Thứ Sáu, 15 tháng Bảy
12 giờ 30 phút, thẩm phán Iversen gõ búa tuyên bố tòa án quận bắt đầu xử tiếp. Ông để ý thấy một người thứ ba xuất hiện ở bàn của luật sư Giannini. Ðó là Holger Palmgren trên xe lăn.
– Chào, Holger, – thẩm phán Iversen nói. – Lâu rồi tôi không thấy ông ở phòng xét xử.
– Chào ông, thẩm phán Iversen. Một số vụ phức tạp quá nên các luật sư cần giúp cho chút ít.
– Tôi nghĩ ông đã về hưu.
– Tôi bị ốm. Nhưng ở vụ này luật sư Giannini mướn tôi làm cố vấn trợ lý.
– Tôi thấy.
Giannini hắng giọng.
– Trong vụ này, luật sư Palmgren đau ốm vẫn làm người giám hộ của Lisbeth Salander là hợp với luật.
– Tôi không có ý bình luận về vấn đề này, – thẩm phán Iversen nói.
Ông hất đầu bảo Giannini bắt đầu và chị đứng lên. Chị vẫn không thích truyền thống Thụy Điển thực hành các thủ tục ở tòa bằng cách ngồi thoải mái quanh một cái bàn, phiên xử cứ tựa như là một bữa liên hoan tối. Chị cảm thấy dễ chịu hơn nếu được đứng lên nói.
– Tôi nghĩ chúng ta nên bắt đầu từ các bình luận kết thúc phiên sáng nay. Bác sĩ Teleborian, điều gì khiến ông kiên trì cho rằng mọi cái Lisbeth Salander nói là không đúng sự thật như thế?
– Vì các tuyên bố của cô ấy rõ ràng là không đúng sự thật, – Teleborian đáp.
Ông thơ thới. Giannini quay sang thẩm phán.
– Thẩm phán Iversen, bác sĩ Teleborian tuyên bố rằng Lisbeth nói dối và hoang tưởng. Nay bên bị sẽ chứng minh cho thấy trong tự truyện của cô ấy mỗi lời đều là một sự thật. Chúng tôi sẽ cung cấp tài liệu phong phú, bằng hình ảnh lẫn văn bản, cũng như lời khai của các nhân chứng. Nay ở phiên xử này chúng ta đã đi đến thời điểm công tố viên đưa ra các yếu tố chính ở trong xét xử của ông ấy… Nay chúng ta đã nghe và đã biết thực chất của những lời buộc tội chống Lisbeth Salander.
Miệng Giannini thình lình khô khốc và chị thấy tay mình run. Chị hít sâu vào một hơi, nhấp một ít nước khoáng. Rồi chị nắm chặt lấy lưng ghế để tay không để lộ ra là chị đang căng thẳng.
– Từ lời trình bày của công tố viên chúng ta có thể kết luận rằng ông có rất nhiều ý kiến nhưng ông lại quá thiếu bằng chứng. Ông tin rằng Lisbeth Salander bắn Carl-Magnus Lundin ở Stallarholmen. Ông tuyên bố rằng cô gái đi đến Gosseberga để giết bố. Ông cho rằng thân chủ của tôi là người tâm thần phân liệt hoang tưởng, bệnh tâm thần của thân chủ tôi là ở cái nghĩa trọn vẹn của nó. Và sở dĩ ông cho rằng như thế là vì ông dựa trên thông tin của một nguồn duy nhất, như ta biết, bác sĩ Peter Teleborian.
Chị ngừng lại để thở đều và buộc mình nói chậm đi.
– Như sự tình diễn ra, vụ án mà công tố viên trình bày là dựa vào lời khai của bác sĩ Teleborian. Nếu ông ấy đúng thì tốt nhất là cho thân chủ của tôi điều trị tâm thần và cả ông ấy lẫn công tố viên đều cũng đang tìm kiếm điều này.
Im lặng.
– Nhưng nếu bác sĩ Teleborian sai thì vụ án này cần phải được xem xét dưới một ánh sáng khác. Hơn nữa, nếu ông ấy nói dối, thì hiện lúc này và tại phòng xét xử này quyền tự do cá nhân của thân chủ tôi đang bị vi phạm, một vi phạm diễn ra đã nhiều năm.
Chị quay lại nhìn Ekstrom.
– Chiều hôm nay chúng tôi làm việc chỉ để chỉ ra rằng lời chứng của ông là một lời chứng sai giả, rằng ở tư cách công tố viên ông đã bị lừa gạt để đi tới chỗ chấp nhận những lời khai sai giả này.
Một nụ cười lóe ra ở miệng Teleborian. Ông xòe hai tay, gật đầu với Giannini, tựa như vỗ tay khen phần trình bày của chị. Lúc này Giannini quay sang thẩm phán.
– Thưa ngài thẩm phán. Tôi sẽ cho thấy cái gọi là điều tra pháp y tâm thần của bác sĩ Teleborian không là gì hết ngoài một sự lừa gạt từ đầu đến cuối. Tôi sẽ cho thấy ông ấy đang nói những điều gian dối về Lisbeth Salander. Tôi sẽ cho thấy trước đây các quyền công dân của thân chủ tôi đã bị vi phạm trắng trợn. Và tôi sẽ cho thấy cô ấy cũng lành mạnh và thông minh như bất cứ ai ở trong phòng xét xử này.
– Xin lỗi, nhưng…
– Khoan. – Chị giơ một ngón tay lên. – Đã hai hôm nay tôi để cho ông nói liên tục. Nay đến lượt tôi.
Chị quay lại thẩm phán Iversen.
– Tôi sẽ không đưa ra trước tòa một buộc tội nghiêm trọng nào nếu như tôi không có nhiều bằng chứng làm căn cứ.
– Chắc chắn là thế rồi, bà cứ tiếp tục, – thẩm phán nói. – Nhưng tôi không muốn nghe bất cứ lý sự vòng vo nào về âm mưu nữa đâu. Xin nhớ cho rằng bà có thể bị buộc tội cùng với Salander về những lời hai người nói ở trước tòa.
– Cảm ơn ngài, tôi xin nhớ ở trong đầu.
Chị quay lại Teleborian. Ông vẫn có vẻ khoái với tình hình.
– Bên bị đã nhiều lần hỏi được phép xem bản y bạ của Lisbeth Salander từ ngày cô gái được trao cho ông trông coi ở bệnh viện Thánh Stefan khi mới mười hai mười ba tuổi. Tại sao lại không đưa bản đó ra cho chúng tôi xem?
– Vì một tòa án quận đã tuyên rằng y bạ đó đã được xếp loại bí mật. Sau khi Lisbeth Salander yêu cầu, tòa đã ra quyết định này, nhưng nếu một tòa án cao cấp hơn hủy quyết định ấy đi thì dĩ nhiên tôi sẽ trao cho các vị.
– Cảm ơn ông. Trong hai năm ở bệnh viện Thánh Stefan, Lisbeth Salander đã phải chịu chế độ giam cầm mất bao nhiêu đêm?
– Ngay tức khắc tôi không thể nhớ ra được.
– Cô ấy thì nói là 380 trong tổng số 786 ngày đêm cô ấy sống ở Thánh Stefan.
– Tôi không thể nói được số ngày chính xác nhưng con số vừa nói ra là một khuếch đại hoang đường. Những con số ấy ở đâu ra đây?
– Ở tự thuật của cô ấy.
– Và hôm nay bà tin là cô ấy có thể nhớ chính xác từng đêm cô ấy chịu chế độ giam cầm. Ðiều này lố bịch.
– Thế ư? Ông nhớ thì là bao nhiêu đêm?
– Lisbeth Salander là một người bệnh cực kỳ hung hãn và nặng về bạo lực, đúng là trong một số dịp, cô ấy đã được cho ở trong một phòng không có thứ gì kích động. Có lẽ tôi nên giải thích mục đích của căn phòng không có thứ gì kích động…
– Cảm ơn. Cái ấy không cần. Theo lý thuyết, đó là gian phòng trong đó người ta không để bất cứ thứ gì về cảm quan có thể gây nên kích động cho người bệnh. Cô bé Lisbeth Salander mười ba tuổi đã bị cột chặt xuống giường bao nhiêu đêm trong một căn phòng như thế?
– Có lẽ là… Tôi ước chừng có lẽ là ba chục dịp trong thời gian cô ấy ở bệnh viện…
– Ba chục. Bây giờ thì chỉ có là một phần mười con số 380 mà cô ấy nói.
– Con số tôi đưa ra là không chối cãi được.
– Kể cả chỉ bằng mười phần trăm con số của cô ấy.
– Vâng…
– Liệu chúng ta có được thông tin chính xác hơn ở trong y bạ của cô ấy không?
– Có thể.
– Rất hay, – Giannini nói, lấy một tập giấy trong cặp của chị ra. – Bây giờ tôi xin phép nộp tòa một bản sao của y bạ mà bệnh viện Thánh Stefan đã làm về Lisbeth Salander. Tôi đã đếm những lần trói thân chủ tôi vào giường và thấy con số ghi nhận là 381, nhiều hơn khẳng định của thân chủ tôi một.
Teleborian trợn mắt lên.
– Dừng lại… Ðây là tài liệu đã xếp loại bí mật. Bà lấy ở đâu ra?
– Tôi lấy từ một phóng viên của tạp chí Millennium. Khó lòng mà nói rằng nó đã được xếp loại Tối mật khi mà nó nằm lăn lóc ở một tòa soạn, có lẽ tôi nên nói thêm rằng số báo Millennium hôm nay đã có đăng những trích dẫn từ y bạ này. Do đó tôi tin là ngay cả tòa án quận đây cũng sẽ có cơ hội xem chính bản y bạ này.
– Thế là phi pháp…
– Không, không phi pháp. Lisbeth Salander đã cho phép đăng các trích dẫn này. Thân chủ tôi có cái gì mà phải giấu giếm chứ.
– Thân chủ của bà đã bị tuyên bố không có khả năng tuân thủ pháp luật, do đó không có quyền tự quyết định cho mình làm như thế.
– Chúng tôi sẽ quay lại với lời tuyên bố này nhưng trước hết chúng ta cần xem xét những gì đã xảy ra với cô gái ở bệnh viện Thánh Stefan.
Thẩm phán Iversen cau mày khi nhận tập giấy tờ Giannini đưa.
– Tôi chưa sao cho công tố viên bản nào. Mặt khác, hơn một tháng trước, ông công tố viên đã nhận một bản sao về tài liệu xâm phạm vào riêng tư này.
– Chuyện ấy xảy ra như thế nào?
– Vào hồi 5 giờ chiều thứ Bảy ngày 4 tháng Sáu năm nay, công tố viên Ekstrom đã nhận của Teleborian một bản sao về bản y bạ được xếp loại bí mật này.
– Ðúng thế không? – Thẩm phán Iversen hỏi.
Thoạt tiên Ekstrom định phủ nhận. Rồi hiểu ra có lẽ như thế nào đó Giannini đã có bằng chứng.
– Tôi đã xin phép được đọc những đoạn trong bản y bạ nếu như tôi ký cam đoan giữ bí mật, – Ekstrom nói. – Tôi phải cầm chắc là Salander thực sự đã có chuyện mà cô ấy bị cáo buộc.
– Cảm ơn ông, – Giannini nói. – Như thế có nghĩa là bây giờ chúng ta đã có lời xác nhận rằng bác sĩ Teleborian không chỉ nói dối mà thôi, ông ta còn phá luật bằng việc đem phân phát các biên bản mà chính ông ta tuyên bố là đã được xếp loại Tối mật.
– Theo đúng luật, tòa ghi nhận điều này, – thẩm phán nói.
o O o
Thẩm phán Iversen thình lình rất khoái hoạt.
Bằng một cách phi chính thúc nhất, Giannini đã tung vào nhân chúng Teleborian một đòn tấn công nặng nề; một phần quan trọng trong lời khai của nhân chứng Teleborian đã bị chị băm viên vằm nát. Và chị ta tuyên bố mọi cái chị ta nói ra đều có tài liệu đi kèm cả. Thẩm phán Iversen chỉnh lại kính.
– Bác sĩ Teleborian, căn cứ vào những điều trong y bạ do chính tay ông viết ra… nay ông đã có thể nói với tôi Lisbeth Salander từng phải chịu sự giam hãm trong bao nhiêu đêm được chưa?
– Tôi không nhớ nổi rằng lại nhiều đến thế, nhưng nếu y bạ viết thế thì tôi đành là phải tin y bạ thôi.
– Một tổng số 381 ngày đêm. Điều này không làm cho ông kinh ngạc lên vì là nhiều quá đáng hay sao?
– Vâng… Có dài lâu hơn thường lệ…
– Nếu ông mười ba tuổi và bị một ai đó trói tiệt vào một chiếc giường khung sắt trong hơn một năm ròng thì ông sẽ cảm nhận ra sao chứ nhỉ? Như thế có giống như tra tấn không?
– Bà phải hiểu là người bệnh nguy hiểm cho bản thân cũng như cho những người khác…
– OK. Chúng ta hãy xem nguy hiểm cho bản thân. Lisbeth Salander đã có bao giờ tự làm cho mình bị thương chưa?
– Người ta đã từng lo ngại như thế…
– Tôi nhắc lại câu hỏi: Lisbeth Salander đã có bao giờ tự làm cho bản thân bị thương chưa? Có hay không?
– Là bác sĩ phân tâm học, chúng tôi đã được dạy rằng cần diễn giải bức tranh trong toàn cảnh. Về phần Lisbeth Salander, bà có thể thấy trên người cô ấy, thí dụ, một lô những hình xăm và lỗ xâu, chúng cũng là một hình thức của ứng xử tự hủy và một kiểu làm hư hại cơ thể chính mình. Chúng tôi có thể diễn giải chúng là một biểu hiện của tự hận, tự mình ghét mình.
Giannini quay sang Salander.
– Cô xăm mình có phải là do tự ghét mình không?
– Không, – Salander nói.
Giannini quay về Teleborian.
– Do tôi đeo hoa tai và thực sự có một hình xăm ở một chỗ kín đáo thì ông có tin rằng tôi cũng nguy hiểm cho bản thân tôi không?
Palmgren cười khì một cái nhưng ông đã kịp chuyển nó ra thành đằng hắng.
– Không, hoàn toàn không phải thế… hình xăm cũng có thể là một phần của nghi thức xã hội.
– Phải chăng ông đang nói Lisbeth Salander không phải là một phần của nghi thức xã hội này?
– Bà có thể tự thấy rằng hình xăm của cô ấy là lố lăng và lan ra cả phần lớn cơ thể cô ấy. Ðấy là cách thức bái vật hay trang điểm cơ thể không bình thường.
– Là bao nhiêu phần trăm đây?
– Xin lỗi?
– Diện tích xăm trên cơ thể đến mức phần trăm nào thì không còn là chủ nghĩa bái vật mà hóa thành bệnh tâm thần?
– Bà đang bẻ queo ý tôi.
– Tôi bẻ queo? Khi tôi hay những người trẻ tuổi khác xăm mình thì đó là một phần của một nghi thức xã hội có thể chấp nhận nhưng khi lấy xăm mình ra để đánh giá trạng thái tâm thần của thân chủ tôi thì xăm mình lại hóa ra thành nguy hiểm, vậy chuyện này là thế nào đây?
– Là một bác sĩ phân tâm học, tôi phải nhìn bức tranh trong toàn cảnh của nó. Hình xăm chỉ là một chỉ dẫn. Như tôi đã nói, nó là một trong nhiều chỉ dẫn cần được dùng đến để cân nhắc tính toán khi tôi đánh giá tình trạng sức khỏe của cô ấy.
Giannini im lặng một lúc nhìn chằm chằm vào Teleborian. Bây giờ chị nói rất thong thả.
– Nhưng bác sĩ Teleborian, ông bắt đầu trói chặt thân chủ tôi xuống khi cô ấy mới mười hai tuổi, sắp mười ba. Lúc ấy cô ấy chưa hề có một hình xăm nào ở trên người, đúng không?
Teleborian ngập ngừng và Giannini nói tiếp.
– Tôi cho rằng ông không trói cô ấy vào giường vì ông đã nhìn trước thấy một lúc nào đó trong tương lai cô ấy sẽ xăm mình.
– Dĩ nhiên là không rồi. Các hình xăm của cô ấy không liên quan gì đến tình hình cô ấy năm 1991.
– Ðến đây chúng ta đang quay lại câu hỏi ban đầu của tôi. Lisbeth Salander đã tự làm cho mình bị thương bằng một cái cách mà nó sẽ biện minh được cho việc phải đem trói cô ấy vào giường trong suốt hơn một năm trời chưa? Thí dụ, cô ấy tự cắt vào người bằng một con dao hay một lưỡi dao cạo hay một cái gì đại loại như thế chưa?
Teleborian nom nao núng một thoáng giây.
– Không… Tôi dùng hình xăm làm một thí dụ về ứng xử tự hủy.
– Và ông vừa đồng ý rằng xăm người là một phần chính đáng của một nghi thức xã hội. Tôi hỏi vì sao ông giam cầm cô ấy hơn một năm trời thì ông trả lời vì cô ấy là mối nguy cho bản thân cô ấy.
– Chúng tôi có lý do để tin rằng cô ấy là mối nguy của chính cô ấy.
– Lý do để tin. Vậy là ông đang nói rằng ông giam hãm cô ấy vì ông đoán trước ra thấy một cái gì.
– Chúng tôi tiến hành những đánh giá.
– Trong vòng năm phút, hiện tôi vẫn đang hỏi có mỗi một câu. Ông nói ứng xử tự hủy của thân chủ tôi là một lý do khiến cô ấy bị trói vào giường hơn một năm trời trong tổng cộng hai năm ông trông coi cô ấy. Cuối cùng ông có thể vui lòng cho tôi vài thí dụ cho thấy đó là bằng chứng về ứng xử tự hủy của cô ấy lúc mười hai tuổi được không?
– Thí dụ cô bé bị suy dinh dưỡng cực kỳ. Ðiều này một phần là do cô ấy cự tuyệt ăn uống. Chúng tôi nghi là bệnh chán ăn.
– Tôi hiểu. Cô gái có bị bệnh chán ăn không? Như ông có thể thấy, ngay hiện giờ thân chủ của tôi cũng vẫn gầy và nhỏ xương.
– Ờ, câu hỏi này khó trả lời. Tôi sẽ phải quan sát thói quen ăn uống của cô ấy một thời gian khá là dài mất.
– Ống đã quan sát thói quen ăn uống của cô ấy trong hai năm. Mà nay ông gợi ý rằng ông đã lẫn lộn chứng chán ăn với việc thân chủ tôi gầy và bé nhỏ. Ông nói cô ấy từ chối ăn.
– Nhiều lần chúng tôi phải ép cô ấy ăn.
– Tại sao như thế?
– Dĩ nhiên là vì cô ấy không chịu ăn.
Giannini quay sang thân chủ.
– Lisbeth, có đúng là cô không chịu ăn ở bệnh viện Thánh Stefan không?
– Ðúng.
– Tại sao thế?
– Vì lão ác ôn này trộn thuốc kích thích tâm thần vào thức ăn của tôi.
– Tôi hiểu. Vậy bác sĩ Teleborian muốn cho cô uống thuốc. Tại sao cô không chịu uống?
– Tôi không thích cái thuốc lão ta cho tôi. Nó làm cho tôi là đà là đờ. Tôi không suy nghĩ minh mẫn nổi và hễ thức thì tôi lại bằng lặng. Tên ác ôn không chịu nói với tôi có những chất gì ở trong thuốc.
– Vậy là cô không chịu uống thuốc.
– Vâng. Rồi thay vào, hắn bắt đầu cho các thứ bậy bạ vào trong thức ăn của tôi, tôi đã bỏ ăn liền năm ngày.
– Vậy thì cô đói.
– Không bị đói luôn. Vài lần mấy người phục vụ đem trộm bánh mì vào cho tôi. Đặc biệt đêm khuya một người hay đem cái ăn cho tôi. Chuyện này thường xảy ra.
– Vậy cô nghĩ là nhân viên phục vụ ở bệnh viện biết cô đói đã cho cô thức ăn để cô khỏi chết đói phải không?
– Ðó là dạo tôi đang chống lại với tên ác ôn này về các thuốc kích thích tâm thần mà hắn cho vào đồ ăn thức uống của tôi.
– Nói cho chúng tôi xem chuyện này là như thế nào đi?
– Lão cố làm cho đầu óc tôi lơ mơ đi bằng thuốc. Tôi không chịu uống thuốc của lão. Lão bèn cho vào thức ăn của tôi. Tôi không chịu ăn. Hắn ép tôi ăn. Tôi nôn tống tháo thức ăn ra.
– Vậy cô không chịu ăn là có lý do hoàn toàn hợp lý.
– Vâng.
– Chứ không phải vì cô không muốn ăn?
– Không. Tôi luôn luôn đói mà.
– Từ khi rời bệnh viện Thánh Stefan cô… ăn đều đặn chứ?
– Hễ cứ đói là ăn.
– Nói rằng giữa cô và bác sĩ Teleborian đã xảy ra một cuộc xung đột thì có đúng không?
– Chị có thể nói là như thế.
– Cô bị đưa đến Thánh Stefan vì cô đã tạt xăng vào bố cô rồi đốt ông ta.
– Vâng.
– Sao cô làm thế?
– Vì ông ấy hành hạ mẹ tôi.
– Cô đã từng nói rõ chuyện này với ai chưa?
– Có.
– Ai vậy?
– Tôi nói với cảnh sát thẩm vấn tôi, với những người làm công tác xã hội, những người nhận săn sóc trẻ con, các bác sĩ, một mục sư và lão ác ôn kia.
– Gọi bằng ác ôn là cô muốn nhắc tới…?
– Người này. – Cô chỉ vào bác sĩ Teleborian.
– Tại sao cô gọi ông ấy là ác ôn?
– Lần đầu tiên đến bệnh viện Thánh Stefan, tôi cố giải thích với ông ấy câu chuyện đã xảy ra.
– Thế bác sĩ Teleborian nói gì?
– Lăo ấy không muốn nghe tôi. Lão ấy nói tôi hoang tưởng. Và để phạt tôi lão trói tôi vào giường cho tới khi nào tôi hết hoang tưởng. Rồi lão ấy cố ép tôi uống thuốc kích thích tâm thần.
– Vớ vẩn, – Teleborian nói.
– Ðó là lý do để cô không còn nói năng gì với ông ta nữa phải không?
– Tôi không nói với lão từ cái đêm tôi vừa lên mười ba tuổi. Tôi bị cột chặt xuống giường. Quà sinh nhật cho tôi.
Giannini quay sang Teleborian.
– Nghe thì hình như lý do thân chủ tôi không chịu ăn là vì không muốn các thuốc kích thích tâm thần mà ông bắt cô ấy phải uống.
– Có thể cô ấy nhìn nó hóa ra thành thế.
– Ông thì nhìn nó ra thế nào?
– Tôi có một người bệnh khó tính khác thường. Tôi giữ ý kiến là ứng xử của Salander cho thấy cô ấy là một mối nguy cho bản thân, nhưng đây có thể là một vấn đề về cách hiểu. Tuy nhiên cô ấy hung tợn và bộc lộ ra cách ứng xử của bệnh tâm thần. Việc cô ấy nguy hiểm cho người khác thì không còn nghi ngờ gì nữa. Cô ấy đến Thánh Stefan sau khi cố giết bố mình.
– Chúng ta sẽ bàn chuyện này sau. Trong 381 ngày ông giam cầm cô ấy, khi thân chủ tôi không làm như ông bảo thì có thể là ông đã trừng phạt cô ấy bằng việc đem trói cô ấy lại phải không?
– Điều này hết sức vớ vẩn.
– Vớ vẩn? Theo các biên bản, tôi chú ý thấy phần lớn những lần trói xảy ra ở năm đầu đến… 320 trong 381 lần. Tại sao rồi lại thôi trói?
– Tôi cho rằng người bệnh đã sửa đổi ứng xử, bớt náo loạn đi.
– Có đúng là các nhân viên khác ở bệnh viện đã coi các biện pháp của ông là tàn nhẫn không cần thiết không?
– Ý bà là thế nào?
– Có đúng là các nhân viên bệnh viện đã phàn nàn về việc ép Lisbeth Salander ăn uống không, hãy tạm nói đến việc này thôi.
– Không tránh được việc mọi người đánh giá khác nhau. Chuyện này không có gì là lạ. Nhưng vì cô ấy chống lại dữ tợn quá nên phải ép cô ấy ăn mới thành ra một nhiệm vụ…
– Vì cô ấy không chịu uống các thuốc kích thích tâm thần vốn khiến cô ấy phờ phạc và thụ động. Khi hết chuyện bị uống thuốc thì cô ấy lại ăn uống bình thường. Liệu có cách giải quyết nào hợp lý hơn cách mượn đến các biện pháp cưỡng bức không?
– Thưa bà Giannini, xin bà bỏ qua cho lời tôi nói đây, tôi thực sự là một bác sĩ. Tôi ngờ rằng chuyên môn y học của tôi sâu rộng hơn kiến thức y học của bà. Việc của tôi là xác định nên dùng những biện pháp y học nào để chữa trị.
– Ðúng, tôi không phải là bác sĩ, thưa bác sĩ Teleborian. Nhưng tôi không hoàn toàn thiếu hiểu biết về chuyên môn này. Ngoài chức phận là luật sư ra, tôi cũng đã được học môn phân tâm học ở Đại học Stockholm. Ðó là môn học nền tảng cần thiết trong nghề của tôi.
Nếu lúc ấy một cây kim rơi trong phòng xét xử thì chắc ai cũng nghe thấy. Cả Ekstrom lẫn Teleborian đều cùng ngạc nhiên nhìn trừng trừng Giannini. Chị tiếp tục nói, không đoái đến hai người.
– Có đúng là cuối cùng các phương pháp ông điều trị cho thân chủ tôi đã dẫn tới chỗ bất đồng nghiêm trọng giữa ông và cấp trên của ông, bác sĩ Johannes Caldin, bác sĩ trưởng lúc đó không?
– Không, điều này không đúng.
– Bác sĩ Caldin đã chết cách đây mấy năm, không thể có lời khai. Nhưng tại phòng xử này chúng ta có một người đã vài ba lần gặp bác sĩ Caldin. Nói ra thì đó là cố vấn trợ lý của tôi, Holger Palmgren.
Chị quay lại ông.
– Ông có thể nói cho chúng tôi câu chuyện đã xảy ra như thế nào không?
Palmgren đặng hắng. Vẫn còn chịu ảnh hưởng của cơn đột quỵ, ông phải cố hết sức để nói được ra lời.
– Tôi được chỉ định làm người đỡ đầu của Lisbeth Salander sau khi mẹ cô ấy bị bố cô ấy đánh đập ác nghiệt, không thể trông nom con gái của mình được nữa. Não bà ấy bị tổn thương thường xuyên và luôn xuất huyết.
– Tôi cho là ông đang nói đến Alexander Zalachenko, – Ekstrom nhoài người ra đằng nước, chăm chú.
– Ðúng thế, – Palmgren nói.
Ekstrom nói:
– Tôi xin yêu cầu ông nhớ cho rằng chúng ta hiện đang nói đến một vấn đề đã được xếp loại Tối mật.
– Chuyện Alexander Zalachenko thường xuyên hành hạ mẹ Lisbeth không còn là một bí mật nữa, – Giannini nói.
Teleborian giơ tay lên.
– Có lẽ vấn đề không rành rành như bà Giannini đang trình bày.
– Ông định nói gì ở đây?
– Chắc chắn Lisbeth Salander đã chứng kiến một thảm kịch gia đình… chắc chẳn một cái gì đó đã dẫn tới trận đánh đập nghiêm trọng năm 1991. Nhưng không có tài liệu nào gợi ra cho thấy rằng đây là một tình hình tiếp diễn trong nhiều năm như bà Giannini tuyên bố. Nó có thể là một sự cố riêng lẻ hay một cuộc cãi cọ mà rồi hóa ra thành thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Nếu cần nói lên sự thật thì cũng chẳng có tài liệu nào cho thấy ông Zalachenko là người gây gổ đánh đập mẹ Lisbeth sất cả. Chúng tôi được biết rằng bà ấy là gái điếm, do đó có thể có khả năng còn một số những kẻ hành hung khác nữa.
o O o
Giannini ngạc nhiên nhìn Teleborian. Hình như chị không nói được nên lời trong một lúc. Rồi mắt chị quắc lên nhìn ông.
– Ông có thể nói rộng ra thêm ở điểm này không? – Chị nói.
– Điều tôi muốn nói là trong thực tế chúng ta chỉ nghe được có những lời xác nhận của Lisbeth không thôi.
– Rồi sao?
– Trước hết, có hai chị em gái, đúng ra là sinh đôi. Camilla Salander không bao giờ tuyên bố gì, thực tế cô ấy đã phủ nhận các chuyện kia. Mà nếu có sự hành hạ quá đáng như thân chủ của bà vẫn kiên trì nói thì điều ấy tự nhiên là đã được ghi nhận trong các báo cáo phúc lợi xã hội, v.v…
– Có cuộc thẩm vấn Camilla Salander nào mà chúng tôi có thể xem xét được không?
– Thẩm vấn?
– Ống có tài liệu nào cho thấy rằng Camilla Salander đã được hỏi về các chuyện xảy ra trong gia đình họ không?
Salander cựa mình trên ghế khi nghe nói đến em gái. Cô liếc Giannini.
– Tôi cho rằng Sở Bảo hiểm xã hội đã có báo cáo…
– Ông vừa nói Camilla Salander không bao giờ khẳng định rằng Alexander Zalachenko hành hạ mẹ của họ, rằng trái lại cô ấy còn phủ nhận chuyện ấy. Đó là một tuyên bố chắc nịch. Ông lấy ở đâu ra thông tin ấy?
Teleborian ngồi im lặng vài giây. Giannini có thể thấy mắt ông đảo một cái khi nhận ra ông vừa phạm phải sai lầm. Có thể lường trước thấy điều mà chị muốn dẫn tới là gì nhưng ông không có cách nào né được câu trả lời.
– Tôi nhớ hình như có được ghi trong biên bản cảnh sát, – cuối cùng ông nói.
– Ông nhớ hình như… bản thân tôi từng phải tìm khắp nơi khắp chốn để kiếm cho ra các báo cáo của cảnh sát về vụ Alexander Zalachenko bị bỏng nghiêm trọng ở Lundagatan. Các biên bản duy nhất có được là những biên bản vắn tắt do các sĩ quan tại hiện trường viết.
– Cái đó có thể…
– Vậy tôi rất muốn hỏi tại sao ông có thể đọc một biên bản của cảnh sát mà bên bị chúng tôi thì lại không sao có được ở trong tay?
– Tôi không trả lời được câu này, – Teleborian nói. – Sau vụ thân chủ của bà mưu giết bố, tôi phải viết một báo cáo pháp y về tâm thần của thân chủ bà và tôi đã được đưa cho xem biên bản năm 1991.
– Công tố viên Ekstrom có được đưa cho xem biên bản ấy không?
Ekstrom cựa quậy. Ông nắn nắn uốn uốn chòm râu dê. Nay ông biết mình đã đảnh giá thấp luật sư Giannini. Nhưng ông không có lý do gì để mà nói dối sất.
– Vâng, tôi có được đọc.
– Tại sao bên bị lại không được tiếp cận tài liệu này?
– Tôi nghĩ nó không giúp ích được cho phiên tòa.
– Ông có thể nói với tôi vì sao mà ông lại được phép đọc cái biên bản đó không? Khỉ tôi hỏi cảnh sát, người ta nói không hề có biên bản nào như vậy cả.
– Biên bản này do Cảnh sát An ninh viết. Nó được xếp hạng bí mật.
– Vậy Sapo đã viết biên bản về một trường hợp liên quan đến gây thương tích nghiêm trọng trên cơ thể một phụ nữ rồi quyết định xếp biên bản này vào loại bí mật.
– Ðó là vì người gây thương tích… Alexander Zalachenko. Ông ấy là một người tị nạn chính trị.
– Ai viết biên bản?
Im lặng.
– Tôi không nghe thấy nói gì hết. Tên ở trang bìa biên bản là gì?
– Gunnar Bjorck ở Phòng Nhập cư của SIS viết biên bản này.
– Cảm ơn ông. Có phải cũng là Gunnar Bjorck mà thân chủ của tôi nói là người đã cùng làm việc với bác sĩ Teleborian để tạo nên bản báo cáo pháp y tâm thần về cô ấy năm 1991 không?
– Tôi cho là vậy.
o O o
Giannini quay sang chú ý tới Teleborian.
– Năm 1991, ông ký đưa Lisbeth Salander vào phòng bệnh an toàn của bệnh viện Thánh Stefan dành cho trẻ tâm thần…
– Cái này không đúng.
– Không đúng ư?
– Không đúng. Lisbeth Salander bị phán quyết đưa đến phòng bệnh tâm thần an toàn. Ðây là kết quả của một hành động pháp lý hoàn toàn theo đúng thủ tục ở một tòa án quận. Ðấy không phải là quyết định của tôi…
– Năm 1991, tòa án quận quyết định nhốt Lisbeth Salander vào một bệnh viện tâm thần dành cho trẻ em. Tại sao tòa án quận ra quyết định này?
– Tòa án quận đã đánh giá thận trọng về các hành động và tình hình tâm thần của thân chủ bà – muốn gì thì cô ấy cũng đã toan giết bố bằng một quả bom xăng. Ðây không phải là hành động mà một đứa trẻ mười mấy tuổi bình thường lại có thể dúng tay vào, dù chúng có xăm mình hay không, – Teleborian mỉm cười lịch sự với chị.
– Và tòa án quận căn cứ vào cái gì để ra phán xét? Nếu tôi hiểu đúng thì họ chỉ có mỗi một bản xác nhận pháp y để đi bước tiếp theo. Bản này đã được chính ông và một người cảnh sát có tên là Gunnar Bjorck viết ra.
– Bà Giannini, điều này là về chuyện cô Salander tạo dựng ra âm mưu. Ở đây tôi sẽ cần…
– Tôi xin lỗi, nhưng tôi chưa hỏi gì cả, – Giannini nói và một lần nữa quay sang Palmgren. – Holger, chúng tôi đang nói đến việc ông gặp cấp trên của bác sĩ Teleborian, bác sĩ Caldin.
– Vâng. Trong khả năng của tôi là người đỡ đầu cho Lisbeth Salander. Ở thời kỳ này, tôi chỉ gặp cô ấy rất ít thôi. Như mọi người khác, tôi có ngay ấn tượng là cô ấy mắc bệnh tâm thần nặng. Nhưng vì đây là việc của tôi nên tôi đã tiến hành tìm hiểu nghiên cứu trạng thái sức khỏe chung của cô ấy.
– Và bác sĩ Caldin nói sao?
– Cô ấy là bệnh nhân của bác sĩ Teleborian, bác sĩ Caldin không để ý đặc biệt gì đến cô ấy trừ trong các xác nhận thường xuyên và các loại việc tương tự. Mãi đến khi cô ấy ở đấy đã hơn một năm, tôi mới bắt đầu bàn đến chuyện làm sao cho cô ấy về lại được với xã hội. Tôi gợi ý một gia đình đỡ đầu. Tôi không biết chính xác điều gì xảy ra ở nội bộ bệnh viện Thánh Stefan, nhưng sau chừng một năm thì bác sĩ Caldin bắt đầu chú ý đến cô ấy.
– Ðiều đó thể hiện như thế nào?
– Tôi phát hiện thấy ý kiến ông ấy khác ý kiến bác sĩ Teleborían, Palmgren nói. – Một lần ông ấy bảo tôi ông ấy quyết định thay đổi kiểu chữa trị cho cô ấy. Mãi sau này tôi mới hiểu là ông ấy nói tới việc giam hãm cô ấy bằng đai trói. Ông ấy nghĩ không có một lý do nào để phải làm như thế cả.
– Vậy là ông ấy đi ngược lại phác đồ của bác sĩ Teleborian?
Ekstrom cắt ngang.
– Phản đối. Ðây là nghe nói thôi.
– Không, – Palmgren nói. – Hoàn toàn là không. Tôi yêu cầu một báo cáo xác nhận rằng có thể cho Lisbeth Salander về lại với xã hội. Bác sĩ Caldin viết báo cáo đó. Hôm nay tôi vẫn còn có nó đây.
Ông đưa một tài liệu cho Giannini.
– Ông có thể cho chúng tôi biết trong đó có gì không?
– Ðây là thư bác sĩ Caldin gửi tôi, đề tháng Mười năm 1992, tức là khi Lisbeth Salander ở bệnh viện Thánh Stefan đã hai mươi tháng. Ở đây bác sĩ Caldin viết rõ ra thế này, tôi dẫn, Quyết định của tôi thôi giam hãm hay ép người bệnh ăn uống đã cho kết quả có thể nhận thấy là cô ấy lúc này đã bình lặng lại. Không cần phải cho thuốc kích thích tâm thần. Nhưng người bệnh hết sức thu mình lại và không giao lưu nên vẫn cần điều trị duy trì tiếp. Hết dẫn.
– Vậy ông ấy viết hẳn ra là ông ấy quyết định, – Giannini nói.
– Đúng. Cũng chính bác sĩ Caldin quyết định đưa cô gái tới một gia đình nhận đỡ đầu để Lisbeth có thể trở về được với xã hội.
Salander gật đầu. Cô nhớ bác sĩ Caldin đúng như cái kiểu cô nhớ từng chi tiết về quãng thời gian cô sống ở Thánh Stefan. Cô đã không chịu nói chuyện với bác sĩ Caldin… Ông là một “bác sĩ điên”, một người mặc áo blouse trắng khác nữa cứ muốn đào ủi vào trong cảm xúc của cô. Nhưng ông thân thiện và tốt bụng. Cô đã ngồi trong phòng giấy nghe ông giải thích mọi điều với cô.
Ông có vẻ bị xúc phạm khi cô không muốn nói với ông. Cuối cùng cô nhìn thẳng vào mắt ông và nói rõ quyết tâm của mình: Tôi sẽ không bao giờ nói chuyện với ông hay bất cứ ông bác sĩ điên nào. Tôi cần nói những gì thì các ông có ai nghe tôi đâu. Ông có thể nhốt tôi ở đây cho đến khi tôi chết mà không thay đổi được gì hết cả. Tôi sẽ không nói với một ai trong các ông sất. Ông đã nhìn cô, con mắt ngạc nhiên và đau buồn. Rồi ông gật đầu tựa như ông hiểu.
– Bác sĩ Teleborian, – Giannini nói. – Chúng tôi đã tìm thấy bằng chứng là ông đã ký đưa Lisbeth Salander vào một bệnh viện tâm thần của trẻ con. Ông là người nộp cho tòa án quận báo cáo này, bản báo cáo này là cơ sở duy nhất để họ đưa ra quyết định. Ðúng thế không?
– Thực chất là đúng. Nhưng tôi nghĩ…
– Ông sẽ có nhiều thì giờ để nói rõ điều mà ông nghĩ. Khi Lisbeth Salander sắp lên mười tám tuổi, ông lại một lần nữa xía vào đời cô ấy, lại cố đem cô ấy nhốt vào trong một bệnh viện.
– Lần này tôi không phải là người viết báo cáo pháp y…
– Đúng, lần này bác sĩ Jesper H. Loderman viết. Và vào lúc đó, tình cờ ông ấy đang học tiến sĩ. Và ông là thầy hướng dẫn ông ấy. Cho nên chính các xác nhận của ông đã làm cho bản báo cáo được thông qua.
– Không có gì là vô đạo đức hay không đúng đắn ở trong các báo cáo này. Chúng đã được thảo ra theo những quy tắc hợp quy cách nghề nghiệp của tôi.
– Nay Lisbeth Salander hai mươi bảy tuổi và lần thứ ba chúng ta lại thấy ông đang cố thuyết phục tòa án quận rằng cô ấy bị bệnh tâm thần, cần phải đưa đến một phòng bệnh tâm thần an toàn.
o O o
Teleborian hít vào một hơi dài. Giannini đã chuẩn bị đâu ra đấy. Chị làm cho ông sững ra với những câu hỏi ranh ma và đã bẻ gẫy thành công các câu trả lời của ông. Chị không đổ trước sức hấp dẫn của ông, chị hoàn toàn không biết đến quyền uy của ông. Ông vốn quen được người ta gật đầu khi ông nói rồi mà.
Mụ có biết được nhiều không đây?
Ông liếc công tố viên Ekstrom, nhận thấy đừng có hòng chờ đợi giúp đỡ ở đằng này. Ông phải một mình cưỡi sóng vượt gió đây.
Ông tự nhắc nhủ rằng dẫu thế nào thì ông đã là một quyền lực.
Ðiều mụ nói không là gì cả. Đánh giá của ta mới quan trọng.
Giannini cầm bản báo cáo pháp y lên.
– Chúng ta hãy xem kỹ hơn bản báo cáo cuối cùng của ông. Ông đã bỏ ra rất nhiều công sức để phân tích đời sống cảm xúc của Lisbeth Salander. Một phần lớn đề cập đến những diễn giải của ông đối với nhân cách, ứng xử và thói quen tính dục của cô ấy.
– Tôi muốn đưa ra một bức tranh toàn diện trong báo cáo này.
– Tốt. Và dựa trên bức tranh toàn diện này, ông đi đến kết luận rằng Lisbeth Salander bị bệnh tâm thần phân liệt hoang tưởng.
– Tôi không thích bó hẹp mình vào một chẩn đoán chính xác cụ thể.
– Nhưng ông đi đến kết luận này mà không hề qua chuyện trò với thân chủ của tôi, phải thế không?
– Bà biết rất rõ là thân chủ của bà cự tuyệt trả lời các câu hỏi mà tôi hay bất cứ ai có quyền lực khác có thể đặt ra cho cô ấy. Ứng xử này tự nó đã đặc biệt nói lên được điều gì. Người ta có thể kết luận rằng những nét hoang tưởng của người bệnh đã tăng tiến đến một mức mà cô ấy thực sự không thể chuyện trò đơn giản với bất cứ ai có quyền lực. Cô ấy tin rằng mọi người đến là để hãm hại cô ấy, cô ấy cảm thấy sợ đến mức khép kín mình lại trong một cái vỏ hến nội bất xuất ngoại bất nhập và cứ thế nín thinh.
– Tôi để ý thấy ông diễn đạt rất thận trọng. Thí dụ ông nói, người ta có thể kết luận.
– Vâng, cái đó đúng. Tôi diễn đạt rất thận trọng. Phân tâm học không phải là một khoa học chính xác và tôi cần phải thận trọng với các kết luận của mình. Đồng thời nói rằng những nhà phân tâm học chúng tôi ngồi chơi đoán phỏng chừng thiếu cơ sở thực tế cũng là không đúng.
– Ông rất chính xác ở những chỗ ông tự bảo vệ cho mình. Sự thật rành rành là từ cái tối sinh nhật lần thứ mười ba của thân chủ tôi, ông không hề trao đổi một câu nào với cô ấy vì cô ấy cự tuyệt nói chuyện với ông.
– Không chỉ với tôi thôi đâu. Có vẻ như cô ấy không thể nói chuyện được với bất cứ nhà phân tâm học nào.
– Như thế nghĩa là kết luận của ông là dựa trên kinh nghiệm và trên các quan sát thân chủ tôi, như ông viết ở đây.
– Ðúng thế.
– Nghiên cứu một cô gái ngồi khoanh tay trên ghế và cự tuyệt nói chuyện với ông thì ông có thể học biết được gì qua đó?
Teleborian thở dài, tựa như ông nghĩ mọi cái đã sờ sờ ra đến thế này mà còn phải giải thích thì ngán ốm. Ông mỉm cười.
– Ở một người bệnh ngồi lì không nói năng gì, bạn chỉ có thể học biết được rằng người bệnh này đang ngồi lì không nói năng gì, đấy, có thế thôi đấy. Kể cả đây là một ứng xử nhiễu loạn, nhưng đó không phải là cái tôi dựa vào để kết luận.
– Chiều nay chốc nữa, tôi sẽ mời một nhà phân tâm học khác. Tên ông ta là Svante Branden, bác sĩ chính ở Viện Pháp y và là một chuyên gia trong môn phân tâm học pháp y. Ông biết ông ta chứ?
Teleborian thấy lại tin tưởng. Ông đã chờ Giannini mời một nhà phân tâm học khác đến để hỏi về các kết luận của mình. Ðây là một tình thế ông đã chuẩn bị sẵn sàng, trong đó ông có thể dễ dàng bác bỏ mọi phản đối. Ðúng thế, trong tranh luận thân mật, dễ nắm một đồng nghiệp hàn lâm hơn là một người nào đó như luật sư Giannini, người này không vướng cấm kị gì và có xu hướng bẻ queo lời lẽ của ông. Ông mỉm cười.
– Ông ấy là một nhà phân tâm học pháp y được kính trọng và có tài. Nhưng bà Giannini, bà cần phải hiểu rằng đưa ra một báo cáo như kiểu này là một quá trình hàn lâm và khoa học. Bản thân bà có thể không tán thành kết luận của tôi và một nhà phân tâm học khác lại có thể diễn giải một hành động hay một sự việc theo một cách khác hẳn. Bà có thể có những cách nhìn không giống hay có thể đó chỉ là một vấn đề thuần túy về việc hiểu đúng người bệnh đến đâu giữa hai bác sĩ. Ông ta có thể đi đến một kết luận rất khác về Lisbeth Salander. Chuyện này không hề lạ trong ngành phân tâm học.
– Tôi mời ông ấy không vì chuyện ấy. Ông ấy chưa gặp Lisbeth Salander để khám bệnh và ông ấy cũng sẽ không cho ra đánh giá nào về trạng thái tâm thần của cô ấy.
– Ô, lại là thế ư?
– Tôi đã nhờ ông ấy đọc bản báo cáo của ông và tất cả các tài liệu ông đã nộp về Lisbeth Salander cũng như xem các báo cáo y học của bệnh viện Thánh Stefan về cô ấy. Tôi đã xin ông ấy cho một đánh giá, không phải về tình trạng sức khỏe của thân chủ tôi, mà xét theo quan điểm thuần túy khoa học thì trong các tài liệu này liệu có một cơ sở thỏa đáng nào cho các kết luận của ông không.
Teleborian nhún vai.
– Với hết lòng kính trọng, tôi nghĩ rằng tôi hiểu Lisbeth Salander hơn bất cứ một nhà phân tâm học nào ở đất nước này. Tôi đã theo dõi sự phát triển của cô ấy từ khi cô ấy mười hai tuổi và đáng tiếc là các hành động của cô ấy luôn xác nhận các kết luận của tôi.
– Rất tốt, – Giannini nói. – Vậy chúng ta hãy xem các kết luận của ông. Trong bản tuyên bố của ông, ông viết rằng việc điều trị của cô ấy đã bị gián đoạn khi cô ấy được trao cho một gia đình đỡ đầu vào lúc cô ấy mười lăm tuổi.
– Ðúng thế. Ðây là một sai lầm nghiêm trọng. Nếu được phép điều trị tiếp thì có lẽ chúng tôi đã không ở tòa án hôm nay.
– Ông muốn nói là nếu ông có cơ hội giữ cô ấy thêm một năm nữa trong chế độ giam hãm thì cô ấy đã trở nên dễ nghe lời hơn phải ldìông?
– Nói thế không đúng tinh thần.
– Tôi xin lỗi ông. Ông trích dẫn rộng rãi bản báo cáo mà Jesper Loderman, nghiên cứu sinh học trò của ông ráp lại lúc cô ấy sắp sang tuổi mười tám. Ông viết rằng, tôi dẫn, Ứng xử tự hủy và chống xã hội của Lisbeth Salander đã được xác nhận bằng việc lạm dụng ma túy và kiểu sống lang chạ mà cô ấy thể hiện từ lúc bị đuổi ra khỏi bệnh viện Thánh Stefan, hết dẫn. Ông muốn nói lên điều gì ở lời tuyên bố này?
Teleborian ngồi im một vài giây.
– Ðược… bây giờ chúng ta sẽ quay ngược lại một ít. Sau khi ra khỏi Thánh Stefan, Lisbeth Salander đã, như tôi từng nói trước, phát triển những vấn đề về lạm dụng rượu và ma túy. Cô ấy luôn bị cảnh sát bắt. Một báo cáo của Bảo hiểm Xã hội cũng cả quyết rằng cô ấy đã có các quan hệ tính dục bừa bãi với những người già và rất nhiều phần cô ấy đã dính líu đến bán dâm.
– Chúng ta hãy phân tích chỗ này. Ông nói cô ấy lạm dụng rượu. Cô ấy có thường hay bị ngộ độc rượu không?
– Tôi xin lỗi?
– Từ khi được thả ra cho đến khi sang tuổi mười tám cô ấy có uống rượu hàng ngày không? Cô ấy có uống mỗi tuần một lần không?
– Dĩ nhiên là tôi không trả lời chỗ này được rồi.
– Nhưng ông vừa nói cô ấy có vấn đề về rượu.
– Cô ấy là một vị thành niên và đã bị cảnh sát bắt đi bắt lại vì say rượu.
– Ðây là lần thứ hai ông nói cô ấy bị bắt đi bắt lại. Chuyện này xảy ra bao nhiêu lần? Có là mỗi tuần một lần không hay là cách tuần một lần?
– Không, đây không phải là chuyện hay xảy ra của cá nhân…
– Lisbeth Salander đã bị bắt hai lần vì say rượu, một lần khi cô ấy mười sáu, một lần khi mười bảy. Một lần cô ấy say nặng quá đã phải đưa vào bệnh viện. Ðây là cái bắt đi bắt lại mà ông nhắc tới đấy. Ngoài hai trường hợp này cô ấy có bị say bao giờ nữa không?
– Tôi không biết, nhưng người ta có thể e ngại rằng hạnh kiểm của cô ấy…
– Tôi xin lỗi, tôi nghe ông nói có đúng không đây? Ông không biết trong thời gian vị thành niên cô ấy có bị say ngoài hai lần vừa kể, thế nhưng ông lại sợ rằng đây là trường hợp lạm dụng rượu. Và viết báo cáo, ông kiên trì ý kiến rằng Lisbeth Salander đã dính đi dính lại vào tệ lạm dụng rượu chè và ma túy?
– Ðây là thông tin của cơ quan dịch vụ xã hội chứ không phải của tôi. Nó liên quan đến toàn bộ lối sống của Lisbeth Salander. Không lấy gì làm lạ rằng sau khi ngừng được điều trị thì chẩn đoán của cô ấy lại tối tăm và đời cô ấy xoay quanh những chuyện lạm dụng rượu, thẩm vấn của cảnh sát và thói lang chạ bừa bãi không kiểm soát.
– Ông nói “thói lang chạ bừa bãi không kiểm soát”.
– Vâng. Đây là một thuật ngữ cho thấy cô ấy không kiểm soát đời sống bản thân. Cô ấy ngủ với ông già.
– Việc ấy không có gì phạm pháp cả.
– Vâng, nhưng đây là hạnh kiểm không bình thường của một cô gái mười sáu tuổi. Người ta có thể hỏi cô ấy tự nguyện tham gia các cuộc gặp gỡ này hay là cô ấy ở trong một tình thế bị cưỡng bức không thể kiểm soát nổi.
– Nhưng ông nói rất chắc chắn cô ấy là gái điếm.
– Cô ấy không được học hành, không thể học đến nơi đến chốn hay tiếp tục học cao lên nữa, do đó không kiếm ra nghề thì hệ quả tự nhiên là thế thôi. Có thể là cô ấy nhìn các ông già như hình ảnh bố mình, còn thù lao tài chính với các lần họ hưởng thụ tính dục thì chỉ là hệ quả phụ thôi. Trong trường hợp này tôi cảm nhận thấy đó là ứng xử của người bệnh tâm thần.
– Vậy ông cho rằng các cô gái mười sáu tuổi có quan hệ tính dục là bị tâm thần?
– Bà đang vặn vẹo lời tôi.
– Nhưng ông không biết liệu cô ấy có lấy tiền vì các đặc ân tính dục hay không.
– Cô ấy không bị bắt vì bán dâm bao giờ.
– Và cô ấy khó lòng bị bắt vì chuyện đó vì ở nước ta bán dâm không phải là một tội.
– Ờ, vâng, đúng thế. Ở trường hợp cô ấy, chuyện này phải là có liên quan đến ứng xử tâm thần có tính bức bách.
– Và ông không ngại ngùng dựa lên các phỏng đoán thiếu kiểm nghiệm kia để mà kết luận Lisbeth Salander bị bệnh tâm thần chứ? Lúc mười sáu tuổi, tôi ngô nghê tự ý uống một nửa chai Vodka lấy cắp của bố. Ông có nghĩ việc ấy làm cho tôi bị bệnh tâm thần không?
– Không, dĩ nhiên là không.
– Có thể là tôi quá lời đây, có đúng là khi mười bảy tuổi đi dự dạ hội ông đã uống say đến nỗi ông và tất cả đám bạn cùng rủ nhau vào trung tâm, đập vỡ hết cửa sổ quanh quảng trường ở Uppsala không? Ông đã bị cảnh sát bắt rồi được tha khi đã nộp phạt.
Teleborian nom choáng.
– Ðúng là có chuyện ấy chứ, bác sĩ Teleborian?
– Ờ, có. Khi mười bảy thì người ta làm nhiều chuyện ngu ngốc lắm. Nhưng…
– Nhưng điều đó có dẫn ông – hay một ai đó khác – đến chỗ tin rằng ông bị một chứng bệnh tâm thần nặng không?
o O o
Teleborian cáu. Mụ luật sự ma quái này cứ uốn éo vặn vẹo lời lẽ của ông và lục vào gốc gác sâu xa. Mụ không chịu nhìn vào bức tranh lớn hơn. Và phen trốn nhà thời trẻ con của ông… của nợ này nó lấy đâu ra thông tin này cơ chứ?
Ông hắng giọng và cao giọng nói:
– Các báo cáo của các cơ quan dịch vụ xã hội không có gì mập mờ, đều xác nhận Lisbeth Salander có một lối sống xoay quanh rượu, ma túy và chung chạ bừa bãi. Các cơ quan này cũng nói cô ấy đã là gái điếm.
– Không, các cơ quan xã hội không bao giờ nói cô ấy là gái điếm.
– Cô ấy đã bị bắt ở…
– Không, cô ấy không bị bắt, – Giannini nói. – Người ta tìm thấy cô ấy ở Tantolunden lúc cô ấy mười bảy tuổi, đang cùng ở với một người đàn ông già hơn nhiều. Cũng năm ấy cô ấy bị bắt vì say rượu. Cũng lại với một người đàn ông già hơn ở bên. Các cơ quan dịch vụ xã hội sợ rằng cô ấy có thể bị sa vào nghề bán dâm. Nhưng chưa hề đưa ra bằng chứng nào bao giờ.
– Cô ấy đã có các quan hệ tính dục rất thoải mái với một số đông cá nhân, cả nam lẫn nữ.
– Trong báo cáo của ông, ông xoáy vào các thói quen tính dục của thân chủ tôi. Ông nói quan hệ của thân chủ tôi với bạn, cô Miriam Wu, xác nhận những nghi ngờ về một bệnh lý tâm thần về tính dục. Tại sao nó lại xác nhận được một chuyện như thế?
Teleborian không trả lời.
– Tôi thành thật hy vọng ông không nói rằng đồng tính luyến ái là một bệnh tâm thần, – Giannini nói. – Ông nói thế thì thậm chí còn là một tuyên bố bất hợp pháp nữa.
– Không, dĩ nhiên không nói thế rồi. Tôi đang gợi đến các yếu tố bạo dâm ở trong mối quan hệ ấy.
– Ông nghĩ cô ấy là một người bạo dâm chứ?
– Tôi…
– Chúng tôi có lời tuyên bố của Miriam Wu ở đây, nói rõ rằng không có bạo lực trong quan hệ của hai người.
– Họ bập vào S&M, tính dục và…
– Bây giờ tôi bắt đầu nghĩ là ông đọc quá nhiều báo buổi chiều. Lisbeth Salander và bạn gái Miriam Wu bập một số lần vào các trò chơi tính dục trong đó Miriam Wu trói thân chủ tôi lại và cho cô ấy có được thỏa mãn tính dục. Cái này không có gì là đặc biệt khác lạ cũng như không có gì là trái luật. Vì chuyện này mà ông đem nhốt thân chủ tôi lại ư?
Teleborian vẫy tay ra ý không cần màng đến.
– Lúc tôi mười sáu và còn đi học, tôi đã say rượu nhiều lần. Tôi đã thử ma túy. Tôi đã hút cần sa và cách đây hai chục năm thậm chí đã thử cocaine một lần. Khi mười lăm tuổi tôi có kinh nghiệm tính dục đầu tiên với một bạn học và tôi có quan hệ với một gã con trai từng trói tay tôi vào thành giường khi tôi hai mươi tuổi. Hai mươi hai thì tôi quan hệ với một người đàn ông bốn mươi bảy tuổi, quan hệ này kéo dài mấy tháng. Theo con mắt ông, tôi có bị bệnh tâm thần không đây?
– Giannini, bà đùa, các từng trải tính dục của bà không liên quan gì đến vụ án này.
– Tại sao không? Khi tôi đọc cái gọi là đánh giá phân tâm học của ông với Lisbeth Salander, tôi thấy nếu đem từng điểm một ra khỏi bối cảnh thì đều có thể áp dụng cho tôi được cả. Tại sao tôi thì mạnh khỏe và yên lành còn Lisbeth Salander lại là một kẻ bạo dâm nguy hiểm?
– Những so sánh này không thích hợp. Bà không cố giết bố hai lần…
– Bác sĩ Teleborian, Lisbeth Salander muốn ngủ với ai thì thật ra đó không phải là việc của ông. Ðối tác cô ấy ngủ chung là nam hay nữ thì cũng không phải là việc của ông. Nhưng ở trường hợp cô ấy, ông lại chộp ra những chi tiết trong đời sống cô ấy để căn cứ vào đó mà nói rằng cô ấy bệnh hoạn.
– Toàn bộ cuộc đời của Lisbeth Salander – từ lúc học cấp cơ sở – là một cứ liệu về các cơn giận dữ hung bạo mà cô ấy nổ ra với các giáo viên và các học trò khác.
– Khoan, – giọng Giannini thình lình sắc như dao cứa lên sắt. – Hãy nhìn thân chủ tôi.
Mọi người nhìn Lisbeth Salander.
– Thân chủ tôi lớn lên trong một gia cảnh thảm hại. Trong suốt nhiều năm bố cô ấy thường xuyên hành hạ mẹ cô ấy.
– Thì tức là…
– Để tôi nói nốt. Mẹ Lisbeth Salander sợ chết khiếp Alexander Zalachenko. Bà ấy không dám chống lại. Bà ấy không dám đi gặp cả bác sĩ. Bà ấy không dám đến một trung tâm khủng hoảng dành cho phụ nữ. Bà ấy phủ phục xuống và bị đánh tệ hại đến mức não bị tổn thương không sao phục hồi lại được nữa. Người phải gánh lấy trách nhiệm gia đình, người duy nhất cố gánh lấy trách nhiệm từ lâu trước cả khi lên mười hai mười ba tuổi là Lisbeth Salander. Cô phải một mình tự cáng lấy gánh nặng đó do vì so với mẹ của Lisbeth thì Zalachenko, tên gián điệp này lại quan trọng đối với nhà nước và các dịch vụ xã hội hơn.
– Tôi không thể…
– Tôi xin lỗi, kết quả là một tình trạng mà ở đó xã hội đã vứt bỏ mẹ của Lisbeth và hai đứa con của bà. Ông ngạc nhiên rằng Lisbeth có các vấn đề ở trường học chứ gì? Hãy nhìn cô ấy. Cô ấy bé nhỏ và gầy còm. Cô ấy luôn là đứa con gái bé nhất lớp. Sống rúc vào bản thân và quái dị, cô ấy không có bạn. Ông có biết trẻ con có xu hướng đối xử với bạn học không giống mình như thế nào không?
Teleborian thở dài.
Giannini tiếp tục.
– Tôi có thể quay lại các học bạ, sổ sách của trường học cô ấy, xem xét lần lượt từng tình hình ở đó nó khiến cho Lisbeth hóa ra thành hung bạo. Luôn luôn có một kiểu khiêu khích nào đó khơi mào ra. Tôi có thể dễ dàng nhận thấy các dấu hiệu bắt nạt. Để tôi nói với ông một cái này.
– Cái gì?
– Tôi ngưỡng mộ Lisbeth Salander. Cô ấy kiên cường hơn tôi. Nếu mười ba tuổi mà bị trói chặt vào giường, có lẽ tôi sẽ gần như tan chảy hết. Cô ấy chống trả bằng thứ vũ khí duy nhất cô ấy có – lòng khinh miệt ông.
Giannini đã hết căng thẳng từ lâu. Chị cảm thấy đã tự kiềm chế được.
– Trong lời khai sáng nay, ông nói rất nhiều đến các điều hoang tưởng của cô ấy. Chẳng hạn ông nói chuyện Lisbeth Salander kể về việc luật sư Bjurman cưỡng hiếp cô ấy là hoang tưởng.
– Ðúng là thế.
– Ông dựa vào đâu mà kết luận như vậy?
– Vào kinh nghiệm của tôi với cái cách cô ấy hay hoang tưởng.
– Vào kinh nghiệm của ông với cái cách cô ấy quen hoang tưởng ư? Ông làm sao mà quyết định được lúc nào thì cô ấy đang hoang tưởng? Khi cô ấy nói bị trói vào giường 380 ngày đêm thì theo ông đó chỉ là hoang tưởng, bất chấp chính ngay biên bản của ông cũng nói với chúng tôi rằng sự thật là trói 381 ngày đêm.
– Chuyện này lại hoàn toàn khác. Không có một tí bằng chứng nào về việc Bjurman cưỡng hiếp Lisbeth Salander. Tôi muốn nói đến chuyện cho kim xuyên qua đầu vú cùng với những trò hung bạo thô thiển quá đến nỗi cô ấy chắc chắn đã phải được xe cứu thương chở thẳng đến bệnh viện ngay lúc đó rồi. Rõ ràng là chuyện này không thể nào mà xảy ra được.
Giannini quay sang thẩm phán Iversen.
– Hôm nay tôi đã xin phép đặt một máy chiếu ở đây…
– Ðã để sẵn sàng rồi đấy, – thẩm phán nói.
– Xin cho chúng tôi hạ rèm xuống có được không?
Giannini mở máy tính PowerBook của chị ra, cắm nó vào máy chiếu.
Chị quay lại thân chủ của mình.
– Lisbeth. Chúng ta sắp xem cuốn phim. Cô đã sẵn sàng cho việc đó chưa?
– Tôi đã sống trong nó từ đầu đến cuối. – Salander nói, giọng khô đanh.
– Cô cho phép tôi chiếu nó ra ở đây chứ?
Salander gật. Cô chằm chằm nhìn Teleborian.
– Cô có thể cho chúng tôi biết cuốn phim này quay lúc nào không?
– Ngày 7 tháng Ba năm 2003.
– Ai quay?
– Tôi quay. Tôi đã dùng camera giấu kín, thiết bị tiêu chuẩn ở An ninh Milton.
– Hãy khoan, – công tố viên Ekstrom quát. – Chuyện này đang bắt đầu giống trò xiếc rồi đây.
– Chúng ta sắp xem là cái gì đây? – Thẩm phán Iversen nói, giọng sắc nhọn lại.
– Bác sĩ Teleborian nói rằng chuyện Lisbeth Salander kể về vụ luật sư Bjurman cưỡng hiếp cô ấy là hoang tưởng. Tôi sẽ cho các vị thấy bằng chứng trái lại. Toàn bộ video dài chín mươi phút, nhưng tôi sẽ chỉ chiếu vài đoạn trích ngắn mà thôi. Tôi báo trước các vị là có một vài cảnh rất chướng mắt.
– Cái này là định mánh mung gì đây chứ?
– Là có một cách hữu hiệu để tìm ra sự thật, – Giannini nói và chạy đĩa DVD trong máy tính của chị.
“Cô không biết cách xem giờ à?”. Luật sư Bjurman thô lỗ chào cô. Máy camera đi vào trong căn nhà ông ta…
Ðược chín phút thẩm phán Iversen gõ búa. Người ta thấy chiếu cảnh luật sư Bjurman nhét mạnh một dương vật giả vào hậu môn Lisbeth Salander. Giannini cho to âm lượng lên. Qua miếng băng dán kín miệng, tiếng hét gần như cứng lại của Lisbeth Salander nghe chói lói khắp gian phòng xét xử.
– Tắt phim đi, – thẩm phán Iversen nói to, giọng ra lệnh.
Giannini ấn nút dừng và đèn trần lại sáng trở lại. Mặt thẩm phán Iversen đỏ. Công tố viên Ekstrom ngồi như đá trời trồng. Teleborian tái nhợt như một xác chết.
– Luật sư Giannini… Video này dài bao lâu, bà nói chưa nhỉ?
– Chín chục phút. Bản thân chuyện hiếp tiếp tục nhiều đoạn ở trên phim lâu chừng năm hay sáu giờ nhưng thân chủ tôi chỉ mơ hồ nhận thấy mình đang bị bạo hành trong ít giờ cuối cùng mà thôi.
Giannini quay sang Teleborian.
– Nhưng có một cảnh trong đó Bjurman xiên một cây kim qua đầu vú thân chủ tôi, việc mà bác sĩ Teleborian khăng khăng cho là biểu hiện của đầu óc tưởng tượng của Lisbeth Salander. Nó xảy ra ở phút bảy mươi hai và bây giờ tôi mời xem đoạn ấy.
– Cảm ơn bà, không cần thiết, – thẩm phán nói. – Cô Salander…
Dòng suy nghĩ của ông bị hẫng một thoáng giây và ông không biết phải làm gì.
– Cô Salander, tại sao cô lại quay cuộn phim này?
– Bjurman đã hiếp tôi một lần và còn đòi nữa. Lần đầu ông ấy bắt tôi mút cho ông ấy xuất, đồ rắn rết già khú. Tôi nghĩ chuyện này sẽ còn lặp đi lặp lại. Tôi nghĩ tôi có thể có được bằng chứng rất hay về chuyện ông ấy làm với tôi để rồi có thể dọa cho ông ấy tránh xa tôi ra. Tôi đã đánh giá sai ông ấy.
– Nhưng tại sao cô không đến báo cảnh sát khi đã có bằng chứng… không thể chối cãi được như thế?
– Tôi không nói chuyện với cảnh sát, – Salander nói huỵch toẹt.
o O o
Palmgren đứng đậy khỏi xe lăn. Ông tì lên mép bàn để tự đỡ cho mình. Giọng ông rất rõ ràng.
– Thân chủ của chúng tôi về nguyên tắc là không nói năng với cảnh sát hay với những người có quyền khác, và ít nhất là với tất cả các bác sĩ tâm thần. Lý do đơn giản. Lúc còn bé cô ấy đã nhiều lần nói với cảnh sát và những người làm công tác xã hội để họ biết rõ việc mẹ bị Alexander Zalachenko bạo hành. Kết quả lần nào cũng là cô ấy bị trừng trị vì các viên chức nhà nước quyết định rằng Zalachenko quan trọng hơn cô ấy.
Ông hắng giọng nói tiếp.
– Cuối cùng khi cô ấy kết luận rằng không ai nghe cô ấy thì biện pháp duy nhất bảo vệ mẹ là cô ấy chống lại Zalachenko bằng bạo lực. Rồi tên khốn tự gọi mình là bác sĩ này – ông chỉ vào Teleborian – viết ra một bản chẩn đoán phân tâm học mô tả cô ấy bị bệnh tâm thần, điều cho ông ta cơ hội giữ cô ấy bị trói buộc ở bệnh viện Thánh Stefan 380 ngày. Tên khốn kiếp này là thế đấy.
Palmgren ngồi xuống. Thẩm phán Iversen ngạc nhiên về cơn phẫn nộ này. Ông quay sang Salander.
– Có lẽ cô muốn nghỉ giải lao…
– Tại sao? – Salander nói.
– Ðược, vậy thì chúng ta tiếp tục. Luật sư Giannini, đoạn ghi hình sẽ được xem xét và tôi sẽ yêu cầu một ý kiến về mặt kỹ thuật để kiểm tra tính xác thực của nó. Nhưng bây giờ tôi không thể chịu được lại phải xem tiếp các cảnh kinh khủng này nữa. Chúng ta hãy lại làm việc nào.
– Mừng thay. Tôi cũng thấy chúng kinh khủng, – Giannini nói. – Thân chủ tôi đã phải chịu đựng nhiều lần hành hạ tinh thần và những việc làm sai trái pháp luật. Và người phải bị khiển trách nhất về chuyện này là bác sĩ Teleborian. Ông ta đã phản bội lời thề của người bác sĩ, ông ta đã phản bội người bệnh của mình. Cùng với một thành viên của một nhóm phi pháp ở trong nội bộ Cảnh sát An ninh, Gunnar Bjorck, ông chắp ghép nên một bản đánh giá pháp y về bệnh tâm thần với mục đích giam hãm một nhân chứng bất lợi lại. Tôi tin rằng vụ án này chắc phải là vụ duy nhất ở Thụy Ðiển.
– Ðây là những lời buộc tội xúc phạm, – Teleborian nói. – Tôi đã làm hết sức mình để giúp Lisbeth Salander. Cô ấy định giết bố. Hoàn toàn rõ ràng là có một cái gì đó không ổn ở cô ấy…
Giannini cắt lời ông.
– Bây giờ tôi muốn tòa chú ý tới bản đánh giá pháp y tâm thần thứ hai mà bác sĩ Teleborian làm cho thân chủ tôi, bản này vừa được trình tòa hôm nay. Tôi giữ ý kiến đây là một việc làm dối trá, cũng như bản báo cáo làm năm 1991 là dối trá vậy.
– Ờ, cái này đơn giản là… – Teleborian ấp úng.
– Thẩm phán Iversen, xin ông có thể bảo nhân chứng đừng có cắt lời tôi được không ạ?
– Ông Teleborian…
– Tôi im, tôi im. Nhưng đây là những lời buộc tội xúc phạm. Tôi bực cũng chả có gì là đáng ngạc nhiên.
– Ông Teleborian, xin yên lặng cho tới lúc ông được trực tiếp hỏi đến. Luật sư Giannini, bà cứ tiếp tục đi.
– Ðây là bản đánh giá pháp y tâm thần mà bác sĩ Teleborian đã trình tòa. Nó dựa trên cái mà ông ấy gọi là “những quan sát” đối với thân chủ tôi, và được cho là đã diễn ra sau khi cô ấy bị chuyển đến nhà tù Kronoberg ngày 5 tháng Sáu. Thăm khám bệnh được cho là kết thúc vào ngày 5 tháng Bảy.
– Vâng, tôi cũng hiểu là thế, – thẩm phán Iversen nói.
– Bác sĩ Teleborian, trong trường hợp này, trước 6 tháng Sáu ông không có cơ hội thăm khám hay quan sát thân chủ của tôi phải không? Trước đó cô ấy ở bệnh viện Sahlgrenska ở Goteborg, và như chúng ta biết thì ở đấy cô ấy đã bị biệt lập.
– Vâng.
– Ông đã hai lần riêng rẽ định vào gặp thân chủ tôi ở Sahlgrenska. Cả hai lần ông đều bị từ chối.
Giannini mở cặp lấy một tài liệu ra. Chị đi quanh bàn đến đưa nó cho thẩm phán Iversen.
– Tôi biết, – thẩm phán nói. – Hóa ra đây là một bản sao báo cáo của bác sĩ Teleborian. Ý chị sao?
– Tôi muốn được gọi hai nhân chứng. Họ đang chờ ở ngoài phòng xét xử.
– Hai nhân chứng là ai?
– Họ là Mikael Blomkvist ở tạp chí Millennium và sĩ quan cảnh sát cao cấp Torsten Edklinth, Giám đốc đơn vị Bảo vệ Hiến pháp của Cảnh sát An ninh.
– Và họ đang ở bên ngoài cả?
– Vâng.
– Đưa họ vào, – Thẩm phán Iversen nói.
– Cái này phạm quy cao độ đây, – Công tố viên Ekstrom nói.
o O o
Ekstrom theo dõi hết sức không thoải mái Giannini đánh tan tác người làm chứng chủ chốt của ông. Ðoạn ghi hình là bằng chứng phá sập tan tành. Ông thẩm phán lờ Ekstrom đi, ra hiệu cho viên lục sự mở cửa để Blomkvist và Edklinth vào.
– Tôi muốn trước tiên gọi Mikael Blomkvist.
– Vậy tôi mời ông Teleborian đứng xuống dưới một lát, – thẩm phản Iversen nói.
– Bà đã xong với tôi chưa? – Teleborian nói.
– Chưa, chưa xong được đâu ạ, – Giannini nói.
Blomkvist thay Teleborian ở chỗ người làm chứng đứng. Thẩm phán Iversen nhanh chóng làm xong phần thủ tục và Blomkvist tuyên thệ.
– Mikael, – Giannini nói rồi mỉm cười. – Xin ngài thẩm phán tha lỗi cho tôi, tôi thấy khó gọi anh trai tôi là ông Blomkvist, vậy tôi xin gọi bằng tên không.
Chị đi đến chỗ thẩm phán Iversen, hỏi lấy bản báo cáo pháp y tâm thần chị vừa trao cho ông. Rồi chị đưa nó cho Blomkvist.
– Trước đây ông đã trông thấy tài liệu này chưa?
– Có, tôi đã trông thấy. Tôi có ba bản của tôi như vậy. Bản thứ nhất tôi có ngày 12 tháng Năm, bản thứ hai ngày 19 tháng Năm và bản thứ ba – bản này – ngày 3 tháng Sáu.
– Ông có thể cho biết làm sao mà ông có chúng không?
– Tôi có các bản này là trong khả năng một nhà báo lấy ở nguồn tin mà tôi không định nói tên ra.
Salander nhìn trừng trừng Teleborian. Ông nom tái hơn cả xác chết.
– Ông đã làm gì với các báo cáo này?
– Tôi trao cho Torsten Edklinth ở Bảo vệ Hiến pháp.
– Cảm ơn ông, Mikael. Nay tôi muốn gọi Torsten Edklinth. – Giannini nói, lấy bản báo cáo về. Chị đưa nó cho thẩm phán Iversen rồi thủ tục cùng tuyên thệ lại diễn ra.
– Sĩ quan cảnh sát cao cấp Edklinth, có đúng là ông đã nhận một bản báo cáo pháp y tâm thần từ tay của Mikael Blomkvist không?
– Ðúng, có thể.
– Ông nhận nó lúc nào?
– Nó được gửi đến SIS ngày 4 tháng Sáu.
– Và nó chính là bản báo cáo tôi vừa đưa cho thẩm phán Iversen chứ?
– Nếu có chữ ký của tôi ở đằng sau thì là bản báo cáo đó.
Ông thẩm phán lật ngược tài liệu lại trông thấy chữ ký Edklinth.
– Sĩ quan cảnh sát cao cấp Edklinth, ông có thể nói rõ làm sao ông lại có trong tay một bản báo cáo pháp y tâm thần nói rằng đã phân tích một người bệnh đang bị biệt lập ở bệnh viện Sahlgrenska được không?
– Có, tôi có thể. Báo cáo của ông Teleborian là đồ giả. Nó được làm ra nhờ có một người tên là Jonas Sandberg tiếp tay, cũng y như hồi 1991 ông ta đã làm ra một tài liệu tương tự cùng với Gunnar Bjorck vậy.
– Nói dối, – Teleborian nói, giọng mềm oặt.
– Thế là nói dối ư? – Giannini nói.
– Không, không hề. – Edklinth nói. – Có lẽ tôi nên nói rằng Jonas Sandberg là người ở trong số một chục cá nhân hay hơn vừa bị bắt hôm nay theo lệnh của Tổng công tố viên. Sandberg bị bắt vì là kẻ đồng phạm trong vụ giết Gunnar Bjorck. Ông ta là thành viên trong một đơn vị tội ác hoạt động bên trong Cảnh sát An ninh, cơ quan đã che chở Zalachenko từ những năm 70. Cũng nhóm sĩ quan này đã chịu trách nhiệm về quyết định nhốt giam Lisbeth Salander năm 1991. Chúng tôi có bằng chứng không thể đảo ngược, kể cả lời thú nhận của người lãnh đạo nhóm này.
Phòng xét xử lặng ngắt, cứng khư lại hết.
– Ông Teleborian có muốn bình luận về những điều vừa nói đấy không? – Thẩm phán Iversen nói.
Teleborian lắc đầu.
– Trong trường hợp này, nhiệm vụ của tôi là bảo với ông rằng ông có cơ bị khởi tố về tội phản bội lời thề trước tòa cũng với các vi phạm khác có thể có, – thẩm phán Iversen nói.
– Thưa ngài thẩm phán, nếu như ngài thứ lỗi cho tôi, – Blomkvist nói.
– Vâng?
– Ông Teleborian còn có những vấn đề lớn hơn nữa. Bên ngoài phòng xét xử có hai vị sĩ quan cảnh sát muốn đua ông ấy đi thẩm vấn.
– Tôi hiểu, – thẩm phán nói.
– Vấn đề ấy có liên quan gì đến tòa án không?
– Thưa ngài thẩm phán, tôi tin là có.
Thẩm phán Iversen ra hiệu cho lục sự, ông này liền cho thanh tra Modig và một người phụ nữ vào. Công tố viên Ekstrom không nhận được ra họ ngay. Tên người phụ nữ là Lisa Collsjo, thanh tra hình sự của Cục Ðiều tra đặc biệt, đơn vị trong Tổng nha Cảnh sát Quốc gia chịu trách nhiệm điều tra các vụ dâm ô với trẻ con và tấn công tính dục trẻ con.
– Các vị đến đây có việc gì? – Thẩm phán Iversen nói.
– Chúng tôi đến đây để xin phép ông bắt Peter Teleborian chứ không mong muốn quấy rối tiến trình của phiên xét xử.
Iversen nhìn luật sư Giannini.
– Tôi chưa xong hẳn với ông ấy… nhưng chắc tòa nghe về ông Teleborian như vậy cũng đã đủ.
– Các vị được phép của tôi, – thẩm phán Iversen nói với hai sĩ quan cảnh sát.
Collsjo đi đến chỗ nhân chứng.
– Peter Teleborian, ông bị bắt vì vi phạm pháp luật về dâm ô với trẻ em.
Teleborian ngồi im, thở nặng nhọc. Giannini thấy hình như bao nhiêu ánh sáng trong mắt ông ta đều tắt ngóm.
– Ðặc biệt, vì sở hũu xấp xỉ tám nghìn ảnh dâm ô với trẻ con tìm thấy trong máy tính của ông.
Chị cúi xuống nhặt chiếc máy tính mà ông ta mang theo mình.
– Tịch thu cái này làm bằng chứng, – Chị nói.
Khi Teleborian bị dẫn giải ra ngoài phòng xét xử, con mắt rực sáng của Salander xoáy vào lưng ông ta.