Nếu Như Được Làm Lại

CHƯƠNG 11



Andrew không thể đợi được đến khi tới văn phòng để đọc tờ The New York Times. Anh liền mua một tờ tại ki ốt bán báo ở góc phố nhà mình và chú ý đến bài báo trên trang nhất mà Freddy Olson đã tốc ký ngay sau thông báo của Lầu Năm Góc diễn ra nửa tiếng trước giờ lên trang. Một tàu tuần tra của Hải quân Hoa Kỳ đã bắn một phát cảnh cáo nhằm thẳng hướng con tàu hộ tống Iran vốn đang lại quá gần hạm đội số sáu đóng tại cửa eo biển Ormuz. Phát đạn không gây bất cứ thiệt hại nào cho con tàu hộ tống và khiến nó ngay lập tức phải quay ngược trở lại, nhưng lại làm căng thẳng giữa hai quốc gia ngày một leo thang.
Andrew hy vọng rằng viên thanh tra cũng sẽ đọc được bài báo này. Vào đầu giờ chiều, sau khi xem dải tin nhanh chạy trên các màn hình trong phòng biên tập, anh gọi cho Valérie để báo cho cô, trước khi cô biết được, rằng một vòi rồng lục địa cấp F5 đã tàn phá một thành phố nhỏ không xa nhà bố mẹ cô là mấy. Cô không có lý gì mà phải lo lắng cho họ khi biết tin này, anh có lý do chính đáng để nói dối vì anh đã ngay lập tức tìm hỏi về tình hình ở Arcadia, tại đó chẳng có chuyện gì xảy ra cả.
Và, để chuẩn bị cho điều anh vẫn chưa thể tiết lộ với cô, anh đã gọi cho một người bán hoa đặt một bó hoa mẫu đơn rồi viết vài lời yêu thương trên tấm bưu thiếp được anh gài vào giữa những bông hoa. Tối nay, anh sẽ chăm chút cô thật kỹ.
Anh dành cả buổi chiều để tìm kiếm. Lời nhận xét nhỏ mà viên thanh tra đã nói với anh vào tối qua khiến anh suy nghĩ rất lung. Tại sao không thử thay đổi tiến trình sự việc?
Trong khi muốn tránh cãi vã với Olson thì anh lại chỉ lùi vụ cãi cọ của họ lại vài giờ, và vụ cãi nhau này còn ác liệt hơn so với lúc ban đầu.
Khi đi mua nhẫn trước màn cầu hôn của mình, và mặc dù đã tới một cửa hàng trang sức khác, nhưng kỳ lạ thay anh vẫn chọn cùng một kiểu nhẫn đó.
Tuy nhiên, phải chăng anh cần tự ngăn mình tận dụng những trải nghiệm đã kinh qua? Có thể trong chuyến công tác tới đây tại Buenos Aires anh sẽ thành công trong việc khơi dậy lòng trắc ẩn ở người đàn ông mà anh từng không tài nào khiến ông ta đứng ra làm chứng. Nếu như anh thành công trong việc khiến thiếu tá Ortiz lên tiếng, tổng biên tập sẽ cho đăng lên trang nhất ngay sau lần đầu tiên đọc bài báo của anh và anh có thể dẫn vợ đi nghỉ tuần trăng mật ngay sau lễ thành hôn.
Nếu như được làm lại? Andrew vội nguệch ngoạc lên trên trang lót của cuốn sổ tay… Ai mà chẳng mong có được cơ may này chứ? Sửa chữa sai lầm, thành công ở nơi mà họ đã thất bại. Cuộc đời đang trao cho anh cơ hội thứ hai…
Vậy thì mày không lang thang đến quán bar Novecento sao? Một giọng nói từ bên trong khẽ thì thầm với anh.
Andrew vội xua ý nghĩ này ra khỏi tâm trí. Anh thu dọn đồ đạc và định về nhà trước khi Valérie về. Điện thoại kêu vang, nhân viên trực tổng đài chuyển máy cho anh, một viên thanh tra cảnh sát muốn nói chuyện với anh.
– Anh đúng là đoán giỏi như thần, Pilguez vào ngay chủ đề mà không cần rào đón lịch sự; gần như là không chệch chút nào.
– Gần như ư?
– Đồng nghiệp của tôi không bị gãy xương đòn, mà gãy xương đùi, như thế còn rầy rà hơn ấy chứ. Tôi sẽ không dối anh làm gì, khi đọc báo sáng nay, tôi đã nghi anh là tên lừa đảo hạng siêu. Sau khi vòi rồng quét qua, những hình ảnh trên truyền hình thật khủng khiếp, tôi vẫn còn băn khoăn không biết có nên xem xét lại nhận định của mình. Tôi vừa gác máy sau cú điện thoại trao đổi cách đây gần một tiếng đồng hồ với người đồng nghiệp đang công tác tại đội cảnh sát quận 6. Ông ấy vừa tiến hành tìm kiếm vài thông tin cho tôi và đã xác nhận với tôi rằng vụ tai nạn xảy ra vào chiều nay giữa một chiếc xe cứu thương và một đồng nghiệp của chúng tôi thuộc đội cảnh sát cưỡi ngựa. Anh không thể đoán được tất thảy những chuyện đó.
– Quả thật là không.
– Chúng ta cần phải gặp lại nhau, anh Stilman.
– Ngày mai được không?
– Đi xuống hai tầng gác bằng thang máy chẳng mất nhiều thời gian của anh đến vậy đâu, tôi đang ở sảnh tòa soạn của anh đây, tôi đợi anh xuống.
 
°
 
Andrew dẫn Pilguez đến quán bar Marriott. Viên thanh tra gọi một ly scotch, Andrew chẳng mảy may nghĩ ngợi liền gọi ngay một ly Fernet-Coca.
– Ai muốn giết anh nào? Pilguez lên tiếng hỏi. Và sao câu hỏi này lại khiến anh cười?
– Tôi đã bắt đầu thảo ra một danh sách, tôi không ngờ là nó dài thế.
– Chúng ta có thể soạn theo thứ tự bảng chữ cái, nếu điều này có thể giúp ích cho anh, vừa đáp Pilguez vừa lôi một cuốn sổ nhỏ ra.
– Tôi nghĩ đến Freddy Olson trước tiên, một đồng nghiệp cùng phòng với tôi. Chúng tôi chẳng ưa gì nhau. Ngay cả khi ngày hôm qua tôi đã giảng hòa với hắn, vốn chỉ là biện pháp phòng ngừa mà thôi.
– Mối thâm thù dai dẳng. Anh có biết tại sao hắn lại hằn thù anh không?
– Thói đố kỵ trong nghề ấy mà. Tôi đã giành kha khá đề tài của hắn trong những tháng vừa qua.
– Nếu ai cũng sát hại đồng nghiệp mỗi khi họ giẫm lên chân ta thì hẳn đã phải có một cuộc tàn sát tại phố Wall rồi. Nhưng rốt cuộc thì chẳng gì là không thể. Thế còn gì nữa?
– Tôi đã nhận được ba lá thư đe dọa tính mạng.
– Anh quả là một gã kỳ cục, Stilman ạ, anh nói với tôi chuyện đó mà cứ như thể đó là mấy tờ rơi quảng cáo không bằng…
– Chuyện này thi thoảng vẫn xảy đến mà.
Andrew tóm tắt ngắn gọn những kết luận của cuộc điều tra anh từng thực hiện tại Trung Quốc.
– Anh còn giữ mấy lá thư đó chứ?
– Tôi đã chuyển cho bên an ninh hết rồi.
– Hãy lấy lại đi, tôi muốn đọc những lá thư đó vào ngày mai.
– Toàn là thư nặc danh.
– Chẳng có gì hoàn toàn nặc danh ở thời đại chúng ta cả. Chúng ta có thể tìm ra vài dấu vân tay.
– Chắc chắn là vân tay của tôi, và của các nhân viên an ninh.
– Bên khoa học hình sự biết cách tách lọc tốt xấu mà. Anh còn giữ phong bì thư chứ?
– Tôi nghĩ là có, sao thế?
– Dấu bưu điện có thể cho ta nhiều thông tin đó. Thư kiểu này thường được viết trong lúc tức giận, và tức giận thì khiến ta khinh suất. Người viết thư có thể bằng lòng với việc gửi những lời đe dọa của mình đi ở bưu điện không xa nhà lắm. Việc này cũng có thể mất nhiều thời gian, nhưng cũng nên tìm những bậc cha mẹ đã nhận con nuôi từ trại trẻ mồ côi đó và xác minh địa chỉ của họ.
– Tôi chưa từng nghĩ đến chuyện đó.
– Theo như tôi biết thì anh chẳng phải là cớm. Một đồng nghiệp cùng phòng, ba lá thư đe dọa, anh nói danh sách đó dài dằng dặc, còn ai nữa không?
– Vào lúc này tôi đang theo đuổi một vụ điều tra cũng vô cùng tế nhị về những thủ đoạn của một số quân nhân thuộc chế độ độc tài ở Argentina.
– Anh có đặc biệt nhắm đến ai đó không?
– Trọng tâm bài báo của tôi là về một cựu thiếu tá không quân. Ông ta bị nghi ngờ đã tham gia vào những chuyến bay chết chóc. Tòa đã tuyên ông ta trắng án, tôi sử dụng hành trình của ông ta làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt bài báo của mình.
– Thế anh đã gặp ông ta chưa?
– Rồi, nhưng tôi không tài nào khiến ông ta mở miệng được, tôi hy vọng sẽ có được lời thú tội của ông ta trong chuyến đi tới đây của mình.
– Nếu tôi tin vào những lời khẳng định vô lý của anh thì có thể nói rằng anh từng đi một chuyến tương tự trong quá khứ, đúng thế chứ?
– Quả thật đúng là như thế.
– Tôi những tưởng là anh không thể thay đổi tiến trình sự việc cơ mà?
– Chính tôi vẫn còn tự nhủ như vậy vào tối hôm qua, nhưng việc ông đang ở đây cộng với cuộc nói chuyện giữa hai ta vốn chưa từng xảy ra, những thứ đó dường như đang chứng minh cho tôi thấy điều ngược lại.
Pilguez khuấy những viên đá trong cốc của mình.
– Chúng ta phải rõ ràng với nhau, anh Stilman ạ. Anh đã chứng tỏ mình rất có tài đoán định tương lai, từ đó tới chuyện hoàn toàn tin vào câu chuyện của anh vẫn còn một bước tôi chưa thể vượt qua. Chúng ta hãy thống nhất một phiên bản gây ít vấn đề cho tôi nhất.
– Phiên bản gì?
– Anh cho rằng có kẻ định sát hại anh, và rõ ràng là anh được trời phú cho một trực giác nhạy bén khiến người khác phải ngưỡng mộ, tôi chấp nhận giúp anh một tay. Kiểu trợ giúp cho người có khả năng gặp nguy hiểm.
– Nếu điều đó khiến mọi chuyện dễ dàng hơn với ông… Quay lại với vụ việc của chúng ta, tôi không nghĩ rằng tay cựu thiếu tá không quân Argentina đó có thể theo tôi tới tận đây.
– Ông ta có thể cho người theo dõi anh. Sao anh lại đặc biệt chọn ông ta làm tâm điểm cho bài báo của mình?
– Ông ta là nhân vật trung tâm trong đống tài liệu mà tổng biên tập đã đưa cho tôi. “Lịch sử các dân tộc chỉ khiến độc giả xúc động khi nó đề cập đến những con người bằng xương bằng thịt mà ta có thể định hình. Nếu không những câu chuyện dù là chi tiết nhất, thậm chí là kinh khủng nhất, cũng chỉ là một loạt liên tiếp các sự kiện cùng ngày tháng.” Tôi trích dẫn lời cô ấy từng nói đó! Cô ấy đã có lý khi tin rằng hành trình của người đàn ông này sẽ là cách hay để kể lại cách thức mà những con người bình thường có thể biến thành những kẻ đểu giả thật sự dưới ảnh hưởng của các chính quyền hoặc do nhiệt tâm chủ nghĩa dân túy. Trong bối cảnh hiện nay, đây hẳn sẽ là một chủ đề thú vị, ông không thấy thế sao?
– Thế tổng biên tập của anh không nằm trong diện bị nghi ngờ à?
– Olivia á? Đương nhiên rồi, cô ấy không có bất cứ lý do gì phải oán giận tôi cả, chúng tôi rất tâm đầu ý hợp.
– Hợp nhau à, đến mức nào?
– Ông định bóng gió ám chỉ điều gì vậy?
– Chẳng phải là anh sắp kết hôn sao? Theo tôi biết thì không phải chỉ có các đồng nghiệp nam của anh mới biết ghen.
– Ông đang đi sai đường rồi, không hề có bất cứ điều gì nhập nhằng giữa chúng tôi cả.
– Nhưng với cô ấy, có thể cô ấy lại nhìn nhận mọi việc theo một hướng khác thì sao?
Andrew suy nghĩ về câu hỏi của viên thanh tra.
– Không, chân thành mà nói thì tôi không nghĩ thế.
– Vì anh đã nói thế thì ta gạt Olivia của anh sang một bên vậy…
– Stern, Olivia Stern.
– Có hay không có “e” ở cuối từ?
– Không có.
– Cảm ơn, vừa đáp thanh tra Pilguez vừa ghi cái tên đó vào sổ tay. Thế vợ chưa cưới của anh thì sao?
– Cái gì, vợ chưa cưới của tôi á?
– Thưa anh nhà báo, khi đã đến đoạn cuối của một sự nghiệp dài đằng đẵng, tôi có thể khẳng định với anh rằng, một khi đã loại bỏ những hành vi do những kẻ loạn trí gây ra thì chỉ còn hai dạng giết người, rượu chè trụy lạc và vì tình. Tôi có ba câu hỏi cho anh: anh có nợ nần gì không hoặc có từng là nhân chứng trong một tội ác nào không?
– Không hề, thế câu hỏi thứ ba của ông là gì?
– Anh đã từng lừa dối vợ mình chưa?
 
°
 
Viên thanh tra gọi ly scotch thứ hai, rồi sau đó Andrew kể cho ông nghe một sự việc có thể có liên quan đến vụ mưu sát mình…
Bị công việc cuốn đi, đã nhiều tháng rồi Andrew chưa có dịp lái chiếc Datsun cổ. Nó hẳn đã sụt cả xuống dưới lớp bụi dày ở tầng hầm thứ ba của bãi đỗ xe nơi nó đang đậu, cách quán Mariott tầm hai bước chân. Bình ắc quy của nó có thể đã hết sạch điện và Andrew nghi rằng lốp xe cũng chẳng còn ngon lành gì.
Anh có hẹn với một thợ chữa máy vào giờ ăn trưa để cho kéo chiếc xe đến tận xưởng cơ khí của Simon.
Như mỗi lần anh mang xe trở lại chỗ bạn, Andrew biết rằng Simon sẽ không quên xạc cho anh một trận vì đã bỏ bê nó đến vậy. Bạn anh sẽ nhắc đi nhắc lại chuyện các thợ máy đã tốn bao nhiêu thời gian và công sức để tân trang chiếc xe và rằng phải khó khăn lắm thì bạn anh mới có thể chữa xong để làm anh vừa lòng, đồng thời bạn anh cũng kết luận rằng một món đồ cổ như thế này không xứng thuộc về đồ con lợn. Bạn anh có thể sẽ giữ chiếc xe lâu gấp đôi thời gian cần thiết để sửa chữa như giáo viên tịch thu một món đồ chơi để phạt cậu học sinh, nhưng rồi sẽ trả lại cho anh chiếc Datsun bóng lộn như những ngày đầu.
Andrew rời tòa báo rồi băng qua đại lộ. Ở lối vào bãi đỗ xe, anh chào người gác cổng vốn đang mê mải đọc báo nên chẳng hề chú ý tới anh. Trong lúc xuống dốc, Andrew nhận thấy phía sau lưng có tiếng động dường như trùng với nhịp bước chân anh, có khả năng là tiếng bước chân anh vọng lại.
Chỉ có duy một ánh đèn nê ông yếu ớt chiếu sáng tầng ngầm cuối cùng này. Andrew tiến vào lối đi trung tâm, về phía ô đỗ xe số 37, ô bé nhất, nằm kẹt cứng giữa hai chiếc cột. Thao tác mở cửa xe rồi chui vào trong chiếc xe đòi hỏi phải có kỹ năng rèn luyện nhất định nhưng bù lại anh đã được bớt một phần tiền thuê cho vị trí này, nơi mà chẳng có mấy tay lái có thể đỗ nổi xe của mình.
Anh quệt tay lên capo và nhận thấy chiếc Datsun còn bẩn hơn anh nghĩ. Anh thấy yên lòng khi ấn chân vào lốp trước, chúng dường như đủ căng để có thể được kéo đi mà không bị thiệt hại gì. Tay thợ sửa xe hẳn sẽ sớm đến, Andrew lục tìm chìa khóa trong túi. Anh đi vòng qua chiếc cột rồi trong lúc cúi xuống ổ khóa cửa xe, anh cảm thấy có ai đó ở sau lưng mình. Andrew chưa kịp quay lại nhìn thì một cú đánh bằng gậy bóng chày vào vùng hông đã khiến anh gập người làm đôi. Phản xạ của anh là xoay người để đối diện với kẻ đã tấn công mình, một cú thứ hai, ngay vị trí hạ sườn khiến anh ngừng thở rồi ngã nhào xuống đất.
Nằm co rúm dưới đất, Andrew khó khăn lắm mới phân biệt được hình dáng của kẻ giờ đang ấn chiếc gậy bóng chày lên lồng ngực anh để buộc anh nằm ngửa ra đất.
Nếu kẻ đó quan tâm đến chiếc xe thì hắn cứ việc lấy vì dù sao chăng nữa nó cũng chẳng khởi động nổi. Andrew phe phẩy chùm chìa khóa, anh nhận ngay một cú đá vào tay khiến chùm chìa khóa văng ra xa.
– Hãy cầm lấy tiền của tôi rồi để tôi yên, vừa van xin Andrew vừa rút ví ra khỏi túi áo vest.
Với đà đánh chính xác khủng khiếp, chiếc gậy bóng chày đã đánh bật chiếc ví đến tận cuối gian hầm.
– Đồ ngu! Kẻ tấn công thét lên.
Andrew tự nhủ gã đàn ông tấn công mình là một kẻ thần kinh không bình thường hoặc có thể hắn đã nhầm mục tiêu và nhầm anh với một người khác, trong trường hợp này, tốt nhất là nên nói cho hắn biết càng sớm càng tốt.
Rốt cuộc anh cũng dựa được lưng vào cửa xe.
Chiếc gậy bóng chày đập tan cửa kính xe, một cú khác rít lên phía trên đầu Andrew vài phân, đánh bật chiếc gương chiếu hậu.
– Khoan, dừng lại đã, Andrew kêu lên, mẹ khỉ, tôi đã làm gì anh nào?
– Giờ mày còn dám lên tiếng hỏi cơ à? Thế tao đã làm gì mày nào?
Đúng là một kẻ thần kinh không bình thường, Andrew sững sờ rút ra kết luận.
– Giờ là lúc mày phải trả giá, vừa nói gã đàn ông vừa vung gậy lên.
– Tôi xin anh, Andrew rên rỉ, tôi chẳng hiểu anh nói cái gì cả, tôi không quen biết anh, tôi cam đoan với anh là anh nhầm rồi.
– Tao biết đích xác kẻ mà tao cần giải quyết. Một kẻ thối nát chỉ nghĩ đến cái sự nghiệp cỏn con của mình, một tên đểu cáng không hề quan tâm đến đồng loại, một kẻ rác rưởi, gã đàn ông hét lên càng lúc càng đầy đe dọa.
Andrew kín đáo luồn tay vào túi áo vest và tìm thấy điện thoại di động. Bằng mấy đầu ngón tay, anh cố gắng rà tìm xác định các phím số cho phép anh thực hiện cuộc gọi khẩn cấp, nhưng anh cũng hiểu rằng ở cái tầng ngầm thứ ba này thì chẳng có bất cứ cơ may nào để chiếc điện thoại của anh bắt được sóng.
– Tao sẽ đánh gãy tay và vai của mày, tao sẽ khiến mày chẳng thể làm hại ai được nữa.
Andrew cảm thấy tim mình đập thình thịch, cái thằng điên này rốt cuộc định đánh anh đến chết. Anh phải thử làm gì đó, nhưng lượng adrenalin lan tràn khắp các mạch máu đã khiến nhịp đập trái tim anh trở nên dữ dội. Toàn thân anh run bắn, và chắc hẳn anh không tài nào đứng vững trên đôi chân mình.
– Chuyện này chẳng đáng tự hào lắm nhỉ?
– Cứ đặt mình vào vị trí của tôi mà xem, Andrew vặc lại.
– Mày dám cả gan nói những điều như thế thì quả là lạ thật đấy! Chính xác là tao những muốn mày ở vào vị trí của tao đấy. Nếu mày làm thế thì chúng ta cũng chẳng phải đi đến mức này đâu, gã đàn ông vừa thở dài vừa ấn đầu gậy bóng chày vào trán Andrew.
Andrew thấy chiếc gậy được vung lên cao quá đầu mình rồi đập xuống nóc chiếc Datsun, phần nóc xe bẹp rúm dưới sức nặng của cú đập.
– Thế cái đó giúp mày kiếm được thêm bao nhiêu? Hai nghìn, năm nghìn hay mười nghìn đô la?
– Nhưng anh đang nói đến cái gì mới được chứ?
– Ra vẻ ngây thơ hả! Mày định nói với tao rằng đó không phải là vấn đề tiền nong, rằng mày cày việc như trâu chỉ để giành vinh quang đúng không? Rằng đúng là mày đang làm cái nghề hay ho nhất quả đất, có phải không? Gã đàn ông nói thêm với giọng vẻ kinh tởm.
Bỗng nhiên có tiếng động cơ, tiếng răng rắc của bộ ly hợp rồi hai chùm đèn sáng trưng chiếu vào bóng tối.
Kẻ tấn công do dự giây lát; trong cơn tuyệt vọng, Andrew lấy hết sức bình sinh đứng dậy rồi lao vào để tóm lấy cổ hắn. Gã đàn ông thoát ra không chút khó khăn, tung một cú đấm móc vào hàm Andrew rồi lao về phía đoạn dốc chạy trốn, sượt qua người thợ máy đang chiếu đèn pha về phía Andrew.
Người thợ máy xuống xe rồi lại gần Andrew.
– Có chuyện gì xảy ra thế?
– Tôi vừa bị đánh, vừa nói Andrew vừa xoa xoa mặt.
– Vậy là tôi đến vừa kịp lúc!
– Nếu sớm hơn mười phút thì còn tốt hơn nữa, nhưng cũng phải cảm ơn anh nhiều, tôi nghĩ là anh vừa giúp tôi thoát khỏi điều tồi tệ nhất.
– Tôi những muốn có thể nói như vậy về chiếc xe của anh, hắn ta hành hạ chiếc xe kinh quá. Rốt cuộc thì dù sao vẫn còn tốt hơn là anh bị như thế.
– Đúng thế, ngay cả khi tôi biết có một kẻ sẽ chẳng đồng tình với anh đâu, Andrew vừa nhìn chiếc Datsun vừa thở dài.
– Này, chính thế đó, tôi sẽ không đến để rồi lại chẳng làm gì đâu. Anh có chìa khóa chứ? Người thợ máy lên tiếng hỏi.
– Chúng nằm ở đâu đó dưới đất ấy, vừa đáp Andrew vừa bắt đầu sờ soạng tìm kiếm.
– Anh có chắc là không muốn tôi đưa anh đi cấp cứu chứ? Người thợ máy lại hỏi.
– Cảm ơn anh, trừ lòng tự ái ra thì tôi chẳng bị sao cả.
Dưới ánh đèn pha từ xe của người thợ máy, Andrew đã tìm thấy chùm chìa khóa gần một cây cột và chiếc ví của anh nằm không xa một chiếc Cadillac hai chỗ là mấy. Anh giao lại chìa khóa cho người thợ máy rồi bảo với anh ta rằng giờ thì anh không thể đi cùng anh ta đến tận ga ra được. Anh ngoáy vội địa chỉ xưởng sửa xe của Simon trên tờ biên lai chi phí rồi đưa cho anh ta.
– Vậy tôi sẽ phải nói gì với chủ xưởng đây?
– Anh cứ nói là tôi ổn và tôi sẽ gọi cho anh ta vào tối nay.
– Lên đây đi, tôi sẽ đưa anh ra khỏi bãi đỗ xe này, ta chẳng bao giờ biết được gã loạn trí kia có còn lảng vảng sau mấy hàng xe kia không nữa; anh nên đến báo cảnh sát đi.
– Tôi chẳng thể miêu tả nổi chân dung kẻ tấn công mình, điều duy nhất tôi có thể nói là hắn thấp hơn tôi cả cái đầu, và tôi thật sự không muốn huênh hoang về điều này.
Andrew chia tay người thợ máy ở phố 40 rồi quay trở lại văn phòng. Cơn đau ở hông dịu đi phần nào nhưng anh cảm giác có một lớp xi măng gắn chặt hàm mình lại. Anh không có chút ý niệm gì về danh tính kẻ đã tấn công mình, nhưng anh nghi ngờ chuyện kẻ đó tấn công nhầm người, và suy nghĩ này khiến anh thực sự lo lắng.
 
°
 
– Vụ tấn công xảy ra khi nào? Pilguez hỏi.
– Trong dịp nghỉ lễ cuối năm, giữa Giáng sinh và năm mới, khi đó tôi ở lại New York một mình.
– Hắn có vẻ dùng gậy rất hoạt đúng không? Một ông bố trong gia đình, Chủ nhật nào cũng chơi bóng chày với cậu con trai. Tôi sẽ chẳng bất ngờ khi tác giả của một trong những lá thư nặc danh mà anh đã nhận được không chỉ dừng lại ở việc dùng ngòi bút để thể hiện thái độ bất mãn của mình. Và anh không thể miêu tả thêm chút gì cho tôi à?
– Ở bãi đỗ xe đó rất tối, vừa đáp Andrew vừa cụp mắt xuống.
Pilguez đặt tay lên vai anh.
– Tôi đã nói với anh là mình công tác bao nhiêu năm trong ngành cảnh sát trước khi về hưu chưa nhỉ? Ba mươi lăm năm, và còn hơn thế một chút, một quãng thời gian dài kinh khủng phải không?
– Vâng, tôi cũng có thể hình dung ra.
– Thế theo anh, suốt ba mươi lăm năm trong nghề ấy, tôi đã hỏi cung bao nhiêu kẻ bị tình nghi rồi?
– Việc tôi biết hay không thì có quan trọng lắm không?
– Lật bài ngửa với nhau nhé, chính bản thân tôi cũng chẳng thể đếm nổi số ấy, nhưng bù lại, điều tôi có thể nói với anh, đó là ngay cả khi đã về hưu, tôi vẫn có thể nhận ra người ta đang giấu tôi điều gì. Khi ai đó phỉnh phờ mình thì luôn có thứ gì đó khập khiễng không khớp nhau.
– Kiểu thế nào?
– Ngôn ngữ cơ thể không thể nói dối. Một cái chau mày, hai má ửng đỏ, đây này, hơi ửng lên như má anh vào lúc này đây, đôi môi mím lại, hay như ánh mắt lảng tránh. Giày của anh đã được đánh xi kỹ chưa đây?
Andrew ngẩng đầu nhìn lên.
– Cái ví mà tôi nhặt được trong bãi đỗ xe không phải của tôi mà là của kẻ tấn công tôi. Hắn ta hẳn đã đánh rơi nó khi chạy trốn.
– Sao anh lại giấu chuyện này?
– Tôi lấy làm xấu hổ vì bị đánh bởi một gã thấp hơn mình một cái đầu. Và rồi khi lục lọi đám giấy tờ, Andrew nói tiếp, tôi phát hiện ra hắn ta là giáo viên.
– Vậy điều đó thay đổi được gì?
– Đó không thực sự là chân dung của một kẻ thô lậu. Người đàn ông đó không phải vô cớ mà tấn công tôi, một trong những bài báo của tôi hẳn đã gây hại cho anh ta.
– Anh vẫn giữ chỗ giấy tờ tùy thân đó chứ?
– Chúng nằm trong ngăn kéo bàn làm việc của tôi.
– Được rồi, vậy chúng ta sẽ làm một chuyến đến văn phòng của anh nhé, chỉ cần sang đường là đến thôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.