Kiếm Tiền Siêu Tốc
PHẦN BỐN GIÀU NHANH – 14
CHIẾC NÓN KÌ DIỆU CỦA RIÊNG BẠN: BIẾN Ý TƯỞNG THÀNH TIỀN
Mọi người đều có thể trở nên tuyệt vời, bởi vì ai cũng có thể có ích lợi.
– MARTIN LUTHER KING, JR.
Hãy tưởng tượng bạn quay trở lại căn bếp để nấu món Giàu có. Bạn đang chuẩn bị nguyên liệu để nấu, đã có sẵn ba nguyên liệu với hàm lượng vừa đủ để trước mặt:
Một phần Trầm trồ. Bạn có một hình ảnh cụ thể về một cuộc sống giàu có hơn bạn vẫn hằng mong muốn. Bạn để bức ảnh về cuộc sống đó trước mặt để được liên tục nhắc nhở mình cần làm những gì. Bạn nhớ lại những kí ức thành công trong quá khứ. Bạn biết mình có thể làm được ngay từ bây giờ.
Một phần Tiếng nói nội tâm. Bạn hiểu rằng công thức này chính xác là thứ bạn cần để đi tới thành công. Bạn đã sẵn sàng. Quan trọng hơn, bạn mong muốn đạt được thành công trong cuộc sống. Đến mức gần như không ngủ được. Bạn thật sự mong mỏi nó. Không thứ gì có thể khiến bạn phân tâm lúc này.
Một Nhóm hành động được lựa chọn kĩ càng. Bạn đang nghiên cứu các cơ hội làm ăn với nhóm của mình dựa trên những kiến thức, kĩ năng và cảm giác bạn đang có. Bạn đã sẵn sàng để rút gọn bản danh sách các ý tưởng xuống còn những cơ hội có tỉ lệ thành công cao, thu được nhiều lợi nhuận, kiếm được tiền nhanh.
Bạn đang rất mong mỏi được trở thành một người phục vụ “có lợi ích”.
Một người phục vụ có lợi ích? Đó không phải là một phép so sánh khập khiễng. Hai từ phục vụ và lợi ích đi kèm với nhau rất hoàn hảo. Phương châm của tổ chức Rotary quốc tế trong hàng trăm năm qua đã nói lên tất cả: “Ai phục vụ tốt nhất, sẽ kiếm được nhiều lợi nhuận nhất.”
Chúng tôi tin điều này bằng cả trái tim. Bạn thì sao?
Có hai cách để thu được lợi ích: (1) Tìm ra lợi ích và (2) Tạo ra chúng.
Trong bộ phim The Sixth Sence (Giác quan thứ sáu), Haley Joel Osment đã nói: “Tôi có thể nhìn thấy người đã chết.” Một nhà kinh doanh giỏi cũng có thể “nhìn được các cơ hội.” Ẩn giấu. Khắp mọi nơi. Trên thế giới này, một số người rất giỏi trong các môn thể thao. Một số lại giỏi với âm nhạc. Số khác rất giỏi quản lý những người khác. Và một số lại giỏi trong việc “đánh hơi” thấy cơ hội làm ăn.
Họ giỏi trong việc nhìn ra được cơ hội sinh lời – làm như thế nào để cải tiến những sản phẩm/dịch vụ/và thông tin có sẵn. Họ có thể làm việc đó một cách dễ dàng như biến chúng rẻ hơn, nhanh hơn, hấp dẫn hơn, thú vị hơn – tóm lại, nhiều giá trị hơn. Họ biến mọi thứ họ chạm vào tốt đẹp hơn và qua đó, kiếm được một khoản lợi nhuận từ việc cải tiến chúng.
Nhà tỉ phú Richard Branson[1] sẽ không phải là tỉ phú nếu như ông không nhìn thấy những giá trị tiềm ẩn và khai thác được chúng một cách tối đa. Mấy ai biết tiền thân của những Virgin Records, hàng không Virgin Atlantic, và bây giờ là hơn 200 các công ty trực thuộc tập đoàn Virgin trên toàn thế giới chỉ là một tờ báo nhỏ cho sinh viên, mang tên Student, được thành lập bởi mấy nhà kinh doanh “tiền lẻ”. Như ông miêu tả lại trong cuốn sách Mặc kệ nó, làm tới đi (Screw It, Let’s Do It).
[1] Người đứng đầu tập đoàn Virgin, ông được xếp thứ năm trong danh sách các doanh nhân giàu nhất nước Anh và xếp thứ 254 trong danh sách tỷ phú của tạp chí Forbes năm 2011.
Tôi đã rất chú ý việc tại sao các bạn trẻ lại phải dành hết số tiền ít ỏi của mình để mua các cuốn sổ ghi chép. Khi chính phủ Anh ban bố luật Chỉnh sửa giá bán lẻ các mặt hàng, các cửa hàng bán sổ ghi chép vẫn không giảm giá. Tôi ngay lập tức nhận ra khoảng cách và cho in một dòng quảng cáo về sổ ghi chép giảm giá, nhận đặt hàng qua hòm thư trên tờ Student. Phản ứng của mọi người là rất bất ngờ. Tôi cũng không nghĩ nó sẽ thành công đến như thế và là sự khởi đầu của Virgin như ngày nay. Chúng tôi đi rải tờ rơi và chỉ sau một đêm, chúng tôi thu về được hàng thúng đơn đặt hàng thậm chí kèm cả séc và tiền mặt trong đó.
Những gì Branson đã làm được gọi là Đi tìm ra lợi ích.
Những Người phục vụ có lợi ích khác cũng rất giỏi trong việc tạo ra lợi ích. Họ sáng tạo ra những chiêu thức phục vụ khách hàng rất mới lạ, độc đáo đến độc nhất vô nhị. Họ tạo ra các sản phẩm. Tỉ phú Steve Jobs đã thay đổi hẳn một ngành công nghiệp máy tính cá nhân, đem lại lợi ích cho hàng triệu người. Trở lại những năm 1976 khi ông và Steve Wozniak xây dựng Apple từ cái ga-ra của họ, tất cả những gì họ có là niềm đam mê với các sản phẩm điện tử và ước muốn tạo nên những thứ “tuyệt vời đến điên rồ.” Cũng với niềm đam mê đó đã tạo nên một ngành công nghiệp số mới với iPod và iTunes. Ông cũng tạo ra cả một gia tài với chiếc iPhone lừng danh của mình.
Còn bạn? Bạn đã bao giờ có một ý tưởng làm ăn nào chưa? Thậm chí là những ý tưởng đáng giá cả triệu đô? Bạn đã bao giờ nghĩ đến việc biến ý tưởng của mình thành hiện thực chưa? Đã bao giờ nghĩ đến việc tìm mua một mảnh đất (đi tìm lợi ích) hoặc tạo ra một sản phẩm độc đáo (tạo ra lợi ích) chưa? Bất kể bạn làm gì, cải tiến những thứ có sẵn hay tạo ra những sản phẩm mới, bạn đều đang là những người phục vụ có lợi ích.
CÁI GÌ KHIẾN CÁC NHÀ KINH DOANH TÌM ĐƯỢC CON ĐƯỜ NG LÀM GIÀU TỐT HƠN NHỮNG NGƯỜI KHÁC?
Bạn thích sáng tạo ra những sản phẩm/dịch vụ/ý tưởng mới bởi vì đó là con người bạn. Bạn không cần động cơ để làm những điều đó. Đơn giản là bạn không thể KHÔNG làm. Cũng giống như hít thở vậy. Cũng giống như việc bạn phải thức dậy vào mỗi buổi sáng. Điều đó còn hơn cả khao khát. Nó chính là ý nghĩa sự sống của bạn.
Nếu bạn muốn trở thành một người phục vụ có lợi ích, hãy tìm ra thứ bạn thật sự yêu thích. Đó sẽ là trung tâm cội nguồn của việc kinh doanh của bạn sau này, cung cấp sức sống cho bạn.
Có thể coi đây như một ví dụ, Allyson Ames bắt đầu làm bánh từ năm cô năm tuổi. Trước khi bước sang tuổi 20, cô mở tiệm bánh Wonderland Bakery cùng với mẹ cô, bà Sondra. Họ thực sự đam mê với nghề làm bánh. Nếu không tin, bạn có thể truy cập vào website của họ: www.wonderlandbakery.com. Cảnh báo trước là những cái bánh trông rất hấp dẫn sẽ khiến bạn muốn mua ngap lập tức đấy. Trong vòng ba năm ngắn ngủi, họ đã đi lên từ con số 0 cho đến doanh thu hàng triệu đô từ những chiếc bánh “ngon tuyệt hảo” này. Đó là “trái tim” cho việc kinh doanh – bạn phải yêu thích những gì mình làm.
BA CÔNG THỨC LÀM GIÀU
Với tư cách là một nhà kinh doanh, bạn có ba hạng mục để sáng tạo và kinh doanh: sản phẩm, dịch vụ và thông tin.
Sản phẩm
Sản phẩm là các đồ vật như ô-tô, giày dép, bút chì… Đại khái như thế. Tóm lại việc của bạn là mua và bán vật chất cụ thể – hay như một số người thường nói, những vật cứng, có hình thù cụ thể như những đồ vật trong nhà, hoặc… bản thân cái nhà nói chung. Nói cách khác, các vật dụng. Nghệ sĩ hài George Carlin đã từng có một đoạn tự thoại về vấn đề này. Ông nói: “Nhà của bạn thực ra chỉ là một đống đồ đạc được che phủ… Nhà của bạn thực ra là một cái kho để bạn giữ đồ trong khi đi ra ngoài để kiếm thêm những món đồ khác.” Của cải được tạo ra nhờ việc bán đồ cho những người khác.
Dịch vụ
Dịch vụ là khi một người khác làm điều gì đó cho bạn. Dịch vụ là khi bạn thuê một người có kỹ năng, thời gian của anh ta, tài năng của anh ta để cải tiến các sản phẩm của bạn. Ví dụ, bạn có một cái ô-tô – một sản phẩm – nhưng nó đang bẩn và bạn đưa nó đến hàng rửa xe. Họ rửa xe cho bạn và bây giờ bạn có một chiếc xe bóng loáng và sạch sẽ. Họ đã áp dụng kĩ năng (rửa xe) và bỏ ra thời gian (công sức lao động) để đem lại cho bạn kết quả là một chiếc xe sạch.
Nếu bạn là một nhà kinh doanh dịch vụ, thì bạn sẽ dùng các kĩ năng của mình để làm những việc cho người khác, những việc mà họ không thể hoặc không muốn tự làm. Ví dụ, trong nhà của chúng ta, chúng ta thuê rất nhiều dịch vụ – từ cô ô-sin, người quét thảm, người lau bể bơi, đến anh diệt kí sinh trùng. Khi có một thứ gì đó hỏng hóc, chúng ta cũng gọi người đến sửa. Từ thợ điện tử, đến thợ điện, thợ sửa ống nước, thợ khóa, điện thoại và các thiết bị nghe nhìn… Rồi những người chuyển phát cũng thường đưa đồ đến tận nhà cho chúng ta như hoa, thư chuyển phát nhanh, bưu phẩm. Khi chúng ta cần đi ra sân bay chúng ta có thể gọi một chiếc taxi. Có người làm dịch vụ cho người khác và được trả tiền như kế toán hoặc văn phòng du lịch.
Một dạng nữa của dịch vụ là giải trí. Chúng ta theo dõi người khác sử dụng các kĩ năng của họ – như thể thao, ca nhạc, hài kịch. Chúng ta trả tiền cho việc đó. Họ càng tài năng, thì càng kiếm được nhiều tiền. Chính trị gia là các nhà cung cấp dịch vụ. Khi bạn được trả tiền để sử dụng kĩ năng của bạn, bạn đang thực hiện một dịch vụ có lợi ích. Bạn sở hữu loại kĩ năng nào mà người khác có thể muốn thuê bạn? Một trong những cách nhanh nhất để kiếm tiền đó là tìm cho ra những người cần sử dụng dịch vụ của bạn và bán chúng trực tiếp.
Nhưng điều này cũng nảy sinh một vấn đề nghiêm trọng: đó là bạn sẽ không thể ngừng cung cấp dịch vụ đó. Ví dụ thế này, một luật sư hay bác sĩ có thể kiếm được rất nhiều tiền, đúng không? Nhưng họ chỉ có thể kiếm tiền nếu như họ còn làm việc. Nếu họ ngưng cung cấp dịch vụ của mình, tiền cũng ngưng theo. Chúng ta phải hướng tới những dịch vụ mà khi chúng ta không làm nữa mà vẫn kiếm được tiền – dịch vụ phụ trội, kiếm được tiền ngay cả khi đã ngủ.
Thêm nữa, ngành kinh doanh dịch vụ là một ngành xoay quanh người lao động. Việc kinh doanh dịch vụ thực chất là kinh doanh sức người, và bạn chỉ có thể phát triển thông qua việc thuê và quản lý thêm người. Chúng ta phải hướng đến những việc kinh doanh mà bạn có thể kiếm được nhiều nguồn thu nhanh nhất và dễ nhất. Bạn có thể bán cả 10 ngàn những ứng dụng nhỏ chỉ bằng một cú điện thoại. Nhưng có còn dễ không nếu đó là 10 ngàn lần lau thảm.
Bởi những hạn chế này nên chúng tôi sẽ không dành nhiều thời gian đi sâu vào dạng kinh doanh dịch vụ này. Hãy chỉ nghiêm túc suy nghĩ về lựa chọn này nếu mục đích sống của bạn là để làm những dịch vụ kiểu đó. Tóm lại, nếu bạn tìm được công việc dành cho bạn thì hãy cứ đi theo con đường đó. Cầu Chúa phù hộ cho bạn. Bạn đã tìm được lựa chọn cho mình. Chúng tôi đã đi theo con đường viết sách và đào tạo. Đó là lựa chọn của chúng tôi, là một phần trong mục đích cuộc đời. Do đó, chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian cho những hoạt động dạng này, kể cả khi nó không thật sự mang lại những lợi ích phụ trội nào.
Thông tin
Bạn mua thông tin khi mà bạn trả tiền cho kiến thức của những người khác. Người đó dạy bạn làm một việc gì đó. Bạn học những kiến thức mà người khác lựa chọn, sắp xếp cho bạn.
Những sản phẩm thông tin chủ yếu là dưới dạng bí quyết, kỹ năng. Làm sao để có thể bắt đầu một công việc kinh doanh. Làm sao để giữ hôn nhân hạnh phúc. Làm sao để giảm cân. Làm sao để làm một việc gì đó. Những thông tin này có thể được chia sẻ qua sách báo, các buổi hội thảo, các báo cáo, trang web, hội nghị, các buổi trò chuyện, gia sư… vô cùng. Mỗi người có một tài khoản ngân hàng về kiến thức và kĩ năng. Bạn có biết có người sẵn sàng trả tiền để có thể được bạn dạy lại những kiến thức đó không? Bằng việc chia sẻ những kiến thức và kĩ năng với những người khác, bạn có thể thu được những lợi ích phụ trội – đôi khi rất nhanh. Chúng tôi sẽ chỉ bạn cách làm ở chương sau.
SDT [1] C Ủ A B Ạ N
[1] S (Sản phẩm), D (Dịch vụ), T (Thông tin).
Bước đầu tiên là tạo được một bản kê khai các sản phẩm, dịch vụ, hoặc thông tin có thể bán được của bạn. Hay nói cách khác, bạn có những thứ gì có thể bán được trong lúc này? Nếu bạn gia nhập với thế giới hoặc online hoặc mặt đối mặt thì bạn có sản phẩm gì có thể bán được? Kĩ năng gì? Thông tin gì?
Với tư cách là một nhà kinh doanh, một người giải quyết các vấn đề, một nhà phát minh, bạn phải tìm ra những người đang gặp phải vấn đề mà bạn có thể giải quyết được. Bạn không thể chờ những người khác cần đến sản phẩm/dịch vụ/ thông tin của bạn. Tiền có thể kiếm được nhiều… nhưng đấy không phải lý do chính. Đó chỉ là một mặt của vấn đề. Bạn là một nhà kinh doanh và bạn thích giải quyết các vấn đề.
ROBERT ALLEN: Tôi bắt đầu mua bất động sản như một nhà đầu tư. Bất động sản là một sản phẩm. Tôi thích nó. Rất thích. Sau đó tôi trở thành một nhà môi giới và học cách để bán bất động sản cho người khác. Đó là kinh doanh dịch vụ. Sau đó tôi nhận ra mình không thực sự yêu thích công việc đó. Do đó tôi tổ chức những hội thảo bất động sản của riêng mình, dạy cho mọi người những gì tôi biết về bất động sản. Đó là kinh doanh thông tin. Tôi thật sự đam mê nó. Tôi có thể kiếm tiền từ cả ba lĩnh vực trên nhưng đi dạy là niềm đam mê của tôi.
MARK VICTOR HANSEN: Tôi bắt đầu với một công ty marketing về trắc địa (kinh doanh sản phẩm.) Tôi rất thích công việc đó cho đến Lệnh cấm vận dầu mỏ năm cuối thập niên 1970. Kinh doanh coi như buộc phải chấm dứt. Tôi đi đến một ý tưởng viết một cuốn sách (kinh doanh thông tin) và bán được 20 nghìn cuốn khi nói chuyện với các thính giả như một diễn giả (kinh doanh dịch vụ). Tôi vẫn kiếm được kha khá từ việc nói chuyện với mọi người trên toàn thế giới. Sau đó, cùng với Jack Canfield, chúng tôi viết bộ sách Hạt giống tâm hồn (kinh doanh thông tin). Quá tuyệt!
Nếu bạn mở cuốn Những trang vàng ra bạn sẽ bắt gặp hàng ngàn các công việc kinh doanh khác nhau. Phần lớn vẫn có thể phân loại ra sản phẩm, dịch vụ và thông tin:
SẢN PHẨM – DỊCH VỤ – THÔNG TIN
(Vật chất) – (Làm gì đó cho bạn) – (Dạy bạn làm gì đó)
A. Ô tô – Phụ tùng ô tô – Trung tâm lái xe ô tô
B. Sản phẩm làm đẹp – Thẩm mỹ viện – Trung tâm dạy thẩm mỹ
C. Máy tính – Sửa chữa máy tính – Đào tạo Tin học
D. Chỉ nha khoa- Nha sĩ – Đại học răng hàm mặt
Bạn hãy xem mình có thể cung cấp những sản phẩm, dịch vụ thông tin gì bằng cách điền vào ô trống sau:
E
F
G
AI SẼ LÀ NGƯỜI TIÊU DÙNG CHO NHỮNG SẢN PHẨ M, DỊCH VỤ, THÔNG TIN BẠN CUNG CẤ P?
Liệu các sản phẩm, dịch vụ, thông tin (từ đây sẽ được gọi tắt SDT) của bạn sẽ được bạn bán trực triếp cho người sử dụng chứ? Nếu có thì nó được gọi là K đến K, kinh doanh đến khách hàng.
Liệu bạn sẽ bán SDT của mình cho một nhà kinh doanh khác? Nếu có thì nó được gọi là K đến K, kinh doanh đến kinh doanh.
Liệu bạn sẽ là một thành viên trong một mạng lưới marketing, và cố gắng giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến khách hàng, với cơ hội biến họ thành một phần của mạng lưới? Nếu có, đó gọi là K đến K, kinh doanh đến kinh doanh mạng lưới. (Bạn không chỉ bán các mặt hàng thực phẩm bổ sung, bạn bán cả một mạng lưới thực phẩm bổ sung.)
Cũng có thể SDT của bạn sẽ được bán cho một tổ chức từ thiện để giúp họ có thể thu hút được nhiều nguồn vốn hơn – kinh doanh đến từ thiện (K đến T). Một người bạn của chúng tôi Wayne Dyer đã bán sản phẩm thông tin của mình cho PBS và giúp họ thu hút vốn cho chương trình đang thực hiện của họ tên gọi Phố Vừng.
Tóm lại:
K đến K: Kinh doanh đến khách hàng
K đến K: Kinh doanh đến kinh doanh
K đến K: Kinh doanh đến kinh doanh mạng lưới
K đến T: Kinh doanh đến từ thiện
Vậy thì, chiếc nón kì diệu của bạn sẽ có hình dạng như hình vẽ ở phía dưới đây. Đây là những câu hỏi Tại sao, Ai, Cái gì, Bao giờ, và Ở đâu mà công việc kinh doanh của bạn cần trả lời: Tại sao? Ở đâu? Khi nào? Ai? Tại sao bạn thích sáng tạo? Bốn laoij khách hàng chính. Sản phẩm – dịch vụ – thông tin. Hàng triệu cách để tạo ra thị trường SDT của bạn.
Mục đích của bạn với tư cách là một nhà kinh doanh đó là dò tìm trong con tim và khối óc của mình những cơ hội có thể làm giàu từ những SDT bạn yêu thích. Tuy nhiên, một trong những kho báu phong phú nhất theo kinh nghiệm của chúng tôi lại xuất phát từ một nơi ít ai ngờ đến nhất – các vấn đề của bạn.
Trước khi bạn quyết định lối đi cho mình, hãy chắc chắn bạn đã kiểm tra lại các vấn đề có thể đã theo bạn cả đời, xem liệu chúng có khả năng sinh lợi nào không.
Sau đây là bài tập “Lau trái lau phải” của bạn trước khi chuyển sang chương mới. Hãy viết một danh sách 10 thách thức lớn nhất đối với bạn cho đến thời điểm này.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.