Thứ Bảy, 7 tháng Năm
Thứ Năm, 12 tháng Năm
Blomkvist để túi dụng máy tính xuống bàn. Bên trong nó có các phát hiện của Olsson, cộng tác viên của Blomkvist ở Goteborg. Anh nhìn dòng người trên đường Gotgatan. Ðây là một trong những điều anh thích nhất ở chỗ làm việc của mình. Gotgatan đầy sự sống suốt ngày đêm và khi ngồi bên cửa sổ, anh không bao giờ thấy bị cách biệt, không bao giờ bị trơ trọi.
Anh đang chịu sức ép lớn. Anh vẫn làm việc tiếp cho các bài báo sẽ đăng trong số mùa hè nhưng cuối cùng anh nhận thấy có quá nhiều tài liệu đến nỗi nếu tạp chí dành hẳn ra một số cho vấn đề này thì cũng không thể đủ. Anh đi đến cái tình hình giống như hồi vụ Wennerstrom mà anh đã quyết định cho xuất bản tất cả các bài báo thành một quyển sách. Anh đã có đủ bài cho 150 trang và anh thừa nhận rằng cuối cùng quyển sách phải dày tới 320 hay 336 trang.
Phần dễ đã xong. Anh đã viết về hai vụ án mạng Svensson và Johansson, đã mô tả tại sao anh tình cờ lại là người đến hiện trường. Anh đã viết đến vì sao Salander lại hóa ra thành nghi phạm. Anh đã để một chương lật tẩy trước hết những điều báo chí viết về Salander, rồi những điều công tố viên Ekstrom nói, do đó gián tiếp lật tẩy cả ngành cảnh sát. Suy nghĩ kỹ, anh đã hạ giọng phê bình Bublanski và nhóm của ông xuống. Anh làm thế sau khi nghiên cứu một băng video về cuộc họp báo của Ekstrom trong đó rõ ràng thấy Bublanski không thoải mái và hết sức ngán ngẩm với kết luận hấp tấp của Ekstrom.
Sau chuỗi sự việc bi thảm mở đầu, anh lui ngược về trước, mô tả việc Zalachenko đến Thụy Ðiển, thời thơ ấu của Salander và các sự kiện dẫn cô đến chỗ bị nhốt ở bệnh viện Thánh Stefan tại Uppsala. Anh thận trọng trong việc hạ đao xuống với cả Teleborian lẫn Bjorck vừa mới chết. Anh nhắc lại bản báo cáo tâm thần làm năm 1991, nói rõ tại sao Salander lại trở thành mối đe dọa cho một số viên chức dân sự, những người đã nhận lấy de dọa đó về mình để bảo vệ tên người Nga đào ngũ. Anh trích dẫn thư từ giữa Teleborian và Bjorck.
Rồi anh viết về căn cước mới của Zalachenko, các hoạt động tội ác của hắn. Anh viết về Niedermann, tên trợ thủ của hắn, vụ bắt cóc Miriam Wu, sự can thiệp của Paolo Roberto. Anh tóm tắt khúc kết cởi nút ở Gosseberga từng khiến cho Salander bị bắn và chôn sống, nói rõ tại sao cái chết của viên cảnh sát lại là một thảm họa không cần thiết vì Niedermann đã bị anh trói gô lại rồi.
Sau đó câu chuyện trở nên chậm hơn. Vấn đề với Blomkvist là câu chuyện vẫn còn nhiều lỗ hổng. Bjorck không hành động một mình. Phải có một nhóm lớn hơn với nguồn lực và các ảnh hưởng chính trị ở đằng sau chuỗi sự kiện này. Nghĩ khác đi như thế nào cũng đều không hiểu được. Nhưng cuối cùng anh đi tới kết luận rằng việc đối xử phi pháp với Salander đã không bị Chính phủ hay các ông sếp ở Cảnh sát An ninh trừng phạt. Ở sau kết luận này không tìm thấy có sự tín nhiệm cường điệu với Chính phủ mà đúng hơn là thấy lòng tin tưởng của anh vào cái chất con người. Một hành động kiểu này không thể giữ được bí mật nếu có động cơ chính trị thúc đẩy. Lẽ ra một ai đó đã cầu xin một ân huệ và đã gặp một ai đó để nói chuyện và báo chí lẽ ra đã phơi bày sớm được vụ Salander từ mấy năm trước.
Anh nghĩ “câu lạc bộ Zalachenko” là nhỏ bé và vô danh tiểu tốt thôi. Anh không nhận diện được đứa nào trong bọn chúng, trừ có thể là Martensson, một viên cảnh sát với nhiệm vụ bí mật đem thân ra theo dõi anh, chủ bút của Millennium.
Nay thì rành rành là Salander dứt khoát sẽ phải ra tòa rồi.
Ekstrom đã buộc tội cô gái là xúc phạm nghiêm trọng đến thân thể trong trường hợp Magge Lundin và xúc phạm nghiêm trọng đến thân thể cùng mưu sát trong trường hợp Karl Axel Bodin.
Vẫn chưa định ngày giờ nhưng các bạn đồng nghiệp của anh được biết Ekstrom đang đặt kế hoạch xét xử vào tháng Bảy, tùy thuộc vào tình hình sức khỏe của Salander. Blomkvist hiểu sự tính toán này. Một phiên tòa vào lúc cao điểm của mùa nghỉ hè sẽ không thu hút chú ý bằng một phiên tòa ở vào bất cứ lúc nào khác trong năm.
Kế hoạch của Blomkvist là cho in sách rồi sẵn sàng phát hành đúng hôm phiên tòa mở. Anh và Malm đã nghĩ đến một quyển sách bìa thường, bọc bằng nhựa trong và tung ra cùng với số đặc biệt mùa hè của Millennium. Ðã phân công các việc cho Cortez và Eriksson, hai người phải cung cấp các bài viết về lịch sử của Cảnh sát An ninh, vụ IB 1 và đại loại như thế.
Anh cau mày khi nhìn ra cửa sổ.
Vẫn chưa kết thúc đâu. Âm mưu đang tiếp tục. Chỉ có hiểu như thế mới giải thích được chuyện nghe trộm điện thoại, chuyện tấn công Annika, vụ ăn cắp kép bản báo cáo về Salander. Có lẽ kẻ giết Zalachenko cũng là một bộ phận ở trong đám này.
Nhưng anh không có bằng chứng.
Cùng với Eriksson và Malm, anh đã quyết định cùng lúc với thời điểm mở phiên tòa, Nhà xuất bản Millennium sẽ xuất bản bài của Svensson về buôn bán tính dục. Nhất tề đưa cả cục ra thì tốt hơn, ngoài ra, chẳng có lý do nào để lui việc xuất bản lại cả. Trái lại, ra mắt vào bất cứ lúc nào khác, quyển sách đều sẽ không hấp dẫn được bằng lúc tòa xét xử. Với quyển sách về Salander thì Eriksson là trợ lý chính của Blomkvist. Vậy là Karim và Malm (không tự nguyện) trở thành Phó thư ký tòa soạn tạm thời ở Millennium cùng với phóng viên duy nhất ứng chiến là Nilsson. Gánh nặng công việc tăng lên đã dẫn tới chỗ Eriksson phải ký hợp đồng với mấy cây viết tự do để có bài cho các số báo sau nữa. Tốn kém nhưng họ chả còn cách nào khác.
Blomkvist viết một mẩu thư trên tờ giấy vàng của Bưu điện quảng cáo “Gửi nó qua Bưu điện nha!”, nhắc mình nhớ bàn với gia đình Svensson về tiền nhuận bút. Bố mẹ anh ấy sống ở Orebro và có mỗi một mình anh. Xuất bản quyển sách dưới tên Svensson, anh thực sự không cần xin phép nhưng anh muốn đến thăm hai người và được sự đồng ý của họ. Quá nhiều việc cần làm nên anh phải hoãn chuyến đi nhưng nay thì đã đến lúc cần chú ý đến việc đó.
o O o
Rồi có đến cả trăm chi tiết khác nữa. Một vài chi tiết liên quan đến việc anh nên giới thiệu Salander như thế nào trong các bài báo. Ðể có quyết định cuối cùng, anh cần nói chuyện riêng với cô để được cô bằng lòng cho anh nói sự thật, hay ít nhất đôi ba phần. Nhưng anh không thể nói chuyện vì cô đang bị giữ, cấm khách thăm nom.
Ở mặt này, em gái anh cũng chả giúp được gì. Cô cung cúc tuân theo các quy định và không có ý đứng làm trung gian. Giannini cũng chả bảo anh những gì chị và cô gái đã nói với nhau, ngoài những điều liên quan tới âm mưu chống đối chị – Giannini cần được giúp đỡ đối phó với các cái đó. Ðáng nản nhưng đều rất đúng đắn. Vì thế Blomkvist không biết liệu Salander đã có để lộ ra rằng người giám hộ cũ của cô đã hiếp cô, hay cô đã trả thù bằng cách xăm một thông điệp choáng hồn lên bụng hắn ta hay không. Giannini không nói đến chuyện này thì anh vẫn không thể biết.
Nhưng việc Salander bị biệt lập đã cho ra một vấn đề gay go khác. Cô là một chuyên gia máy tính, cũng là một tin tặc, điều này Blomkvist biết nhưng Giannini thì không. Blomkvist đã hứa với Salander là không làm lộ bí mật của cô và anh phải giữ lời. Nhưng nay anh lại đang cần rất nhiều đến bản lĩnh của cô ở lĩnh vực này.
Bằng cách nào đó anh phải liên lạc được với cô.
Anh thở dài khi mở hồ sơ của Olsson ra. Có một bức ảnh của một Idris Ghidi nộp xin hộ chiếu. Một người đàn ông có ria mép, da mai mái, tóc đen chớm bạc ở thái dương.
Ông ta người Kuốc, một dân tị nạn từ Iraq. Ở Ghidi, Olsson đã moi được nhiều chuyện về Ghidi hơn so với chuyện về bất cứ nhân viên bệnh viện nào. Một thời gian Ghidi có vẻ đã gây được sự chú ý của báo chí và đã xuất hiện trong vài bài báo.
Ra đời ở thành phố Mosul miền bắc Iraq, Ghidi tốt nghiệp kỹ sư và đã là một bộ phận của “cuộc nhảy vọt kinh tế vĩ đại” trong những năm 70. Năm 1984, ông là giáo viên ở trường cao đẳng Xây dựng công nghệ tại Mosul. Không hoạt động chính trị nhưng là người Kuốc cho nên ông là một tội phạm tiềm năng ở Iraq của Saddam Hussein. Năm 1987, bố của Ghidi bị bắt vì bị tình nghi là chiến sĩ Kuốc hoạt động. Chả có văn bản giấy tờ nào chính thức được đưa ra. Ông bố bị bắn tháng Giêng năm 1988. Hai tháng sau, mật vụ Iraq bắt Ghidi, giam ở nhà tù ngoài Mosul, tra tấn ông mười một tháng để ông phải khai ra. Điều người ta chờ đợi ông thú nhận thì Ghidi không để lộ, cho nên cứ thế tra tấn miết.
Tháng Ba năm 1989, một trong mấy người chú của Ghidi trả cho người đứng đầu Ðảng Ba’ath ở địa phương một khoản tương đương với 50.000 krona Thụy Ðiển, coi như tiền bồi thường cho những tổn hại mà Ghidi đã gây ra cho nhà nước Iraq. Hai hôm sau Ghidi được tha về cho người chú trông nom. Ông nặng có ba mươi chín cân và không đi được. Trước khi được tha, hông trái ông đã bị bổ cho một nhát rìu, nhằm đề phòng mọi mối họa sau này.
Ông dở sống dở chết suốt mấy tuần. Dần dần khi ông bắt đầu hồi phục, người chú đem ông đến một trang trại cách Mosul khá xa, rồi qua mùa hè ở đấy, ông lấy lại sức khỏe, cuối cùng lại có thể chống nạng đi. Sức lực của ông không thể khôi phục hoàn toàn. Vấn đề là: tương lai rồi ông sẽ làm gì? Tháng Tám ông nghe tin hai anh của ông bị bắt. Ông sẽ không bao giờ gặp lại họ. Khi biết cảnh sát của Saddam Hussein lại đang lùng Ghidi, ông chú bố trí, với một khoản phí 30.000 krona đưa ông vượt biên sang Thổ Nhĩ Kỳ rồi từ đấy sang châu Âu với một hộ chiếu giả.
Idris Ghidi đặt chân xuống sân bay Arlanda, Thụy Điển ngày 29 tháng Mười, 1989. Ông không biết một tiếng Thụy Ðiển nào nhưng ông được dặn là hãy đến cảnh sát hộ chiếu, xin cư trú chính trị ngay, ông đã làm việc này bằng thứ tiếng Anh giật cục. Ông được đưa đến khu tị nạn ở Upplands Vasby. Ông đã ở đây gần hai năm, cho tới khi các quan chức về định cư quyết định ông không có đủ cơ sở để hưởng phép cư trú.
Lúc này Ghidi đã học tiếng Thụy Ðiển và được chữa chạy cái hông gẫy. Ông qua hai bận mổ, nay đã đi lại mà không cần nạng. Trong thời kỳ này cuộc tranh luận Sjobo 2 đang diễn ra ở Thụy Ðiển, người ta công kích các khu tị nạn, và Bert Karlsson lập Ðảng Dân chủ mới.
Lý do vì sao Ghidi hay xuất hiện trong hồ sơ của báo chí là vì đến sát nút ông mới nhờ một luật sư đi gặp thẳng giới báo chí và báo chí đã đăng các biên bản về trường hợp của ông lên. Nhiều người Kuốc khác ở Thụy Ðiển cũng liên quan, kể cả các thành viên của gia đình Baksi nổi tiếng. Các cuộc nhóm họp phản đối đã được tổ chức và các đơn thỉnh nguyện đã được gửi tới Bộ trưởng Nhập cư Birgit Friggebo, kết quả là Ghidi được cấp cả giấy phép cư trú lẫn thị thực lao động tại Vương quốc Thụy Ðiển. Tháng Giêng năm 1992, ông rời Upplands Vasby làm một người tự do.
Ghidi sớm nhận thấy rằng một kỹ sư xây dựng có học hành tử tế và có kinh nghiệm thì cũng chả ra cái thá gì. Ông đã đi đưa báo, rửa bát đĩa, làm bảo vệ và lái taxi. Ông thích làm tài xế taxi trừ hai điều. Ông không thuộc đường phố Stockholm và không thể ngồi yên hơn một giờ đồng hồ mà không bị cái hông nó gây đau đớn không chịu nổi.
Tháng Năm năm 1998, ông chuyển đến Goteborg sau khi một người họ hàng xa thương hại cho ông một việc làm ổn định ở một hãng quét dọn vệ sinh văn phòng. Ông được cho làm thêm ngoài giờ việc trông coi nhóm quét dọn vệ sinh ở bệnh viện Sahlgrenska, công ty đã có hợp đồng với bệnh viện về việc này. Công việc quen thuộc cũ mòn. Ông lau quét sàn sáu ngày một tuần, kể cả trong hành lang 11C như Olsson tọc mạch phát hiện ra.
Blomkvist xem kỹ ảnh Idris Ghidi ở tờ đơn xin hộ chiếu. Rồi anh mở máy tính, vào hồ sơ báo chí lấy ra mấy bài báo mà Olsson đã dựa vào để làm báo cáo. Anh đọc chăm chú. Anh châm thuốc lá. Lệnh cấm hút thuốc ở Millennium đã sớm bị bãi bỏ sau khi Berger rời đi. Bây giờ Cortez để hẳn cả gạt tàn ở trên bàn làm việc.
Cuối cùng Blomkvist đọc những cái Olsson cung cấp về bác sĩ Anders Jonasson.
o O o
Hôm thứ Hai Blomkvist không trông thấy chiếc Volvo xám, anh cũng chả có cảm giác bị dõi nhìn hay theo bám, nhưng anh rảo bước từ hiệu sách Hàn lâm đến cửa hông của nhà bách hóa NK, rồi đi thẳng vào để ra ngay ở cửa chính. Ai mà cứ bám theo được ở trong tòa nhà NK rối tít rối mù này thì phải là siêu nhân. Anh tắt hai di động rồi đi xuyên qua khu mua sắm Galleria, hành lang có mái đến Gustav Adolfs Torg, qua nhà Nghị viện vào khu phố cổ Gamla Stan. Chỉ để phòng ngừa có ai theo mình, anh đi ngoắt ngoéo qua các con phố hẹp ở Gamla Stan, cho đến khi tới đúng địa chỉ thì gõ cửa Nhà xuất bản Trắng/ Đen.
Đang là 2 rưỡi chiều. Anh đến không báo trước nhưng ông giám đốc, Kurdo Baksi có nhà thì khoái trá gặp anh.
– Chào, ơ kìa, – ông nồng nhiệt nói. – sao không đến gặp tôi nữa thế?
– Tôi đang gặp ông ở đây đấy thôi, – Blomkvist nói.
– Hẳn thế rồi, nhưng từ lần trước là ba năm rồi đấy nhá.
Họ bắt tay nhau.
Blomkvist quen Baksi từ thập niên 80. Thật ra Blomkvist là người đã có giúp đỡ thực tế Baksi khi ông bắt đầu ra số thứ nhất của tạp chí Trắng/ Đen, bí mật in ban đêm ở trụ sở của Liên hiệp công đoàn. Baksi đã bị Per-Erik Astrom bắt quả tang hồi thập niên 80. Khi ấy Astrom đang là thư ký nghiên cứu ở Liên hiệp công đoàn, về sau hắn chính là tên săn lùng tính dục với thiếu nhi ở tổ chức Cứu trợ Trẻ em. Hắn phát hiện ra hàng chồng trang của số tạp chí Trắng/ Đen đầu tiên ở trong phòng sao chụp. Astrom nhòm vào trang nhất và nói: “Trời đất, đây không phải cách để làm ra một tạp chí đáng đọc”. Sau đó Astrom đã thiết kế ra cái logo đặt ở đầu trang nhất của tạp chí Trắng/ Đen trong mười lăm năm, trước khi tờ tạp chí xuống mồ và trở thành Nhà xuất bản sách Trắng/ Đen. Cùng dạo ấy Blomkvist đã khổ sở suốt một thời kỳ kinh hoàng khi đảm nhận vai trò cố vấn công nghệ thông tin tại Liên hiệp công đoàn – chuyến mạo hiểm duy nhất của anh vào lĩnh vực viễn thông. Baksi đã để anh làm công việc duyệt sửa và giúp đỡ phần nào cho Ban biên tập Trắng/ Đen. Từ đó Blomkvist và Baksi là bạn của nhau.
Blomkvist ngồi trên đi văng trong khi Baksi lấy cà phê ở máy pha trong lối đi của gian sảnh. Họ tán chuyện một lúc, kiểu bạn bè lâu ngày mới gặp nhau vẫn vậy, nhưng họ thường xuyên bị di động của Baksi phá rối. Ông ta phải trả lời những chuyện nghe có vẻ khẩn cấp bằng tiếng Kuốc hay có thể tiếng Thổ Nhĩ Kỳ hay tiếng Ả Rập, hay một tiếng nào đó khác mà Blomkvist không hiểu. Các lần đến Nhà Xuất bản Trắng/ Đen trước của anh cũng đều bị cắt ngang kiểu như vậy. Người khắp thế giới gọi đến cho Baksi.
– Mikael thân mến, nom cậu có vẻ lo lắng. Trong đầu có chuyện gì vậy?
– Cậu có thể tắt di động đi một lúc được không?
Baksi tắt di động.
– Tớ cần giúp đỡ. Một giúp đỡ thực sự quan trọng, có liền ngay tức khắc và không được nói đến ở ngoài gian phòng này.
– Bảo tớ xem.
– Năm 1989, một người tị nạn tên là Idris Ghidi từ Iraq đến Thụy Ðiển. Khi có nguy cơ bị trục xuất, ông ta đã được gia đình cậu giúp đỡ rồi ông ta được phép định cư. Tớ không biết là bố cậu hay ai đó trong gia đình đã giúp ông ta.
– Là chú Mahmut tớ. Tớ biết Ghidi. Có chuyện gì?
– Ông ta đang làm việc ở Goteborg. Tớ cần ông ấy làm cho một việc đơn giản. Tớ muốn trả công cho ông ấy.
– Việc gì nào?
– Cậu có tin tớ không, Kurdo?
– Dĩ nhiên. Vẫn là bạn bè mà.
– Việc tớ cần giúp này rất lạ. Ngay bây giờ tớ không muốn nói nó sẽ nhằng đến chuyện gì nhưng tớ bảo đảm không phải là chuyện phi pháp mà cũng không gây ra bất cứ vấn đề gì cho cậu hay cho Ghidi.
Baksi nhìn Blomkvist bằng con mắt tìm hiểu.
– Cậu không muốn bảo tớ đó là về chuyện gì à?
– Càng ít người biết càng tốt. Nhưng tớ cần cậu giúp giới thiệu tớ với ông ấy – tớ sẽ nói rõ với Idris.
Baksi ra bàn làm việc, mở quyển địa chỉ. Ông xem kỹ một lúc, tìm số điện thoại. Rồi ông nhấc điện thoại lên. Nói với nhau bằng tiếng Kuốc. Qua vẻ mặt Baksi, Blomkvist có thể thấy ông bắt đầu bằng mấy lời chào hỏi và vài câu chuyện vặt rồi sau đó ông quay sang nghiêm chỉnh nói rõ tại sao lại gọi. Lúc sau ông nói với Blomkvist.
– Cậu muốn gặp ông ấy lúc nào?
– Chiều thứ Sáu, nếu được như thế. Hỏi xem tớ có thể đến nhà không.
Baksi nói ngắn ngủi một ít rồi đặt máy xuống, ông nói:
– Idris sống ở Angered. Cậu có địa chỉ chưa?
Blomkvist gật.
– 3 giờ chiều thứ Sáu ông ấy ở nhà. Ðến thăm đó, cậu được hoan nghênh.
– Cảm ơn, Kurdo.
– Ông ấy làm công việc vệ sinh ở bệnh viện Sahlgrenska, – Baksi nói.
– Tớ biết.
– Tớ không thể không đọc thấy ở trên báo rằng cậu có dính vào chuyện Salander kia.
– Ðúng đấy.
– Cô ấy bị bắn.
– Ừ.
– Tớ nghe nói cô ấy nằm ở Sahlgrenska.
– Cũng đúng thế.
Baksi biết Blomkvist đang mải lên kế hoạch cho một vài thứ phá quấy, loại việc nổi tiếng là sở trường của anh ta. Ông mới biết anh từ thập niên 80. Họ có thể không phải là cánh hẩu nhất nhưng họ không bao giờ cãi cọ và khi Baksi cần giúp đỡ thì Blomkvist không hề ngần ngại.
– Tớ có nên được biết tớ sắp dính vào việc gì không?
– Cậu sẽ chẳng phải dính vào cái gì cả. Vai trò của cậu chỉ là có lòng tốt giới thiệu tớ với một chỗ quen biết của cậu mà thôi. Và tớ nhắc lại, tớ không nhờ ông ấy làm chuyện gì phi pháp cả.
Lời bảo đảm này với Baksi là đủ. Blomkvist đứng lên.
– Tớ nợ cậu một món.
– Chúng ta luôn nợ lẫn nhau.
o O o
Cortez đặt điện thoại xuống, gõ mạnh đầu ngón tay vào cạnh bàn đến nỗi Nilsson lừ mắt nhìn anh. Nhưng cô có thể thấy anh đang chìm đắm vào suy nghĩ và do cô thấy cáu chung chung với mọi cái nên cô không bộc lộ nó ra với anh.
Cô biết Blomkvist đang thì thào nhiều với Cortez, Eriksson và Malm về chuyện Salander trong khi cô và Karim thì được trông đợi làm mọi thứ lao công nặng nhọc cho số tạp chí tới đây, tờ tạp chí vẫn chưa có một lãnh đạo thực sự nào từ ngày Berger rời đi. Eriksson tốt nhưng không có kinh nghiệm và nét sang trọng của Berger. Cortez thì mới chỉ là một cha ta đây nhâng nháo ranh.
Không phải Nilsson chán vì bị lờ đi mà cô cũng chả thích làm việc – điều cuối cùng cô muốn là như vậy. Việc của cô là nhân danh Millennium theo dõi các ban bệ của Chính phủ và Quốc hội. Cô thích thú cái việc này và cô tường tận nó. Ngoài ra ở đây cô đã nâng nó lên ngang với các việc khác như mỗi tuần viết một chuyên mục trong một tờ báo kinh doanh hay những nhiệm vụ tự nguyện khác nhau cho Hội Ân xá Quốc tế, đại loại thế. Cô chả màng chuyện làm Tổng biên tập của Millennium, làm việc tối thiểu mười một giờ một ngày cũng như hy sinh các ngày cuối tuần của mình.
Nhưng cô cảm thấy có một cái gì đó thay đổi ở Millennium. Tờ tạp chí thình lình như xa lạ. Cô không vạch ra được những cái gì sai trái.
Như thường tình Blomkvist vẫn vô trách nhiệm và biến mất hút vào một chuyến đi bí mật nào khác nữa của anh, đến đi tùy ý. Anh là một trong những người sở hữu Millennium, khá công bằng, anh có thể tự quyết định việc mà anh muốn làm, nhưng lạy Chúa, một chút ý thức trách nhiệm sẽ chẳng thiệt hại đến ai.
Malm là một đồng sở hữu hiện hành khác và anh ta giúp đỡ thì đại khái cũng giống như khi anh ta nghỉ lễ vậy. Anh ta có tài, không ai nghi ngờ điểm này, anh ta có thể bước lên cầm cương khi Berger đi vắng hay bận rộn, nhưng thường thường anh ta toàn hùa theo những cái mọi người đã quyết định. Anh xuất sắc ở bất cứ việc gì liên quan đến thiết kế đồ họa hay trình bày, nhưng việc lên kế hoạch cho một tạp chí thì anh không với tới.
Nilsson cau mày.
Không, cô đang không thẳng thắn với bản thân. Điều làm cho cô ngán ngẩm là đã xảy ra một cái gì đó ở tòa báo. Blomkvist đang làm việc với Cortez và Eriksson, đám nhân viên còn lại đã bị cho ra rìa như thế nào đó. Ba người kia làm thành một nhóm trung tâm, luôn ở trong văn phòng Berger… à, văn phòng Eriksson, và đóng im ỉm thế rồi lặng lẽ hành quân ra ngoài. Thời Berger lãnh đạo, tạp chí là một tập thể.
Blomkvist đang làm vụ Salander và sẽ không chia sẻ với ai. Nhưng đó không phải là cái gì mới mẻ. Trước đây anh cũng không hề nói một lời về câu chuyện Wennerstrom – ngay cả Berger cũng không biết – nhưng lần này anh có hai kẻ tin cẩn.
Tóm lại, Nilsson đang điên ruột. Cô cần một kỳ nghỉ. Cô cần phới đi một dạo. Rồi cô thấy Cortez mặc áo jacket nhung kẻ vào.
– Tớ ra ngoài một tí, – anh nói. – cậu bảo hộ với Malin là hai giờ nữa tớ về được không?
– Có chuyện gì?
– Tớ nghĩ là chúng mình vớ được manh mối của một chuyện. Một chuyện thực sự hay. Về những nhà vệ sinh. Tớ muốn kiểm tra một ít cái đã, nhưng nếu chuyện này mà thành thì chúng ta sẽ có một bài ghê gớm cho số tháng Sáu đây.
– Nhà vệ sinh, – Nilsson lẩm bẩm. – Làm cứ như chuyện có thật mười mươi ấy vậy.
o O o
Berger nghiến răng đặt bài báo về phiên tòa xử Salander sắp tới xuống. Bài báo ngắn, hai cột, dành cho trang năm ở dưới các tin trong nước. Chị xem bài báo trong năm phút rồi bĩu môi. Ðang là 3 rưỡi chiều thứ Năm. Chị đã làm việc ở SMPđúng mười hai ngày. Chị cầm điện thoại lên gọi Holm, biên tập viên phụ trách tin.
– Chào, Berger đây. Ông có thể tìm Johannes Frisk và đưa cậu ấy lên văn phòng tôi càng sớm càng tốt không?
Chị kiên nhẫn chờ cho tới khi Holm lững thững đi vào gian buồng kính với phóng viên Frisk theo sau. Berger nhìn đồng hồ.
– Hai mươi hai, – Chị nói.
– Hai mươi hai gì chứ? – Holm nói.
– Hai mươi phút. Ông đã bỏ ra từng ấy lâu la để từ bàn biên tập tin đứng lên đi mười lăm mét đến bàn của Frisk rồi lê chân đến đây cùng với anh ấy.
– Bà báo không vội. Tôi thì khá bận.
– Tôi không bảo là không vội. Tôi bảo ông tìm Frisk và đến đây. Tôi nói càng nhanh càng tốt, chứ không bảo tối nay, tuần sau hay bất cứ lúc nào mà ông thích nhấc mình ra khỏi ghế.
– Nhưng tôi không nghĩ…
– Ðóng cửa lại.
Chờ Holm đóng cửa xong xuôi chị im lặng nhìn lâu ông. Không nghi ngờ gì ông là một biên tập viên tin tức có năng lực nhất. Vai trò của ông là bảo đảm mỗi ngày làm đầy các trang của SMP bằng bài viết chính xác, được tổ chức có logic và xuất hiện theo thứ tự cùng vị trí mà họ đã quyết định ở cuộc họp giao ban buổi sáng. Như thế có nghĩa là Holm phải tung hứng mỗi ngày một số lượng lớn nhiệm vụ. Và ông không hề để rơi một quả bóng nào.
Vấn đề với ông là ông bền bỉ phớt lờ các quyết định Berger đề ra. Chị đã cố hết sức tìm ra một công thức làm việc với ông ấy, nói chung chị đã làm mọi cái mà chị có thể nghĩ ra để cho ông ấy hiểu là chị mong muốn tờ báo phát triển đúng hướng.
Chả có ăn nhằm được gì cả.
Một bài chị đã quăng đi hồi chiều lại xuất hiện trên báo một lúc nào đó sau khi chị về nhà. Có một chỗ trống, mà chúng ta thì cần lấp nó đi, cho nên tôi cần đưa thêm cái gì đó vào.
Cái tít bài mà Berger quyết định dùng bỗng bị thay bằng một cái khác hẳn. Không phải luôn luôn là chọn tồi nhưng người ta đã đưa nó lên mà không hỏi ý chị.
Đây thường là những chuyện chi tiết. Một cuộc họp tòa soạn lúc 2 giờ thình lình bị nhấc lên 1 rưỡi mà không ai bảo chị và phần lớn quyết định đều được đề ra đúng vào lúc chị đến. Tôi xin lỗi… Vội tôi quên không cho chị biết.
Berger chịu không thể hiểu tại sao Holm lại có thái độ đó với chị, nhưng chị biết là thảo luận bình tĩnh và phê bình thân mật đều chả ăn thua. Cho đến nay chị chưa đối đầu với ông ở trước mặt những người cùng làm việc trong tòa soạn. Nay là cơ hội để chị thể hiện mình rõ hơn, và lần này trước mặt Frisk, như thế sẽ bảo đảm rằng cuộc trao đổi này là chuyện công khai mà ai cũng biết.
– Việc đầu tiên tôi làm khi bắt đầu đến đây là nói với các ông rằng tôi quan tâm đặc biệt tới mọi điều liên quan đến Lisbeth Salander. Tôi đã nói rõ rằng tôi muốn có thông tin trước ở mọi bài báo đề nghị cho đăng và tôi muốn nom đến, muốn thông qua mọi cái sắp sửa được lên báo. Tôi nhắc các ông điều này ít nhất cũng đã một chục lần, mới đây nhất là ở cuộc họp biên tập hôm thứ Sáu. Trong các chỉ thị đó có chỗ nào các ông không hiểu chứ?
– Tất cả các bài đã lên kế hoạch hay đang cho lên báo đều vào nhật ký trong mạng nội bộ của chúng ta và đều được gửi đến máy tính của bà. Bà luôn được thông báo, – Holm nói.
– Tầm bậy, – Berger nói. – Trong tờ báo in cho thành phố rơi vào thùng thư nhà tôi sáng nay, chúng ta có bài viết ba cột về Salander cùng các diễn biến ở Stallarholmen, nằm ở chỗ nổi nhất của tờ báo.
– Bài báo ấy của Margareta Orring, nhà báo tự do, bà ấy mãi 7 giờ tối qua mới gửi đến.
– 11 giờ sáng hôm qua Margareta gọi tôi và đề nghị gửi bài. Ông đồng ý và hẹn bà ấy 11 rưỡi. Ở cuộc họp 2 giờ chiều ông không nói gì về chuyện ấy sất cả.
– Nó ở trong nhật ký.
– Ô, đúng… trong nhật ký nói thế này, tôi dẫn: Margareta Orring, phỏng vấn công tố viên Martina Fransson, về: ma túy bể vỡ ở Soldertalje, hết dẫn.
– Bài viết cơ bản là phỏng vấn Martina Fransson về vụ tịch thu steroid đồng hóa. Vì thế một người có lẽ là dân chơi xe máy ở Svavelsjo đã bị lộ ra.
– Chính xác. Nhưng không một lời nào về Câu lạc bộ xe máy Svavelsjo, không một lời nào cho biết cuộc phỏng vấn sẽ tập trung vào Magge Lundin và Stallarholmen, và từ đó mà có cuộc điều tra Salander.
– Tôi cho là trong khi phỏng vấn thì xảy ra chuyện ấy…
– Anders, tôi không hiểu tại sao, nhưng ông đang đứng đây nói dối ở ngay trước mặt tôi. Tôi đã nói chuyện với Margareta, bà ấy nói là đã giải thích rõ với ông rằng bà ấy sẽ tập trung vào chuyện gì khi phỏng vấn.
– Tôi chắc là không nhận thấy rằng nó sẽ tập trung vào Salander. Rồi lúc tối đã muộn tôi mới nhận được bài báo. Tôi nên làm gì bây giờ, giết bài báo đi chăng? Orring đã gửi một bài hay.
– Tôi đồng ý với ông chỗ này. Bài báo rất hay. Nhưng đây là lần thứ ba ông nói dối trong vòng cũng ngần ấy phút. Orring gửi đến lúc 3 giờ 20 chiều, mà mãi 6 giờ tôi mới ở đây về nhà.
– Berger, tôi không thích cái giọng của bà.
– Hay quá. Vậy tôi có thể nói với ông rằng tôi không thích cả cái giọng lẫn các cái quanh co và dối trá của ông.
– Nghe có vẻ như bà nghĩ rằng tôi đang tổ chức một âm mưu nào đó chống lại bà vậy.
– Ông vẫn không trả lời câu hỏi. Ðây, điều thứ hai: hôm nay bài này của Johannes hiện ra ở trên bàn tôi. Tôi nhớ là cuộc họp 2 giờ chiều đã không bàn đến bài này. Tại sao một trong các phóng viên của chúng ta bỏ cả ngày ra làm vụ Salander mà không một ai bảo tôi?
Người Frisk ngó ngoáy. Anh đủ sáng suốt để mà nín thinh.
– Vậy… – Holm nói. – Chúng ta đang cho xuất bản một tờ báo mà có đến hàng trăm bài bà không biết đến. Ở SMP chúng tôi có nề nếp quen mà tất cả chúng tôi đều phải thích nghi với nó. Tôi không có thì giờ để đối xử đặc biệt với những bài báo đặc biệt
– Tôi không yêu cầu ông đối xử đặc biệt với các bài báo đặc biệt. Tôi yêu cầu ông hai điều: thứ nhất, tôi được thông báo về mọi cái có liên quan đến vụ Salander. Thứ hai: tôi muốn thông qua mọi cái chúng ta đưa lên báo về vấn đề này. Vậy một lần nữa… có chỗ nào ở trong chỉ thị của tôi mà ông không hiểu?
Holm thở dài và đành đưa ra vẻ mặt cáu kỉnh.
– OK, – Berger nói. – Tôi sẽ làm cho tôi hoàn toàn minh bạch nhá. Tôi không tranh luận với ông về chuyện này nữa. Chúng ta chỉ là xem ông có hiểu chỉ thị này không thôi. Nếu chuyện này lại xảy ra, tôi sẽ thải ông khỏi vai ủy viên biên tập tin tức. Ông sẽ nghe thấy cửa đóng xình và ông về nhà mà ra trang báo gia đình hay truyện tranh hay cái gì đó tương tự. Tôi không thể có một ủy viên biên tập tin tức mà tôi không thể tin cậy và người ấy lại dành thì giờ quý báu ra phá các quyết định của tôi. Hiểu chứ?
Holm vung hai tay lên, cử chỉ cho thấy ông coi lời buộc tội của Berger là vô lý.
– Ông đã hiểu tôi chưa? Có hay không nào?
– Tôi đã nghe những điều bà nói.
– Tôi hỏi ông là đã hiểu chưa? Có hay không?
– Bà thực sự nghĩ bà có thể thoát được khỏi đây ư? Tờ báo này ra được là nhờ tôi và các nhân viên quèn làm việc trợn cả mắt lên ở trong guồng máy. Hội đồng Quản trị sẽ…
– Hội đồng Quản trị sẽ làm như tôi nói. Tôi ở đây là để cho bềnh cái tờ báo này lên. Tôi đã chọn câu chữ kỹ càng khi ký vào bản hợp đồng nó cho tôi được quyền thay đổi nhiều về mặt biên tập ở cấp ủy viên biên tập các bộ phận. Tôi có thể gạt đi những miếng thịt ôi thối và chọn tuyển máu mới từ bên ngoài vào theo ý tôi. Và Holm, với tôi nom ông bắt đầu là thịt ôi thối rồi đấy.
Chị im lặng. Holm bắt thấy con mắt của chị. Ông điên lên.
– Có thế thôi, – Berger nói. – Tôi nhắc ông nên xem xét cẩn thận những gì chúng ta nói với nhau hôm nay.
– Tôi không nghĩ…
– Ðây là do ông quyết định. Xong. Nào đi.
Ông quay gót rời căn buồng kính. Chị dõi nhìn cho đến khi ông mất hút vào trong cái rừng tòa soạn đi về phía căng tin. Frisk đứng lên định đi theo.
– Anh thì không. Anh ở lại ngồi xuống đây.
Chị cầm bài báo của anh đọc lại một lượt.
– Tôi nghĩ anh ở đây là làm tạm.
– Vâng, tôi mới làm năm tháng – đây là tuần cuối cùng của tôi.
– Anh bao nhiêu tuổi?
– Hai mươi bảy.
– Tôi xin lỗi đã để anh rơi vào giữa cuộc tranh luận của tôi và Holm. Hãy nói về bài báo này xem.
– Tôi nhận được một nguồn tin sáng nay và tôi đưa nó cho Holm. Ông ấy bảo tôi bám tiếp theo nó.
– Tôi hiểu. Ðây là về chuyện cảnh sát điều tra khả năng Lisbeth Salander có thể dính vào việc bán steroid đồng hóa. Bài này có quan hệ gì với bài hôm qua về Sodertalje, cái bài cũng có nói đến steroid không?
– Theo tôi biết thì không nhưng mà là có thể. Chuyện về steroid này có liên quan đến quan hệ của cô ấy với võ sĩ quyền Anh Paolo Roberto và các bồ bịch của ông ấy.
– Paolo Roberto dùng steroid?
– Gì chứ? Không, dĩ nhiên không. Chuyện này về giới quyền Anh nói chung. Salander quen tập quyền Anh ở một nhà thể dục ở Soder. Nhưng đó là góc độ mà cảnh sát nhặt lấy. Tôi thì không. Và đâu đó đã nảy ra ý là cô ấy có thể đã dính vào việc bán steroid.
– Vậy là không có tư liệu thực sự nào cho bài báo này, chỉ là tin đồn thôi?
– Việc cảnh sát đang xem xét khả năng này thì không phải là tin đồn. Ðúng sai, tôi chưa rõ.
– OK, Johannes, tôi muốn anh biết là điều tôi nói với anh không liên quan gì đến việc tôi làm với Holm. Tôi nghĩ anh là một phóng viên xuất sắc. Anh viết tốt và anh có con mắt biết nhìn ra chi tiết. Tóm lại bài này tốt. Vấn đề là tôi không tin nó.
– Tôi có thể bảo đảm với bà rằng nó hoàn toàn là có thật.
– Nhưng tôi phải giải thích với anh tại sao có một thiếu sót cơ bản trong bài này. Từ đâu ra cái manh mối này?
– Từ một nguồn ở bên trong cảnh sát.
– Ai?
Frisk ngập ngừng. Một phản ứng tự động. Giống như mọi nhà báo trên thế giới, anh không muốn nêu tên nguồn tin của mình. Mặt khác, Berger là Tổng biên tập do đó là một trong số ít người có thể yêu cầu anh nói ra điều này.
– Một sĩ quan tên là Faste ở Vụ Trọng án.
– Ông ấy gọi anh hay anh gọi ông ấy?
– Tôi đã phỏng vấn ông ấy hai lần trong lúc săn lùng Salander. Ông ấy biết tôi là thế nào.
– Và ông ấy biết anh hai mươi bảy tuổi, đang làm tạm thời, và anh có thể giúp ông ấy khi ông ấy muốn cấy cái thông tin mà công tố viên muốn đưa ra.
– Chắc rồi, tôi hiểu tất cả chuyện đó. Nhưng từ điều tra của cảnh sát, tôi có một manh mối nên đã đến tìm và uống cà phê với Faste rồi ông ấy bảo tôi.
– Tôi tin là anh dẫn chính xác lời ông ấy. Ðiều lẽ ra anh cần làm là đưa thông tin ấy cho Holm, Holm sẽ gõ cửa văn phòng tôi, giải thích tình hình và chúng ta sẽ cùng nhau quyết định làm gì.
Frisk rùng mình.
– Như thế nghĩa là anh không biết hay là anh không cần.
– Tôi không biết.
– Vậy nếu tôi bảo anh rằng chuyện này không có thật, rằng Salander không có liên quan gì đến steroid đồng hóa thì anh nói sao?
– Tôi không thể chứng minh khác đi được.
– Đúng là không thể thật. Nhưng anh nghĩ chỉ bởi vì không có bằng chứng rằng một chuyện nào đó là dối trá thì chúng ta cứ nên đăng nó lên ư?
– Không, chúng ta có trách nhiệm báo chí. Nhưng đây là một việc làm có tính cân bằng. Chúng ta không thể từ chối đăng bài khi nguồn cấp tin cho chúng ta lại có tiếng nói đặc biệt.
– Chúng ta có thể hỏi tại sao nguồn tin lại muốn thông tin này được đưa ra. Để tôi giải thích tại sao tôi đã ra lệnh mọi cái liên quan đến Salander đều phải đi qua bàn giấy của tôi. Tôi có sự hiểu biết đặc biệt mà ở SMP không một ai có được. Bộ Tư pháp đã được thông báo rằng tôi có hiểu biết này nhưng không thể bàn với họ. Millennium sắp đăng một bài mà tôi đã có hợp đồng là không được tiết lộ ra với SMP và ngay chính lúc này tôi đang bị kẹt vào giữa hai lòng trung thành. Anh có hiểu điều tôi nói không?
– Có.
– Ðiều tôi biết được từ Millennium, và tôi có thể nói không chút nghi ngờ rằng chuyện viết ở đây là dối trá, mục đích của nó là làm tổn hại cho Salander trước khi tòa xét xử.
– Xét đến các tiết lộ đã lọt ra về cô ấy thì khó lòng mà gây thêm được tổn hại cho cô ấy.
– Những tiết lộ phần lớn là dối trá và xuyên tạc. Hans Faste là một trong những nguồn tin chính nói Salander tâm thần phân lập và đồng tính nữ theo trường phái Satan cũng như S&M, tính dục và ma ảo. Bây giờ ông ta đang thử một góc độ mới, hòng kéo cô ấy đến chỗ bị bất lợi trong đầu óc công chúng, ông ta đang muốn SMP tán phát cái điều đó đi. Xin lỗi, nhưng không ở trong thời gian biểu của tôi mất rồi.
– Tôi hiểu.
– Hiểu nhá? Tốt. Vậy tôi có thể tóm các điều tôi nói vào hai câu. Theo mô tả về nghề báo của anh, khi là một nhà báo, anh chủ yếu phải đặt câu hỏi và quan sát có phê phán. Không bao giờ nhắc lại các tuyên bố mà không có phê phán, bất kể các nguồn tin có là cao cấp đến mấy ở trong bộ máy quan liêu. Đừng bao giờ quên điều đó. Anh là một người viết hay, nhưng tài năng hoàn toàn không đáng gì nếu anh quên mất nguyên tắc nghề nghiệp.
– Ðúng.
– Tôi có ý cho thịt bài này đi.
– Tôi hiểu.
– Như thế không có nghĩa là tôi không tin anh.
– Cảm ơn bà.
– Vậy nên tôi đưa anh về lại bàn làm việc với đề nghị là anh viết cho một bài mới.
– Ðược.
– Tất cả chuyện này là liên quan đến hợp đồng của tôi với Millennium. Tôi không được tiết lộ những điều tôi biết về Salander. Ðồng thời tôi lại là tổng biên tập của một tờ báo đang trong nguy cơ tụt dốc vì tòa báo không có cái thông tin mà tôi có. Và chúng ta thì không được phép để cho chuyện đó xảy ra. Ðây là tình huống duy nhất và chỉ ứng vào có Salander mà thôi. Thế nên tôi quyết định chọn một phóng viên và lái anh ta đi theo hướng đúng để cuối cùng khi Millennium tung chuyện của họ ra thì chúng ta không bị tụt quần.
– Bà nghĩ Millennium sẽ đăng một cái gì đáng được dư luận nhắc đến về Salander ư?
– Tôi không nghĩ mà tôi biết như thế. Millennium đang sẵn sàng với hơn một bài báo giật gân nó sẽ biến chuyện Salander thành ra thắng lợi của họ. Cái này khiến tôi phát điên lên vì không được ra mắt công chúng cùng với họ.
– Bà nói bà gạt bài báo của tôi đi vì bà biết nó không chính xác. Như thế ngụ ý có một cái gì đó trong câu chuyện mà tất cả các phóng viên khác đều đã bỏ sót.
– Chính xác.
– Tôi xin lỗi, nhưng khó tin được rằng cả giới truyền thông đại chúng Thụy Ðiển lại đã xơi quả lừa cũng đều bằng cách này hết…
– Salander là đối tượng của cơn cuồng rồ báo chí. Ðó là khi các quy tắc thông thường không còn được ứng dụng nữa và bất cứ lời lẽ ba lăng nhăng nào cũng đều có thể thượng lên bảng dán báo chí.
– Vậy thì bà nói Salander không phải là người mà người ta vẫn mô tả.
– Hãy cố tìm ra cái ý là cô ấy vô tội, rằng bức chân dung người ta vẽ về cô ấy trên báo chí là vớ vẩn, rằng có những lực lượng đang tác quái mà anh thậm chí không thể tưởng tượng ra được.
– Cái bà nói là sự thật ư?
Berger gật đầu.
– Vậy bài báo tôi vừa đưa ra kia là một phần của cái chiến dịch đang tiếp tục chống lại cô ấy sao?
– Chính xác.
Frisk ngẫm nghĩ. Berger chờ cho đến khi anh ấy thôi nghĩ ngợi.
– Bà muốn tôi làm gì?
– Về bàn làm việc, bắt đầu viết một bài báo khác. Anh không cần phải căng thẳng về nó, nhưng ngay trước lúc phiên tòa mở, chúng ta cần đăng lên cả một bài đặc biệt xem xét tính chất chính xác của mọi báo cáo đã được đưa ra về Salander. Hãy bắt đầu đọc kỹ các bài báo cắt dán, lên danh sách tất cả những gì người ta đã nói về cô ấy rồi kiểm tra từng quan điểm một.
– Ðược.
– Hãy nghĩ như một phóng viên. Điều tra xem ai đã lan truyền câu chuyện đi, tại sao nó đang lan truyền rồi tự nghĩ xem nó có thể phục vụ cho lợi ích của ai.
– Nhưng chắc tôi sẽ không còn ở SMP khi phiên tòa bắt đầu. Ðây là tuần cuối cùng của tôi.
Berger lấy một cặp hồ sơ nhựa dẻo từ trong ngăn kéo ra và đặt một tờ giấy trước mặt anh.
– Tôi đã gia hạn cho anh thêm ba tháng nữa. Tuần này anh sẽ làm xong các nhiệm vụ bình thường của anh rồi thứ Hai đến đây báo cáo.
– Cảm ơn bà.
– Nếu anh vẫn muốn làm việc ở SMP thì đấy.
– Dĩ nhiên tôi muốn.
– Anh được hợp đồng làm việc điều tra ở ngoài công việc biên tập thường ngày. Anh sẽ báo cáo trực tiếp với tôi. Anh sẽ là thông tín viên đặc biệt được phân công dự phiên tòa xét xử Salander.
– Ủy viên biên tập tin tức sẽ có ý kiến…
– Ðừng lo ngại về Holm. Tôi đã nói chuyện với người phụ trách mảng tư pháp và giải quyết chuyện đó để không có rắc rối nào ở đây nữa. Nhưng anh sẽ phải đào bới vào lý lịch, bối cảnh chứ không chỉ là tường thuật tin tức. Nghe có hay không?
– Nghe tuyệt vời.
– Ngay bây giờ… là xong. Tôi sẽ gặp anh thứ Hai.
Khi vẫy anh qua căn phòng kính, chị thấy Holm quan sát chị ở bên kia bàn làm tin. Ông cúi đầu xuống làm như không hề nhìn chị.
Chú thích
1 Informationbyran (IB) là một cơ quan tình báo bí mật không có quy chế chính thức ở trong các lực lượng vũ trang Thụy Ðiển. Mục tiêu chính của nó là thu thập thông tin về những người cộng sản và các cá nhân khác bị coi là mối đe dọa cho đất nước. Người ta vẫn hiểu rằng các tìm tòi này đều được chuyển tới các nhà chính trị chủ chốt ở cấp Nội các, nhiều phần có vẻ là Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó, Sven Andersson và Thủ tướng Olof Palme. Việc năm 1973 các nhà báo Jan Guillou và Peter Bratt phơi bày các hoạt động của cơ quan này lên tạp chí Folker i Bild/ Kulturfront đã được biết đến là vụ IB.
2 Cuộc thảo luận Sjobo – Ở Thụy Điển cuối những năm 80 và đầu những năm 90 có một khủng hoảng nhập cư. Số người xin lánh nạn tăng lên, dẫn đến nạn thất nghiệp và phản ứng gay gắt của chính quyền địa phương đã buộc thành phố Sjobo phải trưng cầu ý dân vào năm 1988, qua đó dân chúng bỏ phiếu chống lại việc nhận người nhập cư. Cuộc thảo luận chính trị tiếp theo sau đó đã mang lại một hệ thống phối hợp nhập cư với hòa nhập trong Ðạo luật về Người nước ngoài năm 1989.