Sức Mạnh Của Sự Khác Biệt
Khác biệt 5
CHỈ TUYỂN NHỮNG NGƯỜI “ĐỈNH CỦA ĐỈNH”
Steve Jobs không bao giờ chấp nhận những người chỉ giỏi thứ hai. Khác với những công ty khác đi tìm người giỏi vừa vừa để chỉ phải trả mức lương vừa vừa. Steve chỉ tuyển những người giỏi nhất vì với ông, khoảng cách giữa số 1 và số 2 luôn là cả một đại dương.
BỊ LOẠI KHỎI APPLE
NHỮNG CUỘC CÃI VÃ NẢY LỬA
Steve không thể xử lý thất bại của sản phẩm con cưng trên thị trường. Anh tiếp tục cư xử như thể anh đã cứu Apple, đối xử với nhân viên không thuộc nhóm Mac ở Cupertino một cách thiếu tôn trọng. Mọi người cảm giác anh đã phá hỏng nhóm Mac, anh mua cho họ xe máy BMW và đàn piano Bosendorfer chính hiệu bằng tiền túi của mình, trong khi công ty vẫn đang sống nhờ doanh thu từ Apple II (thực tế, các kỹ sư Macintosh được trả chỉ bằng hoặc thậm chí thấp hơn các đồng nghiệp khác).
Bức xúc bên trong Apple đối với Steve Jobs ngày càng tích tụ lớn hơn. Thời trăng mật với CEO John Sculley cũng kết thúc: hai người hay chỉ trích nhau hơn trong nội bộ. Ngay cả Woz, người cảm thấy bị xúc phạm bởi cách đối xử mà nhóm Apple II nhận được, cũng rời bỏ công ty vào tháng 2/1985. Anh công khai phê bình ban quản trị tại Cupertino: đây là một thảm họa PR của công ty.
Tháng 4/1985, ban giám đốc lại thảo luận kế hoạch tái cơ cấu cho công ty. Mọi người đều đồng ý cần phải có một giám đốc mới cho nhóm Mac, và người được đề cử là giám đốc của Apple tại Pháp, Jean-Louis Gassée. Ban đầu Jobs thậm chí đã chấp nhận ý tưởng đó và tính chuyển sang điều hành bộ phận nghiên cứu và phát triển. Nhưng anh cảm thấy bị xúc phạm khi Gassée yêu cầu phải cam kết bằng văn bản việc thăng chức này.
Với anh, đây trở thành cuộc chiến cá nhân với Sculley. Trong khi vị CEO này đang đi công tác, ngày 23/5/1985, Steve đã tập hợp một số trợ lý cao cấp và nói với họ rằng Sculley muốn anh đi khỏi công ty của chính anh. Ngay hôm sau, Sculley biết được âm mưu và đã hủy chuyến đi. Ông đối đầu với Steve ngay trước mặt các giám đốc khác của Apple. Sau vài giờ thảo luận căng thẳng, họ đơn giản không thể tìm ra cách giải quyết xung đột giữa hai người. Steve nói anh sẽ xin nghỉ phép cho tới khi nào họ hoàn thành xong việc tái tổ chức, và bỏ đi. Chỉ vài ngày sau, ngày 28/5, Sculley thông báo cho anh, ban lãnh đạo đã quyết định xong cơ cấu tổ chức mới, trong đó không có anh trong bất kỳ cương vị quản lý nào. Steve đã sai lầm khi tin rằng ban lãnh đạo sẽ đứng về phía mình: anh thua trong cuộc đấu quyết định.
Ở tuổi 30, tôi phải ra đi. Ra đi một cách rất công khai. Những gì tôi theo đuổi cả đời đã biến mất, nó đã bị phá hủy. Tôi không biết phải làm gì trong những tháng tiếp theo. Tôi cảm thấy mình đã làm thế hệ doanh nhân đi trước phải thất vọng – như mình đã đánh rơi mất cây gậy trong cuộc chơi khi người ta vừa trao nó cho tôi. Tôi đã gặp David Packard và Bob Noyce, cố gắng xin lỗi vì đã làm mọi chuyện trở nên tồi tệ. Tôi đã thất bại mất mặt, và tôi thậm chí đã nghĩ tới chuyện chạy khỏi Thung lũng.
Phát biểu tại Lễ phát bằng của trường Stanford, ngày 12/6/2005
NHỮNG THỬ NGHIỆM HOANG DẠI
Trong bốn tháng, từ tháng 5 đến tháng 9/1985, Steve vẫn là chủ tịch Hội đồng quản trị – anh không bị sa thải khỏi Apple, như suy nghĩ chung của nhiều người. Nhưng anh có rất nhiều thời gian trong tay, và cố gắng nghĩ xem sẽ làm gì tiếp theo.
Anh tới châu Âu, giới thiệu Macintosh cho các trường đại học Pháp, đi xe đạp quanh Tuscany, và tính định cư luôn tại miền nam nước Pháp. Sau đó anh đến Liên Xô để thuyết trình về lợi ích của máy tính cá nhân và đặt vấn đề với NASA đi tham quan trên tàu vũ trụ Con thoi. Anh thậm chí còn định ứng cử vào văn phòng thống đốc California, tìm kiếm lời tư vấn của anh bạn Jerry Brown. Nhưng không dự định nào trên đây có thể thực sự “hấp thụ” hết nguồn năng lượng và đam mê cháy bỏng trong anh dành cho máy tính.
Anh cũng tìm kiếm địa chỉ đầu tư. Một trong những người bạn rất thân của anh ở Xerox PARC, chuyên gia hàng đầu về máy tính, Alan Key, kể với anh về một nhóm các nhà phát triển đồ họa máy tính ở bắc Bay Area, mà công ty mẹ của họ Lucasfilms’Industrial Light & Magic, đang có ý định bán đi.
NGUỒN GỐC CỦA PIXAR
Cha đẻ của Pixar là hai nhà nghiên cứu Ed Catmull và Alvy Ray Smith, những người ngay từ đầu những năm 1970, đã có chung ước mơ làm phim hoạt hình bằng máy tính. Tuy nhiên, họ biết sẽ phải mất ít nhất một thập kỷ tầm nhìn của họ mới có thể trở thành hiện thực, với điều kiện máy tính có đủ sức mạnh cần thiết để xử lý những thao tác phức tạp. Vì thế họ cứ làm việc cùng nhau và chờ đợi sự tiến bộ của công nghệ.
Catmull và Smith từng bước tập hợp một đội nòng cốt những người tiên phong về đồ họa máy tính cũng tin vào việc làm phim hoạt hình bằng máy tính. Trong số những thành viên đầu tiên có hai nhà khoa học máy tính Ralph Guggenheim và Bill Reeves. John Lasseter, một nhà làm phim hoạt hình thông minh của Disney, cũng tham gia nhóm năm 1984. Từ ngày thành lập, nhóm liên tục bị chuyển nhượng; đến năm 1985, thuộc về Industrial Light & Magic (ILM) của George Lucas.
Tuy nhiên, nhà làm phim Chiến tranh giữa các vì sao đang muốn bán bộ phận này. Ông cần tiền sau vụ ly hôn, và quan trọng hơn, ông không có chung nhận định về tương lai với nhóm này. Ông chỉ muốn dùng kỹ xảo 3-D làm hiệu ứng đặc biệt trong các bộ phim. Hơn nữa, vào thời điểm đó, Pixar đang phát triển một chiếc máy tính đồ họa mạnh mẽ chuyên dùng để xử lý dữ liệu hình ảnh. Họ cũng bắt đầu phát triển ngôn ngữ máy tính 3-D của riêng mình, RenderMan. Bộ phận này rõ ràng đang phát triển ra ngoài lĩnh vực trọng tâm của Lucasfilm, và đó là lý do tại sao họ đang tìm kiếm một khách hàng mới.
Steve tham quan phòng thí nghiệm ILM và bị ấn tượng rất mạnh. Anh so sánh trải nghiệm này với những phát hiện tại Xerox PARC sáu năm trước, khi anh lần đầu tiên được biết đến giao diện đồ họa người dùng. Tuy nhiên, mức giá yêu cầu quá cao: 30 triệu đôla. Anh từ chối Lucas, nhưng đề nghị khi nào chào giá thấp hơn thì hãy gọi cho anh.
MƯU ĐỒ PHỤC HẬN
Mọi chuyện cứ thế diễn ra, và Steve Jobs vẫn đang tìm kiếm hướng đi mới trong cuộc sống khi anh gặp lại một người bạn ở Đại học Stanford từng giành
Giải thưởng Nobel, Paul Berg. Berg nói với anh về công việc liên quan tới DNA của mình, và hỏi anh liệu các phân tử có thể được mô phỏng trên máy tính.
Anh trả lời là không, hay ít nhất là vẫn chưa… điều này đưa Steve đến ý tưởng bắt đầu một công ty mới. Anh sẽ xây dựng một chiếc máy tính cao cấp chỉ dành cho thị trường giáo dục bậc cao và giới nghiên cứu. Anh đi thăm dò và nhận thấy thị trường đúng là đang có nhu cầu cái gọi là máy 3M này – một chiếc máy tính có thể chứa bộ nhớ một megabyte, thực hiện hàng một triệu hướng dẫn mỗi giây, và thể hiện một triệu pixel trên màn hình.
Do vẫn là người của Apple, anh quyết định thông báo với ban lãnh đạo về quyết định của mình. Ngày 13/9/1985, anh miêu tả lại kế hoạch. Ban lãnh đạo ban đầu tưởng chừng rất hào hứng, thậm chí sẵn sàng đầu tư vào dự án mới của ngài chủ tịch. Nhưng khi Steve tuyên bố ai sẽ theo anh trong công ty mới, có tên NeXT này, họ quay sang khắt khe hơn: anh sẽ có sự hợp tác của Bud Tribble, lập trình viên Mac đầu tiên; George Crow, kỹ sư phần cứng chủ chốt của Mac; Rich Page, người chứng kiến gần như toàn bộ quá trình phát triển của Lisa; Dan’l Lewin, người đã hiện thực hóa sáng kiến Liên kết Đại học Apple; và Susan Barnes, nam sinh viên đại học Wharton với bằng MBA về tài chính. Họ không phải là những nhân vật hạng xoàng bởi chính Steve đã giới thiệu họ. Apple cảm thấy bị đe dọa, đặc biệt khi những người này sẽ tham gia dự án máy tính 3M có tên mã “Big Mac”.
Đây là cuộc đảo chính của Steve. Ngày 17/9, anh tuyên bố quyết định xin thôi chức vụ tại Apple trước sự ngỡ ngàng của một loạt các phóng viên tại dinh thự của anh ở Woodside.
ĐÓ LÀ NEXT INC.
Khởi đầu của NeXT cũng chẳng dễ dàng. Đúng cái lúc công ty được thành lập, sáu đồng sáng lập bị ông chủ cũ, Apple, đòi bồi thường. Công ty trái cây cáo buộc họ ăn cắp công nghệ.
Kết quả, trong khoảng một năm đầu tiên tồn tại, công ty không thể tập trung được vào bất kỳ sản phẩm nào, bởi bất cứ lúc nào họ cũng có thể thua kiện và phải trao lại tất cả công nghệ họ đang phát triển cho Apple.
Trong khi đó, Steve Jobs lại tham vọng xây dựng một công ty hoàn hảo.
CÔNG TY HOÀN HẢO
Anh bắt đầu với việc mà anh thạo làm nhất: tuyển dụng. Anh chỉ tuyển những người thực sự thông minh và có năng lực. Có lúc NeXT còn quảng cáo ngay cả lễ tân của họ cũng phải có bằng tiến sĩ! Một sự cường điệu hóa đến không thể tin được xung quanh dự án mới của Steve. Tưởng như cả Thung lũng Silicon đều muốn làm việc cho NeXT – ngay cả khi đây được coi là “niềm tin viển vông” (bởi không ai biết sau cùng họ sẽ phải làm về cái gì). Trong số những nhân viên đầu tiên có Avie Tevanian, một thiên tài phần mềm. Khi Steve gặp anh, anh vẫn đang là sinh viên của trường Đại học Carnegie Mellon. Anh đang thực hiện dự án về UNIX có tên Mach; Steve nói với anh rằng nếu gia nhập NeXT, phát minh của anh sẽ được chạy trên hàng triệu máy tính chỉ trong vòng vài năm.
Về cơ bản bạn phải gặp gỡ mọi người trong cả công ty và tất cả đều ủng hộ bạn. Cảm giác thực sự giống như tình anh em. Mọi người đều yêu quý bạn. Vì thế bạn cảm thấy bất kỳ ai tiếp xúc với hẳn phải là “những con người đỉnh của đỉnh”.
Lời của một nhân viên hồi đầu mới vào NeXT trích trong tác phẩm The Second Coming of Steve Jobs của Alan Deutschman.
NeXT đối đãi nhân viên theo cách khá độc đáo so với ở Thung lũng Silicon. Đầu tiên, chỉ có hai mức lương duy trì trong thời gian dài: nhân sự cấp cao 75.000 đôla một năm; những người còn lại 50.000 đôla. Điều này mang đến cho công ty một cảm giác cộng đồng, một cộng đồng của những con người siêu thông minh, chứ không phải là một công ty công nghệ mới thành lập với động lực là lòng tham. Những điểm nổi bật khác bao gồm câu lạc bộ sức khỏe, dịch vụ tư vấn, cho vay khẩn cấp, và nước trái cây tươi miễn phí. Điều đáng nói là, công ty này vẫn chưa hề có doanh thu trong những năm đầu này – nó vẫn vận hành bằng tiền túi của Steve.
Steve cũng tìm kiếm một logo và dấu hiệu nhận biết doanh nghiệp cho dự án mới này của mình. Anh tìm được cả hai thứ này khi dò hỏi ai là người thiết kế logo giỏi nhất hành tinh, và được giới thiệu tới giáo sư mỹ thuật Đại học Yale, Paul Rand. Rand thiết kế một logo với không quá 100.000 đôla, và anh đã nghĩ đến cái tên NeXT, với chữ “e” viết thường rất đáng chú ý, đại diện cho “education (giáo dục), excellence (tuyệt hảo), expertise (tri thức), exceptional (đặc biệt), excitement (thú vị), e=mc²…”
Cuối cùng, Steve cũng không hề tỏ ra keo kiệt với trụ sở của NeXT. Một trong 10 nhân viên đầu tiên trong biên chế của công ty là Tom Carlisle, một chuyên gia thiết kế nội thất. Trụ sở đặt tại một trong những khu vực đắc địa nhất tại Thung lũng, Công viên Công nghiệp Stanford, cách Xerox PARC không xa. Carlisle trang trí nơi này bằng tường kính và những bức hình Ansel Adams rất đẹp, và thiết kế một không gian chung với sàn gỗ chắc, bao gồm bếp ăn với bàn ăn bằng đá granite và một khán phòng với những chiếc ghế sofa hình chữ U cho 12 người ngồi.
SĂN LÙNG MẠNH THƯỜNG QUÂN
Sau khi rời Apple, Steve bán gần như toàn bộ số cổ phiếu của mình cho bõ cơn tức. Vì thế, đầu năm 1986, anh vẫn ngồi trên đống tiền hơn 100 triệu đôla, chờ đợi cơ hội đầu tư. Anh nhận được cú điện thoại của Lucasfilm: họ không tìm thấy người mua ưng ý nào cho nhóm đồ họa máy tính, vì thế họ hạ giá bán xuống hai phần ba. Steve đồng ý trả 10 triệu đôla, và ngày 30/1, Pixar được hợp nhất. Nhưng đây hứa hẹn là một khoản đầu tư tốn kém của anh trong những năm sau.
Nhưng Pixar thế nào thì mặc Pixar – đó chỉ là “thú vui” của Steve, bởi trái tim anh chỉ dành cho NeXT. Anh giao cho Catmull và Smith điều hành nhóm nhỏ ở bắc Bay Area này, để anh tập trung thời gian cho Palo Alto. Apple vừa từ bỏ vụ kiện với công ty mới, vì thế, cuối cùng họ cũng có thể bắt đầu dự án máy tính phục vụ giáo dục bậc cao.
Điều thú vị là, thú vui làm một ông chủ đầu tư của Steve có lẽ trái ngược hoàn toàn với tình cảm dành cho các công ty của mình. Cho dù anh chẳng quan tâm tới Pixar được bằng như với NeXT, anh vẫn mở cho công ty một khoản các tín dụng mà anh sẽ trả bằng tiền của mình trong vài năm. Pixar vẫn luôn phải cầu cứu thêm tiền từ Steve bởi họ gần như không có bất kỳ khoản doanh thu nào. Trong khi đó, anh lại từ chối tài trợ cho NeXT hoàn toàn bằng tiền của mình. Anh bắt đầu tìm kiếm nhà đầu tư bên ngoài ngay từ đầu.
Một thay đổi quyết định diễn ra khi vào tháng 11/1986, CBS phát sóng bộ phim tài liệu có tên Entrepreneurs nói về Jobs trong giai đoạn khó khăn của công ty NeXT. Trong số các khán giả xem phim có tỷ phú Ross Perot, người vẫn đang rất dư dả sau khi bán công ty Electronic Data Systems cho General Motors. Ông thấy rất hấp dẫn và gọi điện cho Steve: “nếu anh cần một nhà đầu tư, hãy liên lạc với tôi”.
Đây quả là tin tốt lành bởi NeXT đang bắt đầu đốt tiền với tốc độ ngoài sức tưởng tượng. Vì thế, thỏa thuận nhanh chóng được ký kết: tháng 2/1987, họ tuyên bố Perot đầu tư 20 triệu đôla để đổi lấy 16% quyền sở hữu NeXT, trong khi Steve giữ 63%. Công ty vẫn chưa có sản phẩm nào ngoại trừ sự hào phóng mà nó nhận được từ các ông chủ, tuy nhiên vẫn được định giá trên 125 triệu đôla! Điều đó chứng tỏ, cái tên Steve Jobs đã có sức nặng như thế nào từ hồi giữa những năm 1980. Ross Perot tham gia Hội đồng quản trị cùng với hiệu trưởng trường Đại học Carnegie Mellon, Pat Crecine, một người bạn thân thiết của Steve. Thực tế thành phần Hội đồng quản trị không được cân bằng cho lắm…
Cuộc sống riêng tư của Steve cũng trải qua những thăng trầm. Đầu tiên, sau nhiều năm tìm kiếm, cuối cùng anh cũng tìm được gia đình sinh ra mình. Mẹ ruột của anh, Joanne, vẫn còn sống, và đã cưới cha anh vài năm sau khi Steve sinh ra. Họ sinh một bé gái, em ruột của Steve, tên là Mona. Mona Simpson là một nhà văn trẻ nhưng đã rất thành công, và vừa xuất bản một tiểu thuyết giúp cô giành được một số giải thưởng văn học,
Anywhere But Here. Steve rất xúc động vì em gái mình là một nghệ sĩ: quả thực trong anh cũng có gen nghệ sĩ! Anh đặt lên tủ sách tại NeXT một cuốn sách của Mona tặng.
Anh cũng chịu nhận cô con gái Lisa 9 tuổi của mình. Cô bé hay tới thăm anh hơn tại nhà riêng ở Woodside, và thậm chi anh còn thỉnh thoảng đưa tới văn phòng làm việc của NeXT. Anh bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới việc học của cô bé.
Cuối cùng, anh trở nên ổn định hơn trong các mối quan hệ và tính tới chuyện kết hôn với bạn gái Tina Redse.
Toàn bộ giai đoạn cuộc đời này của Steve được ghi lại rất rõ trong A Regular Guy, một tiểu thuyết của Mona Simpson mà ở đó Steve Jobs và Lisa được cải trang làm nhân vật chính.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.