Bí Mật Của Naoko

CHƯƠNG 16



MÁ CỦA NGƯỜI ĐÀN ÔNG VỪA ĐỨNG DẬY hơi co giật. Từ xa vẫn có thể nhận ra mặt ông ta nhễ nhại mồ hôi dầu. Mái tóc mỏng trông như miếng rong biển dán vào đầu cũng nhớp nháp mồ hôi. Chắc ông ta mê chơi golf hay sao mà cả một vùng trán rộng rám nắng hết cả. Tuy vậy trông ông ta vẫn khá nhợt nhạt.
“Bốn mươi đến bốn tư triệu…” Người đàn ông nói. Giọng ông ta nghe hơi lạ. Câu nói ấy đã phá vỡ bầu không khí tẻ ngắt. Nói cách khác, đó là dấu hiệu bắt đầu một cuộc giải phóng. Hirasuke không muốn ở đây chút nào. Nhưng gã không thể trốn được.
“…là khoản tiền chúng tôi định bồi thường. Tất nhiên cũng tùy theo độ tuổi và giới tính nữa để điều chỉnh thêm.”
Người vừa nói là Tomi, trưởng phòng hành chính công ty vận tải Okuro. Mặc dù ở phía nạn nhân nhưng Hirasuke thấy thương cho ông ta vì phải đảm nhận một vai diễn chẳng lợi lộc gì thế này. Ông ta không phải là người gây ra vụ tai nạn.
Như thường lệ, buổi đàm phán về số tiền bồi thường giữa gia đình các nạn nhân và công ty Okuro diễn ra tại phòng họp của một khách sạn ở Shinjuku. Đã ba tháng trôi qua kể từ sau vụ tai nạn. Phía gia đình nạn nhân có mặt khá đông đủ, cũng bởi hôm nay là thứ Bảy. Bên phía công ty vận tải, ngoài ông Tomi ra còn có năm người đại diện và luật sư cố vấn. Người phía công ty vận tải ngồi phía trên, đối diện là hàng ghế của gia đình các nạn nhân. Hirasuke nghĩ, trông thật giống một cuộc họp báo.
“Số tiền đó được quyết định dựa trên căn cứ nào vậy?” Mukai, luật sư phía gia đình các nạn nhân hỏi.
Ông Tomi, ban nãy đã ngồi xuống, giờ lại đứng dậy để trả lời:
“Vâng, chúng tôi đã đối chiếu với các vụ tai nạn trước đây. Mong các vị coi số tiền này gần như là mức tối đa công ty chúng tôi có thể chi trả. Bộ Giao thông vận tải cũng đã chỉ đạo chúng tôi phải bày tỏ thành ý hết mức có thể.”
Ông Hayashida, đại diện cho người nhà nạn nhân giơ tay:
“Mức tối đa này là tính trong trường hợp không may xảy ra những vụ tai nạn không lường trước được mà về cơ bản là công ty không có lỗi? Chẳng hạn như thời tiết đột nhiên xấu đi, bị xe khác cản đường v.v… Nhưng vụ tai nạn lần này có phải như thế đâu.”
“Ý ông là sao?”
“Đây không chỉ đơn thuần là vụ tai nạn, chúng tôi cho rằng đó là lỗi do con người. Mà chúng tôi còn coi nó tương đương với tội ngộ sát. Thì đúng là thế rồi còn gì. Để cho một tài xế mệt mỏi vì phải làm việc liên tục, không được nghỉ ngơi, lái một chiếc xe buýt như thế thì việc một lúc nào đó sẽ xảy ra tai nạn là điều rõ như ban ngày còn gì. Lấy tiền của khách rồi cho khách lên một cái xe như thế thì không phải là phạm pháp thì là gì nữa? Các anh cứ mặc kệ khách muốn ra sao thì ra à. Các anh làm một việc gần như là giết người như thế rồi bảo là giống như các vụ tai nạn trước đây, coi bộ ngon ăn quá nhỉ.”
Sau khi nói liền một hơi với giọng đầy phấn khích, ông Hayashida ngồi phịch xuống ghế.
Lẽ dĩ nhiên, gương mặt những người phía công ty vận tải đều trở nên khổ sở khi nghe vậy. Chẳng vui vẻ gì khi phải nghe những tò như ‘ngộ sát’, ‘giết người’, nhưng cũng có những sự thật mà họ không thể phủ nhận.
Cách đây vài hôm, Cục Tiêu chuẩn Lao động thông báo rằng họ đã gửi hồ sơ lên Viện Kiểm sát Tokyo vì nghi ngờ hai nhân viên của công ty vận tải Okuro đã vi phạm Luật Tiêu chuẩn Lao động. Trước đó, sở Giao thông Vận tải Kanto đã tiến hành cuộc điều tra đặc biệt về an toàn lao động đối với công ty Okuro và kết luận rằng công ty đã vi phạm công tác đảm bảo an toàn vận tải vì không thực hiện đúng lệnh cấm lái xe làm việc với cường độ cao. Kết quả là tám chiếc xe buýt của công ty bị cấm sử dụng trong bốn mươi ngày. Ngoài ra, kết quả điều tra còn cho thấy có bốn lái xe làm việc liên tục gần một tháng mà không có ngày nghỉ. Điều này đã vi phạm điều luật cấm lái xe làm việc quá sức trong ‘Quy định vận tải bằng xe ô tô’.
Ngoài ra, cảnh sát tỉnh Nagano tiếp tục điều tra trụ sở công ty Okuro với cáo buộc vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Tùy thuộc vào kết quả điều tra mà họ sẽ có những biện pháp xử lý tiếp theo.
Những điều này chắc hẳn có lợi cho phía nạn nhân nên ông Hayashida mới có thể mạnh mồm phát biểu như vậy.
“Thật là dơ bẩn. Không chịu nhận lỗi gì cả.” Người đàn ông ngồi bên cạnh Hirasuke nói. Đó là Fujisaki, người vừa mất cả hai cô con gái sinh đôi.
“Hôm kia tôi đọc trên báo, các anh bảo lái xe làm việc quá sức là do lỗi của chính họ à.”
“Vâng, chuyện đó là thế này.” Một người đàn ông phía công ty vận tải đứng lên. Từ đầu buổi họp, Hirasuke đã nghe giới thiệu ông ta là Kasamatsu, trưởng phòng quản lý vận tải của công ty. “Ý chúng tôi là việc làm quá nhiều không phải do phía Công ty yêu cầu hay ép buộc gì. Chính lái xe Kajikawa đã yêu cầu người lập thời gian.
Hirasuke nhìn Kasamatsu.
“Thật thế hả?” Fujisaki nói với giọng nghi hoặc. “Không biết có ai ham tiền đến độ muốn làm việc mà không cần nghỉ ngơi gì như thế hay không?”
“Sự thật là như thế. Chúng tôi đã tìm hiểu rồi.”
Giọng ông Kasamatsu có vẻ hơi nóng nảy.
Hirasuke nghĩ có lẽ đó là sự thật. Naoko đã nghe một trong hai lái xe nói với người còn lại là: “Anh kiếm nhiều tiền thế để làm gì?” Rõ ràng người này đang nói tới việc anh lái xe kia làm việc nhiều hơn mức bình thường.
Như vậy đúng là Kajikawa cần tiền. Nhưng không biết anh ta dùng tiền đó vào việc gì?
“Giả sử thế đi nữa thì người chịu trách nhiệm vẫn là phía công ty.” Đại diện phía gia đình các nạn nhân, luật sư Mukai nói. “Luật về tiêu chuẩn lao động không chỉ cấm việc ép buộc lao động quá sức mà còn cấm cả việc đồng ý khi chính người đó xin được lao động quá sức nữa.”
“Vâng, điều đó thì đúng như anh nói.” Kasamatsu cúi đầu. “Không phải chúng tôi muốn trốn tránh trách nhiệm, chúng tôi chỉ muốn nói rõ hơn vì có người hiểu lầm bài báo hôm trước. Nghĩa là chúng tôi không ép buộc gì anh Kajikawa cả.”
“Nhưng thế cũng gần như ép buộc rồi.” ông Hayashida nói. Trong tay ông ta cầm một mẩu giấy gì đó. “Tôi có số liệu của năm kia đây. Thời gian làm việc một tháng của tài xế xe buýt nhiều hơn thời gian làm việc trung bình của các ngành khác trên sáu mươi giờ. Thời gian làm việc ngoài giờ trung bình là năm mươi giờ nhiều gấp ba đến năm lần so với các ngành khác. Tại sao lại có tình trạng như vậy, đó là do lương cơ bản của họ thấp hơn các ngành khác. Vì vậy chỉ còn cách làm thêm để bù vào. Đặc biệt, xu hướng này có vẻ thấy rõ ở những người tầm ba, bốn mươi tuổi vì họ phải nuôi con. Công ty Okuro chắc cũng vậy phải không?”
Phía công ty Okuro im lặng, không ai lên tiếng phản đối. Có người còn cúi gằm mặt xuống.
“Thưa các vị,” Thấy câu chuyện đi chệch hướng nên ông Tomi, trưởng phòng hành chính, người bị gạt ra ngoài lề từ ban nãy lên tiếng “vậy phía gia đình nạn nhân muốn số tiền bồi thường là bao nhiêu?”
Bốn người đại diện, trong đó có ông Hayashida thì thầm hội ý với luật sư Mukai. Bọn họ ngồi cùng một hàng ghế. Về cơ bản, những gia đình khác đều tỏ ý để họ quyết định mọi việc.
Cuối cùng luật sư Mukai lên tiếng:
“Về tiền bồi thường thì tất cả các gia đình đều nhất trí rằng sẽ chia đều, không phân biệt tuổi tác và giới tính. Cụ thể là bao nhiêu thì sau khi đã bàn bạc nhiều lần, chúng tôi đã thống nhất được số tiền và không muốn một con số thấp hơn. Đó là tám mươi triệu yên.”
Những câu chữ được thốt ra như một cú búa tạ giáng xuống những người phía công ty vận tải. Họ cúi gục xuống. Ông giám đốc, người có trách nhiệm cao nhất ở đấy ôm lấy mái đầu bạc trắng, ông này mới được bổ nhiệm thay ông giám đốc cũ rút lui mấy hôm trước, nhưng có thể thấy là ông ta chẳng vui vẻ gì khi ở cương vị mới.
Hirasuke chán nản khi thấy cuộc thương lượng sẽ còn kéo dài.
Cuộc đàm phán hôm nay dừng lại ở việc phía công ty Okuro sẽ xem xét đề nghị của phía nạn nhân. Hirasuke không rõ mọi việc có phải đang diễn ra theo chiều có lợi cho phía gia đình các nạn nhân hay không. Tuy nhiên nhìn vẻ mặt của mấy người đại diện và luật sư Mukai thì có vẻ như họ đã tiến được một bước.
Hirasuke ra khỏi phòng họp thì thấy người phía công ty Okuro đang sắp xếp tài liệu ở hành lang. Ông trưởng phòng quản lý vận tải Kasamatsu đang một mình ghi chép gì đó ở một góc riêng. Hirasuke tiến lại gần phía ông Kasamatsu: “Xin lỗi ông.”
Nét bối rối hiện lên trong mắt Kasamatsu, có lẽ ông ta không ngờ có người từ phía gia đình nạn nhân gọi mình. Sau khi nhìn Hirasuke một lượt từ chân lên đầu, ông ta trả lời: “Vâng.”
“Ban nãy ông có bảo tài xế Kajikawa tự mình muốn làm việc thêm giờ phải không?”
“Vâng.”
“Phải chăng anh Kajikawa cần tiền cho việc gì đó nên mới làm vậy? Hoặc ông có nghe được chuyện gì đó xung quanh việc này không?”
“Tôi cũng không nghe được chi tiết gì liên quan đến chuyện đó từ người phụ trách.” Ông Kasamatsu không giấu vẻ bối rối. Có lẽ ông ta đang tự hỏi tại sao một người phía gia đình nạn nhân lại quan tâm tới việc này.
Đúng lúc ấy có tiếng gọi từ phía sau lưng Hirasuke: “Anh Sugita!”
Gã quay lại thì thấy ông Hayashida. Hirasuke cảm ơn ông Kasamatsu rồi quay lại chỗ ông Hayashida.
“Anh Sugita này, làm thế không hay đâu. Anh đừng nói chuyện riêng với người phía bên đó.” Ông cán sự nhíu mày.
“Vâng, tôi xin lỗi.” Gã thầm nghĩ đây không phải là chuyện cá nhân mà là chuyện liên quan đến nguyên nhân vụ tai nạn.
Đối với Hirasuke thì số tiền bồi thường bao nhiêu chẳng quan trọng. Tất nhiên không phải là gã không muốn nhận, đương nhiên càng được bồi thường nhiều thì càng tốt. Nhưng gã không muốn tốn thời gian và nghĩ nhiều về chuyện này. Điều khiến gã sốt ruột hơn chính là nguyên nhân vụ tai nạn vẫn chưa được làm rõ. Người ta đã phát hiện ra rằng do tài xế làm việc quá sức nên gây ra tai nạn. Tuy nhiên nguyên nhân tại sao đã làm nhiều rồi mà anh ta vẫn muốn xin làm nữa thì vẫn còn chưa sáng tỏ. Vì muốn có tiền? Thì hẳn là thế rồi. Nhưng sao lại muốn có tiền? Vì muốn ăn tiêu? Vì nợ nần? Vì có bồ? Hay vì cờ bạc? Hirasuke muốn biết tại sao. Chừng nào chưa tìm hiểu rõ được điều đó thì gã chưa hoàn toàn chấp nhận được tình cảnh hiện tại.
Gã trông thấy Fujisaki đang hỏi chuyện luật sư Mukai. Gã nghe lõm bõm câu được câu chăng. Có vẻ như ông Fujisaki muốn bảo đòi ít nhất một trăm triệu yên cũng được chứ sao. Tay luật sư thoáng ngại ngần, giải thích rằng tám mươi triệu yên cũng là một con số khá lớn rồi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.