Nợ Tình

Chương 10: CHƯƠNG VII



– Thưa ông, có nhiều cú điện thoại gọi ông. Đó là bà Oliver hỏi liệu tối nay có thể tới gặp ông được không – George báo tin cho chủ.

– Thật là tốt, George. Tốt. Ta đã có một ngày mệt lử và rất muốn được gặp bà ấy. Bà ấy là người dễ chịu và không có một cuộc gặp nào là không báo trước. Khi tiếp chuyện, anhcó nghe bà ấy nói đến những con voi không?

– Những con voi ư? Không, thưa ông.

– Như vậy thì việc săn bắt những con thú da dày ấy chưa đạt được kết quả rồi.

George nhìn chủ với vẻ lo ngại. Có những lúc anh ta không hiểu được nhà thám tử tài ba ấy nói gì nữa.

– Gọi điện nói cho bà ấy và bảo là ta rất vui mừng đón tiếp bà.

George quay ra và trở lại sau đó một vài phút nói bà Oliver sẽ tới nhà vào lúc chín giờ kém mười lăm tối nay.

– Anh chuẩn bị cà phê, George – Nhà thám tử nói – Phải có cả bánh bích quy nữa.

– Có cần rượu màu nữa không ạ?

– Không. Không cần thiết. Tôi sẽ dùng một chút si-rô lựu.

– Thưa ông, vâng.

* * *

Bà Oliver tới nơi đúng giờ hẹn và Poirot tiếp đón bà một cách rất lịch sự và nồng hậu.

– Bà thân mến, bà có mạnh khoẻ không?

– Tôi mệt quá – Bà Oliver trả lời và ngồi xuống ghế bành.

– A! Được phần nọ… Tôi không nhớ câu tiếp theo.

– … mất phần kia … – Bà Oliver nói tiếp lời – Tôi đã đọc câu châm ngôn này từ hồi còn trẻ.

– Câu đó hình như không thể chỉ vào công việc mà bà đang tiến hành, ít nhất nó không phải là lời nói ẩn dụ.

– Không phải. Tôi đã có một cuộc đi săn cuồng nhiệt. Ở nơi này, nơi khác, mọi nơi. Nếu ông biết được tôi đã tốn bao nhiêu xăng dầu, số tiền tôi phải trả cho ngành đường sắt nước Anh, số lượng bức thư mà tôi đã gửi đi thì ông sẽ hoảng sợ. Ông không biết tôi đã mệt mỏi như thế nào đâu.

– Nếu như vậy xin bà hãy nghỉ đi và dùng tách cà phê này.

– Nếu nó là cà phê đen và đặc… Đây đúng là thứ mà tôi cần.

– Liệu tôi có thể hỏi là bà đã thu được những kết quả gì chưa.

– Rất nhiều kết quả. Điều đáng ngại là tôi không biết dùng chúng vào việc gì.

– Chắc rằng bà biết rõ những sự việc cụ thể, đúng không?

– Cụ thể ư? Rất khó nói. Tôi nắm được những chi tiết mà người ta nói lại như là những sự kiện, nhưng tôi hoài nghi chân giá trị của chúng.

– Người ta nói đây là những sự kiện đơn giản?

– Còn hơn thế nữa. Tôi lấy được rất nhiều kỷ niệm. Nhưng ông không lạ gì khi người ta nhớ lại quá khứ thì không mấy chính xác.

– Đó là những cái mà bà gọi là kết quả ư?

– Còn ông, ông đã làm gì?

– Bà không thương người, bà thân mến. Vào tuổi tôi mà bà muốn tôi chạy khắp nơi để tìm kiếm sự kiện ư?

– Nhưng ông có chạy đấy chứ?

– Ồ không. Đơn giản tôi chỉ đi hỏi chuyện mấy người bạn của mình thôi.

– Việc làm của ông dễ dàng hơn tôi nhiều- Bà Oliver nhận xét – Ồ, cà phê rất ngon. Ông không thể biết tôi mệt như thế nào đâu.

– Một sự mệt mỏi lành mạnh, tôi biết. Nhưng bà hãy cho tôi rõ bà đã điều tra được những gì?

– Tôi nắm được những câu chuyện và những gợi ý khác nhau nhưng không thể biết là chúng có chính xác hay không?

– Dù thế nào đi nữa, chúng vẫn có ích.

– Tôi hiểu ông. Có những người cho ta biết những sự việc không phải như bản thân nó đã diễn ra mà như một lời giải thích.

– Dù sao những lời giải thích ấy cũng đã dựa trên những sự việc.

– Tôi có một bảng danh sách những người tôi đã thẩm vấn. Thật là vô ích nếu kể lại cho ông nghe những chi tiết, những nơi tôi đã đến và những điều tôi đã nói. Ông chỉ cần biết những ý kiến của những người đã biết và đã nghe nói về gia đình nhà Ravenscroft.

– Có những ý kiến nào về thời kỳ họ sống ở nước ngoài không?

– Có một số. Những ý kiến khác nói về họ từ sau khi họ trở về nước Anh.

– Và mỗi người trong bảng danh sách ấy đều kể về những chuyện liên quan đến vụ án ấy chứ?

– Gần như thế. Tôi nói tóm tắt để ông nghe những điều tôi đã nắm được.

– Đồng ý, nhưng bà hãy dùng bánh bích-quy đi đã.

– Cảm ơn – Bà Oliver nói.

Bà lấy một chiếc bánh và nhai nghiến ngấu.

– Những người mà tôi đã hỏi chuyện đều cho rằng mình biết những gì đã xảy ra. Nhưng họ không nêu được lý do để tin chắc. Họ mất nhiều thời gian để nói lại những điều đã nghe được của người giúp việc. Ví dụ ông tướng viết hồi ký và thuê một nữ thư ký. Có thể cho rằng giữa hai người đã có một chuyện gì đó. Một số người cho rằng ông chồng đã giết vợ để lấy người thư ký. Sau đó hoảng hốt về tội ác đã gây ra, ông ta đã tự sát.

– Lời giải thích rất lãng mạn.

– Những người khác cho tôi biết sự có mặt của một ông gia sư trong biệt thự. Người này dạy người con trai bị ốm và vắng mặt ở nhà trường sáu tháng.

– Ông giáo này hình như dáng vẻ cũng dễ coi?

– Hừ! Và tất nhiên người ta đã tưởng tượng ra là bà Ravenscroft đã yêu thầy giáo của con trai mình.

– Đúng. Ở đây nữa, câu chuyện cũng không kém phần lãng mạn. Không có một chứng cứ nào cả.

– Người ta cũng cho tôi biết có một người làm vườn khó gần gũi và một bà nấu bếp mắt loà, tai nghễnh ngãng. Tôi cũng ghi rõ là bà Ravenscroft có ốm một thời gian. Tôi cho rằng sau đó bà bị rụng nhiều tóc nên bà đã phải dùng tới bốn bộ tóc giả.

– Tôi cũng nghe được chuyện này.

– Ai đã nói với ông?

– Một trong số những người bạn trong ngành cảnh sát của tôi, người đã trực tiếp điều tra vụ này. Nhưng bà có nghĩ rằng một phụ nữ có đến bốn bộ tóc giả là nhiều không? Tôi muốn biết ý kiến của bà.

Bà Oliver suy nghĩ rồi nói:

– Ngày xưa tôi có một bà cô có một bộ tóc giả để mang thường ngày và một khác để dự phòng khi bộ kia đưa đi sửa hoặc giặt. Cho đến nay tôi chưa từng nghe nói một người dùng đến bốn bộ tóc giả.

Bà Oliver lấy ra một cuốn sổ con và lật nhanh những trang giấy.

– Bà Castairs, bảy mươi tuổi, có vẻ lú lẫn. Đây là một số điều tôi ghi lại được khi hỏi chuyện bà ấy:’ “Biết rõ vợ chồng nhà Ravenscroft. Một cặp vợ chồng đáng mến. Tấn thảm kịch. Có thể là do bệnh ung thư”. Tôi hỏi ai mắc bệnh này, ông chồng hay bà vợ thì bà ta không thể nhớ lại được. Bà ta cho rằng lúc ấy bà Ravenscroft đi Londres chữa bệnh và đã qua một cuộc phẫu thuật. Trở về nhà, người chồng thất vọng đã giết vợ trước khi tự sát.

– Đây là giả thiết riêng của bà Castairs hay là bà ấy có đầy đủ chứng cứ mà nói như vậy?

– Tôi sợ rằng đây chỉ là giả thiết. Tôi đã suy nghĩ nhiều về điều này. Khi một người bất chợt mắc một bệnh nào đó, thì ngay lập tức người ngoài nghĩ đến bệnh ung thư. Người bệnh cũng nghĩ như vậy. Một người mà tôi quên mất tên, hình như tên có chữ T trên đầu quả quyết là người chồng bị ung thư. Ông ta rất yêu vợ và hai người bàn luận cùng quyên sinh.

– Đáng buồn và cũng lãng mạn nữa – Poirot bình luận.

– Phải. Và cũng khác thường nữa. Thật là thất vọng khi mọi người nêu lên hàng mớ sự kiện rồi sáng tạo thêm để hình thành câu chuyện.

– Họ chỉ sáng tạo phần giải thích các sự kiện thôi. Ví dụ họ biết một người đi Londres, tới một bác sĩ để khám bệnh hoặc người ấy phải nằm bệnh viện trong hai hoặc ba tháng. Đó là sự kiện mà người ấy biết tận mắt hoặc nghe nói lại…

– Rồi sau này họ cung cấp cho chúng ta một chuyện tự họ sáng tạo ra mà chính họ cũng không rõ. Cái đó chẳng giúp ích gì cho chúng ta, phải không?

– Ồ! Có chứ. Bà có lý khi nêu so sánh với những con voi bữa nọ. Rất quan trọng là biết được một vài sự kiện đã ngưng đọng, nếu có thể nói như vậy, trong trí nhớ của người ta, tuy họ không biết sự thật hoặc cái tại sao của sự kiện. Rất có thể một trong những con voi của bà biết một cái gì đó mà chúng ta không biết hoặc không có cách nào để biết được. Đó là vì sao một số kỷ niệm chuyển hoá thành giả thiết, lý thuyết như: sự không trung thành, ghen tuông, bệnh tật, cùng tự sát… và những gợi ý khác mà người ta đã nói với bà. Cần phải điều tra sâu vào những điểm thấy rất khác thường trong ý kiến của họ.

– Con người thích nói về quá khứ. Họ kể tên một tá nhân vật khiến người ta nghi ngờ có một người thứ ba mà họ mới chỉ nghe nói đến. Hai nhân vật mà chúng ta quan tâm thì bị xa vời và mờ nhạt. Tôi không có cảm giác rằng những cái tôi tìm ra đối với chúng ta là có giá trị.

– Không nên nói như vậy – Poirot tiếp lời bà Oliver – Bà đã thừa nhận cũng như tôi đã xác nhận là một số điều thu lượm được của bà là phù hợp với thực tế. Tôi có thể nói với bà rằng, qua việc điều tra của tôi, hai cái chết đó thật là bí mật. Cảnh sát cũng nghi ngờ những kết luận của mình. Ông Alistair cùng với vợ rất thương yêu nhau, không có một vụ cãi cọ nào, không có bệnh tật vô phương cứu chữa nào có thể gợi ý cho họ cái chết. Tất nhiên tôi nói đây là đúng vào thời điểm của vụ án. Nhưng còn thì kỳ họ ở Ấn Độ nữa thì sao?

– Tôi hiểu. Tôi có một số điều nắm được từ một bà vú già hiện đã tám chục tuổi.

– Những sự kiện thú vị chứ?

– Ở một vài điểm nào đó thì có thể gọi là thú vị. Bà lão đã kể cho tôi nghe một bi kịch xảy ra ở Ấn Độ nhưng bà biết rất ít chi tiết của nó. Tôi không biết là nó có liên quan gì với gia đình nhà Ravenscroft không. Câu chuyện liên quan tới một nhân vật mà bà đã quên mất tên. Đây là một câu chuyện về người chị vợ của ai đó mắc bệnh tâm thần. Người ấy nằm ở nhà điều dưỡng nhiều năm. Khi về nhà bà ta muốn giết hoặc đã giết những đứa con đẻ của mình. Một vài năm sau bà ta tới Ấn Độ sống với vợ chồng người em gái. Ở đây lại xảy ra một bi kịch nữa đối với trẻ con. Vụ này bị bưng bít. Nhưng tôi đã đặt ra câu hỏi bệnh tâm thần có di truyền trong gia đình nhà ông tướng hay là trong gia đình bà vợ không? Phải có những cuộc điều tra mới khẳng định được.

– Phải – Poirot sốt ruột nói – Bệnh ấy có thể di truyền trong nhiều năm – Hình như bà vú đã quên mất sự kiện và nhân vật. Nhưng điều đó lại là điều bà Burton-Cox muốn dò hỏi trong bữa tiệc ấy.

– Bà ấy cho rằng cô gái, người con đỡ đầu của bà, biết rõ chuyện này, phải không?

– Nhưng Célia không thể biết gì được. Thời kỳ ấy chắc chắn là người ta giấu nó. Nhưng sau đó thì có thể nó biết được một số chi tiết về cuộc sống của cha mẹ mình và biết rõ ai đã giết ai. Điều này mới chỉ là một giả thiết. Còn bà Burton-Cox thì nói con trai bà muốn cưới con gái đỡ đầu của tôi. Và tôi hiểu tại sao bà ta muốn biết có phải người chồng đã giết vợ, hoặc ngược lại không? Thật là thiếu thận trọng khi lấy cô gái trong trường hợp này, còn trong trường hợp kia thì không có gì là quan trọng.

– Bà muốn nói bệnh tâm thần di truyền từ người mẹ sang người con gái ư?

– Ông biết, nghĩ như vậy là không thông minh.

– Tôi cho rằng những tin tức bà thu lượm được thật là thú vị. Nhưng chúng ta còn nhiều việc phải làm.

– Tôi còn những tin tức khác nữa. Một người nào đó đã bảo tôi: “Nhà Ravenscroft ư? Có phải vợ chồng nhà ấy đã nuôi một người con nuôi không? Một trong những đứa con của họ đã chết ở Ấn Độ và họ đã nuôi đứa này. Khi mọi giấy tờ nuôi con nuôi đã làm xong thì người mẹ đứa bé muốn đòi lại. Thế là có một vụ xét xử. Toà án quyết định gia đình Ravenscroft được giữ đứa bé, còn người mẹ có ý định bắt cóc con mình”.

Poirot xoa cái đầu hói nghĩ ngợi.

– Trong bản trình bày của bà – ông nói – Có một vài điểm làm tôi thích thú.

– Ví dụ?

– Những bộ tóc giả. Bốn bộ tóc giả.

– Tôi cũng vậy, tôi nghĩ điều này thật là lạ lùng và có thể là thú vị. Nhưng thật thà mà nói, tôi không hiểu nó sẽ dẫn chúng ta tới tới. Hình như nó chẳng có ý nghĩ gì cả. Còn vở kịch ở Ấn Độ thì thủ phạm là một người tâm hần, tôi không thấy tại sao vụ này lại thúc đẩy vợ chồng họ cùng tự sát.

– Nếu ít nhất họ không bị vướng vào vụ này – Poirot gợi ý.

– Ông muốn nói rằng ông Alistair hoặc vợ ông đã giết một người nào đó ư? Một đứa trẻ ngoài giá thú ư? Không, tôi không tin là chúng ta rơi vào vở nhạc kịch này.

– Những con người – Poirot nói một cách nghiêm nghị – Thường thể hiện rất đúng vai trò của mình.

– Ông muốn nói gì?

– Về vẻ bề ngoài, họ là một cặp vợ chồng hoà thuận, hạnh phúc. Họ không có những lo lắng về sức khoẻ, trừ trường hợp phải phẫu thuật trong thời điểm nhất định, như bà đã nói. Không ai trong hai người bị chứng ung thư, sưng phổi hoặc một bệnh hiểm nghèo nào đó. Tương lai của họ không ảm đạm vì bất cứ lý do nào mà họ sẽ chạm trán. Và chúng ta không thể hình dung ra khả năng nào. Không có một tất nhiên nào. Nếu có một người thứ ba trong biệt thự trong thời điểm ấy, cảnh sát điều tra nhất định đã biết. Chỉ có một chuyện chúng ta không nắm chắc được là tại sao ông Alistair và vợ ông lại không muốn sống nữa?

– Trong thế chiến vừa rồi, nhiều người tin rằng quân Đức sẽ đổ bộ lên nước Anh. Tôi biết một đôi có thể đã quyết định sẽ tự sát nếu việc ấy xảy ra vì cho rằng mình không thể sống nổi trong những điều kiện như vậy. Cái đó hình như là ngu ngốc. Cần phải có lòng can đảm trước mọi tình thế. Không phải là cái chết của người này làm lợi cho người khác. Tôi tự hỏi…

– Gì vậy?

– Có phải là cái chết của ông Alistair và của bà Ravenscroft có ích lợi gì cho một người thứ ba nào đó không?

– Bà nghĩ là có một người nào đó thừa kế gia tài của họ ư?

– Có thể là như vậy. Một người nào đó mong muốn mình có một cuộc sống thành đạt hơn. Có thể là người ấy không muốn cho những đứa con thừa kế sản nghiệp của cha mẹ chúng.

Poirot thở dài.

– Đáng ngại là bà nghĩ nhiều về những cái có thể xảy ra. Bà vừa cung cấp cho tôi một tổng số lớn những ý kiến nhưng đó mới chỉ là do hình dung ra thôi. Chỉ có rất ít ý kiến từ đó người ta có thể rút ra vấn đề gì đó thôi? Xem nào, tại sao cái chết của hai con người ấy lại là một sự cần thiết? Vẻ bên ngoài thì họ không có sự lo ngại, không có bệnh tật, họ hoàn toàn hạnh phúc. Thế thì tại sao vào một buổi chiều đẹp trời họ lại đi dạo trên mỏm núi, cho con chó đi theo…

– Con chó thì có liên quan gì với chuyện này?

– Tôi cũng đã tự hỏi như vậy. Họ cho nó đi theo hoặc nó đi theo họ? Sau đó thì ra sao?

– Chắc chắn không thu lượm được điều gì thêm nữa. Cũng như những bộ tóc giả. Đây cũng là một điểm không có ý nghĩa gì và không thể giải thích được. Một trong những con voi của tôi cho biết con chó ấy rất mến bà Ravenscroft. Nhưng một người khác thì lại nói nó đã đớp vào chân bà.

– Người ta lại quay về điểm xuất phát – Poirot nói – Chúng ta phải biết nhiều hơn nữa. Nhưng làm thế nào đây vì nhiều năm đã qua đi, đúng không?

– Tôi thấy nhiều lần ông đã thành công trong những trường hợp tương tự. Tôi nhớ vụ một hoạ sĩ bị giết bên bờ biển, ông đã tìm ra thủ phạm mà không biết những ai đã gần gũi người ấy.

– Đúng là tôi không biết người nào, nhưng tôi đã biết được nhiều chuyện do những người khác.

– Đây cũng là việc tôi thử làm – Bà Oliver trả lời – Nhưng tới nay tôi chưa được ai cung cấp những tin tức có giá trị thực sự. Không ai ở gần họ lúc ấy cả. Ông có cho rằng chúng ta phải bỏ cuộc hay không?

– Tôi cho rằng làm như thế là khôn ngoan hơn cả. Than ôi! Con người có lúc không theo những lời khuyên sáng suốt, có lúc lại muốn biết nhiều hơn nữa. Tôi thú nhận là tôi quan tâm đến những đứa trẻ hơn vợ chồng nhà ấy. Chúng ra sao rồi?

– Bọn trẻ ư? Tôi chưa bao giờ gặp cậu con trai, nhưng nếu ông muốn biết con gái đỡ đầu của tôi thì tôi sẽ bảo nó tới.

– Tôi muốn gặp cô ta. Nhưng không nên mời cô ta tới đây. Trong trường hợp ấy cần tạo ra một sự bất ngờ. Phải, như vậy càng tốt. Tôi cũng muốn gặp một người nữa.

– Ai vậy?

– Bà bạn Burton-Cox của bà.

– Đấy không phải là bạn tôi. Tôi mới gặp bà ta một lần trong bữa tiệc mà tôi đã nói với ông.

– Nhưng tôi cho rằng bà có thể gặp bà ấy một lần nữa.

– Không có gì là khó khăn cả. Tôi chỉ cần giơ ngón tay lên là bà ta chạy đến.

– Tôi rất muốn biết tại sao bà ấy đặt câu hỏi ấy với bà.

– Phải, tôi cho rằng việc đó có thể là có ích. Hơn nữa tôi cũng rất cần nghỉ ngơi. Bây giờ đến lượt ông đi tìm những con voi…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.