Kiếm Tiền Siêu Tốc
12.
TIỀN Ở ĐÂU? TIỀN ĐƯỢC GIẤU KÍN Ở NHỮNG NƠI BẠN KHÔNG NGỜ TỚI!
Ở chương trước, bạn đã tưởng tượng có 100 triệu đô la. Hãy tưởng tượng tiếp: 100.000.000 đô la
Còn đây là bí mật mà chúng tôi nhắc đến lúc trước.
Đó là 100 triệu đô kia không hẳn chỉ là tưởng tượng mà thực ra bạn luôn có trong mình.
Phải. Bạn vẫn luôn đáng giá 100 triệu đô.
Hẳn bạn sẽ tự hỏi: “Cái gì? Vậy nó đâu, chỉ tôi xem nào.”
Bạn vẫn luôn sở hữu nó. Nó vẫn luôn ở trong và xung quanh bạn. Ngay bây giờ.
Tài sản của bạn được giấu kín ở những nơi bạn không ngờ tới. Nghe điên rồ nhỉ?
Bạn còn nhớ trò chơi Phân loại ở Chương 6 không? Dán mảnh phân loại màu vàng cho mọi thứ xung quanh bạn? “Quan trọng- Mãi mãi” hoặc “Vật chất-Nhất thời”.
Tất cả mọi thứ quan trọng trong đời bạn là vô giá. Tất nhiên đã vô giá thì không thể đong đếm bằng 100 triệu đô hay một tỉ đô cũng vậy. Còn những thứ thuộc về vật chất thì cũng chỉ nhất thời mà thôi.
Nhưng dĩ nhiên, ai trong chúng ta cũng muốn sở hữu những thứ vật chất nhất thời đó càng nhiều càng tốt. Vì vậy 100 triệu đô – kho tàng bị che khuất mà chúng tôi nói đến không hoàn toàn là lý thuyết. Không, chúng tôi nói đến 100 triệu thật, tiền mặt. Có thể bạn sẽ chẳng bao giờ muốn kiếm ra số tiền đó. Được thôi, hãy thử gạch đi hai hoặc ba số 0. Chúng ta còn lại những gì.
100.000.000
Vậy là 100 triệu sẽ còn lại từ 100 nghìn đến một triệu. Bạn nghĩ gì khi chúng tôi sử dụng những con số này.
Bạn có nghĩ: “100 triệu? Mình sẽ chẳng bao giờ kiếm ra nổi số tiền này. Nhưng một triệu – có thể… không?”
Hay bạn sẽ nói: “Một triệu đô? Mình có thể làm được”
Hay: “100 triệu. Được rồi. Hãy thử xem sao. Tiền ơi, mày ở đâu?” Được rồi, hãy nhìn xung quanh bạn xem, đặc biệt là tất cả những thứ bạn đang sở hữu. Soát lại toàn bộ căn hộ/ngôi nhà của bạn. Thử đánh giá giá trị của tất cả vật dụng bạn đang sở hữu.
Một số trong số đó có giá trị. Một số thì gần như “vô giá”. Một số thì bạn mua, số khác được tặng. Không quan trọng giá trị của chúng đến đâu, mỗi thứ đều được làm ra bởi một ai đó. Và bạn hoặc một ai khác đã mua chúng (hoặc tạo ra). Trong cả hai trường hợp, ai đó đã kiếm được tiền từ việc bán những đồ đạc kia. Bạn cũng có thể là một người như thế.
Tính tổng cộng lợi nhuận của những người bán đồ đạc cho bạn cũng phải lên đến ít nhất 100 triệu đô. Nghe có vẻ khó tin? Thử làm phép tính xem sao. Thử nghĩ xem tổng lợi nhuận của công ty bán thảm và sàn nhà cho bạn trong vòng 10 năm trở lại đây là bao nhiêu? Ít nhất năm đến 10 triệu. Vậy còn những thương gia bán các vật dụng trong nhà bếp của bạn? 10 triệu nữa. Công ty điện thoại di động? Hàng trăm triệu… chỉ cho một sản phẩm duy nhất. Trong thực tế, nếu bạn kĩ lưỡng hơn và thực sự điều tra, tổng lợi nhuận của các công ty bán các trang thiết bị phục vụ đời sống hằng ngày của bạn phải lên tới hàng tỉ đô la mỗi năm.
Vậy tại sao chúng ta không trích ra “vài xu lẻ” trong đống tiền khổng lồ đấy? Tất nhiên không phải là tiền “tưởng tượng” rồi, tiền thật sự ấy, trong túi bạn. Nghe hấp dẫn chứ hả?
Chúng tôi đã thực hiện một số nghiên cứu và viết cuốn sách này trong một căn phòng hội thảo được bố trí rất gọn gàng. Có khoảng chục vật dụng trong căn phòng: bàn, ghế, bóng đèn, thảm, cốc nước, đèn chùm, đá lát, những bức tranh trang trí, bút, máy tính, bảng v.v… Chỉ vậy thôi nhưng để trang trí và mua những vật dụng bình thường ấy tiêu tốn cả một gia tài. Khoản tiền đó được trả cho các công ty và các cá nhân khác nhau. Hằng trăm triệu được chi trả bởi hàng ngàn hàng ngàn khách hàng trên khắp thế giới cho các sản phẩm tiêu dùng.
Mỗi một thứ vật dụng bạn nhìn thấy đều mang lại lợi nhuận cho người bán chúng. Bạn có thể đang trắng tay ở thời điểm hiện tại. Có thể đang thất nghiệp. Hoặc đang ngập đầu trong nợ nần. Nhưng những đồ đạc xung quanh bạn (kể cả bạn có đang sống trong một túp lều rách đi chăng nữa), cũng đều mang lại cho ai đó thu nhập. Và chúng vẫn đang có thể mang lại cho họ những lợi nhuận đó. Hãy ghi nhớ lấy điều này!
NHƯNG LÀM SAO MÀ TÔI TIẾP CẬN ĐƯỢC CÁI “SUỐI NGUỒN” CỦA CẢI ĐÓ?
Mỗi thứ bạn đang sở hữu thời điểm hiện tại đều là một manh mối dẫn đến tiền tài cho bạn trong tương lai. Tại sao bạn lại mua chúng? Cái gì đã khiến bạn rút cái thẻ tín dụng đã xài đến tối đa cho phép và tiếp tục mua thêm nợ vào mình? Tại sao lại là những món đồ đó?
Để trả lời câu hỏi này, hãy tưởng tượng bạn phải chuyển nhà đến đầu kia của đất nước và chỉ được phép mang đi một nửa số đồ đạc của mình. Có nghĩa là bạn sẽ phải bằng cách nào đó (bán, cho, vứt) giải quyết một nửa số đồ đạc còn lại trong vòng bảy ngày. Hãy rút ra vài mảnh giấy Phân loại và sắp xếp đồ đạc của bạn theo thang điểm từ 0 đến 10.
0
“Vô giá” trị
Không cần
Giá như không mua
Gai mắt
3
Bán ngay khi có thể
Cho
Vứt ngay khi có thể
Đem cho
7
Hữu dụng
Có lẽ vẫn cần
Cho vào kho
10
Hàng “xịn”
Vẫn “ngon”
Đồ “gia truyền”
Vô giá
Bạn sẽ hiểu hơn bạn thực sự trân quý những gì sau bài tập này. Bạn quý trọng chúng đến mức đem những đồng tiền bạn vất vả kiếm được để mua chúng. Bạn sẽ hiểu tại sao một người như bạn lại bỏ ra từng đấy tiền để sở hữu món đồ đó. Bạn đã mua chúng ở đâu? Mất bao nhiêu tiền? Có mặc cả không hay mua liền tay? Bạn sẽ muốn bao nhiêu nếu bán chúng cho người khác?
Những đồ vật bạn trân quý rất có giá trị đối với bạn. Chúng vẫn khiến tim bạn đập mạnh đúng không?
Những món “báu vật” này, là có ai bán chúng cho bạn, hay bạn tự tìm mua? Phần lớn những vật dụng bạn yêu quý là xuất phát từ những khao khát cháy bỏng rồi bạn tự tìm kiếm để sở hữu sau đó. Có thể là từ Những trang vàng mua sắm, hoặc Google, nhưng thường là bạn phải tìm kiếm chúng.
Giống như bạn, hàng triệu người khác trên thế giới cũng đang mò mẫm để tìm kiếm và sở hữu những thứ mà họ muốn. Là người ai không thích mua sắm? Ngược lại, với tư cách là một nhà kinh doanh, bạn cũng phải tìm cho ra nhu cầu của người tiêu dùng. Nếu như bạn muốn bán thứ gì đó, hãy bán những thứ mà bạn yêu thích. Nếu bạn không thích những thứ mà bạn bán, hãy tìm người khác bán chúng cho bạn. Bước căn bản đầu tiên là nhìn nhận được những món đồ yêu thích bạn đã mua. Sau đó, hãy bán những món đồ tương tự như thế.
Của cải bạn muốn tìm ngoài đời thực phải đi đúng hướng với của cải “sẵn có” trong tâm bạn. Phải, có cả một kho tàng bên trong bạn đang đợi được khám phá. Và sau đây là cách làm.
KHO TÀNG
Bạn hiểu Kho tàng nghĩa là gì không? Theo từ điển thì từ này được định nghĩa như sau:
1. Một nơi cất giữ đồ được chôn giấu (tiền hoặc của cải, vũ khí).
2. Địa điểm bí mật chọn cất tiền hoặc những đồ có giá trị.
Bạn cũng đã sẵn có một kho tàng quý báu ở bên trong đang đợi được “khai quật” và đem vào sử dụng.
Nếu chúng ta lục lọi mọi ngóc ngách trong cơ thể bạn từ khối óc đến con tim xem những gì quý giá nhất? Liệu chúng ta sẽ thu được những gì?
Hãy thử tượng tưởng vui một chút như thế này: Chúng ta có một cặp kính có chức năng tương tự như một máy chụp X-quang, chỉ khác là cặp kính này chỉ có tác dụng dò tìm “kho báu” bên trong bạn chứ không phải vết nứt xương.
Trí óc – Trái tim
Kiến thức Khao khát
Kĩ năng Cảm xúc
Thành công Tài hoa
Thất bại Khôn ngoan
Sợ hãi Kết nối
Mỗi bên mắt kính đo được giá trị và sau đó quy ra tiền mặt. Mắt phía bên trái dùng với những giá trị mang tính lý trí, còn mắt phải đo đếm những giá trị của con tim. Hãy tưởng tượng nếu bạn đeo cặp mắt kính này vào bạn sẽ có thể giúp một người khám phá ra được kho tàng bị chôn sâu của bản thân anh/cô ấy.
Về cặp kính đó có lẽ chúng ta còn phải chờ các nhà khoa học nghiên cứu phát minh ra. Nhưng nếu muốn khám phá kho tàng bên trong bạn thì còn có một cách khác. Đó là một quá trình bao gồm 10 câu hỏi qua đó giúp chúng ta tự khám phá ra chúng ta thực sự là ai. Năm câu hỏi cho con tim và năm cho khối óc. Câu trả lời cho những câu hỏi này giúp chúng ta có thể “tư vấn” cho một cá nhân nên tập trung đầu tư thời gian và công sức vào việc gì để có thể thu lại lợi ích tốt nhất, nói một cách khác, làm sao để kiếm được tiền nhanh nhất.
Quá trình này tập trung vào năm “tài sản” cụ thể của khối óc:
Kiến thức Kĩ năng Thành tựu
Thất bại và những nỗi sợ
Thách thức
Và năm “căn phòng” bí mật của con tim: Khao khát
Cảm xúc Tài hoa Khôn ngoan Sự kết nối
Sau đây là 10 câu hỏi. Trả lời mỗi câu bằng cách sắp xếp ba lựa chọn cho sẵn.
KHỐI ÓC
Kiến thức: Bạn biết gì? (Chuyên môn, từ trường học, từ các sự giáo dục khác)
1.
2.
3.
Kĩ năng: Làm được gì?
(Kĩ năng, năng khiếu, kĩ năng đường phố)
1.
2.
3.
Tự tin: Có thành công gì?
(Tiền, các mối quan hệ, tổ chức)
1.
2.
3.
Thất bại và sợ hãi: Sợ/thất bại gì?
(Bạn làm gì sai/không muốn làm gì?)
1.
2.
3.
Thách thức: Ba cái lớn nhất?
(Vấn đề/tình huống khó xử)
1.
2.
3.
TRÁI TIM
Cảm xúc: Bạn cảm thấy gì?
(Mê hoặc, Hứng thú, Sở thích)
1.
2.
3.
Khao khát: Muốn gì? (Vật chất, kinh nghiệm, xúc cảm)
1.
2.
3.
Tài năng: Giỏi làm gì?
(Bạn thật sự giỏi cái gì?)
1.
2.
3.
Khôn ngoan: Ba bài học lớn nhất đời?
(Bài học rút ra từ những vấn đề/tai nạn/ốm đau…)
1.
2.
3.
Kết nối: Bạn biết ai?
(Ba người bạn thành đạt)
1.
2.
3.
Rất nhiều trong số những tài sản này đã được “lập trình” sẵn từ giây phút bạn chào đời. Tại sao con người ta lại thích đi câu cá? Đi du lịch? Lập cây phả hệ? Ăn kem? Một số “phần mềm” đi kèm với chúng ta từ lúc chào đời và sẵn sàng hoạt động ngay từ giây phút đó. Số khác cần thời gian để phát triển. Nhưng dù gì đi nữa, những tài sản mỗi con người chúng ta khi sinh ra đã có là đủ để đưa mỗi người đến thành công – nếu (tất nhiên rồi…) họ không từ bỏ chúng giữa chừng bởi nghe theo Than thở hoặc những người xung quanh.
Bên cạnh những hứng thú, khao khát và cảm xúc này, chúng ta còn được “khuyến mãi” thêm những tài năng phi thường – năng khiếu, khả năng, xu hướng – những sự kết hợp độc nhất. Một số tài năng hiển nhiên trước mắt: cao hơn hai mét, làm bố/mẹ của hơn 10 đứa trẻ, chiến thắng 10 huy chương vàng trong thế vận hội Olympic, chiến thắng trong cuộc thi viết văn quốc gia. Số khác được khám phá dần dần theo thời gian và qua kinh nghiệm trong cuộc sống.
Một trong những tích nổi tiếng nhất trong Kinh thánh là Câu chuyện ngụ ngôn về Tài năng (Matthew 25:15-19). Một lãnh chúa gọi ba người phục vụ của ông tới và ban cho mỗi người lần lượt năm, ba, và một tài năng. Hai người đầu tiên phát triển tài năng của họ lên gấp đôi và được ban thưởng hậu hĩnh. Người thứ ba, sợ đánh mất tài năng duy nhất của mình, đã giấu nó đi. Anh phục vụ thiếu “năng lực” này sau đó không những không được thưởng mà còn bị lãnh chúa trách phạt.
Mục tiêu của bạn là phải trở thành một “phục vụ” có năng lực, kiếm được gấp đôi vốn đầu tư của mình càng sớm càng tốt. Và để làm được việc ấy, bạn cần tìm được một thứ gì đó bạn yêu thích hoặc giỏi về nó để bán lại (tất nhiên là phải có lãi) cho người khác – cũng đang đi tìm thứ đó, theo một cách mà họ hài lòng nhất.
Khi bạn bán hàng như vậy, nó sẽ không chỉ là “bán”, mà là “phục vụ”. Bạn yêu thích nó thì người mua cũng sẽ yêu thích nó.
Tóm lại, mọi tài năng đều là tiền cả. Bạn có thể biến mọi tài năng thành tiền.
Phần lớn mọi người đều có sở thích riêng. Phần lớn các sở thích đó là sự nuôi dưỡng đến cao trào của những tài năng sẵn có trong mỗi người. Và do đó chúng có thể trở thành nguồn kiếm tiền ngắn hoặc dài hạn cho bạn.
Có cả triệu cách để kiếm một triệu đô, nhưng chỉ có một vài phương pháp lý tưởng để bạn kiếm tiền đi kèm với sở thích của mình. Đó là gì? Cách kiếm sống mà bạn yêu thích? Đó là con đường lý tưởng của bạn – kiếm tiền dựa trên những gì bạn thật sự tận hưởng thú vui và để phục vụ… nhân loại. Bí mật của nó đã sớm nằm sẵn trong người bạn rồi.
VỪA HỌC VỪA LÀM
Nếu bạn nhìn vào bảng danh mục về các ý tưởng kinh doanh, phần lớn chúng sẽ yêu cầu về học vấn, đào tạo và học hỏi từ kinh nghiệm. Điều này cũng đồng nghĩa với rất nhiều thời gian để “tiêu hóa” các thông tin sẵn có và không ngừng tiếp thu thêm những kiến thức mới. Đó còn chưa kể sau đấy bạn phải thực hành những kiến thức đó để biến chúng thành kĩ năng của riêng bạn. Giống như việc học một thế giao bóng mới trong tennis, nó sẽ yêu cầu bạn quên thế giao bóng cũ và tiếp thu thế mới. Tóm lại, bạn sẽ chơi dở đi trước khi chơi khá lên. Điều này áp dụng với mọi kĩ năng khác.
Tiền kiếm được nhanh nhất, như chúng ta đã nói, đó là từ việc bạn làm những gì bạn yêu thích. Tại sao? Tại vì bạn đã quen thuộc với công việc đó và vì bạn thật sự vui thích khi làm nó. Bạn sẽ không phải mất nhiều thời gian để “học” làm việc đó. Bạn đã ở vị trí xuất phát, sẵn sàng cho cuộc đua.
Điểm chung của bốn vòng tròn ở hình tr. 224 (kĩ năng, kiến thức, cảm xúc, cảm hứng)
chính là… vàng mười của bạn. Đó là khi bạn dùng những kĩ năng, kiến thức, cảm xúc của chính mình để tạo ra sản phẩm, dịch vụ và/hoặc những thông tin mà bạn có cảm hứng thực hiện. Đó là điểm vàng. Là cái mà chúng tôi gọi là đòn bẩy. Cả bốn thuộc tính trên không nhất thiết phải cùng xuất hiện nhưng… bạn biết đấy, càng nhiều càng tốt mà.
Quá trình tích lũy kiến thức, sự tự tin và kĩ năng có khi kéo dài nhiều năm trời. Trong khi bạn thì không có nhiều thời gian như vậy. Bạn chỉ có 90 ngày kể từ bây giờ.
Liệu sẽ tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều nếu bạn không phải học thêm những kiến thức và kĩ năng mới. Thay vào đó, bạn biến những gì mình đang có ngay bây giờ thành tiền?
Chúng tôi gọi cách tiếp cận đó là “quả ở tán cây thấp.” Và quả ở thấp thì đương nhiên dễ hái. Bạn đã biết hết mọi thứ rồi. Bạn không cần phải rèn luyện để học thêm một thứ gì mới. Bạn đã giỏi trong việc đấy rồi. Bạn có thể chỉ cần vươn tay ra là hái được trái cây chín tới ở ngay trước mặt. Nó đã sẵn sàng để hái, ngay bây giờ.
Đó là nơi bạn sẽ bắt đầu. Bạn đã sẵn sàng làm điều gì bây giờ? Không cần thời gian xuất phát. Không cần khởi động. Quên 90 ngày đi. Bạn có thể làm nó trong 90 phút.
Càng lên cao thì càng khó hái quả, vì chúng ở ngoài tầm với của bạn. Bạn sẽ cần thêm một cái thang. Những trái cây này là hình ảnh ẩn dụ cho những “kho báu” của bạn – những tài năng và năng khiếu chưa được phát triển hết. Bạn có thể phải học hoặc nghiên cứu sâu thêm những gì bạn chưa biết nhưng luôn có hứng thú với chúng. Hãy chăm chỉ đi tới các lớp học và các buổi hội thảo. Sau đó là luyện tập để biến những kiến thức thu được thành những kĩ năng. Và quá trình này hiển nhiên sẽ tốn thời gian của bạn hơn 90 ngày.
Trên đỉnh của ngọn cây là những quả ngon nhất, quý nhất… to nhất mà hiếm người trèo được đến nơi. Bạn sẽ phải chấp nhận nhiều mạo hiểm hơn nếu muốn hái những quả này. Tất nhiên lượng kiến thức và kĩ năng yêu cầu cũng cao hơn. Cách nhanh nhất là được những người đi trước – những người có đủ kiến thức, kĩ năng, tự tin và đã từng thành công hướng dẫn để bạn học hỏi theo. Hãy để họ giúp bạn leo lên càng cao càng tốt đến khi bạn tự đủ sức để leo tiếp phần còn lại. Nhưng kể cả khi bạn đã là “chuyên gia”, hãy luôn nhớ làm việc theo nhóm bởi việc này có thể mất nhiều tháng. Thậm chí nhiều năm.
Tuy nhiên, cuốn sách này tập trung chủ yếu vào những trái cây ở tán dưới – nhằm giúp bạn kiếm tiền nhanh nhất có thể.
Vì vậy chúng tôi có một số câu hỏi cho bạn như sau:
Bạn làm gì? Bạn là ai?
Bạn kiếm tiền để sống cuộc sống mơ ước của mình như thế nào? Cái gì thu hút tiền bạc về phía bạn?
Tại sao người khác lại muốn trả tiền cho bạn?
Đó là bởi bạn sẽ làm cho họ một số việc mà họ, sẽ không thể làm tốt như bạn. Đó là những gì bạn sẽ làm. Đó là con người của bạn.
Hãy trở thành con người đó. Càng sớm càng tốt.
BẮT ĐẦ U TỪ NHỮNG BƯỚC ĐI NHỎ
Bạn hẳn là đang tự hỏi mình bằng cách nào chúng ta có thể biến “nội lực” thành tiền mặt?
Chúng tôi muốn lấy Muhammad Yunus – người được giải
Nobel Hòa Bình 2006 và là người sáng lập ngân hàng Grameen, như một ví dụ cho câu hỏi trên. Ông ấy đã làm việc với những “doanh nhân tập sự” trong hơn 30 năm qua, khởi đầu ở Bangladesh – một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Ông cố gắng hướng dẫn cho những phụ nữ nghèo – hơn 100 triệu người trên thế giới, làm thế nào để kiếm được tiền nhanh nhất, để họ có thể vượt qua chuẩn nghèo, tự chăm lo được cho bản thân và cho gia đình mình.
Nhu cầu kiếm tiền của những người phụ nữ này là hoàn toàn khác so với phần lớn chúng ta. Đối với họ, hoặc là kiếm ra tiền, hoặc là chết đói. Họ không có 90 ngày. Hay thậm chí chín ngày. Họ có những thời hạn rất thực, họ phải kiếm ra tiền ngay trong ngày mai nếu không những đứa con của họ sẽ bị đói.
Cách tiếp cận của Yunus ban đầu xem ra đi ngược lại với tất cả những gì chúng ta biết. Ông “dạy” cho hàng chục triệu phụ nữ nghèo cách kiếm sống để họ có thể tự lo cho mình.
Ông nói: “Chúng tôi cho những phụ nữ nghèo nhất Bangladesh vay tiền. Họ nhận tiền và bắt đầu những kinh doanh nhỏ lẻ với số vốn có khi chỉ 30-40 đô la. Những buôn bán nhỏ đến mức chúng khó có thể được gọi là kinh doanh. Tôi thì cho rằng chúng chính là kinh doanh cho dù nhìn từ góc độ nào đi nữa. Quy mô của những kinh doanh này không khiến chúng nhỏ đi chút nào trong tâm trí của những người vay tiền để thực hiện chúng. Họ sẽ phải đi lên từng chút, từng chút một, cho đến khi thoát nghèo thành công.”
Vậy ông ấy đã dạy họ những gì? Ít hơn những gì bạn nghĩ. Trái ngược lại với những khóa đào tạo thoát nghèo – luôn dạy những kiến thức “giá trị” và kĩ năng cho người nghèo ở những nước kém phát triển, Muhammad Yunus không “dạy” cho họ bất kì thông tin nào để kiếm tiền cả.
Khi mới biết điều này, chúng tôi cũng không thể tin vào tai mình. Chẳng phải một người phải học mới biết cách kiếm tiền sao? Mọi người đều nghĩ chìa khóa cho sự thành công là ở chỗ biết cách làm-sao? Chính vì thế những cuốn sách làm-sao mới nhan nhản trên thị trường. Chẳng nói đâu xa, đó cũng có thể chính là lý do bạn mua quyển sách này. Vậy thì, tại sao Yunus và tổ chức của ông ta lại chẳng dạy gì cho những người vay tiền?
Sở dĩ là vì ông ấy hiểu rằng càng học thì con người ta càng u mê. Điều này thoạt nghe thì có vẻ phản khoa học, nhưng đó thật ra chính là chân lý của sự học. Kiến thức như chất gây nghiện. Thường thì, bạn biết càng nhiều, bạn càng nghĩ bạn vẫn chưa biết đủ để bắt đầu làm một việc gì đó.
Yunus không muốn một ai trong số những người vay bị phân tâm bởi những kiến thức và kĩ năng mới – những thứ họ không có. Thay vào đó, ông muốn họ xuất phát tại thời điểm hiện tại, với những thứ họ đã sẵn có.
Chỉ với một điều kiện thế này: Mỗi một phụ nữ phải có đủ tự tin để thu hút thêm bốn người phụ nữ khác để lập thành một nhóm năm người. Họ trở thành một nhóm giúp đỡ lẫn nhau. Mỗi người trong nhóm cùng suy nghĩ, đánh giá ý tưởng kiếm tiền của những thành viên còn lại. Sau đó, ngân hàng Grameen sẽ cho mỗi người vay một khoản tiền để bắt đầu kinh doanh. Những người này không có bắt kì một vật thế chấp nào ngoài nhóm năm người đó. Khoản nợ trên phải được thanh toán theo tuần. Và 98% trong số đó được hoàn lại – một con số không tưởng so với những ngân hàng thương mại truyền thống khác.
Những người phụ nữ này “khởi nghiệp” ngay tại nơi họ đứng với những gì họ có trong tay.
Trong một cuộc phỏng vấn, Tiến sĩ Yunus giải thích cơ chế vận hành của hình thức cho vay như sau:
Các hình thức đào tạo truyền thống là mối đe dọa cho những người vay. Con người học hỏi tốt hơn, dễ hơn và thoải mái hơn nếu đó là từ những người xung quanh. Một người nghèo có rất nhiều khả năng, kĩ năng – những thứ chưa được khai thác, ví dụ như đan rổ, chăn nuôi gia súc gia cầm, hay bất kì thứ gì họ làm trong gia đình. Một khi được tạo cơ hội, dù là thứ gì đi nữa, họ cũng có thể biến nó thành một công việc kinh doanh.
Họ làm những gì mà họ thích, cùng lúc đó kiếm ra tiền. Phụ nữ có thể khâu vá, tạo ra những bộ quần áo đẹp. Họ thích làm ra những bộ quần áo đẹp. Họ thích thú khi những bộ đồ đó được những người cùng làng mua bởi sau đó họ có thể tự hào nói: “Tôi may những bộ đồ đó”. Họ có thể chứng tỏ cho những gia đình khác rằng họ có thể làm tốt hơn những người khác trong việc thiết kế và may trang phục. Điều này là hết sức tự nhiên. Bạn không nhất thiết phải mở trường dạy nghề cho mọi thứ. Đi học là một chuyện tốt, nhưng nó chỉ tốt khi bạn đã dùng hết những kĩ năng của mình. Sau đó thì bạn cần/nên học thêm những thứ mới. Nhưng với những người này thì khả năng của họ vẫn chưa được khai thác hết. Vậy nên họ không cần trường đào tạo nào cả.
Mỗi một con người có những khả năng to lớn khóa kín bên trong. Chúng ta đã cho họ cơ hội để biết những gì họ có khả năng làm, những gì họ cất giữ bên trong chưa? Những hình thức cho vay nhỏ lẻ giúp họ khám phá năng lực của bản thân tốt nhất có thể.
Đó cũng chính là lời khuyên của chúng tôi cho bạn. Hãy bắt đầu với những gì bạn đang có, tại ngay nơi bạn đang đứng (hoặc ngồi.) Đó là những quả dễ hái. Đó là tầng thứ nhất của kĩ năng, như Yunus đã nói.
HÃY CHỌN MỘT SỐ QUẢ NHẤT ĐỊNH
Những quả dễ hái của bạn là những quả gì? Bạn đã giỏi trong những lĩnh vực gì?
Hãy quay lại bài tập “Dò tìm kho báu” ở trên.
Nếu cuộc sống của bạn phụ thuộc vào việc kiếm ra tiền ngay lập tức, bạn sẽ chọn trong mỗi phân mục một nguyên liệu gì?
Hãy dung hợp cả 10 nguyên liệu trên thành một ý tưởng duy nhất. Nếu bạn muốn làm một việc gì đó trong vòng 90 phút sắp tới để có thể tạo ra lợi nhuận trong vòng 90 ngày thì đó có thể là việc gì?
Mang theo ý tưởng đó của bạn vào chương kế tiếp. Chúng tôi sẽ chỉ cho bạn cách thành lập một nhóm hành động để đưa ý tưởng đó vào thực tế.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.