Nợ Tình

Chương 4: PHẦN THỨ NHẤT – Chương I



– Cô Livingstone! Cô có thể tìm giúp tôi cuốn sổ ghi địa chỉ được không?

– Thưa, nó ở trên bàn của bà. Góc bên trái ấy.

– Ồ! Tôi biết. Nhưng tôi cần cuốn sổ năm ngoái kia. Và có thể là cuốn năm trước đó nữa.

– Có thể là người ta đã ném nó đi rồi.

– Không, không bao giờ tôi huỷ các cuốn sổ ghi địa chỉ đi vì thường người ta cần đến chúng. Chúng có thể ở một trong những chiếc ngăn kéo.

Cô Livingstone là người thư ký mới thay thế cô Sedgwick. Người nữ thư ký trước thật là quý. Cô ta biết rõ bà Oliver để giấy tờ, sổ sách ở những nơi nào, hoặc chúng có thể rơi vào đâu. Cô ta biết rõ bà Oliver viết thư có những lời thân thiện với những ai, có những lời khó chịu với những ai. Phải, cô Sedgwick thật là vô giá. Cô giống như cuốn sổ lớn màu nâu trong nhà các bà chủ thời nữ hoàng Victoria với dòng chữ: “Tôi giải đáp tất cả”. Đúng thế. Người ta có thể đọc trong sổ ấy cách chữa vết ố của bàn là trên áo quần, chữa một món sốt bị cháy như thế nào, công thức viết thư cho ngài giám mục ra sao, và hàng ngàn điều khác nữa. Người ta tìm thấy mọi thứ trong cuốn sổ đó, ngày trước đó là sách gối đầu giường của bà Oliver.

Và cô Sedgwick cũng thực sự là một cuốn đại từ điển. Cô Livingstone không được như cô Sedgwick tuy cô là người rất có khả năng. Cô thư ký mới chỉ biết sổ sách, giấy tờ mà cô cũ đã sắp xếp và cô tưởng rằng bà Oliver cũng đã quen thuộc với cách sắp xếp ấy.

– Cái mà tôi cần – Bà nhà văn nói như một đứa trẻ được chiều chuộng – Đó là cuốn sổ năm 1970. Và cả cuốn năm 1969 nữa. Yêu cầu cô tìm nhanh lên.

Nếu mình không tìm lại được cô Sedgwick thì mình có thể phát điên lên mất, bà Oliver tự nhủ.

– Đây là cuốn sổ năm ngoái – Sau khi mở từng ngăn kéo cô Livingstone báo tin một cách hài lòng – Đó là năm 1971.

– Tôi không hỏi cuốn năm 1971.

Một tia sáng mơ hồ xuất hiện trong trí nhớ bà Oliver.

– Cô tìm trong hộp trà trên giá sách xem.

– Nhưng, thưa bà, một cuốn sổ ghi địa chỉ thì không thể ở trong một hộp trà được.

– Có thể là nó ở trong ấy . Tôi nhớ rằng…

Gạt cô Livingstone sang một bên, đi tới giá sách, bà Oliver với lấy hộp trà và mở nắp.

– Đây rồi – Bà nói và tay vung vẩy một cuốn sổ nhỏ màu nâu.

Sau đó bà trở lại bàn làm việc.

– Bây giờ thì thế thôi, cô Livingstone. Không… Cô hãy có tìm cho tôi cuốn sổ ảnh mừng sinh nhật.

– Tôi không hiểu …

– Đã từ lâu tôi không dùng đến nó. Nhưng tôi nhớ là có. Tôi bắt đầu dán từ khi tôi còn nhỏ. Tôi cho rằng nó ở trên gác xép mà chúng tôi dùng làm phòng ngủ mỗi khi bọn trẻ về nghỉ hè. Cô hãy tìm trên chiếc bàn nhỏ kê sát tường.

Bà Oliver thở phào khi thấy người thư ký đã đi xa và bắt đầu mở cuốn sổ ghi địa chỉ nhỏ thơm nức mùi chè Xây-lan ra.

Ravenscroft. Célia Ravenscroft, số nhà 14, phố Fishacre Mews. Đây là nơi cô bé đã sống trong một thời gian, nhưng còn một địa chỉ khác ghi liền đó: Strand-on-the-Grean, gần Kew Bridge.

Bà giở tiếp những trang khác.

Ồ! Địa chỉ này còn mới hơn – bà nhủ thầm – Mardyke Grove. Chỗ này ở bên kia Fulham Road, hình như thế. Có số điện thoại không? Nó đã bị mờ đi một phần. Nhưng mình nghĩ… Phải đúng như vậy… Flaxman. Dù sao mình cũng thủ xem.

Bà đi tới máy điện thoại. Cùng lúc ấy cánh cửa phòng mở toang và cô Livingstone xuất hiện.

– Bà có nhớ…

– Tôi đã tìm thấy địa chỉ cần thiết – Bà Oliver nói – Cô hãy cố tìm ra cuốn sổ ảnh. Rất quan trọng đấy.

– Có thể là bà để tại khu nhà cũ ở Saeley trước khi bà dọn tới đây không?

– Không đâu. Cô hãy tìm tiếp đi.

Và khi cánh cửa khép lại sau lưng người thư ký, bà lẩm bẩm.

– Nào tranh thủ thời gian.

Bà quay số, đợi một lúc, rồi đi ra mở cửa kêu lớn:

– Cô thử tìm trong chiếc rương kiểu Tây-ban-nha xem. Chiếc rương có đai bằng đồng. Tôi không nhớ là ở đâu. Ở gầm bàn chẳng hạn.

Cuộc gọi thứ nhất không thành công.

Người trả lời là một bà có tên là Smith-Potter; bà ta không biết số danh bạ hiện thời của người chủ cũ ngôi nhà là bao nhiêu. Bà Oliver lại tìm kiếm trong cuốn sổ hai địa chỉ khác bị viết vội vàng hầu như không đọc được. Tới lần thử thách thứ ba, bà cho rằng đây là chữ Ravenscroft. Bà xếp một hàng con số trên máy.

Một giọng người nói là có biết Célia.

– Vâng, đã nhiều năm nay cô ta không sống ở đây nữa. Lần cuối cùng tôi nghe nói cô đang sống ở Newcastle.

– Trời, nhưng tôi không biết địa chỉ ấy!

– Tôi cũng không biết – Tiếng người đàn bà trả lời ở đầu dây bên kia – Hình như cô ta đang làm việc với một bác sĩ thú y ở đây.

Thật là khó khăn. Cuối cùng bà Oliver cũng tìm được một số điện thoại khác.

– Vâng, đúng thế – Tiếng một người trả lời – Một cô gái giỏi giang. Cô ta làm việc ở chỗ tôi một năm rưỡi. Tôi muốn giữ cô lại, nhưng cô đi làm với một bác sĩ ở phố Harley. Xin đợi một chút. Tôi có địa chỉ. Ở ngoại ô Islington…

Không nản chí, một lát sau bà Oliver lại quay một số nữa.

– Cô Célia Ravenscroft ư? – Một giọng người nước ngoài hỏi – Đúng là cô ta sống ở đây. Cô có một phòng ở lầu hai. Cô vừa đi ra ngoài phố, có lẽ cũng sắp về.

Bà Oliver thở phào khi đặt máy xuống.

Cô Livingstone, mình đầy bụi và mạng nhện, xuất hiện với một chồng sổ sách, dáng vẻ không mấy dễ chịu.

– Tôi không hiểu những sổ sách này có giúp được gì cho bà không – Cô ta nói với giọng dò hỏi – Vì chúng đã cũ lắm rồi.

– Có ích chứ.

– Bà còn cần tìm gì nữa không ạ?

– Thôi. Cô đặt giúp vào góc đi-văng kia, tối nay tôi sẽ xem.

– Vâng – Người thư ký nói vẻ miễn cưỡng – Nhưng tôi phải phủi sạch bụi cho chúng đã.

– Cô thật đáng mến.

Khó khăn lắm bà Oliver mới nói tiếp được:

– Nhân đó cô phủi bụi cho mình nữa. Mạng nhện bám vào tai bên trái của cô.

Bà nhìn đồng hồ tay và nhớ tới Islington.

– Tôi xin gặp cô Célia Ravenscroft.

– Vâng, là tôi đây – Tiếng trả lời đúng giọng Ăng-glô Xắc-sông nhưng bà Oliver cảm thấy nó chói tai.

– Cô không hiểu là cháu có nhận ra cô không. Cô là Oliver đây. Đã từ lâu cô cháu không gặp nhau, cô là mẹ đỡ đầu của cháu đây.

– Ồ! Đúng vậy! Cháu không bao giờ quên.

– Cô có thể gặp cháu được không? Cháu đến với cô vào bữa ăn trưa, được không? Hoặc là…

– Buổi trưa thì không được, vì cháu phải đi làm việc. Nhưng cháu có thể tới vào chiều nay, nếu cô đồng ý. Khoảng bảy giờ rưỡi hoặc tám giờ. Sau đó cháu lại có một cuộc hẹn. Tuy nhiên…

– Như vậy thì cô rất sung sướng.

– Được rồi.

– Cháu hãy ghi địa chỉ của cô.

Bà Oliver đặt máy, ghi một vài chữ trên lịch bàn, nhìn cô Livingstone mệt mỏi bước vào phòng, mang một chồng sổ sách nặng.

– Tôi tự hỏi có phải là chồng sổ sách này không?

– Không, không phải. Những thứ cô mang tới là công thức chế biến các món ăn.

– Ôi trời!

– Tôi cũng cần xem lại một vài thứ – Bà Oliver nói và cầm lấy một vài cuốn – Tại sao lại không nhỉ. Tôi tự hỏi cuốn sổ ảnh mà chúng ta cần tìm có thể nằm trong tủ quần áo bên của phòng tắm. Trên ngăn khăn mặt. Tôi đã để vào đấy một tí sổ sách giấy tờ. Đây, tự tôi đi tìm xem nào.

Một vài phút sau, bà Oliver lật từng trang một cuốn sổ ảnh cũ trong lúc đó cô Livingstone đứng đợi ở cửa phòng. Một lát sau bà Oliver ngẩng đầu lên.

– Cô đi tìm cho tôi một vài cuốn sổ ghi địa chỉ nữa trong bàn giấy ở phòng khách. Sau đó cô không còn việc gì trong ngày nữa.

Cô Livingstone đi ra.

– Ta tự hỏi – Bà Oliver nói một mình – Hai chúng ta ai là người sung sướng nhất: cô ta về nhà còn ta thì thấy cô ta đi.

Lại nhấc máy nói lên, bà Oliver gọi cho Hercule Poirot.

– Ariane Oliver đây! Ông Poirot đấy phải không? Ông đã hành động gì chưa?

– Xin lỗi? Hành động gì?

– Bất cứ việc gì. Về vấn đề hôm qua chúng ta đã thoả thuận.

– Tôi đã dự kiến làm một vài việc.

– Nhưng ông vẫn chưa làm gì – Bà Oliver lưu ý ông. Bà có nhược điểm là không hiểu đàn ông hình dung sự việc ra sao.

– Còn bà, bà thân mến?

– Tôi đang rất bận.

– A! Bà đã bắt tay vào việc, đúng chứ?

– Tôi đang tập hợp những con voi lại, nếu ông hiểu tôi muốn nói gì.

– Vâng, tôi cho rằng mình hiểu rõ.

– Đi sâu vào quá khứ không dễ dàng gì. Khi đọc lại danh sách những người quen thuộc người ta thấy đây là một số lượng lớn. Và những ý nghĩ ngốc nghếch khi đọc lại những điều ghi trong những bức ảnh mừng sinh nhật. Không hiểu tại sao thời mười sáu, mười bảy tuổi tôi lại có lắm ý kiến như thế. Cũng có thể là ba mươi tuổi.

– Việc tìm kiếm của bà có kết quả gì chưa?

– Chưa. Nhưng tôi thấy mình đã đi vào một con đường tốt. Tôi vừa gọi điện nói cho con gái đỡ đầu của mình. Cô ta sẽ tới gặp tôi khoảng giữa bảy và tám giờ tối nay. Với điều kiện là nó không làm tôi đi chệch hướng. Với bọn trẻ thì người ta phải đề phòng mọi chuyện. Không thể tuyệt đối tin chứng được.

– Thái độ của cô ấy khi nói chuyện với bà ra sao?

– Tôi không biết nói thế nào. Tôi thấy nó có vẻ gắt gỏng. Bây giờ tôi nhớ ra, trong lần gặp gỡ cuối cùng – cách đây chừng một chục năm – tôi thấy nó thật đáng sợ.

– Đáng sợ ư? Ý bà muốn nói gì?

– Tôi đã diễn đạt không đúng. Ý tôi muốn nói là nó có vẻ ít thân mật với tôi.

– Theo tôi thì đó lại là cái tốt.

– Thật thế ư?

– Nếu có người không yêu thích bà, họ thường làm cho bà cảm thấy cái đó. Trong lúc ấy họ cho bà nhiều thông tin hơn là những người giả vờ tỏ ra quý mến bà.

– Lúc ấy thì họ có những lời nịnh nọt, ông muốn nói như vậy, đúng không? Trong trường hợp sau, họ nói cho chúng ta hài lòng. Còn trường hợp trước họ nói cốt làm chúng ta bực mình. Tôi rất muốn biết Célia có phải là người như vậy không. Tôi nhớ, hồi lên năm tuổi nó đã ném giày vào đầu một người giúp việc.

Cuộc nói chuyện đến đây là hết, bà Oliver trở về ngồi trên đi-văng, đào bới những kỷ niệm ngày xưa.

Thời gian trôi nhanh, và bà ngạc nhiên khi nghe thấy tiếng chuông ngoài cửa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.