NHÂN CHỨNG CÂM

CHƯƠNG 19: ĐẾN THĂM NGÀI PURVIS



Poirot yêu cầu sự bổ sung và giải quyết điều đó.
– Chúng ta làm gì bây giờ? – Tôi hỏi anh.
– Làm cái mà anh đã gợi ý tôi sáng nay. Chúng ta đi đến Harchester thăm Ngài Purvis. Đấy vì thế mà tôi đã phôn cho khách sạn Durham.
– Anh đã phôn cho Purvis à?
– Không, cho Theresa Arundell. Tôi đã yêu cầu cô cho tôi một lá thư giới thiệu với ông công chứng của bà cô của cô ấy. Để được tiếp theo cách làm việc của nhân vật này, ta phải được ủy nhiệm của gia đình. Cô ta đã hứa với tôi là cho người đưa đến một lời cho tôi tại căn hộ của tôi. Chúng ta phải đợi ở đó.
Không những chúng tôi thấy lá thư mà còn thấy Charles Arundell đã đích thân đem thư đến.
– Ông đã yên vị rồi, thưa ông Poirot. – Chàng trai nhận xét vừa liếc mắt nhìn quanh phòng khách.
Trong lúc ấy tôi nhìn thấy một ngăn kéo đóng không kín: một đầu giấy thò ra làm nó kẹt, đóng không vào hết.
Không có chuyện Poirot đóng ngăn kéo không kín. Tôi nhìn kỹ khuôn mặt của Charles. Chàng trai trẻ đã ở một mình trong phòng khách chờ chúng tôi quay về. Chắc chắn anh ta đã tranh thủ thời gian để lục lọi giấy tờ của Poirot. Một tên bất lương đáng ghét! Tôi sôi lên vì phẫn nộ.
Charles có vẻ rất vui.
– Đây. – Anh vừa nói vừa đưa lá thư cho Poirot – Tất cả đều đúng trình tự. Tôi chúc anh có nhiều may mắn hơn chúng tôi khi đến bên lão Purvis.
– Ông ấy chỉ để cho anh có ít hy vọng thôi ư?
– Không một tí nào. Ông ấy còn làm chúng tôi nản lòng nữa. Theo ông ta thì Lawson sẽ nhặt nhạnh tất cả và chúng tôi không thể chống nổi bà ta.
– Anh và em gái anh đã nghĩ đến kêu gọi lòng từ tâm của bà ấy không?
Charles cưòi khẩy:
– Có đấy, tôi đã nghĩ nhiều đến việc ấy. Nhưng không làm gì được cả! Tôi đã trổ hết tài hùng biện, và đã vẽ ra một bức tranh thống thiết về con cừu ghẻ và thua thiệt mà vẫn uổng công vô ích! Không thể làm cho người đàn bà không tim này động lòng! Bà ta ghét tôi, tôi không biết tại sao. Thường thường các bà già đều có cảm tình với tôi. Họ tưởng rằng người đời chưa hiểu rõ tôi.
– Anh đã lợi dụng điều đó.
– Cho đến lúc này tôi vẫn thấy mình có lợi thế lớn nhưng với bà Lawson thì không làm được gì cả! Bà ta ghét đàn ông nói chung và thích giương lá cờ quyền phụ nữ thời tiền chiến ra dọa.
– Này, – Poirot lắc đầu nói – nếu những phương pháp thông thường thất bại…
– Chúng tôi sẽ đi tới tội ác. – Charles tuyên bố một cách vui vẻ.
– A! – Poirot nói – Về vấn đề tội ác, này anh bạn trẻ, có thật là anh đã dọa cô anh, bảo bà hãy liệu hồn, hoặc điều gì đó tương tự?
Charles ngồi phịch xuống ghế bành, duỗi dài đôi chân và nhìn Poirot chằm chằm:
– Ai nói với ông điều ấy? – Anh ta hỏi.
– Không quan trọng! Đúng thế không?
– Đúng là ở đó có một chút sự thật.
– Nào hãy kể cho tôi điều ấy đi!
– Tôi sẽ nói cho ông biết sự thật nếu ông tha thiết muốn biết. Vả lại không có gì lâm ly trong chuyện này cả. Tôi đã thử moi một ít tiền ở cô tôi mà không được. Cô Emily nói cho tôi hiểu rằng mọi âm mưu chỉ vô ích. Không xin được tiền tôi nói với cô rằng: “Coi chừng, cô Emily; với cách mà cô đối xừ, thì cuối cùng cô sẽ phải thu hút về mình những đe dọa nhất định”. Cô hỏi tôi bằng một giọng khinh bỉ điều gì tôi đòi hỏi ở đó. “Đơn giản thế này, tôi nói với cô: Những người bà con của cô mong chờ cô giúp đỡ cho họ một ít tiền bạc, tất cả họ đều nghèo như những kẻ sùng đạo. Nhưng cô lại thích giữ lại tất cả cho cô. Đấy, người ta bắt đầu giết nhau như thế đấy. Nếu một ngày kia người ta giết chết cô thì cô là kẻ duy nhất bị chê trách”. Lúc ấy cô tôi nhìn tôi qua bờ trên đôi kính vẻ mặt đầy ác cảm và nói với tôi bằng một giọng gay gắt: “À! Ý kiến mày thế đấy? – Vâng, cháu khuyên cô bỏ bớt một ít tải trọng dằn để khỏi bị chết chìm. – Cám ơn lời khuyên của mày, Charles. Nhưng ta có khả năng bảo vệ được mình. – Tùy cô thôi, thưa cô. Dù sao đi nữa, cô cũng là kẻ can phạm, tôi cười nói thêm – Ta sẽ ghi nhớ điều đó!” Cô tôi nói. Và đấy tất cả là thế!
– Lúc đó, – Poirot nói – anh hài lòng vì một ít tiền tìm thấy trong ngăn kéo.
Charles nhìn chằm chầm vào mặt anh rồi phá lên cười.
– Thưa ông Poirot, tôi xin ngả mũ chào ông. Ông đúng là một con chó đánh hơi! Làm sao mà ông phát hiện ra việc này?
– Đúng thế không đã?
– Ồ, vâng, đúng đấy. Tôi đang không còn một xu và tôi cần một ít tiền. Tôi thấy một gói tiền nhỏ xinh xắn trong một ngăn kéo và tôi lấy dùng… rất khiêm tốn. Tôi mong rằng sự rút trộm nhẹ của tôi sẽ không ai biết “Nếu người ta phát giác, sẽ buộc tôi bọn người hầu” tôi nghĩ vậy.
Poirot đáp lại bằng một giọng xẵng:
– Đó là một hành vi độc ác đối với những người hầu.
– Ai cũng vì mình. – Charles nhún vai nói.
– Còn ma quỷ thì vì mọi người! Đấy là cách nhìn của anh. – Poirot nói.
Charles nhìn anh có vẻ lạ lùng.
– Tôi không ngờ là cô tôi đã nhận ra điều đó. Làm sao mà ông biết được như thế, và ai đã mách ông cuộc đối thoại giữa tôi và cô tôi thế?
– Bà Lawson.
– Mụ già dơ dáng!
Charles có vẻ hơi lúng túng. Anh ta nói thêm:
– Bà ta không thích tôi, bà ta lại ghét Theresa. Ông có nghĩ là bà ta còn dành cho chúng tôi những điều bất ngờ khác nữa không?
– Những điều gì thế? – Poirot hỏi.
– Tôi không biết gì cả. Tôi cho là bà ta xấu xa như bệnh ghẻ. Bà ta ghét Theresa. – Anh ta nhắc lại.
– Này anh Arundell, anh có biết rằng bác sĩ Tanios đã đến gặp bà cô anh ngày Chủ nhật trước lúc bà chết không?
– Sao?… Chính ngày Chủ nhật, chúng tôi, Theresa và tôi, ở đấy à?
– Anh không gặp ông ta ư?
– Không. Buổi chiều chúng tôi đi dạo. Chắc hắn đến trong khi chúng tôi đi vắng. Tôi lấy làm lạ là cô Emily đã không nói điều ấy với chúng tôi. Ai đã nói điều đó cho ông?
– Bà Lawson.
– Vẫn mụ Lawson! Một kho tin thật sự.
Sau một lát dừng Charles nói:
– Tôi rất yêu Tanios. Đó là một gã thú vị, vui vẻ, luôn luôn tươi cười.
– Chắc là ông ta có một cá tính rất hấp dẫn. – Poirot nhận xét.
Charles đứng lên.
– Vào địa vị hắn, tôí có thể đã giết chết con Bella kinh khủng ấy từ lâu rồi! Hình như mụ bị thôi thúc để gây tai họa cho một nạn nhân. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu một hôm thấy hắn bị chặt thành nhiều mảnh trong một cái hòm ở Margate hoặc ở đâu đó!
– Anh không gán cho chồng bà ta một vai trò tích cực như bác sĩ giỏi à? – Poirot nói giọng nghiêm trang.
– Không – Charles nói vẻ suy tư – Nhưng tôi không tin Tanios có thể làm điều ác với một con ruồi. Anh ta có trái tim quá nhân hậu.
– Còn anh? Anh có thể sẽ giết ai đó nếu đáng làm chứ? – Charles phá lên cười, một tiếng cười thẳng thắn giòn giã.
– Ông muốn bắt tôi nói ư, thưa ông Poirot? Không làm được gì cả. Tôi thề là chưa đặt… (anh ta ngừng một lát, rồi nói tiếp) Chất Strychnin 1 vào bát canh của cô Emily.
Vẫy nhẹ bàn tay, anh ta nói với chúng tôi “tạm biệt” và đi ra.
– Anh muốn dọa nạt anh ta ư, Poirot? – Tôi hỏi – Anh đã không thành công. Anh ta đã không tỏ ra phản ứng nào có thể làm anh tin vào tính phạm tội của anh ta được.
– Sao lại không?
– Không, anh ta đã giữ hoàn toàn bình tĩnh.
– Điều lý thú chính là phút ngừng ấy. – Poirot nói.
– Phút ngừng nói?
– Đúng vào trước khi phát ngôn từ Strychnin. Như thế sắp nói điều gì khác…
Tôi nhún vai.
– Tất nhiên anh ta tìm tên của một chất độc mạnh.
– Có thể! Có thể! Hastings! Nhưng đã đến giờ chúng ta phải đi. Chúng ta sẽ qua đêm ở Market Basing.
Mười phút sau với tốc độ tối đa chúng tôi vượt qua Luân Đôn để tới vùng nông thôn. Tới Harchester lúc bốn giờ, chúng tôi hướng tới các văn phòng Purvis, Charlesworth và Purvis. Ngài Purvis là một người chắc nịch, tóc bạc, mặt hồng hào. Ông có dáng dấp một nhà quý tộc nông thôn phong cách ông thanh lịch mà dè dặt. Ông đọc lá thư chúng tôi đã xuất trình, rồi nhìn chúng tôi bằng con mắt tinh nhanh và dò xét.
– Dĩ nhiên là tôi quen thuộc tên ông – Ông nói với Poirot một cách lễ phép – Cô Arundell và anh cô theo tôi biết đã nhờ ông giúp đỡ trong vụ tờ di chúc này. Nhưng tôi không nhận thức rõ ông có thể giúp ích gì cho họ đây.
– Nếu ông cho phép, tôi muốn được biết những tin tức bổ xung.
Công chứng viên đáp lại bằng một giọng xẵng:
– Cô Arundell và anh cô đã hỏi ý kiến tôi về địa vị hợp pháp của họ. Bản di chúc hoàn toàn rõ ràng và không mắc một lỗi diễn đạt nào.
– Phải, phải – Poirot sốt sắng nói – Tuy nhiên ông không từ chối cho tôi biết vài tình hình chứ?
– Xin phục vụ ông. – Công chứng viên nghiêng đầu nói.
Poirot bắt đầu:
– Tiểu thư Arundell đã viết cho ông để đưa ra cho ông các chỉ thị ngày 17 tháng Tư, phải không ạ?
Ngài Purvis tra cứu giấy tờ trên bàn trước mặt.
– Vâng, chính xác.
– Ông có thể cho tôi biết bà yêu cầu gì?
– Bà yêu cầu tôi chuẩn bị một bản di chúc mới gồm có những di tăng cho hai người hầu gái và cho ba hoặc bốn công cuộc từ thiện. Phần của cải còn lai của bà trao trọn vẹn cho Wilhelmina Lawson.
– Xin ông tha lỗi, nhưng bản di chúc này có làm cho ông kinh ngạc không?
– Xin thú thực tôi đã bị ngạc nhiên về điều đó.
– Phải chăng tiểu thư Arundell trước đã làm một bản di chúc rồi?
– Vâng cách đây đã năm năm.
– Theo văn kiện này, nếu tôi không lầm thì, bà đã để lại tài sản của bà, ngoài mấy khoản di tặng nhỏ, cho các cháu trai và cháu gái của bà phải không?
– Toàn bộ của cải của bà phải được chia ra giữa các con của em trai bà là Thomas và con gái của Arabella Biggs, em gái bà.
– Bản di chúc này sẽ ra sao?
– Theo thỉnh cầu của tiểu thư Arundell, tôi mang nó cho bà lúc tôi đến Littlegreen ngày 21 tháng Tư.
– Tôi sẽ rất biết ơn ông, thưa ông Purvis. Xin ông cho tôi biết các chi tiết về điều đã xảy ra trong dịp này.
Sau một lúc suy nghĩ công chứng viên nói một cách chính xác:
– Tôi đến Littlegreen lúc ba giờ chiều. Một trong các thư ký của tôi đi theo tôi. Tiểu thư Arundell tiếp tôi trong phòng khách.
– Ông thấy bà ấy thế nào?
– Bà ấy theo tôi, sức khỏe tốt, mặc dầu bà đi lại bằng một chiếc gậy. Hình như bà đã ngã ở cầu thang vài hôm trước. Tôi thấy bà dường như bị kích động và hơi bồn chồn hơn lúc thường.
– Bà Lawson có ở đó không?
– Bà này ở bên chủ lúc tôi đến, nhưng ngay sau đó rút đi.
– Rồi thì sao nữa?
– Tiểu thư Arundell hỏi tôi có làm theo chỉ thị của bà không và có mang di chúc đến để bà ký không.
– Tôi nói với bà rằng có. Tôi (luật sư do dự một lát, rồi nói tiếp một cách cứng nhắc) Tôi có thể bảo đảm với ông rằng, trong chừng mực tôi được phép, tôi đã vạch ra cho tiểu thư Arundell thấy, đã làm cho bà hiểu rằng tờ di chúc này sẽ được coi như một sự bất công hiển nhiên đối với các thành viên trong gia đình bà.
– Và bà trả lời thế nào?
– Bà hỏi tôi rằng tiền của này có đúng là của bà không, và bà có thể có quyền sử dụng nó theo sở thích không. Tôi trả lời bà rằng có, đồng thời lưu ý rằng bà mới quen biết cô Lawson một thời gian rất ngắn. Lúc ấy tôi còn hỏi bà rằng bà có lý do xác đáng để tước quyền thừa kế như thế đối với chính gia đình bà không. Bà trả lời tôi: “Ông bạn thân mến ơi, tôi hoàn toàn ý thức được điều tôi làm”.
– Ông nói rằng bà ấy xúc động?
– Vâng tôi khẳng định là thế, nhưng tôi sẽ nói thêm rằng bà ấy có đầy đủ quyền hạn của mình. Với ý nghĩa hẹp nhất của lời nói đó, bà có thẩm quyền đòi hỏi để tự mình quản lý công việc của minh. Mặc dầu thiện cảm của tôi hoàn toàn hướng vào gia đình Arundell, tôi vẫn tự cho là bắt buộc phải khẳng định điều đó trước bất kỳ tòa án nào.
– Đồng ý. Tôi xin ông cứ tiếp tục.
– Tiểu thư Arundell đọc bản di chúc đã tồn tại, rồi bà chìa tay ra với lấy bản tôi vừa soạn. Tôi chỉ muốn đệ trình lên bà một bản nháp trước đã, nhưng bà đã cố nài để tôi phải đưa cho bà bản chính sẵn sàng cho bà ký, ý của bà rất đơn giản. Bà đọc, gật đầu đồng ý và bảo là bà sẽ ký. Tôi cho là tôi phải phát biểu nốt lời kháng nghị cuối cùng. Bà kiên nhẫn nghe tôi nói, rồi tuyên bố rằng quyết định của bà là dứt khoát. Tôi bảo thư ký của tôi đến. Anh ta cùng với người làm vườn làm nhiệm vụ nhân chứng. Các hầu gái không thể làm chứng được vì rằng bản thân họ đều có phần lợi ích trong bản di chúc này.
– Sau đó, bà ấy có phó thác cho ông làm người trông coi chứng thư này không?
– Không. Bà để nó vào một ngăn kéo bàn giấy của bà và khóa lại.
– Bản di chúc trước thì thế nào? Bà đã hủy nó đi à?
– Không. Bà xếp nó cùng bản mới vào ngăn kéo.
– Sau khi bà chết người ta tìm thấy tờ di chúc ở đâu?
– Cũng trong ngăn kéo ấy. Là người thực hiện di chúc, tôi cho lấy lại các chìa khóa của người đã khuất và tìm các giấy tờ của bà.
– Cả hai bản di chúc vẫn nằm trong ngăn kéo à?
– Vâng, ở đúng chỗ mà bà đã để chúng.
– Hãy tha lỗi, tôi còn muốn biết: ông có chắc là mình đã đưa ra đủ các câu hỏi cho tiểu thư Arundell về vấn đề các quyết định kỳ quặc này không?
– Dĩ nhiên rồi, nhưng tôi không bao giờ nhận được lời đáp thỏa đáng. Bà khẳng định với tôi, mà vẫn không bình phẩm, rằng bà ý thức được điều bà làm.
– Nhưng ông vẫn kinh ngạc?
– Tất nhiên là thế, tiểu thư Arundell luôn luôn tỏ ra có một quan điểm đúng về các bổn phận trong gia đình.
Sau một lúc im lặng, Poirot hỏi:
– Chắc chắn ông không bàn chuyện này với bà Lawson phải không?
– Ồ không! Không làm thế được. – Ông Purvis đáp vẻ công phẫn.
– Tiểu thư Arundell có để lộ cho ông thấy là bà Lawson biết là di chúc sẽ được sửa lại có lợi cho bà ta không?
– Ngược lại. Tôi hỏi bà việc bà Lawson có biết sự thay đổi này không thì bà trả lời tôi ngay rằng bà tùy nữ của bà không biết gì cả. Như vậy là tốt hơn và tôi đồng ý với bà về sự thận trọng của bà.
– Tại sao sự thận trọng ấy lại làm ông hài lòng?
– Bao giờ cũng tốt hơn là không lộ những ý định như thế cho những người hưởng thừa kế. Điều đó đồi khi có thể kéo theo một nỗi thất vọng về sau.
– A! (Poirot thốt ra tiếng thở dài não ruột) Tôi đoán được ý của ông rồi. Có thể ông nghĩ rằng tiểu thư Arundell chắc sẽ chuyển đổi ý kiến trong lúc nào đó thôi.
Ông công chứng nghiêng đầu.
– Thực vậy. Tôi tưởng tượng rằng tiểu thư Arundell đã có cuộc cãi nhau dữ dội nào đó với gia đình mình. Một khi đã bình tâm, tôi nghĩ bà sẽ hối lại và bỏ quyết định của mình.
– Trong trường hợp ấy, bà ta có thể phải làm gì?
– Bà có thể sẽ yêu cầu tôi chuẩn bị một bản di chúc khác.
– Có lẽ bà chỉ việc đơn giản sé bỏ bản di chúc sau, thì bản kia như vậy lấy lại được giá trị của nó.
– Không đúng đâu, thưa quý ông, mọi di chúc trước đều đã bị hủy bỏ bởi người làm di chúc.
– Tiểu thư Arundell tất nhiên không có đủ kiến thức luật pháp để dự kiến trường hợp ấy. Bà đã tưởng rằng khi hủy bỏ bản di chúc sau thì bản trước sẽ trở lại có giá trị.
– Rất có thể.
– Nếu bà chết mà không viết di chúc thì tài sản của bà về tay gia đình phải không ạ?
– Vâng, một nửa cho bà Tanios và nửa kia thì chia ra giữa Charles và Theresa Arundell. Nhưng bà ấy chết mà chưa thay đổi tờ di chúc tước quyền thừa kế của gia đình bà.
– Và đấy, – Poirot nói – đấy là chỗ mà tôi xin can dự.
Công chứng viên nhìn anh một cách lạ lùng.
Poirot ngả người về đàng trước.
– Ta hãy giả thiết rằng tiểu thư Arundell, trên giường đang hấp hối muốn hủy bỏ bản di chúc này. Hãy giả thiết rằng bà tưởng là đã hủy bỏ nó rồi thế nhưng trên thực tế bà đã hủy bỏ bản thứ nhất.
– Không! – Ông Purvis nói – Cả hai văn kiện đều vẫn còn nguyên vẹn.
– Vậy thì hãy giả thiết rằng bà đã hủy một tờ di chúc giả, tưởng là hủy văn kiện thật. Bà đã quá ốm yếu, ông hãy nhớ lại điều đó. Thật dễ dàng để lừa bịp bà.
– Có lẽ phải cung cấp bằng chứng về điều đó. – Công chứng viên đáp.
– Tất nhiên… tất nhiên.
– Ông có lý lẽ nào đó để nghi ngờ có xảy ra điều như thế không?
Poirot hơi lùi:
– Tôi không muốn đi đến tận đó.
– Đương nhiên. – Ông Purvis nói.
– Nhưng, tôi nói với ông hết sức bí mật, vụ án này cho ta những điều bất thường khá kỳ lạ đấy!
– Không thể thế? Có thật thế không?
Ông Povit xoa tay khoái trá.
– Điều mà tôi muốn biết ở ông thì bây giờ tôi đã biết, – Poirot nói tiếp – điều đó chính là ông có ý kiến rằng tiểu thư Arundell sớm hay muộn sẽ đổi ý kiến và sẽ khôi phục lại những tình cảm tốt nhất đôi với gia đình bà.
– Đó chỉ là ý kiến hoàn toàn cá nhân. – Viên công chứng nói rõ thêm.
– Tôi hiểu, thưa quý ông, phải chăng ông là cố vấn của bà Lawson?
– Không, tôi đã yêu cầu bà ta nên hỏi ý kiến một luật sư ở ngoài cơ quan chúng tôi. – Ông Purvis xẵng giọng nói.
Poirot vừa bắt tay ông vừa cám ơn ông về lòng tử tế của ông.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.