Hồi Ức Của Một Geisha - Đời Kỹ Nữ

Chương 23



Vào sáng sớm hôm sau, khi tàu vào ga Kyoto, tinh thần tôi vẫn chưa ổn định. Nói tóm lại, khi ném một viên đá vào hồ, mặt nước vẫn còn dao động một thời gian sau khi viên đá đã chìm xuống nước. Nhưng khi tôi bước xuống những tầng cấp gỗ để ra khỏi sân ga, ông Itchoda đi sau tôi một bậc, một việc khiến tôi kinh ngạc quên hết mọi sự trong một thời gian.

Tờ bích chương mới trong một tủ gương quảng cáo Vũ khúc cố đô mùa xuân, và tôi đứng lại để xem. Chỉ còn hai tuần nữa là đến ngày khai mạc. Tờ bích chương mới dán vào ngày hôm kia, có lẽ vào lúc tôi đang đi quanh trong khuôn viên nhà ông Nam tước với hy vọng gặp ông Chủ tịch. Vũ khúc mỗi năm có một chủ đề, như là Màu sắc bốn mùa ở Kyoto, hay là Địa danh trích từ chuyện của xứ Heike. Năm nay chủ đề là Ánh sáng long lanh của mặt trời ban mai. Bích chương, dĩ nhiên là do Uchida Koraburo vẽ – người đã sáng tạo hầu hết bích chương từ năm 1919 – vẽ một cô geisha tập sự mặc chiếc kimono màu lục và vàng cam rất đẹp đứng trên cầu vòng bằng gỗ. Tôi quá mệt vì đi xa và ngủ ít trên tàu cho nên tôi đứng choáng váng một lúc trước tấm bích chương, nhìn cái nền bức vẽ màu xanh lục và màu vàng tươi trước, mới nhìn qua hình cô gái mặc áo kimono. Cô a nhìn vào ánh sáng mặt trời rực rỡ, cặp mắt màu xanh xám quá tuyệt vời. Tôi phải vịn một tay lên lan can cho vững. Tôi là cô gái mà Uchida đã vẽ đứng trên cầu ấy.

Trên đường từ ga xe lửa về nhà, ông Itchoda chỉ cho tôi thấy từng tấm bích chương trên đường, thậm chí ông ấy còn yêu cầu bác phu xe kéo chúng tôi đến toà nhà Siêu thị Daimaru cũ để xem bích chương dán đầy cả một bức tường ở đấy nữa. Nhìn thấy hình tôi được dán khắp thành phố như thế này, cũng không làm cho tôi được hoàn toàn sung sướng, vì tôi vẫn nghĩ đến cô gái tội nghiệp đang đứng trước tấm kính soi để một gã đàn ông cởi dải thắt lưng. Mặc dù tôi chờ đợi những giây phút được người ta chúc mừng trong những ngày sắp đến, tôi cũng biết rằng bên cạnh những vinh hạnh này, tôi sẽ gặp nhiều chuyện đắng cay. Từ khi Mameha thu xếp để tôi được có vai trong những vũ khúc mùa xuân này, tôi đã nghe một số lời bình phẩm không mấy đẹp về tôi. Sau khi bích chương dán xong, tình hình càng tệ thêm ra. Ví dụ, vào sáng hôm sau, một cô geisha tập sự từng là bạn của tôi tuần trước, thì nay gặp tôi, cô ta quay mặt khi tôi cúi chào.

Riêng về phần Mameha, tôi đến thăm cô ấy tại nhà cô, cô ấy đã tỏ ra tự hào như chính cô là người trên tờ bích chương. Dĩ nhiên cô ấy không hài lòng về việc tôi đi Hakone, nhưng cô ấy có vẻ rất mãn nguyện về thành công của tôi.

Tự nhiên tôi lo sợ cô ấy biết chuyện kinh khủng đã xảy ra giữa tôi với ông Nam tước, sợ cô ấy cho đây là một sự phản bội. Tôi nghĩ thế nào ông Itchoda cũng nói cho cô ấy biết chuyện này…nhưng nếu ông ta có nói, chắc không bao giờ cô ấy nêu vấn đề này ra giữa chúng tôi. Và tôi cũng không.

Hai tuần sau, vũ khúc mùa xuân bắt đầu. Vào hôm đầu tiên trong phòng thay áo quần ở Nhà hát Kaburenjo, tôi cảm thấy lòng tràn ngập hân hoan, vì Mameha cho biết ông Chủ tịch và ông Nobu có mặt trong đám khán giả.
Trong khi hóa trang, tôi nhét cái khăn tay của ông Chủ tịch dưới chiếc áo lót, sát vào chỗ da trần. Tóc tôi buộc sát vào da đầu bằng một dải lụa, vì tôi phải đội tóc giả, và khi soi gương không thấy mái tóc quen thuộc phủ quanh khuôn mặt, các góc cạnh ở hai má và quanh hai mắt bỗng trở nên xa lạ với tôi. Nói ra có vẻ kỳ cục, nhưng khi tôi nhận ra khuôn mặt của tôi có vẻ xa lạ với tôi, tôi bỗng nghĩ rằng không có gì trên đời này đơn giản như ta tưởng.

Một lát sau tôi đứng với các cô tập sự khác bên cánh gà nhà hát, chuẩn bị vở múa khai mạc. Chúng tôi mặc kimono giống nhau, màu vàng và đỏ, dải thắt lưng màu vàng cam và màu vàng – cho nên mỗi người chúng tôi trông như những bóng người lung linh trong ánh mặt trời. Khi âm nhạc nổi lên, thoạt tiên tiếng trống rồi sau đó tiếng đàn Shamisen vang lên, chúng tôi cùng hiện ra, quạt trong tay mở rộng – chưa bao giờ tôi cảm thấy mình được nhập cuộc với đời như thế này.

Sau vở múa khai mạc, tôi chạy lên lầu để thay kimono. Vở múa của tôi diễn một mình có tên Nắng Mai Trên Sông, nói về một trinh nữ tắm buổi sáng dưới biển và yêu một chú cá heo đẹp mã. Y phục của tôi là kimono màu hồng lộng lẫy với hình vẽ mặt nước màu xám, tôi cầm những dải lụa xanh để tượng trưng cho nước gợn sóng sau tôi. Vai hoàng tử cá heo đẹp mã do cô geisha tên Umiyo đóng, thêm vào, có nhiều vai khác do các geisha thủ diễn để tả gió, ánh sáng mặt trời và những tia nước – cũng như một vài geisha tập sự bôi đen, mặc kimono màu xanh đứng ở xa xa ngoài mép sân khấu, làm những chú cá heo gọi hoàng tử của chúng trở về.

Tôi vội thay áo thật nhanh đến nỗi tôi còn dư được vài phút để nhìn ra khán giả ở dưới. Tôi đi theo tiếng trống chốc chốc gióng lên để đến một hành lang hẹp, âm u, chạy phía sau một trong hai căn buồng của ban nhạc nằm hai bên nhà hát. Một vài cô tập sự và geisha đang nhìn qua những khe hở nơi cửa lầu. Tôi chen vào với họ và nhìn ra, thấy ông Chủ tịch và ông Nobu ngồi với nhau – nhưng tôi thấy hình như ông Chủ tịch đã nhường cho Nobu chỗ tốt hơn. Nobu say sưa nhìn lên sân khấu, nhưng tôi ngạc nhiên thấy ông Chủ tịch có vẻ ngủ gục. Theo tiếng nhạc, tôi nhận ra vở múa của Mameha đang bắt đầu, tôi đến cuối hành lang nơi có những đường khe hở nơi cửa sổ có thể nhìn ra sân khấu.

Tôi chỉ xem Mameha múa vài phút thôi, nhưng ấn tượng mà vở múa của cô ấy in vào óc tôi không bao giờ phai. Hầu hết những vở múa của trường Inoue thường kể sự tích của một chuyện gì đấy, và sự tích của vở múa này có tên Vị Triều Thần trở về với vợ – dựa trên một tác phẩm Trung Hoa nói đến mối tình vụng trộm của một Triều Thần với một Cung Phi. Một đêm bà vợ của vị Triều Thần núp ngoài hoàng cung để xem chồng bà đi chơi ở đâu. Cuối cùng, đến lúc rạng sáng, bà thấy chồng bà chia tay với tình nhân trong một đám cây – nhưng ngay lúc đó bà ta phát bệnh vì trời quá lạnh, và sau đó bà ta mất.

Vũ khúc mùa xuân của chúng tôi, sự tích chuyển sang của Nhật chứ không dùng chuyện Trung Hoa, nhưng đàng nào thì câu chuyện cũng giống nhau. Mameha đóng vai người phụ nữ chết vì lạnh và đứng tim, còn cô geisha Kamako đóng vai người chồng, vị quan trong triều. Tôi xem vở múa đúng vào lúc vị quan triều thần chia tay với tình nhân. Cảnh trên sân khấu đẹp mê hồn, ánh sáng bình minh yếu ớt, tiếng đàn Shamisen dìu dặt như tiếng thổn thức sau hậu trường. Vị quan múa một điệu múa mê hồn để cám ơn người tình đã cho ông ta một đêm hạnh phúc, rồi tiến ra phía ánh mặt trời mọc để hứng lấy hơi ấm cho nàng. Chính lúc này Mameha múa điệu múa diễn tả nỗi sầu muộn của người vợ, cô ấy đứng khuất một bên sân khấu ngoài tầm mắt của người chồng và tình nhân của ông ta. Tôi không biết có phải vì điệu múa của Mameha quá đẹp hay vì nội dung câu chuyện mà tôi cảm thấy buồn da diết khi nhìn cô ta, tôi cảm thấy như chính tôi là nạn nhân gây ra sự phản bội kinh khủng ấy. Cuối vở múa, ánh mặt trời chiếu sáng khắp sân khấu, Mameha đến một rừng cây để múa một mình diễn tả cái chết. Tôi không thể nói cho anh nghe chuyện gì đã xảy ra sau đó. Tôi quá xúc cảm đến nỗi tôi không thể đứng lại xem được nữa, vả lại, tôi phải về hội trường để chuẩn bị phiên mình ra trình diễn.

Trong lúc tôi đợi bên cánh gà, tôi có cảm giác kỳ lạ là sức nặng của toà nhà đè nặng lên tôi – vì đối với tôi, sự buồn phiền là thứ nặng nề vô cùng kỳ lạ. Người vũ công giỏi thường mang vớ có cài nút màu trắng với cỡ rất nhỏ, cho nên cô ta cảm biết được các đường nối trên sàn gỗ với bàn chân mình.
Nhưng khi tôi đứng đấy, cố sức giữ bình tĩnh để biểu diễn, tôi đã có cảm giác như có sức nặng nào đấy đè mạnh lên tôi, đến nỗi không những tôi cảm nhận được các đường nối trên đường ván, mà còn cảm nhận được cả những sợi chỉ trong đôi vớ nữa. Cuối cùng tôi nghe tiếng trống và tiếng đàn Shamisen cất lên và tiếng áo quần sột soạt của các vũ công vội vã đi qua tôi để ra sân khấu, nhưng tôi thấy rất khó mà nhớ được chuyện gì sau đó. Tôi chỉ biết tôi đã đưa tay lên với chiếc quạt khép lại và đầu gối tôi cong xuống – thì đấy là các thế để vào vở múa. Sau đó tôi không nghe ai nói gì về việc tôi không có dấu hiệu báo bắt đầu, nhưng tôi chỉ nhớ rõ ràng tôi đã nhìn hai cánh tay tôi với vẻ ngạc nhiên là động tác của tôi rất chính xác và rất đều đặn. Tôi đã tập vở múa nhiều lần, tôi nghĩ tôi tập như thế là quá đủ. Và mặc dù tinh thần tôi bị sa sút nhưng tôi đã diễn vai của tôi không khó khăn hay bị lúng túng.

Bất kỳ buổi trình diễn nào trong tháng đó, tôi đều chuẩn bị ra sân khấu một cách giống nhau, bằng cách tập trung vào vở Vị Triều Thần Trở Về Với Vợ cho đến khi tôi cảm thấy nỗi sầu muộn đè nặng lên tôi. Loài người chúng ta có đặc tính là quen với hoàn cảnh rất mau, nhưng khi tôi hình dung ra cảnh Mameha múa để miêu tả cảnh đau buồn đứng khuất trước cặp mắt của người chồng và tình nhân của chồng, tôi không thể không cảm thấy buồn phiền, không phải như anh có thể không ngửi thấy mùi trái táo cắt ra để trên bàn trước mặt anh.

Một hôm vào tuần cuối cùng của đợt trình diễn, Mameha và tôi ngồi nán lại lâu trong phòng thay áo, nói chuyện với các geisha khác. Khi chúng tôi ra khỏi nhà hát, chúng tôi cứ nghĩ chắc không gặp ai ở ngoài – và quả vậy, mọi người đã về hết. Nhưng khi chúng tôi ra đến đường, một tài xế mặc đồng phục từ trên một chiếc xe hơi bước ra, mở cửa sau xe. Mameha và tôi định đi qua thì ông Nobu xuất hiện.

– Kìa ông Nobu – Mameha thốt lên – tôi đang lo không biết sao lâu nay ông không cần Sayuri đến giúp vui! Suốt tháng này ngày nào chúng tôi cũng mong nhận được tin ông…

– Thử hỏi ai là người đợi ai? Tôi đợi ngoài nhà hát này gần một giờ rồi.

– Ông lại đến xem múa mới ra về đấy phải không? – Mameha hỏi – Sayuri đúng là một minh tinh.

– Tôi không vừa mới từ đâu đến hết – Nobu nói – Tôi vừa xem múa cách đây một giờ. Đủ thì giờ để tôi gọi một cuốc điện thoại và sai tài xế ra phố để lấy đồ về đây cho tôi.

Nobu đấm tay lên cửa xe với bàn tay độc nhất, làm cho người tài xế giật mình mạnh đến nỗi cái mũ lưỡi trai rơi ra khỏi đầu. Anh tài xế hạ kính cửa xe xuống, đưa cho Nbbu cái bao nhỏ ở nhà hàng theo kiểu phương Tây, bao làm bằng giấy trông như giấy kẽm bạc. Nobu quay qua tôi, tôi cúi chào ông ta thật thấp, nói với ông tôi rất sung sướng được gặp ông ta.

– Cô là vũ công có tài, Sayuri à. Tôi không tặng quà vô cớ đâu – ông ta nói, nhưng tôi không tin ông ta nói thật – có lẽ vì thế mà Mameha và những người khác ở Gion không thích tôi bằng những người khác.

– Ông Nobu – Mameha nói – ai có ý kiến lạ đời như thế?

– Tôi biết rõ các cô geisha thích gì. Cho nên khi đàn ông tặng cô quà, cô phải bỏ qua các thứ vô nghĩa đi.

– Kìa, ông Nobu – tôi nói – chuyện gì vô nghĩa mà ông yêu cầu tôi phải bỏ qua? – Dĩ nhiên tôi cho đây là chuyện đùa, nhưng Nobu thì không xem đấy là chuyện đùa.

– Thì tôi không vừa nói tôi không giống các người khác đó à? – ông ta cau có nói – Tại sao giới geisha các cô không tin chuyện người ta nói với các cô?
Nếu cô muốn nhận gói quà này thì nhận đi, kẻo tôi đổi ý.

Tôi cám ơn ông Nobu và nhận gói quà, và ông ta đấm tay vào cửa xe. Người tài xế nhảy ra mở cửa xe cho ông ta.

Chúng tôi cúi người chào cho đến khi chiếc xe rẽ vào góc đường rồi Mameha và tôi đi lại vào trong vườn của nhà hát Kaburenjo, chúng tôi ngồi trên ghế đá nhìn ra hồ cá chép và nhìn cái gói của Nobu vừa cho tôi. Cái gói đựng một cái hộp nhỏ gói trong giấy màu vàng có in nổi tên của tiệm kim hoàn nổi tiếng, hộp được buộc bằng dải vải to. Tôi mở hộp ra, trong hộp chỉ có một viên ngọc, viên hồng ngọc to bằng hạt đào. Nó giống như giọt máu khổng lồ lấp lánh dưới ánh mặt trời trên hồ. Khi tôi xoay viên ngọc trong mấy ngón tay, ánh sáng lóng lánh nhảy từ mặt này sang mặt khác trên viên ngọc. Tôi cảm thấy ngực tôi cũng nhảy theo nhịp nhảy của từng mặt viên ngọc.

– Tôi thấy cô có vẻ sung sướng – Mameha nói – và tôi rất mừng cho cô. Nhưng đừng vui quá. Đời cô sẽ có nhiều ngọc nữa, Sayuri à, tôi nghĩ là sẽ có nhiều. Nhưng cô sẽ không có cơ hội như thế này lại nữa đâu. Cô hãy đem viên ngọc này về nhà và đưa cho bà Mẹ.

Nhìn vào viên ngọc đẹp thế này, ánh sáng từ viên ngọc toát ra nhuộm hồng đôi tay tôi, rồi nhìn bà Mẹ với cặp mắt vàng khè, mi mắt bầm tím…hừ, tôi thấy cho bà ta viên ngọc này chẳng khác nào mặc đồ lụa cho chồn. Nhưng dĩ nhiên tôi phải vâng lời Mameha.

– Khi cô đưa viên ngọc này cho bà ta – cô ấy nói tiếp – cô phải hết sức dịu dàng, nói như thế này “Thưa Mẹ, con không cần viên ngọc, con rất hân hạnh được Mẹ nhận viên ngọc này. Con đã gây cho Mẹ quá nhiều phiền hà trong những năm vừa qua” Nhưng đừng nói nhiều, nếu không bà ta sẽ cho là cô mỉa mai.

Sau đó khi tôi ngồi trong phòng, mài mực tàu để viết vài lời cám ơn ông Nobu, tôi lại thấy tức tối trong lòng. Nếu Mameha yêu cầu tôi cho cô ta viên ngọc, tôi sẽ vui vẻ đưa cho cô ta ngay. Nhưng đưa cho bà Mẹ thì ôi! Tôi cảm thấy thích ông Nobu, tôi rất buồn khi thấy món quà đắt tiền này lọt vào tay bà Mẹ. Tôi thừa biết nếu viên ngọc này là của ông Chủ tịch, tôi sẽ không cho ai hết. Nhưng dù sao, tôi đã viết xong lời cám ơn, tôi bèn đến phòng bà Mẹ để nói chuyện với bà. Bà ta đang ngồi trong ánh sáng lờ mờ, vuốt ve con chó và hút thuốc.

– Mày muốn gì đấy? – bà ta hỏi tôi – Ta định gọi đem đến một bình trà.

– Con xin lỗi đã quấy rầy Mẹ. Chiều nay khi Mameha và con rời khỏi nhà hát, ông quản lý Nobu Toshikazu đợi con…

– Chắc mày muốn nói đợi cô Mameha…

– Con không biết, thưa Mẹ. Nhưng ông ta tặng cho con một món quà. Món quà rất đẹp, nhưng con không dùng nó làm gì.

Tôi muốn nói tôi rất hân hạnh nếu được bà nhận món quà này, nhưng bà Mẹ không nghe tôi. Bà để ống vố xuống bàn, lấy cái hộp trên tay tôi trước khi tôi đưa cho bà. Tôi lại muốn nói tiếp cho rõ hơn, nhưng bà Mẹ đã lật ngược cái hộp đổ viên hồng ngọc ra trong tay bà.

– Cái gì thế này? – Bà ta hỏi.

– Đây là quà ông quản lý Nobu tặng con. Nobu Toshikazu ở công ty đồ điện Iwamura.

– Mày tưởng tao không biết Nobu Toshikazu là ai à?

Bà ta đứng dậy, đến bên cửa sổ, đẩy khung cửa giấy ra và đưa viên ngọc ra chỗ có ánh sáng của buổi chiều tà chiếu vào. Bà ta làm công việc như tôi đã làm ngoài đường, xoay quanh viên ngọc trong tay và nhìn ánh sáng lấp lánh từ mặt này sang mặt khác. Cuối cùng, bà đóng khung cửa sổ lại và về chỗ cũ.

– Chắc mày lầm, có phải ông ta bảo mày đưa viên ngọc cho Mameha không?

– Dạ, Mameha có mặt với con lúc ấy.

Tôi có thể hình dung được cảnh tượng diễn ra trong óc bà Mẹ lúc ấy, chẳng khác nào cảnh ngã tư đường vào giờ xe cộ đông đúc. Bà ta để viên ngọc lên bàn, tiếp tục hút ống vố. Tôi nghĩ tâm trí bà rối bời như đám khói thuốc bà nhả ra. Cuối cùng bà ta nói:

– Vậy là Nobu Toshikazu đã quan tâm đến mày, phải không?

– Con hân hạnh được ông ta chú ý đến từ ít lâu nay.

Nghe xong bà ta để ống vố xuống bàn như thể muốn nói rằng câu chuyện của chúng tôi sắp chuyển sang phần nghiêm trọng hơn. Bà ta nói:

– Tao chưa canh chừng mày được kỹ càng. Nếu mày đã có bạn trai, thì bây giờ hãy nói cho tao biết.

– Thưa Mẹ, con không có bạn trai nào hết.

Tôi không biết bà ta có tin tôi hay không, nhưng đến đây thì bà bảo tôi đi ra. Tôi chưa kịp nói lời tặng bà ta viên ngọc như Mameha đã dặn. Tôi cố nghĩ ra cách để nêu vấn đề. Nhưng khi tôi nhìn vào cái bàn nơi có viên ngọc, chắc bà tưởng tôi muốn lấy viên ngọc lại. Cho nên, tôi chưa kịp nói thêm lời nào, bà ta đã đưa tay nắm gọn lấy viên ngọc.

OOo

Cuối cùng, việc đó xảy ra vào một buổi chiều. Mameha đến nhà kỹ nữ, dẫn tôi vào phòng khách để báo cho tôi biết việc hô giá mua mizuage của tôi bắt đầu. Cô ấy đã nhận được tin báo của phòng trà Ichiriki vào sáng ấy.

– Tôi buồn là thời điểm tổ chức không thuận lợi – Mameha nói với tôi – Vì chiều nay tôi phải đi Tokyo. Nhưng cô không cần phải có mặt của tôi. Cô sẽ thấy giá hô sẽ cao, vì mọi việc chắc thế nào cũng xảy ra.

– Tôi không hiểu – tôi nói – Mọi việc gì thế?

– Tất cả mọi việc – cô ấy đáp, rồi ra về mà không đụng đến tách trà.

Cô ấy đi ba ngày. Mới đầu, mỗi khi tôi nghe tiếng chân của các chị hầu đến gần là tim tôi đập thình thịch. Nhưng hai ngày trôi qua không có tin tức gì mới mẻ. Sang ngày thứ ba, bà Dì đến tìm tôi ở hành lang để báo là bà Mẹ muốn gặp tôi trên lầu.

Tôi vừa bước lên tầng cấp thứ nhất của thang lầu, bỗng nghe có tiếng cửa mở, rồi Bí Ngô ào ào chạy xuống. Cô ta phóng như gió, hai chân hầu như không chạm phải bậc thang, đến giữa cầu thang, một ngón tay móc phải tay vịn quặp lại. Chắc cô ta đau lắm, vì cô ta hét lên một tiếng và khi xuống đến chân cầu thang, cô ta dừng lại để nắm lấy ngón tay.

– Hatsumono đâu rồi? – cô ta hỏi, rõ ràng cô ta đau đớn – tôi phải tìm cô ấy!

– Xem cô có vẻ đau nhiều đấy! – bà Dì nói – Cô phải tìm Hatsumono để cô ta làm cho cô đau thêm nữa phải không?

Bí Ngô có vẻ rất chán nản. Không những vì ngón tay mà thôi, nhưng khi tôi hỏi cô ta có việc gì quan trọng không, cô ta không đáp mà chạy ra cửa trước rồi biến mất.

Khi tôi vào phòng Mẹ, bà ta đang ngồi nơi bàn. Bà nhồi thuốc vào ống vố, nhưng rồi không biết nghĩ sao, bà ta dẹp đi. Trên kệ để sách kế toán, có cái đồng hồ theo kiểu Tây phương rất đẹp trong tủ kính. Chốc chốc Mẹ nhìn đồng hồ, nhưng mấy phút trôi qua mà bà vẫn không nói gì với tôi hết. Cuối cùng tôi lên tiếng:

– Thưa Mẹ, con xin lỗi đã quấy rầy Mẹ, nhưng con được lệnh lên đây để gặp Mẹ.

– Ông bác sĩ đến trễ – bà đáp – chúng ta đợi ông ta một lát.

Tôi nghĩ bà nói đến bác sĩ Cua, chắc ông ta đến đây để thu xếp về việc mua mizuage của tôi. Tôi không trông mong chuyện như thế cho nên thấy lòng xốn xang khó chịu. Mẹ vuốt ve con chó Taku để giết thì giờ, con chó có vẻ mệt mỏi vì bà ta lưu tâm đến nó quá, nên nó kêu ư ử trong họng để phản đối.

Cuối cùng tôi nghe các chị hầu cất tiếng chào khách dưới tiền sảnh, và Mẹ vội vã xuống lầu. Mấy phút sau, bà trở lên, nhưng không dẫn bác sĩ Cua lên theo mà dẫn một người đàn ông trẻ hơn có mái tóc màu bạch kim mượt mà, xách cặp da trên tay.

– Cô gái này đây – Mẹ nói với ông ta.

Tôi cúi đầu chào ông bác sĩ trẻ, ông ta chào lại tôi.

– Thưa bà, chúng ta sẽ khám tại đây?

Mẹ nói với ông ta khám ngay trong phòng chúng tôi đang ngồi là tiện nhất. Cách bà đóng cửa, tôi biết chuyện sắp xảy ra không thú vị gì. Bà bèn tháo dải thắt lưng của tôi ra, để lên bàn. Rồi bà cởi áo kimono của tôi qua vai và đến móc vào giá ở trong góc. Tôi đứng bình tĩnh với chiếc áo lót trên người, nhưng một lát sau Mẹ đến tháo dải vải buộc áo lót ra. Tôi tự nhiên đưa tay cản lại, nhưng bà hất tay tôi đi như ông Nam tước đã làm, khiến cho tôi cảm thấy đau đớn. Sau khi tháo dải vải buộc xong, bà chuồi tay vào dưới áo lót và kéo dải vải Koshimaki quanh mông ra – một lần nữa như khi ở Hakone.
Tôi không thích chuyện như thế này chút nào hết, nhưng thay vì kéo rộng hai vạt áo lót ra như ông Nam tước đã làm, bà ta vấn hai vạt áo lên quanh người tôi rồi bảo tôi đến nằm xuống chiếu.

Ông bác sĩ quỳ gối xuống, sau khi xin lỗi, ông ta lôi rộng áo lót tôi để cho hai chân phô ra. Mameha đã nói cho tôi biết một ít về chuyện mizuage rồi, nhưng tôi thấy bây giờ mới đến lúc biết rõ nhiều hơn. Có phải việc hô giá đã xong xuôi và ông bác sĩ trẻ này đã thắng? Thế ông bác sĩ Cua và ông Nobu ra sao rồi? Tôi bỗng nghĩ là có thể bà Mẹ âm mưu phá hỏng kế hoạch của Mameha. Ông bác sĩ trẻ chỉnh lại hai chân tôi cho ngay thẳng rồi đưa tay vào giữa, tôi cảm thấy bàn tay ông ta mịn màng, mềm mại như tay của ông Chủ tịch. Tôi cảm thấy quá xấu hổ và trơ tráo khiến cho tôi phải lấy tay che mặt. Tôi muốn khép hai chân lại, nhưng tôi sợ làm thế sẽ gây trở ngại cho công việc của ông ta, rồi kéo dài thêm thời gian chạm trán này. Cho nên tôi nằm yên, hai mắt nhắm nghiền, nín thở. Tôi cảm thấy như con chó Taku khi nó bị mắc xương, bà Dì phải banh miệng nó ra cho bà Mẹ thọc tay vào họng nó.
Bỗng tôi cảm thấy ông bác sĩ đưa cả hai tay vào giữa hai chân tôi, nhưng cuối cùng ông ta lấy tay ra rồi kéo áo lót che kín cho tôi. Khi tôi mở mắt ra, tôi thấy ông ta lau tay trên miếng vải.
– Cô gái còn trinh – ông ta nói.

– Tốt, thế là tuyệt! – Mẹ đáp – Có sẽ ra nhiều máu không?

– Chắc không ra máu đâu. Tôi chỉ nhìn mà khám thôi.

– Không, tôi nói lúc bán mizuage kìa.

– Khó nói. Tôi đoán máu sẽ chảy ra như mọi người khác thôi.

Khi ông bác sĩ trẻ về rồi, Mẹ giúp tôi mặc áo và bảo tôi ngồi vào bàn. Rồi không nói không rằng, bà ta chụp dái tai của tôi, kéo rất mạnh khiến tôi la lên. Bà ta giữ đầu tôi kê sát bên đầu bà trong khi nói:

– Mày là món hàng đắt giá, con ơi! Tao đã đánh giá mày thấp. Tao may mắn là không có gì xảy ra. Nhưng mày phải nhớ là từ rày về sau tao giám sát mày chặt chẽ đấy. Đàn ông phải trả giá thật đắt mới mua trinh của mày được, mày hiểu không?

– Dạ hiểu, thưa Mẹ! – tôi đáp. Dĩ nhiên bà ta nói gì tôi cũng dạ vì bà kéo tai tôi đau quá.

– Nếu mày để cho đàn ông trả giá tuỳ tiện tức là mày lường gạt nhà kỹ nữ này đấy. Mày còn mắc nợ tiền, tao phải lấy lại tiền của mày. Chuyện này hiển nhiên không cần phải nói nữa! – Đến đây, bà Mẹ làm phát ra tiếng kêu gớm ghiếc từ bàn tay kia, bà chà mấy ngón tay vào lòng bàn tay khiến phát ra tiếng kêu ken két.

– Đàn ông sẽ trả tiền để mua trinh – bà ta nói tiếp – nhưng họ cũng trả tiền để nói chuyện khác với mày nữa. Nếu mày trốn đi để gặp thằng nào, cho dù chỉ để nói chuyện một lát thôi – Đến đây bà kết thúc ý nghĩ của mình bằng cách kéo mạnh dái tai tôi một lần nữa mới buông ra.

Tôi phải nghiến răng chịu đau một lát mới lấy lại hơi thở. Khi bình tĩnh trở lại, tôi nói:

– Thưa Mẹ, con sẽ không làm gì cho Mẹ giận đâu!

– Chưa đấy thôi! Nếu mày có lương tri, mày không nên làm.

Tôi xin lỗi để rút lui, nhưng Mẹ bảo tôi ngồi nán lại. Bà gõ ống vố, mặc dù ống vố trống trơn, rồi khi đã nhồi thuốc và châm lửa xong, bà mới nói:

– Tao đã có quyết định. Địa vị của mày trong nhà này sắp thay đổi.

Tôi hốt hoảng khi nghe thấy thế, định lên tiếng hỏi thì Mẹ đã ngăn tôi lại.

– Tuần sau, tao và mày sẽ tổ chức một buổi lễ. Sau đó mày sẽ là con gái của tao. Tao sẽ tuyên bố quyết định nhận con nuôi. Ngày nào đó, nhà kỹ nữ này sẽ là của mày.

Tôi không biết nói năng gì, và tôi cũng không nhớ hết những gì xảy ra sau đó. Tôi chỉ nhớ Mẹ nói liên hồi, bà nói rằng vì tôi là con gái của nhà kỹ nữ, nên rồi đây tôi sẽ dọn đến ở tại phòng của Hatsumono và Bí Ngô đang ở, còn hai người ấy phải dọn đến phòng tôi đang ở nhỏ hơn. Tôi chỉ nghe mang máng cho đến khi nhận ra rằng khi đã là con gái của Mẹ rồi, tôi không còn phải vật lộn dưới sự bạo tàn của Hatsumono nữa.

Đấy là kế hoạch của Mameha, thế nhưng tôi không tin lại có ngày xảy ra được. Mẹ cứ tiếp tục nói. Tôi nhìn vào đôi môi chảy xuống và cặp mắt vàng khè của bà. Bà ta là mụ già đáng ghét thật đấy, nhưng khi tôi đã là con gái của bà ta, tôi sẽ đứng trên kệ cao khỏi tầm với của Hatsumono.

Đang nói nửa chừng, cửa mở ra và Hatsumono hiện ra nơi ngưỡng cửa.

– Cô cần gì đấy? – Mẹ hỏi – tôi đang bận.

– Đi ra – cô ta nói với tôi – tôi cần nói chuyện với Mẹ.

– Nếu cô muốn nói chuyện với ta – Mẹ nói – cô nên hỏi xem Sayuri có vui lòng ra ngoài hay không đã.

– Làm ơn vui lòng ra ngoài cho với, Sayuri – Hatsumono nói, giọng mỉa mai. Lần đầu tiên trong đời, tôi trả lời cô ta mà không sợ cô ta trừng phạt tôi.
– Nếu Mẹ muốn tôi ra, tôi sẽ ra – tôi nói với cô ta.

– Thưa Mẹ, mẹ có vui lòng bảo cô bé ngốc này ra ngoài để yên cho chúng ta được không? – Hatsumono hỏi.

– Đừng có sinh chuyện ồn ào nữa! – Mẹ đáp – muốn nói gì thì cứ vào mà nói.

Hatsumono không thích thế, nhưng cô ta vẫn đi vào. Mẹ ngồi ở bàn. Cô ta ngồi ở giữa Mẹ và tôi, nhưng rất gần bên tôi đến nỗi tôi ngửi được cả mùi nước hoa trên người cô ta.

– Bí Ngô vừa chạy đi tìm tôi, nó rất buồn – cô ta nói – Tôi hứa tôi sẽ nói chuyện với Mẹ. Bí Ngô nói “Ôi chị Hatsumono, Mẹ đã đổi ý rồi! ”, nhưng tôi nói với nó không có chuyện kỳ lạ như thế đâu.

– Ta không biết nó nói chuyện gì, chưa bao giờ ta thay đổi ý kiến về chuyện gì hết.

– Chính tôi đã nói với nó như thế, tôi nói rằng Mẹ sẽ không bao giờ nuốt lời hứa. Nhưng thưa Mẹ, nếu Mẹ nói thẳng cho cô ấy biết, chắc cô ta mới yên tâm.

– Nói với nó về việc gì thế?

– Nói Mẹ không đổi ý về việc nhận cô ta làm con.

– Cái gì khiến cho nó có ý ấy? Có bao giờ ta nảy ra ý kiến sẽ nhận nó làm con nuôi đâu?

Nghe bà ta nói, tôi đau đớn kinh khủng, vì không làm sao tôi khỏi nhớ lại cảnh Bí Ngô chạy xộc xuống cầu thang với vẻ đau khổ, và cô ta đau đớn là đúng, vì không ai biết được tương lai của cô ta sẽ ra sao. Khi mới vào, Hatsumono cười tươi rói, nhưng khi nghe Mẹ nói, mặt cô ta đanh lại như đá. Cô ta hậm hực nhìn tôi.

– Vậy là đúng rồi! Mẹ đã có kế hoạch nhận “nó” làm con nuôi. Mẹ này, thế Mẹ không nhớ Mẹ đã hứa sẽ nhận Bí Ngô làm con nuôi hay sao? Mẹ yêu cầu tôi nói lại cho cô ta biết kia mà?

– Việc cô nói với Bí Ngô không phải là ý kiến của ta. Vả lại, cô không tổ chức cho Bí Ngô thực tập được tốt như ta mong đợi. Cô chỉ làm tốt một thời gian rồi gần đây…

– Mẹ, Mẹ đã hứa rồi! – Hatsumono nói bằng giọng làm cho tôi khiếp sợ.

– Đừng nói chuyện ngu ngốc! Chắc cô biết ta đã để mắt đến Sayuri từ lâu rồi. Tại sao ta quay qua nhận Bí Ngô làm con nuôi?

Tôi thừa biết Mẹ nói láo. Rồi bà ta còn đi xa hơn nữa, vì bà quay qua tôi hỏi như thế này:

– Này Sayuri, lần đầu ta nêu vấn đề nhận cô làm con nuôi là khi nào nhỉ? Có lẽ cách đây một năm phải không?

Chắc anh đã thấy con mèo mẹ dạy con mèo con săn chuột rồi – cách nó nắm con chuột bất lực rồi xé xác ra – như thế đấy, tôi cảm thấy như thế là Mẹ giúp tôi cơ hội học hỏi để trở thành như bà ta sau này. Tôi chỉ có việc nói láo như bà ta đã nói láo, và tôi đáp:

– Dạ phải, thưa Mẹ, Mẹ đã nói chuyện này với con nhiều lần rồi!

Đây là bước đầu tiên để một ngày nào đấy tôi trở thành bà già mắt vàng khè, sống trong căn phòng âm u với sổ sách kế toán. Tôi ghét Hatsumono mà cũng không phục bà Mẹ. Tôi cụp mắt nhìn xuống chiếu để khỏi thấy người nào hết, và trả lời rằng không nhớ khi nào.

Mặt Hatsumono đỏ dừ vì tức giận. Cô ta đứng dậy, đi ra cửa, nhưng Mẹ chận lại.

– Trong vòng một tuần nữa là Sayuri làm con gái của ta – bà nói – Trong thời gian này, cô phải học cách cư xử với cô ấy cho phải phép. Khi xuống lầu, cô hãy bảo chị hầu đem trà lên cho Sayuri và ta.

Hatsumono cúi nhẹ chào, đi ra cửa.

– Thưa Mẹ – tôi nói – con rất buồn khi thấy mình là nguyên nhân sinh ra chuyện rắc rối như thế này. Con nghĩ Hatsumono hoàn toàn sai lầm trong các kế hoạch Mẹ đã đề ra cho Bí Ngô, nhưng, con xin hỏi điều này được không? Mẹ không thể nhận cả Bí Ngô và con làm con nuôi được à?

– Ồ thì ra bây giờ mày đã biết công việc làm ăn rồi phải không? – Bà ta trả lời – Mày muốn dạy ta cách thức điều hành nhà kỹ nữ phải không?

Mấy phút sau chị hầu mang khay trà lên, trên khay có bình trà và một cái tách – không phải hai cái tách, mà chỉ có một cái thôi. Hình như Mẹ chẳng cần để ý, Mẹ rót đầy tách trà và uống, giương cặp mắt vàng khè nhìn tôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.