Kiếm Tiền Siêu Tốc

PHẦN HAI YẾU TỐ THỨ HAI: TIẾNG NÓI NỘI TÂM – 10



ĐƯỜNG VÀO TRÁI TIM: LẮNG NGHE TIẾNG NÓI NỘI TÂM

Lắng nghe con tim – trực giác

Chúng sẽ dẫn bạn đi đúng đường.

– Trích Intuition, một bài hát của Jewel Kilcher và Lester Mendez.

Hãy nhìn lại đoạn đường chúng ta vừa trải qua trước khi đi sâu hơn trong chương này. Những chương đầu tiên nói về phương pháp thay đổi cách suy nghĩ của chúng ta – Trầm trồ. Đó là một phương thức giúp chúng ta nâng cao độ tập trung, là những kĩ năng thay đổi suy nghĩ nhằm chuẩn bị cho các bạn trước mỗi hành động. Nếu thể dục thẩm mĩ là một môn khoa học về rèn luyện cơ thể thì các bài tập thần kinh (neurobics) là một môn khoa học về rèn luyện trí óc – giúp chúng ta suy nghĩ tích cực hơn, không bị vướng bận bởi những kí ức không tốt trong quá khứ và ám ảnh bởi tương lai u ám. Những bài tập này là môn khoa học giúp chúng ta điều tiết các yếu tố tâm lý như tiếng nói nội tâm, tầm nhìn và những rung động để hướng đến một sự tập trung cao độ, sự tự tin cũng như niềm hứng khởi trong công việc.

Tất cả bao hàm trong một chữ: Thuyết phục.

Khi tập luyện Trầm trồ, chúng ta cảm thấy như mình đang sống đời sống bạn hằng mong ước. Cảm giác đó thấm vào từng tế bào trong cơ thể chúng ta. Chúng mãnh liệt đến mức phát tán cả ra xung quanh, truyền cả vào những người bạn gặp hàng ngày. Nếu như Trầm trồ là để tập trung tinh thần, làm chủ Tiếng nói nội tâm giúp bạn mở cửa trái tim mình, khởi động lại hệ thống hướng dẫn bản năng, trả lại quyền quyết định cho trực giác của bạn – những thứ biết điều gì là tốt nhất cho bạn.

Nhiều người đọc cuốn sách này với mong muốn kiếm tiền nhanh nhất có thể để giải quyết nhu cầu trước mắt. Họ nghĩ rằng một khi đã giải quyết xong những khó khăn tài chính hiện thời, họ sẽ quay lại tiếp tục tìm kiếm một phương án làm giàu tối ưu nhất. Họ tạm hoãn giấc mơ đẹp và dời chúng lại đợi một thời điểm thuận lợi hơn. Họ không nghe theo những lời của trái tim. Nhưng nghịch lý là những chỉ dẫn từ con tim lại thường là con đường nhanh nhất đến với tiền bạc và giàu sang.

Vậy, làm cách nào để bạn nhận biết những tín hiệu như thế từ trái tim mình?

NGÔN NGỮ TRÁI TIM

Bây giờ, hãy nói về một nguồn năng lượng mạnh hơn cả suy nghĩ. Chúng tôi muốn nói đến một cảm giác còn mãnh liệt hơn cả bản thân sự hứng khởi. Hãy nói về trái tim của trái tim – nội tâm của bạn. Chúng tôi gọi đó là Chân thật.

Ngay dưới kí ức của cả quá khứ lẫn tương lai, sát ngay dưới sự nhận thức của chúng ta, có một phần bộ não nơi chứa tất cả những câu trả lời chúng ta cần để thành công trong cuộc sống.

Đã bao giờ bạn có một linh cảm rằng một chuyện gì đó không hay (hoặc hay) sẽ xảy ra chưa? Đã bao giờ bạn có một cảm giác tự tin tuyệt đối vào một quyết định bạn đưa ra là chính xác hay sai lầm chưa?

Một số người gọi loại cảm giác đó là trực giác, số khác gọi là giác quan thứ sáu.

Chúng tôi gọi nó là Chân thật.

Nếu bạn muốn trở nên thành công hơn, giàu có hơn, hạnh phúc và khoẻ mạnh hơn, bạn nên học cách lắng nghe người bạn Chân thật này. Vì đó có lẽ là yếu tố quan trọng nhất trong bộ đồ nghề thành công của bạn. Có lẽ đến đây nhiều người sẽ tự hỏi, nếu lắng nghe Chân thật quan trọng đến vậy, tại sao chúng ta gần như không nhận được sự huấn luyện nào kể cả khi chúng ta còn ở trên ghế nhà trường?

Hãy nhớ lại lần gần nhất bạn có một linh cảm mạnh về một việc hoặc một người nào đó. Lục lại ngân hàng bộ nhớ của bạn và chọn ra một ví dụ. Khởi động lại kí ức và cố gắng sống lại những thời khắc của kí ức đó. Nói cách khác, hãy cố nhớ lại bạn cảm thấy như thế nào lúc bạn có linh cảm mạnh đó. Quay lại thời điểm ngay trước khi bạn có linh cảm. Nào, bây giờ nhấn nút Chạy để cảm nhận lại những cảm giác lúc đó. Sự khác biệt nào khiến bạn tin là những linh cảm này là đặc biệt, là thật không phải giả? Bạn có thể miêu tả bằng lời được không?

Bạn biết linh cảm đó rất mạnh, và nó không phải giả. Bạn tin chắc như vậy đúng không?

Nhưng làm thế nào mà bạn biết được? Cụ thể hơn, từ đâu bạn có linh cảm đó?

Tập trung tinh thần hơn nữa để nhận biết chuyện gì đang xảy ra. Trước khi có linh cảm đó, bạn có nhận được một loại tín hiệu cụ thể nào không? Đó có thể là một hiệu ứng thị giác – một chớp lóe sáng hoặc hình ảnh của một khả năng trong tương lai chẳng hạn? Hoặc cũng có thể là một loại âm thanh – một thông điệp bằng lời hoặc một lời thì thầm bên tai? Bạn có nhận thấy một cảm giác hoặc một ấn tượng đặc thù nào không?

Những ấn tượng mơ hồ đó xuất phát từ đâu? Bằng cách nào bạn có được nó?

Sâu trong con người mỗi chúng ta, phía dưới những nỗi sợ, lo âu, phiền muộn, là một kho tàng của sự thông thái, sáng suốt và những trực giác đáng tin mà tất cả chúng ta đều sở hữu ngay từ khi mới sinh ra.

Trong suốt cuộc đời, chúng ta không ngừng bổ sung vào kho tàng đó, mà điển hình là kiến thức và kinh nghiệm trong cuộc sống. Chỉ mất chưa đến một nháy mắt là tất cả những thứ chúng ta học, nghiên cứu, đọc và tiếp thu trong cuộc sống hằng ngày sẽ được biến thành thông tin và được nạp trực tiếp vào ngân hàng dữ liệu. Để tiếp cận những khối lượng thông tin khổng lồ này, con người chúng ta có một cách rất nhanh chóng mà lại đơn giản – thông qua những “câu hỏi”.

Mỗi khi bạn tự hỏi mình một câu hỏi, bạn đã gián tiếp kích hoạt hệ thống tiếp nhận thông tin, qua đó chúng sẽ dò tìm kết quả cho câu hỏi của bạn.

Phụ nữ được biết đến như là những người nhạy cảm với trực giác. Họ rất giỏi trong việc dùng trực giác để tìm được đáp án đúng. Đàn ông cũng vậy, mặc dù được đánh giá là không thể nhạy cảm được như phụ nữ trong lĩnh vực này. Đàn ông có xu hướng dùng cái đầu lạnh hơn là phụ nữ.

Bài tập “Lau trái lau phải” đầu tiên của các bạn được thiết kế để các bạn có thể nhận thức rõ hơn về tiếng nói nội tâm của mình. Như chúng ta đã nói trong Chương 5, Than thở không phải một người bạn tốt. Cũng giống như cái tên, nó luôn tìm được cách để chê bai tất cả mọi thứ. Chúng ta cũng đã học cách “tắt đài” Than thở, không để nó ảnh hưởng tiêu cực đến bạn.

Don Miguel Ruiz, tác giả của cuốn sách bán chạy Hiệp nghị bốn điểm (The Four Agreements), vừa hoàn thành xong một tác phẩm khác tên là Tiếng nói của sự thông thái (The Voice of Knowledge). Trong cuốn sách này, ông đã miêu tả Than thở như là một “kẻ dối trá sống trong tâm trí chúng ta… Mỗi một lần chúng ta phán xét, kết tội và trừng phạt bản thân đó đều là do tiếng nói trong chúng ta đã nói dối.” Ông tiếp tục:

Khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi rất thích xem hoạt hình Chú vịt Donald (Donald Duck) của Walt Disney. Chúng ta hẳn còn nhớ một cảnh kinh điển trong bộ phim khi mà một bên đầu Donald là một ác quỷ còn nửa kia xuất hiện một thiên thần, cả hai đều cố gắng thuyết phục chú vịt. Vâng, đó cũng là thực tế… Bạn cũng có một giọng nói luôn chỉ ra những thứ như bạn không đủ giỏi giang, không xứng đáng có tình yêu, không nên tin tưởng người khác, rồi bạn không xinh đẹp hay hoàn hảo… Đó là những điều dối trá, và lý do duy nhất mà nó tồn tại chính là bởi bạn cho phép nó tồn tại.

Don Miguel tiếp tục, ông cho rằng giọng nói thứ hai là giọng nói của tâm hồn, của sự chính trực, là âm thanh của tình yêu.

Nếu bạn ngồi tĩnh tâm, bạn sẽ phát hiện ra một giọng nói khác sâu lắng chân thành hơn. Chúng tôi gọi nó là Chân thật, là tiếng nói nói lên sự thật. Tiếng nói này cũng liên tục phát ra những tín hiệu, mặc dù phần đông chúng ta đều bỏ lỡ những tín hiệu này. Có thể là vì chúng quá tinh tế và nhạy cảm. Hơn nữa, rất khó để nghe được những tín hiệu này trong khi Than thở – bây giờ mới có thêm tên mới Kẻ dối trá, lải nhải luôn mồm suốt ngày. Cách duy nhất để lắng nghe Chân thật là tắt tiếng của Than thở đi.

THAN THỞ VÀ CHÂN THẬT

Hãy trả lời câu hỏi này: khi Than thở nói với bạn, bạn nghe được tiếng nói đó từ đâu? Hãy chỉ vào chỗ đó.

Vậy còn khi Chân thật nói, tiếng nói đó xuất phát từ đâu?

Khi chúng tôi hỏi khán giả trên toàn thế giới hai câu hỏi này, đại bộ phận người nghe chỉ vào hai chỗ. Với Than thở, họ chỉ vào đầu. Còn với Chân thật, họ chỉ vào tim.

Bạn nghi ngờ? Thường là xuất phát từ trong suy nghĩ.

Bạn tin vào một điều gì đó? Thường là xuất phát từ trái tim.

Trong mỗi chúng ta tồn tại một ngọn lửa rụt rè của sự thật. Chúng ta luôn biết cái gì đúng và cái gì sai. Đó chính là nhận thức – là hệ thống “dẫn đường” trong mỗi chúng ta. Chúng ta đơn giản là có thể cảm nhận được điều đó. Nhưng hai bên của ngọn lửa đó là hai tên phá hoại luôn muốn dập tắt nó.

Một tên là Sợ hãi. Hắn luôn muốn dập tắt ngọn lửa của sự thật. Hắn không muốn bạn thành công, ngược lại luôn muốn bạn rút lui, từ bỏ ước mơ của mình. Nếu hắn thành công trong việc khiến bạn chần chừ, hắn đã thắng.

Hắn thường xuất hiện dưới một trong năm hình dạng sau:

Thất bại; Xấu hổ; Bỏ rơi; Từ chối; Thành công

Nếu bạn đã từng cảm nhận được một trong những nỗi sợ trên thì đó là minh chứng cho việc Sợ hãi đang làm việc hết sức mình để không cho bạn tìm được con đường đi đúng đắn.

Một tên phá hoại khác là Tham lam. Hắn bỏ vào ngọn lửa những ham muốn không phù hợp, gián tiếp khiến bạn lạc lối khỏi con đường đi đúng. Hắn cố gắng quyến rũ cái Tôi. Và nếu hắn thành công trong việc làm bạn xao nhãng bởi những cái bẫy bóng bẩy, hắn đã thắng.

Nhiệm vụ của mỗi chúng ta là tìm ra con đường đúng đắn và đi theo nó.

Đâu là ngôn ngữ của tiếng nói nội tâm? Câu trả lời là nó cũng sử dụng cùng một loại âm thanh, hình ảnh và rung động như những gì ý nghĩ của bạn sử dụng ở trong đầu, từ cổ tính lên. Nhưng các âm thanh, hình ảnh và rung động của tiếng nói nội tâm có xu hướng tập trung ở trái tim, tức là từ cổ xuống đến thắt lưng.

Bạn đã từng nghe ai nói rằng họ có một cảm giác tin chắc đó là điều đúng (hoặc không đúng) để làm? Hoặc họ có một linh cảm và nó có vẻ chắc chắn? Hoặc họ tự nói với mình là phải làm luôn bây giờ trước khi quá trễ?

Thông thường, mỗi khi được trực giác mách bảo, bạn thường có một số các tín hiệu như một giọng nói, theo sau là một chớp lóe sáng về tương lai, tiếp theo là một cảm giác yên bình. Không nhất thiết theo thứ tự trên. Một số người có khi chỉ cảm nhận được một ấn tượng rất mạnh. Số khác đôi khi lại nghe thấy một tiếng nói uyên bác chỉ dẫn. Có những người lại hay nhìn thấy viễn cảnh về tương lai. Còn bạn thì sao?

Thỉnh thoảng bạn cũng đơn giản là biết cái gì đúng và cái gì sai bằng trực giác, đúng không?

SỰ KHẲNG ĐỊNH TÂM LINH

Trực giác là một định vị tốt của sự thật nhưng không phải là không có lúc sai lầm. Kinh nghiệm của chúng ta – một sự khẳng định chắc chắn hơn của những quyết định mang tính trực giác là rất hữu ích. Đó là sự khác biệt giữa trực giác và cảm hứng.

Oprah Winfrey, trong một diễn đàn của phụ nữ, đã có một bài nói chuyện rất sâu sắc về những hướng dẫn tâm linh. Bà gọi nó là Thì thầm.

Chúa luôn bắt đầu nói với bạn thông qua những lời thì thầm. Và ngay bây giờ… vũ trụ đang thì thầm với với bạn về công việc… con cái… về những mối quan hệ. Nếu tôi là bạn, tôi sẽ lắng nghe những lời thì thầm đó. Bởi vì sau đó, bạn sẽ có một sự kích động nhẹ trong đầu… như một cách mát-xa đầu vậy. Nếu như bạn không chú ý đến những lời thì thầm, bạn sẽ kết thúc bằng một vấn đề lớn. Đầu tiên, nó sẽ như một viên gạch rơi khỏi bức tường. Và nếu bạn vẫn không để ý đến viên gạch rơi, cả bức tường sẽ đổ sụp. Bây giờ thì bạn phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng thay vì chỉ một vấn đề như lúc đầu. Nếu bạn vẫn không để tâm đến bức tường đổ, cả ngôi nhà xây trên bức tường đó cũng tan tành, và với bạn thì đó là một thảm họa kinh hoàng. Vì vậy tôi luôn lắng nghe những lời thì thầm. Cuộc sống của bạn đang thì thầm với bạn đấy. Nó nói những gì?

Tất cả những người thành công đều học cách lắng nghe Thì thầm. Tất cả những thành công vĩ đại đều được bắt đầu với việc tuân theo những cú hích mang tính tâm linh hoặc cảm giác yên bình lúc ban đầu. Nếu bạn vẫn chưa thực sự lắng nghe bây giờ, chúng tôi hi vọng là bạn sẽ làm được điều đó trước khi kết thúc cuốn sách này.

Chúng tôi mong sự nhận thức của các bạn sẽ được mở rộng. Phải, chính là nhận thức. Nhận thức về cái gì? Nhận thức về việc có một sức mạnh lớn hơn luôn thúc đẩy và gây ảnh hưởng lên mọi quyết định của bạn. Chúng ta bị thúc đẩy và thúc đẩy hàng ngày. Thành công đến từ việc nhận dạng được những loại thúc đẩy đó. Và bước đầu tiên là học cách tắt tiếng của Than thở, lắng nghe Chân thật. Sau đó là học cách hướng các quyết định của bạn theo trực giác. Nâng tầm độ nhạy cảm của bạn thành sự quyết đoán tâm linh. Bạn có nghe được Thì thầm không? Hay nó có cảm giác đúng đắn không? Nếu không, đừng làm!

Nếu những lực thúc đẩy này thực sự diễn ra trong bạn thì hãy ghi nhớ là chúng cũng diễn ra với những người khác. Một số người lại đi nghe Than thở, khiến họ mất đi rất nhiều tín hiệu tinh tế dẫn họ đến một tương lai tươi sáng hơn. Thỉnh thoảng họ nghe được Thì thầm, thỉnh thoảng lại không. Nhớ là rất nhiều lời cầu nguyện của chúng ta lại được trả lời bởi những con người không chủ định giúp trả lời những câu hỏi đó.

Sau đây là bài tập “Lau trái lau phải” của bạn cho ngày hôm nay. Sau khi bạn tắt tiếng của Than thở, cố gắng lắng nghe Chân thật vài lần trong ngày, mỗi lần vài phút. Cố gắng nhớ lại những lần trong quá khứ khi bạn có linh cảm gì đó. Nhớ lại quá trình xảy ra linh cảm đó.

Nhớ xem cái gì xảy ra trước: tiếng nói, hình ảnh hoặc rung động. Bạn có nghe thấy âm thanh nào không, theo sau là một cảm giác yên bình? Hay bạn có một chớp lóe sáng về tương lai theo sau là một lời thì thầm rồi cảm giác? Hay tất cả những tín hiệu trên xảy ra với bạn? Hay bạn chỉ đơn giản biết là nó đúng và rồi có một giọng nói: “Mày làm được mà”? Hay bạn không nghe thấy lời thì thầm nào, chỉ có cảm giác?

Hãy nghĩ xem bạn ứng với trường hợp nào? Để ý đến cách trực giác bạn làm việc. Tìm một người bạn tin tưởng và chia sẻ những kiến thức về hệ thống “dẫn đường” nội tâm này với họ.

Hẹn gặp lại vào ngày mai.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.