NHÂN CHỨNG CÂM
CHƯƠNG 22: MỘT NGƯỜI ĐÀN BÀ TRONG CẦU THANG
Sáng hôm sau, một người đưa thư đến trao cho chúng tôi một mảnh giấy. Chữ viết khá nhỏ như thể ngập ngừng, do dự và leo lên về phía cuối các dòng.
Thưa quý ông Poirot.
Qua Ellen tôi đã biết ông đã đến Littlegreen hôm qua. Tôi sẽ chịu ơn ông nhiều, nếu ông đến gặp tôi trong ngày hôm nay.
Chân thành biết ơn ông.
Wilhelmina Lawson
– Như vậy bà ta đã đến Market Basing. – Tôi nhận xét.
– Tôi không phát hiện thấy ở đây có động cơ ác hại nào cả – Anh bạn tôi tuyên bố – Vả lại các ngôi nhà đã thuộc về bà ta.
– Rất đúng! Anh biết không, Poirot, tôi cuối cùng phải hoài nghi các hành vi tự nhiên nhất ư?
– Tôi vẫn thường nhắc đi nhắc lại với anh rằng: “Hãy nghi ngờ tất cả mọi người”. Chắc chắn đó cũng là lý do của tính đa nghi của anh.
– Còn anh, Poirot phải chăng anh cũng đang ở trong tâm trạng này?
– Không, tôi đã vượt qua giai đoạn đó. Tôi nghi duy nhất một người.
– Ai thế?
– Lúc này chỉ là nghi ngờ và tôi chưa có bằng chứng, tôi để anh tự rút ra các suy diễn của chính anh, Hastings. Đừng quên điều quan trọng là: khoa tâm lý. Tính chất của vụ giết người để cho người ta đoán ra tính khí của thủ phạm, đó là điều cốt yếu.
– Tôi không thể nghĩ ra tính cách của kẻ giết người nếu tôi không biết ai là kẻ sát nhân ấy!
– Không, không anh chẳng chú ý đến lời tôi nói cả. Nếu anh suy nghĩ thật kỹ tính chất vụ giết người thì anh sẽ hiểu được kẻ nào đã có thể phạm tội đó!
– Anh thật sự đã biết ai là kẻ giết người phải không, Poirot?
– Tôi không thể nói là tôi biết hắn vì tôi không có bằng chứng. Trong lúc này tôi phải hết sức dè dặt. Nhưng trong thâm tâm tôi đã biết chắc chắn rồi.
– Hãy đề phòng cẩn thận kẻo tên sát nhân có thể giết chết anh đấy! Đó mới thật là một thảm kịch!
Poirot giật nẩy mình. Anh không cho lời nói hỏm hỉnh ấy là trò đùa.
– Anh nói có lý. Tôi phải đề phòng thận trọng.
– Anh phải mặc một bộ giáp bằng sắt và phải cho người nếm thử các thức ăn trước khi anh đụng vào. Ở vào địa vị anh, tôi sẽ phải thuê cả một đội vệ sĩ đấy!
– Cám ơn, Hastings, tốt hơn là tôi có thể tin vào năng lực phán đoán của chính mình.
Anh viết một mảnh giấy cho bà Lawson để báo cho bà cuộc đến thăm Littlegreen của chúng tôi vào lúc mười một giờ. Sau bữa ăn sáng tôi lững thững một mình đi ra công viên thị trấn. Tôi đang nhìn gian hàng đồ cổ thì bị một đòn đập rất đau vào cạnh sườn. Sau lưng tôi, một tiếng cười khanh khách, giọng cao, vang lên. Tôi phẫn nộ quay phắt người lại thì thấy mình đang mặt đối mặt với tiểu thư Peabody. Bà trong tay cầm một chiếc ô to có đầu nhọn mà bà dùng để chọc vào tôi.
Bà tuyên bố bằng một giọng thỏa mãn:
– A! Tôi biết đúng là ông. Tôi chẳng mấy khi lầm.
– Chào bà – Tôi đáp bằng một giọng khá lạnh nhạt – Bà có gì cần đến tôi giúp không ạ?
– Tôi muốn biết bạn ông đã biên tập cuốn sách về tướng Arundell đến đâu rồi?
– Anh ấy chưa bắt đầu viết đâu. – Tôi đáp.
Bà Peabody bắt đầu cười gằn. Cơn vui đùa dịu di, bà nhận xét:
– Tôi tin rằng ông ấy chẳng bao giờ bắt đầu viết cuốn sách ấy đâu.
Tôi mỉm cười:
– Bà đã biết rõ trong chuyện vặt này của chúng tôi rồi à?
– Phải chăng ông coi tôi là con ngốc? Tôi đã đoán ngay lập tức ra điều gì bạn ông tìm kiếm! Ông ta muốn buộc tôi nói ra. Cuộc thăm viếng của các ông đã làm tôi rất vui thích.
Bà nhìn tôi bằng đôi mắt ti hí xảo trá và hỏi tôi:
– Chuyện gì vậy? Hãy kể cho tôi nghe đi!
Tôi do dự không biết trả lời bà thế nào thì Poirot đi tới. Anh chào bà Peabody rất vồn vã.
– Chào ông – Bà Peabody đáp – Hôm nay ông là ai nhỉ. Parotti hay là Poirot?
– Tôi khen bà đã phát hiện ra rất nhanh căn cước của tôi. – Nhà thám tử vừa mỉm cười vừa nói.
– Ông không dễ gì giấu nổi căn cước của mình đâu, thưa ông Poirot! Trên đời này có ít người như ông. Tôi không biết đó có phải là một lợi thế hay không. Đến lượt tôi hỏi ông đây. Tại sao lại có các cuộc tìm kiếm này? Nói đi? Ông nghi ngờ cái gì?
– Thưa bà, bà không biết đã có lời đáp cho câu hỏi của bà đặt ra cho tôi rồi à?
– Tôi vẫn tự hỏi như thế (Bà liếc nhìn anh). Có điều gì đó ám muội trong tờ di chúc này? Hoặc còn có gì nữa? Ông sẽ khai quật Emily tội nghiệp này hả?
Poirot không đáp. Bà Peabody lắc đầu chậm chạp, có vẻ suy tư như thể bà đã biết càu trả lời rồi.
– Điều đó sẽ gây ra trong thị trấn của chúng tôi hậu quả gì đây? Khi đọc nhật báo, tôi tự hỏi một ngày nào đó người ta sẽ tiến hành một cuộc khai quật tử thi ở Market Basing. Tôi không nghĩ rằng đó lại có thể là Emily Arundell.
Bà lại nhìn Poirot một cái nhìn thấu tâm can.
– Bà ấy không thích điều đó, ông biết đấy! Ông đã nghĩ thế, phải không?
– Vâng.
– Tôi trông chờ điều đó. Ông đâu phải là một người điên! Và tôi thấy ông không có vẻ quá ba hoa.
Poirot nghiêng mình chào.
– Cám ơn bà.
– Người ta sẽ không tin như vậy… khi nhìn vào bộ ria mép của ông. Tại sao ông mang ria mép như vậy? Ông thích thế à?
Tôi phì cười quay mặt đi.
– Ở nước Anh, – Poirot nói – việc tôn thờ ria mép không thịnh hành nữa.
Anh lấy tay vuốt ve món trang sức nam nhi này.
– Ôi! Sao mà kỳ cục đến thế! – Bà Peabody thì thầm – Tôi có quen một bà có một cái bướu cổ, thế nhưng bà ta lại tự hào về nó đấy! Ông không tin tôi ư? Ấy thế mà thật đấy! Đó là một dịp để yêu quý cái của Thượng đế đã ban cho ta. Điều nghịch lý vẫn xảy ra mà!
Bà lắc đầu thở dài.
– Tôi không hề nghĩ rằng có thể xảy ra vụ giết người ở cái xó xỉnh hẻo lánh này.
Một lần nữa bà lại nhìn Poirot một cái nhìn sắc bén:
– Ai đã pham tội giết người?
– Tôi phải thét to điều này ở đây, trong phố xá này ư?
– Nghĩa là ông không biết kẻ ấy. Có, ông biết thủ phạm đấy! Tôi muốn rằng kẻ đó là Tanios! Ai đó không cùng họ! Nhưng từ hứa hẹn đến thực hiện còn xa lắm! Thôi! Tôi phải đi đây chính vì ông từ chối cho tôi biết. Ông hành động thay cho ai?
Bằng giọng nói trịnh trọng bạn tôi trả lời:
– Thay cho người chết, thưa bà.
Thật đáng tiếc tôi phải nói là bà Peabody tiếp nhận câu trả lời ông bằng một chuỗi cười vang. Nén cười, bà nói với Poirot:
– Hãy tha lỗi cho tôi. Tôi đã nghe nói về Isabel Tripp. Loại đàn bà gì mà ngu xuẩn thế! Julia còn tệ hơn, với điệu bộ thiếu nữ của mụ. Tạm biệt! Ông đã gặp bác sĩ Grainger rồi à?
– Thưa bà tôi có một vấn đề phải giải quyết với bà. Bà đã tiết lộ điều bí mật của tôi.
Bà Peabody phát ra một tiếng cười trong họng.
– Những con người sao mà ngây ngô đến thế! Ông ta đã nuốt phải, như ăn bánh, những điều bịa đặt mà ông tuôn ra! Ông ta đã giận sôi lên khi tôi nói với ông về sự thật! Ông ta đã bỏ ra ngoài giận dữ như điên! Ông ta đi tìm ông đấy!
– Và ông ấy đã tìm thấy tôi chiều hôm qua.
– Ồ tôi thích dự vào cuộc nói chuyện của các ông trong một xó nhà nào đó.
– Cả tôi nữa, tôi cũng thích để bà biết câu chuyện ở đó. – Poirot nói rất duyên dáng.
Bà Peabody phá lên cười vui vẻ và khi từ giã chúng tôi, Poirot bảo tôi:
– Đó là một bà già rất thông minh!
– Mặc dầu bà ta chẳng ngưỡng mộ chút nào bộ ria mép của anh!
– Sở thích là một chuyện, còn thông minh là việc khác. – Poirot xẵng giọng cãi lại.
Sau khi đã qua hai mươi phút trong hiệu đồ cổ, chúng tôi đi ra mà không mua được món hàng nào. Rồi chúng tôi đi về hướng Littlegreen.
Ellen, mặt đỏ hơn bình thường tiếp đón chúng tôi, dẫn chúng tôi vào phòng khách. Một lúc sau chúng tôi nghe thấy những tiếng chân bước trong cầu thang, rồi bà Lawson đi vào, vẻ mặt xúc động và hơi thở hổn hển. Một chiếc khăn quàng nhẹ chùm lên tóc.
– Xin tha lỗi cho tôi vì tôi trình diện như thế này, thưa ông Poirot, nhưng vì tôi đang phải dọn sạch các tủ hốc tường vẫn luôn khóa kín. Những người già ních vào đó lắm đồ vô tích sự thế! Tiểu thư Arundell kính mến cũng không ra ngoài quy luật ấy. Bao nhiêu là bụi bắt vào tóc khi lục đến những đồ cũ kỹ lỗi thời này! Ông không thể tin được tất cả những thứ mà người ta có thể nhặt nhạnh. Tôi đã thấy hai tá túi đồ khâu, hai tá!
– Bà bảo tiểu thư Arundell đã mua những hai tá túi đồ khâu.
– Vâng, và bà đã để chúng bên cạnh. Đương nhiên tất cả các kim đã rỉ hết. Tai hại biết bao! Chính vì để tặng cho bọn hầu gái làm quà Nô-en đấy.
– Như vậy bà ấy kém trí nhớ à?
– Người không bao giờ nhớ được nơi người xếp các đồ vật. Và người lại có thói quen cất giấu mọi thứ.
– Điều bà cho tôi biết về việc kém trí nhớ của tiểu thư Arundell giải thích sự quá chậm trễ của lá thư mà bà ấy gửi cho tôi. – Bạn tôi nói.
Rồi anh ta lại giải thích những tình huống trong việc khám phá về bức thư. Màu đỏ bốc lên hai má bà Lawson. Bà ta kêu to lên bằng một giọng cục cằn:
– Bà ấy phải báo cho tôi biết chứ! Gửi cho ông lá thư này mà không nói một lời cho tôi! Đấy dại dột đến thế! Bà ấy phải hỏi ý kiến tôi chứ. Tôi không biết toàn bộ việc này. Thật là xấu hổ!
– Nào, quý bà, thôi đừng nóng giận nữa. Tôi chắc là bà ấy hành động hoàn toàn có thiện ý đấy!
– Dù thế nào đi nữa, cách xử sự của bà ấy theo tôi cũng khá kỳ quặc! Bọn con hầu thì chơi ta những vố lố bịch. Bà ấy phải biết rằng bây giờ tôi là chú chứ!
Bà trở lại hiên ngang với vẻ mặt quan trọng.
– Ellen có tận tụy lắm với bà chủ của mình không? – Poirot hỏi.
– Dĩ nhiên là có, nhưng dẫu sao bà ấy phải nói với tôi điều ấy chứ!
– Điều chù yếu, – Poirot nói – là lá thư đã đến được chỗ tôi.
– Tất nhiên là thế! Ích gì làm ra chuyện khi điều dại dột được thực hiện? Dẫu sao thì sẽ tốt cho Ellen nếu chị ta hỏi ý kiến tôi trước khi có một quyết định.
Cuối cùng bà dừng lại mặt bừng bừng giận dữ.
Sau một lúc yên lặng Poirot nói với bà Lawson.
– Bà muốn gặp tôi hôm nay phải không? Tôi có thể giúp được bà gì đây?
Cơn điên giận của bà Lawson tiêu tan đi cũng nhanh như nó chợt hiện. Cô gái già này lại, tỏ ra vụng về và có dáng vẻ bồn chồn xúc động.
– Thực thế, tôi tự hỏi… Ông hiểu cho… Tôi sẽ nói với ông sự thật, thưa ông Poirot. Tôi đến đây hôm qua, và, dĩ nhiên, Ellen đã nói với tôi về việc đến thăm của ông. Lúc đó tôi lo sợ. Ông không báo trước cho tôi về việc ông đến. Điều này tôi thấy cũng khá kỳ lạ… và tôi không hiểu…
– Điều gì mà tôi đã đến làm ở đây ư? – Poirot hoàn tất hộ.
– Tôi… à này! Không… Cũng thế thôi. Tôi không thể tưởng tượng nổi mục đích của cuộc đến thăm Littlegreen của ông.
Bà ngước mắt nhìn anh dò hỏi.
– Tôi có một điều phải thú nhận với bà – Poirot bảo bà – Tôi sợ đã để lại cho bà một ấn tượng sai lầm. Bà tưởng rằng bức thư của tiểu thư Arundell có liên quan đến việc mất một món tiền nhỏ, tất nhiên là vụ ăn cắp vặt do Charles Arundell phạm phải, phải không ạ?
Bà Lawson gật đầu đồng ý.
– Trường hợp này không phải như thế. Thật ra chính bà mới là người đầu tiên nói ra với tôi về số tiền bị mất cắp ấy. Trong lá thư của mình, tiểu thư Arundell đã kể cho tôi về vụ tai nạn của bà.
– Tai nạn của người?
– Vâng. Hình như bà bị ngã trong cầu thang.
– Ồ, vâng…
Vẻ rụng rời, cô gái già nhìn bạn tôi chằm chằm. Rồi bà nói tiếp:
– Nhưng… tôi không hiểu… Rõ ràng là tôi chậm hiểu… nhưng tại sao người lại viết cho ông? Ông là… ông đã nói với tôi, một thám tử à? Chắc ông cũng là thầy thuốc? Hoặc có thể là thầy lang?
– Không, tôi không phải là thầy thuốc cũng không là thầy lang. Nhưng hoàn toàn như thầy thuốc, đôi lúc tôi bận tâm đến những cái chết đột xuất. Những cái chết gọi là đột xuất – Poirot nhấn mạnh – Tiểu thư Arundell không phải chết vì tai nạn đó, đúng thế, nhưng bà cũng có thể vì thế mà chết!
– Chao ôi! Phải. Bác sĩ cũng nói như thế, nhưng tôi không hiểu…
Bà Lawson có vẻ hoàn toàn rã rời.
– Mọi người đều cho rằng nguyên nhân tai nạn là do quả bóng của con Bob, phải không ạ?
– Vâng, vâng chính là do quả bóng của con chó.
– Không, không. Tiểu thư Lawson ạ, điều đó không phải là do quả bóng của con chó.
– Tha lỗi cho tôi, thưa ông Poirot, nhưng chính mắt tôi đã trông thấy thế, khi tất cả chúng tôi chạy đến.
– Bà đã trông thấy quả bóng… có thể! Nhưng không phải quả bóng ấy là nguyên nhân của tai nạn! Cái ngã của tiểu thư Arundell được gây nên do một sợi dây màu sẫm căng ở ba chục phân bên trên bậc thềm cầu thang!
– Này… một con chó không thể…
– Tất nhiên là thế – Poirot cắt lời – Một con chó không thể căng được cái bẫy này. Nó cũng không đủ thông minh cũng không đủ tai ác để làm việc ấy. Một con người đã đặt sợi dây ấy.
Bà Lawson úp bàn tay vào mặt, khuôn mặt đã trở thành một màu xanh lợt chết chóc.
– Ồ, thưa ông Poirot… Tôi không thể tin như thế. Dù sao ông cũng không tưởng… Thật kinh khủng… Ông bảo là người ta đã căng sợi dây ấy với âm mưu ư?
– Vâng thưa bà. Sợi dây ấy đã được căng ở đó với ý định.
– Thật là ghê tởm! Muốn giết chết một người nào đó.
– Nếu cú đòn đó thành công thì tiểu thư Arundell đã bị giết chết. Nói một cách khác, đó là một vụ ám sát.
Bà Lawson thốt lên một tiếng kêu nhỏ âm sắc cao. Poirot nói tiếp vẫn bằng một giọng trịnh trọng:
– Người ta đã đóng một cái đinh vào tấm ván chân tường để buộc vào đó đầu sợi dây và cái đinh ấy đã được sơn véc ni để không nhận ra được. Hãy nói cho tôi biết, bà có nhớ là đã ngửi thấy một mùi véc ni buộc bà phải suy nghĩ không?
Bà Lawson thốt ra một tiếng kêu kinh ngạc:
– Kỳ cục quá đi thôi! Ồ mà có đấy! Không bao giờ tôi lại nghĩ… ấy thế mà cái mùi ấy đã gây cho tôi một cảm giác rất lạ đúng vào lúc… Tôi có thể nghi ngờ thế nào nhỉ?
Poirot ngả người về đàng trước.
– Vậy thì thưa bà, bà sẽ giúp tôi. Một lần nữa tôi kêu gọi sự cộng tác của bà.
– Xin vâng! Khi nào tôi phải cộng tác! Ngay bây giờ hoàn toàn phù hợp.
– Hãy nói tôi biết, thưa bà, bà đã ngửi thấy một mùi véc ni phải không?
– Vâng tôi đã ngửi thấy rõ mùi ấy mà không biết là mùi gì. Tôi tự hỏi: đó là mùi sơn, không, nó giống mùi xi để đóng gói hơn, và rồi tôi cho là đồ chơi trong óc tưởng tượng của tôi.
– Điều ấy xảy ra lúc nào?
– Gượm đã… Việc này có thể vào khi nào nhỉ?
– Phải chăng trong dịp lễ Phục sinh, lúc ấy nhà đầy người?
– Vâng, chính vào dịp ấy đấy, nhưng tôi thử nhớ lại ngày chính xác xem nhé. Nào, phải chăng ngày Chủ nhật? Không. Không phải ngày ấy, cũng không phải thứ Ba. Ngày hôm ấy chúng tôi có bác sĩ Donaldson đến ăn bữa tối. Và thứ Tư thì tất cả đã ra đi. Không lầm nữa, đó là ngày thứ Hai lễ Phục sinh. Tất cả các nhà hàng đều đóng cửa và, buổi chiều tôi còn nằm trên giường đầu óc lo âu. Những ngày lễ đối với tôi là những nguồn buồn phiền! Chỉ có vừa đủ thịt bò lạnh để ăn và tôi tưởng tượng tiểu thư Arundell đang nổi giận. Ông hiểu không, chính tôi là người đi đặt hàng ở hàng thịt, ngày thứ Bảy. Tôi phải yêu cầu món thịt quay tới bảy bảng, nhưng tôi nghĩ rằng năm bảng là đủ.
Bà Lawson dừng lại thở dài rồi kể tiếp:
– Tối hôm ấy, tôi còn thức và đang tự hỏi xem hôm sau tiểu thư Arundell có thể nói gì, thì tôi bị đánh thức bởi một tiếng động, một loại tiếng rắc hay những tiếng đập nhỏ… nên tôi ngồi dậy tại giường. Rồi tôi hít mạnh, tưởng ngửi thấy một mùi cái gì đó cháy. Tôi sợ có hỏa hoạn. Mùi này tồn tại mãi nhưng không phải là khói. Nó khá giống sơn hay phẩm màu cho bao bì. Tôi tiếp tục sịt mũi thì tôi nhìn thấy trong gương…
– Bà đã nhìn thấy ai và ở đâu?
– Trong tấm gương của tôi, – Bà Lawson nói tiếp, không kể đến câu hỏi của bạn tôi – cái gương này đặt ở vị trí tốt. Thông thường tôi để cửa hé mở để nghe thấy tiếng tiểu thư Arundell nếu người gọi tôi; hoặc để trông thấy người nếu người đi lên và đi xuống cầu thang. Một ngọn đèn vẫn thắp sáng suốt đêm trong hành lang. Vì vậy mà tôi đã trông thấy người ấy quỳ ở cầu thang. Tôi có thể nói, tôi đã trông thấy Theresa. Cô ấy có lẽ quỳ gối ở bậc thứ ba, đầu cúi xuống và tôi tự hỏi: “Phải chăng cô ta bị ốm?” rồi cô đứng dậy và đi; lúc ấy tôi cho là cô đã trượt chân ngã, hoặc cô cúi xuống để nhặt cái gì đó. Nhưng đương nhiên là tôi không còn nghĩ đến chuyện ấy nữa trong thời gian qua.
– Bà đã có thể bị đánh thức bởi tiếng búa đập lên đinh. – Poirot nói.
– Tất nhiên. Thật ghê tởm… thật khủng khiếp. Tôi vẫn nghĩ là Theresa có một chút hung bạo nhưng chưa bao qiờ tin cô ta có thể phạm một điều tương tự.
– Bà có thật tin chắc đó là Theresa không?
– Lạy Chúa. Có!
– Không phải đó là bà Tanios hoặc một trong các hầu gái?
– Ồ không. Chính là Theresa.
Poirot nhìn bà bằng cái nhìn da diết mà tôi không hiểu lý do.
– Cho phép tôi làm một thí nghiệm nhỏ – Cuối cùng anh nói – Ta hãy lên gác, nếu bà muốn biết rõ điều đó để thử dựng lại hiện trường.
– Dựng lại? Ồ tôi không biết… Tôi không trông thấy làm thế nào…
– Tôi sẽ chỉ cho bà. – Bạn tôi nói dứt khoát bằng một giọng độc đoán.
Vẻ lo sợ, bà Lawson nhường chúng tôi đi trước trong cầu thang.
– Tôi mong rằng gian phòng vẫn còn trật tự. – Bà nói ấp úng vẻ ngượng nghịu.
Cô gái già chỉ phòng riêng của mình và Poirot tự mình kiểm tra thấy một phần cầu thang được phản chiếu trong tủ gương to đặt tựa vào tường trong phòng.
– Bây giờ, thưa bà, xin bà vui lòng đi ra ngoài và thể hiện lại những cử chỉ của người mà bà đã nhìn thấy trong cầu thang.
Bà Lawson vừa lẩm bẩm những câu “Trời ơi” vừa đi ra để đóng vai trò của mình, trong khi Poirot đảm nhận vai người quan sát. Lớp kịch kết thúc anh đi đến thềm nghỉ cầu thang và hỏi: ngọn đèn điện nào vẫn thắp sáng trong đêm.
– Ngọn đèn này đứng ở bên cạnh cửa phòng tiểu thư Arundell.
Bạn tôi giơ tay lên tháo bóng đèn và nghiên cứu nó.
– Không, nó chỉ để cho hành lang khỏi bị chìm trong bóng tối.
Poirot lại bước từng bước leo lên cầu thang.
– Xỉn lỗi, thưa bà, nhưng với một ánh sáng yếu ớt thế này và thềm nghỉ nằm một ít trong bóng tối thì bà đã không thể phân biệt rõ mặt người đó. Bà làm sao có thể khẳng định đó là Theresa hay đơn giản chỉ là hình dáng một phụ nữ trong bộ áo ngủ?
Bà Lawson phẫn nộ nói to:
– Tôi tin chắc chắn vào điều tôi đưa ra, thưa ông Poirot! Tôi biết khá nhiều về Theresa! Chính là cô ta, với chiếc áo ngủ của cô có màu sẫm và chiếc ghim cài áo to tướng của cô có các chữ cái đầu. Tôi đã trông rõ tất cả.
– Vậy thì, không thể nhầm được rồi. Bà đã trông thấy các chữ cái đầu tên người ấy?
– Vâng, T.A. Tôi biết chiếc kim cài của cô ấy. Cô thường đeo nó. Ồ tôi sẵn sàng thề đó là Theresa.
Bà phát ngôn câu cuối này bằng một giọng cứng rắn và quả quyết, không thường thấy ở bà. Poirot nghiên cứu điều này, một sự biểu lộ lạ lùng hiện lên trên nét mặt.
– Như vậy, bà có sẵn sàng khẳng định điều đó bằng lời thề không? – Anh ta hỏi bằng một giọng trịnh trọng.
– Vâng… có… nếu cần. Nhưng tôi tưởng rằng… Điều đó có cần thiết lắm không?
Một lần nữa Poirot lại nhìn kỹ bà bằng một vẻ dò xét:
– Điều đó sẽ phụ thuộc vào kết quả khai quật.
– Khai… khai quật?
Poirot giơ tay ra để đỡ cô gái già xuýt ngã xuống cầu thang.
– Có thể người ta phái cầu cứu tới việc đó. – Poirot nói.
– Ồ! Nhưng mà khủng khiếp quá… đáng sợ quá! Tôi tin chắc rằng gia đình sẽ phản đối việc này.
– Rất có thể. – Poirot nói.
– Không bao giờ họ muốn nghe nói đến chuyện ấy cả!
– À ra thế! Nhưng nếu đó là lệnh của nhà chức trách luật pháp?
– Nào, thưa ông Poirot, tại sao? Đó không phải nếu như…
– Nếu như sao?
– Nếu như đã có điều gì đó bất thường.
– Theo bà thì mọi sự đã diễn ra bình thường ư?
– Vâng. Không thể có điều ngược lại! Đã có thầy thuốc, y tá… Tôi biết gì?
– Nào, thưa bà, bình tĩnh lại nào. – Bạn tôi nói với bà bằng một giọng dịu dàng.
– Tôi không thể. Ôi tiểu thư Arundell tội nghiệp! Giá như có cô Theresa đã ở trong nhà khi cô của cô ấy chết!
– Cô ấy đã rời khỏi Littlegreen hôm thứ Hai trước khi cô của cô ấy bị ốm phải không?
– Vâng, từ sáng sớm. Ông biết rõ rằng cô ấy chẳng được gì cả trong cái chết của cô mình!
– Hãy hy vọng là thế. – Poirot nói.
– Trời ơi! – Bà Lawson thờ dài vừa lồng hai bàn tay vào nhau – Chưa bao giờ tôi nghe thấy điều ghê gớm đến thế!
Poirot liếc nhìn vào đồng hồ đeo tay.
– Chúng tôi sẽ ra đi. Chúng tôi sẽ trở lại Luân Đôn, còn bà, thưa bà, bà có định ở lại đây một thời gian không?
– Không… không… Tôi còn chưa quyết định gì cả. Về việc ấy có đấy! Tôi quay về Luân Đôn hôm nay, tôi cũng thế… Tôi chỉ đến đây để qua đêm… để giải quyết mấy việc.
– Tôi hiểu. Thôi, thưa bà, tạm biệt bà, và hãy tha lỗi cho tôi nếu tôi đã làm cho bà buồn phiền.
– Buồn phiền ư? Ồ thưa ông Poirot, ông có thể nói rằng ông đã làm cho tôi phát ốm. Tôi cảm thấy ngao ngán kinh khủng. Sao người ta độc ác thế, hở trời!
Poirot cắt ngang những lời than vãn của bà bằng cách nắm chặt bàn tay bà.
– Vâng, thưa bà. Bà có luôn sẵn sàng thề rằng bà đã trông thấy Theresa Arundell quỳ gối trên cầu thang đêm thứ Hai lễ Phục sinh không?
– Ồ, có, tôi xin thề.
– Bà có thể cũng dám thề rằng bà đã trông thấy một vầng hào quang xung quanh đầu của tiểu thư Arundell trong buổi làm phép thông linh không?
Bà Lawson còn ngồi im một lát, miệng há hốc, rồi nói lắp bắp:
– Ồ, thưa ông Poirot, tôi xin ông… tôi xin ông xá cho… không nên đùa rờn với những chuyện đó!
– Tôi không đùa đâu. Tôi hoàn toàn nghiêm túc.
Hết sức trang nghiêm, bà Lawson tuyên bố:
– Không phải hoàn toàn là một vầng hào quang. Đó là sự khởi đầu của một cuộc hiện hình… một dải chất phát sáng bắt đầu hiện thành hình một khuôn mặt.
– Rất thú vị – Poirot nói – Chào tạm biệt, thưa bà. Mong rằng mọi điều này còn lại mãi trong chúng ta.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.