Nợ Tình
Chương 7: CHƯƠNG IV
Khi bà Oliver trở về nhà thì gặp cô Livingstone đang đứng đợi.
– Thưa bà có hai cú điện thoại – Cô báo tin.
– Thế ư?
– Một là của nhà hàng Crichton và Smith. Họ muốn biết là bà ưa dùng loại nhung màu nâu hay màu xanh.
– Tôi chưa quyết định loại màu nào. Ngày mai cô nhớ nhắc tôi việc này. Chưa gấp lắm.
– Một nữa là của một người nước ngoài. Một ông Hercule Poirot nào đó.
– Ông ấy muốn gì?
– Ông ta hỏi bà có thể tới gặp ông vào chiều nay không.
– Tuyệt đối không thể được. Báo tin lại cho ông ấy rằng tôi không rỗi một phút nào. Tôi sắp phải đi đây. Ông ấy có nói số điện thoại không?
– Có thưa bà.
– Như vậy là tốt. Cô không phải tìm trong danh bạ điện thoại nữa. Nói với ông ấy rằng tôi xin lỗi, không thể tới gặp ông vào chiều nay được vì tôi đang đi tìm một con voi.
– Tôi nghe không rõ.
– Nói là tôi đang đi tìm một con voi.
– À! Vâng, thưa bà.
Cô Livingstone nhìn bà Oliver, tự hỏi mình có sai khi nghĩ bà là một nhà văn có tài nhưng nhiều lúc cũng gàn dở?
– Tôi chưa bao giờ đi săn voi cả – bà Oliver nói rõ hơn – Nhưng tôi phải thừa nhận đây là một môn thể thao hấp dẫn.
Bà đi vào phòng khách và mở quyển sổ đầu tiên bắt gặp trên bàn. Hầu hết sổ sách đều cũ nát vì bà giữ gìn không cẩn thận khi tìm một địa chỉ nào đó. Ta phải bắt đầu làm việc, bà tự nhủ, và ta tin rằng Julia chưa đến nỗi lú lẫn. Trước tiên ta phải gặp bà này. Bà ấy có hàng mớ ý kiến vả lại bà cũng quen thuộc vùng đó. Phải, phải bắt đầu từ bà này.
– Bà có bốn bức thư cần ký, thưa bà – Cô Livingstone nhắc.
– Tôi không có thời gian. Tôi phải đến tận Hampton Court, không gần đây lắm.
* * *
Bà Julia Carstairs đứng lên rời khỏi chiếc ghế bành một cách không khó khăn lắm để tiếp khách tới thăm. Cô hầu Emma, người đã cùng ở căn hộ dành cho những người cao tuổi này với bà nhiều năm, đã nói tên người khách nhưng bà nặng tai nghe thành Gulliver. Bà nhớ lại mình không quen ai có cái tên ấy. Bà nhìn chằm chằm vào bà khách:
– Em cho rằng chị không nhận ra em – Bà Oliver lên tiếng – Vì đã rất nhiều năm chúng ta không gặp nhau.
Như một người có tuổi khác, bà Carstairs nhận người qua giọng nói hơn là khuôn mặt.
– Trời! – Bà kêu lên – Đây là cô Ariane thân mến. Chị rất hài lòng khi gặp cô.
– Em có việc đi qua khu phố này để gặp một người và em nhìn số địa chỉ thấy nhà chị ở gần đây. Chị có căn hộ đẹp quá.
– Nó không đến nỗi tồi. Không đúng như điều người ta hứa hẹn ban đầu, nhưng nó cũng khá. Người ta có thể mang đồ gỗ của mình tới đây, nếu người ta muốn và có một quán ăn trung tâm để người ta dùng bữa. Phải, thật là tốt. Vườn rất rộng và được chăm sóc cẩn thận… Nhưng, Ariane, cô hãy ngồi xuống. Cô có vẻ mạnh giỏi. Bữa nọ tôi đọc trong báo thấy cô đi dự bữa tiệc của các nhà văn. Thật là kỳ lạ. Người ta đọc thấy tên một người hoặc nghe nói về người ấy, và hai ngày sau người ta gặp chính người ấy. Trong cuộc sống có lắm cái ngẫu nhiên mà người ta thường bắt gặp.
– Đúng thế – Bà Oliver trả lời và ngồi xuống ghế bành – Đó là những sự việc thường xảy ra.
– Cô vẫn ở Londres đấy chứ?
– Vẫn ở đấy.
Bà Oliver hỏi thăm con gái bà Carstairs, trong đó có một người sống ở Tân Zélande. Sau đó bà già bấm chuông bảo người hầu mang trà đến.
– Đúng, đã nhiều năm nay chúng ta không gặp nhau – Bà nói.
– Vâng, từ đám cưới của Liewelly.
– Đúng. Hôm ấy cô Moria mặc một chiếc áo chẳng ra làm sao.
– Đám cưới bây giờ khác hẳn thời chúng ta. Một số người còn mặc những bộ điên rồ nữa kia. Tuần trước em đi dự một đám cưới, chú rể mặc một bộ com-lê bằng sa-tanh trắng lại quấn quanh cổ một dây dâu tây bằng đăng-ten Valencien. Thật là kỳ cục. Cô dâu mặc quần trắng nhưng lại in hình những lá cây chĩa ba màu xanh.
– Ở đâu ra cái kiểu cách ấy? Lại còn tới nhà thờ nữa chứ! Nếu chị là ông cha cố thì chị sẽ từ chối làm lễ cho những kẻ điên rồ ấy.
Câu chuyện ngừng lại một lúc rồi lại tiếp tục sau khi Emma mang trà lên.
– Hai hoặc ba ngày trước đây, em có gặp Célia, đứa con gái đỡ đầu của em. Em cho rằng chị vẫn nhớ gia đình nhà Ravenscroft ngày xưa đấy chứ?
– Ravenscroft ư? Ồ, chắc chắn là như vậy. Một tấn thảm kịch. Một vụ tự sát của hai người cùng một lúc, người ta nói như thế. Ở Overcliffe, nơi ấy gần biệt thự của họ.
– Chị có một trí nhớ khác thường, chị Julia.
– Tôi lúc nào cũng có trí nhớ tốt, đúng vậy, mặc dù đôi lúc có quên mất tên người. Phải, một tấn thảm kịch. Cô em họ tôi là Rodd Foster biết họ thời họ còn ở Ấn Độ, nơi mà ông tướng đang làm nhiệm vụ của mình.
– Nhưng chị vẫn biết cả hai người ấy chứ, chị ấy?
– Đúng thế. Họ đã sống ở Overcliffe trong năm hoặc sáu năm.
– Tên thời con gái của bà Ravenscroft là gì nhỉ? Em không tài nào nhớ nổi.
– Margarets. Nhưng mọi người đều gọi bà ta là Molly. Bà ta bao giờ cũng đội tóc giả, cô nhớ không? Bà ta cũng bảo tôi mua một bộ, nói nó rất tiện lợi, nhất là trong các chuyến đi xa. Bà ta có đến bốn bộ khác nhau trong đó có một bộ dùng các buổi chiều, một bộ để đi xa. Bộ tóc ấy vẫn có thể dùng với mũ mà không hư hỏng.
– Em không biết rõ vợ chồng họ như chị – Bà Oliver nói – Khi xảy ra vụ ấy thì em đi công tác ở nước ngoài nên không biết những chi tiết của sự việc ra sao cả.
– Một vụ án khá bí mật. Ngay từ đầu, nó đã gây ra hàng tá những tin đồn khác nhau, nhưng chị cho rằng người ta không thể nào biết được sự thật của nó.
– Em cho rằng có biên bản của các nhà chức trách chứ? Kết luận của họ ra sao?
– Đúng là có biên bản như mọi cái chết bất thường khác. Nhưng nó không nêu được cái gì đã xảy ra trong quá khứ. Người ta cũng đồn rằng đây là một vụ giết người sau đó là một vụ tự sát. Nhưng theo tôi thì đây là một vụ cả hai cùng tự sát. Còn về động cơ…
– Người ta có nói đây là một vụ án mạng do bàn tay của người thứ ba không?
– Không. Người ta cho đó chỉ là một giả thiết. Không có vết bánh xe cũng như vết chân. Chắc chắn là không có ai ở bên họ lúc ấy. Sau khi dùng trà, họ đi dạo, đây là công việc thường ngày, nhưng hôm ấy họ không trở về nhà nữa. Mọi người lo ngại. Người làm vườn đi tìm kiếm và thấy hai cái xác. Khẩu súng lục nằm bên cạnh họ.
– Khẩu súng là của ông Ravenscroft, phải không?
– Phải, ông ta có hai khẩu, như tất cả các sĩ quan khác, tôi nghĩ là như thế. Khẩu thứ hai vẫn nằm trong ngăn kéo bàn giấy, ông ta mang khẩu kia đi. Cũng có thể là người vợ mang khẩu súng đi.
– Ít có khả năng như vậy. Đối với một người phụ nữ việc này là khó khăn.
– Không đúng, đối với ai đang trong hoàn cảnh tuyệt vọng thì lại khác. Nhưng người ta không bao giờ hiểu được những chuyện riêng tư của con người, đúng không?
– Vâng, người ta không bao giờ hiểu được. Chị có ý kiến riêng của mình đối với sự việc này không?
– Tôi vẫn thường suy nghĩ. Có thể là do vấn đề sức khoẻ. Người ta nới với nhau rằng ông tướng mắc bệnh ung thư hay một bệnh gì đó không thể chữa khỏi được. Tuy nhiên đối với các nhà chuyên môn của ngành y thì không phải như thế. Ông ta có một thứ bệnh gì đó về tim, nhưng đã hoàn toàn bình phục. Còn người vợ thì rõ ràng là có chứng suy nhược thần kinh.
– Bây giờ thì em nhớ lại cái chi tiết ấy – Bà Oliver yên lặng một lúc.
– Còn một chuyện – Bất chợt bà Oliver nói tiếp – Bà Molly Ravenscroft có mang tóc giả khi qua đời không?
– Tôi không thể khẳng định được, nhưng tôi biết lúc nào bà ta cũng mang tóc giả.
– Thú thật điều đó làm em băn khoăn. Nếu chị sắp tự sát hoặc sắp sửa giết chồng thì chị cần gì phải mang tóc giả.
Hai người phụ nữ thảo luận vấn đề ấy trong một vài phút.
– Chị có tin chắc đây thực sự là chuyện gì không, chị Julia?
– Thật là khó nói. Người ta nghe được điều gì đó nhưng người ta nói lại thì khác đi.
– Về người chồng hay người vợ?
– Người ta thì thào với nhau rằng ở đây có một người đàn bà khác. Cô thư ký của ông tướng. Ông ta đang viết hồi ký, những kỷ niệm trong nghề nghiệp của mình ở Ấn Độ, và đọc cho cô thư ký chép lại. Những kẻ xấu bụng, cô biết miệng lưỡi thế gian như thế nào rồi, nói có chuyện gì đó giữa ông ta với cô gái. Cô ta không còn trẻ nữa, khoảng ba mươi nhăm tuổi trở lại, nhưng trông còn khá hấp dẫn. Một số người cho rằng ông ta giết vợ để lấy cô thư ký. Nhưng người ta không nói công khai. Nhưng tôi thì tôi không tin có chuyện đó.
– Vậy chị nghĩ như thế nào?
– Vấn đề là ở Molly.
– Chị muốn nói rằng người ta đã nêu tên một người đàn ông ư?
– Tôi cho rằng đã xảy ra một chuyện gì đó từ hồi ở Mã Lai. Tôi nghe nói bà ta có quan hệ với một người đàn ông trẻ hơn mình. Người ta nói ông chồng không có biện pháp giải quyết nào ngoài việc gây ra một vụ om xòm. Nhưng đã lâu lắm rồi và tôi cho rằng ông tướng có nhiều cơ hội để trả thù nếu ông ta có ý định ấy.
– Có xảy ra chuyện gì thời gian sau này, như quan hệ với những người xung quanh gây ra tranh cãi giữa hai vợ chồng không?
– Không. Tôi đọc tất cả những gì người ta viết trên báo và chúng tôi đã tranh luận, đúng thế, vì nhiều người cứ nhất định cho rằng ở đây có một vấn đề gì đó về tình ái.
– Bây giờ thì chị kết luận là không có chuyện gì như thế nếu em hiểu đúng. Còn những đứa trẻ thì sao?
– Có hai đứa, như cô đã biết. Đứa lớn, con gái đỡ đầu của cô, lúc ấy mười hai tuổi, đang sống ở Thụy Sĩ. Đứa con trai ít tuổi hơn, đang học một trường ở nước Anh…
– Em giả thiết rằng trong gia đình ấy có chứng tâm thần di truyền?
– Không. Tôi tin chắc như vậy. Cái mà tôi luôn suy nghĩ …
– Về Molly ư?
– Tôi luôn nghĩ rằng trong bức tranh ấy, ngoài ông chồng còn có một người đàn ông khác.
– Chị muốn nói rằng bà Ravenscroft…
– Cái đó thì chẳng có gì là lạ lùng. Trước hết có nhiều bộ tóc giả.
– Em thú nhận là mình chẳng hiểu gì cả. Tại sao có vấn đề những bộ tóc giả trong chuyện này?
– Bà ta luôn trang điểm.
– Lúc ấy Molly mới có ba mươi nhăm tuổi thôi.
– Ba mươi sáu. Một hôm bà ta khoe tôi những bộ tóc giả và tỏ vẻ hài lòng. Dù rằng đã rất xinh đẹp rồi, bà rất chú trọng việc trang điểm. Tất cả những cái đó bắt đầu khi gia đình họ tới sống ở vùng ấy.
– Những cái đó làm chị nghĩ đến bà ấy có quan hệ với một người đàn ông khác ư?
– Có thể nghĩ như vậy. Cô có thấy không, khi một người đàn ông đi với một cô gái thì mọi người chú ý ngay vì đàn ông không biết tẩy xoá dấu vết. Nhưng nếu người ấy đi với một người đàn bà… Molly có quan hệ với một người đàn ông mà không ai chú ý cả.
– Chị nghĩ như vậy ư, chị Julia?
– Đúng thế. Điều lạ lùng là những người xung quanh không thấy gì cả. Chỉ có người chồng biết, nhưng không muốn vạch áo cho người xem lưng…
– Như vậy đây là một vụ giết người do ghen tuông ư?
– Điều đó không làm tôi ngạc nhiên.
– Trong trường hợp ấy thì ông Ravenscroft giết vợ rồi tự sát.
– Cái đó là có thể. Vì bà ta muốn loại bỏ chồng, nếu không thì họ không cùng đi dạo, không mang theo một khẩu súng trong túi xách tay, ông ta có một túi xách tay rất lớn. Người ta phải chú ý đến những đồ vật ấy.
– Cái mà chị lưu ý là rất đúng.
– Vụ án ấy hẳn là thú vị với cô vì cô viết những truyện về tội ác. Và cô phải biết rõ sự việc đã diễn ra như thế nào trong những trường hợp khác nhau để trình bày.
– Không. Vì chị thấy trong những tiểu thuyết của em toàn là những vụ án mà em sáng tác ra và muốn cho nó đi tới đâu. Tuy nhiên em muốn biết ý kiến chị về vụ này. Chị quen biết nhiều người và em nghĩ rằng họ đã nói nhỏ với chị một điều gì đó.
– Khoan… Cô đặt vấn đề như vậy làm tôi nhớ lại một cuộc nói chuyện.
Bà Castairs ngả lưng vào thành ghế, nhấc đầu và nhắm mắt lại. Bà Oliver ngắm người đối thoại với mình như những bà nội trợ nhìn nồi canh sắp sửa sôi.
– Tôi nhớ rằng – Bà già nói tiếp – Có lần bà ta thổ lộ với tôi một ý nghĩ lạ lùng. Tôi tự hỏi rằng bà ta có nói thật không. Đó là chuyện bà thánh Thérèse Ávila, vấn đề bắt đầu một cuộc đời mới.
Bà Oliver tỏ vẻ hốt hoảng hỏi lại:
– Làm sao lại có chuyện bà thánh Thérèse ở đây?
– Tôi cũng không biết. Bà Ravenscroft đã đọc nhiều sách về các vị thánh và bà ta lưu ý tôi rằng thật lạ lùng là những người đàn bà có thể bắt đầu một cuộc sống khác. Chắc rằng chưa đúng từng câu mà bà ta đã nói nhưng có ý như vậy. Thánh Thérèse Avila không có gì là khác thường, trừ việc gia nhập vào đạo giáo, khi người tổ chức lại các nhà tu kín.
– Em đồng ý với chị, nhưng theo em hai việc đó rất khác nhau.
– Đúng – Bà Carstairs thừa nhận – Nhưng đàn bà thường tin vào những chuyện dại dột, cô biết rõ như vậy, khi có một chuyện yêu đương ngấm ngầm. Nhất là khi họ không còn trẻ nữa, họ muốn tin vào cái đó khi chưa quá muộn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.