Nghiên cứu phân tâm học
5. Khuynh hướng nhắc lại làm trở ngại nguồn gốc khoan khoái
Lớp ngoài cùng là điểm đến của những khích động tự bên ngoài hay bên trong đập vào não cân, vì lớp ngoài cùng đó không có phòng tuyến tự vệ chống lại những khích động bên trong cho nên sự tràn lan của những khích động ấy trở nên quan trọng và thường gây ra những xáo trộn về tổ chức và điều động có thể đồng hóa với bệnh suy nhược thần kinh ngoại thương. Một số lớn nguồn gốc của những khích động bên trong là xu hướng, khuynh hướng, bản năng của thân xác, những ảnh hưởng khác bắt nguồn từ bên trong thân xác rồi lan tràn vào bộ máy tâm thần, những ảnh hưởng ấy là trở ngại quan trọng nhất mà cũng tối tăm khó hiểu nhất cho công việc tìm tòi phân tâm học.
Có lẽ chúng ta không đến nỗi táo bạo nếu chúng ta khẳng định rằng ảnh hưởng của xu hướng và bản năng sẽ phát hiện ra những tiến trình thần kinh không liên kết, nghĩa là những tiến trình được tự do diễn tiến cho đến khi hết tinh lực hoàn toàn. Những điều chúng tôi biết rõ hơn cả về những tiến trình ấy đều thu lượm được khi nghiên cứu sự diễn biến của giấc mơ. Quả vậy, công việc nghiên cứu cho ta biết rằng những tiến trình xảy ra trong các hệ thống tiềm thức khác hẳn những tiến trình xảy ra trong các hệ thống (tiền) ý thức, trong tiềm thức những lượng tinh lực dễ di chuyển, dễ đổi chỗ, dễ đọng lại; tất cả những biến đổi ấy nếu xảy ra trong những vật liệu ý thức sẽ có kết quả lầm lỗi và tồi tệ. Những sự biến đổi ấy là nguyên nhân của những điều quái dị trong giấc mơ hiển hiện, tiềm thức dùng những dấu vết tiền ý thức của những sự việc ban ngày để cấu tạo ra những cái quái dị ấy. Chúng tôi gọi những tiến trình như di chuyển, đổi chỗ, đọng lại, xảy ra trong tiềm thức là “tiến trình nguyên thủy” để phân biệt với tiến trình nhị đẳng xảy ra trong lúc chúng ta thức. Vì xu hướng và bản năng đều thuộc về những hệ thống tiềm thức cho nên chúng ta chẳng biết gì hơn nếu bảo rằng chúng vâng theo những tiến trình nhị đẳng; vàả chăng, chúng ta cũng chả cần phải suy nghĩ nhiều cũng có thể đồng nhất hóa tiến trình tâm thần nguyên thủy với lượng tinh lực tự do, còn tiến trình nhị đẳng thì đồng nhất hóa với những sự biến đổi xảy ra cho lượng tinh lực liên kết hay là tinh lực lộ hình tích của Breuer[1]. Như vậy thì nhiệm vụ của những lớp trên bộ máy tâm thần là liên kết những khích động bản năng theo tiến trình nguyên thủy. Trong trường hợp thất bại thì sẽ xảy ra một số xáo trộn giống như bệnh suy nhược thần kinh ngoại thương, chỉ khi nào những lớp trên làm đầy đủ nhiệm vụ, nguyên tắc khoan khoái mới có thể làm chủ tình thế hẳn hoi (nguyên tắc thực tại cũng là một hình thức biến đổi của nguyên tắc khoan khoái). Trong khi chờ đợi, bộ máy tâm thần có sứ mạng làm chủ các khích động, liên kết lại với nhau, việc làm của nó không chống lại nguyên tắc khoan khoái, nó chỉ đứng độc lập và phần nào không kể đến nguyên tắc khoan khoái.
[1] Xin coi thiên VII cuốn Traumdeutung của chúng tôi. “Psychologie der Traumvorgänge”.
Quan sát những hoạt động đầu tiên của tâm thần trẻ em và kinh nghiệm trị bệnh đã cho chúng tôi biết rằng những phát hiện của khuynh hướng nhắc lại có sắc thái bản năng rất cao độ, và khi nào thì chúng có sắc thái ma trêu quỷ ám. Đối với trò chơi trẻ em chúng tôi cho rằng đứa trẻ tái tạo và nhắc lại một sự tình khó chịu là để có thể hành động, là để làm chủ một ấn tượng mạnh mẽ mà nó đã trải qua, nếu chỉ có thái độ thụ động thì nó chỉ có thể hứng chịu ấn tượng đó. Mỗi lần nó nhắc lại hầu như nó xác định quyền chủ động của nó; cả đến những sự tình khó chịu nó cũng nhắc lại và tái tạo cho thật đúng hoàn toàn với ấn tượng. Sau này nét tính tình ấy sẽ biến mất. Một câu khôi hài lý thú nghe đến lần thứ hai đã chán rồi, một vở kịch xem lại lần thứ hai không cho ta cảm tưởng như lần thứ nhất. Hơn thế: khó lòng mà bảo một người đọc lại cuốn sách họ vừa mới đọc xong mặc dù họ lấy làm thích thú. Đối với người lớn thì sự mới lạ bao giờ cũng là điều kiện để thưởng thức. Trái lại, đứa trẻ không cho là chán khi bắt người lớn nhắc lại mãi trò chơi đã chỉ cho nó và chơi với nó; khi đã kể cho nó nghe một truyện hay, nó chỉ muốn nghe lại mà không muốn nghe truyện nào khác, nó để ý xem người kể có nhắc lại đúng từng chữ không, nêu ra từng điểm nói khác lần trước không. Như thế không có gì là đối lập với nguyên tắc khoan khoái, bởi vì sự nhắc lại, sự tìm thấy tính cách đồng nhất trong việc tái tạo tình trạng cũ đối với nó là một nguồn khoan khoái rồi. Trái lại trong trường hợp người bệnh đến cho ông thầy phân tích thì hẳn là khuynh hướng tái tạo những biến cố trong thời kỳ thơ ấu đứng độc lập đối với nguyên tắc khoan khoái dưới đủ mọi phương diện, có thể nói là vượt qua nguyên tắc ấy. Lúc ấy người bệnh xử sự y như đứa con nít, điều đó chỉ cho ta thấy rằng những dấu vết bảo thức năng bị dồn nén và liên quan đến những kinh nghiệm tâm thần đầu tiên của họ đều không có ở trạng thái liên kết, và trong một phạm vi nào đó cũng không thích hợp với những tiến trình nhị đẳng. Cũng vẫn khuynh hướng nhắc lại xuất hiện trước mắt ông thầy như một trở ngại cho việc trị bệnh, khi hết thời kỳ chữa chạy, ông thầy muốn cho người bệnh thôi hẳn không cần đến mình nữa; ta có thể giả thiết rằng khuynh hướng ấy xác nhận vì người bệnh lo lắng lờ mờ, lo sợ như những người không quen với tâm phân nghiệm sợ rằng ông thầy đánh thức giấc những cái mà họ cho là cứ để chúng ngủ yên có lẽ lại hơn.
Nhưng bản chất những liên lạc giữa xác định bản năng và khuynh hướng nhắc lại thế nào? Chúng ta có thể nghĩ rằng đây là một vết tích, một đặc tính chung của khuynh hướng, mà có lẽ của đời sống thể chất, nhưng chúng ta không biết lắm hay ít ra chưa diễn thành lời. Một bản năng chỉ có thể là nét vẻ của một khuynh hướng mật thiết với một thân thể sinh sống và thúc đẩy nó tái tạo một trạng thái cũ mà nó bị bắt buộc phải lìa bỏ vì ảnh hưởng bên ngoài gây xáo trộn; hay có thể nói là nét vẻ của một thứ co giãn thể chất, của nọa tính đời sống thể chất[2].
[2] Có lẽ những giả thiết tương tự về bản chất của bản năng đã được nhiều tác giả khác đưa ra.
Một quan niệm về bản năng như thế có vẻ kỳ dị, bởi vì chúng ta đã quen thói coi bản năng là một yếu tố thay đổi và phát triển chứ không phải cái gì trái lại, nghĩa là yếu tố bảo tồn. Vả chăng, đời sống động vật cho ta biết những sự kiện hầu như xác định sự tất định lịch sử của bản năng. Trong mùa sinh sản, một vài loại cá bơi đi rất xa để đẻ trứng ở những nơi nhất định cách biệt nơi sinh sống thường nhật xa lắm, theo một vài nhà sinh vật học thì chúng tìm đến những nơi ở cũ đã phải bỏ để đến ở những nơi mới. Cả những loại chim có lệ di trú đi xa cũng vậy, nhưng có thể khỏi tìm những thí dụ khác, chúng ta chỉ cần nhớ lại những hiện tượng di truyền, và những sự kiện phôi thai học (embryologie), đó là những bằng chứng ý nghĩa về khuynh hướng nhắc lại của thân thể. Chúng ta biết rằng mầm non (germe) của con vật sinh sống trong thời gian triển khai cần phải tái tạo – dù nhanh chóng qua loa – tất cả những cơ cấu hình thức của tổ tiên nó, đáng lẽ nên chọn con đường ngắn nhất đi đến hình dáng hiện thời. Đó là một tiến trình chỉ có một phần nhỏ có thể đứng về phương diện vật chất mà cắt nghĩa trong những tiến trình ấy yếu tố lịch sử đóng một vai trò không phải không đáng kể. Khả năng tái tạo đã đi rất xa đối với loài động vật, thí dụ như trong trường hợp một cơ quan bị phá hủy, con vật tạo ra một cơ quan khác y như cơ quan đã mất.
Nhưng người ta sẽ nói rằng không có gì cản trở chúng ta chấp nhận rằng trong thân thể con vật cũng còn những khuynh hướng bảo tồn thúc giục nó nhắc lại những khuynh hướng mà tác động phát hiện ra sự cấu tạo mới và sự tiến hóa dần dần. Sự chỉ trích ấy đáng quan tâm, chúng tôi sẽ chú trọng đến nó sau này. Nhưng trước hết chúng tôi thử suy diễn giả thuyết của chúng tôi xem nó đưa đến những hậuệ quả nào, chúng tôi đặt giả thuyết rằng các bản năng đều phát hiện ra khuynh hướng tái tạo cái gì đã có trước. Người ta có thể chỉ trích những kết luận của chúng tôi xa xôi quá và nhuốm vẻ huyền bí: sự chỉ trích ấy khó lòng lay chuyển được chúng tôi vì chúng tôi chỉ có chủ tâm tìm những kết quả tích cực hay chỉ chú trọng đến những quan điểm xây dựng trên những kết quả ấy và chúng tôi cố gắng tìm sự phối kiểm để làm cho những quan điểm ấy càng chắc chắn càng hay.
Vậy thời, nếu những bản năng thể xác là những yếu tố bảo tồn sở đắc qua thời gian, và nếu chúng hướng về sự thoái lui, về sự tái tạo một trạng thái cũ, thì chúng tôi chỉ có thể cho rằng thể xác tiến hóa như thế, nghĩa là tiệm tiến, ấy là vì ảnh hưởng của những yếu tố ở ngoài làm xáo trộn thể xác và làm cho nó không theo khuynh hướng ngưng đọng nữa. Con vật sinh sống đơn sơ hẳn là sẽ mãi mãi như vậy kể từ lúc mới hiện hữu, nó không muốn đòi hỏi gì hơn là giữa được một lối sống đều đặn trong những điều kiện không thay đổi. Nhưng phân tích đến cùng thì có lẽ sự tiến triển của trái đất và sự liên lạc của trái đất với mặt trời đã có vang dội đến sự tiến hóa của thân xác con vật. Những bản năng thân xác bảo tồn đều hấp thụ những biến cải của đời sống mà nó bắt buộc phải chấp nhận, nó giữ lấy để nhắc lại; chính vì thế mà chúng ta có cảm tưởng sai lầm rằng đó là những lực lượng hướng về sự thay đổi và sự tiến hóa, nhưng thực ra chúng chỉ tìm cách thực hiện một mục tiêu cũ theo những đường lối có thể mới mà cũng có thể cũ. Vả chăng chúng ta có thể đoán được rằng tất cả cái gì là thân xác sẽ hướng về cứu cánh nào. Có lẽ đời sống chống lại tính bảo tồn của bản năng nếu mục tiêu mà đời sống muốn đạt là một trạng thái hoàn toàn xa lạ với nó. Mục tiêu ấy sẽ được đại diện bằng một trạng thái cũ, một trạng thái khởi sự mà đời sống đã bỏ từ lâu nhưng vẫn tìm cách quay về đó bằng những lối ngoắt ngoéo của sự tiến triển. Nhân danh một sự kiện thực nghiệm không có ngoại lệ, nếu chúng ta chấp nhận rằng tất cả cái gì sinh sống đều trở lại trạng thái vô sinh cơ, đều chết vì những lý do nội tại, thì chúng ta có thể nói rằng đời sống nào cũng hướng về sự chết; và ngược lại: cái không sinh sống có trước cái sinh sống.
Vào một lúc nào đó, một sức lực mà chúng ta chưa thể biết được đã thức tỉnh những đặc tính của đời sống trong vật chất vô hồn. Có lẽ có một tiến trình kiểu mẫu tương tự, sau này làm phát sinh cái gọi là lương tâm trong một lớp nào đó của chất sinh sống. Sự mất thăng bằng xảy ra trong vật chất vô hồn đã gây ra khuynh hướng xóa bỏ trạng thái áp bức mà nó đang phải chịu, đó là khuynh hướng đầu tiên trở về trạng thái vô hồn. Vào giai đoạn đầu chất sinh sống rất dễ chết; con đường sống quyết định bởi cơ cấu hóa chất của đời sống hẳn là không lâu la gì. Trong một thời gian lâu, hẳn là chất sinh sống sinh ra, tái sinh và chết đi dễ dàng, cho đến khi những yếu tố quyết định bên ngoài đã biến đổi để có thể làm cho chất sinh sống sống sót được phải đi khác con đường sinh sống nguyên thủy, phải bước vào những ngách quanh co mới đến được mức cuối cùng tức là sự chết. Đời sống đi đến sự chết bằng những chặng quanh co theo rất đúng bản năng bảo tồn, chính những chặng quanh co ấy là cái gì ngày nay xác nhận dưới mắt chúng ta như một toàn đồ của những hiện tượng sống. Người ta chỉ có thể tiến gần nguồn gốc và mục tiêu của đời sống bằng những giả thuyết ấy mà thôi, nếu gán cho bản năng một tư cách bảo thủ thuần túy và duy nhất.
Những cách diễn dịch để giải thích những nhóm lớn bản năng mà chúng ta cho là nền tảng những hiện tượng sinh sống của thân thể cũng không kém vẻ lạ lùng. Khi chủ trương sự hiện hữu của những bản năng bảo tồn mà chúng ta gán cho tất cả các vật sinh sống, chúng ta có vẻ như đứng đối lập với giả thuyết rằng đời sống theo bản năng muốn lôi kéo con vật sinh sống về cõi chết. Quả vậy, bản năng bảo tồn, bản năng tạo uy thế, bản năng tự xác định, sẽ không còn ý nghĩa lý thuyết nếu người ta áp dụng giả thuyết trên; đó là những bản năng bán phần mà thân thể sử dụng làm phương tiện duy nhất để trở về cõi chết, để tránh khỏi những hướng đi khác, ngoài hướng đi nội tại của nó là trở về cõi chết. Còn như khuynh hướng bí hiểm của thân thể là khuynh hướng tự xác định bất kể cái gì và chống lại bất cứ cái gì, khuynh hướng ấy tiêu tan đi vì không hợp với một mục đích phổ quát hơn, bao quát hơn. Thân thể chỉ muốn chết theo cách chết của nó; những tên lính bảo vệ sự sống là bản năng, thuở ban đầu chỉ là những thuộc hạ của sự chết. Và chúng ta đứng trước một tình trạng nghịch thường là thân thể sinh sống hết sức chống lại những ảnh hưởng (nguy hiểm) có thể giúp nó đặt mục đích bằng những đường lối ngắn hơn, đó là một thái độ đặc biệt của những khuynh hướng bản năng đứng đối lập với những khuynh hướng trí tuệ[3].
[3] Sau này chúng tôi bớt cái nhìn cực đoan trong quan niệm về bản năng bảo tồn.
Nhưng thực sự nó như vậy chăng? Chúng tôi xét định những khuynh hướng dục tính dưới một nhỡn quan khác và chúng tôi dành cho lý thuyết bệnh suy nhược thần kinh một chỗ đứng riêng. Không phải con vật nào cũng có một động lực thúc đẩy nó tiến tới và quyết định sự tiến triển của nó. Cho đến ngày nay nhiều con vật còn giữ nguyên giai đoạn tối sơ của chúng, ngày nay người ta còn thấy có nhiều con vật không đại diện cho cái gì là nguồn gốc của động vật và thảo mộc thượng đẳng. Trong số những cơ thể đơn sơ họp thành thân thể một con vật thượng đẳng cũng thế, có những cơ thể không hoàn thành cuộc tiến triển đưa đến sự chết tự nhiên. Chính vì thế mà chúng tôi có lý do để cho rằng những tế bào mầm giống (cellules germinales) giữa được cơ cấu nguyên thủy của chất sống và đến lúc nào đó thì rời khỏi thân thể, chúng giữ nguyên vẹn đặc tính di truyền và mới sở đắc; có lẽ nhờ hai tính di truyền và mới sở đắc mà những tế bào mầm giống có khả năng sống độc lập. Đặt vào chỗ có điều kiện thuận lợi tế bào giống lại bắt đầu phát triển, nghĩa là diễn lại tiến trình nhờ đó mà nó sinh ra, sau đó một phần chất của nó theo đuổi sự phát triển đến đầu đến đũa, còn phần kia trở thành một phần mầm giống còn lại, sẽ tái khởi sự tiến triển từ điểm nguồn cội. Chính vì thế mà những tế bào giống chống lại sự chết của chất sống và hình như làm cho chất sống có một cái mà chúng tôi gọi là bất tử tiềm thế, tuy rằng đây có lẽ chỉ là sự kéo dài con đường đưa đến cõi chết. Điều có ý nghĩa đặc biệt đối với chúng tôi là tế bào giống muốn hoàn thành sứ mạng phải hòa lẫn với một tế bào giống khác vừa giống nó lại vừa khác nó, hay ít ra được nó tăng sức hay thúc đẩy.
Nhóm bản năng dục tính gồm những bản năng chỉ đạo số phận của những tế bào giống sống sót lại sau khi con vật chết, bảo vệ sự an toàn và sự thuần khiết của tế bào giống khỏi ảnh hưởng của thế giới bên ngoài, bảo vệ sự kết hợp của chúng với những tế bào giống khác. Những bản năng dục tính cũng bảo thủ như các bản năng khác trong phạm vi chúng tái tạo những trạng thái cũ của chất sinh sống, nhưng chúng tỏ ra bảo thủ cao độ hơn nhờ chúng có khả năng chống cự ảnh hưởng bên ngoài mạnh hơn và giữ được sự sống trong một thời gian khá lâu[4]. Đó là những bản năng sinh sống theo đúng nghĩa của danh từ; chúng hoạt động chống lại khuynh hướng của những bản năng khác, những bản năng khác đưa cơ thể đến cõi chết, chúng đứng vào cái thế đối lập với những bản năng khác, phân tâm học đã hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng từ lâu. Đời sống diễn ra một nhịp luân phiên như sau: một nhóm bản năng hấp tấp tiến tới hầu đạt được mục đích tối hậu của đời sống càng sớm càng hay, nhóm khác sau khi đã tiến tới giai đoạn nào đó trên đường tiến ấy thì lộn trở lại để rồi tiến tới nữa vẫn theo con đường ấy, làm như vậy nó kéo dài cuộc hành trình. Tuy rằng dục tính và sự khác biệt giống đực giống cái hẳn là chưa có khi mới khởi sự sống, nhưng cũng có thể rằng những bản năng trở thành nam nữ tính ở một giai đoạn sau, lúc thoạt kỳ thủy đã có mặt rồi và lúc ấy đã hoạt động đối lập với hoạt động phối hợp của những “bản năng của cái Tôi”.
[4] Tuy nhiên, đây là những bản năng duy nhất có thể coi là quyết định sự “tiến bộ” và đạt tới những trạng thái cao (sau này sẽ nói tiếp).
Nhưng chúng ta hãy trở lại những lời đã bàn để xét lại xem có đặt trên một căn bản vững chắc hay không. Ngoài những bản năng dục tính có còn những bản năng khác hoạt động theo chiều hướng tái tạo một trạng thái cũ, có những bản năng khác nữa muốn đạt tới một tình trạng chưa bao giờ có chăng? Trong thế giới hữu sinh cơ (sự sinh sống xét về phương diện vật chất duy nhất) tôi không hề biết một thí dụ chắc chắn nào tương nghịch với đặc điểm mà tôi đưa ra cả. Hẳn là ta không thể gán cho động vật và thực vật một khuynh hướng phát triển tiệm tiến, tuy rằng sự phát triển ấy có thực không thể chối cãi được. Khi chúng ta nói rằng giữa giai đoạn này hơn giai đoạn kia hay ngược lại, thực ra chúng ta chỉ xét định chủ quan: điều đó cũng có thực và cũng không thể chối cãi được. Vả lại khoa học về đời sống cũng dạy ta rằng sự tiến bộ về phương diện này sẽ bị phương diện khác “cầm chừng” hay gánh chịu hậu quả. Ngoài ra, còn nhiều hình thức động vật mà những trạng thái trẻ trung chứng thực rằng sự phát triển có tính cách thoái lui. Sự phát triển tiệm tiến (évolution progressive) cũng như sự thoái lui đều là hậu quả của sự thích ứng, những động lực ở ngoài ép buộc con vật phải thích ứng, tgrong cả hai trương hợp vai trò của bản năng chỉ có việc tàng trữ những biến cải mà cơ thể bắt buộc phải nghe theo và đổi ra thành nguồn khoan khoái.[5]
[5] Ferenczi đi một con đường khác cũng đi đến kết luận rằng có thể chấp nhận được cách nhìn ấy (“Entwicktungsstufen des Wirklichkeitssinnes”, Internationale Zeitschr. f. Psychoanalyse, 1, 1913): Thúc đẩy cách lý luận này cho đến những hậu quả mới cũng có thể cho là hữu lý được, người ta sẽ làm quen với ý tưởng sau đây: đời sống vật chất của cơ thể cũng bị chi phối bởi một khuynh hướng nọa tính và thoái lui, còn như khuynh hướng tiệm tiến, khuynh hướng thích ứng… chỉ xuất hiện vì có những khích động bên ngoài (T. 137).
Nhiều người không thể bỏ qua sự tin tưởng rằng có một khuynh hướng nhắm vào chí toàn thiện nhờ đó loài người có được khả năng trí tuệ và thăng hoa đạo đức như ngày nay, và cứ theo đà ấy thì loài người có quyền chờ đợi con người này nay sẽ tăng tiến liên tục cho đến lúc trở thành một siêu nhân. Tôi xin thú thực rằng tôi không tin có một khuynh hướng bên trong như thế và tôi không thấy có lý do nào để giữ lại ảo tưởng tốt lành ấy cả. Theo ý tôi sự tiến hóa của loài người như đã diễn ra cho tới ngày nay không cần sự giải thích nào khác cách giải thích loài vật, nếu có một thiểu số người hầu như bị một khuynh hướng mạnh mẽ thúc đẩy họ tiến tới những mức độ toàn thiện mỗi ngày một cao hơn, không thể cưỡng lại được, thì tất nhiên chúng ta sẽ giải thích đuợc rằng đó là hậu quả của sự ức chế bản năng, tất cả cái gì là nghiêm chỉnh trong nền văn hóa của nhân loại đều căn cứ vào sự ức chế bản năng. Bản năng bị dồn nén không bao giờ chịu bỏ sự đòi hỏi thỏa mãn hoàn toàn, nó nhắc lại một sự thỏa mãn tối sơ; tất cả mọi cách tìm cái gì thay thế thỏa mãn tối sơ hay phản ứng lại, tất cả những cách thăng hoa bản năng, đều không thể chấm dứt được trạng thái căng thẳng liên miên của nó, chính đó là cái gì đóng vai trò một sức kích thích cơ thể khiến cho cơ thể không bằng lòng một tình trạng đã có dù tình trạng ấy tốt hay xấu, sức kích thích ấy “không ngớt thúc đẩy nó luôn luôn tiến tới”, nói theo ngôn từ của thi gia (Faust, I). Con đường trở lại sau, trở lại sự thỏa mãn đầy đủ thường thường bị cản trở bởi sự chống cự của hiện tượng dồn nén, bởi vậy cơ thể chỉ còn cách tiến theo hướng khác còn để trống, tuy nhiên nó cũng không hy vọng đến đầu đến đũa và không bao giờ đạt đến đích. Những tiến trình làm cho xuất hiện bệnh nhược thần kinh sợ sệt (phobie névrotique), xét cho cùng không phải là cái gì khác là sự cố gắng trốn tránh việc thỏa mãn một xu hướng, thí dụ ấy cho ta thấy rõ do đâu mà phát sinh cái gọi là “khuynh hướng đi đến toàn thiện”, tuy nhiên chúng ta không thể cho rằng tất cả mọi người đều có khuynh hướng ấy. Điều kiện năng động của khuynh hướng ấy thì hầu như ở đâu cũng có, nhưng điều kiện điều động và tổ chức thì ít khi thuận lợi.
Tuy nhiên, chúng ta nên nghĩ đến một việc có thể xảy ra: sự cố gắng của bản năng sinh sống (EROSros) là tập hợp những đơn vị cơ thể để lập ra những toàn bộ rộng mãi ra, việc ấy có thể coi là để bù lại sự khiếm khuyết một “khuynh hướng đi đến toàn thiện”. Những cố gắng của cái EROSros và những hậu quả của sự dồn nén có thể đem lại cho ta sự giải thích những hiện tượng mà người ta vẫn thường cho là thuộc về khuynh hướng toàn thiện.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.