Sức Mạnh Của Sự Khác Biệt

Khác biệt 2



“MUỐN THÀNH CÔNG PHẢI DÁM THẤT BẠI CHÍN LẦN”
Những người khác không dám kinh doanh vì sợ mất tiền. Từ khi chưa tới 20 tuổi, Steve Jobs đã khẳng định, dù thua lỗ cũng phải có một công ty để khẳng định chính mình và đổi thay thế giới.

SÁNG TẠO ĐẦU TIÊN MANG BÓNG HÌNH QUẢ TÁO

ĐẠI NÁO CÂU LẠC BỘ MÁY TÍNH HOMEBREW

Trong khi Steve còn đang ở tận Ấn Độ hay Oregon, người bạn thân thiết đồng sở thích máy tính của anh, Woz, lại đang được làm việc tại Hewlett-Packard (HP). Với anh, đây là một công việc mơ ước: một công ty với đầy đủ kỹ sư nhiệt huyết như anh, nơi anh có thể làm việc để tạo ra những sản phẩm cho các kỹ sư khác. Tuy nhiên, những lúc rảnh rỗi, anh vẫn tìm đến thú vui thiết kế mạch máy tính, và tham gia một hội có cùng đam mê máy tính: Câu lạc bộ máy tính Homebrew.

MÁY TÍNH CÁ NHÂN XUẤT HIỆN

Máy tính đã tồn tại từ rất lâu trước khi Apple xuất hiện. Xin ví dụ, có lẽ một trong những máy tính hoàn chỉnh đầu tiên của Mỹ xây dựng là chiếc ENIAC năm 1946. Đến những năm 1970, đa số các doanh nghiệp lớn đều trang bị máy tính. Nhưng đây thường là những cỗ máy khổng lồ được đặt trong những phòng máy tính lớn, xây dựng và bảo quản bởi công ty khổng lồ trong ngành, IBM.

Máy tính cá nhân có nền tảng từ một cách tiếp cận hoàn toàn khác. Người ta cho rằng máy tính có thể được sử dụng dành cho mỗi cá nhân đơn lẻ chứ không chỉ cho riêng các tổ chức. Đây là một ý tưởng mang tính cách mạng, và không bất ngờ khi nó nảy sinh tại khu vực Bay Area những năm 1970, sau cuộc cách mạng hippie, và ngay tại trung tâm ngành công nghiệp điện tử.

Tất cả bắt đầu năm 1974, khi hãng Intel có trụ sở tại Mountain View cho ra mắt bộ vi xử lý đầu tiên của thế giới mang mã hiệu 8080. Tất cả những người đam mê công nghệ nô nức tìm hiểu cách sử dụng sản phẩm công nghệ mới mạnh mẽ mà lại tương đối rẻ tiền này. Một bước tiến vĩ đại đã diễn ra khi người đàn ông tên là Ed Roberts giới thiệu chiếc Altair, tại Albuquerque, New Mexico. Đây là bộ máy tính sử dụng bộ vi xử lý Intel 8080, mà người dùng có thể tự tay lắp ráp, rất giống với những thiết bị Heathkit Steve Jobs từng tháo ra tháo vào khi còn trẻ con. Chiếc Altair về cơ bản là một chiếc hộp có thể gạt tắt mở các loại đèn ánh sáng. Nhưng chiếc máy không làm được gì nhiều cho tới khi Bill Gates và Paul Allen, những người vừa thành lập công ty mới có tên Microsoft, viết ra trình thông dịch BASIC cho nó vào năm 1975. Từ này nhanh chóng được lan truyền khắp nước Mỹ trong giới hâm mộ máy tính cá nhân (bao gồm chủ yếu các kỹ sư, đài phát thanh nghiệp dư và những người đam mê máy tính khác). Câu lạc bộ máy tính Homebrew, hoạt động ở hội trường Trung tâm Máy gia tốc tuyến tính của Stanford, là một trong số những nhóm này.

Những tín đồ của giới công nghệ thường xuyên tới đây để trình diễn những chiếc máy hay chương trình mới nhất mà họ vừa làm được.

Woz rất ấn tượng với chiếc Altair (và trình thông dịch BASIC của Microsoft), nhưng anh biết từ kinh nghiệm gần như cả đời mình về thiết kế mạch rằng anh có thể làm được tốt hơn thế. Do đó anh bắt đầu nghiên cứu làm ra một chiếc máy tính của riêng mình – và anh quyết định sẽ sử dụng bộ vi xử lý khác, Technology 502 của MOS. Đây là mục tiêu mới của anh trong cuộc sống. Trong khi vẫn duy trì công việc tại HP, anh cũng đã rất chăm chỉ với công việc thiết kế bo máy tính này, và đạt được kết quả khá ấn tượng: một chiếc máy tính mạnh mẽ (ở thời điểm đó) hoạt động với một bàn phím và một màn hình, chứ không phải chiếc máy tính phát ra những ánh sáng nữa – và tất cả đều hoạt động với rất ít các con chip.

Woz lập tức khoe thiết kế máy tính này với anh bạn Steve Jobs. Steve rất ấn tượng. Anh không biết nhiều về kỹ thuật nhưng anh có thể thấy từ đây sẽ xuất hiện nhu cầu sở hữu máy tính để viết phần mềm, một chiếc máy tính cho những tín đồ phần mềm. Anh tỏ ra đặc biệt hứng thú khi thấy rất nhiều kỹ sư có trình độ tại Homebrew bàn tán về chiếc máy tính của Woz với đầy sự ngưỡng mộ. Vì thế anh đã đưa ra ý tưởng bán chiếc máy cho các thành viên của hội.

Steve đã rất có lý. Chúng tôi ở trên chiếc xe của anh và anh nói – tôi có thể nhớ y nguyên những gì anh nói như mới vừa hôm qua: “Được, cho dù có thua lỗ, chúng ta cũng sẽ mở một công ty. Cho dù chỉ một lần trong đời, chúng ta cũng phải có một công ty của riêng chúng ta”. Điều đó đã thuyết phục tôi. Và tôi vui sướng nghĩ về chúng tôi như thế. Hai người bạn thân thiết nhất sắp thành lập một công ty.

Steve Wozniak trong cuốn tự truyện iWoz

LẬP CÔNG TY TỪ 1.000 USD

Để có đủ 1.000 đôla cần thiết cho việc xây dựng những chiếc máy tính đầu tiên, Steve đã phải đem bán chiếc xe tải Volkswagen còn Woz bán đi chiếc máy tính HP 65. Họ suy nghĩ những cái tên để đặt cho công ty mới, nhưng không thể tìm ra cái gì đó cho thật hay ho, cho tới một ngày, Steve nói họ sẽ đặt tên cho công ty là Apple nếu không tìm được cái tên nào hay hơn. Họ không thể nghĩ ra thứ gì khác, và thế là Apple Computer ra đời.

Đôi bạn đi tìm kiếm sự trợ giúp, và họ nhận được hỗ trợ từ một đồng nghiệp của Steve ở Atari, Ron Wayne. Wayne chủ yếu chuẩn bị những giấy tờ gần thiết để mở công ty và thiết kế logo đầu tiên cho công ty. Đổi lại, anh này được sở hữu 10% công ty, trong khi Steve và Woz chia đôi phần còn lại, mỗi người 45%.

Một vấn đề nữa cần giải quyết là Woz vẫn đang làm việc cho HP, và theo các điều khoản hợp đồng đã ký, tất cả những sản phẩm của anh đều thuộc về công ty này. Xét về lý, máy tính Apple là tài sản của HP. Woz đã chia sẻ điều này với các giám đốc nhưng họ không buồn quan tâm.

Woz rất thất vọng bởi mục tiêu của anh là làm việc trọn đời ở HP. Anh lẽ ra sẽ vui hơn nếu HP sản xuất một chiếc máy tính cá nhân dựa trên thiết kế của anh. Nhưng đó không phải là mong muốn của Steve Jobs.

Đơn hàng đầu tiên của Apple Computer đến từ một thành viên của Homebrew, Paul Terrel. Anh này sắp mở một cửa hàng máy tính mới lấy tên Byte Shop, ở Mountain View, và phán đoán giống như Steve rằng sẽ có không ít người muốn mua những chiếc máy tính hoàn chỉnh như thế. Anh đặt hàng 50 chiếc với giá 500 đôla mỗi chiếc. Tổng cộng anh phải trả 25.000 đôla! Đây là bước khởi đầu sáng sủa cho một công ty trẻ, và nó khiến cho cả Steve và Woz rất hứng thú. Họ bắt đầu lưu trữ các bộ phận ở garage ôtô nhà Jobs, với sự giúp đỡ của Patti, em gái Steve, và anh bạn Dan Kottke. Họ trả cho hai người này một đôla mỗi chiếc máy. Các bộ phận của một chiếc máy tính Apple có chi phí 220 đôla, trong khi giá bán mỗi chiếc cho Terrel, người thường thích đặt những chiếc máy tính này vào trong các hộp làm bằng gỗ, là 500 đôla.

Steve và Woz bắt đầu tự tay đi bán. Họ thống nhất giá bán lẻ 666,66 đôla (giá này chỉ đơn giản là kết quả của phép tính lợi nhuận 33% và chẳng phải là con số đặc biệt nào cả). Họ giới thiệu chiếc máy với các anh bạn Homebrew tháng 3/1976, nhưng phản ứng nhận được cũng không nhiệt tình cho lắm. Vì thế đôi bạn tìm đến những nơi khác, đi hết cửa hàng này đến cửa hàng nọ để thuyết phục họ bán sản phẩm cho mình. Hai người bán được khoảng vài trăm chiếc theo cách này.

Apple Computer khởi đầu như thế. Steve và Woz đã mua lại phần nắm giữ của nhà đồng sáng lập khác là Ron Wayne với giá 800 đôla, và công ty chính thức thành lập ngày 1/4/1976.

KHÁT VỌNG ĐIÊN CUỒNG

Ngày anh hoàn thành dự án máy tính đầu tiên của mình, Woz lại bắt tay vào tiến hành cải thiện thiết kế để cho ra đời chiếc Apple I. Apple II vẫn dựa trên thiết kế của Apple I, nhưng xét trên nhiều khía cạnh, lại là cả một đột phá lớn.

Trước hết, chiếc máy mới chạy nhanh hơn nhiều với số chip chỉ bằng một nửa. Đây cũng là chiếc máy tính đầu tiên có thể thể hiện màu, khi bạn cắm vào bất kỳ chiếc TV màu nào. Nó có thể xử lý đồ họa phân giải cao và âm thanh, và cài sẵn trình thông dịch BASIC. Tóm lại, đây là chiếc máy tính đầu tiên mà bất kỳ ai biết ngôn ngữ lập trình BASIC đều có thể sử dụng: nó hội tụ đủ những thứ người ta cần để tiến hành một cuộc cách mạng máy tính cá nhân.

Nguyên mẫu Apple II đầu tiên mới gần hoàn thiện khi Steve và Woz tham dự Lễ hội Máy tính cá nhân, tổ chức tại Atlantic City mùa hè năm 1976. Nó cũng chưa hoàn toàn sẵn sàng để trình diện trước công chúng. Steve cùng anh bạn Dan Kottke bày bán chiếc Apple I tại gian hàng Apple Computer, trong khi Woz tiếp tục hoàn thiện chiếc Apple II. Khách ghé thăm không ấn tượng với Apple I, một chiếc máy tính được bán bởi gã hai thanh niên nghiệp dư, râu ria xồm xoàm, trong khi MITS, công ty kinh doanh máy tính Altair, có hẳn một gian hàng rộng với âm nhạc, các vũ công và những bộ trang phục doanh nhân. Steve đã học hỏi được rất nhiều từ ngày tham gia Lễ hội đó.

Sau khi chiếc Apple II được hoàn thiện, Steve tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư. Anh đã nói chuyện với một số nhà đầu tư mạo hiểm, một lực lượng đã khá đông đảo ở Thung lũng. Người đầu tiên đến với họ là Don Valentine. Ông từ chối Steve và Woz, nhưng nhận lời giúp đỡ bằng cách giới thiệu một nhà đầu tư tiềm năng khác, Mike Markkula. Mike từng làm việc cho Intel và trong tay có hàng triệu đôla sau khi xin về hưu non. Ông mới 34 tuổi khi gặp Woz và Steve, và rất lấy làm tin tưởng vào tầm nhìn của hai người. Ông cũng hoàn toàn kỳ vọng vào khả năng thu lời từ khoản đầu tư của mình.

Chỉ hai năm nữa, chúng ta sẽ là một trong những công ty trong nhóm Fortune 500. Ngành này mới chỉ bắt đầu. Nó sẽ chỉ xảy ra mười năm một lần mà thôi.

Mike Markkula nói với Steve và Woz trong cuốn tự truyện iWoz Mike vạch ra hẳn một kế hoạch kinh doanh. Ông định bỏ ra 250.000 đôla để xây dựng 1.000 chiếc máy. Đây quả là con số quá lớn so với tiêu chuẩn của hai thanh niên trẻ. Nhưng ông quả quyết với Woz, điều này sẽ chỉ xảy ra khi anh ra khỏi HP. Ban đầu, Woz từ chối, bởi anh là người hết lòng ngưỡng mộ HP và từng có kế hoạch làm việc cả đời tại đây. Tuy nhiên, Steve đã ra sức vận động, và cuối cùng Woz đành mủi lòng.

Mike Markkula cũng nhấn mạnh, Apple cần phải quảng bá cho chiếc máy tính mới của mình. Ông mời về một người bạn, ông Regis McKenna, một trong các nhà quảng cáo nổi tiếng nhất tại Thung lũng. Họ làm việc với Steve Jobs xây dựng những hình ảnh quảng cáo đầu tiên của Apple, còn giám đốc nghệ thuật Rob Janoff thiết kế logo mới cho công ty. Điều duy nhất Steve nói với ông này là “đừng làm cho nó trông dễ thương”. Rob Janoff là người đã nghĩ ra ý tưởng quả táo cắn dở (để trông cho khác với quả cà chua) cũng như những sọc màu trên quả táo để nhấn mạnh khả năng thể hiện màu sắc của Apple II.

Rod Holt, người bạn của Steve Jobs, được thuê xây dựng một bộ nguồn xung ổn áp và thiết kế khuôn mẫu cho chiếc case nhựa của Apple II. Mike Markkula sau đó cũng mời về một người thứ tư tên là Mike Scott, để điều hành công ty mới thành lập này, và văn phòng đầu tiên cũng được chuyển tới Stevens Creek Boulevard ở Cupertino.

TIN TỐT LÀNH TỪ HỘI CHỢ MÁY TÍNH WEST COAST
Công ty mới đã sẵn sàng trình diễn sản phẩm đầu tiên của mình tại Hội chợ máy tính West Coast tổ chức tại San Francisco tháng 4/1977. Đây mới chỉ là hàng mẫu, nhưng chiếc vỏ nhựa rõ ràng đã khiến Apple có hình dáng một sản phẩm chuyên nghiệp. Steve đàm phán xin thuê một vị trí đẹp để mở gian hàng Apple, và cũng nghe theo lời tư vấn quý giá của cả Mike Markkula và Regis McKenna. Đó là lý do tại sao anh mua bộ com-lê đầu tiên trong dịp này.

Hồi ức của tôi khi đó là chúng tôi đã “chiếm đoạt” cả buổi triển lãm.

Steve Jobs trong bộ phim tài liệu Triumph of the Nerds

Chỉ riêng trong buổi triển lãm này, Apple Computer đã nhận được 300 đơn đặt hàng cho chiếc Apple II, gấp đôi tổng số chiếc Apple I bán.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.