Kiếm Tiền Siêu Tốc

PHẦN MỘT YẾU TỐ ĐẦU TIÊN: TRẦM TRỒ – 5.



TIẾNG NÓI TIÊU CỰC: DẬP TẮT BẠN THAN THỞ

Chào mừng bạn đã trở lại! Thế, bạn đã học được gì từ bài tập của Chương trước?

Bạn có một giọng nội tâm Mình, Bạn, hay Chúng ta?

Bạn có thể tự hỏi bản thân: “Tôi không hiểu tại sao họ lại hỏi tôi những câu hỏi này?”

Bạn hiểu vấn đề chưa?

Nếu bạn thầm nghĩ như vậy thì bạn có giọng Tôi/Của tôi. Cô giáo tiếng Anh của bạn hẳn sẽ gọi giọng này là ngôi thứ nhất số ít.

Ngược lại, bạn cũng có thể tự hỏi: “Tại sao họ lại hỏi mày những câu hỏi này?” Nếu là vậy, thì bạn có giọng nội tâm ở ngôi thứ hai số ít/hoặc nhiều.

Cũng có khả năng giọng nội tâm của bạn ở ngôi thứ nhất số nhiều như chúng ta/của chúng ta.

Ngôi thứ nhất số ít Tôi – Của tôi

Ngôi thứ hai số ít/nhiều Mày – Của mày

Ngôi thứ nhất số nhiều Chúng ta – Của chúng ta

Vậy tiếng nói thế nào là lý tưởng?

Đó là một câu hỏi rất thú vị nhưng chúng ta sẽ không bàn đến nó trong phần này. Chúng tôi chỉ muốn bạn tập làm quen với giọng nói nội tâm của bạn. Lúc đầu, hãy chú ý bạn giao tiếp với bản thân như thế nào. Sau đó, chúng tôi sẽ chỉ bạn làm sao để có thể tập trung. Tiếp tục giám sát các cuộc tự thoại của bạn trong ngày.

Bạn có nghe thấy một giọng nói nào khác nữa không?

Chúng tôi có hỏi độc giả trên toàn thế giới câu hỏi này: “Bao nhiêu trong số các bạn có một giọng nói chê bai trong đầu?” Gần như tất cả đều trả lời có. Vậy để chúng tôi hỏi bạn, các bạn đang đọc sách, “Bạn có giọng nói chê bai đấy không?” Đã bao giờ bạn lưu ý một giọng nói phiền phức, hay chê bai mắng mỏ bạn, khiến bạn nhụt chí?

Đó có phải cùng một giọng nói với tiếng độc thoại thường ngày của bạn? Hãy suy nghĩ câu hỏi này ngay bây giờ. Không cần trả lời ra tiếng, chỉ cần nghĩ trong đầu. Tự hỏi: “Liệu giọng độc thoại hằng ngày bạn vẫn nói chuyện cũng chính là cái giọng hay phê phán chê bai kia?”

Hừmmm… một câu hỏi thú vị phải không? Liệu có thể tồn tại hai giọng nói trong đầu bạn? Đầu tiên là giọng nói bình thường mà bạn dùng để suy nghĩ hàng ngày, để giải quyết các vấn đề, và cách giải quyết, nói chung là chỉ dùng để suy nghĩ đơn thuần.

Và thường, có một giọng nói tiêu cực hơn – một giọng chê bai. Không phải ai xa lạ mà chính là bạn Than thở chúng ta đã nói từ những chương trước. Nó thường khiến bạn đánh mất phương hướng đối với những thứ tốt đẹp trong cuộc sống: “Mày nghĩ mày là ai? Mày không thể làm được điều này đâu. Nó quá khó. Để mai đi”, và khi bạn không làm, thì nó lại chê trách bạn vì đã không làm điều đó: “Mày bị làm sao thế? Mày đáng lẽ phải làm chuyện đó ngày hôm qua, khi còn có thể. Đúng là thằng đần.” Nó cứ tra tấn tâm trí bạn như vậy đó.

Cũng có lúc nó lại xui khiến bạn làm những điều không tốt: “Thôi nào. Mày làm được mà. Thử một lần thôi. Không đau đớn gì đâu. Cũng chẳng ai biết cả.” Và khi bạn làm chuyện đó, nó lại trở giọng: “Thật ngu xuẩn. Ma nhập mày à? Mày đúng là đồ ăn hại. Đồ bỏ đi.”

THAN THỞ

Bạn có giọng nói chê bai đó không? Hãy thử suy nghĩ trong giây lát. Thử nhớ lại những lúc bạn cảm thấy chán nản vì đã làm hoặc chưa làm một việc gì đó. Chú ý giọng nói đó từ đâu tới. Cố gắng tập trung. Quan trọng nhất là, tiếng nói đó phát ra từ đâu? Thử chỉ xem chỗ nào. Khi chúng tôi hỏi các độc giả câu này, phần lớn các bạn chỉ vào đầu mình.

Vậy thì, thật ra bạn Than thở này là ai? Tiếng của ai? Có phải là chính bản thân bạn không? Tại sao bạn lại nói với mình bằng giọng như thế? Để được gì?

Cũng như lúc trước, hãy tưởng tượng chúng ta có một cái nút chỉnh âm lượng. Hãy thử nghịch với bạn Than thở này một chút. Trước tiên hãy vặn to âm thanh lên. Chú ý cảm nhận của bạn ra sao khi làm vậy. Mọi người nói rằng họ cảm thấy giận dữ hơn, áp lực hơn và bối rối hơn. Thậm chí là đau đớn.

Còn bây giờ, thử làm ngược lại – vặn âm thanh nhỏ đi. Nhỏ đến mức bạn hầu như không thể nghe thấy gì. Sao rồi, bạn cảm thấy thế nào. Phần lớn mọi người nói rằng họ cảm thấy yên bình hơn, hạnh phúc hơn, ít bức bối và phân vân hơn.

Xuyên suốt ngày hôm nay, hãy chú ý số lần Than thở cố gắng chen vào dòng suy nghĩ của bạn. Khi bạn đã tập trung hơn, thử suy nghĩ câu hỏi này: Liệu than thở là bạn hay kẻ thù? Hắn muốn bạn thành công hay thất bại?

Theo chúng tôi thì…

Than thở không phải là một người bạn tốt.

Bài học quan trọng nhất rút ra là có những thứ luôn chống lại bạn, không muốn bạn thành công. Nhưng một khi bạn đã hiểu thì rất dễ bịt miệng kẻ thù này lại.

Đến lúc này có lẽ bạn đang tự hỏi, vậy những bài học về tiếng nói nội tâm này giúp ích gì cho bạn? Hãy thử tưởng tượng, khi bạn đang trộn những “nguyên liệu” chính xác theo một công thức chuẩn rồi, đột nhiên một dòng suy nghĩ lo lắng ập đến. Bạn hoài nghi liệu bạn có thể làm được việc này không. Bạn tự hỏi bản thân: “Điều gì khiến mày nghĩ mày có thể làm được chuyện này? Mày nghĩ mày là ai? Nếu mày thất bại thì sao? Dừng lại đi.” Bạn thất vọng tràn trề, chán chường, tự ti. Động lực tiến lên đột nhiên biến mất. Tinh thần lạc quan trong bạn không cánh mà bay.

Đột nhiên, bạn hiểu chuyện gì đang xảy ra. Bạn hiểu rõ hơn về thế giới nội tâm của mình. Chính Than thở khiến cho bạn hoài nghi bản thân mình. Bạn dừng lại. Vặn nhỏ tiếng của nó lại, cố gắng bình tâm. Hãy chú ý mối liên hệ giữa than thở và cảm giác chán chường.

Theo các nhà chuyên gia, ai cũng có bạn Than thở sống bên trong họ.

Tiến sĩ Robert W. Firestone giải thích sâu hơn điều này trong cuốn sách Chinh phục tiếng nói nội tâm (Conquer Your Critical Inner Voice) của ông:

Tiếng nói nội tâm tiêu cực tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau tùy từng cá thể. Nó hạn chế khả năng nhìn nhận vấn đề một cách thực tế, dẫn đến tâm trạng tiêu cực và triệt tiêu động lực hướng đến những khát khao và lý tưởng trong cuộc sống của chúng ta. Về cơ bản, nó khiến chúng ta bị vây hãm trong cơ chế tự vệ bản thân, trong khi phần tốt đẹp hơn (bản thể của chúng ta) vùng vẫy tìm tự do trong những xiềng xích của những phản ứng tự vệ đó – một cảm giác bị tách biệt khỏi bản thể và xa cách khỏi những thứ chúng ta theo đuổi. Khi chúng ta tin vào những lí lẽ tiêu cực của tiếng nói đó và buông xuôi, khi đó, chúng ta thường hành động theo những hướng gây kết quả tiêu cực lên bản thân.

Một số người có những giọng nói ồn ào và dai dẳng khiến cuộc sống của họ trở nên thảm hại. Trong khi đó, với những người khác, tiếng nói này còn không được nhận thức.

Khi tiếng nói này nói chuyện với bạn, nó sử dụng âm lượng nào (thang từ 1 đến 10)?

Nếu bạn không phải đương đầu với tiếng nói loại này, bạn thật may mắn. Còn không, bạn sẽ sốc nếu có thể nghe được trong đầu những người khác, xem Than thở làm những gì với họ.

Bây giờ, hẳn bạn Than thở trong đầu bạn đã bắt đầu đặt câu hỏi tại sao chúng tôi lại dành quá nhiều thời gian cho đề tài này. Được thôi, hãy thử với một chút lý lẽ. Thử tưởng tượng một bạn độc giả đang cảm thấy bối rối không biết có nên tiếp tục đọc hay đốt cháy giai đoạn bằng cách giở phần các chiến thuật kiếm tiền nhanh ra luôn. Cô ấy đang tìm kiếm một phương án kiếm tiền ngay lập tức. Cô ấy đã túng lắm rồi. Tất nhiên là chả ai có thời gian cho mớ kiến thức tâm lý học vớ vẩn này.

Ngấu nghiến chương chiến thuật xong, bây giờ là lúc hành động. Và như mọi lần, Than thở làm việc của nó… “khởi động” những cảm nghĩ tiêu cực, bao gồm sợ hãi, nghi ngờ và lo lắng. Như thể là có một ai đó đang cố gắng thuyết phục cô ấy dừng lại. Ai đó không muốn cô ấy tiến lên. Vậy là cô ấy do dự, nghĩ quẩn, rồi lại chần chừ không tiến hành. Và chả có gì được thực hiện.

Cô ấy biết phải làm gì. Chỉ là không biết làm sao để khiến bản thân thực hiện những điều đó.

Tất nhiên không phải ai cũng như vậy. Một số người dường như sinh ra đã biết cách tự tiến lên. Họ không bị phân tâm bởi sợ hãi hay sự hoài nghi. Khổ nỗi là phần còn lại trong chúng ta đều mắc phải những căn bệnh thâm niên như nghi ngờ bản thân, lo lắng và sợ hãi. Chúng ta dành một thời lượng khổng lồ để suy nghĩ quẩn quanh và lo lắng sẽ ra sao nếu thất bại hoặc bị từ chối trước khi hành động, trong khi lại chả làm được bao nhiêu. Đã đến lúc tập trung toàn lực để vượt qua nỗi sợ hãi nhằm mục đích thu được nhiều kết quả khả quan hơn.

Tập trung nghĩa là không để bị phân tâm bởi bất kì điều gì. Đầu tiên là giọng nói tiêu cực trong đầu bạn. Tiếp đó là những giọng nói tiêu cực trong đầu của những người xung quanh bạn. Họ nói là họ quan tâm đến bạn nhưng thực tế là họ chỉ lập lại những gì Than thở nói trong đầu họ.

Thường thì Than thở “vùi dập’ bạn bằng cả tá lí do khiến “dự án” của bạn không thể hoàn thành. Kiểu như: Ừ, nghe cũng hay đấy, nhưng mày chưa được chuẩn bị tốt nhất cho những việc kiểu này. Tốt hơn hết là đợi đến tháng sau, khi nào có nhiều thời gian chuẩn bị hơn.

Phải rồi, nhưng mà…

Nhưng là một trong những từ ưa thích nhất của Than thở. Và thường, bất kể lí do đi sau Nhưng là gì, cũng chỉ để biện hộ cho việc dừng lại. Có một cuốn sách tranh hoàn toàn miễn phí và có thể tải được, truyền tải trong nó một thông điệp rất dí dỏm, tên là Quỷ dữ chỉ biết một từ (The Devil only Knows One Word) của James Skinner, Mark Victor Hansen và Roice Kruger.

Sau đây là toàn bộ phần nội dung của cuốn sách:

QUỶ DỮ CHỈ BIẾT MỘT TỪ… NHƯNG

Nhưng, tôi chưa đủ già dặn

Nhưng, tôi chỉ là một đứa trẻ

Nhưng, tôi không nổi tiếng

Nhưng, tôi không tốt nghiệp đại học Nhưng, tôi không có kinh nghiệm Nhưng, tôi không có đủ tiền

Nhưng, tôi quá bận

Nhưng, tôi không xinh đẹp

Nhưng, tôi không được đẹp trai lắm Nhưng, có quá nhiều đối thủ cạnh tranh Nhưng, có người đã làm cái này

Nhưng, sếp không đồng ý với tôi

Nhưng, kinh tế bây giờ không được tốt lắm

Nhưng, nó quá khó Nhưng, tôi già rồi Nhưng, quá muộn rồi.

Đừng nghe! Trước khi quá muộn…

Ai đó đã nói thế này: “Nếu bạn thật sự muốn một cái gì đó, bạn sẽ tìm ra cách. Còn nếu bạn không thực sự muốn một cái gì đó, bạn sẽ tìm ra một lời bào chữa.” Than thở là bậc thầy biện hộ. Nó là bất kể thứ gì nhằm khiến bạn lệch hướng.

Do đó chúng tôi sẽ hỏi bạn một lần nữa: Làm cách nào Than thở xâm nhập vào đầu bạn? Nó có phải là một phần tất yếu của con người? Nó có phải chính bạn không? Tại sao bạn lại nói những lời mang tính phá hoại nhiều hơn xây dựng cho chính bản thân? Hay đó là cái Tôi của bạn?…

Còn đây là ý kiến ngoài chuyên môn của chúng tôi. Bất kể nó là cái gì, Than thở không phải người bạn tốt. Nó không muốn bạn thành công. Chủ yếu là chỉ muốn bạn bỏ cuộc. Nó sẽ cố hết sức thuyết phục bạn bỏ đi sự phát triển và cả hạnh phúc. Thậm chí sau khi thành công thuyết phục bạn, nó lại quay ra trách bạn suýt nữa đã không đủ dũng khí và quyết tâm để theo đuổi mục đích của mình.

Với một số người, chỉ nghe thấy Than thở thôi cũng đủ khiến họ cảm thấy ngập lụt trong những cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như sợ hãi, bồn chồn, lo lắng, e sợ, thiếu tự tin, xấu hổ v.v…

THAN THỞ NÓI

“Nếu thị trường đổi chiều thì mày sẽ mất hết tất cả.”

“Mày chưa đủ “tuổi” để làm việc này. Mày tưởng mày lừa được ai?

“Mày chỉ nghĩ về mày thôi. Đồ ích kỉ.”

CẢM GIÁC TIÊU CỰC

Sợ hãi, bồn chồn, lo lắng, e dè, đe dọa, căng thẳng.

Tự tin, cảm thấy vô năng, không có động lực

Tội lỗi, trách móc, xấu hổ.

Giả sử bạn có một người bạn, cô ấy dường như hay giúp bạn bằng những lời khuyên. Rồi bạn chợt nhận ra rằng, người bạn này tận dụng mọi cơ hội (một cách tinh vi) để khiến bạn nhụt chí, khiến bạn sợ hãi, tự tin về bản thân và tội lỗi. Liệu bạn còn muốn chơi với một người như thế? Tất nhiên là không.

Giả sử bạn sắp chuẩn bị tham gia một cuộc thi maraton, nhưng bạn của bạn cứ thét lên: “Tao không nghĩ mày lết được đến đích đâu. Mày có bao giờ rèn luyện đâu. Chỉ có những gã tứ chi phát triển mới chịu đựng nỗi đau thể xác để tham gia những cuộc thi ngu ngốc kiểu này. Mày có thể bị thương. Mày đã đợi quá lâu để bắt đầu tham gia. Tốt nhất để năm sau đi.” Liệu bạn có chơi được với người bạn đó lâu không? Chắc là không rồi.

Đó cũng chính là những gì chúng tôi khuyến khích bạn làm với Than thở. Đừng nghe nó thêm một phút nào nữa!

Làm sao để không nghe nó nữa?

Nếu bạn cũng giống phần lớn chúng tôi, cũng quen với việc nghe Than thở “than thở”, dưới một giả thuyết sai lầm rằng nó là một phần trong đầu mình và nó đang cố gắng đưa ra những lời khuyên tốt, đang cố giúp bạn thì bạn phải hiểu rằng: nó không phải là con người thật của bạn. Nó không phải bạn. Và nó cũng không phải tiềm thức của bạn.

TI ẾNG NÓI NỘI TÂM THẬT SỰ

Còn một tiếng nói KHÁC mà chúng tôi sẽ dạy bạn cách lắng nghe. Tiếng nói đó mới chính là bạn của bạn, mới chính là con người thật của bạn, là tiềm thức thật sự. Học để lắng nghe tiếng nói nội tâm cũng giống như một quá trình tâm linh – sự nhạy cảm với hướng đi bạn chọn. Bạn sẽ đi đến mục tiêu của mình một cách “thần kì”. Chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn ở Chương tiếp theo.

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, một cái nhìn tổng quát về cách quản lý suy nghĩ và thế giới nội tâm sẽ khiến bạn tiến nhanh hơn đến mục tiêu của mình.

Còn sau đây là bài tập “Lau trái lau phải” ngày hôm nay:

Trong một ngày, hãy chú ý hơn đến các đoạn hội thoại trong đầu bạn. Cố gắng phân biệt suy nghĩ thông thường của bạn và Than thở.

Để ý suy nghĩ của bạn, bạn hay khôi hài như thế nào. Sau đó để ý nếu Than thở xuất hiện.

Đây là cách để phân biệt. Đôi khi cách nhanh nhất là dùng cảm giác của bạn. Bạn có cảm thấy được khuyến khích, cảm thấy được tiếp sức, hoặc được thúc đẩy? Hay bạn cảm thấy bị chán nản, bất lực và nhụt chí?

Thường thì, khi Than thở xuất hiện, bạn sẽ cảm thấy chán nản. Lục lại từ đầu những từ Than thở dùng, bạn sẽ tìm được nguyên nhân tại sao bạn lại chán nản. Ai cũng sẽ cảm thấy nhụt chí nếu trong tai cứ văng vẳng những câu đại loại như: “Mày vừa nghèo vừa ngu, lại thất nghiệp. Mày sẽ chẳng làm nên trò trống gì hết.”

Bài tập đầu tiên của bạn là hãy để tâm đến việc một số cảm xúc nhất định có thể bị khơi dậy thông qua những từ nhất định mà bạn tự nói với bản thân.

Tiếp sau đó là chú ý Than thở nói những gì với bạn. Để ý Than thở xưng ngôi thứ mấy, Tôi hay Mày. Nó nói: “Tôi thật ngu ngốc! Tôi không thể làm được việc này” hay “Mày thật ngu ngốc! Mày không làm được việc đó”?

Tiếp đó hãy hoán đổi đại từ khi Than thở nói. Nếu là giọng Mày, chuyển thành Tôi.

Sao rồi? Bạn cảm thấy dễ chịu hơn hay khó chịu hơn? Hãy chú ý sự khác biệt.

Khi bạn đã quen với những gì Than thở nói, hãy thử thay đổi cách nói của nó.

Ban đầu, hãy thử điều chỉnh âm lượng của Than thở. Hãy tưởng tượng có một cái núm điều khiển có thể tăng hoặc giảm âm lượng của nó. Thử xem. Vặn nó to lên này… vâng, nghe có vẻ hơi điên rồ, nhưng cứ làm xem và thử chú ý bạn cảm thấy thế nào khi làm vậy. Sau đó, vặn bé nó lại và xem bạn cảm thấy khác biệt không. Phần đông sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi không có ai hét lên những thứ tồi tệ vào tai mình. Cứ tiếp tục vặn nhỏ nó xuống và tốt nhất là tắt hẳn nó luôn. Không để nó gây ảnh hưởng đến bạn.

Bây giờ thì bạn có khả năng điều khiển âm lượng của Than thở rồi, hãy thử một số các thí nghiệm nhỏ sau.

Biến giọng Than thở thành giọng chuột Mickey hoặc Minnie – giọng cao và chít chít. Bạn cảm thấy thế nào?

Sau đó thử giọng nói đằng xa, ngoài đường và bạn không thể nghe rõ.

Giọng khêu gợi của một minh tinh bạn hâm mộ.

Thử thay đổi cả địa điểm của âm thanh trong đầu bạn.

ROBERT ALLEN: Trong một buổi hội thảo tại San Diego vài năm trước, tôi chú ý đến một cô gái có bộ mặt cau có trong buổi thuyết trình. Cô ấy có vẻ như chẳng để tâm đến những chiến lược kiếm tiền tôi nói đến hôm ấy. Cứ như thể là cô ấy không thể tập trung được vậy. Tôi gặp cô ấy trong bữa trưa và cố gắng bắt chuyện. Tôi hỏi liệu có phải cô nghe thấy một giọng đe nạt trong đầu mình. Cô ấy nhìn tôi với vẻ bối rối thể hiện trên khuôn mặt. Cô ấy chưa bao giờ để ý về vấn đề đó.

Cô ấy tập trung hồi lâu rồi bảo: “Hừm, tôi có nghe thấy. Tôi chưa bao giờ để ý nhưng tôi có nghe thấy”.

“Đó là giọng của ai? Của cô à?” Tôi hỏi.

Nghĩ một lúc, cô ấy trả lời: “Giọng của bố tôi” “Ông ấy nói gì với cô?”

Mất một lúc suy nghĩ, cô ấy nói: “Ông ấy nói to lắm, rằng: “Mày chả được tích sự gì, ngu ngốc, chẳng làm nên được gì đâu!”

“Thật à, cô cảm thấy sao?” “Không tốt lắm!”

“Hãy thử một cái gì khác xem”, tôi nói. “Hãy thay giọng nói của bố cô thành giọng chuột Mickey.”

Cô ấy thử và ngay lập tức cười khúc khích.

Tôi nói tiếp: “Khi nào cô nghe thấy tiếng đe nẹt ấy, hãy ngay lập tức chuyển sang giọng Mickey, hoặc tắt hoàn toàn nó đi.”

Tôi hỏi tiếp: “Cô có một giọng Chân thật nào khác không? Cái luôn khuyến khích và mong cô thành công?”

Mất một lúc lâu hơn nhưng cô ấy cũng nói rằng có. “Giọng nói đó mềm mại hơn, tinh tế hơn. Nhưng đúng là có.”

“Giọng nói đó khiến cô cảm thấy như thế nào?”

“Hừm…,” Cô ấy trầm ngâm, cố gắng tìm được đúng từ

“Yên bình. Phải rồi, yên bình.”

Chúng tôi chia tay tại đó và khi buổi hội thảo bắt đầu lại, tôi chú ý thấy cô ấy trong góc phòng. Cô ấy đã không còn nét nhăn nhó ban đầu, đã tập trung hơn và nở nụ cười rạng rỡ. Hít một hơi sâu, tôi có thể cảm thấy một cảm giác bình yên đang lan toả trên gương mặt của cô.

Có thể bạn không có một giọng nói đe nẹt.

Trong cuốn sách Chữa tiếng nói nội tâm: Một cách tiếp cận hành vi tự huỷ hoại bản thân của tâm lý bệnh học (Voice Therapy: A Psychotherapeutic Approach to Self – Destructive Behavior), Tiến sĩ Robert W. Firestone miêu tả một “con quỷ” hiện thân cho góc tối trong mỗi con người chúng ta. Ông nói:

Nhìn chung, một người bình thường rất ít khi nhận thức được hành vi tự công kích bản thân và một thực tế là một phần lớn các hành vi của anh ta bị ảnh hưởng thậm chí bị điều khiển bởi giọng nói kia. Dĩ nhiên, “nghe” theo tiếng nói đó sẽ dẫn một cá thể đến kết quả là tự bó buộc mình và những hệ quả tiêu cực khác. Nói cách khác, con người hành động theo những gì họ áp đặt với bản thân.

Bài tập “Lau trái, lau phải” của các bạn đơn giản chỉ là cố gắng để tâm xem liệu bạn có một giọng đe nẹt trong đầu. Nếu có, nó gây ảnh hưởng lên bạn ra sao? Bạn có thể điều chỉnh nó để cảm thấy thoải mái hơn không? Bạn có thể tắt giọng nói đấy hoàn toàn được không? Để làm được điều đó có khi mất nhiều ngày, nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng. Nhưng chỉ cần nhận thức được sự tồn tại của Than thở và học cách điều khiển nó là bước đầu tiên để cảm thấy phấn khởi hơn, nhiều động lực hơn một cách thường xuyên hơn.

Bước đầu tiên để xây dựng giọng nói Trầm trồ mạnh mẽ hơn chính là học cách điều khiển giọng nói trong đầu bạn. Hẹn bạn ngày mai.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.