Kiếm Tiền Siêu Tốc
4.
NHỮNG TIẾNG NÓI, TẦM NHÌN VÀ ĐỘNG LỰC: TIỀN CŨNG Ở TRONG TÂM MÀ RA
Mọi thứ của cải vật chất đều bắt nguồn từ nội lực của mỗi người. Nội lực đó sinh ra từ việc kết hợp các “nguyên liệu” sử dụng con tim và khối óc.
Vậy khối óc là cái gì? Hiển nhiên là chúng tôi không nói đến khối vật chất gồm hàng tỉ những nơ-ron thần kinh nặng hơn một kg trong đầu mỗi chúng ta. Khối óc ở đây là những suy nghĩ, đắn đo về cách làm giàu và thành công của bạn.
Còn con tim? Một lần nữa, không phải chiếc máy bơm sinh học đang đập trong lồng ngực chúng ta. Mà đó là những cảm nhận của bạn về thành công.
Bạn nghĩ gì và cảm thấy gì (đến từ con tim và khối óc) đóng vai trò vô cùng quan trọng để chuyển hóa nội lực thành của cải vật chất thật sự. Chúng tôi có những thành công nhất định như ngày hôm nay cũng được quyết định bởi cách chúng tôi cảm và nghĩ. Chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn bằng cách nào chúng tôi có thể kết hợp những nguyên liệu bí mật lại và tạo nên tiền bạc. Trong phần này, chúng ta sẽ tập trung duy nhất vào cách suy nghĩ – con đường dẫn đến thành công.
Nguyên liệu đầu tiên, Trầm trồ, chính là một cách tập trung để bạn có thể vừa cảm thấy thoải mái cùng lúc thêm tự tin ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất. Đó là một cách để giao tiếp với bản thân mình, vẽ ra một viễn cảnh cụ thể mà chúng ta muốn vươn tới. Đó là một cách để thúc đẩy bản thân mạnh mẽ hơn, qua đó chúng ta có thể thu nhặt các nguyên liệu cần thiết để đạt được mục tiêu. Bởi vì chúng tôi hiểu rằng chúng ta rất dễ bị phân tâm bởi những tin đồn tiêu cực, bởi giá cổ phiếu lên xuống thất thường, bởi những chỉ số kinh tế đi xuống hàng ngày. Chúng ta cũng dễ bị lung lạc bởi quỹ lương hưu cắt giảm hay tình hình sa thải nhân công diễn ra thường xuyên.
Trầm trồ là một trạng thái tâm lý đặc biệt, tại đó những thứ như nghi ngờ, lo lắng và sợ hãi không được phép tồn tại. Vậy bằng cách nào chúng ta có thể đạt được trạng thái ấy?
Để có thể hoàn toàn tập trung, chúng ta trước hết phải hiểu về bản chất của sự suy nghĩ. Khi nói về suy nghĩ, bạn hiểu gì về nó? Sự suy nghĩ là một tổng hợp của các ý nghĩ, là cách mà bạn xử lý các thông tin từ các nguồn trong và ngoài cơ thể bạn.
Hãy thử nhắm mắt lại sau khi đọc xong những dòng này trong đúng một phút, yên lặng. Thử cảm nhận hơi thở của bạn. Hít ra. Thở vào. Hãy bắt đầu một phút nào.
Bạn có thể nhận thấy một số giác quan nhất định kết nối bạn với thế giới bên ngoài. Bạn có nghe thấy âm thanh nào không, có ngửi thấy hay nếm thấy vị gì không, có cảm nhận được gì không mỗi khi bạn tiếp xúc với bên ngoài.
Làm lại một lần nữa. Lần này, hãy cố gắng cảm nhận các giác quan đó. Cũng đừng quên nhịp thở.
Đây là sự khởi đầu của nhận thức – nhận thức được những gì mà bạn trải qua.
Chuyện gì khác nữa đang diễn ra trong đó? Còn những giác quan nào nữa mà bạn cảm nhận được? Bên cạnh những giác quan vật lý – nghe, nhìn, ngửi, nếm và xúc giác còn có những giác quan khác đến từ bên trong cơ thể của bạn. Có một tầng suy nghĩ khác đang diễn ra. Và suy nghĩ của bạn thì không bao giờ dừng lại.
SUY NGHĨ LÀ GÌ?
Bạn định nghĩa suy nghĩ như thế nào? Chính xác thì suy nghĩ là gì? Chúng ta có ba loại ý nghĩ chính:
Tự hội thoại – tự nói với bản thân.
Tưởng tượng – thứ mà bạn tưởng tượng ra.
Cảm giác – ấn tượng, thường là kết quả của hai loại ý nghĩ trên.
Để cho đơn giản, chúng tôi sẽ gọi ba loại ý nghĩ trên trong suốt cuốn sách là: tiếng nói, hình ảnh và động lực. Đó là những thành phần chính tạo nên suy nghĩ.
TIẾNG NÓI, HÌNH ẢNH VÀ ĐỘNG LỰC
Những người thành công có thể kết hợp ba yếu tố này thành những kết quả đáng kinh ngạc. Ngược lại, những người không có khả năng này rất khó thành công. Bạn thì sao?
Hãy thử kiểm tra xem sao.
Bạn đã bao giờ tự nói chuyện với chính mình chưa? Chắc chắn rồi, ai cũng từng. Thử nói một điều gì đó với bạn xem. Hãy chú ý và ghi nhớ từng từ một.
Vậy là bây giờ bạn đang lắng nghe chính mình. Hãy lấy ngón tay và sờ vào “chỗ” mà bạn nghĩ tiếng nói phát ra từ đó. Chú ý xem tiếng nói ấy ở đâu trong đầu bạn. Chú ý xem bạn có thể chỉ được chính xác tiếng nói ấy ở đâu không. Tiếng nói đấy to hay nhỏ. Bạn biết cái núm chỉnh âm lượng trong đó chứ. Hãy tưởng tượng bạn có một cái như thế có thể điều chỉnh âm lượng của tiếng nói trong đầu. Bây giờ thử nói to hơn xem. To hơn nữa. Hơn nữa. Hét lên hết cỡ (trong đầu bạn) xem nào. Rồi, còn bây giờ cho nhỏ giọng dần cho đến khi bạn nghe mình đang thì thầm. Thì thầm.
Cái âm chỉnh ở trên là để bạn điều chỉnh âm lượng mà bạn tự nói với bản thân. Mỗi người có một hiệu chỉnh âm lượng đặc thù. Thử nghĩ xem hiệu chỉnh của bạn là gì. Chú ý âm lượng đó. Thử hỏi bạn bè và người thân xem hiệu chỉnh âm thanh của họ như thế nào. Sau đó so sánh với bản thân. Đây là một số câu hỏi bạn có thể dùng: “Bạn có hay tự nói chuyện với bản thân không?” nếu họ bảo có, hỏi tiếp: “Trên thang điểm từ 1 đến 10, 1 là nhỏ, 10 là to nhất, giọng bạn ở bậc mấy?”
Khi bạn đã biết âm lượng của tiếng nói thầm trong đầu, giờ là lúc đánh giá chất lượng của nó. Chú ý xem liệu bạn có khả năng thay đổi chất lượng này không. Ví dụ, bạn còn nhớ câu nói bạn tự nói lúc trước không? Bây giờ thử nói lại, nhưng lần này bằng giọng của một đứa trẻ… bằng giọng của một ông cụ 80… hoặc một người khác giới.
Hát lại câu đó. Nói với giọng bực tức. Hoặc đáng yêu. Hay một cách khôi hài.
Bây giờ thì bạn đã có khả năng điều chỉnh, thậm chí thay đổi chất giọng cho tiếng nói trong đầu bạn.
Đây sẽ là bài tập “Lau trái, lau phải” của bạn ngày hôm nay.
Chú ý tiếng nói nội tâm của bạn, để ý xem bạn tự nói gì với bản thân. Cụ thể hơn là bạn nói với bản thân như thế nào. To hay nhỏ. Bạn có hiểu bản chất của tiếng nói đó không.
Chú ý hơn đến thế giới nội tâm của bạn. Phần lớn mọi người rất ít quan tâm đến điều này. Họ nói chuyện với bản thân một cách vô thức. Còn bây giờ, trong một ngày, hãy để ý xem cái gì đang diễn ra “trong đó”.
Chú ý bạn dùng đại từ nhân xưng gì để chỉ bản thân mình. Mày hay Mình hay Chúng ta? Ví dụ, bạn nói: “Mày thật sự phải đi nếu không sẽ trễ buổi hẹn”? hay là: “Mình thật sự phải đi nếu không sẽ trễ mất”? hay là: “Chúng ta phải đi nếu không sẽ trễ mất”?
Hãy suy nghĩ và trả lời những câu hỏi trên trong cả ngày hôm nay. Và gặp lại chúng tôi vào ngày mai, ở chương tiếp theo.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.