng vấn dài một tiếng, cho nên điều đó còn phụ thuộc vào giác quan thứ sáu của bạn nữa. Mình cảm nhận gì về con người này?

Họ sẽ như thế nào khi đối mặt với thách thức? Tại sao họ lại ở đây? Với ai tôi cũng đặt câu hỏi: ‘Tại sao bạn lại có mặt ở đây?’ Bản thân câu trả lời không phải là điều tôi tìm kiếm. Đó là thông tin dẫn nhập để tìm hiểu về các thông tin khác”.

VỀ LỢI ÍCH CỦA VIỆC SỞ HỮU MỘT HỆ ĐIỀU HÀNH
“Nó cho phép chúng tôi sáng tạo với tốc độ nhanh hơn so với khi phải đợi chờ Microsoft, giống như Dell và HP và các công ty khác đang làm. Bởi vì Microsoft cũng có lịch trình riêng của họ. Phải mất 7 hay 8 năm mới ra mắt được Vista. Bạn sẽ khó có thể có được tính năng mong muốn cho phần cứng mới của mình nếu phần cứng đó phải đợi tới 8 năm. Vì thế, chúng tôi có thể tự vạch ra các ưu tiên cho mình, và nhìn nhận sự việc một cách tổng thể từ vị trí khách hàng. Điều đó cũng có nghĩa là chúng tôi có thể tự làm và sản xuất một phiên bản phù hợp với iPhone và iPod. Chắc chắn là chúng tôi sẽ không thể làm được điều đó nếu chúng tôi không sở hữu một hệ điều hành”.

VỀ CÁC BUỔI HỌP “MARATHON” VÀO THỨ HAI HÀNG TUẦN
“Khi tuyển dụng nhân tài, bạn phải giao cho họ một mảng công việc và để họ tự tung tự tác. Như thế không có nghĩa là tôi không phải đưa ra nhận xét. Nhưng lý do bạn thuê họ là bởi vì bạn muốn trao dây cương cho họ điều khiển. Tôi muốn họ đưa ra được những quyết định hiệu quả như tôi hoặc hơn tôi. Và để làm được điều đó, bạn phải cho họ biết mọi thứ, không chỉ giới hạn ở mảng công việc của họ, mà là tất cả các khía cạnh của công việc.

Vào sáng thứ Hai hàng tuần chúng tôi xem xét lại toàn bộ công việc của mình. Chúng tôi xem xét những gì đã bán được tuần trước. Chúng tôi xem xét từng sản phẩm đang trong giai đoạn phát triển, những sản phẩm đang gặp rắc rối, những sản phẩm có nhu cầu tiêu thụ cao hơn khả năng sản xuất của chúng tôi. Chúng tôi xem xét tất cả những gì đang diễn ra. Và chúng tôi làm điều đó mỗi tuần. Tôi đặt ra một lịch trình – 80% trong đó có nội dung tương tự như tuần trước đó, và tuần nào chúng tôi cũng làm thế.

Apple không có nhiều thủ chúng tôi làm để thống nhất tục, nhưng đó là một trong số ít các việc mà quan điểm với nhau”.

VỀ VIỆC XỬ LÝ CÁC VƯỚNG MẮC

“Tại Pixar, trong quá trình sản xuất bộ phim Toy Story (Câu chuyện đồ chơi), có lúc chúng tôi buộc phải thừa nhận rằng cốt truyện phim chẳng có gì hay ho. Chúng tôi đã ngừng sản xuất trong 5 tháng. Chúng tôi vẫn trả lương cho mọi người dù họ không phải làm gì, trong khi chờ hoàn thiện nội dung phim cho tới khi nó thực sự trở thành Toy Story. Nếu chúng tôi không có can đảm dừng lại, thì có lẽ đã không có một bộ phim Toy Story như hiện nay, và có lẽ cũng chẳng bao giờ có một hãng Pixar nào cả.

Chúng tôi gọi đó là ‘cuộc khủng hoảng cốt truyện’ – chúng tôi không hề muốn gặp phải sự cố đó một lần nữa.

Nhưng anh biết không, mỗi bộ phim đều có một cuộc khủng hoảng như vậy. Giờ đây chúng tôi không còn phải dừng việc sản xuất trong 5 tháng nữa. Chúng tôi đã khôn ngoan hơn rồi.

Nhưng dường như luôn luôn có một thời điểm mà mọi việc không theo ý muốn, và bạn dễ dàng tự lừa phỉnh mình – tự nhủ rằng mọi việc rồi sẽ chẳng đi đến đâu trong khi trái tim bạn biết rằng điều đó là không đúng.

Điều này cũng xảy ra với hầu hết các dự án lớn của Apple… Tôi lấy ví dụ là iPhone. Chúng tôi có một thiết kế khác cho chiếc iPhone, và khi đó đã gần tới thời điểm giới thiệu sản phẩm này nên rất khó có thể thay đổi được thiết kế của nó. Nhưng một buổi sáng thứ Hai, tôi bước vào phòng và nói: “Tôi không thích nó. Tôi không thể thuyết phục được mình rằng hãy yêu thiết kế này. Nên nhớ, đây là sản phẩm quan trọng nhất mà chúng ta từng làm”.

Và thế là chúng tôi khởi động lại từ đầu. Chúng tôi kiểm tra những mô hình đã làm và các ý tưởng từng có. Và rồi chúng tôi đã tạo ra được chiếc iPhone như anh thấy đây – nó tốt hơn phiên bản cũ rất nhiều. Thật tệ hại bởi vì chúng tôi phải tới trước mặt nhóm làm việc rồi nói: ‘Tất cả những gì các bạn đã và đang làm một năm nay, chúng ta sẽ vứt bỏ hết rồi bắt đầu lại từ đầu. Hơn thế nữa, chúng ta sẽ phải làm việc với tần suất gấp đôi vì giờ đây chúng ta không còn nhiều thời gian nữa’.

Anh biết khi đó mọi người nói gì không? Họ nói: ‘Cho chúng tôi tham gia với’.

Những gì xảy ra còn vượt quá tưởng tượng của tôi, bởi vì đây không chỉ là vấn đề khoa học và kỹ thuật. Bên cạnh đó còn có cả nghệ thuật nữa. Đôi khi bạn vướng vào một cuộc khủng hoảng như thế, và bạn không chắc liệu mình có thể thoát ra được hay không. Nhưng chúng tôi luôn làm được điều đó, và vì thế chúng tôi cũng xây dựng được cho mình một sự tự tin nhất định, dù rằng đôi khi chúng tôi cũng không tránh khỏi những băn khoăn. Theo tôi, điều quan trọng là vào những khi đó chúng tôi không hề hoảng sợ. Chúng tôi đã dồn hết tâm tư, tình cảm của mình vào những việc đó”.

VỀ THỜI ĐIỂM QUAN TRỌNG CỦA IPOD

“Chúng tôi gặp khó khăn trong một thời gian vì nhiều lý do, Mac vẫn chưa được nhiều người chấp nhận, họ sử dụng Windows. Chúng tôi đã phải làm việc rất vất vả mà thị phần công ty lại không hề tăng lên. Điều đó đôi khi khiến tôi băn khoăn không biết liệu mình có sai không. Có thể sản phẩm của chúng tôi không tốt hơn như chúng tôi vẫn nghĩ. Hoặc là mọi người không quan tâm tới sản phẩm này – và đây là điều còn tệ hại hơn.

Nhưng hóa ra với iPod, chúng tôi đã vượt qua được lối suy nghĩ tù túng đó. Thật tuyệt vời vì điều đó cho thấy rằng những sáng tạo của Apple, công nghệ của Apple, và thiết kế của Apple có tầm quan trọng. iPod chiếm 70% thị phần. Thật khó có thể nói cho hết tầm quan trọng của điều đó sau khi chúng tôi đã bỏ ra hàng năm trời lăn lộn mà vẫn chỉ thấy 4% – 5% thị phần dành cho Mac. Những gì đã diễn ra với iPod là một nguồn khích lệ vô cùng lớn lao cho tất cả chúng tôi”.

VỀ NHỮNG GÌ HỌ LÀM TIẾP THEO

“Chúng tôi sản xuất nhiều hơn. Chúng tôi làm việc nỗ lực hơn. Chúng tôi nói: ‘Điều này thật tuyệt. Hãy làm thêm nữa nào’. Thị phần của Mac tăng lên hàng quý. Chúng tôi phát triển nhanh gấp 4 lần so với mức trung bình trong ngành. Công chúng bắt đầu chú ý hơn. Chúng tôi giúp các công ty trong ngành cùng phát triển. Chúng tôi đặt các bộ xử lý của Intel vào và có thể chạy các ứng dụng máy tính song song với các ứng dụng của Mac. Chúng tôi phát triển và giúp lĩnh vực hoạt động của mình cùng phát triển. Nhưng tôi cho rằng điều quan trọng là cuối cùng mọi người cũng bắt đầu nhận ra rằng họ không còn phải chịu đựng Windows nữa – rằng đã có một lựa chọn thay thế. Tôi cho rằng trước đây chưa từng có ai nghĩ như thế cả”.

VỀ VIỆC MỞ CỬA HÀNG APPLE

“Điều đó thật đơn giản. Những tín đồ của Mac sẽ cùng hướng tới một điểm đến, phải vậy không? Họ sẽ đi tới một nơi đặc biệt để làm điều đó. Nhưng với những người đang sở hữu Windows, chúng tôi muốn họ chuyển sang dùng Mac. Họ sẽ không phải đi tới nơi nào đặc biệt cả. Họ không nghĩ rằng họ muốn sử dụng Mac. Họ sẽ không phải tốn 20 phút lái xe nếu họ không thích thế.

Nhưng nếu chúng tôi đặt cửa hàng của mình ở một khu mua bán hay trên một con đường mà họ thường qua lại, như thế có nghĩa là chúng tôi sẽ giảm được từ 20 phút xuống còn 20 bước chân. Khả năng họ bước vào cửa hàng của chúng tôi sẽ cao hơn, bởi vì họ không phải mất gì cả. Vì thế chúng tôi quyết định đặt các cửa hàng Apple tại những vị trí có lưu lượng người qua lại đông. Và đó là một việc làm hiệu quả”.

VỀ VIỆC ĐÓN LÀN SÓNG CÔNG NGHỆ MỚI

“Mọi việc diễn ra khá chậm chạp. Bạn có thể nhìn thấy những làn sóng công nghệ trước khi chúng diễn ra, và bạn chỉ cần phải lựa chọn khôn ngoan rằng mình sẽ lướt trên làn sóng nào. Nếu lựa chọn sơ sẩy, bạn có thể để mất rất nhiều năng lượng, nhưng nếu bạn biết lựa chọn khôn ngoan, thì thực ra công việc này diễn ra khá chậm chạp. Nó kéo dài nhiều năm.

Một trong những điều nhận thức lớn nhất của chúng tôi nhiều năm trước là chúng tôi sẽ không đi vào lĩnh vực kinh doanh nào mà ở đó chúng tôi không sở hữu hay kiểm soát công nghệ chủ chốt, bởi vì như thế có nghĩa là tự sát.

Chúng tôi nhận ra rằng gần như tất cả – có lẽ là tất cả – các sản phẩm điện tử tiêu dùng trong tương lai, đều sẽ sử dụng phần mềm làm công nghệ chính. Mà chúng tôi thì lại khá thạo phần mềm. Chúng tôi có thể làm phần mềm hệ điều hành. Chúng tôi có thể viết các ứng dụng trên Mac hay thậm chí là máy tính, như iTunes. Chúng tôi có thể viết phần mềm trong các thiết bị để cho vào iPod hay iPhone, hay đại loại thế. Và chúng tôi cũng có thể viết phần mềm bổ sung chạy trên đám mây như iTunes.

Tức là chúng tôi có thể viết rất nhiều phần mềm khác nhau và khiến chúng chạy một cách hoàn hảo. Bạn có thể tự hỏi: Ngoài Apple ra còn công ty nào có thể làm được điều đó? Danh sách đó sẽ không nhiều đâu. Lý do khiến chúng tôi cảm thấy hứng khởi với chiếc điện thoại, bên cạnh việc tất cả chúng tôi đều ghét điện thoại của mình, là vì chúng tôi không thấy ai khác có thể có những đóng góp như vậy. Không có nhà sản xuất điện thoại di động nào thực sự thông thạo phần mềm cả”.

VỀ VIỆC THẤT BẠI VỚI APPLE TV

“Đây là cách tôi nhìn nhận việc này. Ai cũng muốn tạo ra một sản phẩm tuyệt vời cho căn phòng khách. Microsoft đã thử, chúng tôi cũng đã thử – mọi người đều đã thử. Và mọi người đều đã thất bại. Chúng tôi cũng thất bại – tính đến nay là thế.

Như vậy là rất nhiều người đã thử, và từng người đều thất bại, trong đó có chúng tôi. Đó là lý do vì sao tôi lại gọi đó là một sở thích. Đó chưa hẳn là một hoạt động kinh doanh, mà là một sở thích.

Chúng tôi vừa hoàn tất bước thử thứ hai mà chúng tôi tạm gọi là ‘Apple TV, Take 2’. Chúng tôi nhận ra rằng với sản phẩm đầu tiên, chúng tôi muốn giúp bạn xem nội dung của những gì bạn có trong iTunes trên Mac hay máy tính cá nhân, và gửi nội dung đó lên màn hình TV không qua dây trợ giúp.

Nhưng hóa ra đó không phải là điều mà người tiêu dùng mong muốn. Kể ra thì cũng thật thích khi nhìn thấy ảnh mình trên màn hình lớn. Đó là một điểm thú vị, nhưng không phải là trọng tâm. Điều mà mọi người muốn hóa ra lại là phim ảnh.

Vì thế chúng tôi đã nói chuyện với các hãng phim ở Hollywood, và giờ đây chúng tôi đã thuyết phục được tất cả các hãng phim lớn đồng ý cho thuê phim của họ. Hiện chúng tôi mới chỉ có khoảng 600 bộ phim trên iTunes, nhưng cuối năm nay, con số đó sẽ lên tới hàng nghìn. Chúng tôi đã hạ giá xuống còn 229 USD. Chúng ta hãy chờ xem kết quả. Liệu việc này có đem lại hiệu quả và đây có phải là thứ mà bạn không thể sống thiếu nó và yêu thích nó? Hãy chờ xem. Tôi nghĩ sẽ có cơ hội cho việc này”.

VỀ VIỆC QUẢN LÝ TRONG GIAI ĐOẠN SUY THOÁI KINH TẾ
“Chúng tôi từng trải qua thời khắc này rồi, đó là giai đoạn bong bóng dot.com. Khi đó, tôi có nói với mọi người trong công ty rằng trong thời khắc khủng hoảng, chúng tôi vẫn tiếp tục đầu tư, rằng chúng tôi sẽ không sa thải ai cả, và nếu bắt buộc phải sa thải nhân viên, thì điều đầu tiên chúng tôi sẽ làm là nỗ lực hết sức để đưa họ quay trở lại công ty. Và chúng tôi vẫn tiếp tục đầu tư. Trên thực tế, chúng tôi còn lên kế hoạch mở rộng ngân sách cho hoạt động nghiên cứu và phát triển để có thể dẫn đầu đối thủ khi giai đoạn suy thoái qua đi. Chúng tôi đã làm đúng như vậy. Và đó là một quyết định hiệu quả. Lần này chúng tôi cũng sẽ làm thế”.

KỲ PHÙNG ĐỊCH THỦ

STEVE JOBS VÀ BILL GATES

Trong cuốn tiểu sử chính thức của Steve Jobs được viết bởi nhà văn Walter Isaacson, Steve Jobs đã miêu tả Bill Gates là một người tương đối tẻ nhạt, không có tinh thần sáng tạo, không bao giờ phát minh ra bất cứ điều gì và là một người vô lương tâm chuyên gạt bỏ ý tưởng của người khác.

Trong bài phỏng vấn mới đây với hãng tin ABC News, khi được hỏi Bill Gates phản ứng thế nào trước sự chỉ trích của nhà đồng cấp bên phía Apple, Bill Gates cho biết: “Steve và tôi đã từng làm việc với nhau để tạo ra máy tính Mac. Chúng tôi đã xây dựng phần mềm cho hệ thống máy tính này. Và trong suốt quá trình 30 năm qua, anh ấy đã nói rất nhiều điều tốt đẹp về tôi và cả những điều rất cay nghiệt.

Ý tôi là anh ấy đã phải đối mặt với nhiều khó khăn tại Apple. Một thực tế rằng các sản phẩm của Apple luôn có giá rất cao khiến họ gặp ít nhiều khó khăn trên thị trường. Vì vậy, trên thực tế, Microsoft đã thành công với các sản phẩm dựa trên số lượng tiêu thụ, bao gồm cả thành công về mặt giá cả, bởi vì chúng tôi có cách để làm việc với nhiều công ty khác nhau.

Với thực tế đó, tại nhiều thời điểm khác nhau, Steve cảm thấy như bị bao vây, do vậy, Steve sẽ có suy nghĩ như chúng tôi là một đám người xấu đang vây quanh một người tốt như anh ấy. Nên phản ứng của Steve là thật dễ hiểu.

Tôi rất tôn trọng Steve. Chúng tôi đã làm việc cùng nhau và thúc đẩy lẫn nhau ngay cả khi trở thành đối thủ cạnh tranh. Những nhận xét của Steve không hề làm tôi cảm thấy bực mình và khó chịu.” – Gates đã rất bình thản trước những lời chỉ trích của Steve trong cuốn tiểu sử cuối cùng được xuất bản sau khi ông mất.

Trên thực tế, đó không phải là lần đầu tiên Steve Jobs chỉ trích nặng nề Bill Gates. Cho dù, hai gã khổng lồ công nghệ Bill Gates và Steve Jobs được đánh giá là đôi bạn thân, họ thậm chí còn có lúc dẫn bạn gái đi hẹn hò chung với nhau nữa. Nhưng trong suốt sự nghiệp cạnh tranh quyết liệt với nhau, Steve Jobs đã nhiều lần “nặng lời” với Bill Gates trong khi ấy, Bill Gates lại luôn tỏ ra nhã nhặn với người đồng nghiệp.

JOBS NÓI GÌ VỀ GATES?

Hãy cùng nhìn lại lịch sử những câu nhận xét thú vị thậm chí chua cay nhất mà Steve Jobs đã dành cho Bill Gates.

GATES LÀ KẺ BẮT CHƯỚC?

Trong một cuộc phỏng vấn thực hiện năm 1994, khi phóng viên hỏi Jobs nghĩ gì về thành công của Gates, ông nói: “Tôi nghĩ gì về việc Bill Gates kiếm được bộn tiền từ một số ý tưởng của chúng tôi ư? Anh biết đấy, mục tiêu ở đây không phải là trở thành người giàu có nhất nghĩa trang. Dẫu sao, đó cũng không phải là mục tiêu của tôi”.

“SẢN PHẨM CỦA GATES CHỈ LÀ HẠNG BA”

Năm 1996, không lâu trước khi Microsoft bị đánh giá là “nhà độc quyền tàn nhẫn”, Steve Jobs có chia sẻ ý kiến của ông về gã khổng lồ máy tính đang trên đà phát triển và thành công này như sau: “Tôi cảm thấy buồn. Tôi không buồn vì thành công của Microsoft – tôi không có thắc mắc gì về điều đó, họ đã phải vất vả làm việc để có được thành công này. Tôi chỉ thấy buồn vì họ chỉ tạo ra được những sản phẩm hạng ba”.

“TẦM NHÌN CỦA GATES HẠN HẸP”

Năm 1997, Steve Jobs có một nhận xét khá thẳng thắn về Gates và Microsoft: “Tôi luôn cầu chúc những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với anh ấy [Bill Gates]. Thực lòng tôi mong muốn thế. Tôi chỉ nghĩ rằng anh ấy và Microsoft có cái nhìn hơi hạn hẹp. Có lẽ anh ấy sẽ có nhãn quan rộng hơn một chút nếu biết tìm tòi thử nghiệm hay tới nhà thờ nào đó ở nơi xa khi còn trẻ”.

TÌNH BẠN BÍ MẬT

Tại một cuộc hội thảo do website All Things D. tổ chức năm 2007, Steve Jobs đã đính chính những hiểu lầm về mối quan hệ giữa ông và Bill Gates. Tuy hai người là đối thủ kinh doanh, song khi đó Steve Jobs hài hước chia sẻ rằng ông và Bill Gates đã “giữ bí mật về cuộc hôn nhân của chúng tôi suốt 10 năm trời nay”.

“MICROSOFT CHỈ THEO ĐUÔI GOOGLE VÀ APPLE”
Tại cuộc hội thảo các nhà phát triển thế giới do Apple tổ chức năm 2006, Steve Jobs tiếp tục lặp lại cáo buộc rằng Microsoft đã bắt chước các sáng tạo của Apple và các công ty khác. Báo chí dẫn lời ông rằng: “Bạn bè của chúng tôi [ở Microsoft] dành 5 tỉ USD mỗi năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Ấy thế mà ngày nay, dường như tất cả những gì họ có thể làm được là tìm cách theo đuôi Google và Apple”.

“THẾ GIỚI TỐT ĐẸP HƠN NHỜ GATES”

Năm 2007, lần đầu tiên sau hơn 20 năm, Jobs và Gates cùng xuất hiện trước công chúng. Hai vị CEO tỏ ra thân mật, thậm chí họ còn không tiếc lời tán dương nhau. Khi được hỏi về di sản của Gates, Jobs nói: “Tôi nghĩ rằng thế giới đã trở thành một nơi tốt đẹp hơn bởi vì Bill nhận ra rằng mục tiêu của anh ấy không phải là làm hồn ma giàu có nhất nghĩa địa, phải vậy không?”.

GAME HẸN HÒ CỦA MAC (1983)

Năm 1983, Apple tổ chức một game show hò hẹn, trong đó Steve Jobs đóng vai một anh chàng độc thân may mắn. Những người “cầu hôn” ông là các nhà lãnh đạo khác trong ngành công nghệ. Tuy Bill Gates, người cầu hôn số 3, nhận được sự “ưu ái” của Jobs, song cuối cùng Jobs đã đưa ra một quyết định bất ngờ là lựa chọn cả ba người.

Trong phần giới thiệu của mình, “người cầu hôn” Gates nói: “Năm 1984, Microsoft hy vọng kiếm được một nửa doanh thu từ phần mềm Macintosh” [Khán giả vỗ tay nhiệt liệt, chàng độc thân Jobs cười thật tươi]. Sau đó, Gates nói rằng trong số tất cả các loại máy móc mà ông từng nhìn thấy, Macintosh là chiếc duy nhất thực sự có thể thu hút được trí tưởng tượng của con người. Anh chàng độc thân Jobs làm sao có thể làm ngơ trước một người cầu hôn như thế chứ?

GATES NÓI GÌ VỀ JOBS?

Còn đây là một trong số những câu nói hay nhất của Bill Gates dành cho Apple và Steve Jobs (kèm theo một câu châm biếm của Melinda Gates, phu nhân của Gates).

JOBS “KHÔNG THỂ THẮNG”

Trong một cuộc phỏng vấn năm 1998, Gates băn khoăn: “Điều tôi không thể hiểu là tại sao anh ấy lại còn cố trở thành CEO của Apple? Anh ấy biết là mình không thể thắng mà”. Khi đó, Microsoft là một công ty trị giá 250 tỉ USD, còn Apple chỉ vẻn vẹn 6 tỉ USD, nếu tính cả số tiền 150 triệu USD mà Microsoft chuyển cho Apple năm 1997.

LỜI KHEN DÀNH CHO STEVE

Đôi khi Gates cũng dành cho Steve Jobs những lời tán dương nhiệt tình. Về sự điều hành của Jobs tại Apple, ông nhận xét: “Anh ấy đã làm rất xuất sắc. Trong số tất cả các nhà lãnh đạo cùng ngành mà tôi từng tiếp xúc, anh ấy là người có nhiều sức sáng tạo hơn cả, và anh ấy đã cứu công ty này”.

“PHI THƯỜNG”

Năm 2007, Bill Gates nói: “Những gì Steve đã làm quả thực là phi thường. Năm 1977, khi vẫn còn công ty máy tính Apple II, họ đã có ý tưởng biến nó thành một công ty phục vụ thị trường đại chúng. Khi đó chỉ có duy nhất Apple mạo hiểm – có nhiều công ty khác cũng sản xuất các sản phẩm này, nhưng Apple đã nảy sinh ý tưởng rằng họ sẽ trở thành một hiện tượng trên thị trường.

Apple đã theo đuổi giấc mơ đó”.

“GU THẨM MỸ TUYỆT VỜI”

Khi được hỏi ông học được gì từ Steve Jobs, Gates chia sẻ: “Tôi ước là mình có được gu thẩm mỹ như Steve. Về con người và sản phẩm. Anh ấy có gu thẩm mỹ thật diệu kỳ. Về điều này thì tôi chỉ có thể nói: “Wow!”.

“TƯ DUY KHÁC BIỆT”

Năm 1984, thời điểm Apple ra mắt chiếc máy tính Macintosh, Bill Gates đã gián tiếp ca ngợi Steve Jobs: “Để tạo ra một chuẩn mực mới, bạn không những chỉ cần mang lại một điều gì đó khác biệt; đó còn phải là một điều gì thực sự mới mẻ, và thực sự thu hút được trí tưởng tượng của con người. Và trong số tất cả các loại máy móc tôi từng thấy, chiếc Macintosh là thứ duy nhất đáp ứng được tiêu chuẩn đó”.

“IPAD CŨNG TÀM TẠM”

Trong khi Steve Jobs luôn cho rằng iPad là sản phẩm “quan trọng nhất” và “mang tính sáng tạo nhất” của Apple – và không dưới một lần ông nói rằng đó là “điều quan trọng nhất mà tôi từng làm” – thì Gates lại có suy nghĩ khác.

Trong một cuộc phỏng vấn với Phil Bronstein, nhà báo này hỏi Gates là ông có thích chiếc iPad không. Gates trả lời: “Nó cũng tàm tạm”.

“APPLE GIỎI ĐÁNH BÓNG”

Năm 2008, Gates cho rằng Apple của Jobs có phạm vi bao quát hẹp hơn Microsoft: “Apple đã xử lý rất tốt khía cạnh tiện dụng của sản phẩm. Cần phải khen họ vì điều đó. Nhưng mục tiêu của họ lại không được rộng như của chúng tôi. Vì thế, có thể nói rằng họ tập trung vào một điểm và đánh bóng nó lên – chắc chắn là chúng tôi cũng cần phải làm thế, hay thậm chí là làm tốt hơn họ nữa”.

VỢ GATES: KHÔNG IPOD

Melinda, phu nhân của Bill Gates, từng có lần nói rằng các con bà không sử dụng iPod hay iPhone. Bà khẳng định: “Gia đình tôi ít khi cấm con cái mua đồ, nhưng iPod và iPhone là hai thứ mà chúng tôi không mua cho chúng”.

JOBS VÀ GATES:

AI THIÊN THẦN, AI ÁC QUỶ?

Cho đến gần đây, Bill Gates vẫn được coi là “quỷ Satan” ở thế giới công nghệ, còn đối thủ chính của ông, Steve Jobs, lại có danh tiếng trong sạch gần như thánh thần.

Gates là một nhà tư bản “máu lạnh”. Có thể ông là thiên tài, nhưng thiên tài này quan tâm tới việc tối đa hóa lợi nhuận hơn là hoàn thiện công nghệ. Ông còn là một người chất chứa nhiều hận thù. Từng bị tẩy chay ở trường học, nhưng giờ đây ông mới là kẻ “giữ nụ cười chiến thắng” khi biết cách lấy sạch tiền trong túi chúng ta.

Trái lại, Jobs dường như không mặn mà lắm với thương trường, tuy rằng gần đây ông lại rất thành công trên mặt trận này. Thay vào đó, trong mắt công chúng Jobs là một con người của nghệ thuật và văn hóa. Ông là một nhà thẩm mỹ học, một nghệ sĩ; và khao khát của ông là tạo một dấu ấn trong vũ trụ.

Có những người lại có ý kiến hoàn toàn ngược lại. Chính Gates mới là người tạo ra dấu ấn trong vũ trụ, còn Jobs chỉ đóng vai trò một nhà tư bản có quyết tâm, và có vẻ như không quan tâm tới các nhu cầu rộng lớn hơn của xã hội.

Nếu như Gates thích thú như thế nào khi kiếm được tiền, thì ông cũng hào hứng như thế ấy khi chia sẻ gia tài của mình.

Ông không ngần ngại bỏ ra hàng tỉ đô la để giải quyết các vấn đề y tế trên toàn cầu. Ông cũng thẳng thắn nêu lên quan điểm của mình về các vấn đề lớn về chính sách, chẳng hạn như phản đối dự luật cắt giảm thuế thừa kế.

Ngược lại, Jobs không hề có tên trong bất kỳ danh sách đóng góp từ thiện nào của những người nổi tiếng. Và ông cũng không hề nói một lời nào trước những vấn đề quan trọng trong xã hội. Ông chỉ dùng tài năng của mình để thuyết phục người ta mua các sản phẩm của Apple.

Theo Forbes, gần đây Jobs sở hữu một gia tài trị giá 3,3 tỉ USD, là người giàu thứ 194 trên thế giới, và là người giàu thứ 67 tại Mỹ. Nhưng vị trí này đã thay đổi khi Disney quyết định mua lại Pixar Animation với giá 7,4 tỉ USD. Chỉ riêng thương vụ này đã đưa giá trị số cổ phần của Jobs tại Pixar lên tới 3,7 tỉ USD.

Tuy nhiên, tài sản lớn không làm nên một người vĩ đại.

Giving USA Foundation, một nhóm nghiên cứu trong lĩnh vực từ thiện thực hiện các nghiên cứu về từ thiện hàng năm, cho hay trong suốt 4 năm qua, Jobs không hề có mặt trong các danh sách quyên góp giá trị từ 5 triệu USD trở lên.
Ông cũng không xuất hiện trong danh sách quyên góp từ 1 triệu USD trở lên do Trung tâm Từ thiện trường Đại học Indiana xây dựng.

Phu nhân của Jobs cũng không có tên trong những danh sách quyên góp từ thiện này, tuy rằng theo thông tin từ tổ chức Open Secrets, bà đã vứt ra hàng chục nghìn đô la tài trợ cho đảng Dân chủ.

Dĩ nhiên, Jobs và vợ có thể bí mật làm từ thiện. Nếu họ lẳng lặng tài trợ cho nhiều chương trình, thì tên họ sẽ không xuất hiện ở bất kỳ danh sách nào, bất kể giá trị món quà quyên góp của họ là như thế nào.

Với một người đầy riêng tư như Jobs – người đã không hề công khai điều gì về đời sống gia đình của mình – thì giả thiết trên có thể tin cậy được. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến Jobs trở thành trường hợp ngoại lệ trong số những người có tầm ảnh hưởng. Richard Jolly, chủ tịch Tổ chức Giving USA Foundation, cho biết không phải tỉ phú nào cũng quyên góp tiền làm từ thiện, nhưng nhiều người trong số đó làm thế, và phần lớn những người khi làm thế thì họ sẽ không làm trong im lặng.

“Chúng ta thấy chuyện này thường xuyên mà”, ông nói. “Những cá nhân giàu có ủng hộ cho những tổ chức và thể chế mà họ tin tưởng”. Nhận xét đó đúng với Gates, người không chỉ mạnh tay chi tiền làm từ thiện mà còn lên tiếng ủng hộ các tổ chức và thể chế mà ông tin tưởng.

Nhưng điều này lại không đúng với Jobs. Trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, Jobs chưa từng đề cập tới bất kỳ vấn đề xã hội hay chính trị nào mà ông tin tưởng – ngoại trừ trường hợp ông thừa nhận mình là fan của nhạc sĩ phản chiến Bob Dylan.

Thay vào đó, ông dùng những vấn đề xã hội để hỗ trợ cho các mục tiêu kinh doanh của mình. Trong chiến dịch Tư duy khác biệt, Jobs dùng các nhân vật văn hóa mà ông ngưỡng mộ để bán máy tính – những người từng khản cổ đấu tranh chống nạn phân biệt chủng tộc, nghèo đói, bất bình đẳng, hay chiến tranh.

Jobs từng được mời làm cố vấn cho Thượng nghị sĩ John Kerry trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2004, và ông liền mời Tổng thống Clinton tới dự bữa tối nhân chuyến thăm của Tổng thống tới Thung lũng Silicon năm 1996 – thật khó mà nói rằng đây là bằng chứng chứng minh rằng Jobs có niềm tin sâu sắc vào chính trị.

Jobs thậm chí còn không thể gánh vác được những trọng trách thiên về ý nghĩa cá nhân sâu sắc, chứ đừng nói gì đến những trọng trách có tầm quan trọng lâu dài với xã hội. Cũng giống như Lance Armstrong, ông là một người trụ lại được trước căn bệnh ung thư. Nhưng khác với Armstrong, tính cho tới nay Jobs chưa hề công khai làm gì nhiều để quyên góp tiền hay nâng cao nhận thức của xã hội về căn bệnh này.

Thế mà, Steve Jobs lại giành được nhiều tán tụng và yêu mến đến vậy từ xã hội, trong khi đó hình ảnh của Bill Gates không hẳn đã được như thế. Cả thế giới tiếc thương khi Steve Jobs ra đi cho dù ông chẳng mấy khi đả động gì tới trách nhiệm từ thiện của một tỉ phú?

Phải chăng, những giá trị tuyệt vời mà ông cống hiến cho nhân loại đã là khoản “từ thiện” lớn nhất mà ông vua của thời đại kỹ thuật số để lại cho đời ?

KHOẢNG TRỐNG STEVE ĐỂ LẠI

Hãy trở lại với những gì đang diễn ra hôm nay. Nếu như một thập kỷ trước đây, Apple từng đứng trước bờ vực phá sản thì nay đã là một trong những công ty công nghệ mạnh mẽ và có tầm ảnh hưởng nhất thế giới. Đây là thương hiệu sáng tạo nhất trong ngành máy tính, đi đầu trong lĩnh vực kinh doanh âm nhạc và điện thoại, và là đầu tàu của ngành điện tử tiêu dùng trong những thập kỷ sắp tới. Còn Pixar, chính là hãng phim lẻ thành công nhất trong lịch sử Hollywood, dù vừa qua đã không còn giữ được phong độ sau hơn hai mươi năm tồn tại. Hãng đã xác định ra tương lai của phim hoạt hình và hiện đang là trung tâm của ngành này sau khi sáp nhập với Disney. Người gây dựng cả hai công ty trên, Steve Jobs, thường xuyên được bình chọn là nhà lãnh đạo doanh nghiệp quan trọng nhất thế giới, dù có thời, trong suốt nhiều năm, ông chỉ được coi là “kẻ ăn may”.

Chúng ta đã cùng dõi theo các sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời Steve – và đặc biệt là trong sự nghiệp của ông – đã đến lúc nhìn lại tổng thể bức tranh này.

Chúng tôi xin phép được trình bày một vài quan điểm của mình: không biết phải dùng từ ngữ nào để nói hết sự ngưỡng mộ và trân trọng dành cho Steve Jobs, với thật nhiều cảm hứng có được từ ông. Nhìn lại thì lịch sử ngành kinh tế đã chứng kiến nhiều doanh nhân tài ba, những nhà lãnh đạo đầy cảm hứng hay những con người biết nhìn xa trông rộng. Nhưng trong số họ, ai có được sức ảnh hưởng lớn đến nhân loại như Steve Jobs? Ai đã đối mặt với cả sự vẻ vang và nỗi xấu hổ trong cuộc đời? Chúng ta đang nói về một người đã dâng hiến cả cuộc đời để mang sức mạnh của công nghệ đến cho mọi người. Ông đã góp phần phổ biến máy tính ra cộng đồng với chiếc Apple II. Ông đã khiến máy tính thân thiện hơn, có chất “người” hơn với Macintosh. Ông đã một tay mở ra khả năng cách mạng in màn hình. Công ty của ông, Apple, đã vô cùng sáng tạo với những sản phẩm truyền cảm hứng cho cả giới công nghệ. Văn hóa doanh nghiệp của ông có sức ảnh hưởng lớn với hàng triệu người hâm mộ trên toàn thế giới, như sự sùng bái của những con chiên. Ông đã thay đổi cách chúng ta nghe nhạc với iPod, đã làm rung động ngành kinh doanh nhạc số với iTunes và thị trường điện thoại với iPhone. Không có ông và Pixar, hoạt hình 3D có lẽ sẽ chẳng bao giờ cất cánh, hoặc nếu có cũng theo một cách khác, đó là điều chắc chắn. Ông đã khiến cho cuộc sống của hàng triệu người trở nên dễ dàng hơn khi tạo ra những công nghệ đơn giản, trực quan, thú vị, xinh xắn thay vì những thứ phức tạp, khó hiểu, tẻ ngắt và cục mịch.

Một câu hỏi còn đang bỏ ngỏ: những nhân vật nào trong thế giới kinh doanh có thể đạt được nhiều thành tựu như vậy? Ai có thể có sức ảnh hưởng lớn hơn Steve? Đó là lý do từ lâu chúng tôi đã gắng sức đi tìm những từ ngữ thích hợp để mô tả về tầm quan trọng của Steve Jobs, một thiên tài, nhưng đồng thời cũng là một con người thật, một biểu tượng với cả những khiếm khuyết, chất chứa đầy mâu thuẫn, một người có tầm nhìn xa trông rộng nhưng đôi lúc cũng mắc sai lầm chết người. Thật khó tìm ra từ ngữ phù hợp, cho đến khi chúng tôi nhận thấy chính Steve đã tìm ra chúng. Bởi vậy chúng tôi xin phép được trích dẫn ở đây thông điệp quảng cáo của chính Apple: Think Different – Nghĩ khác người:

“Dành cho những người điên khùng. Người không chịu giống ai. Kẻ nổi loạn. Kẻ gây phiền toái. Kẻ vuông tròn không hợp. Kẻ có cái nhìn khác thường.

Họ không thích các luật lệ. Và họ chẳng thích tình trạng tĩnh tại. Bạn có thể trích dẫn họ, không đồng tình với họ, tôn vinh họ hay gièm pha họ. Duy chỉ có điều duy nhất bạn không thể làm, là mặc kệ họ. Bởi vì họ tạo ra sự thay đổi. Họ đẩy nhân loại tiến lên. Một số người xem họ là những gã điên, nhưng chúng tôi thấy ở họ một thiên tài. Bởi vì những người ấy đủ điên để nghĩ mình có thể thay đổi thế giới, cũng chính là những người có thể làm được điều đó”.

THẾ GIỚI TIẾC THƯƠNG STEVE JOBS TỔNG THỐNG MỸ BARACK OBAMA

“Michelle (vợ Obama) và tôi đã rất buồn, sự ra đi của Steve Jobs là một trong những sự mất mát lớn nhất của nước Mỹ. Steve là người đủ can đảm để nghĩ khác, đủ tự tin để thay đổi thế giới và đủ tài năng để làm điều đó.

Bằng cách xây dựng một trong những công ty thành công nhất của hành tinh từ nhà để xe của mình, ông là minh chứng cho tinh thần và sự khôn ngoan của người Mỹ. Steve đã làm thay đổi cuộc sống của chúng ta, định nghĩa lại toàn bộ ngành công nghiệp và đạt được một trong những thành công hiếm có nhất trong lịch sử nhân loại: ông thay đổi cách thức chúng ta nhìn nhận thế giới.

Thế giới đã mất đi một người nhìn xa trông rộng. Và giờ đây, rất có thể, bạn đang đón nhận thông tin ông qua đời trên chính thiết bị do ông tạo ra. Michelle và tôi gửi những lời cầu nguyện đến Laurene, vợ của Steve, gia đình và tất cả những ai yêu quý ông”.

TIM COOK – CEO CỦA APPLE

“Tôi có tin rất buồn muốn nói với tất cả các bạn. Steve đã qua đời sáng sớm nay. Apple đã mất đi một biểu tượng, một thiên tài đầy sáng tạo. Thế giới mất đi một con người lỗi lạc”.

BAN GIÁM ĐỐC APPLE: “THẾ GIỚI ĐÃ ĐỔI THAY ĐÁNG KỂ NHỜ STEVE.”
“Chúng tôi vô cùng đau đớn khi phải thông báo Steve Jobs qua đời. Nghị lực, niềm say mê và sự thông minh của Steve là nguồn cảm hứng bất tận cho cuộc sống của tất cả chúng ta. Thế giới đã tốt đẹp hơn nhờ Steve”.

GIA ĐÌNH STEVE JOBS

“Xin hãy tôn trọng đời tư của chúng tôi trong thời gian này.

Ngoài xã hội, ông ấy được xem như một biểu tượng. Trong gia đình, ông ấy luôn hết lòng yêu thương mọi người.

Chúng tôi cảm ơn các bạn đã cùng cầu chúc cho Steve vượt qua được bệnh tật. Thậm chí một website đã được lập ra để mọi người cùng chia sẻ những lời chúc tốt đẹp cho ông ấy.

Chúng tôi biết nhiều người sẽ đến chia buồn cùng chúng tôi và gia đình rất mong các bạn hãy tôn trọng đời tư của chúng tôi trong thời gian tổ chức lễ tang cho Steve Jobs”.

BILL GATES: “THẬT MAY MẮN VÌ ĐƯỢC LÀM VIỆC CÙNG STEVE.”
“Tôi thực sự rất đau lòng khi nghe tin Steve Jobs qua đời. Melinda và tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình, những người bạn cũng như những người yêu mến Steve trong thời gian làm việc cùng ông ấy.

Lần đầu tôi gặp Steve cũng cách đây gần 30 năm. Khi đó chúng tôi là những đồng nghiệp, rồi là đối thủ cạnh tranh và sau cùng chúng tôi là những người bạn suốt gần nửa cuộc đời. Hầu như không ai trên thế giới có tầm ảnh hưởng như Steve. Những đóng góp của Steve sẽ còn tác động tới nhiều thế hệ sau này.

Chúng ta thật là may mắn khi được làm việc cùng Steve. Tôi sẽ nhớ Steve rất nhiều”.

CEO GOOGLE LARRY PAGE: “XIN CHIA BUỒN CÙNG ĐẠI GIA ĐÌNH APPLE.”
“Steve là một nhân vật đặc biệt với những đóng góp không tưởng và lỗi lạc. Ông ấy luôn kiệm lời. Khả năng tập trung của Steve cao hơn bất cứ ai. Ông ấy luôn là nguồn cảm hứng cho tôi. Khi tôi trở thành CEO của Google, Steve vẫn đối xử với tôi thật tử tế và thường cho tôi những lời khuyên ngay cả khi sức khỏe của ông ấy không được tốt. Tôi cũng như Google xin chia buồn cùng gia đình của Steve và đại gia đình Apple”.

ĐỒNG SÁNG LẬP APPLE, STEVE WOZNIAK

“Mọi người luôn có những mục tiêu trong cuộc sống. Với Steve Jobs, ông đã vượt qua những mục tiêu của chính mình”.

NHÀ SÁNG LẬP FACEBOOK MARK ZUCKERBERG: “TÔI SẼ RẤT NHỚ STEVE.”
“Steve, cảm ơn vì ông đã là một người thầy và một người bạn của tôi. Xin cảm ơn vì ông đã cho thấy những gì ông xây dựng khiến cả thế giới này thay đổi. Tôi sẽ rất nhớ Steve”.

THỊ TRƯỞNG NEW YORK MICHAEL BLOOMBERG

“Steve Jobs đã nhìn thấy trước tương lai và đưa nó vào cuộc sống của chúng ta”.

ĐỒNG SÁNG LẬP AOL STEVE CASE

“Tôi thấy thật tự hào khi được biết Steve Jobs. Ông ấy là nhân vật nhiều sáng kiến nhất của thế hệ chúng tôi. Những gì ông để lại sẽ sống mãi qua thời gian”.

CEO CỦA DELL – MICHAEL DELL

“Ngày hôm nay thế giới mất đi một nhà lãnh đạo với tầm nhìn bao quát, ngành công nghệ mất đi một huyền thoại và tôi mất đi một người bạn, một người đồng chí. Những gì Steve Jobs để lại sẽ mãi được ghi nhớ. Tôi cầu nguyện và chia sẻ với gia đình của Jobs và mọi nhân viên của Apple”.

JAY ELLIOT – TÁC GIẢ CUỐN SÁCH “CON ĐƯỜNG STEVE JOBS”
“Tôi rất buồn. Thật không thể tin được điều này. Tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần vì biết nó sẽ xảy ra. Nhưng Jobs thực sự là duy nhất và chúng ta sẽ chẳng thể gặp một người nào như ông lần thứ hai. Ông ấy đã thay đổi cuộc đời tôi. Jobs sống cuộc đời mình theo cách ông muốn. Cũng có người chỉ trích cách sống của ông, nhưng tôi đã làm việc với Steve trong nhiều năm và tôi chắc một điều rằng Steve Jobs là một tấm gương đáng noi theo”.

STEVE JOBS QUA NÉT VẼ BIẾM HỌA THẾ GIỚI


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.