Sức Mạnh Của Sự Khác Biệt
Khác biệt 11
CÁI CHẾT LÀ ĐỘNG LỰC SÁNG TẠO
Có ai coi nỗi ám ảnh cái chết như Có ai dám sống mỗi ngày như ngày biệt như thế, Steve Jobs. một động lực để thành công hay không? mai mình sẽ chết? Chỉ có một người khác
GIAI ĐOẠN KHÓ KHĂN
Mặc dù “Lần trở lại thứ hai” của Steve (nói theo cách của nhà viết tiểu sử Alan Deutschman) được coi là một trong những thành công ngoạn mục nhất trong lịch sử hoạt động kinh doanh, nhưng những năm gần đây không trải toàn hoa hồng cho vị iCEO này.
Ghi lùi ngày phát hành là một nghiệp vụ kế toán phi pháp, bao gồm việc chọn lựa một ngày trong quá khứ, khi giá trị cổ phiếu thấp hơn, để xác định mức giá quyền chọn áp dụng. Về cơ bản, nó liên quan tới việc giả mạo tài liệu và lừa đảo nhà đầu tư. Mặc dù việc ghi lùi trái pháp luật, nhưng đó lại là hành vi phổ biến ở Thung lũng Silicon trong thời gian dài – cho tới năm 2006, bài báo trên tờ Tạp chí phố Wall vạch trần sự việc, tố giác một loạt công ty đại chúng được đánh giá cao. Apple không được nêu đích danh trong bài báo, nhưng nó quyết định thuê một ủy ban pháp lý đặc biệt để tiến hành một cuộc điều tra nội bộ về tình hình của công ty. Các luật sư này tiết lộ họ đã phát hiện những “bất thường” liên quan tới hơn 6.000 tặng vật (là các quyền chọn mua cổ phiếu mà công ty dành cho thành viên) trong giai đoạn 1997-2001.
Toàn bộ câu chuyện lộ ra sau đó, sau cuộc điều tra của Ủy ban Chứng khoán Mỹ SEC. Steve Jobs thực tế liên quan trực tiếp tới hai thủ tục phi pháp về ghi lùi ngày phát hành quyền chọn này.
Vụ đầu tiên xảy ra tháng 10/2000. Tình hình ngành công nghệ toàn cầu đang rất thảm hại bởi sự đổ vỡ bong bóng dotcom. Một số công ty cố gắng lôi kéo các giám đốc tài năng đào tẩu khỏi đối thủ, và Apple là một mục tiêu phổ biến. Steve quyết định trao tặng các giám đốc cấp cao một số quyền chọn mua cổ phiếu theo nhóm tương đối lớn để nhằm trói chân họ. Nhưng cố vấn pháp lý của Apple lại không trao khoản tặng các quyền này đúng ngày được chấp thuận – điều này gây nảy sinh vấn đề bởi cổ phiếu đã tăng lên trong thời gian đó. Để chữa cháy, các quyền chọn bị ghi lùi so với ngày thực hiện trên thực tế từ ngày 7/2 lùi lại ngày 17/1 – với sự đồng ý của Steve.
Sai phạm thứ hai liên quan tới chính bản thân Jobs. Từ năm 1997, ông từ chối nhận hơn 1 đôla tiền lương hằng năm từ Apple. Tuyên bố chính thức của ông, đặc biệt khi ban đầu ông chỉ nhận cương vị CEO tạm quyền, là ông đến để giúp chứ không phải đến để kiếm tiền. Một đôla này chỉ mang tính chất tượng trưng để gia đình ông được ghi tên trong kế hoạch trợ cấp y tế của công ty.
Nhưng tháng 1/2000, sau khi đã vực dậy Apple đâu vào đấy trong nhiệm kỳ của mình, và sau khi ông tuyên bố sẽ trở thành CEO chính thức, ban lãnh đạo đã đồng ý bù đắp cho ông. Ban đầu, bằng cách mua tặng ông một chiếc máy bay V Gulfstream riêng, cộng với thuế, có trị giá lên tới 88 triệu đôla. Thứ hai, bằng cách trao ông một quyền chọn 40 triệu quyền mua cổ phiếu, tương đương xấp xỉ 6% công ty.
Nhưng khi đến thời điểm chuyển nhượng những quyền chọn này, bong bóng dot-com nổ ra, và giá cổ phiếu của Apple chỉ còn giá trị bằng nửa so với trước khủng hoảng. Steve đến gặp ban lãnh đạo và đề nghị được trả thêm những quyền chọn mới:
Mọi người đều muốn được những người ngang hàng với mình công nhận, và người gần nhất tôi có, hay bất cứ vị CEO nào cũng vậy, là Hội đồng quản trị. […] Tôi đã dành nhiều thời gian cố gắng quan tâm tới mọi người ở Apple để gây bất ngờ và khiến họ thích thú với những gì họ nhận được khi làm việc tại Apple – những điều có ý nghĩa với bản thân họ và gia đình. Và tôi cảm thấy ban lãnh đạo đã không thực sự đối xử với tôi như vậy. […] Do đó, tôi thấy bị tổn thương, có lẽ đây là từ chính xác nhất diễn tả cảm giác của tôi… Hội đồng quản trị tặng cho tôi một số quyền chọn, nhưng giá chứng khoán đã thấp hơn so với ban đầu […] và tôi đang làm việc ở đây bốn năm, năm năm cuộc đời mình và không về thăm gia đình và người thân được thường xuyên, và tôi cảm thấy như không có ai ở đây quan tâm đến tôi, các anh biết đấy. […] Vì thế tôi muốn họ làm điều gì đó và chúng tôi đã thảo luận về điều này.
Tôi nghĩ tôi đang làm khá tốt công việc. […] Tôi mong họ đến với tôi và nói: “Steve, chúng tôi có một khoản thưởng mới này cho anh”, mà không cần tôi phải cất lời đề nghị hay phải đàm phán. Điều đó sẽ tốt hơn nhiều từ quan điểm của chính công ty, bởi vì nó làm cho tôi cảm thấy tốt hơn vào thời điểm đó.
Giải trình của Steve Jobs tại SEC, tháng 3/2008
Tháng 8/2001, các giám đốc đồng ý trao cho ông thêm tổng cộng 15 triệu quyền chọn mới. Tuy nhiên, Steve chỉ chấp nhận với điều kiện năm 2000 vào trong 40 triệu quyền chọn, sau hậu quả của những chỉ trích của công chúng mà ông phải gánh chịu trong năm trước. Điều này trở nên không thể bởi tính phức tạp của kế toán – làm đình trệ các cuộc đàm phán cho đến tháng 12/2001. Giá cổ phiếu của Apple lại tăng, vì thế nhân viên tư pháp của Apple Nancy Heinen đã sắp xếp một số giấy tờ giả để ghi ngày quyền chọn lùi lại một tháng, tương đương với 20 triệu đôla sẽ được bỏ vào túi Steve. Tuy nhiên, ông đã không lĩnh tiền mặt số quyền chọn này, mà trao đổi lấy 10 triệu cổ phiếu hạn chế vào tháng 3/2003. Đến đầu năm 2008, những cổ phiếu này có giá trị 1,2 tỷ đôla trước thuế, so với 5,8 tỷ đôla trước thuế của số quyền chọn được tặng tính vào năm 2003. Lần này, Steve đã tính sai.
Sau vài tuần đánh giá lại các thông tin nhận được, tháng 4/2007, SEC tuyên bố họ sẽ khởi tố nhân viên tư pháp của Apple Nancy Heinen vì đã ghi lùi hai lần tặng quyền chọn- và cựu Giám đốc tài chính Fred Anderson, do thiếu trách nhiệm trong một lần ghi tặng. Anderson chịu phạt 3,6 triệu đôla, nhưng nhân cơ hội này để công khai tố cáo công khai việc ủy ban miễn truy cứu trách nhiệm của Steve Jobs: rằng vị giám đốc này ý thức được về hành động ghi lùi ngày bởi chính ông chọn ngày có hiệu lực trở về trước. Tuy nhiên, SEC lại không phản ứng, và không kiện tụng Steve. Họ cũng không kiện Apple, dẫn lý do “hợp tác mau lẹ, hết sức và đặc biệt của công ty”, bao gồm “báo cáo ngay, điều tra nội bộ độc lập, chia sẻ kết quả điều tra với chính quyền, và thực hiện các kiểm soát mới nhằm ngăn chặn tái diễn các hành vi sai phạm”.
Vụ việc kết thúc tháng 8/2008, khi Nancy Heinen đồng ý nộp phạt 2,2 triệu đôla cho SEC – bao gồm số tiền thu lợi bất chính từ việc ghi lùi ngày phát hành quyền chọn, và tiền phạt. Ủy ban kết luận sự trong sạch của Steve Jobs, nhắc lại tuyên bố của chính Apple rằng, mặc dù “anh ý thức được hay đề nghị lựa chọn những ngày cấp có lợi cho mình”, nhưng không đến mức là một hành vi sai phạm, bởi ông “không ý thức được các ý nghĩa kế toán”. Tuy nhiên vụ việc đã làm xấu đi hình ảnh của ông và thổi bùng cuộc tranh luận về tương lai của công ty nếu ông ra đi – bởi người ta lo ngại đến một lúc nào đó, ông sẽ bị chính phủ đẩy ra khỏi công ty.
KHỐI U ĐỊNH MỆNH
Tuy nhiên, rắc rối lớn nhất Steve gặp phải trong thời gian này không phải là những vấn đề pháp lý, mà là vấn đề sức khỏe: tháng 10/2003, trong khi tiến hành kiểm tra y tế định kỳ, các bác sĩ phát hiện một khối u đang lớn dần trong lá lách của Steve. Thông thường, ung thư tuyến tụy sẽ nhanh chóng giết chết người bệnh – nhưng trong trường hợp của Steve thì không. Ông bị một khối u tế bào thần kinh nội tiết, loại có thể cắt bỏ bằng phẫu thuật để giúp bệnh nhân kéo dài sự sống thêm 10 năm hoặc lâu hơn.
Nhưng Steve Jobs không phải là một bệnh nhân bình thường. Vẫn giữ cái chủ nghĩa thần bí phương Đông trong ông thời trẻ, cũng như niềm tin lạ lùng và sâu sắc của ông về thuốc và thực phẩm, ông nhất định không chịu tiến hành phẫu thuật, quyết theo một chế độ ăn kiêng đặc biệt mà ông nghĩ rằng sẽ chữa lành căn bệnh ung thư. Điều này chỉ kéo dài khoảng 10 tháng, trong khi cả gia đình và các lãnh đạo cấp cao của Apple ngày một lo ngại về tình hình sức khỏe của ông. Thế nhưng, nhận thấy tình hình không hề cải thiện, ông miễn cưỡng đồng ý tiến hành phẫu thuật vào tháng 8/2004, tại Trung tâm y tế Stanford. Chỉ sau này tin tức ấy mới được công khai, khi Steve viết một bức thư tay gửi tới các nhân viên của Apple từ giường bệnh. Ông xin nghỉ việc một tháng và trở lại vào tháng 9, để trấn an mọi người rằng ông đã “khỏi bệnh”. Sự kiện đầu tiên này thực sự là cú sốc đối với cộng đồng Apple trên toàn thế giới, nhưng nó còn sốc hơn với các cổ đông của công ty, bởi họ nghĩ họ đáng ra phải biết về chẩn đoán bệnh của vị CEO Steve từ sớm hơn, do ông quá quan trọng đối với công ty. Tuy nhiên, đa số các luật sư đồng tình rằng không bắt buộc phải làm như vậy, bởi Jobs có quyền bảo vệ sự riêng tư của mình.
Khoảng một năm trước, tôi được chẩn đoán bị mắc bệnh ung thư. Tôi được chụp cắt lớp lúc 7 giờ 30 và nhìn thấy rõ khối u trong tuyến tụy. Tôi còn chẳng biết tuyến tụy là cái gì. Bác sĩ bảo tôi bệnh này không chữa được và tôi chỉ có thể sống thêm 3 đến 6 tháng nữa. Ông ấy khuyên tôi về nhà và sắp xếp lại công việc, tôi hiểu ý ông ấy muốn nói, hãy sẵn sàng đón cái chết. Nghĩa là hãy cố gắng trò chuyện với bọn trẻ những điều mà tôi định nói với chúng trong 10 năm tới, nhưng giờ phải tâm sự trong vài tháng. Nói cách khác, hãy nói lời tạm biệt.
Cả ngày tôi chỉ nghĩ đến cái chẩn đoán ấy. Tối hôm đó, tôi được kiểm tra sinh thiết. Họ đút một ống qua cổ họng tôi xuống dạ dày và ruột rồi đặt một cái kim vào tuyến tụy để lấy mẫu tế bào khối u. Tôi giữ thái độ bình thản, và vợ tôi, cũng có mặt lúc đó, kể với tôi rằng khi các bác sỹ xem các tế bào dưới kính hiển vi, họ đã reo lên khi phát hiện đây là trường hợp ung thư tuyến tụy hiếm hoi có thể chữa được bằng phẫu thuật. Tôi được phẫu thuật và bây giờ tôi đã khỏe lại.
Diễn văn của Steve Jobs tại Lễ tốt nghiệp Đại học Stanford, ngày 12/6/2005
Dĩ nhiên, như bạn thấy, Steve đã không nhắc tới chín tháng từ chối phẫu thuật và việc ăn kiêng đặc biệt của mình.
Mọi việc tưởng thế là xong, nhưng vấn đề lại bất ngờ được khơi lên ba năm sau đó, vào năm 2008. Bắt đầu với những tin đồn sau lần xuất hiện trước công chúng của Steve tại Macworld vào tháng Giêng, và đặc biệt tại WWDC tháng 6/2008. Ông sút cân trông thấy trong sáu tháng này. Nhiều blog và các chuyên trang cho rằng căn bệnh ung thư của ông đã trở lại. Trước áp lực ngày càng lớn từ phía báo chí, phát ngôn viên của Apple Katie Cotton đã phải đưa ra một tuyên bố công khai sau bài phát biểu khai mạc WWDC, thừa nhận rằng ông đang “bị ốm nhẹ”. Nhưng nhìn vào vẻ hốc hác của Steve, nhiều người thấy chẳng thể tin được. Họ không cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi, tháng sau, Giám đốc tài chính Peter Oppenheimer tuyên bố tại đại hội tổng kết của công ty: “Sức khỏe của Steve là vấn đề riêng tư”. Như để khiến cho tình hình thêm tồi tệ, cuối tháng 8/2008, hãng thông tấn Bloomberg tình cờ lại đăng tải sơ lược tiểu sử của Jobs. Đã thành cách làm phổ biến trong giới truyền thông là cứ chuẩn bị sẵn những lời tiểu sử như thế phòng trường hợp khẩn cấp – nhưng lần xuất bản này rõ ràng đã góp phần khiến vấn đề sức khỏe của Steve càng thêm phần hệ trọng.
Đích thân Steve phản ứng lại tin tức này tại Music Event ngày 9/9 bằng câu nói nổi tiếng của Mark Twain: Những thông tin về cái chết của tôi đã bị thổi phồng quá mức.
Ông nhắc lại trong sự kiện Media Event ngày 14/10, khi phát biểu với các nhà báo rằng huyết áp của ông đang là 110/70: “và đó là tất cả những gì tôi định nói về sức khỏe của Steve hôm nay”. Mặc dù hầu hết mọi người đều cười sau câu nói đùa ấy, nhưng gần như không ai không để ý thấy, bên cạnh vẻ bề ngoài ngày càng gầy guộc ấy, còn một điều bất thường nữa là hôm đó ông đứng trên sân khấu với một số giám đốc khác – đặc biệt là Số 2 của Apple Tim Cook và Phó Trưởng nhóm Thiết kế công nghiệp Jony Ive, chỉ để giới thiệu những chiếc laptop mới cho ông.
Những quan ngại này cuối cùng đã chứng tỏ là đúng. Ngày 16/12, Apple đưa ra một thông báo gây sốc:
Hôm nay Apple xin thông báo năm nay sẽ là năm cuối cùng công ty tổ chức triển lãm Macworld Expo. Philip Schiller, phó chủ tịch cấp cao phụ trách Tiếp thị Sản phẩm toàn cầu của Apple, sẽ đọc bài diễn văn khai mạc cho Hội thảo và Triển lãm Macworld năm nay, và đó cũng sẽ là bài diễn văn khai mạc cuối cùng tại triển lãm.
Mặc dù, với nhiều người, việc chấm dứt Macworld có vẻ khó tránh khỏi, bởi công ty liên tục cắt giảm quy mô các buổi triển lãm thương mại, nhưng điều thực sự gây bất ngờ chính là việc, không phải Steve, mà trưởng nhóm tiếp thị Phil Schiller sẽ thay ông xuất hiện trên sân khấu để đọc bài diễn văn khai mạc Macworld cuối cùng trong lịch sử. Không nghi ngờ gì nữa, vị CEO, người đã không bỏ lỡ bất kỳ bài diễn văn khai mạc Macworld nào từ khi trở lại (trừ Expo 2004, một tháng sau khi ông phẫu thuật ung thư), đơn giản đã không còn đủ sức khỏe để lên sân khấu và đứng trước những người hâm mộ Apple.
Do luồng phản ứng như vậy sau tuyên bố trên, Steve lại một lần nữa đưa ra tuyên bố cá nhân trên trang web của Apple ngày 5/1/2009, một ngày trước khi diễn ra sự kiện Macworld. Ông giải thích tình hình sức khỏe của mình trong mấy câu sau:
Như nhiều bạn đã biết, tôi sút cân liên tục kể từ năm 2008. Lý do vẫn còn là một bí ẩn đối với tôi và bác sĩ. Vài tuần sau, tôi quyết định phải tìm ra tận gốc vấn đề và coi đây là ưu tiên số một của tôi. Thật may mắn, sau khi kiểm tra kỹ lưỡng hơn, các bác sĩ của tôi nghĩ họ đã tìm ra nguyên nhân – mất cân bằng hormone đã “lấy cắp” lượng protein mà cơ thể tôi cần để duy trì khỏe mạnh. Các cuộc thử máu phức tạp đã khẳng định chẩn đoán này.
Steve nói ông sẽ vẫn giữ chức vụ CEO trong quá trình hồi phục. Nhưng chín ngày sau đó, ông lại nói những điều trái ngược trong một bức email gửi chung tới toàn thể nhân viên của Apple:
Trong tuần vừa qua tôi biết được các vấn đề liên quan tới sức khỏe của tôi phức tạp hơn tôi nghĩ ban đầu. Để thoát khỏi ánh đèn sân khấu và tập trung vào sức khỏe của mình, và để mọi người ở Apple tập trung vào việc hoàn thiện những sản phẩm tuyệt vời, tôi đã quyết định xin nghỉ phép cho tới cuối tháng 6 để trị bệnh.
Vị CEO này sẽ vẫn tiếp tục giám sát các định hướng chiến lược chính, trong khi để lại những công việc hàng ngày cho tư lệnh thứ hai của mình, COO Tim Cook, như ông đã làm hồi năm 2004. Kết quả, công ty và cả cộng đồng Apple phải học cách sống thiếu Steve Jobs trong cả nửa năm 2009. Đây là khoảnh khắc lịch sử, gợi cho mọi người nhớ lại về sự thực giản đơn rằng Steve không bất tử.
Sau này người ta mới tiết lộ, Steve phải cấy lá gan vào tháng 4/2009. Thực tế, không phải là không phổ biến khi dạng ung thư tuyến tụy này của ông gây di căn sang các nội tạng khác, trong đó có gan. Theo Philip Elmer-DeWitt, tác giả blog Apple 2.0 tại CNNmoney.com, Steve đã mất “túi mật, một phần dạ dày, một phần lá lách, khúc trên ruột non và giờ có lá gan của một người khác, điều đó có nghĩa ông sẽ phải dùng thuốc ức chế miễn dịch trong suốt phần đời còn lại của mình”. “Điều đó chẳng thể vui”, ông nói thêm. Việc cấy ghép gan diễn ra tại
Bệnh viện Đại học Methodist ở Memphis, Tennessee, một trong những trung tâm y tế hàng đầu về giải phẫu. Bệnh viện chính thức tiết lộ, Jobs “nhận ghép gan bởi ông là bệnh nhân có chỉ số MELD (Model for End-Stage Liver Disease – để ước tính tỉ lệ tử vong trong 3 tháng của bệnh nhân trong chương trình ghép gan) cao nhất trong nhóm máu của ông, và do đó là bệnh nhân yếu nhất trong danh sách chờ ở thời điểm mà nội tạng hiến đã trở nên sẵn có”.
Việc cấy ghép thành công và Steve trở lại Apple cuối tháng 6/2009, đúng như kế hoạch. Không lâu sau tờ Tạp chí Phố Wall chạy loạt bài về “Steve trở lại Apple và đang tập trung phát triển chiếc máy tính bảng mới”, còn nhân viên thì phàn nàn họ ”sẽ phải điều chỉnh lại” theo thói quen yêu cầu của ông sếp mình. Steve lợi hại ngày xưa rõ ràng vẫn còn sống và đang khỏe mạnh. Ông cuối cùng đã chứng tỏ điều đó tại Music Event ngày 9/9/2009, khi được chào đón lên sân khấu trước sự vỗ tay của các nhân viên Apple khác và hàng trăm nhà báo – trước khi công bố những chiếc iPod mới đầy thú vị, như vẫn thường làm trong bốn năm qua.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.