Sức Mạnh Của Sự Khác Biệt
Khác biệt 13
KHÔNG HÀI LÒNG CẢ VỚI NHỮNG GÌ HOÀN HẢO
Con người thường tự bằng lòng với những gì họ làm, tự nhủ rằng cố gắng làm những sản phẩm tốt đã là thành công. Steve khác hẳn với số đông ấy.
Với ông, tốt là kẻ thù của sự vĩ đại. Mọi sản phẩm dù tốt đến mấy đều phải trả lời câu hỏi: Liệu có thể tốt hơn nữa không?
Tốt hơn, nhiều hơn. Đó là công thức thời thượng để duy trì những ý tưởng mới ngày nay. Nó nhấn mạnh tới một loại chủ nghĩa bình quân thời Internet, thứ chủ nghĩa tán dương “trí tuệ đám đông” và “sáng tạo mở”. Nhét tất cả những đóng góp đó vào trong một cái hộp số, kết quả sẽ là một trí tuệ tập thể, người ta dạy chúng ta như vậy trong những cuốn sách và các nghiên cứu học thuật.
Nhưng, Apple lại là một nhà máy sáng tạo được xây dựng kỹ càng bởi Steve Jobs từ khi ông trở về nắm quyền vào năm 1997. Steve đã tìm ra một mô hình sáng tạo khác, hướng tới và dựa vào cá nhân và tinh hoa chứ không phải số đông.
Hướng tiếp cận này phản ánh trong sản phẩm mới nhất Ipad, chiếc máy tính bảng dự định sẽ trở thành một thiết bị thay đổi sân chơi. Nó có thể nổi bật hoặc chìm nghỉm nhưng rõ ràng Ipad mang thị hiếu và quan điểm của Jobs. Ipad được đóng dấu đỏ bằng khẩu hiệu marketing đặc trưng của Apple: Hãy nghĩ khác.
Apple thể hiện một “mô hình sáng tạo lãng tử”, đó là nhận định của nhà quan sát John Kao, chuyên gia tư vấn cho các tập đoàn và chính phủ về sáng tạo. Trong mô hình này, có một mối liên hệ chặt chẽ giữa cá tính của người lãnh đạo và những gì được sáng tạo ra. Những bộ phim được nhào nặn bởi các đạo diễn siêu sao là những ví dụ, từ Vertigo của Alfred Hitchcock tới Avatar của James Cameron.
Tại Apple, có một mối tương đồng giữa lãnh tụ nhóm thiết kế tối cao, Jobs và những sản phẩm của công ty. Từ máy tính tới điện thoại cầm tay, các sản phẩm của Apple nổi tiếng vì thời thượng, mạnh mẽ và dễ sử dụng. Tất cả đều là những sản phẩm được thiết kế để cắt bỏ mọi sự phức tạp một cách có ý thức chứ không theo kiểu nhồi nhét mọi thứ có trong đầu nhà thiết kế vào sản phẩm, một hội chứng khiến cho sản phẩm công nghệ trở nên nặng nề mà người ta vẫn gọi bằng cái tên “loạn chức năng”.
“Điều làm nên chất lượng của Apple là sự giản dị trong thiết kế.” – Nhà dự báo công nghệ và tư vấn ở Thung lũng Silicon Paul Saffo cho biết.
Sự giản dị đó thể hiện rõ ràng trong phong cách cá nhân của Jobs. Áo đen cổ lọ, quần bò không thắt lưng và đôi giày thể thao, Jobs luôn luôn như vậy. Trong căn nhà của mình ở Palo Alto mấy năm trước, Jobs từng thú nhận rằng ông thích những không gian gọn gàng, rộng mở, thanh đạm và sau đó giải thích về những chiếc ghế gỗ thủ công hết sức đơn giản và tinh tế trong phòng. Đó là những chiếc ghế được làm bởi George Nakashima, nhà thiết kế nội thất nổi tiếng trong thế kỷ 20 và là cha đẻ của phong trào thủ công ở Mỹ.
Những sản phẩm vĩ đại theo Jobs là chiến thắng của thị hiếu. Ông giải thích thị hiếu là kết quả của sự học hỏi, quan sát và đắm mình trong văn hóa của quá khứ và hiện tại, của “sự cố gắng thể hiện mình theo những gì tốt nhất loài người từng làm được và mang những điều đó vào những gì bạn đang làm.”
Quan niệm của Jobs không phải là một triết lý thiết kế sản phẩm được sáng tạo bởi một Hội đồng hay được quyết định bởi những nghiên cứu thị trường. Các đồng nghiệp của Jobs cho biết công thức của ông chủ yếu dựa vào sự kiên nhẫn, kiên trì, niềm tin và bản năng. Ông tham gia rất sâu vào những lựa chọn thiết kế cả phần cứng lẫn phần mềm, tất cả đều phải chờ đợi một cái gật đầu hay sự phủ quyết của ông. Jobs tất nhiên là thành viên của một nhóm lớn tại Apple cho dù ông là lãnh đạo. Thực chất, ông luôn thể hiện vai trò lãnh đạo ấy của mình. Trong khi lựa chọn những thành viên chủ chốt của nhóm, ông luôn tìm kiếm những yếu tố siêu vượt trội. Jobs nói rằng, một nhà thiết kế, một kỹ sư hay một nhà quản lý siêu đẳng thật sự phải là người không chỉ giỏi hơn 10%, 20% hay 30% so với người rất giỏi khác, mà phải hơn 10 lần. Đóng góp của họ chính là những nguyên liệu thô để tạo ra một sản phẩm “AHA”, thứ sản phẩm khiến người sử dụng phải tư duy lại những quan niệm của họ về máy nghe nhạc hay điện thoại cầm tay.
“Sáng tạo thật sự trong công nghệ là những cú nhảy vọt lên phía trước, tiên đoán những nhu cầu không ai thực sự biết trước đó, sau đó tạo ra những khả năng tái định nghĩa lại các dòng sản phẩm. Steve Jobs đã làm được việc ấy”, David B.Yoffie, giáo sư trường kinh doanh Harvard nhận xét.
Thời gian là cần thiết để tạo ra những bước nhảy dài như vậy. Nhà khoa học máy tính hàng đầu Carver Mead ở Viện Công nghệ California từng nói: “Hãy lắng nghe công nghệ, hãy ghi nhớ những gì nó nói với bạn”.
Không ai có thể phủ nhận Jobs là nhà tiếp thị và trình diễn thiên phú, nhưng, ông cũng là một người lắng nghe công nghệ đầy kỹ năng. Ông gọi đó là “truy tìm những vector công nghệ mọi lúc”, để đánh giá xem khi nào thì một sáng tạo hấp dẫn sẵn sàng ra mắt thị trường. Tiến bộ công nghệ, giá cả phải chăng và nhu cầu khách hàng phải được kết hợp lại để tạo ra những sản phẩm bom tấn.
Sự thực là các nhà thiết kế và kỹ sư Apple đã bắt đầu làm Ipad từ nhiều năm, trình bày với Jobs các mẫu thử định kỳ. Không cái nào trong số đó được duyệt cho tới sản phẩm gần đây nhất.
Nhiều nhà phê bình đã cho rằng Ipad là một canh bạc mà Jobs sẽ thua. Họ cho rằng chiếc máy tính bảng này định chiếm một thị phần không chắc chắn giữa Ipod và notebook với một cái giá không rẻ, từ 499 tới 829 đôla Mỹ. Nhưng hãy nhớ lại khi iPod ra mắt năm 2001, người ta cũng đã từng cười và mỉa mai nó bằng cách nhại lại chữ viết tắt Ipod là “idiots price our devices” (giá ngu ngốc định giá cho sản phẩm của chúng ta). Và cuối cùng thì chúng ta đều biết ai mới đáng bị chê cười.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.