Dạy Con Làm Giàu – Tập 12
CHƯƠNG 4
Cơn ác mộng bắt đầu
“Nhân khẩu học là vận mệnh.”
– AUGUSTE COMTE
Triết gia người Pháp, thế kỷ 19
Mục “Tiền tệ” ở trang bìa tờ USA Today ngày 30-11- 2001 in một tấm ảnh màu, hình một người đàn ông 58 tuổi. Ông có mái tóc hoa râm, khoanh tay trước ngực, trông thông minh và đạo mạo. Mặc dù có thể trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của một tập đoàn lớn nhưng ông đã không làm như vậy. Thay vì thế, ông trở thành một nhân viên trung thành của Enron – một công ty mà tổng giám đốc và những nhà quản trị cấp cao khác có thể kiếm được hàng triệu đôla nhưng hiện đã bị phá sản.
Lý do người đàn ông này được lên bìa báo và lý do khiến ông không trở thành một Tổng giám đốc được là vì kế hoạch hưu trí 401(k) của người nhân viên trung thành này đã bị sụp đổ hoàn toàn do sự sụp đổ của thị trường chứng khoán, nền kinh tế xuống dốc và sự suy sụp của công ty mà ông đã dành cả đời để làm việc tại đó. Vào thời điểm cổ phần công ty trị giá gần 100$ trên mỗi cổ phiếu, người nhân viên trung thành này cảm thấy mình quá giàu có và ông đã mua thật nhiều cổ phiếu của công ty nơi ông làm việc, để dành những cổ phiếu đó cho kế hoạch nghỉ hưu của mình. Vào ngày 30-11-2001, giá trị cổ phần của công ty xuống thấp đến mức chỉ còn 35 xu mỗi cổ phiếu và vẫn tiếp tục giảm. Trước đó, có lúc kế hoạch hưu trí 401 (k) của ông có giá trị đến gần 317 ngàn dollar, thế nhưng hôm nay, ông ước tính nó chỉ còn khoảng 100 ngàn dollar. Điều đó bắt đầu cho thấy có thể ông sẽ chẳng bao giờ nghỉ hưu được. Ông gần như mất hết mọi tài sản quan trọng, kể cả thời gian. Sau 25 năm kể từ khi luật ERISA được thông qua lần đầu tiên, lời tiên tri của người cha giàu bắt đầu trở thành hiện thực.
Ngày 2-12-2001, tờ Miami Herald dăng một bài viết nói về sự cải cách của chính phủ với kế hoạch hưu trí 401 (k). Tác giả bài báo lý luận rằng chúng ta có luật quy định mọi người phải thắt dây an toàn khi đi xe hơi nhưng lại không có luật yêu cầu các nhà đầu tư phải đầu tư một cách sáng suốt. Ý kiến của tôi là: Tại sao chúng ta không đưa những điều đó vào hệ thống giáo dục của chúng ta?
Không lâu sau đó, hàng loạt báo chí, đài truyền hình, đài phát thanh đã giận dữ lên tiếng về vấn đề này. “Làm thế nào chính phủ có thể để điều đó xảy ra được?”, một phát thanh viên nhấn mạnh trên đài địa phương, “Tại sao công ty kiểm toán Arthur Andersen không cảnh báo cho các cổ đông?”, “Những nhân viên đã chuẩn bị sẵn kế hoạch cho tuổi già của mình thì nay lại không thể nghỉ hưu được nữa”, “Làm thế nào ban lãnh đạo lâu đời của Enron lại để mất hàng trăm triệu dollar khiến nhân viên phải ra đi với hai bàn tay trắng?” Những đài phát thanh khác so sánh thảm họa Enron giống như thảm họa Trung tâm Thương mại Thế giới bị tấn công ngày 11-9-2001. Cuối cùng, tôi cũng được nghe một tiếng nói hợp lý trên đài truyền hình, “Mặc dù trường hợp của Enron rất nghiêm trọng nhưng đây không phải là trường hợp cá biệt. Còn hàng triệu nhân viên khác bị mất hàng tỷ dollar trong kế hoạch hưu trí của họ thì sao. Còn những nhân viên đang làm việc tại hàng trăm công ty khác, có thể họ không bị mất hết tất cả, nhưng cũng bị mất rất nhiều năm dành dụm để nghỉ hưu thì sao? Họ cảm thấy thế nào khi biết giấc mơ nghỉ hưu của mình sẽ không bao giờ trở thành sự thật? Liệu họ cảm thấy tin tưởng hơn vào thị trường chứng khoán hay ngày càng mất niềm tin hơn? Sự thiếu tin cậy giữa những nhà đầu tư đang lớn dần và ngày càng trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Có nhiều vấn đề cần quan tâm hơn là việc đi tìm lời giải thích cho trường hợp Enron”
Đáp lại, một số đài phát thanh phát lại những quy tắc chuẩn của các nhà kề hoạch tài chính, “Vấn đề này sẽ không xảy ra nếu người lao động biết đa dạng hóa.” Một nhà quản lý quỹ hỗ tương nhấn mạnh, “Chúng ta luôn khuyên khích hàng phải đa dạng hóa. Vậy tại sao ban quản lý của Enron lại không khuyên nhân viên của mình đa dạng hóa danh mục đầu tư? Nếu họ thực hiện đa dạng hóa, có thể họ đã không gặp những vấn đề như hôm nay.”
Nếu được hỏi, người cha giàu sẽ đồng ý rằng sự sụp đổ của Enron là rất tiêu cực, tiêu cực vì mức độ hám danh và tham nhũng rõ ràng rất lớn. Nhưng ông cũng biết đó không phải là vấn đề cá biệt. Một vài năm trước, không chỉ nhân viên của Enron bị mất một khoản tiền lớn mà các nhân viên của Ford, Cisco, Coca-Cola, Xerox, Lucent, Maytag, Polaroid, Rite Aid, United Airlines… và nhiều công ty khác cũng gặp tình huống tương tự. Nếu cần bình luận về hoàn cảnh khó khăn của nhân viên Enron và tất cả những nhân viên có vốn đầu tư trong thị trường chứng khoán, người cha giàu hẳn sẽ nói, “Vấn đề không phải là thiếu sự đa dạng hóa mà là ở kỹ năng tài chính và sự ngụy biện tài chính… Bản thân sự thiếu đa dạng hóa không hẳn là một vân đề.”
Năm 2001 có thể nói là năm của những bản tin kỳ lạ – không thể tưởng tượng được Tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới và Lầu Năm Góc lại bị tấn công. Ngay khi chúng ta vừa lấy lại bình tĩnh sau tấn bi kịch đó thì những tín tức về Enron và sự lý giải đáng ngờ của Authur Andersen bùng nổ trên các tờ báo: Ngay cả những tin tức về cuộc chiến Afghanistan cũng không được chú ý bằng những tin tức về sự sụp đổ của Enron, công ty lớn thứ bảy trên toàn nước Mỹ, vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử Mỹ cho đến ngày nay…
Khi các phương tiện truyền thông liên tục đăng tải những tin tức giật gân thì dư luận thường bỏ qua những thông tin quan trọng hơn… bởi vì bản chất thực của vân đề thường không được đặt ở trang đầu bản tin. Trong giai đoạn suy thoái này của Enron, và sau đó là WorldCom, tờ Miami Herald đã đưa ra ánh sáng một trong những thiếu sót về cải cách lương hưu trong số báo ngày 2-12-2001. Với tôi, điều quan trọng hơn sự thất bại của Enron chính là câu hỏi đơn giản mà một cụ già nghỉ hưu đặt ra với một nhà hoạch định tài chính có bằng cấp hẳn hoi, một cộng tác viên thường xuyên của tờ báo này.
Hỏi: Tôi năm nay 70 tuổi và đã nghỉ hưu, với hy vọng sẽ tồn tại nhờ số tiền lương hưu IRA trong cơn bĩ cực. Vì tôi phải bắt đầu rút tiền vào năm tới nên tôi rất mong anh sẽ cho tôi một lời khuyên. Cách đây vài năm tôi được khuyên nên đầu tư quỹ tiền hưu IRA của mình vào một quỹ hỗ tương. Mọi chuyện diễn ra tốt đẹp một thời gian, nhưng cùng với nhiều người khác, tôi bị mất một khoản lớn chỉ trong vòng hai năm trước đây. Liệu tôi có nên rút khoản tiền còn lại của mình ra để cất vào một tài khoản tiết kiệm an toàn mặc dù lãi suất bên này thấp hơn hay không?
Đáp: Nếu có một lúc nào đó cần theo đuổi kế hoạch của mình thì đó chính là lúc này. Sự lên xuống của thị trường là hoàn toàn bình thường, và nếu ông muốn trở thành một nhà đầu tư lâu dài thay vì chỉ đầu tư vài năm thì ông sẽ phải lướt sóng cùng với thị trường chứng khoán, hầu hết thị trường đều lên, thị trường chỉ xuống khi nó đã lên quá lâu và gặp phải những sự cố xấu. Tôi hiểu được những thất vọng của ông, nhưng lãi suất tiết kiệm vỏn vẹn 2% và một số tiền không sinh sôi nảy nở sẽ không giúp ông khuây khỏa nỗi đau đó đâu.
Hãy kiểm tra quỹ hỗ tương của ông để bảo đảm nó ở trong tình trạng ổn định và hãy dựa vào những nguồn quỹ có sự phát triển đều đặn. Những nguồn quỹ quá linh động có khuynh hướng không ổn định. Hãy yêu cầu người giữ quỹ gởi cho ông một số tiền tối thiểu theo yêu cầu hàng tháng bằng cách bán đi các cổ phiếu trong quỹ của ông. Đó gọi là sự rút tiền có hệ thống và cách này luôn đạt hiệu quả tốt.
Bạn có nhận ra một kẽ hở nào trong lời khuyên này không? Bạn có để ý câu nói của cụ già nghỉ hưu 70 tuổi, “Vì tôi phải bắt đầu rút tiền vào năm tới nên tôi rất mong anh sẽ cho tôi một lời khuyên.” Và bạn có để ý câu trả lời của nhà hoạch định tài chính không, “Hãy yêu cầu người giữ quỹ gởi cho ông một số tiền tối thiểu theo yêu cầu hàng tháng bằng cách bán đi các cổ phiếu trong quỹ của ông.”
NHIỀU NGƯỜI BÁN HƠN NGƯỜI MUA
Như tôi đã nói, khi hầu hết mọi người trên thế giới đều nhấm nháp cà phê khi đọc các bản tin về Enron và cho rằng đó không phải là vấn đề của mình, câu hỏi đơn giản của cụ già nghỉ hưu này đã chỉ ra rằng Enron thực chất là vấn đề chung của mọi người. Một trong những sai lầm mà người cha giàu đã sớm lưu ý từ 20 năm trước là khi một người về hưu lên đến 70 tuổi rưỡi, họ bị buộc phải bắt đầu rút tiền khỏi thị trường bằng cách hàng tháng bán đi các cổ phiếu. Điều đó nghe có vẻ như chỉ là “chuyên nhỏ”, nhưng như hầu hết mọi người đều biết, những “chuyện nhỏ” như vậy có thể biến thành một vấn đề lớn hoặc cũng có thể biến một vấn đề lớn thành một “chuyện nhỏ.”
Nói cách khác, những năm sau này, do luật pháp yêu cầu, ngày càng nhiều người phải rút tiền bằng cách bán cổ phiếu và những người lao động trẻ hơn phải mua những cổ phiếu đó. Không cần phải là một nhà khoa học tên lửa mới nhìn được kẽ hở trong kế hoạch này… Vấn đề phát sinh khi ngày càng nhiều người già đi. Nói cách khác, làm sao giá cổ phiếu tăng được khi số người bán nhiều hơn số người mua?
Vấn đề trở nên nghiêm trọng đơn giản bởi số người liên quan đến nó. Trong khi tác động lan truyền của thảm họa Enron ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn người, thì bằng cách này hay cách khác, câu hỏi của cụ già nghỉ hưu 70 tuổi ở trên sẽ ảnh hưởng đến hàng chục triệu người, cũng có thể là hàng trăm triệu, bằng cách này hay cách khác… chỉ vì tác động lan truyền của nó.
Nói về tác động lan truyền này, Nhật Bản, một trung tâm tài chính, một quốc gia làm việc chăm chỉ của con người siêng năng dành dụm, hiện đang ở trên bờ suy thoái tài chính. Liệu đó là sai lầm của người Nhật hay là sai lầm của những nhà lãnh đạo đất nước? Nói cách khác, nếu nước Mỹ, đất nước giàu nhất thế giới, bị chao đảo và Nhật Bản, nước có nền kinh tế phát triển thứ hai trên thế giới, đang đi xuống, thì làn sóng này có thể sớm trở thành một cơn sóng thần, một cơn sóng đủ mạnh để cuốn đi tất cả.
Ngày 2-12-2001, khi tớ Miami Herald xuất bản số báo đó, câu hỏi của cụ già nghỉ hưu ít có tác động lớn vì vào thời điểm đó, số người trên 70 tuổi vẫn còn ít và chưa đến phân nửa số họ có kế hoạch hưu trí DC. Hầu hết vẫn được hưởng kế hoạch hưu trí DB với một cách tính khác. Ngoài ra, nhiều người sinh ra trước năm 1946 có được một công việc tốt, kiếm dược nhiều tiền, mua bán bất động sản và thực sự đã dành dụm được khá nhiều. Do đó, câu hỏi của cụ già nghỉ hưu được đưa vào trang sau… nhưng đó vẫn là câu hỏi quan trọng nhất cần được trả lời.
Câu hỏi đặt ra là: Điều gì sẽ xảy ra khi hàng triệu người được yêu cầu rút tiền khỏi thị trường chứng khoán? Liệu thị trường vẫn sẽ tăng 10%, 20% hay 30% mỗi năm như nó đã tăng vào thập niên 90 không? Nếu bạn sinh sau năm 1946, có những kế hoạch hưu trí DC bằng cổ phiếu, trái phiếu và các nguồn quỹ hỗ tương, vì lợi ích của bạn, tôi hy vọng thị trường sẽ vẫn tiếp tục tăng mãi… nhưng lịch sử đi ngược lại sự tưởng tượng đó.
Vì có rất ít người trên 70 tuổi có kế hoạch hưu trí DC nên vào thời điểm đó, thị trường ít bị ảnh hưởng. Nhưng đến năm 2016, khi 75 triệu người thuộc thế hệ bùng nổ dân số bắt đầu lên đến 70 tuổi, rất nhiều người trong số đó sẽ có kế hoạch hưu trí DC… và mỗi năm, ngày càng nhiều người sẽ bị buộc phải rút tiền khỏi thị trường chứng khoán. Khi người cha giàu tiên đoán, ông không hề sử dụng một cỗ bài Tarot hay xem lá trà để đoán tương lai. Ông chỉ nhìn vào quy luật thay đổi, thời gian, kinh nghiệm thương trường và sự thật là con người phải ngày càng già đi. Nói cách khác, ông không hề phỏng đoán, ông căn cứ vào sự kiện, lịch sử và thực tế.
CUNG VÀ CẦU
Khi nói về giá cổ phiếu của công ty cổ phần hay quỹ hỗ tương, hoặc trái phiếu hay bất kỳ cái gì khác, giá cả tăng lên khi có nhiều người mua hơn người bán. Khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 2000, thị trường chứng khoán bùng nổ vì có nhiều người bắt đầu bước vào độ tuổi 30 – 50 cùng tham gia vào thị trường – họ để dành cho kế hoạch hưu trí DC…
Do đó thị trường chứng khoán bùng nổ. Tương tự như sự bùng nổ vào thập niên 70 khi bọn trẻ bắt đầu rời gia đình, rời giảng đường, đi làm và tự mua ngôi nhà đầu tiên của chính mình. Nếu từng trải qua những năm tháng đó, có thể bạn sẽ nhớ đến một cuộc đổ xô điên cuồng vào bất động sản… một cuộc đổ xô mà mọi người theo đuổi trong cơn hoảng loạn và vỡ nợ khi lãi suất đạt đến hơn 20%. Lãi suất phải tăng để giảm bớt sự lạm phát gây ra bởi 75 triệu con người của thế hệ bùng nổ dân số khi chúng bắt đầu gia nhập vào thị trường lao động. Nói cách khác, 75 triệu con người khi mua bất cứ thứ gì cũng sẽ gây nên sự bùng nổ. Điều ngược lại cũng đúng, 75 triệu con người khi bán bất cứ thứ gì cũng sẽ gây ra vỡ nợ. Đó là quy luật cơ bản của nền kinh tế, qui luật cung – cầu.
Trong những năm kế tiếp, nhưng gần chắc chắn nhất là vào khoảng năm 2016, tuy chưa hoàn toàn nhìn ra vấn đề nhưng con người đã bắt đầu nhận thức được rằng thị trường chứng khoán không phải lúc nào cũng tăng 20% mỗi năm như thập niên 90. Thật đáng tiếc, hàng triệu lao động sẽ không rút được số tiền lương hưu trong quỹ 401 (k) hay kế hoạch IRA, hoặc họ chỉ có thể rút được khi đã quá muộn.
Hàng triệu người không thể bán chứng khoán sớm hơn, ngay cả khi họ biết thị trường đang sụp đổ, vì chính phủ sẽ đánh thuế phạt những ai rút trước thời hạn. Do đó, thay vì rút lui, họ sẽ ở lại thị trường, đa dạng hóa, chuyển tiền từ quỹ hỗ tương này sang một nguồn quỹ khác an toàn hơn. Hầu hết mọi người đều nhận ra rằng họ đang gặp một sự cố tài chính nhưng vẫn không nhận thức được rằng tất cả đều do ảnh hưởng của kẽ hở luật pháp. Khi sự thực này đánh vào một số đông then chốt, một không khí hoảng loạn sẽ xảy ra giống như mọi người đang liều lĩnh chiến đấu để giành lại kế hoạch hưu trí và cuộc sống của họ. Thật không may, tất cả sự đa dạng hóa trên thế giới sẽ không giúp họ thoát khỏi phá sản.
Warren Buffett, người giàu nhất nước Mỹ và là một nhà đầu tư sáng suốt, đã nói về sự đa dạng hóa như sau:
“Đa dạng hóa là một cách bảo vệ chống lại sự thiếu hiểu biết. Với những người biết rõ mình đang làm gì thì sự đa dạng hóa không có ý nghĩa gì cả.”
Warren Buffett không hề nói là đừng đa dạng hóa. Ông luôn lặp đi lặp lại rằng ông không đa dạng hóa nhưng ông cũng không khuyên bạn hoặc hay người khác đừng đa dạng hóa. Ông chỉ đơn giản nói rằng sự đa dạng hóa là một cách bảo vệ nhằm chống lại sự thiếu hiểu biết. Nói cách khác, nếu bạn không muốn đa dạng hóa, hãy rèn luyện kỹ năng. Nếu bạn không có kỹ năng tài chính và không có kế hoạch trở thành một người có kỹ năng tài chính… thì hãy nghe theo các nhà tư vấn, “đa dạng hóa, đa dạng hóa và đa dạng hóa.”
Người cha giàu, thẳng thắn hơn, ông nói, “Nếu bạn không có kiến thức tài chính, hãy đa dạng hóa.” Năm 1979, ông từng bảo tôi, “Một trong những vấn đề là luật pháp đã thất bại trong việc khuyến khích mọi người trau dồi các kỹ năng tài chính. Tổng thống Ford và Quốc hội đã thay đổi luật pháp nhưng vẫn thất bại khi thuyết phục hệ thống giáo dục đào tạo những kỹ năng tài chính phù hợp, những kiến thức tài chính mà một người có những kế hoạch hưu trí DC cần biết. Thay vì thế, các chính trị gia bỏ mặc vấn đề giáo dục tài chính cho những người của Phố Wall.”
Trong một lưu ý khác sau đó, người cha giàu đã nói, “Yêu cầu Phố Wall phát triển kỹ năng tài chính cũng giống như đòi hỏi việc cáo nuôi gà. Nếu con cáo thông minh, nó sẽ kiên nhẫn nuôi gà mập mạp. Cáo cố gắng chiếm lòng tin của gà… do đó nó luôn tìm cách cung cấp những quảng cáo hấp dẫn, mở rộng các kênh phân phối và đào tạo những người bán hàng dễ thương nói chuyện như thể các nhà đầu tư. Những người bán hàng được đào tạo để sử dụng từ ngữ chuyên môn nghe rất thông minh nhằm ngụy biện cho lời khuyên của họ, chẳng hạn như đầu tư lâu dài, có kế hoạch, chọn một nguồn quỹ gia đình, quỹ đầu tư theo khu vực chuyên ngành, những nguồn quỹ có đỉnh tăng trưởng, miễn thuế trái phiếu đô thị, kỹ thuật vốn, nền kinh tế mới, v.v… và đương nhiên là cả đa dạng, đa dạng và đa dạng nữa.” Người cha giàu bảo tôi, “Người ta dùng nhiều từ khác nhau để nói về việc cải cách lương hưu, nhưng hầu hết mọi người đều không hiểu rõ nghĩa của những từ đó.” Trong khi đó, Cáo cười thầm khi thấy Gà đang vui mừng. “Gà” cảm thấy an toàn với sự bảo hộ mới. Họ có một công việc bảo đảm và họ tin cậy giao tiền cho những người trong tổ chức tài chính của “Cáo.” Họ thấy thị trường chứng khoán ngày càng lên vào thập niên 90 và họ cho rằng đó là những lời khuyên tốt và thông minh. Họ tin rằng các chuyên gia tài chính đang trông chừng giùm họ sẽ giúp họ giàu có, bảo vệ họ khỏi thế giới tàn ác khốc nghiệt bên ngoài.
Nhưng vào tháng 3-2000, thế giới bắt đầu thay đổi. Kỹ thuật lừa bịp bùng lên và thị trường chứng khoán bắt đầu giải lạm phát. Phát thanh viên truyền hình nhai tới nhai lui câu thông điệp, “Thị trường sẽ phục hồi trong quý tới.” Nhưng rồi quý tới đến và đi… và phát viên truyền hình lại tiếp tục nhai lại, “Thị trường sẽ phục hồi trong quý tới.” Nhà hoạch định tài chính vẫn nói, “Hãy kiên nhẫn… đầu tư dài hạn… đa dạng hóa.” Những con Gà bắt đầu cảm thấy yên tâm đôi chút. Họ cho rằng mình đang đầu tư tài chính thông minh. Họ ở đó một thời gian dài, họ đa dạng hóa, và nghĩ rằng thị trường sẽ sớm hồi phục.
Sự kiện ngày 11-9 khiến thị trường sụt giảm nhưng nó lại bật lên ngay sau đó. Một lần nữa, các con Gà cảm thấy tự tin hơn như thể thị trường bắt đầu lên cao. Cú ngã của Enron khiến rất nhiều con Gà từ khắp nơi trên nước Mỹ thức tỉnh và bắt đầu kêu to từ nơi trú ẩn an toàn được rào dây thép xung quanh. Mặc cho họ kêu la, Cáo vẫn nói, “Hãy kiên nhẫn. Đầu tư dài hạn. Đa dạng hóa.” Một trong những nguyên nhân khiến cuộc sụp đổ thị trường chứng khoán lớn nhất trong lịch sử thế giới đã không xảy ra ngay sau khi Enron sụp đổ là vì những con cáo chưa sẵn sàng buổi tối cho các con gà của chúng. Chúng biết rằng những con gà còn vài năm nữa để lên cân và chúng cũng biết rằng theo lẽ thường, những con gà sẽ phải tiếp tục duy trì thị trường chứng khoán, mua nhiều quỹ hỗ tương và đa dạng hóa đầu tư. Vấn đề là, vài chú gà trở nên hoang mang và bắt đầu đặt câu hỏi… câu hỏi giống như cụ già nghỉ hưu 70 tuổi ở Miami đã hỏi… và nhận được câu trả lời, “Đừng lo lắng, hãy phấn khởi lên, mua nhiều hơn nữa và đa dạng hóa đầu tư” từ nhà hoạch định tài chính đội lốt nhà đầu tư chuẩn mực – người đã được “chương trình hóa” kiến thức kinh doanh từ trước.
Giờ đây tôi vẫn có thể phát biểu rằng lời khuyên “đầu tư dài hạn, kiên nhẫn, và đa dạng hóa” là một lời khuyên đáng tín cậy cho những ai có kiến thức tài chính và kinh nghiệm đầu tư hạn chế. Song điều tôi muốn nói rõ là bạn có ba lựa chọn. Một là không làm gì cả, hai là nghe theo lời khuyên về sự đa dạng hóa của những kế hoạch tài chính lâu dài, ba là trau dồi kiến thức tài chính. Sự lựa chọn là của bạn. Hiển nhiên, tôi muốn giới thiệu với bạn về kiến thức tài chính dài hạn… và ngày nay, nhiều người khác cũng đồng ý điều này.
Tháng 2-2002, Alan Greenspan, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, lo lắng về sự mất lòng tin vào thị trường chứng khoán và ngành kiểm toán. Ông đã nêu lên nhu cầu cấp thiết cần phải đưa ngành học tài chính vào giảng dạy cho học sinh ngay từ trường tiểu học. Ông biết rằng một khi con người mất tin tưởng vào thị trường chứng khoán thì chủ nghĩa tư bản chắc chắn sẽ gặp rắc rối. Không có nhà đầu tư, nền kinh tế bắt đầu rạn nứt từ bên trong. Vì lo lắng như vậy nên ông đã gửi thư đến Quốc hội Mỹ viết rằng trẻ em ở đất nước này cần được dạy các kỹ năng tài chính. Một hãng thông tấn Anh đã đưa tin này vào ngày 6-2 như sau:
Trường học nên dạy những khái niệm tài chính cơ bản ở bậc tiểu học và trung học. Greenspan cho rằng, một nền tảng toán học tốt sẽ giúp cải thiện kỹ năng tài chính và “giúp ngăn chặn những người trẻ tuổi không đưa ra những quyết định tài chính tồi tệ mà có thể họ phải mất vài năm để khắc phục hậu quả.”
“Theo kinh nghiệm của tôi, việc khá môn toán, cả về thao tác số học lẫn hiểu biết các khái niệm cơ bản, sẽ giúp chúng ta cải thiện khả năng xử lý các mối quan hệ mơ hồ và định tính. Từ đó, ngày qua ngày, kỹ năng quyết định tài chính sẽ được hoàn thiện,” ông nói.
Ngay sau chương trình truyền hình trực tiếp buổi nói chuyện của ông Greenspan với Quốc hội Mỹ, chương trình bản tin tài chính mà tôi xem được đã yêu cầu lãnh đạo của một quỹ hỗ tương nổi tiếng bình luận về những quan điểm của Greenspan. Nhà quản lý này phát biểu, “Tôi đồng ý với Alan Greenspan. Tôi đồng ý chúng ta cần phải dạy kỹ năng tài chính… và kỹ năng tài chính nghĩa là ‘đa dạng hóa, đa dạng hóa và đa dạng hóa’.”
“Cám ơn những lời khuyên thú vị của ông” người dẫn chương trình nói. “Nếu bạn chuẩn bị dạy con em chúng ta về những kỹ năng tài chính thì hãy dạy cho chúng biết đa dạng hóa danh mục đầu tư.”
Nếu người cha giàu còn sống vào lúc đó, ông sẽ nói, “Alan Greenspan không hề nói về ‘đa dạng hóa.’ Alan Gxeenspan nói trường học cần dạy cho học sinh các kỹ năng tài chính. Greenspan nói rõ rằng đất nước của chúng ta phải mở cửa và tiến bộ, kỹ năng tài chính là yếu tố cần thiết để một quốc gia đứng đầu thế giới giữ được vị trí của mình.” Có thể người cha giàu cũng sẽ nói, “Kỹ năng tài chính không phải là sự đa dạng hóa. Các định nghĩa đó thậm chí khác nhau hoàn toàn. Nói kỹ năng tài chính là đa dạng hóa thì chẳng khác nào là một ví dụ khác của việc con cáo dạy con gà.”
Hiện nay, tất cả chúng ta – những người làm kinh doanh, đều muốn khách hàng mua sản phẩm hoặc dịch vụ của mình mãi mãi. Đó cũng là điều mà những nhà quản lý quỹ hỗ tương và chủ các kênh truyền hình tài chính mong muốn. Không cần là một thiên tài, bạn vẫn có thể nhận ra rằng nhà quảng cáo chủ yếu trên các bản tin tài chính truyền hình chính là các quỹ đầu tư hỗ tương. Do đó, đương nhiên họ sẽ mời một nhà quản lý quỹ hỗ tương bình luận về ý kiến của Alan Greenspan chứ không mời Warren Buffett, một người không buồn đăng quảng cáo truyền hình đơn giản vì ông không cần phải làm điều đó. Bản thân Warren Buffett cũng sở hữu một quỹ hỗ tương gọi là Berkshire Hathaway. Đó là quỹ hỗ tương mạnh nhất nước Mỹ đơn giản vì nó được quản lý chặt chẽ và thành công. Nguồn quỹ này thành công và trở nên đắt giá đến mức Warren Buffett phải khuyên các nhà đầu tư không nên đầu tư vào nguồn quỹ của mình vì cái giá quá cao. Việc ông khuyên các nhà đầu tư không nên đầu tư vào Berkshire Hathaway cho thấy rõ ràng là ông không cần đăng quảng cáo trên các chương trình truyền hình tài chính… và có thể đó cũng là lý do vì sao ông không được mời bình luận về ý kiến của Greenspan. Đài truyền hình cần doanh thu từ quảng cáo và nhà quản lý quỹ hỗ tương thì cần nói những gì có lợi nhất cho mình.
Nếu người cha giàu còn sống, chắc chắn ông sẽ nói rằng, “Một nhà quản lý quỹ hỗ tương khuyên bạn nên đa dạng hóa danh mục đầu tư cũng giống như người bán xe hơi nói: ‘Đừng mua một chiếc xe… hãy mua nhiều chiếc xe. Bạn không thể biết được khi nào thì xe bị hư và có thể bạn sẽ không đi làm được. Do đó, thay vì mạo hiểm chỉ mua một chiếc xe, hãy đa dạng hóa nó bằng cách mua sáu chiếc xe và trả góp mỗi tháng trong 40 năm cho đến khi bạn nghỉ hưu” Thử hỏi, có nhà kinh doanh nào không muốn có hàng triệu khách hàng như thế không? Hầu hết chúng ta không đa dạng hóa bằng cách mua sáu chiếc xe để ngăn ngừa rủi ro khi một chiếc xe bị hư là do chúng ta được học những điều tốt hơn như thế. Nhưng khi nói về các phương tiện tài chính, như cổ phiếu, trái phiếu và quỹ hỗ tương thì hầu hết mọi người đều không nhận biết được sự khác biệt giữa những phương tiện tài chính khác nhau. Đó là lý do người cha giàu cho rằng sự thiếu trình độ tài chính là một trong những thiếu sót nghiêm trọng của vấn đề cải cách lương hưu.
Nhờ sự cải cách này, nghề hoạch định tài chính trở thành một trong những ngành nghề phát triển nhanh nhất. Giáo viên, nội trợ, người kinh doanh bất động sản, người bán bảo hiểm, những người lao động đã nghỉ hưu, thợ hàn chì, thợ ống nước, lính cứu hỏa và nhiều người khác nữa, chỉ cần sau một khóa học từ ba ngày đến ba tuần hay sáu tháng, bỗng nhiên có đủ tư cách để đưa ra lời khuyên cho bạn trong việc bảo vệ tài chính tương lai của chính mình.
Vấn đề với nghề hoạch định tài chính, như người cha giàu đã nói, đó là không phải nhà hoạch định tài chính nào cũng có đủ năng lực. Một số nhà hoạch định tài chính có kỹ năng tốt và tận tâm với nghề, nhưng đa số khác lại thiếu đào tạo và thiếu kỹ năng tài chính thích hợp để đưa ra những lời khuyên xác đáng… dù những lời khuyên của họ có thể ảnh hưởng đến tình hình tài chính tương lai và bảo đảm tài chính cho cả một con người. Nghề hoạch định tài chính rất khó định nghĩa bởi sự đa dạng trong kiến thức chuyên môn, chưa kể sự khác nhau về hình thức trả công. Khi trả tiền cho một nhà hoạch định tài chính để anh ta lên kế hoạch tài chính cho bạn, bạn có thật sự cảm thây hài lòng rằng số tiền công mà anh ta đòi trả là “đúng giá” hay chưa? Do đó, hãy là một người mua thận trọng! Chỉ bởi vì một người nào đó nói rằng họ đã học về tài chính thì không có nghĩa là họ biết hết mọi thứ về kế hoạch tài chính, không có nghĩa là họ đang thật sự bỏ tiền của mình ra để đầu tư. Sự đào tạo thiếu chuyên nghiệp được người cha giàu xem là một trong những thiếu sót, một thiếu sót rất lớn trong cải cách lương hưu, bởi vì hàng triệu con người đang tiếp nhận và làm theo lời khuyên tài chính của những người có thể có trình độ thấp hơn cả họ nữa.
Tháng 5-2002, mục “Kinh doanh” của tờ Washington Post đã thảo luận vấn đề này trên nhiều số báo với tựa đề “Hãy thuê một nhà hoạch định biết rõ bản chất của vấn đề” với phụ đề là “Số lượng các chuyên gia hoạch định tài chính đang gia tăng nhanh chóng trong một thị trường lớn mất kiểm soát.” Bài báo viết:
“Kinh nghiệm đang là vấn đề ngày càng được quan tâm đối với nghề hoạch định tài chính, một lĩnh vực mà hiện nay có rất nhiều loại chuyên gia đưa ra những lời mời chào dịch vụ trong một thị trường lớn mất kiểm soát. Và thậm chí ngày càng nhiều người chơi bị cuốn hút vào những kế hoạch được quảng cáo là không ngừng tăng trưởng.
Những nhà hoạch định tài chính giỏi xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau, ví dụ như CFP. Để có được giấy chứng nhận CFP, họ buộc phải nghiên cứu, học tập và làm việc thực tế. Các nhà hoạch định của CFP tính phí cho bạn theo giờ, hoặc tính một khoản tiền cố định hoặc tính trên phần trăm giá trị tài sản cần quản lý, nhưng cũng có trường hợp họ tính tiền hoa hồng hay kết hợp cả hai.
Ở một nhóm khác, nhóm NAPFA (Hiệp hội Những nhà tư vấn tài chính cá nhân của Mỹ) với 16 năm kinh nghiệm, thì chỉ tính trên một mức phí cơ bản.
Bài báo tiếp tục giới thiệu hai trang web để tìm nhà hoạch định tài chính, www.napfa.org, trang web của NAPFA, và www.fpanet.org/plannersearch, trang web của Hiệp hội Hoạch định Tài chính.
Sự phát triển của lĩnh vực hoạch định tài chính là sự hưởng ứng cho nhu cầu về trình độ và tư vấn đầu tư. Tôi muốn nhắc lại một điều quan trọng: Một trong những thiếu sót lớn nhất trong cải cách lương hưu là họ đã thất bại trong việc thông báo với hệ thống giáo dục rằng sự đào tạo tài chính không còn là một lựa chọn nữa, mà lúc này nó đã trở thành một điều bắt buộc.
Thiếu sót này thật sự khiến người cha giàu bất ngờ. Với ông, việc Quốc hội không yêu cầu trường học dạy các kiến thức tài chính cơ bản sau khi thay đổi điều luật này cũng giống như họ đã tiếp tay cho tội phạm, một tội phạm nghiêm trọng hơn nhiều so với những tội phạm trong vụ bê bối của Enron. Sau khi Quốc hội thông qua điều luật đó và nhường công việc giáo dục tài chính cho những người làm việc trong thị trường tài thính, người cha giàu dường như đánh hơi thấy một con chuột cống. Không phải một con cáo… mà là một con chuột cống. Khi điều luật này được thông qua, ông nhận ra nhiều người trong Quốc hội biết rõ họ đang làm gì. Nhiều nhà lãnh đạo của chúng ta biết rõ rằng họ vừa bắt buộc hàng triệu người lao động phải giao nộp hàng nghìn tỷ dollar mà họ phải làm việc vất vả mới kiếm được cho những người quản lý các thị trường tài chính.
Tôi muốn nói rõ điều này. Người cha giàu không hề phản đối việc đầu tư vào thị trường chứng khoán hay phản đối việc bắt buộc hay không bắt buộc đầu tư. Người cha giàu chỉ nổi giận với những người như cha một tôi, một giáo viên, một người hoàn toàn không biết gì về những chuyên đang xảy ra ở Quốc hội. Người cha giàu chỉ phản đối những trò quỷ thuật ăn tiền và thiếu giáo dục tài chính chính thức. Với ông, việc nhường lại công tác giáo dục tài chính cho những người có thể hưởng lợi trên sự thiếu kiến thức tài chính của người khác, đó chính là tội phạm.
Hiện nay, có hàng ngàn nhà hoạch định tài chính chuyên nghiệp, những người đại diện mua bán cổ phiếu, đại lý bất động sản, đại lý bảo hiểm, các kế toán, các luật sư… đang rao bán những lời khuyên đầu tư để kiếm tiền. Điều khiến người cha giàu lo ngại là hầu hết những người này không phải là những nhà đầu tư thực sự. Họ không sống nhờ thu nhập đầu tư. Ông luôn nhắc nhở tôi và con trai ông rằng đa số những người rao bán lời khuyên này đều là những người bán hàng, làm việc kiếm tiền, lương, hoa hồng, hay một dạng chi phí nào đó. Cũng chính những người bán hàng này sẽ thực hiện công tác giáo dục tài chính ở các tổ chức tài chính, hiển nhiên tất cả đều nói những gì mà các tổ chức đó muốn họ nói và quảng bá, nếu không họ sẽ bị mất việc. Rồi thì chúng ta tự hỏi tại sao hàng triệu người lại phải lo lắng về sư bảo đảm tài chính trong tương lai của mình. Họ đánh mất sự an toàn, bởi thay vì nhận được những kỹ năng tài chính khách quan thì họ lại nhận được những lời mời chào từ những người bán hàng dưới dạng giáo dục kỹ năng tài chính.
Warren Buffett đã nói về những lời khuyên tài chính từ Phố Wall như sau:
“Phố Wall là nơi duy nhất mà những người đi xe Rolls-Royce đến xin lời khuyên từ những người đi xe điện ngầm.”
Một lần nữa, tôi muốn nói rõ điều này. Tôi thích những người bán hàng rao bán cho tôi các dịch vụ tài chính và đầu tư. Một vài người trong số họ là bạn thân của tôi. Vài người khác giúp tôi trở nên giàu có. Điều đó khiến tôi cảm thấy thích họ hơn nữa. Nói cách khác, tôi cần họ cũng nhiều như họ cần tôi. Tôi trả tiền hoa hồng cho họ bởi vì tôi muốn họ bán các mối đầu tư tốt cho tôi. Nếu họ phát đạt, họ sẽ mang đến cho tôi nhiều cơ hội đầu tư hơn và vì tôi là khách quen nên họ sẽ mang trước cho tôi những cơ hội đầu tư tốt nhất. Những nhà đầu tư không muốn trả tiền hoa hồng thường nhận được những cơ hội đầu tư không tốt… bởi vì họ thích sự rẻ tiền. Trên thực tế, tôi có những người bạn sẵn sàng boa cho một người phục vụ 20% số tiền một bữa ăn nhưng lại từ chối trả hoa hồng cho một khoản đầu tư có thể giúp họ trở nên giàu có. Nói cách khác, họ cho tiền những người khiến họ nghèo đi và lưỡng lự với những người giúp họ giàu có. Tôi có rất nhiều người bạn như vậy. Vấn đề chính, là một nhà đầu tư, bạn muốn có kiến thức tốt hơn và tìm được những nhà tư vấn mà bạn tin tưởng. Nếu bạn không có kiến thức thì với bạn, bất cứ người bán hàng nào cũng như nhau.
Tôi muốn trích lời Warren Buffett một lần nữa:
“Thị trường, cung giống như Chúa trời, chỉ giúp những ai tự giúp chính mình.”
Nói cách khác, nếu bạn muốn có một tương lai tài chính tốt đẹp, đừng để việc giáo dục tài chính của mình phụ thuộc vào người khác.
HAI SAI LẦM
Cuối cùng, hãy nhìn lại hai sai lầm trong cải cách lương hưu. Thứ nhất, điều luật này quy định những người tham gia chỉ bắt đầu được bán cổ phiếu khi họ lên đến 70 tuổi rưỡi. Trong vài năm nữa, chúng ta sẽ thấy cơn khủng hoảng bắt đầu. Khi 75 triệu người thuộc thế hệ bùng nổ dân số cùng 83 triệu người nhập cư lên đến 70 tuổi, lượng tiền rút ra sẽ nhiều hơn lượng tiền thu vào. Dù năm 2016 được xem là thời điểm chính sẽ xảy ra chuyện này nhưng hãy lưu ý rằng những ảnh hưởng tài chính của nó có thể xuất hiện sớm hơn. Không cần giỏi toán quá, bạn cũng biết rằng rất khó giữ giá tăng liên tục khi hàng năm, càng lúc càng nhiều người bán ra.
Thiếu sót thứ hai mà người cha giàu nhận ra là việc giáo dục tài chính bị bỏ lơ cho những người hưởng lợi trên sự thiếu kiến thức của người khác. Vì thế, giáo dục kỹ năng tài chính ngày nay thực chất chỉ là những lời rao hàng mà thôi.
Trong chương kế, tôi sẽ nồi về sai lầm thứ ba trong hệ thống này… và một lần nữa, sai lầm đó được thể hiện rõ ràng trong lá thư của cụ già nghỉ hưu 70 tuổi nhờ tư vấn trên tờ báo. Như tôi đã nói, trong khi hầu hết mọi người nhấm nháp cà phê, đọc những tin tức về Enron và Authur Artdersen, vui mừng rằng họ không bị ảnh hưởng bởi những vụ bê bối này, thì nhiều người đã bỏ sót những thông tin quan trọng, những thông tin bị che giấu ở những trang sau của tờ báo – những sai lầm trong một hệ thống có khả năng ảnh hưởng đến họ hôm nay và ngày mai.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.