Kiếm Tiền Siêu Tốc
17.
KIẾM TIỀN TỪ KINH DOANH THÔNG TIN
Nếu bạn tin và khao khát một thứ gì đó, bạn sẽ có thể đạt được nó.
– ROBERT G. ALLEN
Như chúng ta đã biết, có ba con đường chính để kiếm tiền. Ngoài cách kiếm tiền truyền thống là qua lương thưởng, bạn có thể kiếm tiền thông qua “lợi nhuận”. Lợi nhuận kiếm được thông qua việc bán sản phẩm: hàng hóa, dịch vụ và thông tin.
Sản phẩm
Dịch vụ
Thông tin
Dựa vào kinh nghiệm của chúng tôi, một trong những cách nhanh nhất đó là kinh doanh thông tin. Hãy đọc câu chuyện dưới đây như một ví dụ.
137.000 ĐÔ TRONG 45 NGÀY BẮT ĐẦU TỪ CON SỐ 0
Nicki đang ngồi trong một buổi hội thảo mang tên “Giải mã bí mật các triệu phú.” Và cô ấy đã giải mã được chúng. Sau đây là cách cô đã làm.
Cô ấy đã nghe một diễn giả khách mời của chúng tôi – chuyên gia marketing Jay Abraham, nói về việc tìm ra một sản phẩm trên thị trường để bán. Bạn thấy đấy, bạn thậm chí còn không cần một sản phẩm của riêng mình. Có hàng triệu các mặt hàng đang nằm sẵn trong kho chỉ chờ người đến và đề nghị… được bán chúng. Đó là những “trái nằm ở tán cây thấp”. Chúng ở xung quanh chúng ta.
Mọi công việc kinh doanh đều cần sự trợ giúp trong việc bán hàng. Một số thì đặc biệt cần. Có một số người rất kém trong khâu bán hàng này. Họ có thể rất giỏi trong việc tạo ra các sản phẩm tốt nhưng lại rất “vụng về” trong việc tìm cách bán chúng. Và đó là cơ hội của bạn.
Jay Abraham khuyên chúng ta nên chọn một phân khúc sản phẩm phù hợp với hướng đi của mình – tức là những gì chúng ta thích bán vì tin vào chất lượng và tiềm năng phát triển của chúng. Đây là lúc sử dụng… Google.
Hãy sử dụng Google. Tất cả mọi người cạnh tranh máu lửa để sản phẩm của họ có thể đứng trong top 100 cái tên đầu tiên trong kết quả tìm kiếm. Hãy làm điều ngược lại với Google – hãy tìm những kết quả ở các trang cuối. (Hoặc ở dưới top 200, 300… nơi mà ít người để ý tới.)
Bạn có thể nhận ra điều gì? Đó là những công ty ấy không biết cách… bán hàng. Họ cần sự giúp đỡ. Hãy tìm kiếm một lượt cho ra khoảng 100 sản phẩm hoặc tương tự phù hợp với “triết lý” SDT của bạn, những thứ bạn muốn và thích bán. Thử liên lạc với họ và hỏi xem liệu họ có thể bán cho bạn một số sản phẩm với giá bán buôn không. Có thể là họ còn đang muốn tống khứ đi những kho hàng ế. Bạn sẽ muốn tìm những món hàng với giá siêu rẻ – gần như “cho không”. Trong thời buổi như bây giờ, có cả ngàn công ty đang vật lộn với đống sản phẩm mà họ chỉ muốn tống khứ đi để giải phóng kho.
Bao nhiêu công ty bạn sẽ phải liên hệ nếu muốn mua được sản phẩm phù hợp với mình mà giá lại rẻ hơn cả giá bán buôn?
Bạn sẽ phải nghĩ đến con số hàng ngàn để được 100 sản phẩm. Sau đó lựa chọn ra… có lẽ được 10 sản phẩm… vậy xác suất là 1%.
Nào, bạn sẽ không phải lo đến chuyện chứa hàng. Chúng đã sẵn nằm trong kho rồi. Bạn cũng không phải dỡ hàng. Họ sẽ dỡ cho bạn miễn là bạn… trả tiền. Họ cũng đã có sẵn những thông tin thị trường mà bạn có thể sẽ cần dùng. Mọi thứ đều đã sẵn sàng. Bạn chưa xài một cắc nào mà đã có khả năng điều hành đống tài sản trị giá nhiều triệu đô.
Nhưng bạn sẽ hỏi: “Nếu tôi không có tiền mua những sản phẩm đó ở giá bán buôn thì sao?” Thì bạn cứ để chúng nằm trong kho thôi, cho đến khi bạn có thể tìm được những người mua sẵn sàng trả tiền cho chúng. Tóm lại là bạn nhận mua với giá rẻ, sau đó bán lại cho người khác với giá cao hơn. Và bạn được hưởng tiền chênh lệch. “Nhưng, nhưng…”, bạn lại hỏi: “Làm sao mà tôi tìm được người mua đây?”
Chúng tôi rất mừng nếu bạn hỏi vậy.
Bây giờ là thời điểm để đi tìm những cơ sở dữ liệu – danh sách những người đã đang tìm kiếm những sản phẩm kia.
Trong thế giới internet, có số lượng người dùng lên đến hơn tỉ (và đang tăng hàng giờ), có bao nhiêu cơ sở dữ liệu như vậy? Hàng triệu. (Một cơ sở dữ liệu nói đơn giản thì chỉ là một danh sách các thông tin liên lạc của các khách hàng). Một số trang web chỉ cung cấp thông tin liên lạc của chủ trang. Đó là cơ sở dữ liệu của một đối tượng. Những cơ sở dữ liệu khác thu thập thông tin liên lạc của nhiều khách hàng. Những công ty trực tuyến có thể có 10, 100 hoặc hàng ngàn khách hàng.
Vậy bạn sẽ muốn tìm kiếm:
1.000.000 cơ sở dữ liệu của 1 tên = 1.000.000 khách hàng
100.000 cơ sở dữ liệu của 10 tên = 1.000.000 khách hàng
10.000 cơ sở dữ liệu của 100 tên = 1.000.000 khách hàng
1.000 cơ sở dữ liệu của 1000 tên = 1.000.000 khách hàng
100 cơ sở dữ liệu của 10.000 tên = 1.000.000 khách hàng
10 cơ sở dữ liệu của 100.000 tên = 1.000.000 khách hàng
1 cơ sở dữ liệu của 1.000.000 tên = 1.000.000 khách hàng
Tóm lại? Bạn sẽ muốn tìm ít nhất 100 cơ sở dữ liệu với 10.000 hoặc hơn trong đó.
Tại sao chủ nhân của các cơ sở dữ liệu trên lại đồng ý cho bạn gửi thư điện tử đến các khách hàng của họ? Nếu bạn gửi trực tiếp đến các địa chỉ mail đó, chúng sẽ chỉ là thư rác. Vậy nên bạn phải thông qua các chủ cơ sở dữ liệu đó. Tại sao họ lại muốn giúp bạn? Bởi vì có một cái gọi là chia sẻ lợi nhuận. Bạn sẽ muốn bán một sản phẩm với mức lời cao – như một thứ chỉ tốn của bạn một đô nhưng thực chất có giá trị 100 đô chẳng hạn.
Đó cũng chính là những gì Nicki đã làm. Cô ấy tìm được một sản phẩm – một chiếc đĩa CD, ở trong có một số phần mềm và hàng trăm bản báo cáo đặc biệt của các bà nội trợ. Nó thật sự rất có giá trị. Và nó chỉ tốn có một đô để… sao chép. Nicki mua lại bản quyền được sao chép vô hạn với giá ít hơn 1.000 đô la. Đó chính là sản phẩm thông tin của cô.
Sau đó cô ấy cùng với hai sinh viên học ngành thu thập thông tin mạng đã vất vả tìm kiếm trong vòng một học kì. Kết quả là họ kiếm được 700.000 địa chỉ hòm thư. Nhưng họ đã không biết được giá trị của cơ sở dữ liệu mà họ tìm được. Quay lại vấn đề chính, Nicki đã thuyết phục họ giúp cô gửi đi một e-mail. Cô giải thích trong bức thư là 100% lợi nhuận – tất cả số tiền thu được – sẽ được chuyển đến cho các trẻ ở cô nhi viện.
Bức thư được gửi đi. Và đây là nội dụng: Gửi tôi 100$ cho chiếc CD này. Bạn sẽ có cái CD còn tôi sẽ chuyển toàn bộ số tiền thu được cho các tổ chức từ thiện. Tất cả. Tôi sẽ không giữ dù chỉ một xu.
Các bạn đoán xem có bao nhiêu người nhận mua? Tổng cộng 1.370 người. Ít hơn 1/3 của 1% (của 700.000 địa chỉ e-mail.)
Tổng cộng cô thu được 137.000 đô. Tiền mặt. Bắt đầu từ con số 0. Trong vòng ít hơn 45 ngày. Đó thật sự là một dự án “có lợi ích”.
Khởi đầu từ thành công đó, Nicki và các cộng sự đã và đang quyên góp được hơn một triệu đô lợi nhuận bên cạnh những đóng góp cho các tổ chức từ thiện, từ chính cơ sở dữ liệu đó. Họ làm bằng cách nào? Mấu chốt là họ tìm được những SDT có ích để cung cấp cho cơ sở dữ liệu của họ.
Bạn bây giờ đã học được khái niệm đó. Liệu đến bao giờ bạn sẽ kiếm được đồng tiền đầu tiên?
Mục đích cuối cùng là bạn có thể bán được hàng ngàn sản phẩm một ngày mà không phải dành ra quá vài tiếng một tháng để… đếm tiền.
KINH DOANH THÔNG TIN
Còn bây giờ, hãy khám phá bí mật tại sao cách tiếp cận này lại hiệu quả đến vậy với các sản phẩm thông tin. Với phần lớn các sản phẩm hàng hóa – các vật dụng bình thường – giá thành sản xuất ít nhất cũng phải chiếm 10% giá bán. Thường thì, giá sản xuất phải nhiều hơn con số đó. Ví dụ, General Motor tốn bao nhiêu tiền để sản xuất ra một chiếc ô-tô. Giá của nhựa và sắt là rất đắt, chưa kể giá nhân công và vận tải. Lợi ích dư ra của một chiếc ô-tô là không nhiều. Nhưng điều này ngược lại với các sản phẩm thông tin. Tại sao? Bởi chúng không quá đắt để sản xuất.
Trong ví dụ trước, Nicki đã tìm được một sản phẩm thông tin mà người khác đã sáng tạo ra. Đó là một chiếc đĩa CD với những thông tin giá trị. Với những khách hàng phù hợp, những thông tin đã được sắp xếp này có thể có giá tới 1.000 đô. Bởi vậy nên cái giá 100 đô cho một đĩa CD được xem là… rẻ. Không những thế, giá thành sao chép lại chỉ có một đô một cái. Tỉ lệ lời là… 99% (100-1).
Và trong phần lớn các trường hợp, các sản phẩm thông tin đều có thể số hóa và gửi đi khắp thế giới thông qua Internet với tốc độ ánh sáng… một cách miễn phí. Nếu khách hàng gặp phải những vấn đề nghiêm trọng và cần những thông tin đặc biệt trong ngày hôm qua, họ chỉ cần trả một khoản và sẽ được gửi ngay lập tức.
Bởi vậy trong ba sản phẩm bạn có thể bán, thông tin là thứ hoàn hảo nhất.
TÀI SẢN TRÍ TUỆ CHÍNH LÀ “BẤT ĐỘNG SẢN” CỦA THẾ KỈ 21
Một tên gọi khác cho thông tin là tài sản trí tuệ. Chúng chính là “bất động sản” của thế kỉ 21. Rất dễ tạo ra và cũng rất dễ bán. Nó chính là dụng cụ kiếm tiền tuyệt hảo. Đó là lý do tại sao chúng tôi nói kinh doanh thông tin chính là loại hình kinh doanh tốt nhất trên thế giới.
NHỮNG LỢI ÍCH CỦA THỊ TRƯỜNG THÔNG TIN
• Dễ nghiên cứu
• Dễ sáng tạo
• Dễ và rẻ trong thử nghiệm
• Dễ và rẻ trong sản xuất, cất giữ và sửa chữa
• Khởi đầu không cần nhiều vốn
• Giá bán cao
• Giá trị sản phẩm cao
• Thu nhập phụ trội
• Thị trường vô hạn
• Tính cơ động: Có thể tiếp cận bất kì… hòm thư nào trên thế giới
• Bảo hộ bằng sáng chế khỏi đối thủ cạnh tranh
• Sự nghiệp vinh quang, ấn tượng: “Tôi là tác giả.”
• Một đảm bảo thu nhập chắc chắn trong tương lai
• Tạo nên sự khác biệt
Có rất nhiều cách để tạo nên các sản phẩm thông tin.
51 CÁCH ĐỂ KIẾM LỜI TỪ CÁC TÀI SẢN TRÍ TUỆ
Sách Các khóa học tại gia
Sách điện tử Hội thảo qua điện thoại
Sách ghi âm Giải trí cuối tuần
Các chương trình ghi âm Đăng kí đĩa CD
Băng cát-sét Viết sách/Sáng tác thuê Băng ghi hình huấn luyện Các sản phẩm bán lẻ Các hệ thống đa phương tiện Sách bỏ túi
Các chương trình hướng dẫn tại gia
Các hiệp hội giao thương
Chương trình gia sư Các hội chợ thương mại
Các buổi nói chuyện quốc tế Đại diện và rút gọn thông tin
Các buổi hội thoại Các buổi huấn luyện trong công ty
Các buổi giới thiệu Hệ thống xây dựng thương mại
Các chương trình đào tạo hướng dẫn viên
Các dụng cụ quản lý thực tiễn
Các buổi hội thảo công cộng Thư tín
Các chương trình đào tạo nội bộ
Các chương trình trên đài phát thanh/truyền hình
Các buổi hội đàm quy mô lớn Các tổ chức nhân đạo
Các chương trình cắm trại- huấn luyện
Cắm trại-huấn luyện-qua điện thoại
Chuyên gia truyền thông
Phóng viên chuyên đề
Tư vấn theo giờ Các tạp chí cá nhân
Tư vấn dài hạn Quyền lợi của bạn
Tư vấn theo đăng kí Quyền lợi của người khác
Hợp đồng diễn thuyết Các báo cáo đặc biệt/chính phủ Giấy phép Đĩa CD/DVD hướng dẫn Quảng cáo giờ vàng Các dịch vụ tư vấn
Đào tạo nghề
Các tài liệu/phần mềm hướng dẫn
Học cách bán hàng tỉ cuốn sách
BẮT ĐẦU VỚI KHÔNG GÌ CẢ , KHÔNG TỪ ĐÂU CẢ , KHÔNG LÝ DO ĐỂ TIN MÌNH CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC.
– MARK VICTOR HANSEN
Khi tôi phá sản và lâm vào đường cùng những năm 1974, tôi đã rất chán nản và tuyệt vọng. May mắn là vài năm trước tôi đã có dịp đến trường đại học Southern Illinois, đã chiến thắng một giải thưởng bán điện thoại và nhận được phần thưởng là một cuốn băng ghi âm của Cavett Robert, người sáng lập của Hiệp hội diễn giả quốc gia, đồng thời là cha đẻ của việc bán sách và các sản phẩm. Cuốn băng tên là Bạn là Nguyên nhân hay Kết quả? (Are You the Cause or the Effect?)
Chính thông điệp của cuốn băng đã cứu thoát tôi từ dưới đáy sự tuyệt vọng. Tôi đã nghe đi nghe lại cuốn băng đó tất cả 287 lần. Cứ mỗi lần nghe xong là tôi lại đánh dấu vào cạnh của cuốn băng. Tôi có thể thuộc lòng nội dung của cuốn băng, từng chữ từng chữ một, hi vọng có thể nói thay Cavett một lần nào đó nếu ông không thể xuất hiện chẳng hạn.
Tôi quyết định viết thư cho Cavett. Hơn cả ngạc nhiên, tôi nhận được thư tay trả lời của Cavett, bảo tôi gửi cho ông 35 đô la để gia nhập vào một tổ chức ông mới thành lập, Hiệp hội diễn giả quốc gia. Tôi lúc đó thậm chí không có 35 đô hay tiền mua vé máy bay để tới tham gia buổi họp đầu tiên. Nhưng tôi rất muốn tới đó đến mức đã vay tiền để tham gia.
Tại buổi họp đầu tiên, tôi đã hoàn toàn bị thuyết phục bởi suy nghĩ trở nên nổi tiếng với diễn giả này. Cavett đã gieo vào đầu tôi ý tưởng để thay đổi cuộc đời mình. Ông nói: “Với tư cách là một diễn giả, bạn phải viết một cuốn sách. Nếu tự bản thân bạn không thể viết được một cuốn sách từ kinh nghiệm bản thân, hãy liên kết nhiều tác giả để làm việc đó.”
Suy nghĩ đó đã hoàn toàn chiếm trọn đầu óc tôi, vẽ nên những khả năng tôi chưa bao giờ nghe thấy hoặc nghĩ tới. Tôi có thể làm được chuyện này, thậm chí làm tốt. Cavett đã làm được và cũng đã chỉ cho chúng tôi cuốn sách ông bán được hàng trăm nghìn bản bắt đầu từ con số 0.
Tôi rướn sang người ngồi bên cạnh, Keith DeGreen, và hỏi: “Anh có phải một biên tập viên không?”
Keith nói: “Tôi đã từng là chủ biên một tờ báo trường luật.”
“Tuyệt vời. Chúng ta hãy cùng nhau viết một cuốn sách. Tôi là một người bán hàng giỏi và tôi sẽ bán cho 18 người trong căn phòng này, mỗi người 2.000 đô để được viết một chương trong cuốn sách. Để làm được điều đó, mỗi người sẽ được nhận 1.000 cuốn sách. Và vì mỗi cuốn sẽ tốn hai đô để in ấn, họ có thể bán với giá 10 đô và kiếm được 10.000 đô, chưa kể những cuốn sách với tên của họ trong đó.” Với Keith và tôi đó là một vụ giao dịch tự-cung- tự-cấp. Qua nhiều năm tôi đã học được công thức bán ứng trước giấc mơ của mình để đạt được những thứ mình muốn trong thời gian sớm nhất có thể. Phần lớn bạn đọc cũng sẽ làm như vậy để thu hút vốn cho công việc kinh doanh của mình sau này.
18 người đã trả cho chúng tôi mỗi người 2.000 đô. Chúng tôi nhận được 36.000 đô trước khi chúng tôi viết một chữ nào. Sau đó chúng tôi dùng số tiền đó để in sách. Cuốn sách mang tên Đứng dậy, Nói lên và Chiến thắng (Stand Up, Speak out and Win!).
Tôi bán được 20.000 bản in với giá 10 đô mỗi cuốn, trong vòng một năm từ lúc phát hành. Tôi đã nói đùa với các độc giả rằng đó là cuốn bán chạy nhất của tôi, ít ra thì điều đó đúng ở thời điểm đó. Tôi kiếm được khoảng 200.000 đô la từ việc diễn thuyết và bán cuốn sách đó. Mọi thứ cứ như trên thiên đường. Tôi hoàn toàn được thoải mái tận hưởng những gì mình làm – giúp đỡ mọi người làm nên sự khác biệt và được đi đây đi đó.
Tôi đã thoát khỏi thảm họa tài chính và bước lên một trang mới trong cuộc đời.
Hãy tiến thêm 15 năm nữa.
Jack Canfield và tôi đã làm diễn giả được nhiều năm. Chúng tôi đều hiểu sức mạnh của một câu chuyện cảm động có thể thay đổi cả buổi nói chuyện. Một ngày, chúng tôi đang suy nghĩ về ý tưởng cùng nhau cho ra một cuốn sách về những câu chuyện cảm động nhất của mình. Chúng tôi gọi nó là Hạt giống tâm hồn.
Tiếc là, không nhà xuất bản nào muốn in một quyển sách toàn truyện ngắn, nhưng chúng tôi tự tin là cuốn sách này có tương lai. Sau hàng trăm lần bị từ chối, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được một nhà xuất bản đồng ý với điều kiện chúng tôi phải mua 20.000 bản in đầu tiên. Chúng tôi đồng ý. Trong mọi buổi diễn thuyết của mình, chúng tôi đều bán những cuốn sách chưa xuất bản kia cho các độc giả. Khi cuốn sách chính thức được xuất bản, chúng tôi đã có hàng trăm nghìn người đợi mua.
Cuốn sách không phải là một thành công khi vừa phát hành, nhưng sau một năm phát hành, nó bắt đầu nổi lên và đã bán được hàng triệu bản mỗi năm kể từ đó. Từ tựa sách đầu tiên Hạt giống tâm hồn năm 1994, đến nay chúng tôi đã có 200 loại tiêu đề khác nhau như Hạt giống tâm hồn cho tuổi teen (Chicken Soup for teens), cho các bà mẹ, cho golf-thủ…
Trước đó, chúng tôi đã từng nói với nhà xuất bản “cẩn thận hơi thái quá” của mình rằng chúng tôi muốn bán được một tỉ bản in trước năm 2020. Giám đốc nhà xuất bản cười vào mũi chúng tôi. Nhưng nụ cười sau cùng sẽ là của chúng tôi. Đến thời điểm hiện tại chúng tôi đã bán được hơn 112 triệu bản, bao gồm tất cả những cuốn sách mang tên tôi, rất nhiều trong số đó là sách chuyên ngành và điện tử. Chúng tôi vẫn đang tiến tốt trên con đường một tỉ bản.
Câu hỏi đặt ra là, chúng tôi có biết được mình có khả năng đó không – tạo nên những con số khổng lồ và được vinh danh trong những kỉ lục Guiness như những tác giả bán được nhiều sách nhất? Câu trả lời là không. Bản thân chúng tôi còn phải tự nhéo mình xem liệu có phải nằm mơ không.
Dạo gần đây, nhà xuất bản vừa-bị-thay-thế của chúng tôi có gọi và nói rằng ý tưởng Hạt giống tâm hồn có lẽ đã hết thời. Vậy nên chúng tôi đã tìm một nhà xuất bản nhiệt huyết có suy nghĩ khác. Chúng tôi đã bán Hạt giống để tạo nên tập đoàn và thương hiệu “Hạt giống”. Chủ sở hữu mới của chúng tôi đã mang lại rất nhiều cơ hội lớn, một trong số đó là IMG (Nhóm quản trị đa quốc gia) – họ đại diện cho Tiger Wood, Emmitt Smith, công quốc Vatican và hàng ngàn các thương hiệu lớn khác.
Khi tôi gặp Tim Rothwell, phó chủ tịch của IMG, câu đầu tiên ông ấy nói là: “Với tư cách là một thương hiệu, “Hạt giống” không bao giờ hết thời? Chúng tôi sẽ…” Và ông ấy cũng đề cập đến sự phát triển các sản phẩm liên quan như thiệp mừng, các trò chơi, thức ăn vật nuôi, thời trang phụ nữ và các hợp tác kinh doanh khác tại IMG. Một bên thì nghĩ đã hết thời, bên khác thì nghĩ ngược lại.
Liệu chúng tôi có được phép đề xuất (và cho các bạn quyền được tin) rằng thu nhập tương lai của các bạn có tiềm năng rất lớn và không dễ bị hết thời? Chúng tôi cho phép bạn được quyền có những ý tưởng đáng giá cả tỉ đô và quyền thực hiện hóa chúng. Nếu bạn đã có thể kiếm được một triệu đô, bạn cũng có thể kiếm được gấp một nghìn con số đó, tức một tỉ. Chúng tôi muốn bạn làm điều đó.
Những kiến thức đáng giá một tỉ đô
– ROBERT G. ALLEN
Tôi khám phá ra khả năng kiếm lợi nhuận của mình từ việc giảng dạy những buổi hội thảo nhỏ về đầu tư bất động sản. Tôi có kiến thức, có kĩ năng và chuyên môn, cộng niềm đam mê và hơn hết, tôi thích dạy học. Tôi bắt đầu việc dạy tại một khách sạn nhỏ ở Provo, Utah. Đó là năm 1978. Như tôi nhớ, đó là khóa học bốn tuần giá 75 đô một người. Có khoảng 20 học viên một tháng – một khoản thu nhập phụ trội 1.500 đô. Tiền thuê phòng khách sạn rất rẻ. Tài liệu được tôi và vợ tôi soạn trong phòng ngủ. Rất có lợi nhuận phải không.
Rồi một ngày tôi có một ý tưởng tuyệt vời. Tôi phân vân không biết có ai sẵn sàng trả 100 đô cho một buổi hội thảo cả ngày. Thay vì một khóa học bốn tuần, chúng ta có thể gói gọn trong một ngày thứ Bảy. Tôi bèn cho đăng một mẩu quảng cáo trên một tờ báo địa phương về một buổi hội thảo miễn phí về cách đầu tư bất động sản với ít hoặc không có tí vốn nào. Rất nhiều người đã đến dự. Chúng tôi tổ chức thêm một vài sự kiện miễn phí nữa. Cuối cùng tôi mở một cuộc hội thảo cả ngày với 100 học viên, lệ phí 100 đô mỗi người. 100 người nhân với 100 đô… ái chà… 10.000 đô cho một ngày. Tất nhiên là việc chuẩn bị và quảng bá mất thêm nhiều ngày nữa. Nhưng dù sao thì 10.000 đô là rất giá trị cách đây 30 năm. Vậy là tôi đã đào trúng mỏ vàng.
Tôi lại thai nghén về những buổi hội thảo hai ngày. Liệu họ có sẵn sàng trả 195 đô không? Tôi đăng nguyên một trang quảng cáo trên báo. 200 người đăng kí, 200 đô mỗi người. Tổng cộng tôi thu được 40.000 đô cho hai ngày cuối tuần. Chúng ta đang nói về chuyện tiền nghiêm túc. Tôi quyết định làm lớn hơn nữa.
Tất nhiên, điều này nghe có vẻ quá dễ dàng. Tôi đã bỏ qua những khoảng thời gian khó khăn, khi mà chẳng có ma nào đến hội thảo. Và cũng có nhiều lúc rất vất vả và thất vọng – như lần vợ tôi bị ăn trộm ví khi cô ấy đang đăng kí học viên tại một buổi hội thảo ở Baltimore. Hay như lần tôi đầu tư rất nhiều tiền quảng cáo tại Denver, Colorado, cho một buổi hội thảo mà không biết rằng cùng ngày hôm đó cũng diễn ra một trận cầu rất quan trọng. Tiền vứt xuống sông xuống biển cả.
Dù vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục tiến lên. Chúng tôi cuối cùng thu 500 đô mỗi người cho một buổi hội thảo cuối tuần. Sau cùng, tôi đăng kí giấy phép cho các buổi hội thảo và giảm giá xuống 58,50 đô cho sinh viên. Mỗi tuần có khoảng vài trăm sinh viên đến tham dự trên toàn quốc. Tôi cứ nhận chi phiếu hàng tuần, có lúc 20, 30 ngàn cũng có khi 50 ngàn đô. Và tôi thậm chí còn không phải có mặt ở đó để dạy. Họ dạy khoảng 103.000 người với lệ phí 500 đô mỗi người. Tôi chỉ việc ngồi đếm tiền. Hàng triệu đô chứ ít à.
Trong khoảng thời gian đó, tôi cho ra một cuốn sách Không cần vốn: Một chương trình đã được kiểm chứng hướng dẫn bạn mua bất động sản với ít hoặc không có vốn (Nothing Down: A Proven Program that Shows You How to Buy Real Estate with Little or No Money Down). Đi kèm với hiệu ứng tích cực từ các buổi hội thảo, cuốn sách bán rất chạy. Nó đứng trong danh sách những cuốn sách bán chạy nhất New York Times trong 58 tuần.
Nhưng rồi mọi thứ không thể kéo dài tốt đẹp mãi được. Việc kinh doanh bản quyền hội thảo bị ngừng trệ bởi sự đi xuống của thị trường bất động sản. Nguồn thu nhập chính biến mất. Rồi một cơn lở tuyết lại phá hoại hoàn toàn ngôi nhà nghỉ của chúng tôi tại khu trượt tuyết Sundance. Trong khi các công ty bảo hiểm trốn tránh việc thanh toán, các ngân hàng bắt đầu giục trả tiền – số tiền mà tôi đã đầu tư vào một dự án bất động sản. Chúng tôi đứng trước một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Cuối cùng đã mất hết mọi thứ và phải tuyên bố phá sản.
Từ không có gì đến có tất cả mọi thứ rồi lại trở về trắng tay, tất cả chỉ trong vòng bảy năm. Vươn lên đến đỉnh rồi lại trở về con số 0. Một năm sau thảm họa đó, một trong những nhân viên cũ của tôi – Thomas R. Painter, đi tìm và thuyết phục tôi làm lại sự nghiệp. Buổi hội thảo đầu tiên của chúng tôi dạy cho 93 học viên với giá 1.000 đô mỗi người. Chúng tôi tăng giá lệ phí trong vòng năm năm tiếp theo tỉ lệ thuận với số lượng học viên. Chúng tôi từng dạy cho 20.000 người trong vòng một tuần về Đào tạo làm giàu với giá 5.000 đô mỗi người. Hãy nhẩm tính xem. Đó là những con số khổng lồ.
Và rồi Saddam Hussein xâm lược Kuwait. Mỹ khởi động chiến dịch Bão sa mạc vào ngày 17 tháng 1 năm 1991. Mọi người chú ý đến những tin tức về bom đạn hơn là những buổi hội thảo. Công việc kinh doanh của chúng tôi lại đình trệ. Đó là thời điểm để quay lại con số 0. Chúng tôi đóng cửa cho đến bảy năm sau đó.
Khi thời cơ đến, chúng tôi lại mở rộng công việc kinh doanh một lần nữa. Như một bài thử nghiệm, Tom Painter và tôi bắt đầu một hướng kinh doanh mới – dạy học từ xa vào năm 1999. Thời bấy giờ dạy học từ xa là một khái niệm mới. Lớp học đầu tiên của chúng tôi có tám học viên, những người chấp nhận trả 1.000 đô cho một loạt các buổi tọa đàm qua mạng với chúng tôi. Từ những bước đầu đó, chúng tôi đã dần phát triển để trở thành những nhà cung cấp điều hành dịch vụ dạy học qua mạng về đầu tư bất động sản hàng đầu trên thế giới. Chúng tôi có hàng trăm ngàn học viên tham gia vào các sự kiện miễn phí từ một đến ba ngày. Hơn 10 ngàn người khác là những học viên, những người đã trả phí lên tới 5.000 đô để tham gia chương trình.
Nhưng chỉ một số ít có thể theo đến khóa học thạc sĩ của chương trình. Khóa học bao gồm gia sư 1-1, đi thực tế đến nhiều thành phố khác nhau, các khóa tập huấn ngoài trời, chương trình giảng dạy của Harvard, Standford. Chúng tôi làm việc với các học viên đến khi họ bắt đầu kiếm được tiền. Nhưng chúng tôi cũng thu phí theo biểu phí của những trường đại học như Harvard hay Standford: 29.900 đô. Đó là những khoản tiền lớn. Nhưng các học viên Thạc sĩ của chúng tôi thường đi từ việc học đến thực tế kiếm tiền trong vòng ít hơn 90 ngày. Trên thực tế, sự thành công của các học viên là hết sức đáng mừng (hãy thử nhìn vào bảng xếp hạng các nhà triệu phú Millionairehalloffame.com). với sự hướng dẫn của chúng tôi, họ đã kiếm được hàng tỉ lợi nhuận thực và đã quyên góp đến 30 triệu đô vào các hoạt động từ thiện.
Cứ mỗi 90 ngày là chúng tôi lại có những thử thách mới – những học viên mới.
Và qua các “thử thách” đó, hơn 100 triệu đô lợi nhuận đã được sinh ra. Đó có phải là thu nhập đến từ chỉ 100 học viên thạc sĩ? Một lần nữa, hãy làm những phép tính.
Tôi đã phải mất đến hơn 30 năm – qua bao nhiêu sóng gió – để tạo nên những chương trình xứng đáng với số tiền mà học viên phải bỏ ra. Có những lúc, nó là một ngành kinh doanh béo bở. Nhưng cũng có lúc, không phải dễ mà ăn được. Dù sao thì, qua bao cuộc đổi dời, điều quan trọng là tôi vẫn tiếp tục theo đuổi con đường mình đã chọn.
VẬY BẠN KIẾM TIỀN NHỜ NHỮNG TÀI SẢN TRÍ TUỆ BẰNG CÁCH NÀO?
Chúng tôi đều cùng đi lên từ lúc bị phá sản cho đến bạc triệu. Nếu bạn đang vất vả chống đỡ trong cơn khó khăn tài chính, hãy tin khi chúng tôi nói rằng: chúng tôi hiểu tình cảnh đó mà. Chúng tôi có quyền nói với bạn rằng bạn sẽ vượt qua và vươn lên được trong cuộc sống, dựa trên những gì chúng tôi đã trải qua. Hãy bắt đầu ngay bây giờ với những gì bạn đang có.
Tiền có thể bắt đầu chảy vào túi bạn từng tí một bắt đầu trong vòng 24 tiếng sắp tới. Cái gì, bạn hỏi. 24 tiếng kể từ bây giờ? Phải, hãy nhìn đồng hồ. Đánh dấu mốc thời gian. 24 tiếng… bắt đầu.
Làm giàu trong sáu bước
ROBERT G. ALLEN
Đó là tên gọi một chương trình mới của tôi, đang được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Gói sản phẩm bao gồm một cuốn sách, vài cái đĩa CD, những báo cáo đặc biệt v.v… Hi vọng là vào thời điểm cuốn sách này được phát hành, “Làm giàu trong sáu bước” đã được lên sóng vài tháng rồi. Tỉ lệ thành công của một sản phẩm kiểu này là 1/25. Nhưng một khi đã thành công thì đó là thành công lớn. Hãy để tôi cầu nguyện cho nó.
Sau đây là câu chuyện của một học viên chương trình “Làm giàu trong sáu bước”, nói về cách cô ấy kiếm được những lợi nhuận đầu tiên chỉ sau 24 tiếng. Một trong những sở thích của cô ấy là hội họa. Cô ấy đã vẽ nhiều năm trời nhưng hầu như không bán được bức nào. Do đó có vẻ mang tính sở thích hơn là nghề nghiệp. Tôi đã khuyến khích cô ấy phát triển nó thành chuyên nghiệp và bắt đầu bán tranh. Cô ấy sau đó tạo nên một địa chỉ e-mail với cái tên rất kêu và gửi thư cho khoảng 150 bạn bè và người thân. Trong danh sách SDT, cô ấy bán tranh – sản phẩm hàng hóa. Một vài người thích thú và cô ấy bán được chừng một hoặc hai bức tranh. Sau đó, tôi gợi ý cho cô ấy một khả năng khác đó là kĩ năng vẽ tranh của cô. Cô có thể bán những kĩ năng đó và thu được nhiều lợi nhuận hơn. Do đó, tôi đã khuyến khích cô mở một khóa học vẽ sáu tuần để “bán” những kĩ năng của mình. Cô ấy hiển nhiên là chưa bao giờ làm thế. Và khi vừa nghe thấy ý tưởng đó, cô bắt đầu hoảng loạn. Những câu hỏi “Làm sao” tấn công cô. “Làm sao để bán? Làm sao để đưa hàng? Làm sao tìm được người muốn tham gia? Làm sao? Làm sao?”
Rốt cuộc cô ấy chiến thắng nỗi sợ hãi và gửi thư đến những người đã gửi thư lúc trước. Tôi dạy cho cô bí quyết tạo nên sự tò mò khi trong thư có nói là chỉ còn một chỗ trống cho khóa học. Cô đề nghị dạy một học viên cách vẽ qua mạng bằng chương trình webinar có cả âm thanh và hình ảnh minh họa. Cô nói rằng bằng cách đó cô có thể dạy một người những điều cơ bản trong việc vẽ tranh.
Thực tế, bằng cách nào cô ấy có thể dạy vẽ tranh qua mạng? Cô ấy chưa biết. Bằng cách nào có thể dạy thành công? Cô ấy cũng chưa biết. Cô ấy chỉ biết là bằng một cách nào đó cô ấy sẽ nghĩ được.
Thách thức tôi đặt ra đến với cô vào khoảng 5 giờ chiều ngày thứ Hai. Cô ấy dành cả phần còn lại của ngày hôm đó để suy nghĩ. Sau khi đã sáng tỏ mình cần phải làm những gì, cô gửi một bức thư khác cho cơ sở dữ liệu của mình. 22 tiếng sau, cô gửi một bức thư đề nghị giảng dạy một khóa học vẽ sáu tuần với giá 1.000 đô, nhận đăng ký ngay từ bây giờ.
Chính xác 2 tiếng sau, cô nhận được một bức thư như thế này:
Xin chào, Linda
Bạn có chắc chắn sẽ dạy được tôi vẽ thông qua điện thoại không?
Nếu được – tôi luôn cảm thấy giữa chúng ta có một sợi dây liên kết từ khi quen ở buổi hội thảo đó…
Tôi rất muốn được làm học trò của bạn, và tôi có 1.000 đô. Debra Jo,
Sau đây là bức thư Linda gửi cho tôi đánh dấu việc cô ấy kiếm được 1.000 đô trong một ngày ngắn ngủi chỉ từ một ý tưởng.
Chào Bob
Tôi đã cảm thấy hơi run một chút sau buổi hội đàm “Làm giàu trong sáu bước”.
Khi đã được hướng dẫn cụ thể nên làm gì thì tôi nghĩ chúng ta cũng nên cứ thế mà thực hiện. Và tôi đã làm được, tôi đã dành cả ngày thứ Hai để nghĩ xem nên đưa ra lời đề nghị như thế nào. Và sáng thứ Ba tôi đã gửi đi.
Tôi đã kiểm tra và bức thư của Jo được gửi lúc 5:06 ngày thứ Ba, vừa đúng 24 tiếng kể từ buổi hội đàm kết thúc hôm thứ Hai. Cô ấy và tôi đều rất hào hứng. Cảm ơn sự hướng dẫn của ông.
Linda,
Vậy là Linda đã biến kiến thức, kĩ năng và đam mê của cô ấy thành 1.000 đô trong vòng 24 tiếng. Có thể 1.000 đô không phải là nhiều đối với bạn. Nhưng tôi đã xây dựng công việc kinh doanh của mình bằng một cách gần như vậy – những khóa học tám tuần, 75 đô một người.
Hãy thử mơ trong một chốc lát. Linda sẽ làm thế nào để biến thành công bước đầu này thành một công việc kinh doanh trị giá nhiều triệu đô? Chúng ta đã biết có người sẵn sàng bỏ ra 1.000 đô cho một khóa học sáu tuần. Vậy bao nhiêu người cô ấy cần thu hút được? Một triệu đô kiếm được từ chỉ 1.000 người. Bạn có nghĩ có 1.000 người khác trên thế giới cũng muốn học không? Dĩ nhiên rồi.
Nhưng có một vấn đề: Cô ấy chỉ có một mình và cô ấy không thể dạy được hàng ngàn người trong các khóa học 1-1 được. Cô ấy phải mở rộng công việc kinh doanh. Nhưng bằng cách nào? Trước hết, cô ấy phải hoàn hảo hóa việc dạy của mình bằng cách dạy khoảng 20, 30, 50 người trước cho đến khi cô đã có một chút tiếng tăm. Phải có gì để chứng thực khả năng trước đã chứ đúng không? Sau đó cô ấy có thể lợi dụng guồng máy thị trường.
Cô ấy sẽ dạy một lớp ba buổi một tuần, tăng số lượng học viên lên 10. Bây giờ thì số lượng học sinh của cô là 30 với 1.000 đô mỗi người. Đó là 30.000 đô mỗi khóa học. Cô ấy có thể dạy ba khóa như thế một năm… tức là thu về gần 100.000 đô.
Hãy tiếp tục quy trình này. Cô ấy có thể tiếp tục tăng số lượng học viên hoặc thuê những nghệ sĩ khác – những người cô có thể truyền đạt lại cách dạy. Mỗi người muốn dạy sẽ phải trả cô 5.000 một khóa đào tạo. Hãy giả sử cô ấy tìm được 10 người như thế. Dĩ nhiên, những người đó sẽ nhận được một nửa con số 1.000 tiền học phí. Vậy là khoản đầu tư 5.000 của họ sẽ đem lại 15.000 thu nhập mỗi kì. Một con số không tệ cho một cuộc đầu tư.
Bây giờ Linda đã có 10 người dạy, mỗi người 30 học viên mỗi kì. Đó là 300 học viên và cô thu được 500 đô mỗi người – tức 150.000 đô mỗi kì. Gần được nửa triệu đô một năm rồi. Mà Linda thậm chí còn không cần dạy một lớp nào cả.
Vẫn chưa hết. Đến thời điểm đó, cô sẽ nhận ra thị trường không chỉ cho các học viên mà còn cho cả những giáo viên – những người muốn tham gia giảng dạy. Thu nhập của cô do đó có thể lên đến hơn 500.000 một năm. Tất nhiên, đó sẽ không phải lợi nhuận. Cô sẽ phải trả các chi phí như phí quảng cáo, điều hành bảo trì trang web… Nhưng dù sao thì phần còn lại vẫn là một khoản lợi nhuận không tồi.
Lại tiếp tục mở rộng hơn nữa. Linda sẽ muốn nghĩ có nhiều người bên ngoài cũng muốn kiếm đươc nửa triệu đô mỗi năm bằng cách mở công việc kinh doanh giảng dạy vẽ như cô. Do đó cô lại mở một chương trình giúp bạn bắt đầu công việc kinh doanh giảng dạy hội họa… tiến bộ. Cô ấy nên thu mỗi người bao nhiêu? Chúng tôi sẽ đưa ra một cái giá lớn nhưng xứng đáng – 10.000 đô. Cô ấy sẽ chỉ cho phép một nhà phát triển như thế tại một thành phố trên thế giới. Điều đó sẽ giúp họ có khoảng không để phát triển. Có hàng nghìn thành phố trên thế giới để có thể bán chương trình phát triển giá 10.000 đô như vậy. Điều đó sẽ yêu cầu rất nhiều công sức quảng bá. Nhưng tỉ lệ lãi là rất lớn đủ để phải huy động một tá người làm việc đó. Hãy thử làm một phép tính: 1.000 nhà phát triển nhân với 10.000 (trống ngực) bằng… 10 triệu đô.
Tất nhiên, mỗi nhà phát triển sẽ phải mua các tài liệu hướng dẫn đào tạo cho các… học viên của riêng họ. Nó sẽ có giá 50 đô, và kể cả Linda sẽ chỉ lãi được 20 đô mỗi cái, với hàng nghìn nhà phát triển – những người có khoảng 900 sinh viên mỗi năm, cô ấy cũng thu được… 18 triệu đô.
Làm các phép tính. Bạn đã nhìn được toàn cảnh chưa? Kinh doanh thông tin có thể phát triển rất, rất, rất nhanh.
Chúng tôi đã chia sẻ với các bạn câu chuyện của Mark, bằng cách nào anh ấy viết cuốn sách cùng với 18 người khác với giá 2.000 một người. Nói cách khác, mỗi người nhận viết một chương trong cuốn sách. Điều đó giúp Mark và Keith có tiền để phát triển cuốn sách. Mỗi tác giả có thể mua sách với giá rẻ rồi sau đó bán đắt hơn để thu được lợi nhuận.
Hãy nhìn sự việc theo hướng khác. Hãy tìm nhiều nhà tài trợ cho một cuốn sách duy nhất.
62.000 TỪ TRÊN TRỜI RƠI XUỐNG
Câu chuyện của Bernice
Khi chúng tôi hỏi chuyện các nhà triệu phú, chúng tôi thường hỏi họ lý do gì khiến họ bắt đầu sự nghiệp, nguyên nhân đằng sau sự cố gắng không ngừng của họ, và sự sáng tạo dẫn đến thành công rực rỡ. Hầu hết mọi người đều trải qua những sự kiện bất ngờ, hoặc bị đặt vào những tình huống khẩn cấp, dẫn đến sự thành công của họ sau này.
Bernice Winter là con gái lớn trong một gia đình khó khăn có năm chị em. Cuộc đời của cô gái Bernice là đầy những bi kịch. Tuổi thơ của cô, cảnh sát đã phải đến đưa chị em họ đến các nơi bảo hộ hết lần này đến lần khác. Kết quả là cô phải chuyển trường rất nhiều lần tại những nơi bảo hộ đó. Có những trường thuộc khu nhà giàu cũng có trường không.
Bernice nhận ra sự khác biệt sâu sắc giữa những đứa trẻ nhà khá giả và những đứa thuộc gia đình nghèo. Những đứa trẻ giàu không phải lo lắng gì về tiền bạc. Bố mẹ chúng đã lo cho chúng tận răng rồi. Chúng nói chuyện về những thú vui chúng định làm, cho dịp cuối tuần, và nói chung những thứ vui vẻ. Những đứa trẻ nghèo thì không như vậy, chúng không nói đến những thú vui, trái lại chúng có trách nhiệm kiếm ra thức ăn để đặt lên bàn, để có một mái nhà che thân và phải chăm lo các anh chị em của chúng. Chúng không cần phải “lo” về những cuối tuần, khi mà chúng làm gì có cuối tuần.
Ngay từ lúc tuổi còn nhỏ, Bernice đã đủ hiểu những trái ngang ở đời và đủ bản lĩnh để không chấp nhận những gì cuộc đời đem lại cho cô. Cô quyết định là nếu được lựa chọn giữa lo lắng vì tiền và không cần lo lắng vì tiền thì cô sẽ chọn phương án thứ hai khi lớn lên. Cô ấy là một người thích mơ mộng. Cô bé ấy đã nói với mẹ như thế này: “Con sẽ không làm việc kiếm tiền khi con lớn, con sẽ bắt tiền làm việc cho con.”
Bernice nói: “Tôi là một người thích suy nghĩ. Mẹ tôi cười nhạo và nhốt tôi trong tủ quần áo, bảo tôi ngồi đó tha hồ mà nghĩ. Đó chính là những gì tôi đã làm. Tôi đã mơ và không bao giờ từ bỏ giấc mơ của mình. Tôi để những giấc mơ bay cao. Tôi tin vào những câu chuyện cổ tích.”
Lúc Bernice lên tám, cô bé đã bắt đầu phải đi làm những công việc quyét dọn để có tiền mua thức ăn cho mình và các em. Lúc lên 15, cô đã tự ra ngoài đời cố gắng biến câu chuyện cổ tích của mình thành hiện thực.
Cuối cùng Bernice tham gia vào công việc kinh doanh các căn hộ và đã làm việc đó suốt 14 năm trước khi bắt đầu một hướng đi khác. Trong một khoảng thời gian ngắn, công việc kinh doanh thua lỗ và cô ấy mất hết tất cả từ căn nhà, tài khoản ngân hàng, và xe ô-tô, thậm chí đến mức trở thành người vô gia cư.
Đó là một con đường dài leo lên từ dưới đáy cùng của sự khủng hoảng. Trong thời gian này cô ấy đã đọc một cuốn sách của chúng tôi Triệu phú một phút (The One Minute Millionaire). Cuốn sách gây được sự chú ý của cô nhờ có bìa tím vàng và mấy… con bướm…
Cuốn sách đã giúp cô thay đổi cách suy nghĩ về việc kiếm tiền. Cô bắt đầu khởi động lại những giấc mơ của mình. Với mỗi mẩu thông tin cô đã thu thập và áp dụng suốt cuộc đời, khả năng thành công của Bernice cũng tăng dần lên. Chỉ trong vòng một năm Bernice đã trở lại cuộc đua. Sự tự tin cũng theo đó mà quay lại. Cùng năm đó cô ấy nhận được giải thưởng của Hội đồng chung cư Canada vì những cống hiến cho nền công nghiệp này.
Bài học đáng quý nhất mà Bernice mang lại đó là cô đã dùng những kiến thức của mình viết ra một quyển sách. Đó là cuốn 10 bí mật để sống tốt ở chung cư (Ten Secrets to Surviving Life in a Condom inium). Cuốn sách được viết như một tài liệu hướng dẫn, một câu chuyện nhằm giúp đỡ những người đang hoặc muốn sở hữu một căn hộ chung cư và cho những ai đang giao dịch chung cư.
Theo câu chuyện trong cuốn sách, một cặp đôi tên Bob và Betty đã quyết định bán ngôi nhà của họ để mua chung cư. Qua đó, người đọc sẽ có cơ hội trải nghiệm cuộc hành trình của hai bạn trẻ, qua những khó khăn và thử thách họ gặp phải cũng như cách khắc phục chúng dưới góc nhìn của một chuyên gia.
Quay lại thời điểm lúc Bernice có ý tưởng viết một cuốn sách như thế, cô ấy đã phải suy nghĩ bằng cách nào để xuất bản được nó. Cô ấy biết phí in ấn sẽ là 7.000 đô. Cộng các loại phụ phí khác, tổng số tiền để cho ra đời cuốn sách là 13.000 đô. Lúc bấy giờ Bernice vẫn còn đang hưởng trợ cấp của chính phủ. Vậy nên cô quyết định áp dụng phương pháp “Không vốn hay Tiền của người khác” của Robert Allen để có thể xuất bản cuốn sách đó.
Cô ấy bắt đầu tiếp cận những khách hàng trong danh sách kinh doanh (các nhà buôn bất động sản, môi giới, các công ty dịch vụ, quảng cáo – những công ty đã từng thực hiện các giao dịch chung cư) và gợi ý họ đăng quảng cáo trong cuốn sách. Cô nói với họ nó xứng đáng được đầu tư vì là số tiền họ bỏ ra quảng cáo trên các báo và tạp chí là rất lớn và chúng lại không có giá trị sử dụng lâu dài. Trong một khoảng thời gian ngắn: 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng, tất cả số tiền quảng cáo đó sẽ lại trôi sông trôi biển và cần phải làm mới. Cô so sánh chúng với một quyển sách. Sách thì có giá trị lâu hơn nhiều. Chúng nằm trên giá sách gia đình hoặc trong các thư viện, thông điệp chúng mang đến sẽ được lập lại nhiều lần.
Cô liên hệ với các nhà môi giới trong danh sách và thuyết phục họ viết những câu chuyện của mình trong quyển sách, đồng thời cô sẽ dành cho họ nguyên trang quảng cáo, tất cả với giá 7.000 đô. Cô cùng đồng thời tiếp thị một gói quảng cáo rẻ hơn với giá 5.000 đô nhưng họ sẽ chỉ được 1 nửa trang quảng cáo và không được nhắc đến trong các câu chuyện trong cuốn sách. Gói quảng cáo đầu tiên được bán đã được dùng để in ấn cuốn sách. Gói thứ hai để trả cho các chi phí khác. Cô kiếm được xấp xỉ 62.000 đô trước cả khi cuốn sách thật sự được in.
Bernice đã bán 3.000 bản cuốn sách của cô với giá 19 đô. Khi cô hết hàng, cô bán tiếp 2.000 bản nữa nhưng ở dưới dạng sách điện tử với giá 15 đô. Cô sau đó đã quyết định tái bản có bổ sung và phát hành lại cuốn sách. Cô quay lại với các nhà môi giới và hỏi liệu họ có muốn góp mặt trên cuốn sách lần nữa không. Các công ty nhận được những kết quả tích cực từ lần quảng cáo đầu tiên nên họ đều tiếp tục mua thêm 7.000 đô nữa.
Bernice nói đó là một cảm giác rất tuyệt khi thấy cuốn sách của mình xuất hiện trên các thư viện hay có người mang theo cuốn sách và xin chữ kí của cô. Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu.
Có một bài học Bernice học được, đó là khi bạn nằm trên giường bệnh, nhìn vào màn hình ghi lại nhịp sinh học của mình, bạn sẽ muốn nhìn nó “lên rừng xuống biển” chứ không phải một… mặt phẳng. Bởi vì những nhịp lên xuống đó chứng tỏ bạn vẫn còn… sống, vẫn còn trong cuộc chơi.
TRONG BẠN CÓ MỘT CUỐN SÁCH
Bạn luôn có sẵn một câu chuyện xứng đáng để viết về nó. Khi nhắc đến kinh doanh thông tin, câu chuyện của bạn là thứ quan trọng nhất. Viết một quyển sách về các kinh nghiệm của bạn là sản phẩm quan trọng nhất. Do vậy hãy tìm kiếm trong các bộ nhớ của bạn, qua tất cả những thử thách, lo lắng, thất bại đã từng trải qua. Cách giải quyết cho từng vấn đề. Mọi người ai cũng thích một kẻ “sống sót”. Nhưng họ yêu một “kẻ chiến thắng” hơn.
Đó là mỏ vàng to nhất của bạn. Câu chuyện của bạn là thứ dễ bán nhất. Tại sao? Tại vì đó là những thứ rất thật, đến từ những kinh nghiệm thật, từ trái tim và khối óc của chính bạn. Do đó, khi bạn chia sẻ những kinh nghiệm đó, chúng hoàn toàn là thật.
Hoàn toàn đáng tin. Điều đó sẽ giúp ích rất nhiều vì bạn tin vào những điều đó. Đó là những “trái cây dễ hái” nhất cho bạn.
Bạn có thể là một tác giả của những cuốn sách bán chạy nhất không? Nếu Linda có thể làm được thì bạn cũng có thể làm được. Nếu Bernice có thể làm được thì bạn cũng có thể. Nếu Mark và Bob làm được thì tại sao bạn không thể, đúng không?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.